Vân Tông đỏ bừng cả mặt, bụm cái mông, ngoan ngoãn theo sau Úy Đông Đình. Một vị thái giám già, mặt trắng toát, không có râu bước tới trước, vẻ mặt hiền lành đưa tay sờ một lượt khắp người A Tông, sau đó mới cho đi.
Vân Phỉ đưa mắt nhìn theo bóng dáng bé nhỏ của A Tông, rồi nhìn vào trong cung cấm.
Những cung điện nguy nga nằm trật tự ngay ngắn, chằng chịt nhưng hữu tình, tắm mình trong trời xanh nắng vàng. Hòang cung chia thành hai phần nam bắc, được nối liền bởi con đường ở giữa. Ngay giữa con đường là một lối đi được điêu khắc bằng đá cẩm thạch trắng, cao hơn nền móng hai bên, trên mặt đường chạm trổ hình rồng bay giữa biển mây, chính là con đường chỉ dành riêng cho hoàng đế.
Hai bên lối đi dành cho hoàng đế này là hai lối đi được làm từ đá tảng lớn. Úy Đông Đình dắt Vân Tông đi trên lối vào phía bên phải, đi về phía Đức Dương Điện lộng lẫy, nguy nga tráng lệ kia.
Trên lối đi bằng đá, cứ mười bước là có một lính gác, tay cầm binh khí, oai phong lẫm liệt. Hai bên đường là những khóm mẫu đơn đang nở rộ, màu sắc rực rỡ, yêu kiều quyến rũ, tạo thành vẻ đối lập một cương một nhu với giáp sắt và binh khí trên người lính gác, nhưng lại tạo nên sự hài hòa tráng lệ lạ thường.
Thời gian trôi qua rất chậm, Vân Phỉ nhìn lối đi khắc hình rồng bay giữa biển mây, lòng thầm nghĩ không biết có khi nào người cha đầy dã tâm của mình sẽ được đặt chân lên lối đi chỉ dành cho vua này hay không? Nàng cũng không hiểu rốt cuộc thì mình mong ông ấy thành công hay mong ông yên phận với hiện tại. Thời loạn lạc thế sự thất thường, nàng không quan tâm ai làm hoàng đế, nàng chỉ muốn chở che cho mẹ và đệ đệ.
Cuối cùng, nửa canh giờ sau, Vân Tông men theo lối đi bằng đá thật dài kia để ra ngoài. Đức Dương Điện nguy nga hùng vĩ sau lưng càng tô thêm dáng người nhỏ bé của A Tông. Úy Đông Đình dẫn mấy tên cấm vệ quân đi bên cạnh A Tông, bước chân chậm rãi, bộ giáp mềm trên người lấp lánh ánh sáng lạnh, cao lớn rắn rỏi, mày kiếm mắt ngài, đẹp như thần tiên.
Mãi đến khi y đến trước mặt, Vân Phỉ mới giật mình phát hiện mình đã bất tri bất giác nhìn y một lúc thật lâu. Nàng vội vàng chớp mắt, nhanh chóng loại hình bóng y ra khỏi mắt mình.
Tỷ tỷ. Vân Tông lật đật chạy tới trước, nhào tới nắm chặt lấy tay Vân Phỉ, lòng bàn tay nho nhỏ của nó đều là mồ hôi.
Vân Phỉ thầm tức cười, cái thằng nhóc chưa trải việc đời này, gặp hoàng thượng thì có gì đáng sợ chứ. Cùng là trẻ con bảy tuổi, Triệu Mân trên ngai vàng còn không bằng cả A Tông, chẳng qua chỉ là một con rối bị nhốt trong lồng son mà thôi.
Úy Đông Đình nói: Hoàng thượng ngự ban phủ đệ cách hoàng cung không xa, mỗi ngày sẽ có người chuyên đến đón Vân công tử vào cung. Tối nay thái hậu và hoàng thượng thiết yến để tẩy trần cho hai vị, hai vị cứ về nghỉ ngơi trước đi.
Tạ ân điển của thái hậu và hoàng thượng. Vân Phỉ tỏ vẻ hết sức khách khí, đúng chuẩn đang làm việc chung, hệt như chưa từng quen biết y. Sau khi cung kính nói tạ ơn xong thì dắt Vân Tông lên xe ngựa, nhanh chóng buông rèm xuống.
Úy Đông Đình thầm tức cười. Tiểu nha đầu này giương nanh múa vuốt là đáng yêu nhất, chứ tiểu thư khuê các không thích hợp với nàng chút nào.
Một thái giám tên là Tần Phương dẫn hai thái giám khác cùng tám cấm vệ quân hộ tống bọn họ đến trước một tòa nhà. Vào trong nhà, tám cấm vệ quân kia chia nhau thành hai nhóm gác ở cửa trước và sau, mang tiếng là bảo vệ A Tông nhưng lại toát lên vẻ giam lỏng.
Trong sân có hai thiếu nữ mười bảy mười tám tuổi đang đứng, thấy mấy người Vân Phỉ và Tần Phương đến thì cung kính hành lễ.
Tần Phương chỉ hai người này, nói: Đây là Kì Hoa và Dị Thảo, chuyên hầu hạ sinh hoạt hằng ngày của tiểu công tử.
Vân Phỉ vội vàng mỉm cười cảm tạ, nhưng trong lòng thì lại nghĩ thầm chắc là tai mắt do thừa tướng hoặc thái hậu sai tới để giám sát A Tông đây.
Tần Phương nói: Lão nô xin cáo từ, giờ Dậu ba khắc lão nô sẽ đích thân tới đón hai vị vào cung tham gia yến tiệc.
Đa tạ Tần công công. Vân Phỉ lập tức nhét một tờ ngân phiếu cho ông ta.
Tất nhiên là Tần Phương không hề khách khí, lặng lẽ nhận ngay tờ ngân phiếu rồi xoay người dẫn hai tiểu thái giám kia đi.
Tòa nhà này có diện tích không lớn nhưng sạch sẽ ngăn nắp, phòng ở đã được thu dọn chỉnh tề, vật dụng hàng ngày đều đã đầy đủ. Tề Thị và Phục Linh dọn hành lý mang theo vào, Kì Hoa và Dị Thảo thướt tha đứng đó chờ được sai bảo. Hai vị thiếu nữ này tuy xinh đẹp mĩ miều, nhìn có vẻ rất thích mắt nhưng đáng tiếc, lai lịch không rõ ràng thì làm sao Vân Phỉ dám dùng. Cho dù có đẹp như tiên trên trời thì cũng bị tống vào lãnh cung thôi. Thế cho nên nàng hảo tâm đưa bọn họ tới chỗ Tống Kinh Vũ, để cho hai cô hoa và cỏ kia hầu hạ Tống giáo úy tuổi trẻ tài cao.
Nhưng không ngờ, Tống Kinh Vũ lại không hề cảm kích mà mặt càng trở nên lạnh lùng, đến nỗi như đóng băng.
Nhà bếp có một đầu bếp cùng hai người giúp việc. Vân Phỉ cũng không yên tâm lắm nên bảo Tề Thị xuống phụ trách nhà bếp, Phục Linh thì chuyên tâm chăm lo cho A Tông.
Bận bịu suốt buổi chiều, sắp xếp hành lý đâu vào đấy, thấy sắp tới giờ đi tham dự yến tiệc nên Vân Phỉ và Vân Tông chia nhau đi tắm rửa, chuẩn bị sẵn sàng, chờ người trong cung tới đón.
Giờ Dậu ba khắc, Tần Phương dẫn người đánh xe đến đón rất đúng giờ.
Vân Phỉ vừa thấy cỗ xe ngựa xa hoa lộng lẫy kia thì thầm nghĩ, quả nhiên là hoàng gia có rất nhiều tiền, cho dù là hoàng thất đã sa sút thì khí thế này vẫn khiến người ta phải tròn mắt nhìn.
Lúc lên xe, nàng càng phải tắc lưỡi. Thùng xe rộng rãi, đi đứng ngồi nằm trong ấy đều không bị gò bó. Bốn góc trên trần xe nạm bốn viên dạ minh châu, vách tường thì dán vải lụa màu vàng kim có thêu hoa văn như ý cát tường bằng chỉ bạc, bên trong thì nhồi bông nên dù đường khó đi, không cẩn thận đụng vào vách thì cũng không bị đau.
Vân Tông ngắm nghía một cách hiếu kỳ rồi ao ước: Tỷ tỷ, sau này xe ngựa của chúng ta cũng trang trí như vậy đi.
Vân Phỉ đưa ngón tay trỏ lên môi, suỵt một cái: Vậy là vượt quá quyền hạn, sẽ bị trị tội đó.
Vân Tông lè lưỡi, tỏ vẻ không đồng ý.
Vân Phỉ ôm Vân Tông, thì thầm vào tai nó: A Tông, đệ phải nhớ đây là kinh thành chứ không phải Kinh Châu. Ở Kinh Châu, cha là vua một cõi, chúng ta có thể thích làm gì thì làm, nhưng ở đây thì không được. Mỗi lời nói hành động đều phải cẩn thận, đặc biệt là ở trong cung, ngàn lần không được nhiều lời, chỉ cần giả câm giả điếc, giả ngu giả ngốc là được.
Vân Tông thở hắt ra, nói: Tỷ tỷ, đệ vốn không có gì để nói với mấy lão già đó. Sáng hôm nay, lúc gặp mặt hoàng thượng, thừa tướng, thái phó, vân vân... ở bên cạnh đều là mấy ông già, đúng là vừa không thú vị, vừa ngột ngạt.
Mặc kệ là ai, chỉ cần hỏi tới chuyện của cha thì đệ cứ nói không biết là được.
Vân Tông hừ một cái: Thì đệ vốn không biết gì cả mà.
Bởi vì Vân Định Quyền nhẫn tâm đưa nó tới kinh thành làm con tin nên trong trái tim bé nhỏ của A Tông đã tràn ngập sự bất mãn cùng thất vọng đối với cha. Thêm vào đó, từ nhỏ tới lớn đều là mẹ và tỷ tỷ chăm sóc nó, Vân Định Quyền rất ít khi về nhà nên đối với hắn, Vân Tông kính sợ nhiều hơn là gần gũi.
Vân Phỉ nghĩ ngợi một chút, lại nói tiếp: Bất luận người ta hỏi cái gì, đệ cứ giả ngây giả dại là được. Nhất định phải nhớ cho kỹ, nói nhiều sai nhiều, kẻ có trí tuệ là kẻ biết giả ngu.
Vân Phỉ nghĩ ngợi một chút, lại nói tiếp: Bất luận người ta hỏi cái gì, đệ cứ giả ngây giả dại là được. Nhất định phải nhớ cho kỹ, nói nhiều sai nhiều, kẻ có trí tuệ là kẻ biết giả ngu.
Vân Tông chỉ hiểu lơ mơ nhưng vẫn gật đầu, tâm trạng thoải mái vừa nãy cũng bị vẻ nghiêm túc của tỷ tỷ làm cho trở nên nặng nệ hơn.
Vân Phỉ xoa đầu nó, nhẹ nhàng nói: A Tông, chuyện sẽ đâu vào đấy cả thôi. Chuyện gì cũng phải nghĩ theo chiều hướng tốt đẹp, đệ được đi học cùng hoàng thượng, đó là phúc của đệ. Thừa tướng toàn tìm cho người những vị lão sư giỏi nhất.
Vân Tông gật đầu, ôm cánh tay của nàng, lẩm bẩm: Đệ ở Kinh Châu cũng có thể học được vậy, ở kinh thành không được gặp mẹ. Nói xong, mắt lại chớp chớp, hai giọt nước mắt tròn xoe rơi xuống.
Vân Phỉ ôm lấy A Tông, lòng cảm thấy chua xót. Hai người đều xa nhà lần đầu tiên, đến một nơi thật xa lạ, nhìn thì có vẻ yên bình nhưng lại đầy rẫy những nguy hiểm ngầm, từ nay về sau mọi thứ chỉ có thể dựa vào chính mình.
Xe ngựa tới trước Ứng Thiên Môn, Phục Linh và Tống Kinh Vũ phải ở ngoài cung chờ, Vân Phỉ dẫn A Tông vào cung.
Vào lúc hoàng hôn, cung điện được ánh chiều tà mạ lên một vầng sáng màu vàng kim. Trong cơn im lìm, sinh ra một sự uy nghiêm cô tịch. Vân Phỉ nắm tay A Tông men theo con đường bằng đá phía bên phải, chậm rãi bước về cung điện phía nam sừng sững.
Ánh tịch dương từ từ chiếu xuống, Đức Dương Cung hùng vĩ nằm ngay giữa giao điểm của những cung điện khác trong hoàng thành, ngói lưu ly trên mái vòm phát quang lấp lánh, rực rỡ sáng ngời. Bao quanh cung điện là một hồ nước xanh biêng biếc, đại biểu cho ý nghĩa trời tròn đất vuông. Đúng vào lúc lên đèn, tất cả đèn trong cung điện bỗng bừng sáng, từng ngọn, từng ngọn liên tiếp phừng lên, giống như một cơn sóng lớn từ xa ập tới gần, khí thế rào rạt khiến người ta phải say sưa mà nhìn.
Vân Phỉ nhìn thấy cảnh tượng hoành tráng này, loáng thoáng hiểu được tại sao lại có nhiều người muốn ngồi trên điện Kim Loan đến thế.
Người trong cung dẫn nàng và A Tông men theo những bậc thang bằng ngọc trắng, tiến vào Đức Dương Cung.
Bên trong điện sáng như ban ngày, những giá nến làm từ đồng đen cao bằng nửa người thấp thoáng sau những bức màn che trùng điệp, tầng tầng lớp lớp như sóng biển cuồn cuộn. Tấm thảm màu đỏ trên mặt đất thêu đầy hoa mẫu đơn, rực rỡ như thể mãi mãi không tàn.
Đây đã là lần thứ hai A Tông gặp hoàng thượng nên trấn định hơn lúc chiều rất nhiều. Vân Phỉ thì xưa nay bạo dạn nên khi được người dẫn vào thì cúi đầu bước vào điện, quỳ huống hành lễ.
Sau ba quỳ chín lạy, một giọng nói non nớt và lảnh lót vang lên: Bình thân, ban cho ngồi.
Vân Phỉ đa tạ xong thì được dẫn đến chỗ ngồi phía dưới để dự tiệc. Lúc này, nàng khẽ ngước mắt lên, nhanh chóng liếc nhìn tiểu hoàng đế Triệu Mân đang ngồi phía trên một cái.
Triệu Mân lớn hơn Vân Tông ba tháng, nhìn có vẻ không khỏe mạnh như Vân Tông mà gầy gò mảnh mai như một bé gái, mặt mũi ngây thơ, cho dù có mặc long bào thì cũng không có khí chất của bậc đế vương.
Nàng từng nghe cha mình nói lúc Cảnh Đế băng hà, thái hậu Gia Nghĩa vẫn đang mang thai. Lúc ấy trong triều chia thành ba phe: một phe ủng hộ lập Tần Vương làm hoàng đế, một phe ủng hộ lập Ngô Vương kế vị, còn một phe khác do Úy Trác cầm đầu thì kiên quyết đòi đợi thái hậu sinh hoàng tử kế thừa ngôi hoàng đế. Đại Tề bắt đầu loạn từ đó.
Vì muốn sớm ổn định tình hình, Úy Trác bắt thái y dùng thuốc trợ sản làm cho thái hậu Gia Nghĩa sinh Triệu Mân sớm một tháng, cho nên vị tiểu hoàng đế này cứ yếu ớt không khỏe.
Ngồi phía tay phải của Triệu Mân là một ông lão hơn năm mươi tuổi, mắt sáng như đuốc. Ánh mắt Vân Phỉ vừa thoáng chạm vào ông ta là vội vã cụp mắt xuống. Người này chắc là thừa tướng Úy Trác quyền hành khuynh triều đây.
Úy Đông Đình ngồi phía dưới Úy Trác, ánh mắt lặng lẽ lướt qua người nàng. Lúc này Vân Phỉ mặc một bộ váy càng thêm đoan trang thùy mị, tuổi còn trẻ mà đã mặc màu tím sậm, nhưng điều kỳ lạ là nó càng tôn thêm làn da trắng nõn nà như tuyết của nàng. Người nàng như một quả nho tím làm bằng ngọc sáng lấp lánh, ướp đẫm mật, khiến người ta không kìm được mà muốn ngậm vào miệng, nuốt vào bụng.
Bữa tiệc tẩy trần này hết sức vô vị. Vân Phỉ thầm tức cười, cái gì mà triều đình Đại Tề, rõ ràng là thiên hạ của họ Úy. Thái hậu, thừa tướng, đại tướng quân cùng tụ lại một chỗ, bữa tiệc trong cung này chính là bữa tiệc của nhà họ Úy.
Thừa tướng Úy Trác hết sức kiệm lời, gần như cả buổi tối không nói được câu nào, nhưng Vân Phỉ lại tự dưng cảm thấy khí thế nặng nề mạnh mẽ ấy không lúc nào không có. A Tông còn nhỏ, hoàng đế cũng là trẻ con nên giữa vua tôi không có gì để nói. Chỉ có thái hậu là thỉnh thoảng hỏi Vân Phỉ vài câu mới giảm bớt sự tẻ nhạt và ngại ngùng.
Thái hậu Gia Nghĩa Úy Lâm Lang chỉ mới hơn hai mươi tuổi, đoan trang xinh đẹp, khí chất cao quý, dung nhan kiều diễm đến nỗi không thể chê vào đâu kia có vài phần giống với Úy Đông Đình. Nhưng cho dù là mỉm cười thì thần sắc của nàng ta vẫn thoáng mệt mỏi. Bên cạnh rực rỡ xa hoa, người người tấp nập nhưng nàng lại tạo cho người ta một cảm giác xa xôi, giống như một đám mây đậu trên đỉnh vinh hoa phú quý, bồng bềnh mờ ảo, không có gì quyến luyến. Chắc có lẽ là vì đang tuổi thanh xuân mà phải sống thủ tiết trong cung đây.
Bữa tiệc tẩy trần tẻ nhạt này cuối cùng cũng kết thúc. Hoàng thượng thưởng cho A Tông văn phòng tứ bảo [1] và vài bức tranh chữ nổi tiếng. Thái hậu thưởng cho Vân Phỉ một bộ trang sức bằng vàng nạm ngọc cùng một chiếc áo khoác bằng da chồn trắng rất lộng lẫy.
[1] Văn phòng tứ bảo: bốn báu vật trong văn phòng, tức bút - mực - giấy - nghiên.
Tỷ đệ Vân Phỉ tạ ân rồi cáo từ. Họ được cấm vệ quân đưa ra cung, hộ tống về nơi mình ở.
Hôm sau, vừa ăn xong bữa sáng, Tần Phương dẫn hai thái giám và sáu cấm vệ quân đánh xe tới đón Vân Tông vào cung, chạng vạng thì đưa về nhà. Tuy trên đường có người hộ tống nhưng Vân Phỉ vẫn không yên tâm, bảo Tống Kinh Vũ lén đi theo phía sau, để phòng ngừa lỡ có chuyện gì.
Trước mắt, Triệu Mân đang trọng dụng Vân Định Quyền nên tuy cùng cảnh ngộ làm con tin nhưng Vân Tông sướng hơn Tần Dị Nhân [2] năm xưa rất nhiều. Nhờ có tiểu hoàng đế, hiện nay nó được học với lão sư giỏi nhất của Đại Tề. Vân Phỉ cảm thấy lần đi kinh thành này cũng coi là có ích cho sự trưởng thành của A Tông. Có câu thầy nghiêm thì trò giỏi, ở Kinh Châu có mẹ che chở chiều chuộng nên khó thành tài được.
[2] Tần Dị Nhân: chính là cha của Tần Thủy Hoàng, năm xưa cũng bị đưa đi làm con tin ở nước Triệu
Có điều A Tông lại không nghĩ như vậy, bước vào hoàng cung chẳng khác nào với việc hoàn toàn mất đi tự do, bên cạnh lại toàn là người lạ. Lão sư nghiêm khắc đáng sợ, thái giám mặt cười vặn vẹo, tiểu hoàng đế ra vẻ ông cụ non, còn có cả bài tập vừa nhiều vừa khó.
Ngày đầu tiên dài đăng đẵng như một năm cuối cùng cũng trôi qua, lúc Tần Phương dẫn nó ra cung, nó mừng đến sắp khóc, có cảm giác như tìm được đường sống từ trong chỗ chết.
Nhưng đúng lúc này, đại tướng quân Úy Đông Đình lại từ xa bước tới, mình mặc áo giáp mềm, tay cầm kiếm, người còn chưa tới mà khí thế mạnh mẽ đáng sợ kia đã như một cái lồng sắt, bao phủ ngập cả đầu.
Vân Tông lập tức vội vàng đứng ở bên đường hành lễ nhanh như một con sóc.
Bởi vì nó là đệ đệ của Vân Phỉ nên Úy Đông Đình cũng có hảo cảm với đứa trẻ bụ bẫm dễ thương này, đã gặp được thì cũng thuận miệng hỏi nó vài câu về chuyện học hành.
Vân Tông miễn cưỡng trả lời vài câu qua loa, rất muốn được chuồn cho xong.
Đột nhiên Úy Đông Đình gọi nó lại, khom người xuống, nhẹ nhàng hỏi: Lúc ở nhà, tỷ tỷ của đệ có thích đọc sách không?
Vân Tông đang định trả lời, chợt nhớ tới lời dặn của tỷ tỷ, bất luận kẻ nào hỏi tới chuyện trong nhà thì đều phải nói không biết nên lập tức trả lời: Đệ không biết.
Không biết? Úy Đông Đình nhíu mày, hỏi tiếp: Vậy nàng ấy thích làm gì?
Vân Tông tròn xoe đôi mắt, lắc đầu tiếp: Không biết. Hừ, đừng hòng thám thính được tin tức gì từ miệng của ta.
Úy Đông Đình cảm thấy rất tức cười: Vậy đệ biết cái gì?