Chúa tôi đang buồn rầu, xảy nghe trong dinh pháo nổ, tiếng binh la ó vang đầy. Kế quân báo rằng:
- Binh tướng Tống đến cướp dinh, quân gia hao nhiều lắm.
Dư Hồng nghe báo kinh hãi, liền trở về dinh, ngó thấy mười hai tướng Tống đã tỉnh, đồng cầm khí giới cỡi ngựa bước ra. Dư Hồng không rõ vì cớ nào mà mười hai tướng tỉnh đặng! Còn binh Đường kinh hãi, vỡ chạy như ong. Dư Hồng sảng sất nghẹn ngào, tuy có phép cũng như người không phép.
Bên Tống thắng trận rồi kéo về, không ai ngăn trở. Vua Nam Đường nghe báo ngỡ là bên Tống thấy lửa cháy mà thừa cơ đến cướp dinh Đường vào lúc canh năm, vua Nam Đường càng sợ hãi. Lại nghe quân báo nữa:
- Mười hai tướng Tống đã tỉnh dậy trốn đi rồi! Vua Nam Đường hoảng kinh, bèn hỏi quân sư.
- Vì cớ nào lạ vậy? Dư Hồng cũng không biết tại đâu, xảy thấy tướng Đường đến tâu:
- Binh hao tính năm ngàn có lẽ! Vua Nam Đường càng thêm buồn bực, phán:
- Thiệt mạng Tống chưa cùng, công việc gần xong mà hóa ra uổng công vô ích, ấy là thiên số định như vậy, nghịch ý trời thì hao binh tổn tướng. Thà chịu thua đầu Tống cho xong!
Dư Hồng thấy vua Đường than trách thì hổ thẹn trăm bề, liền bói một quẻ vì cớ nào kẻo tức. Trang quẻ xong xuôi, Dư Hồng mới vỗ ghế mà nói:
- Không xong rồi! Té ra thằng lùn đốt bàn trù, ăn trộm gươm linh và sách báu, lại giải cho mười hai tướng tỉnh hồn. Nếu Tống Thái Tổ có người giỏi như vậy, thiệt trời hại ta đó. Song mười hai tướng bị phù mê lâu lắm. Lẽ nào mau tỉnh như vậy? Thiệt nghĩ không ra cách ấy.
Nói rồi ngồi lơ láo suy nghĩ. Vua Nam Đường thì rầu rĩ không nói tới quân sư. Dư Hồng hổ ngươi đi vào phòng một nước, ngồi trong phòng mà nghĩ:
- Tướng lùn phép tắc tài năng như vậy, ta khó nổi phò Đường, chi bằng về núi mà tu luyện cho xong, khỏi buộc điều phiền não.
Nghĩ như vậy bèn khoác màn vào ngủ cho khỏe tinh thần, vào phòng kiếm hoài không đặng cái gối, ngó xuống dưới giường thấy gối rách tan một đống Dư Hồng lấy lên coi đã mất sách rồi, thất kinh nổi giận hét:
- Chẳng biết đời trước ta thù oán chi với thằng lùn này mà nay nó hại ta đến thế! Nay nó xé gối mà lấy sách nên mới giải bùa mê cho mười hai tướng. Nay ta quyết với nó một còn một mất, không chịu nhịn tướng lùn.
Dư quân sư ngồi buồn rầu, tức mình ngủ không đặng, chờ cho trời sáng lo mưu. Sáng ra cơm nước xong xuôi, Dư Hồng dẫn binh đi khiêu chiến. Lúc các tướng Tống kéo về Thọ Châu đồng ra mắt Thái Tổ. Tống Thái Tổ mừng rỡ khen:
- Chúa tôi hiệp mặt. Cháu dâu trẫm cũng đặng toàn sinh, thì đều nhờ công linh Phùng Mậu. Nay trẫm phong cho một chức xứng đáng là Bình Nam vương.
