Lại nói, do phần lớn lực lượng tinh nhuệ của Hồng Y Phiên bị gã Đại Lạt ma phản nghịch dẫn hết vào Trung Nguyên, nên La Sa thành phòng thủ không hư, bị bọn Ngạo Thiên Đế Quân khống chế dễ dàng. Bạch Thiếu Huy đã chọn Đại Chiêu Tự làm nơi đóng hành doanh.
Sau đó, chàng cho treo bảng an dân, và hứa sẽ trọng thưởng cho ai tìm được hai vị Hoạt Phật mất tích bấy lâu nay. Thế là dân Tây Tạng không có thời gian để xúc việc Bạch Thiếu Huy chiếm thành, mà đổ xô nhau đi tìm kiếm Hoạt Phật. Chưa hẳn bọn họ đi tìm kiếm Hoạt Phật là vì tưởng thưởng, mà bởi Hoạt Phật còn là tín ngưỡng của dân Tây Tạng. Hoạt Phật mất tích bấy lâu, đã khiến lòng dân hoang mang vô cùng. Bạch Thiếu Huy cũng phái Ngạo Thiên Đế Quân và Bách Độc Chân Quân chia nhau dẫn người đi tìm kiếm.
Cuối cùng, mọi người tìm được hai vị Hoạt Phật đang bị giam lỏng trong mật thất ở Bố Đà La Cung. Tội phản nghịch của gã Đại Lạt ma tự xưng kia đã được lạc thật. Thế nhưng, khi bọn Ngạo Thiên Đế Quân đưa người đến, Bạch Thiếu Huy rất ngạc nhiên, bởi không chỉ có hai người như chàng tưởng, mà có đến mười người. Hai người vận sắc phục Lạt ma, đương nhiên là hai vị Hoạt Phật. Tám người còn lại vận y phục màu trắng, đều là những lão nhân tuổi quá lục, thất tuần, râu tóc bạc phơ, nhưng lại có da dẻ hồng hào như thanh niên trai tráng. Chỉ có điều lúc này sắc diện cả bọn đều có vẻ không được tốt, công lực đều bị cầm cố nên sức lực yếu ớt hơn cả người bình thường.
Hai vị Hoạt Phật vừa vào đến nơi, lập tức bước đến trước mặt Bạch Thiếu Huy chắp tay nói :
- Bọn bần tăng là Đạt Lai, Ban Thiền, xin đa tạ ân cứu mạng của Điện hạ.
Tám bạch y lão nhân còn lại cũng vội bước tới chắp tay nói :
- Bọn lão phu là Bát Đại giáo sĩ của Bà La Môn giáo ở Thiên Trúc, xin đa tạ ân cứu mạng của Điện hạ.
Bạch Thiếu Huy khẽ gật đầu, ra hiệu cho bọn họ ngồi xuống những chiếc bồ đoàn đặt quanh đó, rồi hỏi :
- Quả nhân xem khí sắc chư khanh không được tốt. Có vấn đề gì ư ?
Ban Thiền Hoạt Phật đứng dậy vòng tay nói :
- Hồi Điện hạ. Bọn bần tăng bị gã phản đồ kia hạ độc, công lực bị cầm cố hoàn toàn.
Bát Đại giáo sĩ cũng nói :
- Bọn lão phu cũng thế.
Bách Độc Chân Quân nói :
- Điện hạ. Chất độc mà bọn họ trúng phải rất kỳ lạ, nguyên liệu dùng toàn những thứ ở Tây Vực, thần nhất thời chưa thể tìm ra phương cứu chữa.
Bạch Thiếu Huy ngẫm nghĩ giây lát, rồi đứng dậy, đến bên hai vị Hoạt Phật và Bát Đại giáo sĩ, xem mạch chẩn đoán cho từng người. Chàng lại suy nghĩ giây lát, rồi nói :
- Chất độc này có thể nói là không có giải dược.
Ban Thiền Hoạt Phật thở dài nói :
- Gã phản đồ kia cũng nói thế đấy ạ. Theo gã nói thì chất độc này là kỳ môn độc dược, vô dược khả cứu. Gã không dám giết hại bọn bần tăng, nhưng cũng không muốn để lại hậu hoạn nên mới sử dụng loại độc dược này.
Bạch Thiếu Huy mỉm cười nói :
- Chư khanh cũng không nên quá thất vọng. Quả nhân chỉ nói không có giải dược, chứ không nói là không có cách giải.
Bách Độc Chân Quân hỏi :
- Điện hạ muốn nói là dĩ độc công độc ?
Bạch Thiếu Huy nói :
- Không thể dùng cách đó. Bọn họ trúng độc lâu ngày, cơ thể rất yếu, không thể chịu đựng thêm cường độc nào khác. Còn sử dụng nhược độc thì chẳng có mấy tác dụng.
Bách Độc Chân Quân nói :
- Thần cũng đã từng nghĩ đến phương pháp dĩ độc công độc, nhưng rồi lại nhận thấy không ổn.
Bạch Thiếu Huy nói :
- Trước tiên cần dụng vài phương bổ dược bồi bổ cơ thể, sau đó tập luyện một môn công phu của bản cung, đến khi thuần thục thì quả nhân có thể trợ giúp mọi người bức chất độc ra ngoài cơ thể.
Bọn Bát Đại giáo sĩ và hai vị Hoạt Phật nghe nói còn có thể cứu chữa, đều mừng rỡ đứng dậy hướng về Bạch Thiếu Huy cung kính chắp tay vái tạ, đồng thanh nói :
- Đa tạ Điện hạ đã cứu giúp.
Bạch Thiếu Huy khẽ gật đầu, nói :
- Chư khanh cần phải bế quan khoảng nửa năm. Quả nhân sẽ thân tự truyền công phu cho chư khanh.
Cả bọn vâng dạ, rồi cáo lui, đi lo liệu sắp xếp mọi việc trước khi bế quan tu luyện. Bạch Thiếu Huy cũng thảo vài phương bổ dược, giao cho hai vị Hoạt Phật để bọn họ cho người thu tập dược liệu.
Thế là từ đó, bọn Bạch Thiếu Huy tạm trú lại Tây Tạng. Bạch Thiếu Huy lo chữa trị cho hai vị Hoạt Phật và Bát Đại giáo sĩ. Ngạo Thiên Đế Quân và Bách Độc Chân Quân được giao cho việc huấn luyện tăng binh của Hoàng giáo. Sau cuộc nội loạn, tuy phần lớn tín đồ Hoàng giáo vẫn theo Hoạt Phật, nhưng số cao thủ trung thành không còn lại bao nhiêu. Hồng Y Phiên cũng đã danh tồn thật vong. Một phần theo gã phản đồ tác loạn, hiện đang kéo vào Trung Nguyên mưu đồ xưng bá võ lâm, một phần vẫn trung thành với Hoạt Phật thì đã thọ hại. Do vậy, bọn họ cần tổ chức lại Hồng Y Phiên. Tây Tạng tiếp giáp với các xứ Ba Tư, Thiên Trúc, nên cần có lực lượng tinh nhuệ để tự bảo vệ.
Trong thời gian bế quan, quan hệ giữa hai vị Hoạt Phật và Bát Đại giáo sĩ được cải thiện đáng kể. Có hiềm khích với Bát Đại giáo sĩ chính là gã phản đồ kia, còn hai vị Hoạt Phật cũng giống như bọn họ, đều là những người bị hại. Do đó, quan hệ giữa Hoàng giáo và Bà La Môn giáo cũng được cải thiện. Tử Ngọc Thần Chung, vật thờ phụng trên bàn thờ Phạm Thiên của Bà La Môn giáo cũng được hai vị Hoạt Phật trả lại cho Bát Đại giáo sĩ. Chiếc chuông này không hiểu vì lý do gì mà rơi vào tay gã phản đồ của Hoàng giáo. Bát Đại giáo sĩ hay tin, đến Tây Tạng liên hệ xin chuộc lại, nhưng rồi đã bị hạ độc, bắt giam. Nay được hoàn trả, cả bọn hoan hỷ vô cùng, hứa khi về đến Thiên Trúc sẽ dùng bảo vật tạ lễ.
Thời gian cứ thế trôi qua, với việc Hồng Y Phiên được tổ chức lại, tình hình Tây Tạng đã ổn định trở lại như trước khi có nội loạn. Chỉ cần đến khi hai vị Hoạt Phật và Bát Đại giáo sĩ bức độc thành công là bọn Bạch Thiếu Huy có thể khởi giá trở về Trung Nguyên.
Một hôm, Bạch Thiếu Huy đang dạy Tuấn nhi học đàn thì Ngạo Thiên Đế Quân và Bách Độc Chân Quân cùng đến bái kiến. Ngạo Thiên Đế Quân vừa vào đến nơi, lập tức hành lễ rồi nói ngay :
- Điện hạ. Trung Nguyên sắp có nội loạn rồi.
Bạch Thiếu Huy hỏi :
- Chu Nguyên Chương qua đời rồi ư ?
Ngạo Thiên Đế Quân nói :
- Vâng ạ. Chu Nguyên Chương qua đời hồi mấy tháng trước, sau khi Điện hạ ngự giá Tây tuần được ít lâu. Hoàng trưởng tôn là Chu Doãn Văn lên kế vị, xưng hiệu là Kiến Văn. Sau khi lên ngôi, gã ta đã tiến hành triệt phiên, thu binh quyền của các phiên vương, thậm chí sát phiên.
Chu Nguyên Chương lẽ ra qua đời vào ngày 24 tháng 6 năm 1398 (âm lịch), nhưng vì có Huyền Đô Quan chủ thượng kinh cứu trị, nên sống thêm được gần một năm, đến cuối tháng 5 năm sau mới qua đời. Người kế vị là Hoàng trưởng tôn Chu Doãn Văn, được sự bày mưu tính kế của hai vị đại thần là Tề Thái và Hoàng Tử Trừng, đã tiến hành triệt phiên để củng cố quyền lực triều đình trung ương. Bạch Thiếu Huy không ngờ tân đế mới lên ngôi mà đã hành động nông nổi như thế, ngạc nhiên hỏi :
- Tình hình thế nào ?
Ngạo Thiên Đế Quân nói :
- Hồi Điện hạ. Tương vương Bách bị bức tự thiêu chết, còn Tề vương Phù, Đại vương Quế, Mân vương Biền lần lượt bị giáng làm thứ nhân. Duy chỉ có Yên vương Lệ là chưa bị động đến, do thế lực của gã này rất lớn mạnh. Tuy nhiên, điều này cũng đã làm cho Yên vương Lệ lo sợ cho số phận của mình nên đã quyết định áp dụng sách lược tiên phát chế nhân. Gã ta được nhà sư Đạo Diễn làm quân sư, đang chuẩn bị khởi binh.
- Bọn chúng hành động nông nổi như thế, chỉ là tự tìm tử lộ.
Bách Độc Chân Quân hỏi :
- Lão nói ai ?
Ngạo Thiên Đế Quân nói :
- Cả Chu Doãn Văn và Chu Lệ.
Tuấn nhi nghe nói ngạc nhiên hỏi :
- Tại sao cả hai đều là tự tìm tử lộ ạ ? Lẽ ra chỉ một kẻ tự tìm tử lộ, còn một kẻ chiến thắng sẽ được làm vua chứ. Thắng làm vua thua làm giặc mà.
Ngạo Thiên Đế Quân nói :
- Đó là lúc bình thường thôi. Còn hiện giờ Trung Nguyên lưỡng kinh thập tam tỉnh, Minh triều quản lý được mấy nơi kia chứ ? Sơn Đông Lương gia, Hà Nam Dương gia, Thiểm Tây Kim gia hợp thành ‘Tam trấn liên minh’. Hồ Quảng chịu ảnh hưởng của Bài giáo. Tứ Xuyên thì có Đường Tài Thần và Đường môn khống chế. Tây nam tam tỉnh là Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu chịu ảnh hưởng của Miêu Chúa. Vùng duyên hải là địa bàn của Bạch Giao Bang. Ở Nam trực lệ thì vùng Phụng Dương do Hoàng Thanh Chương khống chế, chịu ảnh hưởng của Huyền Đô Quan. Tóm lại, Minh triều chỉ quản lý được Bắc trực lệ, Sơn Tây, Giang Tây, và một phần Nam trực lệ. Hiện tại thì Bắc trực lệ và Sơn Tây thuộc địa bàn của Chu Lệ, còn Nam trực lệ và Giang Tây thuộc địa bàn của Chu Doãn Văn. Về thế lực thì phương nam có vẻ mạnh hơn, và tài lực thì phương nam cũng chiếm ưu thế.
Minh triều kể từ Hồng Vũ tam niên (1370) bắt đầu chia tỉnh và thiết lập đô vệ. Cả nước chia làm lưỡng kinh thập tam tỉnh gồm : Bắc trực lệ (Hà Bắc, kể cả Bắc Kinh), Nam trực lệ (Giang Tô, An Huy, kể cả Nam Kinh), Thiểm Tây (gồm cả Thiểm Tây, Cam Túc, Thanh Hải, Ninh Hạ), Sơn Tây, Sơn Đông, Hà Nam, Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Quảng (Hồ Nam, Hồ Bắc), Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu. Địa giới các tỉnh này không giống thời hiện đại, có nhiều chỗ rất kỳ lạ; chẳng hạn như Sơn Đông kiêm quản cả Liêu Đông, dù hai xứ này cách nhau qua Bột hải; hoặc như Thiểm Tây quản lý từ vùng Hán Trung ở phía nam cho đến Cam Túc ở phía bắc, Thanh Hải và Ninh Hạ ở phía tây, địa bàn quản hạt rất rộng lớn.
Bạch Thiếu Huy ngẫm nghĩ giây lát, rồi nói :
- Cứ thuận kỳ tự nhiên, ưu thắng liệt bại. Qua đó thẩm tra tư cách của bọn họ cũng tốt.
Ngạo Thiên Đế Quân và Bách Độc Chân Quân đồng vâng dạ. Việc tranh quyền đoạt lợi trong triều đình, bọn họ không có hứng thú. Bách Độc Chân Quân lại tâu :
- Khải tấu Điện hạ. Đông Hải hồi báo, gần đây bọn hải khấu Đông Doanh hoành hành rất dữ, gây bất ổn trong vùng Đông Hải, nên Lữ Gia đã phái đại hạm đội sang chinh thảo Đông Doanh rồi. Đại quân gồm hơn trăm chiến hạm và 3 vạn cao thủ Bạch Giao Bang. Mục tiêu là vùng Cửu Châu đảo của Đông Doanh tứ đảo, nơi xuất phát chủ yếu của bọn hải khấu.
Bạch Thiếu Huy cau mày hỏi :
- Có biết nguyên nhân do đâu mà hải khấu hoành hành không ?
Bách Độc Chân Quân tâu :
- Khải tấu Điện hạ. Đông Doanh tứ đảo vừa mới kết thúc cuộc nội chiến Nam – Bắc triều hồi mấy năm trước, tuy đại chiến không còn, nhưng tiểu chiến bất đoạn, dư âm của chiến tranh vẫn còn dai dẳng. Cuộc nội chiến lúc trước đã khiến các phiên Đông Doanh thiệt hại không nhỏ. Đến giờ tuy nội chiến đã kết thúc, nhưng quyền uy của triều đình không cao, các phiên vẫn tự cát cứ, tự cai trị lĩnh địa của mình. Do dư âm của cuộc nội chiến, các phiên có nhiều hiềm khích vẫn tiếp tục giao chiến, tranh đoạt địa bàn. Nhất là các phiên tây nam ở Cửu Châu đảo gần như độc lập với triều đình trung ương. Để bổ sung tài lực, củng cố thế lực cho mình, bọn họ mới sai quân hạm hóa trang thành hải khấu sang Trung Nguyên cướp bóc. Lữ Gia hay tin, rất tức giận, nên đã phái đại quân chinh phạt.
Bạch Thiếu Huy gật đầu nói :
- Quả nhân đã giao vùng Đông Hải cho Lữ khanh gia chưởng quản, thống quản hải ngoại chư quốc. Việc chinh phạt tùy ý Lữ khanh gia vậy.
Vậy là Bạch Thiếu Huy quyết định thuận kỳ tự nhiên, hai sự kiện trên chẳng ảnh hưởng gì đến bọn Bạch Thiếu Huy cả. Dù vậy, chàng vẫn nói :
- Quả nhân ở đây cũng đã khá lâu rồi, cũng nên trở về thôi. Chư khanh hãy chuẩn bị để sau mười ngày nữa chúng ta trở về Trung Nguyên.
Ngạo Thiên Đế Quân và Bách Độc Chân Quân vâng dạ, đi lo chuẩn bị. Tuấn nhi cũng không còn hứng học tập nữa, quay sang hỏi Bạch Thiếu Huy về Đông Doanh tứ đảo.
Đông Doanh thật ra là một quần đảo có hình vòng cung, nằm ở phía nam bán đảo Cao Ly, gồm hàng nghìn hải đảo lớn nhỏ, trong đó có 4 hòn đảo lớn nhất, chiếm đại bộ phận diện tích, nên còn được gọi chung là Đông Doanh tứ đảo. Bốn hòn đảo đó là Cửu Châu (Kyushyu), Tứ Quốc (Shikoku), Bản Châu (Honshyu) và Bắc Hải Đạo (Hokkaido). Chữ ‘Đông Doanh’ có nghĩa là Doanh Châu ở phương đông.
Doanh Châu là tên của một trong năm tòa tiên đảo ở Đông Hải, nơi có thần tiên ở. Theo Sơn Hải Kinh, Bồng Lai đảo nằm về phía đông của Bột hải, cùng với 4 tòa đảo khác là Phương Trượng, Doanh Châu, Đại Dư và Viên Kiều, hợp thành một quần đảo, là những nơi có các vị tiên sinh sống, tu luyện. Truyền thuyết Bát Tiên trong thần thoại Trung Hoa sinh sống ở đảo Bồng Lai này.
Một thuyết khác do Nghĩa Sở thời Hậu Chu đưa ra đã xem hòn đảo truyền thuyết này là Bản Châu đảo trong Đông Doanh tứ đảo (tức đảo Honshyu của Nhật Bản), với núi Bồng Lai chính là núi Phú Sĩ.
Liệt Tử Xung Hư Chân Kinh lại nói : "Phía đông của Bột Hải, không rõ là cách xa bao nhiêu dặm, có một vùng nước lớn. Thực tế ở đó là một thung lũng không có đáy. Bởi phía dưới của thung lũng không có đáy nên thung lũng được gọi là Quy Khư. Nước từ tám phương trời, chín vùng đất, và nước của Ngân Hà đều chảy đổ vào nơi này, thế mà nước ở đấy chẳng tăng chẳng giảm. Ở nơi này có năm ngọn núi. Ngọn thứ nhất tên là Đại Dư, ngọn thứ hai là Viên Kiều, ngọn thứ ba là Phương Trượng, ngọn thứ tư là Doanh Châu, và ngọn thứ năm là Bồng Lai. Các núi này cao 3 vạn dặm, và chu vi 3 vạn dặm. Đỉnh núi là vùng bằng phẳng, có đường kính 9 nghìn dặm. Các núi cách nhau 7 vạn dặm, là nơi người ở. Những đền đài và đạo quán trên đỉnh núi thì bằng vàng và ngọc. Cầm thú ở đó có màu trắng tinh khiết. Cây cối bằng ngọc trai và san hô. Hoa trái có vị thơm ngon dễ chịu. Ai mà ăn được hoa quả ấy sẽ không già và không chết."
Truyền thuyết này vào thời cổ rất được người Trung Hoa tin tưởng, vì vậy mới có rất nhiều người vượt biển đi tìm Bồng Lai đảo, cầu thuốc trường sinh. Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế đều có phải người đi tìm tiên cầu tiên dược. Người nổi tiếng hơn cả chính là Từ Thức đời Tần, tương truyền đã mang theo 100 đồng nam đồng nữ vượt biển đến được Đông Doanh. Thật ra thì Đông Doanh tứ đảo nếu tính thêm Lưu Cầu (Okinawa) sẽ đủ số 5 trong 5 tòa tiên đảo. Về mặt địa lý thì tính thêm đảo Kurin ở phía bắc Hokkaido sẽ hợp lý hơn, nhưng người Trung Hoa thời xưa không biết có đảo này. Còn Lưu Cầu tự thành một nước, là một phiên quốc của Trung Hoa, nên đối với họ đó cũng là một đảo lớn.
...
Mười ngày sau, mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, Bạch Thiếu Huy khởi giá hồi Trung Nguyên. Hai vị Hoạt Phật thống lĩnh chúng Lạt ma tiễn ra ngoài mười dặm, nghi lễ rất là trịnh trọng. Hồng Y Phiên còn theo hộ giá đến tận biên giới Tây Tạng.
Đường về nằm trong địa bàn của bọn Giang Trọng Hùng và Tiêu Kỳ Linh, nên đoàn xa giá yên ổn không gặp việc gì. Giang Trọng Hùng sau hơn nửa năm cố gắng, với sự hỗ trợ của Ngạo Thiên Đế Quân, đã chỉnh hợp xong tàn dư của Minh giáo, chính thức dựng cờ, hào xưng Thiên Hỏa Giáo, đồng thời chinh thảo các bộ tộc trong vùng, tiến hành công cuộc thống nhất Đại Mạc. Giờ đây, dưới trướng Thiên Hỏa Giáo đã có hàng trăm bộ tộc lớn nhỏ thần phục, khi cần thiết có thể huy động hàng vạn kỵ binh. Cộng thêm hàng nghìn cao thủ võ lâm dưới trướng, theo thời gian, vùng thế lực của Thiên Hỏa Giáo ngày một mở rộng. Các dân tộc ở thảo nguyên xưa nay vẫn thế. Chỉ cần có một thế lực hùng mạnh hơn hẳn, tung hoành thảo nguyên vô địch thủ, thì các bộ tộc trên thảo nguyên sẽ rất nhanh chóng thần phục. Như trước đây có tộc Hung Nô hùng mạnh, các bộ tộc sống trên thảo nguyên đều thần phục, hợp xưng là dân tộc Hung Nô. Sau đó đến lượt Tiên Ti, Ô Hoàn, Khiết Đan, Nữ Chân, rồi đến Mông Cổ. Khi người Mông Cổ hùng bá thảo nguyên, thì những bộ tộc sống trên thảo nguyên, thần phục Thành Cát Tư Hãn, đều xưng mình là người Mông Cổ.
Khi đoàn xa giá ra khỏi biên giới Tây Tạng, Hồng Y Phiên quay về La Sa, thay thế bằng 3 nghìn kỵ binh do Giang Trọng Hùng đích thân thống lĩnh. Họ Giang đến bái kiến Bạch Thiếu Huy, rồi cung kính nói :
- Điện hạ. Chúng thần đang bận giao chiến với quân Minh triều tại Ngọc Môn Quan, nên thần chỉ có thể huy động ba nghìn kỵ binh hộ giá.
Thật ra thì ba nghìn kỵ binh hộ giá là cũng đủ rồi. Trong chuyến đi, Tiêu Kỳ Linh chỉ suất lĩnh có hai nghìn hào kiệt Quan Đông theo hộ giá. Bạch Thiếu Huy quan tâm đến vấn đề giao chiến với quân Minh triều, nên hỏi :
- Vì lý do gì mà chư khanh và quân Minh lại giao chiến với nhau ?
Giang Trọng Hùng cung kính tâu :
- Khải tấu Điện hạ. Trung Nguyên gần đây phát sinh nhiều chuyện, Minh triều bận lo xứ lý nội bộ, không có thời gian công sức lo việc ngoài biên ải. Nghe nói quân Minh ở Ngọc Môn Quan đã hơn ba tháng qua không được cấp phát quân lương, nên gã Tổng đốc ở đó mới sai quân ra thảo nguyên kiếm lương. Các bộ tộc sống trên thảo nguyên đều là thuộc dân của thần, bị quân Minh quấy nhiễu không chịu nổi, cầu cứu với thần, nên thần phải phái quân đến bảo vệ bọn họ. Thế là có giao tranh với quân Minh.
Bạch Thiếu Huy cau mày nói :
- Nhũng nhiễu dân như thế, thật không thể dung thứ.
Nói đoạn, chàng quay sang Ngạo Thiên Đế Quân bảo :
- Việc bắt gã ta về trị tội, giao cho khanh xử lý. Sau đó Ngọc Môn Quan sẽ nạp nhập vào vùng thế lực của Thiên Hỏa Giáo.
Ngạo Thiên Đế Quân và Giang Trọng Hùng đồng vâng dạ. Xa giá lại tiếp tục lên đường đi về phương đông.