Thâm Cung

Chương 114 - Chương 86

Trước Sau

break
Một ngày đầu hạ năm Quang Nhật thứ tám, chiếu thư phế hậu được ban bố toàn thiên hạ.

Tuy đã biết trước kết cục này nhưng khi Nội thị giám cho người đến Cẩm Tước cung truyền thánh chỉ, lồng ngực ta vẫn nhói đau, phải gắng gượng lắm mới không rơi nước mắt.

Bấy giờ, hoàng hậu không còn là hoàng hậu nữa. Người trong cung nhắc đến nàng cũng chỉ có thể kiêng dè gọi mấy tiếng Hà nương nương. Nghe nói hoàng đế gia ân cho nàng một ngày để thu dọn, qua hôm sau sẽ phải rời khỏi Triêu Lan cung, chuyển đến lãnh cung. Dẫu đã là mùa hạ, cái tên “lãnh cung” vẫn đủ làm người ta sởn da gà. Những cung nhân từng hầu hạ nàng không bị lưu đày thì cũng cũng bị thuyên chuyển đi nơi khác. Triêu Lan cung xa hoa lộng lẫy giờ đây chẳng còn một bóng người, tính ra cũng không khác lãnh cung là bao.

Cả ngày hôm ấy, đầu óc ta trống rỗng, làm việc gì cũng chẳng xong. Mãi đến chính ngọ, khi nghe tin chính điện Triêu Lan cung bốc cháy thì ta mới sực tỉnh.

Lúc ta chạy đến thì nơi ấy đã ngập trong biển lửa.

Gió mùa hạ oi nồng vun vút thổi, ngọn lửa càng giận dữ điên cuồng. Cung nữ, thái giám, còn có cả thị vệ dưới sự chỉ đạo của Lý Thọ như một bầy ong vỡ tổ, hối hả xách nước chữa lửa. Dưới ánh mặt trời gay gắt, cảnh tượng ấy đáng sợ vô cùng.

Ta níu lấy Lý Thọ, hấp tấp hỏi:

– Hoàng hậu… Hà nương nương đâu rồi?

Lý Thọ lau mồ hôi nhễ nhại trên trán, lắp bắp đáp:

– Vẫn chưa đưa ra ngoài được…

Ta sợ hãi la lên:

– Còn không mau cử thị vệ vào trong cứu người!

Lý Thọ ái ngại nhìn về hướng đại điện chìm trong lửa đỏ:

– Bẩm nương nương… Lửa lớn quá, không thể vào được ạ… Vả lại… cũng đã cháy nửa canh giờ rồi, người bên trong e là đã…

Bàn tay ta tuột khỏi vai Lý Thọ, hai chân cũng hóa thành vô lực. Thân thể ta đổ sụp xuống nền đất, mắt bất giác mờ đi.

– Tỷ tỷ…

Lý Thọ hoảng hốt đỡ ta đứng dậy:

– Nương nương xin nén đau thương…

Ta bám vào tay hắn gượng dậy, kiên quyết lắc đầu:

– Không, ta tuyệt đối không bỏ mặc tỷ tỷ.

Nói rồi, ta lập tức nhặt chiếc thau đồng lăn lóc gần đó, cùng chạy theo đám cung nhân lấy nước. Lúc này mấy người Ngọc Nga, Ngọc Thủy cũng vừa đến nơi. Bọn họ thấy ta hối hả bưng nước thì lấy làm sợ hãi nhưng chẳng ai dám cản, chỉ biết cùng nhau giúp sức.

Ta chẳng biết mình đã múc được bao nhiêu thau nước, cũng chẳng nhớ nổi đã vấp ngã bao nhiêu lần. Đến khi lửa tắt thì đại điện đã gần cháy trụi, mùi gỗ khét bốc lên nồng nặc, khắp nơi đều nhuốm màu tan hoang.

Toàn thân ta ướt sũng mồ hôi, giày không rõ đã rơi mất từ lúc nào, hai bàn chân đều nóng rát.

Lúc này, phía sau đột nhiên vang lên tiếng thái giám hô to:

– Đức phi nương nương đến!

Triệu Lam Kiều nhàn nhã xuống kiệu, vịn tay cung nữ đi về phía ta. Nàng ta chớp mắt nhìn quanh, bật cười đầy ác ý:

– Nghe nói phượng hoàng trùng sinh trong biển lửa. Hiền phi nương nương sao không vào trong xem thử có thật thế không?

Hậu vị bỏ trống, cục diện gần như đã ngã ngũ. Triệu Lam Kiều đắc thắng, chẳng buồn kiêng dè ai nữa. Bấy giờ, lửa trong điện đã tắt nhưng một lời xấc xược kia lại thổi bùng lên trong ta ngọn lửa căm thù lớn hơn gấp bội.

Ta chẳng buồn đáp, sẵn còn thau nước trên tay, ta bèn hất luôn vào Triệu Lam Kiều.

Triệu Lam Kiều bị bất ngờ không tránh kịp, hứng trọn cả thau nước ướt như chuột lột. Nàng ta vừa kinh ngạc vừa giận dữ đến nghẹn lời:

– Ngươi… ngươi…

Những cung nhân có mặt ai nấy đều sợ hãi, đồng loạt quỳ rạp xuống chẳng dám ngẩng đầu lên. Đến cả Lý Thọ cũng thất kinh, đứng như trời trồng.

Ta nhìn Triệu Lam Kiều một lượt từ đầu đến chân, khẽ mỉm cười:

– Ồ? Thì ra là đức phi đấy à ? Bản cung mải chữa lửa không nhìn thấy đức phi, thật là có lỗi.

Triệu Lam Kiều gạt nước trên mặt, nghiến răng chỉ thẳng vào ta:

– Ngươi to gan lắm! Ta sẽ bẩm báo với hoàng thượng…

Ta gật đầu, lạnh nhạt đáp:

– Đức phi đi thong thả, nhưng nhớ về cung tô điểm lại trước nhé. Chân mày của muội muội trôi hết cả rồi.

Triệu Lam Kiều giận tím mặt, quay phắt vào kiệu.

Nhìn nàng ta đi khuất rồi, ta mới buông chiếc thau đồng trong tay xuống, chân bất giác run rẩy bước về phía đại điện.

Khung cảnh tang thương trước mắt làm nỗi giận trong lòng ta mềm đi. Triệu Lam Kiều nói không sai, dù có thế nào, ta cũng phải vào trong đưa tỷ tỷ ra đã.

Thế nhưng ta vừa dợm bước đi vào bên trong thì bị một cánh tay kéo ngược trở lại. Đúng lúc đó, một thanh xà nhà cháy sém nham nhở rơi xuống đánh rầm một tiếng ngay trước mặt ta.

– Cẩn thận!

Giọng hoàng đế chợt vang lên bên tai.

Hắn còn mặc long bào, có lẽ vừa mới thương nghị với các đại thần xong.

Ta ngước nhìn hắn, môi run run nói:

– Tỷ tỷ còn ở bên trong, thiếp phải vào trong tìm tỷ tỷ…

Hoàng đế ôm chặt lấy ta, nghẹn ngào đáp:

– Không còn kịp nữa rồi…

Ta vùng vẫy muốn thoát khỏi vòng tay hắn nhưng thân thể chẳng còn chút sức lực nào. Y phục đẫm mồ hôi nhớp nháp bám vào da thịt, gió thốc vào tay áo lành lạnh càng khiến tim ta đau thắt lại. Hoàng đế chẳng nề hà người ta không sạch sẽ, càng cố gắng ôm ta chặt hơn.

Những giọt mưa đầu mùa lặng lẽ rơi xuống.

Lý Thọ vội vã chạy đến giương ô che mưa cho hoàng đế nhưng lập tức bị hắn đuổi đi.

Mưa càng lúc càng nặng hạt, như thể ông trời khóc thương cho người con gái cao quý nhất thiên hạ ấy.

Hoàng cung phù phiếm, lòng người vẩn đục…

Tỷ tỷ đã đi thật rồi…

Ta gục đầu vào vai hoàng đế, gào khóc đến lả đi.

Mùa hạ năm ấy hầu như không ngày nào là không mưa. Chuỗi biến cố dồn dập xảy ra khi trước như phủ lên hoàng cung một lớp chướng khí mịt mờ.

Trưởng nữ họ Hà phạm tội bất trung, cả Hà gia tất không tránh khỏi liên lụy.