Phùng Mậu lạy tạ ơn, coi bộ vui mừng lắm. Cao Hoài Đức và Cao Quân Bảo cũng tạ ơn Phùng Mậu vì đã cứu Lưu phu nhân. Ngày ấy Thái Tổ truyền dọn yến thưởng công và ăn mừng thắng trận, sau bữa mừng cháu dâu nạn khỏi tai qua, cho tới tam quân cũng nhờ ngự tửu. Quan binh đều chúc tụng muôn năm. Đến trưa có quân vào báo:
- Có Dư Hồng đến khiêu chiến, quyết mời Bình Nam vương ra trận mà thôi!
Phùng Mậu nghe báo, liền để chén rượu xuống, xin ra cự chiến với Dư Hồng. Tống Thái Tổ phán:
- Dư Hồng bị ngự điệt lấy sách báu, nên nổi xung tới làm quỷ chắc là dụng phép mầu kế độc, quyết trả cho đặng thù. Sách binh thơ có nói rằng. Giặc giận cùng thì mình phải tránh. Chi bằng giả điếc làm lơ, nó đương hăng chẳng nên cự địch, đợi ít ngày Lưu phu nhân thiệt mạnh sẽ hiệp công một trận, cũng chẳng muộn gì.
Phùng Mậu vâng lời không dám nghịch chỉ, Tống Thái Tổ truyền đem thêm rượu, chúa tôi cứ việc uống hoài. Kế quần vào báo nữa:
- Dư Hồng phá thành gấp quá, một hai kêu cho đặng Bình Nam vương. Phụng Mậu tâu:
- Bệ hạ dạy đừng đánh với giặc giận cùng, thiệt là phải phép. Vả chăng Dư Hồng yêu đạo, bất quá sở cậy ở Lạc hồn la và bửu kiếm mà thôi chớ như hú gió kêu mưa, dời non trút biển, sái đậu thành binh, chỉ có hóa hình, các phép ấy đạo tiên gọi là thường sự, dầu có phép báu chi lạ nữa, nhờ hồng phước bệ hạ cho tôi ra trận một phen, đánh đuổi yêu đạo họa may Lý Kiên vỡ mật mà chịu đầu hàng, nếu để Dư Hồng ở chờ ngày, sợ bày thêm kế khác. Xin bệ hạ cho tôi giao chiến, kẻo nó dễ ngươi!
Cao Quân Bảo cũng tâu xin theo, hiệp lực đánh đuổi yêu đạo. Tống Thái Tổ y lời tâu, Phùng Mậu cùng Cao Quân Bảo nai nịt, dẫn một muôn binh mã ra thành. Dư Hồng thấy Phùng Mậu bước ra trước, bèn nổi giận trợn con mắt và mắng:
- Thằng giặc lùn quen nghề cấp trộm, không ra trận cho phân minh, tập thói đào hầm, theo loài khoét vách? Bởi Kim Đính chưa tới số nên người làm lén mà nên công. Ta cũng bỏ qua không bắt mày tội gian giảo song hai cuốn sách và một cây gươm, là của thầy ta cho để làm kỷ niệm, phải mau mau trả lại cho ta, nếu để trễ lâu thì nội dinh Tống thành đều chết chém! Phùng Mậu cười nói:
- Ta cũng muốn vị tình thầy ngươi mà trả sách và gươm lại. Song ngươi nói năng vô lễ nên ta không trả sách, lại quyết lấy đầu ngươi. Nếu dung nhà ngươi, thì ngươi xúi giục Nam Đường nghịch thiên cự Tống.
Dư Hồng nghe nói nổi xung đánh Phùng Mậu một gậy. Phùng Mậu đưa thước ra đó. Hai người hỗn chiến một hồi. Dư Hồng biết đánh không lại Phùng Mậu nên tính phải dùng quạt phép mới xong, liền giục cọp trá bại. Phùng Mậu tưởng Dư Hồng hết phép, đánh không lại nên chạy dài. Quyết đánh đuổi Dư Hồng cho vua Nam Đường thất kinh mà đầu Tống. Chẳng ngờ Dư Hồng còn Phong hỏa phiến, quạt núi thì núi ngã, quạt đất thì đất tan, còn người thì tiêu hóa ra tro bụi. Phùng Mậu ngó trộm hết phép của Dư Hồng rồi nên giục thần nha theo đuổi. Dư Hồng quạt Phùng Mậu một quạt, lửa cháy rần rần. Phùng Mậu thất kinh giục thần nha bay bổng. Dư Hồng quạt bồi ít quạt nữa, bỗng nổi gió đùng đùng. Phùng Mậu như diều bông, hay biệt mù hết thấy phần bị hơi lửa nên Phùng Mậu hôn mê.
Còn Cao Quân Bảo trước khi thấy Dư Hồng quạt Phùng Mậu bay cao bốn trượng, thì kẻo binh tới tiếp nhau. Xảy thấy binh trước bị thiêu cả ngàn, kinh hãi thu binh bại tẩu vào thành tâu các việc với Thái Tổ. Tống Thái Tổ nghe báo thất kinh, còn Phùng Ích nghe con bị gió thổi lửa thiêu, không rõ mất còn mười phần sầu thảm. Cao Hoài Đức điểm binh lại, hao hơn một ngàn.
Quạt phép của Dư Hồng quạt bay xa ngàn dặm. Bởi Phùng Mậu có thần nha là quạ lửa tu luyện lâu năm, nên không sợ lửa. Nhờ có nó bay mau quá nên Phùng Mậu khỏi chết thiêu. Bay đặng mấy dặm rồi thần nha sa xuống ngồi nơi vườn họ Ngại. Rạng đông, gia đinh ngó thấy một thằng con nít chừng mười hai tuổi nằm chết trong vườn, chúng nó bàn:
- Cửa vườn chưa mở, sao lại có thây ma ở đây, chắc là đồ yêu quái!
Bàn vậy rồi chúng thất kinh vào báo cho chủ hay. Nguyên chủ vườn ấy họ Ngại, tên chữ Vạn Thanh, cũng là người nước Nam Đường, không có con cái chi hết, khi trước cũng làm quan, vì không trai nên từ chức ở ẩn theo ruộng vườn, sau hạ sánh một gái, tên là Ngân Bình. Tiểu thơ nay mười lăm tuổi mà chưa nơi kết tóc xe tơ. Ngại Vạn Thanh cưng con lắm.
Khi gia đinh vào báo rằng có một vật quái gở chết tại sau vườn thì cha con lấy làm lạ đồng bước ra xem thử, coi lại là đứa con nít chết hồi nào không biết, chớ không phải vật quái gở gì, thấy thây nó nằm sải tay, mặt như trái táo. Ngại Vạn Thanh không rõ vì cớ nào, bèn lại gần mà coi thử thì còn thở tHồi thóp, liền truyền cho gia đinh đổ thuốc. Giây phút, Phùng Mậu tỉnh lần, ngồi dậy mở mắt ra, thấy có một già và một người con gái, nghe gia đinh nói rằng:
- Chết rồi nhờ người ta cứu sống lại mà không tạ ơn còn bỏ đi chớ? Phùng Mậu đứng dậy thưa:
- Tôi bị mê man không rõ, chẳng biết ai đã làm phước cứu tôi. Ngại Vạn Thanh thuật lại đầu đuôi câu chuyện, Phùng Mậu liền lạy tạ Ngại Vạn Thanh hỏi thăm nguyên nhân vì sao xiêu lạc đến đây? Phùng Mậu nói:
- Tôi là tướng bên Tống, đánh với Dư Hồng bị quạt phép của nó nên bay đến đây, nhờ ơn ông cứu mạng.
Phùng Mậu nói chưa dứt tiếng thì thấy có một người con gái chạy vào nhà trong, rồi nai nịt chỉnh tề, cầm thương bước ra xốc tới đâm Phùng Mậu. Phùng Mậu kinh hãi, tránh qua một bên hỏi:
- Ân nhân cứu tôi, sao lại muốn giết. Cô gái đáp:
- Cha ta làm quan nước Đại Đường, vì triều đình nghe lời quân sư nên bị nước Tống giết tướng, đoạt thành. Vậy nay ngươi là cừu địch của ta. Ta quyết bắt ngươi cho tận trung với chúa.
Phùng Mậu nghe rõ liền rút cặp thước đánh với cô gái hơn mười hiệp. Cô gái này tên là Ngại Ngân Bình, không địch lại Phùng Mậu nên bỏ chạy. Phùng Mậu giục quạ đuổi theo, Ngại Ngân Bình liền quăng Hồng sắc lên, hào quang chiếu sáng, trói chặt Phùng Mậu, làm cho Phùng Mậu sa xuống đất, còn con quạ bay bổng lên không trung. Ngại Vạn Thanh thấy con mình bắt được Phùng Mậu liền quyền gia đinh dẫn vào nhà trong. Phùng Mậu tỉnh lại mới biết cô gái đó có phép thuật liền than:
- Mới khỏi nạn Dư Hồng, lại mắc vào tay nữ tướng, mười phần chắc chết mà thôi. Ngại Vạn Thanh truyền đem Phùng Mậu ra chém. Phùng Mậu mừng thầm:
- Ta biết phép độn thổ, đợi khi đem chém ta sẽ trốn đi.
Quả nhiên, bọn gia đinh vừa mới khai đao thì Phùng Mậu đã chui xuống đất. Cha con Ngại Vạn Thanh lấy làm lạ, nói:
- Mới thấy đó nó liền biến mất, chắc là học trò của thần tiên.
Còn Phùng Mậu độn thổ trốn đi rồi tính trở lại lấy cặp thước, nên cởi quạ lửa bay vào quyết đánh một trận nữa. Cha con Ngại Ngân Bình thấy tướng lùn biến đi rồi trở lại. Lập tức bủa lưới bao vây. Ngại Ngân Bình vừa xông ra thấy Phùng Mậu thì cười lớn:
- Tướng bại trận còn dám ỷ mạnh, không sợ bị trói nữa hay sao? Phùng Mậu hét lớn:
- Tiện tỳ phen này chắc ngươi không còn tánh mạng.
Ngại Ngân Bình không thèm trả lời. Đánh với Phùng Mậu ít hiệp, rồi giả thua chạy vào nhà khách. Phùng Mậu nghi ngờ. Chắc là trá bại đặng quăng giây Hồng sắc bắt mình, chớ không có gì lạ. Nếu nó dùng phép đó thì ta độn thổ là xong. Ngại Ngân Bình nói khích:
- Tên tướng lùn? Ngươi có giỏi thì đến đây đánh chơi với ta ít hiệp nữa.
Phùng Mậu giục thần nha vào thềm. Thì con quạ đã mắc lưới bay lên không nổi. Phùng Mậu biết trúng kế liền giục quạ bay lên không, móng chân quạ sắc như gươm, giật đứt lưới bay bổng, còn Phùng Mậu ngồi không vững, té xuống bị lưới quấn khắp mình. Thần nha bay lên mây nhìn chủ có vẻ chờ đợi.
Lời bàn: Không nên tin chắc vào cái gì mình đã dự liệu, mà nên đề phòng, những cái bất trắc xảy ra. Dư Hồng dùng phép trấn yếm tướng tài của nước Tống, đinh ninh rằng số mạng những tướng ấy sẽ bị mai một. Đó chỉ là lòng tin, mà việc đời không chỉ diễn biến theo lòng tin. Mọi việc đều có thể xảy đến bất ngờ. Chính lòng tin của Dư Hông về pháp thuật đã đưa Dư Hông đi vào con đường thất bại. Vua tôi nhà Đường cũng chính là tin vào tài năng của Dư Hông mà đưa đến những thất vọng ê chề, không thể cứu vãn kịp Ngạc nhiên, hối hận, là hai trạng thái mà người đời thường gặp chính là lòng tin tưởng, bởi sự suy đoán của mình, không chịu đề phòng, đến lúc xảy ra sự cố thì mới chán nản, hối hận. Nguyên nhân sự chán nản và hối hận con người chính là lòng tin tưởng thiếu suy xét và đề phòng những biến cố có thể xảy ra.-oOo-