Thiên Sơn Mộ Tuyết

Chương 16

Trước Sau

break
Tôi nằm viện để bác sĩ theo dõi tình hình thêm một ngày rồi xuất viện, còn trẻ nên tôi phục hồi rất nhanh. Hai tuần sau, tôi về trường đi học, suốt ngày nghe bài ca bất hủ của Duyệt Oánh khuyên tôi nên tĩnh dưỡng hẳn một tháng, nhưng kệ, tôi chỉ sợ bỏ nhiều tiết học sẽ đuổi không kịp bài vở.

Trước mặt tôi, Triệu Cao Hưng lỡ miệng kể Mộ Chấn Phi đã bay về Hồng Kông, hình như nhà anh có chuyện. Ban đầu, tôi chẳng mấy bận tâm nhưng sau đó, tôi tình cờ lên mạng đọc được tin tức về một ngân hàng đầu tư vừa vỡ nợ. Trong tình hình kinh tế suy thoái như hiện nay, ngân hàng vỡ nợ cũng chẳng phải chuyện động trời nhưng tôi biết Mạc Thiệu Khiêm có kha khá cổ phần ở ngân hàng này.

Đại gia cũng có lúc rơi vào cảnh nước sôi lửa bỏng cơ đấy. Tác động của Cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn lan rộng toàn cầu, cuộc sống đúng là có phần chật vật hơn nhưng dân đen thì đâu chịu ảnh hưởng nhiều, nhất là đám sinh viên cả ngày bận vắt chân lên cổ, không lên lớp thì cũng phải viết báo cáo thí nghiệm như tôi.

Thứ tư này, khoa tôi tổ chức một buổi tọa đàm chuyên nghành tại hội trường khoa, do một chuyên gia ngành Khoa học vật liệu chủ tọa. Cũng như bao sinh viên khác, tôi và Duyệt Oánh háo hức tới nghe giảng, hôm đó cả khán phòng chật kín người.

Vị chuyên gia trong ngành Khoa học vật liệu ấy họ Tưởng, cô là hình tượng phụ nữ điển hình của ngành Kỹ thuật, với trang phục gọn gàng đơn giản, tuổi tầm ngoại ngũ tuần. Cô diễn giải các vấn đề chuyên ngành một cách mạch lạc, dể hiểu, chi tiết, cặn kẽ, gây tác động lớn đến nhiều sinh viên, chẳng mấy chốc, bầu không khí đã trở nên sôi nổi. Giáo sư Tưởng từng công tác nhiều năm tại phòng nghiên cứu vật liệu tiên tiến của Đức, là người có bề dày kinh nghiệm trong ngành, phương pháp nghiên cứu tình huống của cô luôn mang tính thực tiễn cao, khiến tất cả sinh viên đều tập trung lắng nghe, tôi cũng không ngoại lệ.

Đến giữa trưa, tọa đàm mới kết thúc, sở dĩ buổi nói chuyện kéo dài hơn so với dự kiến hai mươi phút là bởi có quá nhiều người đặt câu hỏi. Sau tọa đàm, Tôi và Duyệt Oánh vừa rời chỗ ngồi thì thầy giáo đứng giữa lối đi gọi đích danh tên tôi:

- Đồng Tuyết, em nán lại đã.

Chằng biết có chuyện gì, chắc lại bưng bê trà nước gì đó, nhiều lúc thầy cũng hay đánh đồng đội lễ nghi với đội tạp vụ. Tôi bèn đưa cặp sách cho Duyệt Oánh cầm về trước, còn mình nán lại.

Thì ra thầy bảo tôi ở lại là do giáo sư Tưởng đề nghị. Cô ấy nhìn tôi đầy áy náy:

- Hai cô cháu mình tìm chỗ nào đó vừa ăn vừa nói chuyện được không?

Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi đưa cô ấy đến Lầu Minh Nguyệt, vốn là khách sạn do trường rót vốn xây dựng, làm nơi chuyên đón tiếp lãnh đạo cấp cao và các chuyên gia đa ngành. Hiển nhiên phòng ăn ở đó xịn hơn căn tin trường gấp n lần. Giáo sư Tưởng bao hẳn một phòng, phục vụ đem thực đơn vào, cô ấy chỉ nhìn lướt qua rồi gọi đại vài món.

Tôi bưng cốc trà, lòng thấp thỏm không hiểu sao vị giáo sư tiếng tăm lẫy lừng trong ngành, có thâm niên nghiên cứu ở Đức này lại tìm tôi.

Nếu được cô ấy chọn làm nghiên cứu sinh thì còn gì bằng, khi đó tôi có thể sang Đức, đến một nơi hoàn toàn mới lạ, chỉ cần xa được nơi này, tôi nguyện vứt bỏ mọi gánh nặng trong lòng, không bao giờ về nữa.

Khổ nỗi làm gì có chuyện tuyệt vời thế, nghĩ đến đó, tôi không nén được tiếng thở dài.

Giáo sư Tưởng để ý tôi nãy giờ, cô ấy hơi nhăn mặt khi thấy tôi thở dài:

- Thanh niên mà thở vắn than dài gì vậy?

Bất giác, tôi ngồi thẳng lưng, kính cẩn nghe cô ấy dạy bảo.

- Tình hình Thiệu Khiêm với Mộ Vịnh Phi gần đây có vẻ rất căng thẳng, Thiệu Khiêm kiên quyết đòi ly hôn, cháu cũng biết cuộc hôn nhân của nó không giống như người bình thường, nhất là quan hệ thông gia với nhà họ Mộ, chủ yếu vẫn phải cân nhắc tới lợi ích kinh tế.

Tôi trố mắt nhìn giáo sư Tưởng, rốt cuộc cô ấy đang nói gì thế?

- Bản thân cô không thích Mộ Vịnh Phi, người phụ nữ này quen thói đa mưu tính kế, hơn nữa, thủ đoạn cũng khó lường, trước kia, nếu không vì bất đắc dĩ chắc Thiệu Nghiêm không lấy con bé đó.

Giáo sư Tưởng gỡ kính, đặt xuống, ánh mắt cô ấy trở nên dịu dàng hơn:

- Đối với một người mẹ, chẳng gì buồn lòng hơn việc con mình không được hạnh phúc.

Tôi nghĩ mình lú lẫn thật rồi, hoặc tôi chẳng hiểu cô ấy đang nói gì cả.

- Từ nhỏ, Thiệu Khiêm là một đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, cô và bố nó không hợp nhau, hai người ly hôn từ hồi nó còn bé xíu. Cô thường xuyên ra nước ngoài, một năm họa hoằn lắm mới được gặp con trai hai lần, lần nào mẹ con gặp nhau, thằng bé cũng lầm lì, ít nói nhưng bản thân vô cùng nhạy cảm. Bây giờ, cứ nghĩ đến là cô lại thấy đau lòng, nó theo bố từ nhỏ, cuộc sống hầu như không hề có tuổi thơ, thú vui duy nhất là được ngồi bên cạnh nghe bố họp hành. Bản thân thằng bé có niềm đam mê hóa học giống cô nhưng nó vẫn chọn ngành Quản trị kinh doanh theo mong mỏi của bố. Năm nó hai mươi tuổi thì bố mất, Thiệu Khiêm phải bỏ học về nước, lúc đó, cô đã nghĩ có lẽ đời nó chẳng còn tìm thấy niềm vui nào nữa. Con trai cô vốn già trước tuổi lại rất mẫn cảm, tình cảm của nó dành cho người bố đã khuất vốn khác người nên nó dồn hết nhiệt huyết vào công việc quản lý sản nghiệp bố để lại. Tình hình lúc bấy giờ rất tệ, vài cổ đông lớn câu kết với nhau, muốn tách lẻ công ty, sau đó vất vả lắm nó mới giành được sự ủng hộ của nhà họ Mộ và cái giá phải trả là cuộc hôn nhân với Mộ Vịnh Phi. Cô không ủng hộ nó làm thế, nhưng nó nói với cô rằng nếu đánh mất sự nghiệp của bố thì cả đời này nó không bao giờ tha thứ nổi cho bản thân mình. Năm đó, nó mới hai mươi hai tuổi. Khi cô về nước tham dự hôn lễ của con trai, buổi tối trước hôm cưới, nó nói với cô: “Mẹ ơi, cả đời này, con không bao giờ biết thế nào là hạnh phúc nữa”. Ruột gan cô đau như cắt, nó lấy vợ mà như một sự hy sinh vậy, nó không yêu Mộ Vịnh Phi nhưng Mộ Vịnh Phi chỉ lăm le kiểm soát nó. Hai đứa cãi vã ngay đêm tân hôn, rồi từ đấy bắt đầu sống riêng. Mộ Vịnh Phi giở đủ mọi chiêu trò nhưng Thiệu Khiêm không thể yêu nổi con bé đó. Con trai cô là người cố chấp, cô biết nó sẽ đạt được thành công trong sự nghiệp, có điều bản thân nó không bao giờ cảm nhận được hạnh phúc. Hai năm trước, nó lạm dụng rồi bắt đầu nghiện thuốc giảm đau, lúc phát hiện thì đã quá muộn, cô lôi nó sang nước ngoài suốt nửa năm, ra sức bắt nó cai bằng được. Lúc đau đớn nhất nó ôm cô rồi khóc, nó nói rằng nó không có hạnh phúc, không có hạnh phúc sống ở đời này còn có ý nghĩa gì? Nhưng cô là mẹ nó, cô không cho phép con trai mình sa vào những thứ đó, cô gửi tặng con mình một chú chó dòng Samoyed vừa đầy tháng làm quà, tên tiếng Trung là Đáng Yêu, cô chỉ mong loài động vật nhỏ bé ấy có thể mang lại cho nó sự lạc quan, vui vẻ.

Từng lời cô ấy nói giống như sét đánh ngang tai, tôi không cắt nghĩa được cũng chẳng tiếp thu được. Tôi cảm thấy sự việc quả thật quá sức tưởng tượng, hóa ra vị giáo sư nổi tiếng này là mẹ của Mạc Thiệu Khiêm và cô ấy đang ngồi trước mặt tôi, giãi bày tâm sự về con trai mình. Nghe cô ấy nói thì Mạc Thiệu Khiêm quả thật giống như một kẻ hoàn toàn xa lạ, loại sống ở đời không có đối thủ như hắn, loại máu lạnh vô tình như hắn mà lại đau khổ, khóc lóc, nghiện thuốc giảm đau ư? Con người ấy hoàn toàn không phải Mạc Thiệu Khiêm mà tôi từng quen biết, câu chuyện cô ấy kể cũng khác xa với những gì Mộ Vịnh Phi từng tâm sự, nói cách khác thì mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu không được hòa thuận. Sực nhớ lần Mạc Thiệu Khiêm đưa mình thuốc giảm đau, tôi thấy rùng mình.

Đối với tôi, Mạc Thiệu Khiêm chỉ là cơn ác mộng.

Tôi hoàn toàn không muốn nghe đến cái tên ấy như một phản xạ vô điều kiện.

Phục vụ bắt đầu đưa món ăn lên, giáo sư Tưởng kể thêm vài chuyện nữa, chủ yếu về Mạc Thiêu Nghiêm nhưng tôi chẳng để vào đầu được câu nào, tôi chỉ mong tránh xa được con người ấy như tránh xa một mối nguy hiểm đầy tai vạ. Ngoài nhục nhã và đau đớn ra, hắn chẳng mang lại cho tôi thứ gì.

Sau cùng, cô Tưởng nhẹ nhàng buông tiếng thở dài, hỏi:

- Cháu không định tha thứ cho nó sao?

Tha thứ cho hắn ư?

Không, cả quãng đời còn lại, tôi chỉ mong sao giữa mình và hắn đừng có bất kỳ cuộc gặp gỡ nào nữa. Tôi chỉ mong hắn tha cho mình, tha cho những việc bố tôi từng làm rồi mãi mãi gạt tôi ra khỏi trí nhớ.

Giáo sư Tưởng nhìn tôi bằng vẻ mặt rầu rĩ, cô ấy thở dài rồi nói:

- Thôi vậy, cháu cứ quên những gì cô nói ngày hôm nay đi.

Rời khỏi Lầu Minh Nguyệt, tôi đi bộ qua lối nhỏ ven hồ về ký túc. Bên bờ hồ Minh Nguyệt có không ít học sinh đang ngồi đọc sách, cũng có nhóm đang tán gẫu hoặc nằm sưởi nắng. Tháng Hai xuân sớm, nhành dương liễu mới chỉ nhú ra những sợi xanh non mà hoa mai trên đồi vẫn chưa hé nở.

Đi được nửa vòng bờ hồ, thấy chân mình rệu rạo, tôi tìm một ghế đá, ngồi quay mặt về phía mặt trời.

Nắng đầu xuân choàng lên thân mình một cảm giác ấm áp, năm tháng thoi đưa, mùa xuân đã gõ cửa rồi đó. Nữa tháng nữa thôi, hoa mai trên đồi sẽ đua nở, đến lúc ấy hương thơm ngất ngây lan tỏa ngàn dặm, tiếng người nô nức gần xa, người ta rủ nhau đến đây thưởng hoa, chụp ảnh đôi.

Đương nhiên bây giờ chỉ có lưa thưa khách vãng lai, làm gì có ai đến tìm hoa sớm vậy chứ?

Nắng lan tỏa ấm áp khiến tôi lười biếng không buồn nhúc nhích, chỉ muốn ngủ một giấc, tỉnh dậy sẽ quên hết những chuyện đã xảy ra trong ba năm qua, kể cả là Tiêu Sơn hay Mạc Thiệu Khiêm.

Tôi muốn quên hết mọi thứ.

Cuối tuần, tôi không về nhà cậu, suốt hai năm qua tôi luôn cố gắng hạn chế qua lại nhà cậu. Ban đầu thì bởi Mạc Thiệu Khiêm nên tôi sợ cậu đoán ra ngọn ngành, về sau em họ đi du học, mợ cũng xin nghỉ để sang đó chăm sóc em, thế nên tôi càng không tiện ghé qua nhà cậu.

Hai ngày nghỉ cuối tuần, ký túc xá vắng lặng, Duyệt Oánh cũng ra ngoài với Triệu Cao Hưng. Ngồi một mình buồn chán, tôi đành lôi từ mới ra học, ngoại trừ học hành ra, tôi chẳng biết làm gì khác. Năm ngoái tôi thi IELTS, điểm cũng tàm tạm nhưng kết quả chỉ có hiệu lực trong vòng hai năm, tôi nghĩ năm sau sẽ thi lại vì năm ngoái tôi cũng chỉ muốn thử cho biết mà thôi. Sau khi tốt nghiệp, đa số sinh viên học ngành này sẽ chọn con đường xuất ngoại, tha hương biệt xứ hiện đang là ao ước lớn lao của đời tôi, thà đến một nơi xa lạ, không ai quen biết để làm lại cuộc đời.

Tôi chỉnh điện thoại sang chế độ rung, mải đeo mp3 nên không để ý điện thoại đang rung bần bật trên bàn, một lúc sau mới nhận ra. Thấy số máy gọi đến là một thuê bao cố định quen thuộc, tôi liền tắt nguồn di động.

Chẳng bao lâu sau, đến lượt điện thoại phòng đổ chuông. Phòng tôi ai nấy đều có di động nên chẳng mấy khi đụng đến máy bàn, vậy mà giờ đây, nó lại đây, nó lại reo ầm ĩ như thể cháy nhà, tôi liếc số máy gọi đến rối cũng ngắt luôn dây điện thoại.

Năm rưỡi, tôi xuống lầu đi lấy nước, tiện thể mua cơm. Sân trường vào dịp cuối tuần vắng tanh, lấy nước không cần phải xếp hàng. Tôi khệ nệ một tay xách nước, một tay cầm cặp lồng về ký túc xá, xa xa thấy có bóng người đứng đợi dưới lầu.

Tôi định quay lưng bỏ đi nhưng người đó nhanh mắt thấy tôi, liền gọi với:

- Đồng tiểu thư!

Tôi dửng dưng nói:

- Xin lỗi, tôi không biết ông.

Quản gia của Mạc Thiệu Khiêm nói:

- Đáng Yêu chết rồi ạ!

Đáng Yêu chết rồi à?

Chết rồi thì đã sao? Tôi cũng đâu ưa gì con chó đó.

- Mạc tiên sinh đang bệnh.

Rồi sao nữa? Khó lắm tôi mới thoát được hắn. Cứ tạm cho là tôi nợ hắn nhưng cũng thanh toán sòng phẳng từ lâu rồi mà.

- Cậu ấy không chịu đi bệnh viện, phiền Đồng tiểu thư ghé thăm cậu ấy một chuyến, được không ạ?

Tôi nhìn người đàn ông trước mặt mình, áo quần phẳng phiu, dáng đứng thẳng tắp, như thể bấy lâu nay vẫn vậy. Tôi theo Mạc Thiệu Khiêm đã ba năm nhưng thậm chí người đàn ông này tên là gì tôi cũng chẳng biết, có điều lúc nào ông ta cũng xuất hiện đúng lúc rồi sắp xếp mọi việc trong nhà quy củ đâu ra đấy. Mấy kẻ làm công ăn lương cho Mạc Thiệu Khiêm đều có một kiểu này, ai cũng có tác phong hao hao hắn.

Cuối cùng tôi buộc phải lên tiếng:

- Chẳng phải ông từng học các lớp huấn luyện quản gia kiểu Anh rồi đó sao? Anh ta ốm thì các người đưa anh ta đi bệnh viện, không thì mời bác sĩ đến nhà, Mạc Thiệu Khiêm giàu có như thế ông ngại cái gì?

Sắc mặt người quản gia vẫn bình thản, dáng dấp vẫn tao nhã, lịch thiệp, thậm chí ông ta còn rất uyển chuyển nói:

- Thưa Đồng tiểu thư, phiền cô ghé thăm cậu ấy một lần này.

- Tôi và anh ta thôi nhau từ lâu rồi, tôi không muốn lại gặp anh ta nữa.

Tôi cảm thấy vô cùng ngán ngẩm, tại sao đám người này cứ hùa nhau kéo tôi về với quá khứ mà tôi đang cố gắng quên đi? Kể cả Mạc Thiệu Khiêm có lăn đùng ra đấy thì liên quan gì đến tôi? Tôi chưa vỗ tay vui mừng vì tôi biết bố mình nợ hắn, những chuyện đấy qua lâu rồi, tôi đã thanh toán nợ nần xong xuôi rồi.

- Ông về đi, Mạc Thiệu Khiêm có phải trẻ con lên ba đâu, ốm thật thì ông cứ đưa đến bệnh viện là xong, lo gì, anh ta có trừ tiền lương của ông đâu.

- Mạc tiên sinh không biết tôi đến đây.

Quản gia dường như đã hơi ngán ngẩm:

- Là tôi tự đến, thực ra dạo này không một ai trong nhà dám nhắc tới cô. Hôm Đáng Yêu chết, Mạc tiên sinh ôm nó trong bệnh viện thú y cả một đêm, hôm sau, bảo tôi cho Hương Tú nghỉ việc. Lỗi chẳng phải do Hương Tú làm việc tắc trách, mà bởi cứ gặp cô ấy là lại nhớ đến Đáng Yêu nên cậu ấy không muốn thấy Hương Tú nữa. Xưa nay, cậu ấy vốn là người như vậy, không một ai dám nhắc đến Đáng Yêu, cũng như không một ai dám nhắc đến cô trước mặt cậu ấy, lần này quả thực bế tắc lắm tôi mới phải đến tìm cô, chứ bình thường tôi không dám quấy quả thế này.

Tôi chẳng muốn nghe ông ta huyên thuyên nữa, liền nói:

- Cơm của tôi nguội rồi đây này, ông cảm phiền để tôi đi ăn cơm đã.

- Thưa Đồng tiểu thư. – Nhìn mặt ông ta dường như thoáng vẻ nhẫn nhục. – Cô đã làm đơn xin hỗ trợ học phí lẫn đơn xin họ bổng.

Tôi quay phắt đầu, nhìn ông ta.

- Học bổng có được xét duyệt hay không còn phụ thuộc vào ngân sách mà Mạc tiên sinh là thành viên hội đồng quản trị. Còn ngân hàng cô làm đơn xin hỗ trợ học phí, có lẽ cô không biết cậu ấy cậu ấy cũng có cổ phần ở đó.

Mẹ kiếp! Câu chửi này tưởng quên lâu rồi, vậy mà giờ vẫn bật đựơc ra. Đám làm thuê cho Mạc Thiệu Khiêm cũng là một lũ khốn nạn y chang hắn, hết uy hiếp rồi lại dụ dỗ, chẳng còn trò nào hay ho hơn.

Tôi tức lộn ruột, nói:

- Thì tôi xin ngân hàng khác, tên họ Mạc đó tưởng mình là thánh chắc.

- Thưa Đồng tiểu thư, tôi chỉ hi vọng cô đến thăm cậu ấy, ngoại trừ việc đó ra, tôi không yêu cầu gì cả, chỉ cần đến thăm cậu ấy là được.

Quản gia vẫn bóng gió nói:

- Tính ra cũng đỡ vất vả hơn việc phải đi làm lại đơn xin hỗ trợ học phí.

Được lắm! Kể cả có uy hiếp hay dụ dỗ đi chăng nữa cũng đừng hòng tôi chịu thua. Nhưng vẫn phải công nhận lời ông ta nói cũng có lý, nếu phải xin hỗ trợ học phí lại từ đầu, đừng nói đến việc có được thông qua hay không, mà cứ nghĩ tới quá trình làm thủ tục lẫn phê duyệt đầy phức tạp và lằng nhằng đó là tôi oải lắm rồi.

Tôi đành theo lão quản gia về, vừa đặt chân qua ngưỡng cửa, tôi đã có ý nghĩ bột phát muốn quay đầu bỏ chạy. Hao hơi tổn sức lắm mới thoát được nơi này, giờ quay về khiến tôi có cảm giác đang chui đầu vào một cái cũi.

- Mạc tiên sinh đang ở trên tầng. – Quản gia đi trước dẫn đường. – Trong phòng ngủ chính ạ!

Cửa phòng ngủ khóa im ỉm, quản gia gõ cửa nhưng bên trong lặng thinh, không một âm thanh, cũng chẳng động tĩnh. Quản gia lại gõ thêm vài lần, rồi nói với vào:

- Thưa Mạc tiên sinh, Đồng tiểu thư về rồi ạ!

Tôi chúa ghét lối ăn nói này của quản gia, bèn gườm mắt nhìn ông ta, nhưng ông ta lại coi như không thấy, chỉ nín thở nghe ngóng động tĩnh trong phòng.

Không một âm thanh, có lẽ Mạc Thiệu Khiêm đang ngủ.

Quản gia hỏi tôi:

- Thưa Đồng tiểu thư tôi có nên gọi người đến cạy cửa không? Từ tối hôm qua đến giờ, Mạc tiên sinh vẫn chưa ra ngoài, cậu ấy đang sốt cao nhưng không chịu ăn và uống thuốc, tôi chỉ e xảy ra chuyện.

Hỏi tôi là gì? Chuyện này vốn chẳng dính líu gì đến tôi, tôi dửng dưng nói:

- Ông thích cạy thì cứ cạy đi.

Quản gia gọi thợ điện nước đến, chẳng mấy chốc đã cạy được cửa.

Trong phòng tối om, đèn không bật mà cửa sổ cũng kéo kín mít, chẳng nhìn thấy gì. Quản gia đứng đằng sau bèn đẩy nhẹ tôi:

- Vào đi thôi.

Tôi bị đẩy hẫng chân mấy bước, tiến vào phòng, cẩn thận quan sát một vòng xem đây có phải là một cái bẫy không. Gã Mạc Thiệu Khiêm này lắm trò lắm, trước nay hắn quen thói vui buồn thất thường, tôi còn là con gái kẻ thù giết cha hắn, có khi hắn thấy tôi chưa đủ giày vò cũng nên.

Tôi tiến lại gần mới thấy Mạc Thiệu Khiêm đang ngồi im lìm như một pho tượng trên giường, mặt hướng về phía cửa sổ nhưng rèm cửa kéo kín mít, hắn ngồi đấy làm trò gì không biết!

Tôi nghĩ thế này chắc là xong rồi, đằng nào thì ông quản gia cũng bảo tôi chỉ cần đến gặp là được. Tôi ngoái đầu, thấy ông ta đứng ngoài phất tay ra hiệu, tôi đành lê bước chân, tiến lại gần.

- Thưa Mạc tiên sinh!

Hắn vẫn ngồi bất động.

- Mong anh rộng lòng bỏ qua, tôi không biết anh còn nắm cả quyền phê duyệt học bổng, thậm chí quỹ hỗ trợ học phí, anh cũng có quyền từ chối bằng một lý do vớ vẩn nào đó.

Tôi nói đầy mỉa mai:

- Nhưng mà tôi cũng lười đổi ngân hàng lắm, họ bảo tôi đến thì tôi đến thôi. Anh có gì sai bảo thì xin nói thẳng, nếu thích thì tôi lên giường với anh thêm một lần nữa cũng chẳng sao, đằng nào tôi cũng đủ tàn tạ rồi, thêm hay bớt một lần có là gì đâu. Mong sao khiến anh hài lòng. À vâng, còn chuyện này nữa, mẹ anh cũng đến gặp tôi, theo lời bà kể thì anh như một đứa trẻ thật đáng thương…

Nghe tôi nhắc tới mẹ hắn, bấy giờ, hắn mới khẽ động đậy, ngước mắt nhìn lên:

- Đáng Yêu chết rồi!

Quên mất con chó đó là quà mẹ hắn tặng mà.

Nhưng vì một con chó mà buồn lòng thế này, thật chẳng giống Mạc Thiệu Khiêm chút nào. Nói thực, nhìn hắn trơ trọi ngồi đó, so với kẻ tôi quen bấy lâu nay thì rõ như hai người hoàn toàn khác nhau. Trong suy nghĩ của tôi, Mạc Thiệu Khiêm của ngày xưa là loại ác bá lộng hành, quỷ tha ma bắt, làm gì có chuyện bơ vơ không nơi nương tựa như ngày hôm nay, nhìn hắn như thế này tôi bỗng có cảm giác tội nghiệp.

Ôi thôi, cho tôi xin! Rắn độc mà cũng tội nghiệp sao? Tôi có phải nông dân đâu! [1]. Tôi đưa mắt quan sát hắn. Bóng tối trong căn phòng nham nhở nhưng vẫn đủ để thấy gò má hắn ửng đỏ như có men rượu, quản gia nói hắn đang sốt, mà sốt cũng có khả năng đỏ mặt, huống hồ còn có đôi chỗ nứt nẻ trên vành môi khô tróc trắng ởn kia, nhìn có vẻ đang ốm thật đấy.

[1] Câu chuyện về người nông dân và con rắn độc là một câu chuyện thuộc tuyển tập Những câu chuyện ngụ ngôn của Aesop.

Chắc tôi nhìn hắn quá lâu nên ánh mắt hắn cũng đổ về phía tôi, nhìn một lúc, hắn mới hỏi:

- Sao em lại ở đây?

- Ông quản gia hết mực trung thành của anh sợ anh sắp chết, nằng nặc đòi tôi đến thăm anh bằng được.

Hắn nhìn lảng đi chỗ khác, cất giọng thản nhiên:

- Ông ta chỉ vẽ chuyện, giờ em đi được rồi.

Được lắm, thế này mới giống Mạc Thiệu Khiêm mà tôi quen.

Không biết tại sao tôi lại thở phào nhẹ nhõm, gã khốn dị hợm này rất có khả năng khiến người ta ức chế, may thay tôi thoát được rồi.

Vừa đi được hai bước bỗng nghe sau lưng có tiếng đổ rầm, tôi ngoái đầu nhìn đã thấy Mạc Thiệu Khiêm nằm sóng soài, bất động dưới sàn nhà.

Tôi giật nảy mình, ngó ra ngoài cửa không thấy quản gia đâu. Tôi đắn đo chốc lát nhưng vẫn quay lại xem thế nào, thấy hai mắt hắn nhắm hờ, ngực khẽ nhấp nhô, toàn bộ phận cổ đỏ gắt. Tôi giật mình khi giơ tay chạm vào cái trán nóng ran của hắn. Xem ra hắn ốm thật rồi, quản gia nói không sai.

Tôi chạy xuống dưới tìm quản gia, ông ta lập tức gọi điện cho tài xế, sau đó hai người họ đưa Mạc Thiệu Khiêm đi bệnh viện. Tôi định về trường thì quản gia khẩn khoản:

- Đồng tiểu thư, cô cũng đến bệnh viện luôn nhé?

Tôi không thể kìm nén hơn nữa:

- Ông bảo tôi chỉ cần đến thăm là được rồi cơ mà. Ông gọi cho vợ anh ta đi, hoặc gọi cho mẹ anh ta ấy, tôi chẳng là gì của anh ta cả, sao ông cứ phải bắt tôi làm này làm nọ thế, với cả anh ta có muốn gặp tôi nữa đâu.

- Lúc cô bị thương, Mạc tiên sinh đưa cô đi bệnh viện, đến giày còn chẳng kịp mang, chính tôi xách giày với quần áo đến bệnh viện cho cậu ấy. Cô nằm trong phòng phẫu thuật khâu vết thương, còn cậu ấy xử lý vết thương ở phòng cấp cứu… Thực ra hôm đó, mảnh sành cũng găm cả vào chân Mạc tiên sinh. Nhưng cậu ấy vẫn bế cô xuống tầng, chân phải bị thương mà dọc đường vẫn chăm chăm nhấn chân ga, về sau mảnh sứ ấy găm sâu thế nào cô có biết không? Hôm đó, dáng đi của cậu ấy khác ngày thường thế nào cô có biết không? Cậu ấy quan tâm cô thế nào mà sao cô không thể đưa cậu ấy đến bệnh viện?

Tôi ngây người nghe quản gia hùng hổ nói một tràng những câu chất vấn. Tôi nhớ lần mình ngã đè lên đống mảnh sứ đúng là hắn mặc nguyên áo ngủ đưa tôi tới bệnh viện, nhưng hôm đó tôi không để ý chân của hắn, càng không biết hắn bị thương, bấy lâu nay, có bao giờ hắn nói với tôi đâu.

Tôi ghét hắn, tôi hận hắn, vết thương ở chân kia, tôi không biết thật. Tối đó, hắn còn dè bỉu bảo tôi làm phiền hắn ngủ, tôi nói mình đau thì hắn nhét cho tôi viên thuốc. Giờ mới biết thì ra hắn vẫn dùng loại thuốc giảm đau đó…. Hắn nghiện morphine, chứ thuốc giảm đau bình thường làm gì có tác dụng.

Những lời của quản gia khiến tôi không thể phản bác được, sự lằng nhằng giữa tôi và Mạc Thiệu Khiêm quả thực là một món nợ dai dẳng, bố tôi nợ hắn, hắn nợ tôi, tôi nợ hắn, một vòng luẩn quẩn khiến tôi chẳng biết đằng nào mà lần.

Chúng tôi đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán hắn bị viêm phổi, tình hình rất nguy kịch, cần lập tức nhập viện điều trị.

Bố trí phòng bệnh ổn thỏa, quản gia vội về nhà lấy đồ, nhờ tôi ở lại chăm sóc Mạc Thiệu Khiêm. Tôi nhấp nhổm trong phòng bệnh, chốc chốc lại nhìn đồng hồ, lo lắng sắp đến giờ ký túc xá đóng cửa, chỉ sợ không về kịp.

- Em về đi.

Giọng nói trầm khàn vang bên tai, tôi ngẩn lên mới biết Mạc Thiệu Khiêm đã tỉnh. Hắn nằm trên giường bệnh, tay cắm ống truyền dịch, râu lún phún một màu nhàn nhạt dưới cằm. Trong ánh đèn phòng bệnh, dáng vẻ gầy rộc ấy gợi cho người ta có cảm giác vô cùng xa lạ.

Tôi nói:

- Quản gia nói khoảng mười giờ ông ấy sẽ quay lại, giờ đã mười rưỡi rồi, có lẽ tắc đường.

Hắn không đoái hoài chỉ lặp lại lời mình:

- Em đi đi.

Tôi nói:

- Tôi biết anh không muốn gặp tôi, thực ra tôi cũng chẳng muốn gặp anh. Anh yên tâm, ông ấy quay lại tôi sẽ đi ngay.

Mạc Thiệu Khiêm chắc tức lắm, tôi biết thừa hắn lên cơn kiểu gì, mu bàn tay hắn đã nổi đầy những đường gân xanh. Ánh mắt hắn trân trân nhìn lên trần nhà, không thèm liếc tôi nữa. Thực ra tôi chẳng muốn ở lại đây thêm một giây nào, hắn thấy tôi chướng mắt bao nhiêu thì tôi càng không muốn nhìn mặt hắn bấy nhiêu.

- Tôi gặp mẹ anh, bà có kể chuyện về Đáng Yêu, thôi, anh đừng buồn nữa. Lúc nào lại mua con chó khác mà nuôi, anh dư dả tiền bạc, mua bao nhiêu con mà chả được.

Tôi bỗng thấy mình thật khôi hài, còn khuyên nhủ Mạc Thiệu Khiêm cơ đấy. Hắn là người tôi ghét cay ghét đắng, chỉ mong sao cả đời này không còn nhìn thấy hắn nữa. Có lẽ tình trạng hiện giờ của hắn đã khiến tôi vô cùng kinh ngạc, chỉ vì một con chó mà đau lòng đến nỗi viêm phổi rồi nhất quyết không chịu đi khám. Vẻ yếu đuối giờ mới bộc lộ của hắn khiến tôi cảm thấy hắn cũng là người trần mắt thịt, biết ốm đau, biết thương cảm, không còn dáng vẻ “Sống ở đời không đối thủ” như hồi xưa nữa.

Hắn không để ý đến tôi nên tôi cũng biết điều im lặng. Nỗi buồn của bậc đại gia đâu đến lượt tôi an ủi, hắn có ốm thôi mà cũng đã nhốn nháo cả lên, thậm chí một nhân vật chẳng còn dính dáng gì tới hắn như tôi mà cũng bị lôi đến để chăm sóc hắn.

Căn phòng chìm vào tĩnh lặng đến nỗi tôi gần như nghe rõ mồn một tiếng kim đồng hồ nhúc nhích trên cổ tay hắn, nghĩ bụng đó chẳng qua chỉ là ảo giác của mình thôi. Chiếc đồng hồ Tourbillon chẳng khác nào bản thân hắn, từng linh kiện chuẩn xác đến mức đáng sợ, gần như không bao giờ phạm sai lầm. Tôi nghĩ, việc hắn ngã bệnh đúng là một kỳ tích, giống như chiếc đồng hồ kia tự nhiên xảy ra sự cố, đồng hồ hàng hiệu mà cũng hỏng ư?

Cuối cùng, hắn mở miệng, thốt ra thứ âm thanh lãnh đạm, không mang chút cảm xúc nào.

- Đáng Yêu là Đáng Yêu. Đổi con khác thì đâu phải là Đáng Yêu nữa, chẳng bao giờ em hiểu được điều đó.

Có gì mà không hiểu chứ?

Đời này chẳng có ai cắt nghĩa được chữ “mất mát” rõ hơn tôi. Tôi mất bố mẹ, mất Tiêu Sơn, mất đi cuộc sống đáng có. Nhưng tôi vẫn đè nén được tất cả những niềm đau ấy.

Khóe mắt tôi đỏ hoe, tôi hận con người này, tôi hận hắn. Hắn luôn khơi lại mọi chuyện vào đúng lúc tôi muốn quên đi tất cả, chính những lúc tôi tưởng mình đã thoát thì hắn lại xuất hiện. Tôi gắt lên:

- Khác gì đâu, cũng chỉ là một con chó thôi mà!

Âm thanh của hắn trơn tuột như con rắn độc đang trườn mình:

- Khác gì đâu, Tiêu Sơn cũng chỉ là một thằng đàn ông.

Hắn dám mở miệng nói đến Tiêu Sơn, nỗi đau ấy làm tôi suýt hóa rồ. Tôi không cho phép, tôi cấm hắn được phép nhắc đến Tiêu Sơn. Tôi đứng phắt dậy, siết chặt bàn tay thành nắm đấm:

- Đừng có nhắc đến anh ấy trước mặt tôi, anh muốn gì hả?

- Sao nào, thấy xót à?

Ánh mắt hắn vẫn đăm đăm nhìn lên trần nhà, khóe miệng nhếch một nụ cười ghê tởm:

- Mối tình đầu của em chán em rồi à? Ruồng rẫy em rồi à? Tôi đoán kết quả cũng thế cả thôi. Thằng đàn ông bào chịu đựng được? Em sống chung với tôi những ba năm, thậm chí còn phá thai…

Tôi nhảy bổ đến, bóp cổ hắn, mớ dây dợ truyền dịch vướng víu quanh người, dường như lúc ấy tôi dồn hết sức lực muốn bóp chết hắn. Tôi hận gã đàn ông này, chính hắn cướp đi của tôi tất cả, giờ lại khinh khỉnh chế giễu tôi.

Hắn chỉ dùng một tay mà đã chộp gọn hai cánh tay tôi, kim tiêm trên mu bàn tay xiên vẹo từ lúc nào, khiến máu chảy ngược lên ống truyền nhưng caí nhìn đau đáu của hắn vẫn xoáy vào mắt tôi, thoáng nét cười buồn:

- Giờ đến lượt em muốn bóp cổ tôi cơ đấy? Bấy lâu nay, tôi chỉ muốn bóp chết em! Đau chưa, giờ em đã thấy đau chưa?

Tôi gồng mình nhì hắn giật phăng mũi kim vướng víu, tóm lấy tôi. Tay tôi bị hắn ghì thật chặt, dán vào ngực mình, nụ cười đọng trên khóe môi vẫn tàn nhẫn mà đượm buồn.

- Biết đau thế nào rồi chứ? Khi người em yêu không yêu em, khi người em yêu hận em… Đau chưa, giờ em đã thấy đau chưa?

- Mạc Thiệu Khiêm!

Tôi ức đến nghẹn cổ. Có trời mới biết hắn không chiếm được tình cảm của Mộ Vịnh Phi thì liên quan gì đến tôi, hắn phát rồ vì yêu vợ thì liên quan gì đến tôi mà hắn cứ phải trút lên đầu tôi thế này?

- Giờ em lại gọi tên tôi cơ à?

Cái ghì chặt của hắn đầy nhức nhối và vẻ mặt khổ sở của tôi dường như chính là điều hắn muốn thấy. Ánh mắt hắn từ trên cao đổ xuống như chèn ép tôi.

- Chỉ những lúc điên lên, em mới chịu gọi tên tôi. Thật lòng, tôi nhiều khi chỉ muốn dồn ép em, cứ phải dồn em vào đường cùng, để xem lúc đó em còn gọi tên Tiêu Sơn đến cứu mình nữa hay không. Thật lòng, tôi muốn nghiền nát em ra để xem trái tim em hình thù thế nào. À mà em làm gì có trái tim, tim em đặt ở chỗ Tiêu Sơn rồi còn đâu, tiếc thay cậu ta lại không cần em.

Câu nói cuối cùng ấy khơi gợi trong tôi một cơn đau tột độ, tôi bật khóc thành tiếng:

- Anh muốn gì hả? Cứ cho là bố tôi nợ anh, nhưng ông ấy đã mất từ lâu rồi, cả bố lẫn mẹ tôi đều đã qua đời từ lâu rồi. Ba năm là quá đủ, anh còn muốn gì nữa? Anh từng bảo anh chán ngấy tôi rồi cơ mà, mất hứng với tôi rồi cơ mà, đừng để anh thấy mặt tôi nữa rồi cơ mà…

Hắn chỉ cười khẩy:

- Em tưởng tôi thích em à? Chẳng bù cho cậu em, vừa nhìn thấy những chứng cứ trong tay tôi đã cuống lên bảo tôi muốn làm gì em cũng được. Thậm chí ông ta còn chủ động gợi ý cho em đi làm gia sư. Có loại cậu như thế, em cũng may mắn nhỉ? Ba năm qua, em tưởng mình vĩ đại lắm à? Em tưởng mình đang hy sinh vì người thân à? Em tưởng em cứu được cả nhà cậu à? Em không ngờ năm đó, chính ông ta dâng em cho tôi chứ gì? Em là cái thá gì chứ? Chỉ là món đồ chơi tôi chán rồi thôi. Em tưởng tôi yêu em thật đấy chắc?

Những lời của hắn tuôn ra như làn đạn vừa khít rịt vừa gấp gáp lao tới tấp về phía tôi, cơ thể vốn chằng chịt những vết sẹo cũ đang lên da non nay lại thêm tàn tạ, nham nhở. Tôi quên cả giãy giụa, chỉ biết ngây dại nhìn hắn.

Hắn cười tươi rói:

- Không ngờ chứ gì? Ở đời có thứ gì mà tiền không mua được? Ở đời có ai mà không ích kỷ? Chỉ có mình em là khờ thôi, chỉ có em khờ dại để người ta đùa bỡn mà thôi.

Môi tôi run rẩy, dường như mọi thứ đang quay cuồng trước mắt, tôi chẳng thể nào tin được.

- Anh đừng lừa tôi.

Hắn buông tiếng cười khẩy đầy khoái trá.

- Phải, tôi đang lừa em. Ở đời có ai chưa từng lừa em? Loại người ngốc nghếch như em chết một vạn lần cũng không khôn ra được.

Tôi giận run người, thậm chí giọng cũng lạc hẳn đi:

- Tôi có chết một vạn lần thì cũng đáng đời tôi thôi, cái tội ngây thơ ấu trĩ chết là đúng! Tôi bị anh lừa, bị người đời lừa, thậm chí bị người thân lừa. Nhưng có một người vĩnh viễn không bao giờ lừa tôi, kể cả chúng tôi không thể đến được với nhau đi chăng nữa nhưng tôi biết anh ấy tuyệt đối không bao giờ lừa mình. Nhưng anh thì sao chứ? Anh sống ở đời đáng để người ta lừa phỉnh, chẳng một ai thật lòng với anh đâu, chẳng một ai yêu anh đâu!

Tôi sực nhớ tới Mộ Vịnh Phi, liền thốt ra những lời nguyền rủa độc địa nhất:

- Nếu có báo ứng, loại người như anh phải ở vậy trọn đời trọn kiếp, chẳng được ai yêu! Nhưng anh cũng đừng để ý làm gì, đằng nào thì anh cũng chẳng bao giờ hiểu thế nào là yêu, thế nào là lương thiện, thế nào là tốt đẹp!

Đôi mắt hắn đăm đăm nhìn tôi không chớp, khoảnh khắc ấy, tôi đinh ninh có lẽ hắn sẽ bóp chết mình. Nhưng hắn không hề nhúc nhích, chỉ có cái nhìn hằn lên sự mãnh liệt kinh người. Tôi cũng nhìn lại hắn không chút kiêng dè, gò má hắn đỏ ửng, hơi thở hầm hập phả vào mặt tôi, tay tôi bị hắn túm chặt vẫn còn nguyên cảm giác nóng ran. Tôi nghĩ giá như lúc này hắn muốn giết mình thật thì mình chạy cũng chẳng thoát. Vậy mà vào phút chót, hắn không hề ra tay.

Sau đó, hắn buông tôi ra, ngả lưng xuống giường đầy mệt mỏi, hình như mắt đã nhắm nghiền.

Không muốn ở đây thêm giây phút nào nữa, tôi lao ra khỏi phòng bệnh, định về ký túc xá.

Tôi nhớ Duyệt Oánh, tôi muốn gặp cô ấy, người bạn duy nhất của tôi không bao giờ bán rẻ tôi.

Cứ nghĩ đến những gì Mạc Thiệu Khiêm nói là tôi không nén được run rẩy, cứ nhớ đến cậu là tôi không ngăn nổi mình run lên, sự hy sinh ba năm qua của tôi là hoàn toàn đáng giá, nhưng nếu nó là sự thật…. Không, những gì Mạc Thiệu Khiêm nói không bao giờ là sự thật.

Hắn hận bố tôi, rồi giận cá chém thớt với tôi thôi, hắn bỏ thuốc vào trà rồi cưỡng bức tôi, ép tôi làm tình nhân của hắn, hắn hủy hoại cả đời tôi.

Người duy nhất tôi hận là hắn, chỉ hắn mà thôi.

Người đưa thư

Chỉ khi tuyết neo mình ngoài khơi xa

Thậm chí cả khi đôi chân mệt nhoài vẫn cất bước ra đi.

Anh nói không trở lại và em nói nên như thế

Gạt gánh nặng tâm lý sang một bên,

Hoặc vững tin vào tình yêu

Anh là ngọn tuyết cao, em là con đường dài

Chỉ sợ mặt trời ló ra, chia lìa đôi ta

Lâm Tịch
break
Thái Tử Tỷ Phu Và Cô Em Vợ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Cổ Đại
Nuôi thú cưng (NP hiện đại H)
Ngôn tình sắc, NP hiện đại H
Trúc Mã Bá Đạo Cưới Trước Yêu Sau
Ngôn tình Sắc, Sủng, Đô Thị
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc