Trước đây hoàng đế từng đánh tiếng với ta rằng tính tình của Tô Nhược có chút đặc biệt, chỉ là ta thực không ngờ nàng ta lại đặc biệt đến mức này. Cung nữ trong câu chuyện của Trịnh Vân Anh tên là Ngọc Chi. Ta dặn Ngọc Thủy xem xét cẩn thận thân thế của Ngọc Chi, lại âm thầm theo dõi quan hệ của nàng với người trong cung lẫn ngoài cung. Ngọc Thủy điều tra tới lui vẫn không thấy có điểm nào khả nghi, vì vậy tạm thời kết luận vụ việc này không phải do người ngoài giật dây. Nhưng thương thế của nàng như thế nào, có phải do Tô Nhược gây ra hay không, chúng ta không thể tùy tiện tra hỏi. Chuyện này ta biết nhưng đành để trong lòng, chỉ có thể đề phòng Tô Nhược thêm một chút chứ chẳng làm gì được nàng ta. Hà khắc với cung nữ thực ra không phải tội tày đình gì. Những phi tử khác cũng không ít người từng vài lần xuống tay đánh cung nhân sống dở chết dở. Còn chuyện đố kị, ngoại trừ Trịnh Vân Anh ra, thử hỏi có nữ nhân nào ở đây mà không có lòng đố kị? Những chuyện này nếu truy rõ ngọn nguồn thì cùng lắm quy vào tội kém hiền đức, nhẹ thì chép vài lần Nữ huấn, nặng thì quỳ đôi ba canh giờ là xong. Hoàng đế đưa Tô Nhược đến Cẩm Tước cung là để ta trông coi nàng, không phải để ta giáo huấn nàng. Vả lại, lúc này ta thực sự không có thì giờ đi sửa lưng Tô Nhược. Ngoài hoàng đế và hoàng hậu ra ta vẫn còn vô số mối bận tâm, mà một trong số đó chính là vị thái hậu nương nương cao quý ở Thuận Ninh cung.
Theo phép tắc thì phi tử mới được tấn phong đều phải đến Thuận Ninh cung làm lễ tạ ân thái hậu. Nói là lễ tạ ân, thực chất chỉ là dập đầu lạy thái hậu mấy cái, nghe vài lời khuyên bảo là xong. Ấy vậy mà từ lúc ta hồi cung đến nay, không biết đã cầu kiến bao nhiêu lần mà thái hậu vẫn một mực không chịu gặp ta.
Sắc phong Tứ phi không phải việc nhỏ, hoàng đế tự mình quyết định mà không hỏi ý thái hậu nên tất nhiên bà không vui. Nhưng bà tiếp nhận thế nào là việc của bà, còn hành lễ là bổn phận của ta. Thế nên, mỗi ngày sau lễ thỉnh an ở Triêu Lan cung, chỉ cần hoàng hậu không giữ ta lại quá lâu, ta đều đi sang Thuận Ninh cung cầu kiến thái hậu.
Hôm nay, hoàng hậu vốn đang định bảo ta chép sổ thu chi lục cung. Đúng lúc đó cung nữ Xuân Linh tiến vào, không hiểu nàng bẩm báo điều gì mà hoàng hậu nghe xong liền than nhức đầu rồi cho ta lui về sớm. Ta cảm thấy hơi kì lạ nhưng chẳng dám hỏi nhiều, chỉ tranh thủ thời gian đi thật nhanh đến Thuận Ninh cung. Ta hi vọng lúc này còn sớm, nắng chưa gắt, thời tiết mát mẻ sẽ khiến thái hậu thư thái trong người mà đồng ý gặp ta. Đáng tiếc, ta đứng đợi trước cổng Thuận Ninh cung tới tận khi mặt trời lên đến đỉnh đầu, cuối cùng chỉ nhận được một lời thông báo lạnh nhạt của Khâm cô cô: Lão phật gia phượng thể bất an, tạm thời không thể gặp hiền phi nương nương. Mong nương nương hôm khác lại đến.
Phượng thể bất an đến nỗi qua bao nhiêu ngày vẫn không thể nhận nổi một cái lạy của ta sao?
Ta và Ngọc Nga ngao ngán nhìn nhau, vừa định lên kiệu trở về thì bỗng nhiên có một tiếng gọi thất thanh vang lên:
- Hiền phi nương nương, xin dừng bước...
Từ đằng xa, một cung nữ vội vàng chạy đến. Nàng quỳ sụp xuống dưới chân ta:
- Bẩm nương nương, Tạ chưởng sự ở Thượng Cung cục xảy ra chuyện rồi... Xin nương nương mau đến cứu người...
Sau việc Triệu Lam Kiều mua chuộc nữ quan ở Ti Chế phòng giở trò thêu phượng hoàng chín đuôi lên áo của ta, hoàng hậu lệnh cho Thượng Cung đại nhân loại trừ những kẻ không sạch sẽ, nâng đỡ người đáng tin. Tạ Thu Dung vốn được Thượng Cung đại nhân yêu mến, lại có công giúp ta sửa áo nên được thăng làm tứ phẩm chưởng sự. Nàng vốn xuất thân từ danh môn thế gia, tướng mạo xinh đẹp, học rộng hiểu nhiều cho nên ngay từ khi bước chân vào Thượng Cung cục đã khiến không ít kẻ đố kị. Việc thăng tiến mau chóng này lại như thêm dầu vào lửa, khiến Tạ Thu Dung càng bị ganh ghét dữ dội hơn trước. Vừa nghe tin nàng xảy ra chuyện, ta bất giác thấy tim thắt lại nhưng vẫn cố thản nhiên hỏi:
- Ngươi là ai?
Bỗng đâu xuất hiện một kẻ đưa tin, không thể không nghi ngờ.
- Nô tỳ là Như Hoa ở Ti Chế phòng, là cung nữ sai việc của Tạ chưởng sự...
Cung nữ kia đầu trần chạy từ Thượng Cung cục đến đây nên mặt mũi đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại, ngay cả nói cũng khó khăn. Nàng phải thở dốc mấy hơi mới nói tiếp được:
- Tạ chưởng sự đang bị phạt quỳ Thiết Hối... Xin nương nương cứu Tạ chưởng sự với...
Nghe đến quỳ Thiết Hối lòng ta lập tức nóng như lửa đốt, có điều vẫn cảm thấy đáng ngờ nên không biết làm sao mới phải. Ngọc Nga thấy thế bèn bước đến đỡ Như Hoa dậy, bình tĩnh nói:
- Quỳ trên Thiết Hối đúng là hình phạt nặng, nhưng nếu Tạ chưởng sự phạm lỗi thì bị phạt cũng không sai. Pháp giáo của Thượng Cung cục rất nghiêm minh, chủ nhân nhà ta e là không can thiệp được.
Như Hoa nghe Ngọc Nga tỏ ý khước từ, bèn hoảng hốt nắm chặt tay Ngọc Nga:
- Không phải, Tạ chưởng sự không làm sai việc gì cả... Là có người cố tình muốn lấy mạng nàng ấy!
Ta nhíu mày, càng lúc càng cảm thấy có điều khuất tất:
- Sao lại nói như vậy?
Như Hoa nước mắt lưng tròng, buông tay Ngọc Nga, lại quỳ xuống ôm chân ta nức nở:
- Tạ chưởng sự đã mấy ngày không ăn không ngủ rồi, bây giờ còn bị phạt quỳ trên Thiết Hối... nô tỳ sợ nàng không chịu đựng nổi nữa... Nương nương, nô tỳ cầu xin nương nương cứu mạng Tạ chưởng sự...
Như Hoa hoảng sợ quá đỗi, nói năng không được lưu loát nhưng cũng đủ khiến ta hiểu ngọn nguồn mọi việc đều do ta mà ra.
Ta được sắc phong hiền phi khiến chẳng ít kẻ chướng mắt, mà người tức tối nhất không ai khác ngoài Liễu Yến Yến. Đáng tiếc, ta không có thân nhân làm quan trong triều, người trong cung thì luôn được quản giáo cẩn thận, nàng ta không sinh sự được liền giở trò chèn ép Tạ Thu Dung. Nàng ta lệnh cho Tạ Thu Dung may mấy bộ y phục rồi giả vờ không vừa ý chỗ này chỗ nọ, bắt sửa đi sửa lại liên tục. Tạ Thu Dung bị hối thúc không ngừng, phải bỏ ăn bỏ ngủ làm liền mấy ngày cho kịp. Nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Tạ Thu Dung sửa xong y phục, vừa mang đến Bách Thược cung buổi sáng thì ngay buổi trưa đã có người đến Thượng Cung cục làm loạn lên. Bọn họ tố giác trong y phục có gài lẫn một cây kim khâu khiến thục phi nương nương bị thương. Người của Bách Thược cung buộc tội Tạ Thu Dung cố ý hãm hại phi tần, kiên quyết đòi Ti Chế phòng phải trừng trị thích đáng. Ti trưởng không dám đắc tội Liễu Yến Yến, đành phải phạt Tạ Thu Dung quỳ Thiết Hối. Tạ Thu Dung là cành vàng lá ngọc, xưa nay chỉ lo học hành chứ chưa từng chịu vất vả. Mấy ngày qua nàng đã lao lực quá độ, thêm ba canh giờ quỳ Thiết Hối chỉ sợ lành ít dữ nhiều. Còn Như Hoa này khi trước là cung nữ làm việc nặng, sau một lần bị phạt chẻ củi cả đêm mà nhiễm phong hàn suýt chết, tình cờ được Tạ Thu Dung cứu giúp. Về sau, Tạ Thu Dung thăng lên làm chưởng sự, được phép có cung nữ giúp việc nên đã thu nhận Như Hoa. Lần này Tạ Thu Dung gặp nạn, Như Hoa mới liều mạng chạy đến đây tìm ta cầu cứu.
- Chủ nhân, chúng ta không nên can thiệp vào việc của Thượng Cung cục... - Ngọc Nga nắm lấy tay áo ta, ngập ngừng nói.
Vô vàn suy tính lướt qua đầu ta. Ngọc Nga nói không sai, nhưng Tạ Thu Dung vì ta mới bị liên lụy, sao ta đành lòng bỏ mặc nàng?
Ta liếc nhìn Như Hoa, nghiêm giọng hỏi:
- Những lời ngươi nói với bản cung hôm nay, ngươi có dám lấy đầu ra đảm bảo hay không?
Như Hoa ngẩng lên nhìn ta, run run đáp:
- Nô tỳ một lòng với Tạ chưởng sự, nếu có nửa phần dối trá, xin nương nương tùy ý xử tội.
Ta lặng nhìn Như Hoa, chẳng biết mình có thể tin nàng được bao nhiêu. Nhưng tấm lòng của Như Hoa, ta có tin hay không cũng không quan trọng. Chuyện quan trọng bây giờ là Tạ Thu Dung đang gặp nạn. Mà ta lại chẳng có quyền hạn gì để cứu nàng. Tuy nay ta đã là nhất phẩm hiền phi, oai phong thì có oai phong nhưng quyền hạn cũng chẳng hơn khi trước. Hoàng hậu bảo ta giúp nàng san sẻ việc quản lí hậu cung cũng chỉ là ngọt nhạt vậy thôi. Ngoại trừ mang sổ sách ra làm khó ta, nàng chẳng hề giao cho ta việc gì cả, loan ấn hiền phi càng không chịu đưa ra. Ta hoàn toàn không có tiếng nói đối với Thượng Cung cục. Muốn cứu Tạ Thu Dung chỉ còn một cách là mặt dày đến cầu xin hoàng hậu. Vì vậy, mấy người chúng ta lại vội vàng đội nắng quay về Triêu Lan cung.
Điều mà ta không ngờ đến là hoàng hậu lại cố tình không gặp mặt ta.
Dưới cái nắng ban trưa gay gắt như đổ lửa, ta ngước nhìn cánh cổng gỗ sơn son thiếp vàng khép chặt trước mặt, lòng không khỏi chua xót. Một năm gần gũi bên cạnh hoàng hậu, ta biết tâm cơ nàng không hề đơn giản, cũng chưa từng dám mong một ngày kết tình tỷ muội với nàng. Ta hiểu rõ nếu một ngày đôi bên xung đột lợi ích, nàng chắc chắn sẽ xuống tay với ta không khoan nhượng. Song phân vị dẫu có thay đổi, sự tôn kính của ta đối với nàng chưa hề suy suyển. Mỗi ngày thỉnh an, ta luôn là người đến sớm nhất. Mỗi lần nàng cho gọi, chỉ cần không bị hoàng đế giữ ở Cát Tường điện thì bất kể sớm tối ta đều đi ngay lập tức. Xuất thân là thứ cả đời không thể thay đổi. Ta không thể làm mẫu nghi thiên hạ, con của ta càng không thể kế vị. Việc này ngay cả hoàng đế cũng không thể can thiệp. Thứ hắn hứa với ta là ngôi quý phi chứ không phải ngôi hậu, là một tiểu hoàng tử chứ không phải Đông cung thái tử. Thực tế đã như vậy, ta cần gì phải trở mặt với nàng? Người thông minh như nàng sao lại không hiểu, sao phải đối phó ta như thế? Sáng nay nàng than mệt cho ta về sớm không chừng cũng vì nghe ngóng được tin tức bên Thượng Cung cục rồi.
- Chủ nhân, ý hoàng hậu đã rõ... chúng ta biết phải làm thế nào đây? - Ngọc Nga vừa nói, vừa xòe quạt che bớt nắng cho ta.
Ánh mặt trời thiêu đốt trên da thịt cũng không bằng nỗi lo lắng trong lòng ta lúc này.
Ta cắn chặt môi. Trong đầu chợt hiện lên hình ảnh đêm trước hôm thọ yến, Tạ Thu Dung mặc một bộ y phục cung nữ cũ kĩ, tóc vấn sơ sài khoác áo choàng chạy đến Cẩm Tước cung sửa áo cho ta. Ta nhớ lúc đó nàng khẽ nắm lấy tay ta, dịu dàng nói: Nguyệt nhi yên tâm.
Tạ Thu Dung dám vì ta mà liều lĩnh như vậy, ta sao lại không thể vì nàng mà liều mạng một lần?
Ta quay đầu, bước thẳng về phía chiếc kiệu nhỏ đang đợi sẵn, bình thản nói:
- Đi Nội thị giám, mượn Lý công công một tấm Thiết Hối.