Hà thái sư luôn tự tin Hà gia vẫn còn một vị đương kim thái hậu nên mới tuyệt tình với con gái như vậy. Nào ngờ thái hậu từ lâu đã chẳng còn lưu luyến gì với mẫu tộc nữa rồi. Một nước cờ sai, cục diện thay đổi.

Hoàng đế mượn cớ thu lại quyền hành của Hà thái sư, lệnh cho ông ta ở nhà tề gia cho tốt rồi hãy nghĩ đến chuyện trị quốc. Những quan lại ủng hộ hoàng đế đều được nâng đỡ, vây cánh của hắn càng lúc càng mạnh.

Triệu tướng cũng không bỏ lỡ thời cơ tốt đẹp này. Môn đệ của ông ta đồng loạt dâng sớ xin hoàng đế lập hậu để ổn định hậu cung. Nhưng hoàng đế đã có chuẩn bị từ trước.

Các vị đại thần nói tân hậu phải là người có xuất thân cao quý. Hoàng đế liền đáp hiền phi là Hiếu Thục trưởng công chúa của Tùy Khâu, xuất thân không ai cao quý bằng.

Các vị đại thần nói tân hậu phải là người nhất mực trung nghĩa. Hoàng đế liền đáp hiền phi từng liều mình cứu giá, lòng như nhật nguyệt, trung nghĩa không ai sánh bằng.

Các vị đại thần nói tân hậu phải là người có kiến thức sâu rộng. Hoàng đế liền đáp hiền phi là phi tử duy nhất từng chưởng quản hậu cung, đối với chuyện này kiến thức không ai sâu rộng bằng.

Hoàng đế tỏ ra vô cùng nghiêm túc, khiến cho bá quan văn võ thảy đều thất kinh. Đúng lúc ấy, quốc sư Lưu Thiên mới đứng ra tâu rằng Triêu Lan cung vừa xảy ra hỏa hoạn, tà khí hãy còn tích tụ, lập hậu bây giờ thực là không nên. Theo hắn quan sát thiên tượng thì phải đợi tu sửa Triêu Lan cung xong, sau đó đợi đến ngày lành tháng tốt lập đàn giải hạn rồi mới lập hậu được. Ngoài ra cũng nên phong thưởng đôi chút cho hậu cung để tạo không khí vui vẻ, xua bớt tà khí.

Ấy là lần đầu tiên đề xuất của Lưu Thiên được toàn thể quan viên trong triều tán thành nhiệt liệt.

Hoàng đế nghe lời Lưu Thiên đại phong hậu cung. Tô Nhược được thăng lên tòng lục phẩm tiểu nghi. Bạch Diệu Hoa thăng đến tòng tứ phẩm thuận nghi. Liên Nhạc thăng hai bậc lên thứ ngũ phẩm uyển dung. Tiệp Tuyết thăng thành tòng nhất phẩm phi. Ngay cả kẻ phạm tội tày đình như Liễu Yến Yến cũng được miễn cấm túc. Riêng Phong Thể Minh, hoàng đế muốn nhân dịp này thăng cho nàng mấy bậc để lấy lòng Phong tộc nhưng nàng chê phẩm vị cao quy tắc nhiều, kiên quyết giữ khư khư chức tiệp dư. Hoàng đế nói thế nào cũng không được nên đành chịu thua, thay sắc phong bằng mấy rương quà tặng.

Việc lập hậu cũng bị hoãn lại vô thời hạn.

Hậu cung vô chủ, quyền chưởng quản tất rơi vào tay phi tần có địa vị cao nhất – cũng chính là ta. Chúng phi nghe nói hoàng đế ở trước triều đình một mực muốn lập ta làm hậu nên cũng tỏ ra nể nang đôi chút, Nội thị giám và Thượng cung cục đối với ta càng thêm kính cẩ. Xử lý việc ở hậu cung nhờ vậy mà dễ dàng hơn rất nhiều.

Triệu Lam Kiều bị ta hắt một thau nước lạnh, hồi cung xong liền phát bệnh phong hàn. Hoàng đế chẳng mấy bận tâm, chỉ nói bệnh rồi thì ở trong cung tĩnh dưỡng là được. Xưa nay Triệu Lam Kiều chưa từng chịu nhục như thế, đương nhiên sẽ không chịu bỏ qua dễ dàng. Chẳng biết nàng ta giở trò khóc lóc ăn vạ thế nào mà lại làm hoàng đế nổi giận. Hắn lệnh cho Kính Sự phòng rút luôn thẻ bài của Triệu Lam Kiều, còn nói nàng ta hãy ngoan ngoãn ở trong cung dưỡng bệnh, không cần đi ra ngoài nữa.

Triệu Lam Kiều chẳng những không làm gì được ta lại còn bị rút mất thẻ bài, nghe đâu đã giận đến ngất xỉu.

Hoàng đế không muốn lập Triệu Lam Kiều, Liễu Yến Yến thì không đủ năng lực. Nhìn lại, người thích hợp nhất chỉ còn mỗi Minh Du. Nhà họ Minh nhiều đời trung nghĩa, lại không có quyền thế, hoàng đế chẳng phải lo bị bọn họ lấn át. Bản thân Minh Du tài mạo song toàn, cư xử chừng mực, biết nhìn xa trông rộng, đúng là có tư chất mẫu nghi thiên hạ.

Cả Bạch Diệu Hoa cũng đồng ý với ta, nếu chỉ xét từ góc nhìn của hoàng đế thì khả năng ngồi lên hậu vị của Minh Du rõ ràng lớn hơn Triệu Lam Kiều.

Tạ Thu Dung từng nói: “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng.” Nhưng Minh Du quản lý hạ nhân rất chặt. Chuyện trong Lạc Mai cung ta không tìm hiểu được nhiều, chỉ loáng thoáng nghe được vài lời đồn đại.

Nghe nói dạo này Minh Du tâm trạng rất tốt, nói cười hoạt bát, gần như còn ham vui hơn cả Tiệp Tuyết. Mới đầu, ta cứ nghĩ là đám người hầu tán chuyện phóng đại lên mà thôi. Phải đến khi hay tin Minh Du mang một cái thau vàng đến thăm bệnh Triệu Lam Kiều, ta mới tin là thật.

Khi chuyện ấy lan ra, tất thảy phi tần đều kinh ngạc.

Triệu Lam Kiều bị ta tạt một thau nước, Minh Du lại mang thau sang tặng, đến cả người nghiêm nghị nhất cũng phải phì cười.

Chẳng ai ngờ một nữ tử điềm đạm, trầm tĩnh như Minh Du lại có lúc lém lỉnh đi trêu chọc kẻ khác như thế.

Ta cho rằng tâm tình của Minh Du đột ngột tốt lên có thể là do hoàng hậu có thâm thù với nàng đã không còn, muội muội tốt của nàng lại vừa được phong phi.

Bất luận thế nào, hậu cung lại được dịp cười nhạo Triệu Lam Kiều, thành thử không ai là không vui vẻ.

***

Sau khi hoàng hậu không còn, chứng khó ngủ của ta lại càng nặng thêm. Dù thỉnh thoảng có ngủ được thì ác mộng vẫn cứ nối đuôi nhau kéo đến. Nhiều đêm, ta cứ vừa chợp mắt là lại mơ thấy hoàng hậu. Nàng mặc phượng bào uy nghi, buồn bã nhìn ta nói: “Tỷ tỷ mệt rồi.” Khi nàng dứt lời, lửa từ đâu đột ngột bốc lên, phượng bào bùng cháy dữ dội, nhấn chìm nàng trong biển lửa. Bên tai ta văng vẳng giọng cười độc địa của Triệu Lam Kiều: “Nghe nói phượng hoàng trùng sinh trong biển lửa…”

Cứ như thế mãi, ta đâm ra sợ ngủ. Lâm Giang kê thuốc gì cũng không thấy tác dụng. Hắn sốt ruột lắm, dường như cũng mất ngủ theo. Đến hôm nay đã tròn một tháng, ta uống vô số thuốc rồi mà mỗi đêm vẫn chỉ chập chờn ngủ được chừng hai canh giờ, thế nên Lâm Giang vò đầu bứt tai rất khổ sở.

Ta biết bệnh của mình là từ tâm mà ra nên chẳng thiết tha gì đến thuốc thang. Ta tự biết ngày nào còn Triệu Lam Kiều, ngày đó ta vẫn không thể kê cao gối ngủ.

Ta cười, nói thật với Lâm Giang:

– Bệnh của bản cung khó chữa bằng thuốc. Đại nhân chớ nên bận lòng, cứ chuyên tâm lo việc bên Minh Ngọc cung thì hơn. Không biết Vân Anh dạo này thế nào rồi?

Nhắc đến Trịnh Vân Anh, sắc mặt Lâm Giang liền tươi tỉnh:

– Bệnh tình của Trịnh phi nương nương gần đây có khởi sắc, mạch tượng đã tốt hơn trước rất nhiều, có lẽ sẽ nhanh chóng tỉnh lại thôi…

Nghe Lâm Giang nói, ta chưa vui được bao lâu thì lòng đã chùng lại. Trong thời gian Trịnh Vân Anh hôn mê bất tỉnh đã xảy ra quá nhiều biến cố.

Ta dè dặt hỏi:

– Nếu muội ấy nghe được những chuyện vừa qua thì sẽ thế nào?

Mặt mũi Lâm Giang vừa tươi tỉnh một chút đã hóa thành xám ngoét. Hắn sợ hãi lắc đầu:

– Tuyệt không thể được. Nếu để Trịnh phi nương nương nghe được tin ấy… E là lành ít dữ nhiều…

Ta thở dài âu lo:

– Nhưng cũng không thể giấu muội ấy cả đời được.

Lâm Giang vội vàng nói:

– Được lúc nào hay lúc ấy. Chí ít cũng nên để sức khỏe Trịnh phi nương nương hồi phục hoàn toàn rồi hẵng tính.

Ta nghe lời Lâm Giang, lập tức ra lệnh cho toàn thể người ở Minh Ngọc cung không được nhắc đến chuyện của hoàng hậu. Dù Trịnh Vân Anh còn mê man, ta vẫn phải phòng xa như thế. Minh Ngọc cung không có nhiều người, đa phần đều là thân tín trung thành do hoàng hậu an bài cho Trịnh Vân Anh khi trước nên chuyện này cũng không khó lắm.

Lâm Giang không nói khoác, mấy ngày sau, Trịnh Vân Anh thực sự tỉnh lại.

Do ta đã căn dặn từ trước, bất luận bên ngoài xảy ra chuyện gì, ở Minh Ngọc cung vẫn luôn duy trì một bầu không khí vui vẻ, vô tư. Trịnh Vân Anh vẫn còn rất yếu, không xuất cung được nên mọi việc tạm xem là ổn thỏa. Thỉnh thoảng khi ta đến thăm, Trịnh Vân Anh cũng nhắc đến hoàng hậu nhưng ta đều gạt đi, bảo rằng nàng bận rộn nhiều việc, chưa thể đến thăm muội ấy.

Chỉ tiếc, người tính không bằng trời tính. Quãng thời gian bình yên ở Minh Ngọc cung chẳng kéo dài bao lâu. Mấy ngày sau, tin dữ lại truyền đến.

Tối hôm ấy, Minh Ngọc cung đèn đuốc sáng trưng. Tất cả cung nhân đều quỳ ở trước chính điện, mặt mũi người nào cũng nhuốm vẻ âu lo, có vài cung nữ đã rơm rớm nước mắt.

Ta vừa đến cửa đã giận không kìm được, gần như hét lên:

– Kẻ nào? Là kẻ nào dám trái lệnh bản cung, để lộ chuyện của Hà nương nương cho Trịnh phi?

Những cung nhân đang quỳ đều sợ rúm lại, liên tục khấu đầu:

– Chúng nô tỳ không dám…

Thanh Nhi từ trong chạy ra, nước mắt giàn giụa:

– Chiều nay Liên uyển dung đến thăm chủ nhân… Nô tỳ đã nói với Liên uyển dung ý tứ của nương nương… Nhưng không hiểu sao sau đó Liên uyển dung lại lỡ lời để lộ ra… Chủ nhân nghe xong lập tức ôm đầu ngã xuống…

Ta nghĩ đến cảnh ấy, lòng như bị gai nhọn đâm vào.

Liên Nhạc.

Lại là Liên Nhạc!

Lúc này, Liên Nhạc cũng vừa bước ra, giương đôi mắt đỏ hoe sợ sệt nhìn ta:

– Hiền phi nương nương…

Ta mím môi, dợm bước đến sát mặt Liên Nhạc, trừng mắt nhìn nàng ta:

– Ngươi còn không biết bệnh tình của Vân Anh hay sao? Muội ấy vừa tỉnh lại, sao có thể chịu nổi biến cố nhường ấy?

Nữ nhân này mấy lần làm chuyện khó coi, ta đều bao dung cho nàng. Không ngờ, nàng ta lại là loại người này.

Liên Nhạc như thỏ con bị kinh sợ, bờ vai mảnh mai khẽ run lên, lắc đầu nguầy nguậy:

– Không phải thần thiếp cố ý! Là… là thần thiếp không biết ăn nói… Trịnh phi nương nương lại liên tục vặn hỏi… thần thiếp mới nhất thời lỡ miệng… Hiền phi nương nương, thần thiếp thực không cố ý đâu…

Gương mặt đẹp đẽ như thiên tiên của Liên Nhạc vì có thêm nước mắt ướt át mà càng lay động lòng người. Chỉ là không hiểu sao, ta càng nhìn lại càng cảm thấy ghê tởm.

– Tránh ra – Ta gằn giọng, lách qua Liên Nhạc mà bước vào trong.

Liên Nhạc hốt hoảng nắm lấy tay ta, tỏ vẻ tuyệt vọng khôn cùng:

– Nương nương, xin hãy tin muội…

Khoảnh khắc bàn tay thanh mảnh của Liên Nhạc chạm vào tay ta, sự ghê tởm trong lòng ta càng dâng lên gấp bội. Ta hất Liên Nhạc ra ngay lập tức, chỉ thẳng vào mặt nàng ta quát:

– Bất luận ngươi có cố ý hay không, hôm nay Vân Anh mà xảy ra chuyện gì, ngươi cũng đừng hòng được yên thân!

Nàng ta cho rằng có thể dùng gương mặt hao hao Lê Khiết này làm lá bùa hộ mệnh cả đời sao? Dám động đến Trịnh Vân Anh, đừng nói chỉ là một thế thân, cho dù là Lê Khiết tái sinh, ta cũng có cách khiến cho nàng quay lại hoàng tuyền.

Liên Nhạc lảo đảo lùi về sau mấy bước, sắc mặt tái xanh.

Ta không quan tâm đến Liên Nhạc nữa, vội vàng đi vào trong:

– Lâm đại nhân! Lâm đại nhân đâu rồi?

Lâm Giang vừa chỉ thị cung nữ đi sắc thuốc, còn bản thân thì ngồi thẫn thờ bên giường Trịnh Vân Anh. Hắn đau khổ nhìn ta:

– Tình trạng của Trịnh phi nương nương vốn đang tiến triển rất tốt, chỉ cần yên ổn dưỡng bệnh một tháng nữa thôi là sẽ đâu vào đó. Vậy mà…

Nói đến đây, Lâm Giang im bặt. Hắn ngoảnh đầu trông về phía Liên Nhạc, ánh mắt tràn đầy căm giận. Con người Lâm Giang hiền lành đôn hậu hiếm có, ba năm quen biết ta chưa từng thấy hắn nổi nóng với ai bao giờ. Đó là lần đầu tiên ta thấy Lâm Giang tức giận đến mức này.

Ta hết lo lắng nhìn Trịnh Vân Anh lại nhìn đến Lâm Giang:

– Lâm đại nhân, muội ấy rõ ràng là tỉnh rồi mà… rõ ràng là đang bình phục… nhất định sẽ không xảy ra chuyện gì, đúng không?

Mắt Lâm Giang cũng bắt đầu dâng lên một màn nước. Hắn cúi đầu, vai rũ xuống:

– Vi thần không biết…

Lồng ngực ta như bị một mũi dao nhọn xoáy qua, còn đau đớn hơn khi bị tên bắn trúng gấp vạn lần. Ta chẳng buồn giữ thể diện nữa, để mặc nước mắt thi nhau rơi xuống:

– Lâm đại nhân, ngài sao có thể không biết… Ngay cả ngài mà cũng không biết… Vân Anh phải làm thế nào đây…

Nói rồi, ta ngồi sụp xuống, che mặt khóc nấc lên.

Tỷ tỷ đã không còn.

Tiểu Anh không thể cũng cứ thế mà bỏ ta đi được…

Ta khóc đến lả người, chẳng còn nhận biết được thời gian.

Tiếng khóc của ta cơ hồ khiến cho Lâm Giang càng thêm đau khổ. Hắn không cất nổi lời khuyên nhủ, chỉ biết ôm đầu bất lực.

Mãi đến khi ta tưởng như mình đã khóc hết cả tâm can ra ngoài thì từ trên giường vang lên một giọng nói yếu ớt:

– Tỷ tỷ… đừng khóc nữa…

Ta cứ ngỡ mình đang mơ, vội vùng dậy đã thấy Trịnh Vân Anh ngồi tựa vào thành giường, thất vọng nhìn ta:

– Đại tỷ rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Tỷ tỷ đừng giấu muội nữa có được không?

Ta mừng rỡ reo lên:

– Tiểu Anh, muội tỉnh rồi!

Lâm Giang cũng vui mừng khôn xiết, hỏi han liên tục:

– Nương nương cảm thấy trong người thế nào? Đầu có đau không? Có thấy choáng váng không?

Trịnh Vân Anh dịu dàng mỉm cười với Lâm Giang nhưng không trả lời hắn, khẽ xua tay:

– Đại nhân có thể ra ngoài một chút không? Ta và tỷ tỷ cần phải nói chuyện.

Lâm Giang tỏ ra lo lắng, nhưng cuối cùng vẫn nghe lời Trịnh Vân Anh mà lui ra ngoài, còn thông báo cho Thanh Nhi đuổi hết những người ở gần đó.

Trong phòng chỉ còn lại mình ta và Trịnh Vân Anh.

Muội ấy nhìn ta chằm chằm, trong mắt như có ngọn lửa bùng cháy:

– Chuyện như vậy sao tỷ tỷ lại nỡ giấu muội? Chúng ta có còn là tỷ muội nữa hay không?

Ta thở dài chua xót:

– Ta làm vậy cũng vì muốn tốt cho muội…

Trịnh Vân Anh nhếch môi lạnh lẽo:

– Ta không cần tỷ tốt với ta. Ta chỉ muốn biết sự thật.

Cái gai trong lòng ta theo từng lời nói của Trịnh Vân Anh mà càng lúc càng trở nên sắc nhọn.

Chuyện đã đến nước này, giấu giếm thêm cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Ta lần ngực áo lấy ra nửa mảnh ngọc bội Trịnh gia đưa cho Trịnh Vân Anh, chậm chạp kể lại tất cả chân tướng.

Trịnh Vân Anh nhắm mắt lắng nghe với một sự bình tĩnh đến lạ thường.

Khi ta dứt lời, muội ấy mới mở mắt ra. Bao nỗi đau thương như vỡ òa trong tiếng cười khô khốc của muội ấy:

– Thì ra là vậy…

Trước sau, Trịnh Vân Anh vẫn chưa hề rơi một giọt nước mắt.

Muội ấy chỉ lẳng lặng ngồi nhìn mảnh ngọc bội trong tay. Đến lúc muội ấy ngẩng lên nhìn ta, ta mới thảng thốt nhận ra ánh mắt trong trẻo thơ ngây ngày xưa đã chẳng còn. Trong đôi mắt ấy giờ đây chỉ có bóng tối dài vô tận, u uất đến nao lòng.

Trịnh Vân Anh khẽ cất tiếng:

– Hiền phi nương nương, thần thiếp mệt rồi, thứ lỗi không thể tiễn khách.

Giọng nói ấy xa lạ vô cùng.

Thời khắc này, ta bất giác nhận ra, Tiểu Anh của ta cũng đã đi rồi.

Trên đời này, có những việc thực sự không thể vãn hồi.
break
Cùng Trúc Mã Luyện Tập Kỹ Năng
Ngôn tình Sắc, Sủng
Trúc Mã Bá Đạo Cưới Trước Yêu Sau
Ngôn tình Sắc, Sủng, Đô Thị
Ước Hẹn Với Hai Người Đàn Ông (H)
Ngôn tình Sắc, Sủng, Nữ Cường
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc