Thạch Kiếm

Chương 53: Hiệp sĩ đất Kiso

Trước Sau

break
Thạch Đạt Lang ngồi nghỉ chân trên lưng chừng đồi chờ Oa Tử và Giang đi tới. Đợi lâu không thấy bóng hai người, hắn có vẻ đã hơi sốt ruột. Nhìn những đám mây trắng trên nền trời xanh, Thạch Đạt Lang vẩn vơ dõi xem những đám mây ấy bay về hướng nào hay cứ nằm yên như thế mãi, lơ lửng treo trên ngọn đồi giữa hắn và khu rừng thưa dưới chân núi.

Bỗng mí mắt hắn giật lia lịa. Linh cảm một chuyện gì không hay xảy ra cho Oa Tử, Thạch Đạt Lang đứng dậy, đi đi lại lại.

Thạch Đạt Lang vẫn thường nghĩ đến Oa Tử và càng nghĩ đến nàng bao nhiêu, hắn càng tự giận mình. Tiếng kêu lo sợ, trách móc của Oa Tử còn như đồng vọng bên tai cùng với tiếng thác đổ. “Thạch Đạt Lang ! Chàng mà cũng thế ư ?”. Hắn đã biểu lộ hành động xấu xa gì để Oa Tử phải trách móc như thế ? Oa Tử yêu hắn hay không ? Yêu hắn vì hắn là Thạch Đạt Lang hay chỉ yêu cái phần phi thường của một kiếm sĩ trong hắn ?

Thạch Đạt Lang định gạt đi, không muốn bận tâm đến nữa. Đã hứa đi cùng Oa Tử đến Edo, để nàng ở đó theo học môn gì nàng thích, bề nào hắn cũng có trách nhiệm.

Nhưng còn thanh kiếm đeo bên sườn đây mà hắn coi như người tình không rời nửa bước, hắn phải đối xử ra sao ? Đã nhiều ngày nay, thì giờ tập luyện và tu dưỡng của Thạch Đạt Lang không được điều hòa. Nhìn dãy núi xanh biếc phía xa cùng cảnh trí bao la trước mặt. Thạch Đạt Lang tự thẹn thấy mình nhỏ mọn.

Trời đã ngả bóng. Mãi không thấy Oa Tử và Giang đến, Thạch Đạt Lang bồn chồn tự hỏi:

“Hay là họ bị giữ lại ở ngã ba Kozengi rồi !”. Linh tính báo cho hắn biết thực sự đã có chuyện chẳng lành. Quàng túi hành trang lên vai, sửa lại quai nón và bao kiếm, hắn vội vàng đổ dốc.

Đi chừng một quãng, bỗng gặp một khách bộ hành nhìn hắn hỏi:

- Phải chăng đại hán là người vừa ở ranh tỉnh tới, cùng đi với một thiếu nữ và một tiểu đồng ?

Lo lắng, Thạch Đạt Lang đáp:

- Phải ! Có chuyện gì thế ?

- Thiếu nữ bị bắt cóc rồi. Người ta thấy nàng bị dẫn vào rừng.

- Mô Phật ! Thế còn thằng bé ?

- Không biết. Chẳng ai rõ nó đi đâu !

Lòng nóng như lửa đốt, Thạch Đạt Lang không kịp cảm ơn người cho tin, hớt hải chạy xuống đồi trở lại phía ngã ba ranh tỉnh chỗ có đồn canh. Đến nơi, trời vừa chạng vạng. Cửa đồn đóng và hàng rào cản tre cũng đã được buông xuống. Trong các quán xá, người ta đang lục đục dọn đồ.

Thạch Đạt Lang tiến đến gần một ông già hỏi tin tức. Ông già nghễnh ngãng, hắn phải hỏi đi hỏi lại hai ba lần, ông lão mới nghe ra:

- À, tráng sĩ muốn hỏi thăm nữ lang ngồi trên lưng bò trông như nhà sư Tam Tạng ấy chăng ?

- Phải, cùng với một tiểu đồng đeo kiếm gỗ dài trên lưng. Lão trượng biết họ đâu không ?

- Ờ ờ, có thấy cả hai qua đây.

- Bây giờ họ đâu ?

- Lão không rõ.

Nghe trả lời, Thạch Đạt Lang toan bỏ đi nhưng cũng thêm:

- Có người nói họ bị bắt dẫn đi về phía này.

Ông lão gật gù:

- Có thể lắm. Vùng ranh tỉnh này nhiều dư đảng vô lại. Nếu quả họ bị bắt cóc thì không bị dẫn trở lại ngã ba này đâu. Chúng theo đường lên mả ngụy rồi ra hồ Nobu rồi.

Cảm ơn ông lão, Thạch Đạt Lang vội vàng quay gót, dạ bồi hồi lo sợ. Oa Tử yếu đuối, vạn sự trông vào hắn lúc đi đường, nếu xẩy chuyện gì e rằng ...e rằng ...nàng khó sống.

Đêm xuống dần, tuy chưa tối hẳn nhưng trên trời đã lốm đốm sao thưa. Thạch Đạt Lang cắm cúi đi, không một ý niệm gì về kẻ đã bắt cóc Oa Tử là Mãn Hà Chí. Hắn đồng ý với ông già, đồ chừng kẻ đó là một trong những tên vô lại hay thảo khấu thường ẩn nấp ở nơi hoang dã vùng biên giới để dụ dỗ và bắt cóc những thiếu nữ khờ dại đem bán.

Càng đi, trời càng tối. Dưới tàng cây rừng, Thạch Đạt Lang nhìn phía trước không xa được quá vài thước. Hắn có cảm tưởng dường như đang lên dốc chứ không có dấu hiệu gì thoai thoải xuống bờ hồ. Nghi đi lạc, hắn trèo lên ngọn cây khoáng đãng nhìn sao và quan sát tứ phía để định hướng.

Trong bóng đêm, lờ mờ ẩn hiện một mái nhà với rặng cây. Ánh đèn đỏ quạch hắt ra như một đốm nhang ai thắp trên mộ.

Không còn cách nào khác, Thạch Đạt Lang quyết định tiến tới, hy vọng gặp người để hỏi thăm đường và nếu biết được tin tức gì thêm thì càng tốt. Đi mãi, đi mãi. Ánh đèn lúc ẩn lúc hiện. Thạch Đạt Lang lấy làm kỳ, đôi lúc nghĩ đó là ma trơi, nhân trời lặng gió hiện lên lơ lửng như thế, đến gần gặp hơi người thì tắt chứ chẳng phải đèn đóm gì hết.

Đột nhiên vừa từ trong rừng ra, rẽ khỏi một lùm cây lớn, hắn trông ngay thấy đốm lửa đó. Và một căn trại.

Căn trại không to nhưng vững chắc, mặc dầu mái ra. dày đã lõm nhiều chỗ. Ánh đèn thực ra là lửa đốt trong lò. Và bên cạnh lò, một bóng người đang hoạt động.

Thạch Đạt Lang cúi mình, nhẹ nhàng men đến bên vách. Phía tay mặt có một gian bếp. Bên bếp buộc một con bò lang. Thạch Đạt Lang tin chắc đấy là con bò mà hắn đã thuê cho Oa Tử cưỡi.

Nấp trong bóng tối bên vách, nín thở, hắn nghe có tiếng lọc cọc đều đều như tiếng guồng tơ quay.

Bỗng giọng đàn ông từ sau bếp vọng ra, mạnh và hơi khàn:

- Khuya rồi, mẹ đi nghỉ thôi. Mẹ cứ than mỏi mắt mà vẫn làm trong tối, rồi thành lòa đấy.

Bóng đen đáp gì hắn không nghe rõ, nhưng lát sau không thấy tiếng guồng tơ quay nữa. Có bóng đàn bà đi đi lại lại trước ánh lửa, cúi xuống đứng lên như đang mải dọn dẹp.

Giọng đàn ông lại tiếp:

- Con rửa tay chân xong là vào ngay đấy ! Mẹ hâm canh lên là vừa.

Một lúc, nghe tiếng người đến bên con bò vỗ đầu nó mà nói lớn:

- Mẹ đã coi con bò con mang về chưa ? Bò cái, dáng nhiều sữa, tốt lắm.

Con vật rùng mình, dậm chân. Người kia vỗ nhè nhẹ lên vai nó. Tiếng bà mẹ trong nhà vọng ra:

- Để đấy mai hãy hay, trời tối thế này coi gì được.

Lợi dụng cơ hội tốt, Thạch Đạt Lang đổi chỗ nấp. Hắn lẳng lặng trườn đến dưới cửa sổ, nép mình bên tảng đá, hé mắt nhìn vào gian phòng chính trong nhà. Ngoài ánh sáng từ lò lửa phát ra còn ánh sáng một cây đèn nhỏ để ở góc phòng, nên tương đối trông khá rõ mọi thứ. Vật đầu tiên khiến hắn chú ý là một cây thương dài treo trên vách, gác vào một cái giá mồ hóng đã đóng đen. Mũi thương bóng loáng. Những vòng vàng hoặc đồng cẩn trên cán thương đỏ rực, chứng tỏ vũ khí ấy đã được sử dụng thường xuyên và vẫn được lau chùi một cách trìu mến.

Thạch Đạt Lang lấy làm lạ. Theo luật hiện hành, nhà nông không được dùng vũ khí dù họ có đủ tiền mua. Đó là những vật dụng không được tàng trữ trong nông trại, đừng nói gì đến dùng nó.

Gã đàn ông bước vào phòng. Gã còn trẻ, trạc ngoài hai mươi nhưng thoạt trông đã biết không phải là một nông dân thường.

Mắt gã tinh nhanh và sắc sảo. Gã mặc áo màu chàm theo kiểu nông dân, ngắn tới gối nhưng chân quấn xà cạp và đi dép cỏ. Mặt tròn, tóc rậm buộc túm về phía sau bằng sợi dây thừng ngắn. Trông gã nặng nề, bước đi chậm chạp nhưng vững vàng như bước đi của một con gấu. Từ trong bếp mùi khói tỏa ra, cay và khét. Khói sộc vào mũi khiến Thạch Đạt Lang khó chịu, muốn hắt hơi. Hắn cố giữ, đưa tay che mũi song quá trễ.

Tiếng hắt hơi bị ngắt quãng làm bà mẹ từ trong bếp nói vọng ra:

- Ai đó ?

Không nghe đáp, bà tiếp:

- Lâm Bằng ! Cổng ngoài đóng kỹ chưa ? Ta nghe tiếng ho, hình như có người lạ trong vườn !

Thạch Đạt Lang rón rén bước khỏi chỗ nấp dưới cửa sổ, đến ẩn sau một gốc cây.

- Phải tiếng ho không hay mẹ nghe lầm tiếng chuột rúc đấy ?

- Ta đâu điếc. Chắc khói bếp làm nó ho. Ngươi ra coi xem.

Im lặng một lúc, rồi tiếng chân bước. Những bước vững vàng, chắc chắn.

Người có tên Lâm Bằng nhẹ nhàng kéo cánh cửa chính. Thong thả, từ tốn, gã phóng tia mắt ngờ vực nhìn bốn phía, đầu hơi đưa về phía trước. Dáng điệu gã có một vẻ gì thận trọng khiến Thạch Đạt Lang phải e dè. Hắn không biết Lâm Bằng có mang võ khí gì không nhưng khi thấy gã bước ra hiên và ánh sáng trong nhà hắt lên lưng, Thạch Đạt Lang thấy rõ một cây gậy gã giấu đằng sau. Cây gậy khá dài, bằng tre lên nước bóng loáng. Nhìn cách cầm cây gậy sát vào người, Thạch Đạt Lang tin rằng gã đã sử dụng cây gậy này nhiều lần và thành thuộc lắm.

Từ chỗ nấp sau gốc cây, hắn nhảy ra:

- Yên tâm ! Ta không phải kẻ đạo chích. Ta đến tìm một người.

Lâm Bằng khựng lại, phóng tia mắt sắc như dao yên lặng nhìn Thạch Đạt Lang, đánh giá địch thủ.

- Ngươi hãy đem trả thiếu nữ và đứa nhỏ bị bắt lúc nãy. Nếu họ không sao thì ta bỏ qua, coi như không có chuyện gì. Nhưng nếu họ bị thương, ta sẽ không tha thứ ...

Yên lặng. Tuyết tan trên đỉnh núi khiến dòng suối sau trại dềnh lên, nước chảy róc rách càng làm tăng sự yên lặng nặng nề.

- Mang họ ra đây ! Lập tức !

Giọng Thạch Đạt Lang cất cao, quyền uy và cấp bách. Nhưng Lâm Bằng đâu phải là người dễ bị áp đảo. Tay phải giữ đầu gậy tre áp sát vào mình, gã sẵn sàng tung đòn chí tử.

- Đồ dòi bọ ! Ngươi là ai, tên gì ? Sao dám đến đây bảo ta bắt cóc con nít ?

- Ngươi thừa biết người thiếu nữ cưỡi con bò kia và đứa trẻ yếu đuối không thể tự vệ nên đã hèn hạ cưỡng bách bắt đi, còn chối nỗi gì !

Một tiếng rít. Cây gậy tung ra nhanh như chớp. Thạch Đạt Lang chưa kịp nhận ra đâu là đầu gậy, đâu là cánh tay người cầm thì gậy đã tới sát bên sườn. Hắn nhảy chéo, tránh miếng đòn sát thủ.

- Khoan ! Đừng manh động, ngươi sẽ hối không kịp !

Nhưng Lâm Bằng dường như không để lời cảnh cáo ấy vào tai. Thạch Đạt Lang lùi ba bước thì gã cũng tiến ba bước, liên tiếp phóng chiêu bổ trên, phát ngang và quạt là là mặt đất.

Thạch Đạt Lang tiếp tục tránh né. Hai lần, hắn định rút kiếm nhưng lần nào cũng không được. Vì đưa tay rút kiếm, khuỷu tay phải của hắn sẽ bị hở. Đòn gậy tre của địch thủ vù vù trước mặt, nhanh và mạnh như vũ bão, tất nhiên không để hắn làm việc ấy.

Thạch Đạt Lang thấy địch thủ không phải kẻ tầm thường. Chỉ một chút khinh xuất cũng có thể mất mạng. Hắn giữ thế thủ, chú tâm quan sát đối phương, thấy gã rất bình tĩnh, tấn vững vàng, thủ kín đáo mà công mau lẹ. Thạch Đạt Lang nghĩ thầm:

Gã nông dân này học lối đánh côn ở đâu thật xuất sắc. Gã đã làm chủ được cây gậy của mình, kỹ thuật còn cao hơn nhiều người sử dụng gươm bén. Nhưng Thạch Đạt Lang không có thì giờ lượng định lâu. Đòn này tiếp đòn khác, lúc tay trái, lúc tay phải, lúc cả hai tay, Lâm Bằng sử dụng cây gậy tre cực kỳ xảo diệu đôi lúc làm Thạch Đạt Lang tránh đòn xong mà kinh hãi toát mồ hôi. Gươm còn có cán, có mũi, nhưng cây gậy của gã nông dân này có hai đầu, đầu nào cũng chí tử. Gã tung lên, bổ xuống, phạt ngang, đâm trước, thúc sau, quay tít cây gậy như tay thợ rất mực lành nghề bắt bột làm kẹo:

lúc dài, lúc ngắn, lúc cao, lúc thấp, lúc kéo bột nhỏ như tơ, lúc cô đặc thành cục, chỗ nào cũng thấy đầu gậy, lúc nào cũng thấy đầu gậy cả.

Tiếng bà mẹ từ trong nhà vọng ra:

- Lâm Bằng ! Thằng này chẳng phải đồ thảo khấu tầm thường.

Thanh âm bà có vẻ quan ngại như chính bà đang giao đấu.

- Không hề gì.

Giọng Lâm Bằng bình tĩnh. Những chiêu thức kỳ quái lại tiếp tục được phóng ra, mạnh và nhanh hơn trước. Dường như thấy có mẹ đứng quan sát, gã lên tinh thần và càng thêm phấn khởi.

Mẹ Lâm Bằng hô lớn:

- Cẩn thận ! Nó ở bên trái. Sử đòn Liên Hoa Lạc.

Nhưng bộ vị của Thạch Đạt Lang chỉ là hư bộ. Lợi dụng lúc Lâm Bằng bị phân tâm, Thạch Đạt Lang tiến sát đến bên gã, chộp cổ tay Lâm Bằng nắm cứng rồi dùng một thế nhu quyền vật ngã quay lơ ra đất. Cây gậy văng ra xa. Mặt Lâm Bằng nhăn lại vì đau đớn. Bà mẹ kêu thét nhảy vào nhà trong rồi tung cửa ra ngoài.

Trên mặt cỏ, Lâm Bằng nằm ngửa. Gã nghiến răng, cong người, hai chân đạp xuống đất bành bạch, cố hết sức hất Thạch Đạt Lang đang quỳ đầu gối trên ngực. Hai địch thủ công lực có phần tương đương nhưng Thạch Đạt Lang nhờ nhanh nhẹn đã chiếm được thượng phong. Những ngón tay cứng như sắt của hắn đã ghì Lâm Bằng xuống mạnh và chắc như những sợi dây lòi tói. Thế mà hắn cũng phải vất vả lắm mới giữ được địch thủ khỏi vùng dậy. Cả hai không nói một lời, không phát ra một tiếng kêu.

Chỉ nghe phì phì như hơi thở của loài mãng xà trong bóng tối.

- Lâm Bằng ! Đừng sợ !

Nghe tiếng mẹ Lâm Bằng, Thạch Đạt Lang tưởng trong tình thế này, thế nào bà cũng xin tha cho con trai. Và hắn cũng chẳng hẹp hòi gì mà không thuận.

Nhưng hắn lầm. Bà mẹ Lâm Bằng chạy ra, trong tay đã lăm lăm cây thương từ bao giờ. Dưới ánh đèn hắt qua khung cửa vừa mở, mũi thương và những vòng đồng trên cán thương lóe sáng. Và lưng hắn sẽ là cái đích dễ dàng cho mũi thương ấy.

Thạch Đạt Lang cảm thấy nhột nhạt, dường như tia mắt của bà cũ đã xoáy vào gáy hắn trước khi ngọn thương đâm tới.

Hắn tiếc đã phản ứng chậm, không giải quyết cuộc đấu sớm hơn để bây giờ đứng trước một tình thế khó xử. Lối thoát độc nhất của Thạch Đạt Lang là phải bỏ ngay gã nông phu. Như mũi tên bật khỏi dây cung, Thạch Đạt Lang tức khắc tung mình đánh vút, chớp mắt đã nhảy ra khỏi sân, xa hơn một trượng. Hắn lăn mình đến gần gốc cây, thanh mộc kiếm sẵn sàng cầm trong tay lăm lẳm.

Mũi thương cũng vừa phóng tới, cắm ngập xuống đất chỉ cách chỗ Lâm Bằng nằm chừng hơn gang, cán thương còn rung rung dưới sức ném của bà lão.

- Ái chà ! Thằng này giỏi ! Ngươi tưởng chúng ta là những nông dân quê mùa nên đến đây tác quái chăng ?

Lâm Bằng vùng đứng dậy. Gã xốc lại áo và khoát tay:

- Khoan ! Con nghĩ đây là một chuyện hiểu lầm. Ta chẳng nên vì chuyện hiểu lầm mà giết hại nhau vô ích !

Đoạn quay sang phía Thạch Đạt Lang:

- Túc hạ là ai không rõ, nhưng bất luận là ai cũng xin thu kiếm về. Đây là một sự hiểu lầm đáng tiếc.

Thấy thái độ khoan hòa của địch thủ, Thạch Đạt Lang gật đầu tra kiếm vào vỏ:

- Tại hạ cũng có điều không phải, xin thứ lỗi.

Bèn tự xưng danh tính, rồi cả ba bước vào nhà.

Phân ngôi chủ khách xong, Thạch Đạt Lang trình bày lý do tại sao đến đây và hỏi về lai lịch con bò cái.

- À ra thế ! Lâm Bằng vỗ đùi đáp. Vì con bò mà ngờ vực. Cũng chẳng có gì đâu, do ngẫu nhiên thôi. Số là kẻ thô lậu này lúc chiều đi câu cá, thấy con bò vị sa lầy gần đầm cỏ lác. Nó không lên được, cứ đứng đấy mà kêu rống. Chỗ hoang dã chẳng có ai, nghĩ âu là của trời cho nên cố gắng buộc dây kéo lên. Ở chốn thôn ổ, có con bò như có thêm người giúp việc. Huống chi đây lại là con bò cái, sữa tốt lắm. Không ngờ lại là bò của tráng sĩ ...

Nghe những lời chất phác, Thạch Đạt Lang mỉm cười:

- Cũng chẳng phải của tại hạ. Đấy là bò thuê để người bạn đồng hành cưỡi. Thật đáng tiếc đã không trình bày rõ ràng để đến nỗi suýt nữa thì xẩy ra thù oán !

Mẹ Lâm Bằng xen vào:

- Tráng sĩ nói phải. Nhiều khi có những chuyện không đâu mà làm lụy đến nhiều người. Đây là bài học quý giá. Ta sống đã quá nửa đời rồi nhưng hành động quả còn hấp tấp. Lâm Bằng, ngươi dẫn tráng sĩ đi xét khắp các nơi đi, để tráng sĩ yên lòng chúng ta không giấu những người bạn của tráng sĩ ở trong nhà.

Đoạn quay sang Thạch Đạt Lang, bà nói:

- Xin tráng sĩ cứ tự tiện lục soát.

Lâm Bằng cũng phụ họa:

- Để các hạ nghi ngờ, tại hạ thật vẫn còn áy náy. Nào xin mời các hạ.

Nhưng Thạch Đạt Lang gạt đi:

- Thôi, bất tất ! Lời lão bá và Lâm bằng hữu cũng đủ cho tại hạ tin rồi. Tại hạ làm phiền lão bá và bằng hữu đã nhiều. Xin cho cáo biệt.

- Không được. Mẹ Lâm Bằng lại nói. Lâm Bằng, ngươi ăn cơm đi rồi dẫn tráng sĩ đến khu rừng ven hồ. Ta chắc nếu chúng bắt cóc cô nương thì cũng đem đến quanh đó thôi. Chỗ ấy là nơi tụ tập của nhiều du đãng bất lương lắm.

oo Lúc đầu gió còn thổi nhẹ, sau mạnh dần, ào ào qua những tàn cây lớn và kéo rạp đầu các bụi lau sậy. Bó đuốc trong tay Lâm Bằng đã phải mồi lại mấy lần mà xem chừng gió chưa đứng.

Số nông dân trong vùng này đếm được khoảng mười nhà. Lâm Bằng dẫn Thạch Đạt Lang đi hỏi tin tức đã đến chín. Vẫn không kết quả. Đến đâu cũng chỉ gặp những bộ mặt e dè hoặc ngái ngủ. Không ai trông thấy bất kỳ một thiếu nữ hoặc thiếu niên nào có hình dạng như Thạch Đạt Lang mô tả.

Lâm Bằng bảo bạn đồng hành:

- Còn một căn nữa ở cuối xóm. Gia đình này vừa làm nghề trồng rẫy vừa săn thú.

Nếu không có tin gì khác thì đêm nay ta đến phải ngưng. Quanh đây không còn ai để hỏi thăm nữa.

- Đa tạ bằng hữu đã nhọc công. Nếu không ai biết hay nghe nói gì thì chắc chúng không dẫn qua đây rồi.

- Có gì mà nhọc công. Đi bộ tại hạ không ngại, đi cả đêm cũng chẳng sao. Có điều không biết đường hướng gì mà cứ đi thì thật vô ích.

- Đúng thế.

- Hai người đó với các hạ liên hệ ra sao ? Thân thuộc, bạn bè hay nô bộc ?

- Họ là những người thân nhất của tại hạ.

Thấy Thạch Đạt Lang đáp lửng lơ, Lâm Bằng cũng không hỏi thêm. Cả hai yên lặng đi dưới ánh đuốc. Mặc dầu gió đã dịu hơn trước nhiều nhưng ngọn lửa vẫn chiếu ánh sáng bập bùng đỏ quạch lên những cành cây khiến chúng trông như những cánh tay của những hình thù quái dị đang múa may trong đêm tối.

Thạch Đạt Lang muốn biết thêm về kỹ thuật sử côn của người nông phu nhưng không tiện hỏi. Buổi sơ kiến hắn không muốn tỏ ra tò mò quá. Hắn tự nhủ “Thôi để chờ dịp khác. Thế nào ta cũng phải tìm hiểu mới được. Một kỹ thuật trác tuyệt như vậy mà mình không học hỏi thì thật đáng tiếc !”.

Đã đến cuối xóm. Lâm Bằng chỉ căn trại nằm khuất sau một bụi tre cao, những gốc tre lớn bằng bắp chân lá rậm xào xạc và thân tre cọ vào nhau kẽo kẹt.

- Đến nơi rồi. Các hạ đứng đây để tại hạ vào hỏi thì hơn. Họ biết tại hạ nên không nghi ngờ gì, có thể cho mình tin tức tốt.

Lâm Bằng đi vào con đường đất nhỏ. Lát sau nghe tiếng gã đập cửa. Khi cầm đuốc đi ra, trông gã có vẻ vội vàng hơn trước. Gã nói:

- Người chồng không biết gì, nhưng vợ hắn cho một tin chắc các hạ phải hài lòng.

Dáng điệu và lời nói của Lâm Bằng khiến Thạch Đạt Lang bồn chồn. Hắn nhướng lông mày ra dáng hỏi.

- Mụ vợ nói lúc chiều có gặp một thằng bé chừng mười bốn mười lăm tuổi, quần áo lem luốc, lưng đeo thanh gươm gỗ dài, nét mặt hớt hải. Nó hỏi thăm mụ đường đến văn phòng quận lỵ. Mụ hỏi nó đến để làm gì thì nó nói để thưa việc cô nó bị một tên du đãng bắt đi nên nhờ văn phòng và lính tuần tìm giúp.

Mụ khuyên thằng bé không nên đến, vô ích. Lính tuần không bao giờ tìm giúp những người dân thường bị bắt. Nếu kẻ đó là hàng quý tộc thì lính tuần mới làm, còn không thì mặc kệ. Những chuyện bắt người dẫn đi như thế này xảy ra hằng bữa, sáng, trưa, chiều, tối, ai hơi đâu !

Theo ý tại hạ, thằng bé ấy có thể là người các hạ muốn tìm. Các hạ nghĩ sao ?

Thạch Đạt Lang gật đầu:

- Đúng rồi. Thế bây giờ nó đâu, đi về hướng nào ? Người đàn bà có cho biết thêm tin tức gì không ?

- Co. Mụ bảo mụ khuyên thằng bé đến Narai, quá ngã ba Yabuhara. Ở đấy có một lão hiệp tên Đại Cổ, chuyên buôn bán dược thảo lại hay cứu giúp người khốn khó. Đến đấy mà tìm.

Thạch Đạt Lang mừng lắm, cảm ơn Lâm Bằng:

- Đa tạ bằng hữu. Nhờ quý bằng hữu, tại hạ mới biết phải làm gì. Tại hạ xin đi ngay gặp vị lão hiệp ấy, may ra ...

- Bây giờ thì trễ rồi, mà đi đêm xuyên rừng cũng khó. Chi bằng xin mời về nghỉ tạm ở tệ xá, để sáng mãi cũng không muộn.

- Được không ? Sợ phiền lão bá ...

- Có gì mà phiền. Ta băng qua hồ này, đỡ được nửa đường. Tại hạ đã hỏi mượn thuyền của chủ nhân căn trại vừa rồi. Xin cứ theo tại hạ.

Cả hai men theo đường xuống hồ, tới một bực đá quả nhiên có chiếc thuyền con buộc đó.

Gió đã yên từ bao giờ. Mặt hồ, phẳng như mặt trống, phản chiếu bóng núi Koma đen sẫm cắt trên nền trời đầy sao lấp lánh.

Thạch Đạt Lang giơ cao đuốc, Lâm Bằng chống sào đẩy chiếc thuyền con lướt nhẹ trên mặt hồ phẳng lặng. Ánh đuốc phản chiếu mặt hồ đỏ rực, hồng hơn cả ngọn lửa bó đuốc hắn cầm trên tay.
break
Hắn Như Lửa
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
Thiếu Niên Có Đôi Mắt Kỳ Lạ Và Thứ Nữ Hầu Phủ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Cổ Đại
Cố Ý Mê Hoặc (Sắc)
Ngôn tình Sắc, Sủng, Đô Thị
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc