Thần Điêu Hiệp Lữ

Chương 12: Anh Hùng Đại Yến

Trước Sau

break
Sáng hôm sau Dương Quá ăn điểm tâm trong sảnh, thấy Quách Phù ở ngoài sân giơ tay vẫy vẫy, huynh đệ họ Võ lấp ló ở chỗ khác, thì chàng cười thầm, đi ra chỗ Quách Phù, hỏi:

- Cô nương tìm ta ư?

Quách Phù cười, nói:

- Vâng, đại ca đi theo muội ra ngoài cổng trang viện, muội muốn hỏi mấy năm rồi đại ca làm những gì?

Dương Quá thở dài, nghĩ chuyện của mình kể ba ngày đêm cũng chưa hết, hơn nữa có một số chuyện làm sao có thể đem kể với nàng kia chứ?

Hai người sánh vai nhau đi ra ngoài cổng, Dương Quá nghiêng đầu, liếc nhìn, thấy huynh đệ họ Võ lẽo đẽo bám theo ở xa xa đằng sau. Quách Phù biết thế, nhưng giả như không thấy, chỉ luôn miệng hỏi chuyện Dương Quá.

Dương Quá thì chọn mấy chuyện vô thưởng vô phạt mà nói, vừa nói vừa bịa cho vui, khiến Quách Phù thích chí cười khúc khích.

Quách Phù biết là Dương Quá bịa ra, nhưng vẫn thú vị. Hai người thong thả đến bên một cây liễu, bỗng nghe một tiếng hí dài, rồi một con ngựa còm, da bị ghẻ, chạy tới, dụi dụi đầu vào người Dương Quá, vẻ rất thân thiết.

Huynh đệ họ Võ thấy con ngựa xấu xí, không nhịn được, cười hô hố, tiến lại chỗ hai người.

Võ Tu Văn nói:

- Dương huynh, con thiên lý mã của huynh tuyệt quá nhỉ? Lúc nào huynh cho đệ mượn cưỡi với nhé.

Võ Đôn Nhu nói nghiêm trang:

- Đây là giống ngựa quí của nước Đại Thục, làm cách nào huynh mua được nó thế?

Quách Phù nhìn Dương Quá, nhìn con ngựa xấu xí, thấy cả hai bẩn thỉu, khốn khổ như nhau, bất giác cũng cười một tiếng.

Dương Quá cười, nói:

- Ta xấu, ngựa cũng xấu, một cặp xứng đôi. Ngựa của hai vị Võ huynh, chắc phải là thần mã.

Võ Tu Văn nói:

- Ngựa của tiểu huynh đệ cũng chỉ khá hơn con ngựa ghẻ của Dương huynh một chút, còn con ngựa hồng của Phù muội thì mới đúng là ngựa quí. Ngày trước ở Đào Hoa đảo huynh cũng đã nhìn thấy nó rồi đó.

Dương Quá nói:

- Thì ra Quách bá bá đã tặng con ngựa hồng cho Quách cô nương.

Bốn người vừa đi vừa trò chuyện. Quách Phù bỗng chỉ về phía tây, nói:

- Nhìn kìa, mẫu thân của muội lại đi truyền thụ bổng pháp kìa.

Dương Quá nhìn theo, thấy Hoàng Dung cùng một lão khất cái đang sánh vai nhau đi về phía một thung lũng, mỗi người tay cầm một cây gậy. Võ Tu Văn nói:

- Lỗ trưởng lão cũng ngu thật đấy, Đả cẩu bổng pháp học bao nhiêu lâu mà vẫn chưa xong.

Dương Quá nghe đến bốn chữ "Đả cẩu bổng pháp" thì hơi chột dạ, nhưng thản nhiên như không, quay đầu nhìn chỗ khác, làm như đang ngắm cảnh.

Quách Phù nói:

- Đả cẩu bổng pháp là bảo bối trấn bang của Cái Bang, mẫu thân của muội nói rằng Đả cẩu bổng pháp thần diệu vô cùng, là chiêu số lợi hại nhất trong các binh khí của thiên hạ, cho nên không phải là thứ chỉ học mươi bữa nửa tháng đã xong. Ca ca bảo Lỗ trưởng lão ngu, chắc ca ca thông minh lắm đấy?

Võ Đôn Nhu thở dài, nói:

- Chỉ tiếc trừ bang chủ của Cái Bang, Đả cẩu bổng pháp không truyền cho người ngoài.

Quách Phù nói:

- Sau này nếu Võ đại ca làm bang chủ Cái Bang, thì Lỗ bang chủ dĩ nhiên sẽ truyền cho đại ca. Đả cẩu bổng pháp, phụ thân của muội cũng không biết, đại ca đừng có sốt ruột.

Võ Đôn Nhu nói:

- Kém cỏi như huynh, làm sao có thể trở thành bang chủ Cái Bang? Phù muội này, muội bảo tại sao sư mẫu lại chọn Lỗ trưởng lão làm người thay thế mình?

Quách Phù nói:

- Mấy năm rồi mẫu thân của muội chỉ nhắc đến Lỗ trưởng lão mà thôi. Mọi việc lớn nhỏ của Cái Bang, đều giao cho Lỗ trưởng lão xử lý. Mẫu thân của muội nghe chuyện này chuyện nọ trong Cái Bang đã nhức đầu lắm rồi, bảo rằng hà tất cứ phải hữu danh vô thực thế này mãi, chi bằng để Lỗ trưởng lão chính thức làm bang chủ cho xong. Đợi Lỗ trưởng lão học xong Đả cẩu bổng pháp, thì mẫu thân của muội sẽ chính thức truyền vị cho Lỗ trưởng lão.

Võ Tu Văn nói:

- Phù muội, Đả cẩu bổng pháp rốt cuộc là đánh như thế nào? Phù muội đã nhìn thấy bao giờ chưa?

Quách Phù nói:

- Muội chưa thấy bao giờ. À, mà thấy rồi!

Nàng nhặt một cành cây ở dưới đất lên, đánh nhẹ vào vai Võ Tu Văn, cười, nói:

- Đánh thế này này!

Võ Tu Văn nói:

- Được, muội coi ta như con chó, để xem ta có tha cho muội được không?

Bèn giơ tay làm như chộp bắt nàng. Quách Phù cười, bỏ chạy. Võ Tu Văn đuổi theo, hai người chạy một vòng tròn lại trở về chỗ cũ.

Quách Phù cười, nói:

- Tiểu Võ ca ca, đừng làm ồn nữa, muội có một ý này.

Võ Tu Văn nói:

- Được, muội nói đi.

Quách Phù nói:

- Chúng ta đi xem trộm, xem Đả cẩu bổng pháp rốt cuộc là thứ bảo bối gì đi.

Võ Tu Văn vỗ tay khen hay, Võ Đôn Nhu thì lắc đầu nói:

- Nếu sư mẫu phát giác chúng ta học lén bổng pháp, thì sẽ bị mắng đó.

Quách Phù nói:

- Chúng ta chỉ nhìn trộm xem thế nào thôi, chứ không học lén. Hơn nữa, thứ võ công thần diệu ấy, nhìn qua vài cái thì làm sao biết nổi? Đại Võ ca ca, ca ca đúng là kẻ nhát gan!

Võ Đôn Nhu bị nàng nhiếc thế, chỉ mỉm cười, Quách Phù lại nói:

- Tối qua chúng ta trốn trong thư phòng nghe trộm, mẹ của muội có chửi mắng hay không? Tiểu Võ ca ca, hai chúng mình đi thôi.

Võ Đôn Nhu nói:

- Thôi thôi, coi như muội đúng, ca ca đi theo muội vậy.

Quách Phù nói:

- Môn võ công đệ nhất thiên hạ này, lẽ nào ca ca không muốn xem? Ca ca không đi xem cũng được, muội học được rồi, trở về sẽ đánh cho ca ca thế này này.

Nàng giơ cành cây lên nhứ nhứ.

Ba người họ rất chú tâm tới môn Đả cẩu bổng pháp, họ nghe danh đã lâu, nhưng nó là thế nào, thì cuối cùng họ vẫn chưa nhìn thấy. Quách Tĩnh từng giảng cho họ nghe, năm xưa tại đại hội Cái Bang ở Quân Sơn, Hoàng Dung đã dùng Đả cẩu bổng pháp chiến thắng quần hùng, đoạt ngôi vị bang chủ như thế nào, ba hài tử nghe mà ngưỡng mộ vô cùng. Lúc này Quách Phù xướng nghị đi xem, Võ Đôn Nhu ngoài miệng phản đối, trong bụng thì rất muốn, chỉ giả vờ miễn cưỡng, làm theo chủ ý của Quách Phù, để lỡ có bị phát hiện, thì sư mẫu không thể trách mắng chàng ta.

Quách Phù nói:

- Dương đại ca, hãy cùng đi nào.

Dương Quá nhìn dãy núi xa xa, giả bộ đang suy nghĩ, không nghe thấy lời ba người. Quách Phù gọi thêm lần nữa, Dương Quá mới ngoảnh lại, vẻ ngơ ngác, nói:

- Được thôi, đi thì đi, nhưng đi đâu vậy?

Quách Phù nói:

- Dương đại ca đừng hỏi, cứ đi theo muội.

Võ Đôn Nhu nói:

- Phù muội, rủ chàng ta đi làm gì, chàng ta có xem cũng chả hiểu gì, lại hỏi này hỏi kia, khiến sư mẫu phát giác thì sao?

Quách Phù nói:

- Võ đại ca yên tâm, muội chú ý đến chàng ta là được. Hai người cứ đi trước đi, muội sẽ cùng Dương đại ca đi sau một chút, bốn người cùng đi thì tiếng chân nghe rõ lắm.

Huynh đệ họ Võ chẳng muốn thế chút nào, nhưng lại không dám làm trái lời Quách Phù, đành đi lên trước. Quách Phù nói:

- Hãy đi đường tắt đến chỗ cái cây to đằng kia mà nấp, mọi người cẩn thận chớ gây ra tiếng động, mẫu thân của muội sẽ không biết đâu.

Huynh đệ họ Võ đáp ứng, rảo bước hơn. Quách Phù nhìn Dương Quá, thấy bộ quần áo chàng mặc quá rách nát, thì nói:

- Khi về, muội sẽ bảo mẫu thân cho đại ca vài bộ quần áo mới, đại ca mặc vào sẽ không khó coi nữa.

Dương Quá lắc đầu, nói:

- Ta vốn khó coi rồi, có mặc gì cũng thế thôi.

Quách Phù nói qua rồi thôi, cũng chẳng để tâm, nhìn theo bóng huynh đệ họ Võ, thở dài nhè nhẹ.

Dương Quá hỏi:

- Cô nương sao lại thở dài?

Quách Phù nói:

- Muội buồn lắm, đại ca chả hiểu được đâu.

Dương Quá thấy Quách Phù đôi má ửng hồng, mi mục thanh tú, quả là một cô nương tuyệt mỹ, xinh đẹp hơn hẳn Lục Vô Song, Hoàn Nhan Bình, Gia Luật Yến, thì lòng hơi rung động, nói:

- Ta biết cô nương buồn chuyện gì rồi.

Quách Phù cười, nói:

- Lạ nhỉ, làm sao đại ca có thể biết, đúng là chỉ đoán mò.

Dương Quá nói:

- Được, nếu ta đoán trúng, cô nương không được chối cãi đấy nhé.

Quách Phù giơ một ngón tay thon thả nõn nà chạm lên má phải, đôi mắt đung đưa, khoé miệng tủm tỉm, nói:

- Được, Dương đại ca đoán đi.

Dương Quá nói:

- Kể cũng khó chọn thật. Huynh đệ họ Võ đều thích cô nương, cố lấy lòng cô nương, cô nương chẳng biết chọn ai.

Quách Phù bị chàng đoán trúng tâm sự thầm kín, trống ngực bỗng đập mạnh. Điều này nàng biết, huynh đệ họ Võ biết, cha mẹ nàng biết, thậm chí cả sư công Kha Trấn Ác cũng biết, nhưng mọi người đều cảm thấy việc này thật khó nói ra, trong lòng ai cũng hay nghĩ đến, nhưng ngoài miệng thì lại chưa nhắc đến một lần. Bây giờ đột nhiên Dương Quá nói toạc ra, bất giác Quách Phù đỏ bừng cả mặt, vừa vui vừa buồn, vừa muốn cười, vừa muốn khóc, nước mắt lưng tròng.

Dương Quá nói:

- Đại võ ca ca tư văn ổn trọng, Tiểu Võ ca ca thì lại có thể giúp cô nương giải sầu. Cả hai cùng niên thiếu anh tuấn, võ công cao cường, lại cùng ngoan ngoãn vâng lời, ân cần săn đón, đúng là ca ca có cái hay của ca ca, đệ đệ có cái hay của đệ đệ, mà cô nương chỉ một thân này, biết gả cho ai bây giờ?

Quách Phù ngẩn ra nghe chàng nói, nghe xong câu cuối cùng, thì dẩu môi, nói:

- Dương đại ca chỉ giỏi nói quàng nói xiên, ai thèm kia chứ?

Dương Quá nhìn thần sắc của Quách Phù, biết mình đoán trúng, bèn nói như hát:

- Cô nương chỉ một thân này, biết gả cho ai bây giờ?

Quách Phù giả vờ không để tâm, nói:

- Dương đại ca, theo đại ca thì Đại Võ ca ca và Tiểu Võ ca ca, ai hơn ai?

Câu này thật bất ngờ. Nàng với Dương Quá tuy hồi nhỏ biết nhau, chơi với nhau, nhưng hồi ấy có hiềm khích, lại nhiều năm không gặp nhau, bây giờ cả hai đều đã trưởng thành, chuyện thầm kín của nữ nhi, sao lại đem ra thổ lộ với chàng? Nhưng Dương Quá tính tình hoạt bát, chỉ cần không đắc tội với chàng, thì chàng sẽ nói sẽ cười, hi hi ha ha, chỉ giây lát sẽ làm cho người khác vui như gặp gió xuân, thích như uống rượu ngon. Huống hồ Quách Phù từng nghĩ đến chuyện này hàng ngàn vạn lần, cảm thấy đúng là huynh đệ họ Võ mỗi người đều có ưu điểm riêng, thường ngày chơi đùa thì Võ Tu Văn rất hợp, nhưng cần làm việc nghiêm trang, thì phải có Võ Đôn Nhu. Thiếu nữ mới biết yêu, bình thời đối với hai chàng kia hoặc giận dỗi, hoặc vui buồn, đều làm cho họ thần hồn điêu đứng, trong thâm tâm thì nàng cảm thấy thật khó, nên chọn ai cho hơn, bây giờ buột miệng đem ra hỏi Dương Quá.

Dương Quá cười, nói:

- Ta thấy cả hai đều không được.

Quách Phù sững người, hỏi:

- Tại sao?

Dương Quá cười, nói:

- Nếu hai người ấy đều được, thì Dương Quá này còn hi vọng nỗi gì?

Dọc đường chàng đã quen mặt dày mày dạn đùa cợt giả làm vợ chồng với Lục Vô Song, kỳ thực hoàn toàn không có tà niệm, lúc này trò chuyện với Quách Phù, cũng lại buột miệng thốt ra.

Quách Phù ngẩn ra, nàng quen được nâng niu chiều chuộng, chưa ai dám nói một câu khinh bạc với nàng, lúc này không biết có nên nổi giận hay không, bèn nghiêm mặt, nói:

- Đại ca không trả lời thì thôi, ai nói đùa với đại ca? Chúng ta đi mau lên nào.

Rồi thi triển khinh công chạy về phía sau thung lũng.

Dương Quá nghe nàng nói thế, nghĩ thầm: "Mình xen vào giữa ba người ấy làm quái gì? Tự mình tránh xa ra là hơn!" Bèn quay mình đi thong thả, nghĩ bụng: "Huynh đệ họ Võ coi Quách Phù như tiên nữ, chỉ sợ nàng ta không lấy mình; thực ra nếu lấy được một cô nương đỏng đảnh kiêu ngạo như thế, thì sẽ khổ sở hơn là lạc thú, ôi, hai gã si mê, thật tức cười!"

Quách Phù chạy một hồi, cứ tưởng Dương Quá sẽ chạy theo xin lỗi, không ngờ đứng lại chờ một lát vẫn chẳng thấy chàng đâu, thì nghĩ thầm: "Chàng ta không biết khinh công, tất nhiên không theo kịp mình", bèn chạy trở lại, thấy chàng đi ngược chiều đã khá xa, thì lấy làm lạ, chạy nhanh đến trước mặt, hỏi:

- Sao đại ca không đến?

Dương Quá nói:

- Quách cô nương, hãy thưa với thân phụ thân mẫu cô nương, rằng ta đi rồi.

Quách Phù ngạc nhiên, hỏi:

- Sao tự dưng lại bỏ đi?

Dương Quá cười nhạt, nói:

- Chẳng sao cả, ta vốn không định đến, nhưng đã đến rồi, thì cũng nên đi thôi.

Quách Phù vốn thích cảnh nhiệt náo, tuy nàng xem thường Dương Quá, chỉ cảm thấy chàng trò chuyện thú vị hơn hẳn huynh đệ họ Võ, song thực tình nàng rất muốn Dương Quá đừng bỏ đi, bèn nói:

- Dương đại ca, chúng ta lâu năm không gặp, muội có rất nhiều điều muốn hỏi đại ca. Hơn nữa tối nay mở anh hùng đại yến, anh hùng hảo hán của các gia các phái khắp bốn phương tụ hội, tại sao đại ca lại không đến xem cho biết kia chứ?

Dương Quá cười, nói:

- Ta không phải là anh hùng, nếu cũng đòi tham dự, chẳng hóa ra làm trò cười cho các vị đại anh hùng hay sao?

Quách Phù nói:

- Kể cũng phải, nhưng số người không biết võ công ở Lục gia trang cũng đông lắm. Đại ca cứ ngồi cùng bàn với các quản gia, trưởng phòng tiên sinh cũng được mà.

Dương Quá nghe vậy thì cả giận, nghĩ thầm: "Đồ nhãi ranh, mi lại xếp ta vào loại thấp kém thế sao". Nhưng ngoài mặt thản nhiên, nói:

- Kể cũng phải.

Chàng đã định bỏ đi, nhưng thế này thì nhất định phải làm cho nàng ta bẽ mặt một phen mới được.

Quách Phù quen được nuông chiều, không hiểu nhân tình thế cố, câu vừa nói của nàng thực tâm hoàn toàn không có ý khinh thường, cũng không biết mình đã vô tình đắc tội với người khác. Thấy Dương Quá đổi ý, nàng cười, giục:

- Đi thôi nào, đừng chậm trễ nữa, đến muộn thì không được xem nữa đâu.

Nàng nhanh nhẹn đi trước, Dương Quá nặng nề đi sau, giả bộ mười phần chậm chạp, vụng về.

Chạy tới gần chỗ Hoàng Dung truyền thụ Đả cẩu bổng pháp cho Lỗ Hữu Cước, thấy huynh đệ họ Võ đã leo lên ngọn cây, ngó nghiêng tứ phía. Quách Phù nhảy lên cây, chìa tay kéo Dương Quá lên theo.

Dương Quá nắm bàn tay ấm mềm như nhung của nàng, bất giác lòng thấy xốn xang, nhưng vội nghĩ ngay: "Mi có xinh đẹp gấp mười thế này, cũng chưa bằng được nửa cô cô của ta".

Quách Phù hỏi khẽ:

- Mẫu thân của muội vẫn chưa đến à?

Võ Tu Văn chỉ tay về phía tây, nói nhỏ:

- Lỗ trưởng lão đang múa gậy ở đằng kia, còn sư mẫu thì ra nói chuyện với sư phụ.

Quách Phù bình sinh chỉ sợ một người là phụ thân nàng, nghe nói phụ thân cũng đến đây, cảm thấy có chuyện gì không ổn. Chỉ thấy Lỗ Hữu Cước cầm một cây gậy trúc, chọc bên này, gạt bên kia, chẳng có gì ghê gớm, thì nói:

- Đấy là Đả cẩu bổng pháp ư?

Võ Đôn Nhu nói:

- Quá nửa là như vậy. Sư mẫu đang chỉ bảo, thì sư phụ tới, có việc cần bàn, mời sư mẫu ra một bên nói chuyện, Lỗ trưởng lão tự tập một mình.

Quách Phù lại xem vài chiêu nữa, thấy chả có gì huyền diệu, thì nói:

- Lỗ trưởng lão học chưa được, chả có gì đáng xem, chúng ta đi thôi.

Dương Quá thấy Lỗ trưởng lão sử bổng pháp hoàn toàn đúng như thứ mà Hồng Thất Công đã truyền thụ trên đỉnh Hoa Sơn, thì cười thầm trong bụng: "Nhãi ranh đã không hiểu, lại còn mở miệng chê bai".

Huynh đệ họ Võ răm rắp tuân theo ý muốn của Quách Phù, đang định tụt xuống đất, thì dưới gốc cây có tiếng bước chân, vợ chồng Quách Tĩnh đang đi tới gần. Chỉ nghe Quách Tĩnh nói:

- Chung thân đại sự của Phù nhi, dĩ nhiên không thể xem nhẹ. Quá nhi còn ít tuổi, tuổi trẻ khó tránh ương ngạnh, gây chuyện rắc rối. Việc nó gây rắc rối ở phái Toàn Chân, xem ra cũng không phải chỉ mình nó có lỗi.

Hoàng Dung nói:

- Việc nó gây rắc rối ở phái Toàn Chân, thiếp chẳng ngại. Chàng nghĩ đến giao tình nhiều đời giữa hai họ Quách, Dương cũng phải. Nhưng Dương Quá quá giảo hoạt, thiếp càng nhìn, càng thấy nó giống phụ thân nó, thiếp làm sao có thể yên tâm gả Phù nhi cho nó?

Bốn người, Dương Quá, Quách Phù, huynh đệ họ Võ nghe câu đó, đều vô cùng kinh ngạc. Bốn người tuy biết hai nhà Quách, Dương có dây mơ rễ má, nhưng không ngờ lại có uyên nguyên nhiều đời sâu xa như vậy, càng không thể ngờ Quách Tĩnh có ý gả Quách Phù cho Dương Quá. Câu nói vừa rồi có quan hệ trọng đại với cả bốn người, nên cả bốn cùng chăm chú nghe, bốn quả tim cùng đập mạnh.

Quách Tĩnh nói:

- Dương Khang huynh đệ không may lưu lạc vương phủ nước Kim, ngộ giao với bọn phỉ, mới bị kết cục bi thảm, chết chẳng toàn thây. Nếu từ nhỏ chàng ta được Dương Thiết Tâm thúc phụ giáo dưỡng, thì chắc chắn không như vậy.

Hoàng Dung thở dài, nhớ lại chuyện kinh tâm động phách đêm nọ ở miếu Thiết Thương tại Gia Hưng, thì rùng mình, nói nhỏ:

- Đúng thế.

Dương Quá bao năm nay không biết lai lịch của mình, chỉ biết phụ thân chết sớm, chết bởi tay kẻ khác, nhưng chết như thế nào, kẻ thù là ai, thì chính mẫu thân của chàng cũng không chịu nói cho chàng biết. Bây giờ nghe Quách Tĩnh nhắc đến phụ thân, nào là "không may lưu lạc vương phủ nước Kim, ngộ giao với bọn phỉ", nào là "bị kết cục bi thảm, chết chẳng toàn thây", thì như bị sét đánh, toàn thân run rẩy, mặt tái nhợt. Quách Phù liếc sang, thấy thần sắc của chàng như vậy, chỉ sợ chàng đột nhiên ngã xuống thì nguy to.

Quách Tĩnh và Hoàng Dung ngồi kề vai trên một tảng đá, xoay lưng về phía cây lớn. Quách Tĩnh vuốt vuốt mu bàn tay của Hoàng Dung, nói:

- Từ khi nàng mang thai hài tử thứ hai, gần đây sức khỏe kém hẳn dạo trước, phải mau mau giao hết mọi việc lớn nhỏ của Cái Bang cho Lỗ Hữu Cước, rồi phải lo bổ dưỡng thật chu đáo mới được.

Quách Phù cả mừng, nghĩ thầm: "Thế là mẹ sắp sinh đệ đệ, hay quá! Sao mẹ chả nói cho mình biết?"

Hoàng Dung nói:

- Công việc của Cái Bang, thiếp vốn không lo mấy. Riêng chung thân đại sự của Phù nhi, thì thiếp chưa yên tâm.

Quách Tĩnh nói:

- Phái Toàn Chân đã không chịu thu nhận Quá nhi, thì ta sẽ tự dạy cho nó vậy. Ta thấy nó là đứa hết sức thông minh, tương lai ta sẽ truyền thụ mọi môn võ công cho nó, cho bõ cái việc ta kết nghĩa với phụ thân nó.

Dương Quá lúc này mới biết thì ra Quách Tĩnh với phụ thân mình là huynh đệ kết nghĩa, ba tiếng "Quách bá bá" thực chứa đựng bao ý nghĩa, nghe lời lẽ của Quách Tĩnh đối với chàng nặng tình như thế, thì chàng cảm động ứa nước mắt.

Hoàng Dung thở dài, nói:

- Thiếp chỉ lo nó thông minh quá hóa hỏng, cho nên chỉ dạy nó kinh thư, không truyền võ công. Những mong sau này nó trở thành một bậc nam nhi chính phái, thâm minh đại nghĩa, dù không biết gì võ công, song chúng ta gả Phù nhi cho nó, cũng là mãn nguyện rồi.

Quách Tĩnh nói:

- Nàng việc gì cũng lo liệu chu toàn, ý định rất hay, nhưng Phù nhi tính nết như thế, lại một thân võ công như thế, bảo nó sống suốt đời với một thư sinh yếu ớt, nàng nghĩ là nó chịu ư? Nàng bảo nó chịu tôn trọng Quá nhi hay sao? Ta nghĩ một cặp vợ chồng như thế khó lòng hòa thuận.

Hoàng Dung cười, nói:

- Nói không biết ngượng? Hóa ra vợ chồng ta hòa thuận, chẳng qua là vì võ công của chàng cao hơn thiếp. Quách đại hiệp, nào chúng ta tỷ thí xem ai hơn ai.

Quách Tĩnh cười, nói:

- Được Hoàng bang chủ, nàng muốn sao thì bảo?

Chỉ nghe bộp một tiếng, Hoàng Dung vỗ nhẹ vào vai Quách Tĩnh.

Lát sau, Hoàng Dung nói:

- Ôi, chuyện này kể cũng khó, việc của Quá nhi tạm gác lại đã, còn hai huynh đệ họ Võ tính sao đây? Chàng thấy giữa Đại Võ và Tiểu Võ, đứa nào hơn?

Quách Phù và huynh đệ họ Võ tự nhiên trống ngực đập dồn. Chuyện này không liên quan đến Dương Quá, nhưng chàng cũng muốn nghe Quách Tĩnh đánh giá hai người kia thế nào.

Chỉ nghe Quách Tĩnh "Ừm" một tiếng, im lặng hồi lâu, cuối cùng mới nói:

- Chuyện nhỏ, nhìn chưa ra. Phải gặp chuyện lớn, phẩm tính thật sự của một con người mới bộc lộ rõ ràng.

Giọng Quách Tĩnh dịu lại, nói:

- Được rồi, Phù nhi tuổi còn nhỏ, vài năm sau tính chuyện kia chưa muộn, không chừng bấy giờ mọi việc sẽ tự an bài thỏa đáng, cha mẹ khỏi cần lo lắng. Nàng dạy Đả cẩu bổng pháp cho Lỗ Hữu Cước, cũng đừng gắng sức quá. Mấy ngày nay ta cảm thấy nàng thở hơi loạn, ta rất lo. Bây giờ ta đi tìm Quá nhi, nói chuyện với nó.

Đoạn đứng dậy, đi về trang viện.

Hoàng Dung ngồi lại điều hòa hơi thở một hồi, mới gọi Lỗ Hữu Cước tới diễn thử bổng pháp. Hiện tại Lỗ Hữu Cước đã học hết ba mươi sáu lộ Đả cẩu bổng pháp, chỉ chưa nắm được quyết khiếu sử dụng như thế nào mà thôi. Hoàng Dung kiên nhẫn giải thích cho Lỗ Hữu Cước nghe tỉ mỉ từng lộ một. Chiêu số của môn Đả cẩu bổng pháp này cố nhiên là tinh diệu, song tâm pháp quyết khiếu còn thần diệu vô tỉ, nếu không chỉ một cành tre cành trúc nhỏ làm sao có thể trở thành bảo bối trấn bang của Cái Bang kia chứ? Âu Dương Phong võ công lợi hại như thế, mà phải suy ngẫm khổ sở một đêm mới hóa giải nổi một chiêu Đả cẩu bổng pháp. Hoàng Dung đã tốn ngót một tháng truyền thụ chiêu số cho Lỗ Hữu Cước, bây giờ mới đem khẩu quyết và tâm pháp biến hóa đọc vài lần cho Lỗ Hữu Cước ghi nhớ thật kỹ, nói việc lĩnh hội thấu triệt tới mức nào là tùy ở tư chất và ngộ tính của mỗi người, cái đó thì sư phụ không thể truyền thụ được.

Quách Phù và huynh đệ họ Võ không hiểu bổng pháp, nghe đọc thấy vô vị, nào quyết khiếu chữ "Phong" thế này thế này, còn quyết khiếu chữ "Triền" lại thế kia thế nọ, biến thứ mười tám chuyển sang thứ mười chín, thứ hai mươi như thế nào. Ba người đã định tụt xuống gốc cây, nhưng sợ Hoàng Dung phát giác, chỉ mong Hoàng Dung nói khẩu quyết cho chóng xong, rồi cùng Lỗ Hữu Cước đi về. Ai dè Hoàng Dung dự tính hôm nay tại anh hùng đại yến, trước khi truyền ngôi vị bang chủ cho Lỗ Hữu Cước, phải truyền cho lão hết khẩu quyết, thà lão chưa hiểu thì sau sẽ học tiếp chứ phải theo đúng bang qui, trước khi tiếp nhiệm chức bang chủ, lão đã học xong Đả cẩu bổng pháp. Hoàng Dung đọc gần một canh giờ mới hết. Lỗ Hữu Cước thì tư chất không được thông minh, tuổi đã già; trí nhớ sút kém, nhất thời làm sao nhớ nổi nhiều khẩu quyết đến thế? Hoàng Dung cứ nhắc đi nhắc lại, lão vẫn khó nhớ đầy đủ.

Hoàng Dung quen biết Quách Tĩnh từ năm mười lăm tuổi, đã quen với người có tư chất chậm hiểu, Lỗ Hữu Cước trí nhớ kém, nàng cũng chẳng bực mình. Khổ nỗi theo bang qui, tâm pháp khẩu quyết này phải được truyền miệng, nhất thiết không được ghi chép, chứ không thì nàng đã viết ra cho lão học thuộc dần dần, đỡ tốn bao sức lực.

Ngày Hồng Thất Công tỷ thí với Âu Dương Phong trên đỉnh Hoa Sơn, lão đã dạy từng chiêu, từng biến chiêu Đả cẩu bổng pháp cho Dương Quá, bảo chàng diễn xuất cho Âu Dương Phong thấy, nhưng tâm pháp khẩu quyết dùng khi lâm địch thì không hề truyền thụ. Lão nghĩ Dương Quá tuy biết chiêu số, không biết tâm pháp khẩu quyết, thì hoàn toàn vô dụng, như vậy không thể coi là vi phạm bang qui, khi đó lại cũng không phải giao đấu thật với Âu Dương Phong, nên tâm pháp khẩu quyết cũng chẳng cần truyền thụ. Nào ngờ Dương Quá cuối cùng ở đây lại được nghe nguyên vẹn toàn bộ. Tư chất của chàng cao hơn Lỗ Hữu Cước cả trăm lần, chỉ nghe đến lần thứ ba thì đã thuộc lòng từng chữ, trong khi Lỗ Hữu Cước vẫn cứ lẫn lộn lung tung.

Hoàng Dung sau khi có thai lần thứ hai, trong một lần tu luyện nội công đã thiếu thận trọng, làm tổn hại thai khí, cho nên cảm thấy yếu hẳn đi. Hôm nay dạy võ đã nửa ngày, nàng cảm thấy rất mệt, tựa lưng vào vách đá, nhắm mắt dưỡng thần một lát, rồi gọi:

- Phù nhi, Nhu nhi, Văn nhi, Quá nhi, tất cả xuống đây cho ta!

Bọn Quách Phù bốn người cả kinh, nghĩ thầm: "Hoàng bang chủ cứ thản nhiên như không, thật ra đã phát hiện từ lâu rồi!" Quách Phù cười, nói:

- Mẹ ơi, mẹ tài thật đấy, không có gì giấu nổi mẹ.

Nói rồi dùng chiêu "Nhũ yến đầu lâm" nhẹ nhàng đáp xuống trước mặt mẫu thân.

Huynh đệ họ Võ nhảy xuống theo, Dương Quá thì vụng về tụt xuống.

Hoàng Dung nói:

- Hừ, một chút công phu như các ngươi mà cũng đòi xem trộm ư? Nếu có mấy tên tiểu tặc như các người mà còn không phát hiện ra, thì hành tẩu giang hồ chắc chưa đến nửa ngày đã bị bọn xấu mai phục hãm hại rồi.

Quách Phù ngượng ngùng, nhưng thừa biết mẫu thân cưng chiều, sẽ không trách mắng nàng, nên cười, nói:

- Mẹ ơi, con rủ ba người này đến xem Đả cẩu bổng pháp uy chấn thiên hạ như thế nào, ai dè Lỗ trưởng lão múa gậy chán quá. Mẹ diễn cho bọn con xem đi.

Hoàng Dung cười, cầm cành trúc từ tay Lỗ Hữu Cước nói:

- Được, ngươi hãy cẩn thận, coi ta đánh ngã con chó con này.

Quách Phù toàn thần chú ý đến hạ bàn, chờ cành trúc vung ra thì nhảy lên, không để mẫu thân quét dưới chân. Hoàng Dung vung cành trúc một cái, Quách Phù nhảy ngay lên, hai chân cách mặt đất nửa thước, thì cành trúc mới quét ngang, nhẹ nhàng làm cho nàng ngã liền. Quách Phù bật ngay dậy, kêu to:

- Con chưa chịu, con chưa chịu. Đấy là tại con quá vụng.

Hoàng Dung cười, nói:

- Được ngươi muốn thế nào, cho ngươi làm lại lần nữa.

Quách Phù đứng dạng chân thật vững, gọi:

- Đại Võ ca ca, Tiểu Võ ca ca, cả hai cùng lại đứng hai bên với muội.

Huynh đệ họ Võ y lời, tới đứng dạng chân thật vững; Quách Phù móc tay với họ, ba người hợp lực, đúng là vững như núi Thái Sơn, nói:

- Mẹ ơi, con không sợ nữa. Trừ phi "Hàng long thập bát chưởng" của cha con, may ra mới đẩy ngã được chúng con.

Hoàng Dung mỉm cười, dùng cành trúc quét ngang mặt ba người, thế quét rất mạnh, cả ba vội ngả người ra sau để tránh, thế là dưới chân không còn vững nữa. Hoàng Dung sử dụng khẩu quyết chữ "Chuyển", đưa cành trúc về quét ngang dưới chân ba người, cả ba đều ngã ngửa cùng lúc. Họ có căn cơ võ công, nên đều bật dậy được ngay.

Quách Phù nói:

- Mẹ, vừa rồi mẹ lại dùng cách đánh lừa được con, con chưa chịu.

Hoàng Dung cười, nói:

- Vừa nãy ta truyền thụ cho Lỗ trưởng lão tám khẩu quyết chữ Bạn, Phách, Triền, Tài, Khiêu, Dẫn, Phong, Chuyển; khẩu quyết chữ nào dùng lực mạnh nhất? Ngươi bảo ta dùng cách đánh lừa; đúng thế, trong võ công, chín phần mười là dùng cách đánh lừa đối phương, chỉ cần đánh lừa được cao thủ, coi như đã thắng. Chỉ có môn võ công như "Hàng long thập bát chưởng" của cha con, mới là thứ công phu thật sự, không thể dùng lối xảo trá. Nhưng thiên hạ phỏng có mấy ai luyện được tới mức ấy?

Dương Quá nghe, thầm gật đầu, nghĩ tâm pháp khẩu quyết Đả cẩu bổng pháp mà Hoàng Dung đọc, đem ấn chứng với chiêu số mà Hồng Thất Công dạy chàng, quả thật huyền diệu vô cùng. Quách Phù và huynh đệ họ Võ tuy hiểu lời của Hoàng Dung, nhưng chưa ngộ được diệu chỉ trong đó.

Hoàng Dung nói:

- Đả cẩu bổng pháp là công phu đặc dị nhất trong võ lâm, đứng riêng thành một nhà, không giống công phu của các môn phái khác. Chỉ học chiêu số mà không biết khẩu quyết, thì cũng hoàn toàn vô dụng. Dù ngươi có thông minh tuyệt đỉnh, cũng khó lòng tự nghĩ ra nổi một câu khẩu quyết để phối hợp với chiêu số. Dù đã biết khẩu quyết, mà không do chính ta truyền thụ chiêu số, thì cũng chỉ nhớ tám khẩu quyết chữ Bạn, Phách, Triền, Tài, Khiêu, Dẫn, Phong, Chuyển mà thôi; bởi vậy không sợ bốn tên tiểu quỉ các ngươi nghe lén. Nếu là ta truyền thụ môn võ công khác, vị tất ta đã cho phép các ngươi làm như vậy. Từ rày trở đi, nhất thiết không được nghe lén học lén, biết chưa?

Quách Phù rối rít vâng dạ, cười, nói:

- Mẹ, võ công của mẹ, hài nhi hà tất phải học lén? Chẳng lẽ mẹ còn có môn chưa dạy cho hài nhi hay sao?

Hoàng Dung dùng cành trúc quất nhẹ vào mông con, cười, nói:

- Ngươi hãy theo hai vị Võ gia ca ca đi chơi đi. Quá nhi thì ở lại đây, ta có chuyện cần nói. Lỗ trưởng lão hãy về đi, cố nhớ dần, sau này quên chỗ nào, ta sẽ dạy lại cho.

Lỗ Hữu Cước, Quách Phù và huynh đệ họ Võ từ biệt Hoàng Dung, đi về Lục gia trang, chỉ còn Dương Quá đứng lại.

Dương Quá tim đập thình thình, sợ Hoàng Dung biết chàng học lén Đả cẩu bổng pháp, sẽ ra tay lấy mạng chàng.

Hoàng Dung thấy thần sắc của Dương Quá kinh nghi bất định, thì kéo tay chàng, bảo ngồi xuống bên cạnh, dịu dàng nói:

- Quá nhi, ngươi có nhiều chuyện ta đều không biết, ta có hỏi ngươi, chắc ngươi cũng không chịu nói. Song ta cũng không trách ngươi đâu. Thuở nhỏ, tính nết ta cũng ngang bướng lắm, Quách bá bá của ngươi cứ toàn phải nhường nhịn ta thôi.

Nói tới đây, Hoàng Dung thở dài khe khẽ, nhếch mép cười, nhớ lại những trò ngang bướng của mình hồi còn là thiếu nữ, rồi tiếp:

- Ta không truyền thụ võ công cho người, vốn là mong cho ngươi may mắn, không ngờ lại làm cho ngươi phải chịu không ít khổ sở. Quách bá bá của ngươi thương yêu ta, ân tình ấy dĩ nhiên ta sẽ hết lòng báo đáp. Quách bá bá của ngươi có một tâm nguyện rất lớn, mong ngươi trở thành một hảo nam nhi đội trời đạp đất. Ta nhất định sẽ tận lực giúp ngươi học giỏi, để thành toàn tâm nguyện ấy. Quá nhi, ngươi dù thế nào đi nữa cũng đừng để cho Quách bá bá ngươi phải thất vọng, được không con?

Dương Quá chưa bao giờ được nghe Hoàng Dung nói với mình những lời ấm áp chân thành đến thế, lại thấy ánh mắt của Quách bá mẫu tràn ngập thương yêu thì bất giác cảm động nghẹn ngào, không kìm được khóc òa lên.

Hoàng Dung xoa đầu chàng, dịu dàng nói:

- Quá nhi, ta cũng chẳng giấu gì con, trước đây ta không ưa phụ thân con, vì thế cũng không ưa con. Nhưng từ nay trở đi, ta nhất định sẽ thương yêu con; chờ khi ta khỏe mạnh trở lại, ta sẽ đem mọi môn võ công của mình truyền thụ hết cho con. Quách bá bá cũng bảo sẽ dạy võ công cho con đó.

Dương Quá càng xúc động mạnh, khóc càng to hơn, nghẹn ngào nói:

- Quách bá mẫu, rất nhiều chuyện điệt nhi giấu Quách bá mẫu, điệt nhi... sẽ nói hết với Quách bá mẫu...

Hoàng Dung xoa đầu chàng, nói:

- Hôm nay ta rất mệt, vài hôm nữa hãy kể cũng chưa muộn, con chỉ cần làm một hảo hài tử là ta vui rồi. Đại hội Cái Bang, con cũng nên đến mà xem.

Dương Quá nghĩ thầm chuyện Hồng Thất Công tạ thế, sẽ phải nói rõ tại đại hội, bèn lau nước mắt, gật đầu.

Chuyện hai người ngồi nói dưới gốc đại thụ, đều là lời lẽ chân tình, đã xua tan hết thảy những gì bất mãn trước đây giữa đôi bên. Cuối câu chuyện thì Dương Quá đã từ khóc chuyển sang cười, lại nghĩ đến sự kỳ vọng và hậu ý của Quách Tĩnh đối với chàng, thì lần đầu tiên kể từ khi xa Tiểu Long Nữ, hôm nay chàng mới cảm thấy ấm áp trong lòng.

Hoàng Dung nói một hồi, bỗng thấy bụng đau âm ỉ bèn thong thả đứng dậy, nói:

- Chúng ta về thôi.

Đoạn dắt tay Dương Quá mà đi chầm chậm. Dương Quá nghĩ cần bẩm rõ cái tin Hồng Thất Công tạ thế, bèn nói:

- Quách bá mẫu, điệt nhi có một việc rất khẩn yếu cần thưa với Quách bá mẫu.

Hoàng Dung cảm thấy khí tức trong đan điền càng lúc càng khó chịu, cau mày nói:

- Để mai hãy nói, ta... ta... đang khó chịu.

Dương Quá thấy sắc mặt Quách bá mẫu tái nhợt, không khỏi lo lắng, thấy bàn tay Hoàng Dung hơi lạnh, bèn đánh bạo ngầm vận khí, truyền một luồng nhiệt lực qua bàn tay. Hồi chàng với Tiểu Long Nữ cùng luyện "Ngọc nữ tâm kinh" ở núi Chung Nam, chàng đã luyện cách truyền lực qua bàn tay rất thành thạo, nhưng chàng chỉ sợ nội công của Hoàng Dung trái ngược với sở học của chàng; nên thoạt tiên chỉ truyền từ từ, sau thấy thông hành dễ dàng, mới gia tăng nội lực.

Hoàng Dung cảm thấy luồng nội lực của Dương Quá truyền sang mạnh mẽ, khác hẳn nội công phái Toàn Chân, song rất nhu hòa hồn hậu, thực chẳng kém gì các cao thủ phái Toàn Chân, cơ thể mình tiếp nhận ngay, chỉ trong giây lát khí huyết nghịch chuyển đã trở lại thuận sướng, hai má hồng dần, thầm kinh ngạc: "Hài tử học ở đâu được môn nội công thượng thừa này vậy?" Hoàng Dung nhìn Dương Quá, mỉm cười hài lòng.

Đang định hỏi, thì Quách Phù từ xa chạy tới, gọi:

- Mẹ, mẹ ơi, mẹ đoán xem ai đến nào?

Hoàng Dung cười, nói:

- Hôm nay anh hùng thiên hạ tụ hội, ta làm sao biết ai đến kia chứ?

Đột nhiên nghĩ ra, vui mừng nói:

- À, là mấy vị sư bá, sư thúc của Võ gia ca ca chứ gì, quá lâu rồi chưa gặp họ.

Quách Phù nói:

- Mẹ thông minh thật, sao mẹ lại đoán ra ngay thế?

Hoàng Dung cười, nói:

- Có gì khó đâu? Hai Võ gia ca ca của ngươi không xa ngươi nửa bước, bây giờ lại không thấy đi cùng với ngươi, hẳn là thân nhân của chúng tới chứ gì nữa.

Dương Quá bao lâu nay tự cho mình là người thông minh cơ biến, nay thấy Hoàng Dung liệu sự như thần, hơn hẳn mình, thì không khỏi hãi phục.

Hoàng Dung lại nói:

- Phù nhi, cung hỉ ngươi lại có dịp học thêm một môn võ công thượng thừa, chỉ e ngươi học không nổi.

Quách Phù hỏi:

- Môn gì ạ?

Dương Quá nói xen vào:

- Nhất dương chỉ!

Quách Phù không thèm lý đến Dương Quá, nói:

- Dương đại ca thì hiểu gì? Mẹ, là môn võ công gì vậy?

Hoàng Dung đáp:

- Dương đại ca đã nói rồi đó thôi.

Quách Phù nói:

- Thì ra mẹ đã nói cho Dương đại ca biết.

Hoàng Dung và Dương Quá đều mỉm cười, im lặng.

Hoàng Dung nghĩ thầm: "Quá nhi thông minh gấp hàng chục lần huynh đệ họ Võ. Phù nhi thì càng ngốc nghếch, chẳng đáng nói đến. Dương Quá biết "Nhất dương chỉ" là công phu bản môn của Nhất Đăng đại sư, sư bá sư thúc của huynh đệ họ Võ tới đây, thương hai đứa trẻ cô khổ, chắc sẽ truyền thụ cho chúng, mà hai đứa ấy đều muốn lấy lòng Phù nhi, tất học được gì sẽ đem truyền thụ cho Phù nhi". Quách Phù thì cứ lấy làm lạ, tại sao mẹ nàng lại đem chuyện ấy nói trước với Dương Quá, không lẽ quả thật định gả nàng cho gã tiểu khiếu hóa này? Nghĩ đến đây, bất giác lườm Dương Quá một cái, dẩu môi với chàng.

Bên dưới Nhất Đăng đại sư nước Đại Lý có bốn đại đệ tử Ngư, Tiều, Canh, Độc. Phụ thân của huynh đệ họ Võ là Võ Tam Thông, chính là nông phu, đại đệ tử thứ ba. Từ ngày đánh nhau với Lý Mạc Sầu bị thương, đến nay vẫn không rõ tung tích, sống chết ra sao. Đến dự anh hùng đại yến lần này là hai vị: ngư nhân Điểm Thương Ngư Ân và thư sinh Chu Tử Liễu.

Chu Tử Liễu với Hoàng Dung vừa gặp nhau đã muốn đấu khẩu, phen này sau hơn mười năm xa cách, vừa tái ngộ hai người đã trổ tài hùng biện. Sau khi hàn huyên, Điểm Thương Ngư Ân và Chu Tử Liễu quả nhiên tìm một gian tịnh thất, đem công phu "Nhất dương chỉ" truyền thụ cho huynh đệ họ Võ.

Sáng nay, lại thêm vô số anh hùng hảo hán đến Lục gia trang. Lục gia trang tuy rộng lớn, vậy mà chỗ nào cũng đã đầy người.

Ăn trưa xong, bang chúng Cái Bang tụ tập ở cánh rừng bên ngoài Lục gia trang. Lễ bàn giao giữa bang chủ cũ và mới là khánh điển long trọng nhất của Cái Bang. Các đại đệ tử các lộ đông tây nam bắc đều về dự; quần hào đến Lục gia trang tham gia anh hùng đại yến cũng được mời tới dự lễ.

Hơn mười năm nay Lỗ Hữu Cước luôn thay mặt Hoàng Dung xử lý bang vụ, công bằng chính trực, dám làm dám chịu, cả hai phe áo dơ, áo sạch đều khâm phục. Hiện thời Giản trưởng lão của phe áo sạch đã tạ thế, Lương trưởng lão ốm liệt giường nhiều năm, Bành trưởng lão bội phản bỏ đi, trong bang không có ai tranh chấp, cho nên lần bàn giao này là thuận lý thành chương. Sau khi Hoàng Dung theo bang qui tuyên bố, trao Đả cẩu bổng của bang chủ cho Lỗ Hữu Cước, chúng đệ tử nhất tề nhổ nước bọt về phía lão, tới lúc đầu, mặt, trước ngực sau lưng lão đều ướt sũng nước bọt, thì lễ tiếp nhiệm của tân bang chủ coi như hoàn tất.

Dương Quá thấy buổi lễ bàn giao bang chủ quá đặc biệt, trong bụng cứ lấy làm lạ, đang định đứng lên bẩm cáo cái tin Hồng Thất Công tạ thế, bỗng thấy một lão khất cái nhảy lên một tảng đá, nói to:

- Hồng lão bang chủ có lệnh, sai ta truyền đạt.

Bang chúng lập tức hoan hô vang dội. Hơn mười năm nay họ không biết tin tức của bang chủ, thường vẫn nhớ đến, nay bỗng nghe có hiệu lệnh của bang chủ, thì ai nấy hồ hởi như phát cuồng. Từ trong đám đông, một gã khất cái gào to:

- Cung chúc Hồng lão bang chủ mạnh giỏi!

Bang chúng đồng thanh hô vang trời dậy đất, hồi lâu mới ngừng. Dương Quá thấy bang chúng Cái Bang ai nấy kích động, có người thậm chí khóc òa, thì nghĩ thầm: "Đại trượng phu được mọi người yêu kính như thế, mới không sống uổng một đời. Nhưng bây giờ mọi người đang hoan hỉ thế này, ta nỡ lòng nào đi báo tin Hồng lão bang chủ đã mất? Huống hồ ta là kẻ thấp hèn, lời nói không có sức nặng gì, nói chuyện lớn kia ra, vị tất họ đã tin? Tất cả sẽ nhốn nháo cả lên, cái tin ta đưa ra lại không phải là tin mừng, chả nên làm mất hứng của họ". Lại nghĩ: "Họ hỏi đến tại sao Hồng lão bang chủ chết, ta sẽ không thể giấu việc nghĩa phụ tỷ thí với Hồng lão bang chủ. Huynh đệ họ Võ biết ta đã học "Cáp mô công" của nghĩa phụ, sẽ nói toạc việc đó ra, mọi người sẽ nghi ta ở bên cạnh ra tay trợ giúp nghĩa phụ, làm cho Hồng lão bang chủ bị chết. Ta dù có một trăm cái miệng cũng khó mà cãi lại. Đợi sau đại hội, ta sẽ kể tỉ mỉ với Quách bá mẫu, để Quách bá mẫu chuyển cáo cho mọi người thì hơn". Chàng thầm mừng: may mà lão khất cái kia lên tiếng trước, chứ không chàng chưa nghĩ kỹ đã báo tin ra, thì rầy rà to rồi.

Chỉ nghe lão khất cái kia nói:

- Cách đây nửa năm, tại quận Thủy Hưng, Thiệu Châu đông lộ Quảng Nam, lão phu có tình cờ gặp Hồng lão bang chủ, cùng uống một bữa rượu với Hồng lão. Hồng lão vẫn khỏe, ăn uống rất ngon miệng, tửu lượng còn cao hơn trước.

Quần hào lại hoan hô vang dậy, kèm theo không ít tiếng cười. Lão khất cái kia nói tiếp:

- Hồng lão mấy năm qua đã giết không ít bọn ác bá cẩu quan hại nước hại dân, Hồng lão bảo mới nghe tin có năm tên khốn kiếp gọi là "Tạng biên ngũ xú" gì đó vâng lệnh Thát tử Mông Cổ làm nhiều việc xấu xa ở một dải Xuyên Đông, Hồ Quảng. Hồng lão phải đi tra xét, nếu đúng như thế, Hồng lão sẽ ra tay lấy năm cái mạng chó ấy.

Một gã khất cái đứng tuổi nói:

- "Tạng biên ngũ xú" hoành hành ngang ngược, có điều là hành tung của chúng đó đây bất định, chúng huynh đệ ở Xuyên Đông thủy chung không sao tìm được chúng. Gần đây đột nhiên không biết chúng đi đâu mất, chắc hẳn Hồng lão bang chủ đã trừ xong bọn đó rồi.

Lão khất cái nọ lại nói:

- Hồng lão bang chủ nói: hiện nay thiên hạ đại loạn, Thát tử Mông Cổ ngày càng lấn dần xuống phía nam, chiếm lấy thiên hạ của Đại Tống ta. Phàm là bang chúng, đều phải có lòng trung nghĩa, thề quyết giết địch, chống giặc ngoại xâm.

Bang chúng Cái Bang đồng thanh hưởng ứng hết sức hăng hái. Lão khất cái nói:

- Triều đình chính sự thối nát, gian thần lộng hành, chờ mong bọn quan lại hủ bại lo chuyện báo quốc hộ dân thì chỉ uổng công. Hiện thời cái họa ngoại xâm ngày càng lớn, người người đều phải có lòng quên mình báo quốc, Hồng lão bang chủ bảo lão phu khích lệ chư vị hảo huynh đệ hãy nhớ kỹ hai chữ "trung nghĩa".

Bang chúng đồng thanh hô to:

- Thề vâng theo giáo huấn của Hồng lão bang chủ!

Dương Quá từ nhỏ thất học, không biết hai chữ "trung nghĩa" có quan hệ trọng đại thế nào, chỉ thấy ai nấy hừng hực hào khí chính nghĩa, thì bất giác cũng xúc động, cảm thấy dạo trước chàng đùa giỡn khinh nhờn đệ tử Cái Bang là không nên không phải.

Phần tiếp theo của đại hội Cái Bang gồm mấy việc thưởng phạt thăng giáng trong nội bộ bổn bang, tân khách không tiện nghe, đều lũ lượt cáo biệt.

Đến tối, Lục gia trang trong ngoài treo đèn kết hoa, hoa chúc huy hoàng, chính sảnh, tiền sảnh, hậu sảnh, sương sảnh, hoa sảnh các nơi bày ra tổng cộng hơn hai trăm bàn tiệc, quá nửa anh hùng hào kiệt thành danh trong thiên hạ tới đây tham dự. Mấy chục năm nay mới có một cuộc anh hùng đại yến linh đình như lần này. Chủ nhân phải là người giao du rất rộng, được ai nấy khâm phục, mới có thể mời đông đảo hào kiệt võ lâm như thế này.

Quách Tĩnh, Hoàng Dung ngồi tiếp khách chính ở chính sảnh. Hoàng Dung xếp cho Dương Quá ngồi ở bàn tiệc kế tiếp, cạnh bàn của mình. Quách Phù và huynh đệ họ Võ ngồi ở bàn rất xa.

Quách Phù nổi tính hiếu kỳ, nghĩ thầm: "Chàng ta không biết võ công, sao mẫu thân lại cho chàng ta ngồi ở chỗ cao quí như thế?" Đột nhiên nghĩ bụng: "Thôi chết, phụ thân muốn gả mình cho chàng ta, hẳn là mẫu thân phải làm theo ý của phụ thân chăng?" Nàng càng nghĩ càng lo, nhớ sáng nay mẹ nàng cầm tay Dương Quá đi về, thần thái thân thiết, lại nghĩ cha mẹ nàng rất kính nể nhau, ý phụ thân đã như thế, mẫu thân nàng không thể làm khác. Nàng liếc về phía Dương Quá, vừa lo vừa tức, nghĩ thầm: "Làm sao ta có thể lấy một gã tiểu khiếu hóa kia chứ?" Không nhịn được, nàng chỉ muốn khóc nấc lên. Vừa lúc ấy Võ Tu Văn nói:

- Phù muội nhìn kìa, cái tên tiểu tử họ Dương cũng được ngồi chễm chệ đằng kia, cứ như một vị anh hùng của một môn phái không bằng!

Quách Phù bực bội nói:

- Ca ca có bản lĩnh thì tới đuổi hắn đi!

Huynh đệ họ Võ vốn đã coi khinh Dương Quá, lúc ở trên cây lại nghe Quách Tĩnh bảo muốn gả Quách Phù cho chàng, thì hai gã càng có ý thù địch. Võ Tu Văn nghe Quách Phù nói vậy, nghĩ thầm: "Tại sao mình không làm nhục hắn ta một phen, làm cho hắn ta bẽ mặt trước anh hùng thiên hạ kia chứ? Sư mẫu vốn là người hiếu thắng, ưa kẻ mạnh, hắn ta bị bẽ mặt thì sư mẫu sẽ không nhận hắn làm con rể". Y vừa học được công phu "Nhất dương chỉ" do sư bá truyền thụ, chính là dịp đem ra thi thố, bèn nói:

- Hắn đã mạo nhận anh hùng, thì hãy để cho hắn lộ rõ chân tướng.

Y đứng dậy, rót đầy hai ly rượu, mang tới bên cạnh Dương Quá, nói:

- Dương đại ca, mấy năm qua chắc đại ca đắc ý lắm, đệ kính đại ca một ly.

Dương Quá thấy Võ Tu Văn đi tới gần mình, mắt chốc chốc lại nhìn về phía Quách Phù, vẻ mặt giảo hoạt, rõ ràng không phải tử tế, nghĩ thầm: "Ngươi tới mời rượu ta, hẳn có trò ma. Nhưng bỏ thuốc độc vào rượu thì ngươi chẳng dám". Bèn đứng lên, nhận ly rượu, nói:

- Đa tạ.

Rồi uống một hơi cạn sạch. Đúng lúc ấy Võ Tu Văn đột nhiên giơ ngón trỏ tay phải thọc vào lưng chàng. Cú chọc này nhắm đúng vào huyệt "Tiếu yêu" của Dương Quá, nghe sư bá y nói, nếu sử dụng phép "Nhất dương chỉ" điểm trúng huyệt "Tiếu yêu" của đối phương, thì đối phương sẽ cười ầm ĩ không dừng, chỉ khi giải huyệt, mới hết cười.

Dương Quá sớm đã chăm chú đề phòng, há để bị người ám toán? Thực ra, với võ công hiện giờ của chàng, kẻ địch dẫu có bất ngờ đánh lén, chàng cũng đối phó được. Nếu là lúc khác, với cái tính không chịu lép vế của mình, chắc chàng đã hùng hổ phản kích, nếu không đánh ngã Võ Tu Văn, thì ít ra cũng điểm trả lại huyệt "Tiếu yêu" của y, nhưng sau buổi trò chuyện với Hoàng Dung, chàng đang sung sướng, dễ chịu, nghĩ thầm: "Ngươi tuy có lỗi với ta, nhưng dầu sao cũng là đồ đệ của Quách bá bá và Quách bá mẫu, ta cũng chả nên dằn mặt hắn". Bèn ngầm vận nội công theo lối Âu Dương Phong truyền thụ, làm cho kinh mạch toàn thân tức thời nghịch chuyển, các huyệt đạo thay đổi vị trí; nhưng vì lúc này chàng không làm động tác trồng cây chuối, việc tu luyện công phu này cũng chưa sâu, nên kinh mạch chỉ nghịch chuyển giây lát, rồi lại chuyển thuận; nếu muốn kinh mạch nghịch chuyển lần thứ hai, lại phải vận công. Song chỉ một lần cũng đã đủ làm cho cú chọc của Võ Tu Văn vô hiệu.

Võ Tu Văn điểm huyệt xong, thấy Dương Quá chỉ mỉm cười, ngồi xuống như thường, thì trong bụng lấy làm lạ, trở về bàn của mình, nói nhỏ:

- Ca ca, công phu "Nhất dương chỉ" mà sư bá vừa dạy, đừng nên sử dụng.

Võ Đôn Nhu hỏi:

- Sao lại không sử dụng?

Võ Tu Văn kể lại việc vừa rồi. Võ Đôn Nhu cười khẩy, nói:

- Hoặc là đệ xuất chỉ không đúng, hoặc là đệ điểm chệch huyệt đạo.

Võ Tu Văn nói:

- Sao lại không đúng? Ca ca coi đây.

Y giơ ngón tay làm động tác điểm huyệt huynh trưởng, tư thế đúng như sư bá đã truyền thụ.

Quách Phù bĩu môi, nói:

- Muội chỉ e cái món "Nhất dương chỉ" không có tác dụng gì!

Nàng biết huynh đệ họ Võ đã học được môn "Nhất dương chỉ", còn nàng thì chưa, tuy biết rồi hai người kia sẽ truyền thụ cho nàng, nhưng trong bụng vẫn cảm thấy khó chịu.Võ Đôn Nhu liền đứng dậy, cũng rót đầy hai ly rượu, mang tới bên cạnh Dương Quá, nói:

- Dương đại ca, mấy năm mới trùng phùng, tiểu đệ cũng xin kính đại ca một chén.

Dương Quá cười thầm: "Đệ đệ của mi đã hiện lộ thân thủ, để xem mi có cao chiêu gì nào?" đôi đũa đang gắp một miếng thịt bò to, cũng không đặt xuống, giơ tay trái nhận ly rượu, cười, nói:

- Đa tạ.

Võ Đôn Nhu chẳng cần che giấu, giơ tay phải, ống tay áo quạt gió, ngón tay thọc nhanh tới phía sau lưng Dương Quá. Dương Quá thấy đòn thế hiểm ác công phu nghịch vận kinh mạch của mình có hạn, e rằng không đối phó nổi, bèn không vận khí nghịch mạch nữa, mà đưa luôn miếng thịt bò xuống chắn huyệt "Tiếu yêu" của mình. Động tác của chàng thực hiện sau mà đến trước, ngón tay trỏ của Võ Đôn Nhu thọc ngay vào miếng thịt bò. Dương Quá buông đũa, cười, nói:

- Nhắm rượu với thịt bò là hợp nhất.

Võ Đôn Nhu rút tay lại, thấy miếng thịt bò mắc trong ngón tay, nước chảy nhỏ giọt, để nguyên hay hất đi đều bất tiện, trừng mắt nhìn Dương Quá một cái trở về chỗ cũ.

Quách Phù thấy ngón tay gã móc miếng thịt bò, thì lấy làm lạ, hỏi:

- Cái gì thế?

Võ Đôn Nhu đỏ mặt, chẳng biết ăn nói thế nào. Đang lúng túng, thì tân nhiệm bang chủ Cái Bang Lỗ Hữu Cước nâng ly rượu đứng lên.

Lão nâng ly rượu kính quần hùng, sang sảng nói:

- Hồng lão bang chủ tệ bang truyền hiệu lệnh, nói Mông Cổ ngày càng lấn dần xuống phía nam, lệnh cho bang chúng ai nấy dốc toàn lực chống lại ngoại xâm. Hiện thời anh hùng thiên hạ tề tựu ở đây, ai nấy một lòng trung nghĩa, chúng ta hãy bàn một diệu sách làm cho Thát tử Mông Cổ không dám tái xâm phạm giang sơn Đại Tống của chúng ta.

Lỗ Hữu Cước nói xong, quần hùng sôi nổi đứng dậy, mỗi người nói một câu, đều tỏ ý tán đồng. Đến dự anh hùng đại yến đa phần là người Hán, mắt thấy quốc sự ngày một nguy nan, đại họa lớn dần, sớm tự lo lắng, nay có người đề xướng, thì các bậc hào kiệt trung nghĩa tất nhiên hưởng ứng.

Một vị lão nhân tóc bạc như cước đứng dậy, giọng vang như chuông, nói:

- Tục ngữ có câu "Rắn không đầu chẳng thể bò", chúng ta đều có chí trung nghĩa, nhưng không có người dẫn đầu, thì đại sự khó thành. Hôm nay quần hùng ở đây hãy cử một vị hào kiệt đức cao vọng trọng, người người kính phục, làm minh chủ để hiệu lệnh chúng nhân.

Quần hùng hoan hô, có người nói to:

- Để lão nhân gia dẫn đầu là được! Khỏi cần cử ai khác!

Vị lão nhân cười ha hả, nói:

- Lão phu kém tài kém đức không thể đảm đương. Cao thủ võ lâm, bao năm nay vẫn do Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, Trung Thần Thông đứng đầu. Trung Thần Thông Trùng Dương Chân Nhân qui tiên đã lâu, Đông Tà Hoàng đảo chủ một mình nay đây mai đó, Tây Độc thần trí điên điên khùng khùng, Nam Đế ở tận Đại Lý xa xôi, không phải là thần dân Đại Tống. Minh chủ quần hùng nhất định phải là Bắc Cái Hồng lão tiền bối.

Hồng Thất Công là Thái Sơn Bắc Đẩu trong võ lâm, đúng là người được ai nấy trông đợi. Quần hùng nhất tề vỗ tay, không ai dị nghị.

Một người nói:

- Hồng lão tiền bối đương nhiên xứng đáng làm minh chủ quần hùng; ngoài Hồng lão tiền bối chẳng ai tài đức hơn người, đảm đương nổi đại nhiệm.

Giọng người ấy sang sảng, ai nấy nhìn về phía ấy, song không thấy người, thì ra người ấy quá thấp, bị những người bên cạnh che khuất. Có tiếng hỏi:

- Vị nào vừa nói đó?

Người kia đứng luôn lên bàn, thân cao chưa đầy ba thước, tuổi trạc tứ tuần, vẻ mặt sắc sảo. Có người nhận ra đó là hảo hán Giang Tây "Oải Sư" Lôi Mãnh. Mọi người định cười, nhưng thấy mục quang uy mãnh của Lôi Mãnh quắc lên nhìn hai bên tả hữu, liền thôi.

Chỉ nghe Lôi Mãnh nói:

- Thế nhưng Hồng lão tiền bối hành sự xuất quỉ nhập thần, mười năm nay khó gặp một lần, nếu gặp đại sự chống ngoại xâm, biết tìm Hồng lão tiền bối ở đâu để thỉnh thị, lúc ấy phải làm sao đây?

Quần hùng nghĩ thầm: "Kể cũng đúng". Lôi Mãnh nói tiếp:

- Việc làm của chúng ta hôm nay là tận trung báo quốc, không một chút tư tâm. Chúng ta tiến cử một vị phó minh chủ, khi Hồng lão minh chủ đi chu du bốn phương, thì mọi người sẽ làm theo hiệu lệnh của vị phó minh chủ.

Trong tiếng hoan hô, có người kêu to đề xướng:

- Quách Tĩnh Quách đại hiệp!

Có người nói:

- Lỗ bang chủ là hay nhất!

Có người nói:

- Hoàng tiền bang chủ Cái Bang túc trí đa mưu, lại là đệ tử của Hồng lão bang chủ, tại hạ tiến cử Hoàng bang chủ!

Lại có người nói:

- Lục trang chủ.

Lại có người nói:

- Mã giáo chủ giáo phái Toàn Chân! Trường Xuân Tử Khưu Chân Nhân!

Tiếng ồn ào nhất thời nổi lên.

Giữa lúc đó, có bốn đạo nhân tiến nhanh từ cửa sảnh vào, đó là Hách Đại Thông, Tôn Bất Nhị, Triệu Chí Kính và Doãn Chí Bình. Dương Quá thấy bọn họ đã bỏ đi, giờ quay trở lại, thì nghĩ thầm: "Muốn gây sự thêm với ta chăng?" Quách Tĩnh và Lục Quán Anh cả mừng, vội rời bàn ra đón. Phái Toàn Chân hiệu xưng chính tông võ lâm thiên hạ, anh hùng đại yến hôm nay nếu không có cao thủ phái Toàn Chân tham gia, dĩ nhiên kém phần long trọng.

Hách Đại Thông nói nhỏ với Quách Tĩnh:

- Có kẻ địch sắp đến gây sự, hãy cẩn thận đề phòng. Bần đạo phải vội trở lại báo tin.

Quách Tĩnh nghĩ thầm, Hách Đại Thông là một cao thủ có hạng của phái Toàn Chân, giang hồ không mấy người võ công thắng nổi lão, vậy mà nói mấy câu vừa rồi, giọng lão hơi run, thì kẻ địch phải là nhân vật cực kỳ lợi hại, bèn hỏi nhỏ:

- Âu Dương Phong?

Hách Đại Thông nói:

- Không phải, là người Mông Cổ, bần đạo từng bại trận dưới tay đệ tử của hắn.

Quách Tĩnh chợt nhớ, gật đầu hỏi:

- Là vương tử Hoắc Đô chứ gì?

Hách Đại Thông chưa kịp trả lời, đã nghe ngoài cổng trang viện nổi lên tiếng tù và vang vang từng hồi không ngớt. Lục Quán Anh kêu to:

- Nghênh tiếp quí khách!

Lời vừa dứt, trước sảnh đã có mấy chục người đứng lố nhố. Quần hùng đang vui vẻ sướng ẩm, đột nhiên thấy có nhiều người xông vào trong sảnh, đều cảm thấy hơi khó chịu, nhưng nghĩ toàn là các nhân vật tới dự anh hùng đại yến, nhìn kỹ không thấy ai quen mặt, thì cũng chẳng để tâm.

Quách Tĩnh nói lại cho Hoàng Dung biết lời của Hách Đại Thông, rồi hai vợ chồng cùng phu thê Lục Quán Anh đi ra đón khách. Quách Tĩnh nhận ra ngay quí công tử diện mạo thanh nhã là vương tử Mông Cổ Hoắc Đô; gã Tạng tăng mặt quắt thân gầy là sư huynh của Hoắc Đô, tên Đạt Nhĩ Ba. Hai kẻ này chàng đã gặp tại cung Trùng Dương, núi Chung Nam, tuy là cao thủ hạng nhất, nhưng võ công thua kém chàng, không có gì đáng ngại. Nhưng ở giữa hai tên đó là một Tạng tăng cực cao cực gầy, thân hình như một cây trúc khô, mặc áo bào đỏ, đỉnh đầu lõm xuống như một cái đĩa. Quách Tĩnh và Hoàng Dung đưa mắt nhìn nhau, họ từng nghe Hoàng Dược Sư kể rằng có môn võ công kỳ dị của Mật tông Tây Tạng, khi luyện đến cảnh giới cực cao, thì đỉnh đầu hơi lõm xuống. Lão tạng kia đỉnh đầu lõm hẳn xuống, không lẽ võ công quả thật cực kỳ cao siêu? Tại sao lâu nay chưa hề nghe giang hồ đồn đại về một cao thủ như thế ở Tây Tạng? Hai vợ chồng ngầm đề phòng, đồng thời cúi mình thi lễ.

Quách Tĩnh nói:

- Các vị từ xa tới, mời vào bàn uống vài chén rượu.

Chàng đã biết bọn kia là địch, nên cũng chẳng cần dùng những lời giả dối như "quang lâm", "hoan nghênh" gì cả . Lục Quán Anh sai trang đinh bày bàn tiệc mới.

Huynh đệ họ Võ tất bật trợ giúp sư phụ sư mẫu liệu lý sự vụ, Võ Tu Văn nhanh chân nhanh tay, là nhân vật tháo vát số một. Hai huynh đệ chỉ huy trang đinh, bày bàn tiệc mới ở chỗ tôn quí nhất, miệng luôn xin lỗi khách khứa di chuyển chỗ ngồi. Quách Phù thấy Dương Quá cứ ngồi yên một chỗ, chẳng làm gì cả, trông rất chướng mắt, nghĩ thầm: "Mi cũng đòi làm anh hùng ư? Anh hùng trong thiên hạ có chết hết, cũng chưa đến lượt mi". Nàng nháy mắt ra hiệu cho Võ Tu Văn, rồi hất hàm về phía Dương Quá. Võ Tu Văn hiểu ý, tới trước mặt Dương Quá, nói:

- Dương đại ca, hãy ra đằng kia mà ngồi.

Rồi chẳng đợi Dương Quá có bằng lòng hay không, y sai trang đinh mang bát đũa của chàng tới chiếc bàn ở góc xa khuất. Dương Quá tức giận, nhưng chẳng thèm nói, chỉ lạnh lùng cười thầm.

Ở chỗ kia, vương tử Hoắc Đô nói với lão Tạng tăng cao gầy:

- Sư phụ, đệ tử dẫn kiến lão nhân gia với hai vị anh hùng lừng lẫy Trung Nguyên...

Quách Tĩnh ngạc nhiên: "Thì ra lão ta là sư phụ của vương tử Mông Cổ Hoắc Đô". Lão Tạng tăng gật gật đầu, mắt lim dim. Vương tử Hoắc Đô nói:

- Vị này là Quách Tĩnh Quách đại hiệp, từng làm hữu quân nguyên soái Tây chinh của Mông Cổ. Vị này là Quách phu nhân, cũng là Hoàng bang chủ Cái Bang.

Lão Tạng tăng nghe mấy chữ "hữu quân nguyên soái Tây chinh của Mông Cổ" thì mở to hai mắt, đột nhiên tinh quang phóng ra tứ phía, dừng một lát ở mặt Quách Tĩnh, rồi trở lại lim dim, không thèm để ý đến bang chủ Cái Bang.

Vương tử Hoắc Đô nói, giọng sang sảng:

- Vị này là sư tôn của tại hạ, thánh tăng Tây Tạng, được người người tôn xưng là Kim Luân pháp vương, được đương kim hoàng hậu nước Đại Mông Cổ phong làm Đệ nhất hộ quốc đại sư.

Câu này Hoắc Đô nhấn mạnh, quần hùng trong sảnh nghe rành rọt. Ai nấy kinh hãi nhìn nhau, đều nghĩ thầm: "Chúng ta đang ở đây bàn cách chống chọi Mông Cổ xâm lược phía nam, sao lại có tên hộ quốc đại sư Mông Cổ tới đây?"

Dương Quá càng kinh ngạc, nhớ hôm trên đỉnh Hoa Sơn, nghĩa phụ và Hồng Thất Công cùng tán thưởng công phu sở học của "Tạng biên ngũ xú", bảo chúng hãy về bảo sư tổ Kim Luân pháp vương mau tới Trung Nguyên tỷ thí. Bây giờ Kim Luân pháp vương cùng với sư phụ của "Tạng biên ngũ xú" Đạt Nhĩ Ba tới đây, nghĩa phụ và Hồng Thất Công đã không còn trên thế gian, thì đau lòng và biết lão Tạng tăng cao gầy kia chẳng phải tầm thường.

Quách Tĩnh chưa biết nên đối phó thế nào với mấy người này, chỉ thản nhiên nói:

- Các vị từ xa tới, mời vào bàn uống vài chén rượu.

Rượu qua ba tuần, vương tử Hoắc Đô đứng dậy, xòe cây quạt, để lộ trên cây quạt một bông mẫu đơn tuyệt đẹp, nói:

- Sư đồ tại hạ hôm nay không nhận được anh hùng thiếp, song vẫn đến dự anh hùng đại yến, muối mặt làm khách không mời, nhưng thiết nghĩ được gặp quần hiền, thì cũng không cần khách sáo gì lắm. Thịnh hội khó có, dịp may không trở lại, anh hùng thiên hạ tề tựu cả ở đây, theo thiển ý của tiểu vương, cần suy tôn một vị minh chủ của quần hùng, làm lãnh tụ võ lâm, đứng đầu hào kiệt trong thiên hạ, các vị thấy thế nào?

"Oải Sư" Lôi Mãnh nói to:

- Nói rất đúng. Ở đây quần hào đã tiến cử Hồng lão bang chủ Cái Bang làm minh chủ, hiện đang đề cử một vị phó minh chủ, các hạ thấy sao?

Hoắc Đô cười nhạt, nói:

- Hồng Thất Công đã chầu trời rồi. Tiến cử một hồn ma làm minh chủ, các hạ định coi mọi người đều là ma cả chăng?

Lời này vừa dứt, quần hùng cùng ồ lên, bang chúng Cái Bang phẫn nộ dị thường, nhao nhao phản đối.

Hoắc Đô nói:

- Thôi được, Hồng Thất Công nếu còn sống, mời vị ấy ra gặp coi!

Lỗ Hữu Cước hai lần giơ cao Đả cẩu bổng, nói:

- Hồng lão bang chủ vân du thiên hạ, hành tung vô định. Các hạ muốn gặp là gặp được sao?

Hoắc Đô cười nhạt, nói:

- Đừng nói là Hồng Thất Công sống chết khó biết, cho dù Hồng Thất Công có mặt ở đây chăng nữa, thì võ công đức vọng của Hồng Thất Công cũng không tài gì sánh nổi với Kim Luân pháp vương, sư phụ của tại hạ. Các vị anh hùng hãy nghe đây, vị minh chủ của võ lâm thiên hạ hiện nay, trừ Kim Luân pháp vương ra, không có người thứ hai xứng đáng.

Quần hùng nghe Hoắc Đô nói thế, đã biết ý định của bọn kia khi tới đây, bọn chúng biết anh hùng đại yến bất lợi cho Mông Cổ, nên tới đây phá đám và tranh chức vị minh chủ. Nếu Kim Luân pháp vương dùng võ công đoạt được chức vị minh chủ, dẫu hào kiệt Trung Nguyên không tuân theo hiệu lệnh của lão, thì vẫn làm suy giảm thanh thế chống Mông Cổ của người Hán. Mọi người đều biết Hoàng Dung túc trí đa mưu, không hẹn mà cùng quay đầu nhìn nàng, nghĩ thầm: "Mấy chục tên kia võ công dù cao đến mấy, cũng không thể địch nổi ngàn người ở đây, bất kể đơn đả độc đấu hay là quần ẩu, chúng ta nhất định đều không thua, mọi người chỉ cần nghe lệnh của Hoàng bang chủ mà hành sự là được".

Hoàng Dung biết hôm nay nếu không động võ, chắc không xong, quần ẩu tất nhiên sẽ thắng, nhưng đối phương sẽ không phục, bèn nói to:

- Vừa rồi quần hùng đã tiến cử Hồng lão bang chủ làm minh chủ; vị hảo hán Mông Cổ này lại đến cắt ngang, đòi tiến cử một vị Kim Luân pháp vương nào đó chẳng ai biết mặt, nghe tên. Giá như Hồng lão bang chủ có mặt ở đây, thì có thể cùng Kim Luân pháp vương hiển lộ thần thông, nhất quyết thư hùng; thế nhưng lão nhân gia chu du thiên hạ, diệt trừ bọn Thát tử Mông Cổ và bọn Hán gian, không ngờ hôm nay các vị kéo đến, nên không chờ sẵn, sau này Hồng lão bang chủ biết tin này, hẳn lấy làm tiếc lắm. May sao Hồng lão bang chủ và Kim Luân pháp vương đều có đệ tử thân truyền, vậy hãy để đệ tử đôi bên thay mặt sư phụ mình tỷ thí với nhau, có được chăng?

Quần hùng Trung Nguyên quá nửa biết Quách Tĩnh võ công kinh nhân, lại đang thời tráng niên, có khi đứng thứ nhất, bây giờ Hồng Thất Công chưa chắc đã mạnh hơn chàng; nếu chàng tỷ thí với đệ tử của Kim Luân pháp vương, thì phần thắng là cái chắc, không lý gì thua được, thế là khen phải, reo to làm rung chuyển cả mái ngói. Quần hùng đang ăn uống ở thiên sảnh, hậu sảnh, nghe tin lập tức đổ dồn lại, nhất thời hành lang, ngoài sân, bên cửa đầy kín người, ai nấy hô to trợ uy. Bọn Kim Luân pháp vương ít người, thanh thế sao bì được.

Hoắc Đô năm nọ ở cung Trùng Dương từng giao đấu với Quách Tĩnh, một chiêu đã bại, bấy giờ hắn chỉ biết chàng là môn nhân phái Toàn Chân, sau dò la mới biết lai lịch của chàng. Sư huynh Đạt Nhĩ Ba và hắn võ công xấp xỉ nhau, cả sư huynh và hắn liên thủ với nhau, chắc cũng không địch nổi gã đệ tử của Hồng Thất Công là Quách đại hiệp. Nhưng nếu không chấp nhận kiến nghị của Hoàng Dung, thì hôm nay khó đoạt chức vị minh chủ; biến cố này nằm ngoài dự liệu ban đầu, không khỏi khiến cho hắn hoang mang.

Kim Luân pháp vương nói:

- Được, Hoắc Đô, ngươi cứ việc tỷ thí với đệ tử của Hồng Thất Công đi.

Giọng nói của lão ta rất nặng và đục, một câu nói dài mà lão không cần nghỉ chuyển hơi. Lão ta chỉ sống ở Tây Tạng, cho rằng võ công của Hoắc Đô ở Trung Nguyên ít có đối thủ, giỏi lắm thì cũng chỉ thua mấy vị lão tiền bối, như Bắc Cái, Đông Tà, Tây Độc gì đó mà thôi, chứ không biết hắn từng bị Quách Tĩnh đánh bại. Hoắc Đô vâng dạ, rồi nói nhỏ:

- Sư phụ, đồ đệ của Hồng lão nhi mười phần tài giỏi, đệ tử chỉ sợ khó bề thủ thắng, làm mất uy phong của sư phụ.

Kim Luân pháp vương sầm mặt lại, nói:

- Hừ, không lẽ đồ đệ của người ta, ngươi cũng đánh không nổi? Cứ đánh đi.

Hoắc Đô ngại ngần, chuyện hắn từng thua Quách Tĩnh, hắn vẫn giấu sư phụ, lúc này thực không dám bẩm cáo. Hắn cứ ngỡ sư phụ có tài thông thiên thấu địa, thời nay không ai địch nổi, chỉ cần bí mật tới được anh hùng đại yến, thì có thể giành ngay lấy chức vị minh chủ, ai ngờ cuối cùng hắn lại phải tỷ thí với Quách Tĩnh. Hắn đang lo, thì một đại hán to béo mặc quân phục Mông Cổ tới ghé tai hắn nói nhỏ mấy câu.

Hoắc Đô vừa nghe đã cả mừng, đứng dậy, phe phẩy quạt vài cái nói lớn:

- Nghe đâu Cái Bang có món bảo bối trấn bang gì đó gọi là Đả cẩu bổng pháp, là bản sự bình sinh lợi hại nhất của Hồng lão bang chủ, tiểu vương bất tài, muốn thử dùng cây quạt này phá giải Đả cẩu bổng pháp. Nếu phá được, chẳng hóa ra bản sự của Hồng Thất Công cũng chẳng có gì ghê gớm.

Hoàng Dung thoạt thấy có kẻ rỉ tai gì đó với Hoắc Đô, cũng không để ý; nhưng bỗng nghe hắn nhắc đến Đả cẩu bổng pháp, tuy chỉ vài câu, song đã gạt bỏ được người có võ công mạnh nhất là Quách Tĩnh sang một bên, thì không biết kẻ nào vừa hiến diệu kế cho hắn? Nhìn kỹ gã quân nhân Mông Cổ kia, nàng chợt nhận ra đó là một trong bốn vị trưởng lão của Cái Bang, là Bành trưởng lão. Nguyên lão ta đã chạy sang theo bọn Mông Cổ, cải trang thành quân nhân Mông Cổ, để râu dài, mũ kép sụp xuống trán, nếu không chăm chú nhìn kỹ, rất khó nhận ra; cũng chỉ có lão ta, mới biết rằng Đả cẩu bổng pháp chỉ truyền cho bang chủ; Quách Tĩnh võ công cao cường, song cũng không được biết môn võ công đó. Hoắc Đô nói vậy, tức là khiêu chiến với đích danh Lỗ Hữu Cước. Lỗ Hữu Cước mới học Đả cẩu bổng pháp, chưa hề luyện tập, lĩnh hội có hạn, sử dụng chưa thạo, vậy là nàng đành phải xuất trận.

Quách Tĩnh biết Đả cẩu bổng pháp của thê tử diệu tuyệt thiên hạ, chắc chắn đánh thắng Hoắc Đô, nhưng mấy tháng nay nàng bị động thai, nội tức không điều hòa, hoàn toàn không thể động võ với người, bèn đứng dậy, bước ra, nói:

- Đả cẩu bổng pháp của Hồng lão bang chủ xưa nay không mấy khi sử dụng đến, các hạ hãy thử lĩnh giáo "Hàng long thập bát chưởng" của lão nhân gia.

Kim Luân pháp vương lim dim mắt, thấy Quách Tĩnh đứng dậy, bước ra, đường hoàng vững chãi, khí thế phi phàm, không khỏi kinh ngạc: "Người này quả không tầm thường".

Hoắc Đô cười hô hố, nói:

- Ở cung Trùng Dương, núi Chung Nam, tiểu vương từng có duyên kiến diện với các hạ, khi đó các hạ tự xưng là môn nhân của chư vị Mã Ngọc, Khưu Xứ Cơ sao bây giờ lại mạo nhận là đệ tử của Hồng Thất Công?

Quách Tĩnh định trả lời, thì Hoắc Đô đã cướp lời, nói tiếp:

- Một người theo học vài vị sư phụ, chuyện đó lẽ thường. Nhưng hôm nay là cuộc tỷ thí công phu giữa Kim Luân pháp vương với Hồng lão bang chủ, các hạ võ công tuy mạnh, song nghệ kiêm nhiều môn, không phải là bản sự đích thực của Hồng lão bang chủ.

Lời nói của Hoắc Đô kể cũng có lý, Quách Tĩnh vốn không giỏi nói năng, nhất thời chưa biết đối đáp ra sao. Quần hùng thì nhao nhao lên:

- Có giỏi thì tỷ thí với Quách đại hiệp, nhát gan thì cụp đuôi mà xéo đi.

- Quách đại hiệp là đệ tử cập môn của Hồng lão bang chủ, không xứng đại diện cho Hồng lão bang chủ thì còn ai vào đấy?

- Ngươi cứ nếm thử "Hàng long thập bát chưởng", rồi hãy xơi món Đả cẩu bổng pháp cũng chưa muộn.

Hoắc Đô ngửa mặt cười một tràng, trong lúc cười hắn ngầm vận nội lực, dùng tiếng ha ha hô hô át mọi tiếng ồn ào của quần hùng, làm cho đèn nến trong đại sảnh lung lay muốn tắt. Quần hùng nhìn nhau thất sắc, đều nghĩ thầm: "Không ngờ hắn còn trẻ, trông như công tử, mà lại có nội công lợi hại đến thế". Tất cả liền trở lại im lặng.

Hoắc Đô nói to với Kim Luân pháp vương:

- Sư phụ, chúng ta bỏ qua cho bọn họ thôi. Lúc đầu cứ tưởng hôm nay anh hùng thiên hạ tề tựu, mới từ ngàn dặm xa xôi tìm đến, ai ngờ rặt một phường tham sống sợ chết. Chúng ta về thôi, chẳng may sư phụ làm minh chủ cho bọn này, thì hảo hán thiên hạ sẽ bảo sư phụ đứng đầu phường giá áo túi cơm bị thịt, chẳng hóa làm ô danh sư phụ hay sao?

Quần hùng đều biết hắn cố ý khiêu khích để Hoàng Dung xuất chiến, nhưng lời lẽ ngông cuồng như thế thì ai chịu nổi? Mọi người nhao nhao nhiếc móc hắn, Lỗ Hữu Cước cầm cây gậy trúc, rời bàn tiệc bước ra, nói:

- Tại hạ là tân nhiệm bang chủ Cái Bang Lỗ Hữu Cước. Đả cẩu bổng pháp mười hai thành, tại hạ học chưa thạo một thành, lẽ ra chưa nên sử dụng. Có điều các hạ muốn nếm thử mùi vị Đả cẩu bổng, tại hạ đành chiều lòng các hạ.

Lỗ Hữu Cước võ công vốn rất tinh thâm, Đả cẩu bổng pháp tuy chưa học xong, nhưng cộng với căn cơ võ công thì cũng có không ít uy lực; thấy Hoắc Đô tuổi mới tam tuần, dẫu hắn có cao nhân truyền thụ, công lực chắc cũng chưa thâm hậu, lão biết Hoàng Dung người không được khỏe, bản thân lão dù thắng hay bại cũng không thể để nàng mạo hiểm.

Hoắc Đô chỉ cốt không phải tỷ thí với Quách Tĩnh, còn thì hắn không sợ ai khác, bèn ôm quyền cúi mình nói:

- Lỗ bang chủ, hạnh hội, hạnh hội. Được lĩnh giáo Lỗ bang chủ, thật không gì bằng.

Hoàng Dung thầm lo ngại, nhưng nghĩ Lỗ Hữu Cước vừa tiếp nhiệm chức bang chủ, đã lên tiếng khiêu chiến, nàng không tiện ngăn cản, nếu không sẽ vừa làm giảm uy phong của Lỗ Hữu Cước, vừa ra vẻ ta đây vẫn còn quyền thế ở Cái Bang, đành để lão thượng trận trước vậy.

Quản gia của Lục gia trang chỉ huy trang đinh kê lại bàn ghế trong đại sảnh, dành một chỗ trống khá rộng, đốt thêm nến hồng, chiếu sáng sảnh đường y như ban ngày.

Hoắc Đô nói:

- Xin mời!

Lời vừa dứt, cây quạt phe phẩy, một luồng kình phong quạt tới mặt Lỗ Hữu Cước, trong gió thoang thoảng mùi hương. Lỗ Hữu Cước sợ trong gió có độc, vội né tránh. Hoắc Đô vẩy tay, xoẹt một tiếng, cây quạt đã gấp lại thành một cây bút điểm huyệt dài tám tấc, chọc tới mạng sườn đối phương. Lỗ Hữu Cước vung cây gậy trúc, bất chấp Hoắc Đô định điểm huyệt, dùng khẩu quyết chữ "Triền", một quét ngang một gảy lên, môn Đả cẩu bổng pháp quả nhiên xảo diệu dị thường, thế đánh toàn vào những chỗ người bên cạnh không thể ngờ tới. Hoắc Đô nhẹ nhàng nhảy lên tránh, nào ngờ cây gậy đột nhiên quật lại, đánh trúng vào ống chân hắn, hắn loạng choạng ba bước, suýt nữa thì ngã. Quần hùng đứng xem cùng reo lên:

- Đánh trúng con chó rồi!

- Cho mi biết thế nào là uy phong của Đả cẩu bổng pháp!

Bị trúng một đòn, Hoắc Đô đỏ mặt đến tận mang tai, xoay mình, tay trái đánh ra một chưởng. Lỗ Hữu Cước tung chân trái đá, gậy trúc quét ngang, tức thì bổng ảnh múa lượn biến ảo vô định. Hoắc Đô nghĩ thầm: "Đả cẩu bổng pháp quả nhiên danh bất hư truyền!" Hắn tập trung toàn bộ tinh thần, tay phải cầm quạt phối hợp với tả chưởng mà đối phó. Lỗ Hữu Cước rốt cuộc chưa luyện thành Đả cẩu bổng pháp, mấy lần đáng lẽ đắc thủ, lại bỏ phí. Quách Tĩnh, Hoàng Dung ở ngoài quan sát, không khỏi kêu thầm "Tiếc quá!"

Đánh hơn mười chiêu nữa, Đả cẩu bổng pháp của Lỗ Hữu Cước đã bộc lộ sơ hở càng lúc càng lớn. Dương Quá nhìn rõ từng chiêu, bất giác cau mày. May mà Đả cẩu bổng pháp vừa xuất thủ, đã đánh trúng ngay vào ống chân đối phương, Hoắc Đô thầm ngán ngại, không dám bám sát quá, chứ không thì Lỗ Hữu Cước đã lạc bại từ sớm. Hoàng Dung thấy tình hình không ổn, định gọi Lỗ Hữu Cước dừng lại, thì Lỗ Hữu Cước đột nhiên sử chiêu "Tà đả cẩu bối", mím môi mím lợi giáng một gậy vào má trái của Hoắc Đô. Nhưng gậy này giáng quá mạnh, mất cái sự khôn khéo nhẹ nhàng; Hoắc Đô vừa đau vừa ngượng vì trúng đòn ở ống chân, đã giơ tay cực nhanh, chộp giật được cây gậy, chẳng cần suy nghĩ, tay kia giáng luôn một chưởng đánh trúng vào ngực Lỗ Hữu Cước, cây gậy thì quật ngang một cái, cách một tiếng, Lỗ Hữu Cước đã bị đánh gãy xương ống chân, miệng hộc ra một ngụm máu tươi, ngã sấp mặt xuống đất. Hai đệ tử bảy túi vội chạy tới đỡ Lỗ Hữu Cước dậy.

Quần hùng thấy Hoắc Đô xuất thủ tàn bạo, đều căm phẫn, nhiếc móc hắn.

Hoắc Đô cầm ngang cây gậy trúc nhẵn bóng màu bích lục, dương dương đắc ý, nói:

- Đả cẩu bổng, bảo bối trấn bang của Cái Bang chẳng qua chỉ thế mà thôi.

Hắn cố ý làm nhục một đại bang hội có tiếng nghĩa hiệp ở Trung Nguyên, hai tay cầm hai đầu cây gậy trúc, định bẻ gãy nó.

Đột nhiên một bóng áo xanh vọt tới trước mặt hắn, một thiếu phụ thanh nhã tú lệ, chính là Hoàng Dung, nói:

- Hãy khoan!

Hoắc Đô thấy thân pháp của nàng quá lẹ làng, kinh ngạc chưa kịp nói, thì tay phải của Hoàng Dung đã móc tới hai mắt hắn, hắn vội giơ tay gạt ra, thì tay trái của nàng đã nhẹ nhàng đoạt lấy cây gậy trúc.

Thủ pháp đoạt bổng như thế gọi là "Ngao khẩu đoạt trượng", một chiêu số rất cao minh trong Đả cẩu bổng pháp. Năm xưa tại đại hội Quân Sơn của Cái Bang bên hồ Động Đình, Hoàng Dung từng dùng chiêu này ba lần đoạt cây gậy trúc trong tay Dương Khang. Chiêu này biến ảo khó lường, dùng để đoạt gậy thì "trăm lần được cả trăm" cao thủ giỏi mấy cũng không tránh thoát. Quần hùng hò reo vang dậy. Hoàng Dung trở về chỗ ngồi, chống cây gậy trúc ở bên cạnh, bỏ Hoắc Đô đứng tại chỗ ngơ ngác.

Hoắc Đô tuy võ học tinh thông, nhưng cũng không thể hiểu, rốt cuộc Hoàng Dung đã đoạt cây gậy trúc bằng thủ pháp gì, hắn nghĩ thầm: "Chẳng lẽ thiếu phụ kia có ảo thuật?" Nghe tiếng chế nhạo của mọi người, liếc về phía sư phụ, thấy sắc diện lầm lì, thiết tưởng bản lĩnh của thiếu phụ xinh đẹp kia cũng chỉ có hạn, bèn nói to:

- Hoàng bang chủ, tại hạ đã trả lại cây gậy cho bang chủ, mời bang chủ ra đây giao đấu, bang chủ có dám hay không nào?

Hắn nói như vậy, quả nhiên có người nghĩ rằng vừa rồi không phải Hoàng Dung đoạt lại cây gậy trúc, mà là Hoắc Đô trả lại cho nàng, để đôi bên tỷ thí. Chỉ có người võ công rất cao, mới biết thực hư mà thôi.

Quách Phù nghe câu nói của Hoắc Đô thì cả giận, cả đời nàng chưa từng thấy kẻ nào dám vô lễ như thế với mẫu thân, xoẹt một tiếng, nàng đã rút bội kiếm ra. Võ Tu Văn nói:

- Phù muội, để huynh trị hắn cho!

Võ Đôn Nhu cùng một tâm tư, huynh đệ họ Võ không hẹn mà cùng nhảy ra giữa sảnh, người này nói:

- Sư mẫu của ta là bậc tôn quí.

Người kia tiếp lời:

- Há đi động thủ với loại thô lỗ như ngươi? Ngươi hãy lĩnh giáo công phu của tiểu gia đây đã!

Hoắc Đô thấy hai người nhỏ tuổi, nhưng thân pháp đoan ổn, đích thị có danh sư chỉ điểm, nghĩ thầm: "Hôm nay bọn ta đến đây chính là dụng võ dương uy, làm nhụt khí các võ sư người Hán, đánh thêm vài trận cũng tốt. Nhưng địch đông ta ít, nếu biến thành quần ẩu, thì sẽ rất khó", bèn nói:

- Xin anh hùng thiên hạ lưu ý, hai gã vắt mũi chưa sạch này đòi tỉ võ với tại hạ; nếu tại hạ xuất thủ, chỉ e bị mọi người cho là người lớn bắt nạt con nít, còn không thì lại cho rằng tại hạ sợ hai gã đó. Vậy chúng ta hãy nói rõ trước, đôi bên tỉ võ ba trận, bên nào thắng hai trận, sẽ giành chức minh chủ. Trận tỷ thí vừa rồi giữa tại hạ với Lỗ Hữu Cước Lỗ bang chủ coi như chưa tính. Các vị nói xem; như thế có thỏa đáng hay không?

Mấy câu vừa nói rõ ra cái giọng kẻ cả. Quách Tĩnh, Hoàng Dung với một số tân khách bàn nhỏ với nhau, thấy kiến nghị của đối phương thật khó từ chối. Tham gia đại hội hôm nay, trừ Hoàng Dung không thể xuất trận, còn ba người võ công mạnh hơn cả, là Quách Tĩnh, Hách Đại Thông, và đệ tử thứ tư của Nhất Đăng đại sư là thư sinh Chu Tử Liễu. Chu Tử Liễu là người nước Đại Lý, không phải là người Tống, nhưng Đại Lý và Đại Tống môi hở răng lạnh, những năm gần đây cũng bị Mông Cổ uy hiếp rất mạnh, nên Mông Cổ là kẻ thù chung; huống hồ Chu Tử Liễu giao hảo với vợ chồng Quách Tĩnh, ắt không từ chối. Bèn quyết định Chu Tử Liễu sẽ đấu trận thứ nhất với Hoắc Đô, Hách Đại Thông đấu trận thứ hai với Đạt Nhĩ Ba, Quách Tĩnh đấu trận cuối cùng với Kim Luân pháp vương. Trận thế này thắng thua ra sao chưa rõ; nếu Kim Luân pháp vương quả võ công cực cao, ngay Quách Tĩnh cũng địch không nổi, thì không chừng cả ba trận phía ta đều thua cũng nên.

Mọi người đang bàn chưa quyết, Hoàng Dung bỗng nói:

- Có một cách chắc thắng.

Quách Tĩnh cả mừng, đang định hỏi, bỗng nghe tiếng kiếm phong vù vù, ai nấy ngoảnh lại, thấy huynh đệ họ Võ đã bắt đầu giao đấu với Hoắc Đô, một bên sử dụng hai thanh trường kiếm, một bên là cây quạt. Vợ chồng Quách Tĩnh, Hoàng Dung và hai môn hạ của Nhất Đăng đại sư là Điểm Thương Ngư Ẩn và thư sinh Chu Tử Liễu rất lo cho sự an nguy của đồ đệ, cùng chăm chú xem cuộc đấu.

Nguyên huynh đệ họ Võ nghe vương tử Hoắc Đô mở miệng càn rỡ, gọi họ là hai kẻ "miệng còn hơi sữa", để cho các bậc thượng nhân nghe thấy thì còn gì là thể diện, huống hồ vừa thấy sư mẫu đoạt lại cây gậy trúc một cách khá dễ dàng, nghĩ bụng Hoắc Đô tuy đánh bại Lỗ Hữu Cước, nhưng xem ra Lỗ Hữu Cước võ công quá thấp; lại nghĩ hai huynh đệ được sư phụ chân truyền võ công, một người đấu có thể không thắng, hai người hợp lực, quyết chẳng thể thua. Cũng bất chấp ba trận bốn trận gì hết, đúng là nghé con không sợ hổ, hai huynh đệ họ Võ đưa mắt cho nhau, song kiếm cùng xuất.

Nhưng Quách Tĩnh võ công tuy cao, cũng chưa dạy cả cho đồ đệ, tự mình lĩnh hội tinh nghĩa võ học thượng thừa, song khi truyền thụ thì diễn giải không rõ ràng, từ không đạt ý. Huynh đệ họ Võ tư chất bình thường, vẻn vẹn trong dăm năm, phỏng học được bao nhiêu? Chỉ sau vài chiêu, trường kiếm của họ đã bị Hoắc Đô khống chế, không thi thố gì được.

Hoắc Đô muốn trổ tài lập uy trước mặt quần hùng, thấy trường kiếm của Võ Tu Văn đâm tới, bèn dùng ngón trỏ tay trái hẩy lưỡi kiếm lên thành nằm ngang, cây quạt đánh xuống giữa thanh kiếm, "cách" một tiếng, kiếm gãy làm hai đoạn. Huynh đệ họ Võ cả kinh, Võ Tu Văn vội nhảy sang một bên, Võ Đôn Nhu thì đâm một kiếm tới sau lưng Hoắc Đô để hắn không thể đuổi đánh huynh đệ. Hoắc Đô sớm đã tiên liệu chiêu này, không cần ngoái đầu, đưa cây quạt về phía sau, vừa hay chạm vào sống kiếm, ngón tay xoay xoay hai cái. Hắn chỉ cần chuyển động ngón tay, thanh kiếm trong tay Võ Đôn Nhu nếu phải thuận theo cây quạt mà xoay chuyển, thì xương vai của Võ Đôn Nhu không thể không bị trật khớp, gã đành phải buông kiếm mà nhảy sang một bên; thanh kiếm bay thẳng lên, kiếm quang loang loáng mấy lần trong không trung rồi mới rơi xuống.

Huynh đệ họ Võ vừa kinh ngạc vừa tức giận, tuy đã mất binh khí, vẫn không hề sợ, Võ Đôn Nhu tả chưởng hoành không, sử chiêu thức của "Hàng long thập bát chưởng"; Võ Tu Văn thì tay phải buông xuống, ngón tay trỏ hơi gập lại, hễ kẻ địch đánh tới, sẽ dùng "Nhất dương chỉ" đối phó.

Hoắc Đô thấy tư thế của hai người ngưng trọng, thì không dám coi thường, nghĩ thầm: "Thắng đến mức này là đủ, đừng tưởng lấn tới đã ngon". "Hàng long thập bát chưởng" và "Nhất dương chỉ" là hai công phu đệ nhất trong võ học, huynh đệ họ Võ công lực tuy non, nhưng động tác của họ hoàn toàn chính xác, người thường nhận không ra, nhưng người có nhãn quang tinh đời như Hoắc Đô thì biết ngay giá trị, hắn bèn cười hà hà, ôm quyền nói:

- Mời hai vị về chỗ ngồi, chúng ta chỉ phân thắng bại, chứ không liều chết.

Giọng nói đã bớt hẳn ngông cuồng.

Huynh đệ họ Võ ngượng ngùng, thiết nghĩ tay không đấu với hắn, quá nửa là sẽ thảm bại, đành cúi đầu lùi về, không dám trở lại bên chỗ Quách Phù.

Quách Phù vội chạy lại, nói:

- Võ gia ca ca, ba chúng ta cùng xông ra tái đấu với hắn.

Mọi người chăm chú nhìn, Quách Phù tay phải cầm kiếm, tay trái vẫy gọi:

- Ba sư huynh muội chúng ta liên thủ với nhau.

Quách Tĩnh quát:

- Phù nhi, đừng làm ồn!

Quách Phù sợ nhất phụ thân, đành lùi mấy bước, hầm hầm nhìn Hoắc Dô. Hoắc Đô thấy nàng mỹ mạo kiều diễm, thì gật gù, cười hì hì. Quách Phù trừng mắt nhìn hắn một cái, rồi quay nhìn chỗ khác. Huynh đệ họ Võ vốn chỉ sợ Quách Phù chê cười, giờ thấy nàng bênh vực cho họ, thì trong lòng rất được an ủi.

Hoắc Đô mở quạt, phe phẩy vài cái, nói:

- Trận tỷ thí vừa rồi, dĩ nhiên cũng không tính. Quách đại hiệp, tệ phương gồm ba người là gia sư, sư huynh và tại hạ. Tại hạ võ công thấp nhất, sẽ đấu trận đầu. Vị nào bên quí phương sẽ hạ trường chỉ giáo đây? Ai thắng ai bại, chẳng phải chuyện đùa.

Quách Tĩnh nghe Hoàng Dung bảo có cách chắc thắng, biết nàng túc trí đa mưu, tuy chưa rõ diệu kế của nàng thế nào, nhưng đã không lo nữa; lớn tiếng nói:

- Được, chúng ta sẽ đấu ba trận để phân thắng bại.

Hoắc Đô biết bên phía đối phương, người có võ công mạnh nhất là Quách Tĩnh, sư phụ của hắn vô địch thiên hạ, nhất định sẽ thắng chàng; Hoàng Dung vừa rồi tuy có quái chiêu đoạt gậy, nhưng nhìn vẻ yếu ớt của nàng, nếu giao đấu thật sự, vị tất đã lợi hại, những kẻ khác chả đáng nói, thế là đưa mắt quét qua mọi người một lượt, nói:

- Các vị nếu có kiến nghị gì khác thì hãy nói sớm. Một khi thắng bại đã quyết, tất phải theo lệnh minh chủ đó.

Quần hùng cũng định đáp ứng, nhưng thấy hắn liên tiếp đánh bại Lỗ Hữu Cước và huynh đệ họ Võ, không biết còn có những bản sự gì chưa thi triển, nên chưa ai dám lên tiếng, đều quay nhìn vợ chồng Quách Tĩnh, Hoàng Dung.

Hoàng Dung nói:

- Túc hạ đấu trận thứ nhất, lệnh sư huynh đấu trận thứ hai, tôn sư đấu trận thứ ba, đã chắc chắn không thay đổi nữa chứ?

Hoắc Đô đáp:

- Đúng thế.

Hoàng Dung quay lại nói nhỏ với mấy người xung quanh:

- Chúng ta chắc thắng rồi.

Quách Tĩnh hỏi:

- Làm thế nào?

Hoàng Dung nói nhỏ:

- Nay "dĩ quân chi hạ tứ, dữ bỉ thượng tứ..."

Nàng vừa nói vừa nhìn Chu Tử Liễu. Chu Tử Liễu mỉm cười, nói tiếp:

- "Thủ quân thượng tứ, dữ bỉ trung tứ, thủ quân trung tứ, dữ bỉ hạ tứ". Đánh xong ba trận, Điền Kỵ thua một trận mà thắng hai trận, giành được ngàn lạng vàng.

Quách Tĩnh giương mắt nhìn, hoàn toàn không hiểu họ nói gì.

Hoàng Dung ghé tai chàng nói:

- Chàng tinh thông binh pháp, sao lại quên diệu kế của ông tổ binh pháp Tôn Tẫn?

Quách Tĩnh chợt nhớ thời nhỏ học "Võ Mục di thư", Hoàng Dung từng kể với chàng tích cũ thế này: Đại tướng Điền Kỵ nước Tề đua ngựa với Tề vương, đánh cuộc ngàn lạng vàng. Tôn Tẫn bày cho Điền Kỵ cách thắng cuộc, dùng con ngựa kém nhất đua với con ngựa hay nhất của Tề vương; dùng con ngựa hay nhất đua với con ngựa trung bình của Tề vương; rồi dùng con ngựa trung bình đua với con ngựa kém nhất của Tề vương, kết quả Điền Ky thắng hai trận, giành được ngàn lạng vàng. Hoàng Dung vừa nói là ngụ ý dùng cách tương tự.

Hoàng Dung nói:

- Chu sư huynh, với công phu "Nhất dương chỉ" của mình, sư huynh thắng vương tử Hoắc Đô không khó.

Chu Tử Liễu ở nước Đại Lý từng thi đỗ trạng nguyên, từng làm Tể tướng, tất là bậc tài trí hơn người. Hiểu rất sâu về võ công của môn phái họ Ân ở nước Đại Lý. Ban đầu Chu Tử Liễu là môn hạ của Nam Đế, võ công đứng sau cùng trong bốn đại đệ tử Ngư, Tiều, Canh, Độc; mười năm đã thăng lên vị trí thứ hai. Hiện thời võ công đã cao hơn hẳn ba vị sư huynh. Nhất Đăng đại sư đối với bốn đại đệ tử như nhau, có môn võ công nào cũng đều truyền thụ cho họ, nhưng cuối cùng thì Chu Tử Liễu là người lĩnh hội được nhiều hơn cả, nhất là công phu "Nhất dương chỉ" luyện tới mức xuất thần nhập hóa. Lúc này võ công của Chu Tử Liễu so với Quách Tĩnh, Mã Ngọc, Khưu Xứ Cơ thì chưa bằng, nhưng đã cao hơn những người như Vương Xứ Nhất, Hách Đại Thông.

Quách Tĩnh nghe Hoàng Dung nói vậy, bèn tiếp lời:

- Mời Hách đạo trưởng đấu với Kim Luân pháp vương, kể ra rất nguy hiểm. Thắng hay bại cố nhiên không liên quan đến đại cục. Chỉ sợ kẻ địch xuất thủ quá tàn ác, không đối phó nổi.

Chàng ngay thẳng, nghĩ sao nói vậy, cũng không ngại coi mình là "con ngựa hay nhất", Hách Đại Thông là "con ngựa dở nhất".

Hách Đại Thông hiểu rõ cuộc đấu này quan hệ đến vận mệnh quốc gia, hoàn toàn không giống cuộc đấu giành giật danh tiếng tầm thường trong võ lâm; nếu để lão quốc sư Mông Cổ kia đoạt lấy chức vị minh chủ anh hùng thiên hạ, thì các võ sĩ người Hán chẳng những mất mặt, mà còn làm phân tán nhân tâm, e rằng khó kết minh kháng địch, bèn khảng khái nói:

- Chuyện đó khỏi cần lo nghĩ, chỉ cốt lợi cho quốc gia, lão đạo này dẫu có bỏ mạng dưới tay Tạng tăng, cũng không sao cả.

Hoàng Dung nói:

- Trong ba trận, chúng ta chỉ cần thắng hai trận đầu, thì trận thứ ba đâu cần đấu nữa.

Quách Tĩnh cả mừng, khen phải.

Chu Tử Liễu cười, nói:

- Tại hạ gánh vác trọng nhiệm rồi, nếu không thắng nổi gã vương tử Mông Cổ, thì suốt đời sẽ bị anh hùng thiên hạ phỉ thổ mất thôi.

Hoàng Dung nói:

- Không nên quá khiêm tốn, mời sư huynh xuất trận cho.

Chu Tử Liễu bước ra giữa sảnh, ôm quyền nói với Hoắc Đô:

- Trận đấu thứ nhất này, do tệ nhân lĩnh giáo các hạ. Tệ nhân họ Chu, tên Tử Liễu. Bình sinh thích ngâm thơ, làm câu đối, tụng kinh đọc Dịch, võ công thì rất thô sơ, mong được các hạ chỉ giáo thật nhiều.

Nói rồi vái một cái thật dài, rút từ ống tay áo ra một cây bút, viết mấy nét trong không trung, đúng là phong thái một gã hủ nho.

Hoắc Đô nghĩ thầm: "Kẻ trông càng tầm thường, càng có võ công cao thâm, thực không thể coi thường", bèn ôm quyền đáp lễ, nói:

- Tiểu vương xin lĩnh giáo tiền bối, xin hãy lấy binh khí ra cho.

Chu Tử Liễu nói:

- Mông Cổ là xứ man di, chưa được thánh nhân giáo hóa, các hạ đã muốn lĩnh giáo, thì tệ nhân dĩ nhiên sẽ chỉ điểm cho.

Hoắc Đô trong bụng tức giận: "Ngươi mở miệng nhục mạ Mông Cổ ta, không thể tha cho ngươi được".

Hắn xòe quạt, nói:

- Đây là binh khí của tiểu vương. Tiền bối sử dụng đao hay kiếm?

Chu Tử Liễu giơ bút viết chữ "Bút" trong không trung, cười, nói:

- Tệ nhân cả đời lấy cây bút làm bạn, còn biết sử dụng thứ binh khí nào khác?

Hoắc Đô nhìn kỹ cây bút của đối phương, thấy cán tre lông cừu, ngòi bút chấm mực đen một nửa, thật không có gì lạ, khác hẳn với loại bút thép dùng để điểm huyệt trong võ lâm, đang định hỏi, thì thấy từ ngoài tiến vào một bạch y thiếu nữ.

Nàng dừng chân ở cửa sảnh, thong thả đưa mắt nhìn mặt mọi người, tựa hồ đang tìm ai đó.

Quần hùng vốn đang chú mục nhìn Chu Tử Liễu và Hoắc Đô, thấy bạch y thiếu nữ bước vào, ai nấy bất giác cùng nhìn về phía nàng. Chỉ thấy nàng sắc diện trắng trẻo, xanh xao như người có bệnh, nhìn dưới ánh nến tưởng chừng không một hạt máu, càng lộ vẻ thanh nhã tuyệt tục, vô cùng tú lệ. Người đời thường dùng bốn chữ "đẹp như tiên nữ" để tả cái đẹp của nữ nhân, nhưng tiên nữ đẹp như thế nào, thì chẳng ai biết cả. Lúc này vừa trông thấy bạch y thiếu nữ, mọi người nghĩ ngay tới bốn chữ kia. Toàn thân nàng như được bao phủ bởi một lớp sương khói mỏng manh, nửa thực nửa hư, không phải như người trần tục.

Dương Quá nhìn thấy bạch y thiếu nữ thì sung sướng như điên, như có ai đấm mạnh vào ngực, tức thì từ trong góc sảnh lao ra, ôm lấy nàng, gọi to:

- Cô cô, cô cô!

Bạch y thiếu nữ chính là Tiểu Long Nữ. Sau khi giã biệt Dương Quá, nàng quanh quẩn ở vùng sơn dã một vòng, lội suối trở lại "Hoạt tử nhân mộ". Hơn mười tám năm sống trong tòa cổ mộ, lòng nàng giống như hồ nước lặng, không hề gợn sóng. Nhưng từ khi gặp Dương Quá, lại trải qua một phen sóng gió vừa rồi, muốn trở lại nếp sống cũ đã không tài gì làm nổi. Mỗi lần ngồi tĩnh tọa luyện công trên chiếc giường hàn ngọc, nàng lại nhớ Dương Quá từng nằm ngủ trên cái giường này; mỗi lần ngồi bên bàn ăn cơm, nàng lại nhớ mình luôn có Dương Quá bầu bạn trong lúc ăn uống. Luyện công chỉ được một lát, nàng đã sốt ruột, không thể tiếp tục được nữa. Cứ vậy hơn một tháng, nàng hết chịu nổi, quyết ý đi tìm Dương Quá, nhưng nếu tìm được, sẽ đối xử với Dương Quá như thế nào, nàng cũng chưa biết. Nhân tình thế cố nàng không hiểu gì hết; y hệt một dã nhân ở chốn thâm sơn cùng cốc. Từ khi xuống núi, Tiểu Long Nữ thấy cái gì cũng hoàn toàn mới mẻ, nàng lại không biết đường, hễ gặp ai trên đường nàng cũng hỏi:

- Quí vị có thấy Dương Quá hay không?

Bụng đói, thì lấy thứ này thứ nọ của nhà người ta mà ăn, cũng không biết rằng cần phải trả tiền, dọc đường đã gây nên bao chuyện tức cười. Người ta thấy nàng xinh đẹp hồn nhiên, tự dưng đều nhường nhịn, cũng chẳng nỡ gây khó dễ với nàng. Một hôm vô tình ở một khách điếm nghe hai đại hán trò chuyện với nhau, rằng các anh hùng hảo hán hữu danh trong thiên hạ đều đi dự anh hùng đại yến ở Lục gia trang, ải Đại Thắng. Tiểu Long Nữ nghĩ bụng Dương Quá rất có thể sẽ tới đó, thế là nàng hỏi đường và đi tới Lục gia trang.

Trừ ba người Hách Đại Thông, Triệu Chí Kính và Doãn Chí Bình, hơn hai ngàn người trong đại sảnh không ai biết lai lịch của Tiểu Long Nữ, chỉ thấy nàng quá xinh đẹp, thì ai nấy đều có cảm giác đặc dị. Tôn Bất Nhị tuy biết Tiểu Long Nữ, song cũng chưa gặp mặt lần nào. Doãn Chí Bình mặt tái nhợt, người run rẩy. Triệu Chí Kính liếc nhìn sư đệ, cười nhạt. Quách Tĩnh, Hoàng Dung thấy cử chỉ của Dương Quá đối với Tiểu Long Nữ thì cũng vô cùng kinh ngạc.

Tiểu Long Nữ nói:

- Quá nhi, ngươi quả nhiên ở đây, thế là cuối cùng ta đã tìm được ngươi.

Dương Quá ứa nước mắt, nghẹn ngào nói:

- Cô cô... cô cô sẽ không hắt hủi đệ tử nữa chứ?

Tiểu Long Nữ lắc đầu, nói:

- Ta không biết.

Dương Quá nói:

- Từ rày cô cô đến đâu, đệ tử sẽ theo cô cô đến đó.

Đại sảnh đông cả ngàn người, hai người ấy cứ làm như xung quanh chẳng có ai, cứ trò chuyện thân mật với nhau. Tiểu Long Nữ cầm tay Dương Quá, trong lòng cũng không rõ là hỉ hay bi.

Hoắc Đô thấy Tiểu Long Nữ xinh đẹp như thế, lòng cũng xúc động, nhưng hắn không biết nàng chính là cô nương ở núi Chung Nam mà hắn từng đến cầu hôn, thấy Dương Quá ăn mặc lam lũ, nhưng lại thân mật với Tiểu Long Nữ, thì hắn rất khó chịu, bèn nói:

- Bọn ta cần tỷ thí ở đây, hai người bước ra chỗ khác hộ cho!

Dương Quá cũng chẳng trả lời, kéo tay Tiểu Long Nữ sang bên cạnh, ngồi xuống tảng đá kê chân cột, lòng sung sướng không sao kể xiết.

Hoắc Đô quay lại, nói với Chu Tử Liễu:

- Các hạ đã không dùng binh khí, thì chúng ta dùng quyền cước phân thắng bại cũng được.

Chu Tử Liễu nói:

- Đâu có. Trung Hoa là nước có lễ nghĩa, không phải Mông Cổ man di. Quân tử luận văn, dùng bút hiểu nhau, tệ nhân có bút, chính là binh khí đó.

Hoắc Đô nói:

- Đã vậy thì tiếp chiêu đi!

Hắn xòe quạt, quạt một cái về phía đối phương. Chu Tử Liễu bước chếch, lắc đầu, tả chưởng đưa nhẹ trước thân, cây bút trong tay phải vạch một nét lên mặt Hoắc Đô. Hoắc Đô nghiêng mặt né tránh, thấy đối phương thân pháp nhẹ nhàng, chiêu số kỳ dị, chưa dám tấn công, muốn xem gia số võ công của đối phương thế nào, mới định cách đối phó

Chu Tử Liễu nói:

- Cây bút của tệ nhân quét sạch ngàn quân, các hạ hãy cẩn thận đấy.

Nói xong ngọn bút chọc nhanh về phía trước.

Hoắc Đô tuy học võ nghệ ở Tây Tạng, nhưng Kim Luân pháp vương có bộ não uyên bác, võ công của các danh gia Trung Nguyên món nào cũng biết. Hoắc Đô trong khi học võ, đã quyết ý đi Trung Nguyên lập uy danh, bởi vậy Kim Luân pháp vương từng đem những chiêu số đắc ý của các đại phái võ học lừng danh ở Trung Nguyên ra chiết giải với hắn. Không ngờ hôm nay lại gặp Chu Tử Liễu sử dụng cây bút như một thứ binh khí cổ quái, xuất chiêu càng lạ lùng ngoài sức tưởng tượng, chỉ thấy ngọn bút cứ tạo các nét vạch, nét sổ, nét chấm, y như đang viết chữ, nhắm vào các đại huyệt trên thân người.

Họ Ân ở nước Đại Lý vốn thuộc quận Võ Uy, Lương Châu, lập nước xưng đế tại Đại Lý, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn vật giáo hóa Trung Hoa. Chu Tử Liễu là danh gia thư pháp đệ nhất ở Thiên Nam, tuy học võ, song không bỏ văn, khi võ học càng luyện càng tinh thông, đã đem môn "Nhất dương chỉ" phối hợp làm một với thư pháp. Công phu ấy do một mình Chu Tử Liễu sáng tạo; đối phương võ công dẫu cao cường mà trong bụng ít chữ, thì quả thật khó bề đối phó nổi với môn võ công trong văn có võ, trong võ có văn, cả văn lẫn võ đều đạt tới cảnh giới cao diệu của Chu Tử Liễu. Chỉ thấy cây bút cứ chao động, trong thư pháp có điểm huyệt, trong điểm huyệt có thư pháp, lợi hại vô cùng, vừa oai hùng lại vừa uyển chuyển.

Quách Tĩnh không hiểu văn chương, nhìn mà lấy làm lạ. Hoàng Dung được phụ thân dạy dỗ, văn võ toàn tài, thấy môn võ công kỳ diệu của Chu Tử Liễu, không khỏi thầm tán thưởng.

Quách Phù đến bên cạnh Hoàng Dung, hỏi:

- Mẹ ơi, Chu tiên sinh cứ vạch vạch cái gì như đùa thế ạ?

Hoàng Dung đang mải xem đấu, trả lời:

- Bia văn Phòng Huyền Linh.

Quách Phù ngơ ngác:

- Bia văn Phòng Huyền Linh là cái gì ạ?

Hoàng Dung đang ngắm thích quá, không trả lời.

Nguyên "Bia văn Phòng Huyền Linh" là loại bia văn do vị đại thần triều Đường Chử Toại Lương viết ra, là một loại thư phẩm kỳ diệu kiểu chữ khải. Tiền nhân bình phẩm thư pháp của Chử Toại Lương là "Tiên nữ tán hoa", thư pháp vừa mạnh mẽ vừa uyển chuyển, vút lên trời cao, cực kỳ phóng khoáng, thanh thoát. Môn "Nhất dương thư chỉ" của Chu Tử Liễu này dùng bút thay ngón tay, chiêu nào pháp độ cũng nghiêm cẩn, hệt như lối viết chữ khải không thể cẩu thả.

Hoắc Đô tuy không hiểu sự huyền diệu của môn "Nhất dương chỉ", song cũng từng tập viết "Bia văn Phòng Huyền Linh", dự tính sau nét ngang sẽ là nét sổ, nên phòng thủ rất chặt chẽ, hoàn toàn không có dấu hiệu núng thế.

Chu Tử Liễu thấy đối phương nhận biết lộ thư pháp này, bèn quát:

- Coi chừng! Giờ đến chữ thảo.

Đột nhiên ném cái mũ đang đội trên đầu xuống đất, tay áo dài múa lượn, chạy tế lên, xuất chiêu không còn theo chương pháp nào nữa. Chỉ thấy Chu tiên sinh như điên như cuồng, như kẻ say rượu, như kẻ trúng tà, bút ý lâm li, chỉ trỏ loạn xạ.

Quách Phù ngạc nhiên, hỏi:

- Mẹ ơi, Chu tiên sinh phát điên hay sao thế?

Hoàng Dung nói:

- Ừm, nếu uống ba chén rượu, thế bút càng tuyệt diệu.

Nàng cầm bình rượu, rót ra ba chén, gọi:

- Chu đại ca, hãy cạn ba chén trợ hứng.

Rồi tay trái giơ chén, dùng ngón giữa tay phải búng một cái, chén rượu bay ngang đi. Chu Tử Liễu ra một đòn bút, buộc Hoắc Đô lùi một bước, đón chén rượu uống cạn một hơi. Hoàng Dung búng tiếp chén thứ hai, chén thứ ba. Hoắc Đô thấy hai người mời rượu trước trận như thế, thật chẳng coi hắn ra gì, định dùng cây quạt đánh văng chén rượu; nhưng Hoàng Dung phối hợp rất ăn ý với cây bút của Chu Tử Liễu, búng chén rượu tới đúng lúc, Hoắc Đô không làm gì được.

Chu Tử Liễu uống liền ba chén, nói:

- Đa tạ, công phu Đạn chỉ thần công mới hay làm sao!

Hoàng Dung cười, nói:

- Sắc bén thay "Tự ngôn thiếp"!

Chu Tử Liễu cười, nghĩ thầm: "Chu mỗ một đời tự phụ thông minh, hóa ra còn thua tiểu cô nương một bậc. Ta tốn hơn mười năm khổ công mới nghĩ ra tuyệt kỹ này, nàng ta vừa nhìn đã biết". Nguyên lối chữ Chu Tử Liễu viết lúc này chính là "Tự ngôn thiếp" của Trương Húc đời Đường. Trương Húc được tôn là "Thảo thánh", tức là bậc thánh về thảo thư. Đỗ Phủ viết Ẩm trung bát tiên ca có câu:

å¼µæ­ä¸0杯è0åS£å³

Trương Húc tam bôi thảothánh truyền

è«å¸½éS²é ç}9å&¬å0

Thoát mạo lộ đính vương công tiền

揮毫落ç´"å¦äºç&"

Huy hào lạc chỉ như vân yên

Trương Húc ba ly xưng thánh thủ

Trước vương công ném mũ ngẩng đầu

Bút vung quỷ khốc thần sầu

Như mây như khói trên màu giấy hoa

Hoàng Dung mời ba chén rượu, một là rất hợp với thân phận của Chu Tử Liễu khi sử dụng môn công phu này, hai là để tăng tửu ý, bút pháp sẽ càng lợi hại, ba là cũng giảm bớt nhuệ khí của Hoắc Đô.

Chỉ thấy Chu Tử Liễu viết đến chữ "Đạo" trong câu "Đảm phu tranh đạo", thì nét cuối cùng hất lên, như cái móc kéo toạc vạt áo của Hoắc Đô. Quần hào cười rộ, Hoắc Đô nhảy vội về phía sau.
break
Thiếu Niên Có Đôi Mắt Kỳ Lạ Và Thứ Nữ Hầu Phủ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Cổ Đại
Hắn Như Lửa
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
(Cao H) Ngon ngọt nước
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc