Sông Đông Êm Đềm

Chương 46

Trước Sau

break
Con đường dài từ thị trấn Malkovo, trấn Kalivenskaia đến trang trại Razivinlovo đã bị để lại phía sau trong làn sương mù lầy nhầy xám xịt. Grigori cố hồi tưởng quãng đường sau lưng, nhưng chẳng nhớ được điều gì ra đầu ra đũa. Những vật kiến trúc quét vôi đỏ của nhà ga, tiếng bánh xe lọc xọc dưới sàn xe rung rinh, mùi phân ngựa và mùi rơm, những đường ray vô tận tuôn ra dưới đầu máy, những đám khói thỉnh thoảng lại ghé nhòm vào cửa các toa xe, cái mõm râu ria xồm xoàm của những tên hiến binh đứng trên sân ga ở Voronez, Kiev…

Tới một ga xép thì các chàng lính mới Cô- dắc xuống tàu. Một bọn sĩ quan và một số người mày râu nhẵn nhụi mặc áo dài kiểu Ukraina màu xám đã tụ tập ở ga. Họ nói với nhau bằng một thứ tiếng xa lạ, không sao hiểu được. Phải mất nhiều thì giờ mới dắt được những con ngựa từ các toa xe xuống qua những tấm ván bắc cầu.

Viên phó tư lệnh hành quân ra lệnh đóng yên rồi đưa hơn ba trăm chàng Cô- dắc đến y viện thú y. Các thủ tục khám ngựa kéo dài lê thê. Người và ngựa được biên chế vào các đại đội. Những viên quản và hạ sĩ ngái ngủ. Những con ngựa lông hạt dẻ được chọn vào đại đội một. Đại đội hai gồm những con lông xám và vàng nhạt. Trong đại đội ba có toàn những con nâu sẫm. Grigori bị đưa vào đại đội bốn, trong đó có những con ngựa lông vàng óng và hạt dẻ thường. Đại đội năm gồm những con lông hồng nhạt, và đại đội sáu gồm toàn ngựa huyền. Bọn quản lại phân anh em Cô- dắc về từng trung đội rồi đưa tới các đại đội đóng rải rác ở các trang trại và các thị trấn.

Viên chánh quản Kargin, một thằng cha mắt lồi, dáng hùng hổ, đeo lon tái đăng, đi qua trước mặt Grigori và hỏi:

- Trấn nào?

- Vosenskaia.

- Cộc à 1?

Grigori lầm lì nhịn nhục giữa tiếng cười khúc khích cố nén của bọn Cô- dắc trấn khác.

Con đường chạy ra đường nhựa. Những con ngựa sông Đông trông thấy đường nhựa lần đầu vểnh tai hí rầm lên khi đặt chân lên mặt đường, cứ tưởng như đang đi trên một con sông nhỏ đóng băng, nhưng rồi cũng quen dần. Ngựa đi trên đường, móng sắt mới chưa mòn vang lên những tiếng lóc cóc khô khan. Một vùng đất xa lạ, đất Ba Lan nằm dài trước mặt, nham nhở những mảnh rừng héo hon tiều tụy lởm chởm như những lưỡi dao. Hôm nay trời ấm áp, u ám, hơi nước bốc ngùn ngụt. Mặt trời nóng như không phải là mặt trời của vùng sông Đông, cứ chập chờn lang thang sau tấm màn the của những đám mây đen dầy đặc.

Trang trại Razivinlovo ở cách nhà ga xép bốn vec- xta. Đoàn Cô- dắc đi được nửa đường thì viên tư lệnh đoàn xe đuổi kịp trên con ngựa chạy nước kiệu nhanh, cùng đi có tên lính hầu. Nửa giờ sau cả đoàn đến trang trại.

Khutor 2 nào thế nầy, thưa ngài quản? - Một gã Cô- dắc trấn Mitiakinskaia chỉ đám ngọn cây trơ trụi trong khu vườn hỏi lão quản.

Khutor à? Đừng nghĩ tới khu- to khu- tiếc gì nữa nhé, mày đúng là một con ngựa xén bờm trấn Mitiakinskaia! Đây không còn là tỉnh Quân khu sông Đông nhà mày nữa đâu.

- Thế là đâu hả bác?

- Ai bác cháu gì với mầy? Chà, tự nhiên với được thằng cháu quý tử! Nầy, người anh em ạ, đây là trang trại của công tước phu nhân Usysova. Chính là nơi đại đội bốn của chúng ta đến đóng đấy.

Grigori âu sầu vuốt vuốt cổ ngựa. Chàng ấn mạnh chân xuống bàn đạp, đưa mắt nhìn ngôi nhà hai tầng xây rất đều đặn, hàng rào gỗ và hình dáng kỳ dị của những căn nhà phụ trong sân. Đoàn người ngựa tiến qua vườn. Ở đây cũng như ở vùng sông Đông bỏ lại nơi xa xăm kia, những cái cây xơ xác cũng thì thầm với gió bằng cùng một thứ tiếng.

Cuộc sống ở đây chán ngấy, làm mụ người đi. Các chàng trai Cô- dắc bị cắt rời khỏi công việc làm ăn, hồi đầu đều ủ rũ phờ phạc. Họ dốc hết nỗi lòng cho nhau nghe trong những cuộc chuyện trò vào giờ nghỉ. Đại đội ở trong chái nhà lợp ngói rất rộng. Anh em ngủ trên những tấm ván kê bên các cửa sổ. Đêm đêm tờ giấy dán trên khung cửa bong ra lại rung lên, nghe như tiếng tù và xa của trẻ chăn bò.

Qua những tiếng ngáy đủ mọi giọng, Grigori lắng nghe tiếng giấy rưng, cảm thấy nỗi buồn nhớ đau khổ, nặng tựa đá đeo của mình tựa như khuây khoả được phần nào. Như một cái kìm, tiếng rung thanh thanh kẹp vào một chỗ nào đó bên dưới tim chàng. Những lúc như thế Grigori chỉ muốn đứng dậy, vào chuồng ngựa, thắng yên cho con Hạt dẻ, thúc nó phi đến rãi rót chảy như bọt xà phòng xuống mặt đất âm thầm, phóng thẳng về nhà.

Hàng ngày năm giờ có kèn dậy, phải thu dọn, tắm chải cho ngựa. Trong nửa tiếng đồng hồ ngắn ngủi, lúc những con ngựa được ăn yến mạch bên cọc buộc ngựa, anh em trao đổi những câu rất ngắn:

- Chỗ nầy thật là một nơi thổ tả, các cậu ạ!

- Kiệt hết sức lực mất rồi!

- Mà lão quản thì đúng là một thằng chó má? Móng ngựa cũng bắt người ta cọ rửa!

- Hôm nay ở nhà chén bánh tráng đây, đúng ngày lễ tống tiễn mùa đông mà…

- Bây giờ mà có con bé nào để sờ nắn một lát nhỉ, chà!

- Các cậu ạ, đêm qua mình nằm mơ thấy như đang cùng với ông cụ nhà mình cắt cỏ trên bãi, chung quanh những người là người, cứ như hoa cúc dại quanh sân đập lúa ấy. - Prokho Zukov, một anh chàng rất hiền lành, nói, hai con mắt dịu dàng như mắt bò non long lanh. - Cỏ cắt đến đâu nằm rạp xuống đến đấy. Dạo nầy mình cứ như bị ma quỷ ám ảnh!

- Có lẽ bây giờ vợ mình đang bảo: "Không biết anh Mikolai yêu quý đang làm gì đây!"

- Ô- hô- hô! Người anh em ạ, có lẽ bây giờ nó đang cùng với bố chồng chơi cái trò lợn bột đấy.

- Chà, cái thằng nầy…

- Phải, trên đời nầy làm gì có con đàn bà nào vắng chồng mà không đi ăn mảnh một cái?

- Nhưng các cậu có gì mà đáng lo buồn? Cũng như cái bình đựng sữa thôi, anh em mình hết hạn lính lại bê về chứ có sao?

Egor Zarkov là một gã vua tếu, tục tĩu, mặt dầy và trâng tráo nhất đại đội. Gã nháy mắt, mỉm nụ cười dâm đãng, xen vào câu chuyện.

- Chuyện ấy thì đứt đuôi con nòng nọc rồi: thằng bố cậu chẳng để con dâu lão được yên đâu, cái con chó dái thượng thặng ấy. Xưa có câu chuyện như thế nầy nầy… - Gã đảo mắt, nhìn một lượt tất cả bọn Cô- dắc đang nghe gã nói. - Có một lão quen thói mò mẫm con dâu, không để cho nó được yên lúc nào, nhưng thằng con trai lại làm vướng chân lão. Các cậu có biết lão đã nghĩ ra một kế như thế nào không? Một đêm lão ra sân nuôi gia súc, cố ý mở toang cổng cho bò ngựa chạy hết ra ngoài. Rồi lão vào bảo con trai: "Mày, cái thằng chết tử chết tiệt nầy, cửa ngõ mày đóng như thế à? Ra mà xem: bò ngựa chạy ra hết rồi. Ra dồn về đi?" Lão già chắc mẩm thằng con sẽ ra ngoài và lão chờ đến lúc đó sẽ sang mò con dâu, nhưng thằng quý tử lại lười chảy thây. Nó khẽ bảo vợ: "Ra dồn bò ngựa về đi!" Vợ nó ra ngoài rồi, nó nằm lại lắng nghe. Thế là thằng bố tụt trên tấm phản xuống, lổm ngổm bò tới gần cái giường. Thằng con cũng chẳng đần độn gì nó cầm luôn cái gậy cán bột để trên chiếc ghế dài, lăm lăm chờ. Thằng bố bò tới cái giường, vừa đưa tay quờ quạng thì thằng con giơ cái gậy choảng đánh bốp một cái vào cái đầu hói của lão và quát rầm lên: "Cút ngay, cái con chết tiệt nầy! Tập đâu cái thói nhai vải gai? Vốn là nhà nầy có một con bò con ngủ đêm ở buồng trong, bạ cái gì nhai cái nấy, nhai cả quần áo. Thằng con giả tảng như đánh con bò, choảng thằng bố xong, nằm im như thóc… Lão già lại bò về phản, nằm bóp mãi cái bướu to bằng quả trứng ngỗng. Lão nằm mãi, nằm mãi mới mở được miệng: "Ivan, nầy Ivan?" - "Gì thế bố" - "Mày vừa đánh ai thể - "Con bò chứ còn ai?" "Lão già, nước mắt nước mũi đầm đìa bảo thằng con: "Cút mẹ mày đi, chủ gì mà lại đánh bò ngựa như thế?"

- Cậu chúa bịa!

- Cái thằng rỗ nhằng rỗ nhịt nầy, không xích nó lại không xong.

- Làm gì mà như họp chợ thế hả? Giải tán ngay! - Lão quản bước tới quát.

Anh em Cô- dắc bỏ về chỗ buộc ngựa, vừa cười vừa pha trò với nhau. Sau khi uống trà xong họ đi tập các động tác đội hình. Bọn hạ sĩ cố làm cho mọi người bỏ các thói quen đem từ nhà tới.

- Nầy cái thằng lờn xề kia, thót bụng lại!

- Nhìn bên phải… thẳng! Đi đều… bước!

- Toàn trung đội, đứng lại… đứng!

- Đi đều bước!

- Kìa, thằng làm chuẩn bên phải, mẹ mày chứ, đứng như thế à?

Các ngài sĩ quan đứng ngoài nhìn binh sĩ Cô- dắc bị quần trên cái sân sau rộng thênh thang. Họ hút thuốc và thỉnh thoảng mới can thiệp vào các mệnh lệnh của bọn hạ sĩ.

Bọn sĩ quan đều trau chuốt bảnh bao, chỉnh tề đĩnh đạc trong những chiếc ca- pốt xám nhạt rất diện và những cái áo quân phục may rất vừa người. Nhìn bọn chúng, Grigori cảm thấy rằng giữa mình và chúng có một bức tường vô hình không thể nào vượt qua: bên kia tường là một cuộc sống riêng biệt trôi theo một nhịp đều đặn, một cuộc sống sang trọng hào hoa, chẳng có chút gì là Cô- dắc, không có bùn nhơ, không có chấy rận, không có sợ hãi trước bọn quản luôn luôn tát đổ đồng quang con mắt.

Anh em tới ở trang trại đến ngày thứ ba thì xảy ra một việc làm Grigori cũng như tất cả các thanh niên Cô- dắc khác đều mang một ấn tượng hết sức nặng nề. Anh em đang tập đội hình trên ngựa.

Prokho Zykov, anh chàng có cặp mắt dịu dàng như mắt bò non, thường nằm mơ thấy nơi thôn trấn xa xôi vẫy gọi mình trở về, lại cưỡi một con ngựa bướng bỉnh, rất trái nết. Trong khi đi gần con ngựa của lão quản, con ngựa của Prokho Zykov bỗng đá nó một cái.

Cái đá không mạnh lắm, chỉ làm một chân trái con ngựa kia sướt da một chút. Lão quản thúc luôn ngựa xông tới gần Prokho và giơ roi thẳng tay quất Prokho một cái vào mặt rồi quát:

- Mắt mũi mày để ở đâu hử? Mắt mũi mày để đâu hử? Đồ chó đẻ ông cho mày biết thân! Ông phạt mày ba ngày trực nhật…

Trong lúc ấy viên đại đội trưởng đang ra lệnh gì đó cho một viên sĩ quan phụ trách trung đội. Hắn có nhìn thấy cái cảnh ấy, nhưng lại quay đi, ngáp dài đầy vẻ chán ngán, tay mân mê dây ngù ở đốc gươm. Prokho đưa tay áo ca- pốt lên chùi những giọt máu ứa ra ở vết hằn dài phồng lên trên má, môi run bần bật.

Trong khi ngựa dóng hàng Grigori đưa mắt nhìn bọn sĩ quan, thấy chúng vẫn chuyện trò với nhau, như chẳng có gì xảy ra. Năm ngày sau, Grigori cho ngựa đi uống nước, đánh rơi cái gàu xuống giếng. Lão quản nhảy xổ đến trước mặt chàng như một con chim ưng và giơ tay.

- Chớ động vào tôi! - Grigori nói giọng âm thầm, mắt vẫn nhìn xuống làn nước gợn lăn tăn dưới thành giếng bằng gỗ.

- Cái gì? Đồ sâu bọ, có xuống lấy lên không! Ông lại đánh cho đổ máu mồm bây giờ!

- Tôi sẽ lấy lên nhưng anh chớ động vào tôi! - Grigori vẫn không ngửng đầu lên, kéo dài giọng nói tách bạch từng tiếng.

Nếu bên bờ giếng còn có những anh em Cô- dắc khác thì có lẽ sự việc không diễn ra theo hướng như thế và chắc hẳn lão quản sẽ đánh Grigori, nhưng bọn giữ ngựa đang đứng bên cạnh dãy tường bao nên không thể nghe được câu chuyện. Lão quản bước tới gần Grigori nhưng mắt vẫn nhìn về phía bọn Cô- dắc. Lão nói khàn khàn, cặp mắt cú vọ long lên trong cơn giận điên cuồng:

- Mày muốn gì với ông hử? Mày ăn nói với cấp trên như thế à?

- Nầy, Semion Egorov, anh chớ có gây chuyện với tôi!

- Mày doạ ông phải không? Ông thì cho mày xuống giếng!

- Tôi bảo cho anh biết, - Grigori ngửng lên khỏi khung giếng bằng gỗ, - Hễ anh đánh tôi thì thế nào tôi cũng giết anh! Hiểu chưa?

Lão quản kinh ngạc há hốc cái miệng vuông như mõm cá chép, không còn biết trả lời sao nữa. Thời điểm để phạt đã qua rồi mà khuôn mặt xám xịt, nhợt nhạt như vôi của Grigori thì không hứa hẹn điều gì tốt lành. Lão quản bối rối đi khỏi chỗ cái giếng, vừa đi vừa trượt chân trên lớp bùn nhầy nhụa bị dẫm nát dọc theo đường rãnh dẫn nước tới những cái máng cho ngựa uống nước khoét trong những khúc gỗ. Lão đi vài bước rồi mới quay lại vung nắm tay to như cái búa tạ và nói:

- Ông sẽ báo cáo đại đội trưởng? Ông lên báo cáo đại đội trưởng ngay bây giờ cho mà xem?

Tuy vậy, không hiểu sao lão không tâu gì với viên đạị đội trưởng. Nhưng Grigori đã bị lão trù liền hai tuần, hơi một chút là lão bẻ hành bẻ tỏi, chưa đến lưọt lão đã cắt gác cho chàng và lão cũng tránh không nhìn vào mắt chàng nữa.

Cái nếp sống đơn điệu, chán ngấy làm tiêu hao dần sức sống con người. Cho đến tối, khi có kèn ngủ, binh lính dốc sức một cách vô vị vào những buổi tập đội hình bộ binh và đội hình trên ngựa, những công việc làm vệ sinh trong trại, tắm chải và cho ngựa ăn, đọc thuộc lòng những lời "huấn từ" ngớ ngẩn 3. Đến mười giờ tối, điểm danh và cắt gác xong thì bắt đầu nguyện kinh. Lão quản đưa cặp mắt tròn xoe như hai hòn bi thiếc nhìn khắp hàng quân một lượt rồi cất cái giọng có lẽ đẻ ra đã khàn đặc đọc bài kinh "Lạy cha".

Sáng hôm sau, các trò chán ngáy ấy lại bắt đầu diễn lại, và những ngày khác nhau nhưng cũng giống nhau như những anh em sinh đôi cứ nối đuôi trôi qua.

Trong trang trại, ngoài mụ vợ già của lão quản lý dinh cơ, chỉ có một người đàn bà mà toàn đại đội đều dán mắt vào, các sĩ quan cũng không ngoại lệ. Đó là Frania, một cô gái Ba Lan khá trẻ, khá xinh Frania rất hay chạy từ trên nhà xuống bếp, nơi lão đầu bếp không có lông mày nắm quyền sinh sát.

Đại đội phân ra từng trung đội để luyện tập các động tác đi đứng. Mọi người đều xuýt xoa đưa mắt đưa mày theo dõi cái váy xám loạt soạt của Frania. Cảm thấy binh sĩ Cô- dắc và bọn sĩ quan luôn luôn nhìn mình chằm chằm, Frania càng như đổ thêm dầu vào ngọn lửa nhục dục cháy rực trong ba trăm con mắt, cứ núng nính cặp mông, hết chạy trên nhà xuống bếp lại dưới bếp lên nhà, lần lượt mỉm cười với từng trung đội, riêng mỗi ngài sĩ quan được nàng mỉm cười một cái. Ai cũng được Frania chú ý tới, nhưng nghe đồn chỉ có gã trung uý tóc xoăn râu rậm tán có kết quả nhất.

Chuyện nầy xảy ra vào một ngày chưa sang xuân. Hôm ấy Grigori trực nhật trong tàu ngựa. Chàng có mặt nhiều nhất ở một đầu tàu ngựa vì ở đấy mấy con ngựa đực của bọn sĩ quan buộc gần vài con ngựa cái nên chung sống với nhau không hoà bình lắm. Lúc ấy là giờ nghỉ để ăn trưa. Grigori giơ roi đuổi con ngựa chân trắng của viên đại uý rồi chạy ra ngó vào cái khung buộc con Hạt Dẻ của chàng. Con ngựa đang nhóp nhép nhai rơm. Nó co bên chân sau bị thương trong buổi tập chém và liếc con mắt hồng hồng nhìn chủ.

Grigori đang sửa lại đoạn dây buộc mõm cho nó thì nghe thấy trong góc tối của chuồng ngựa có tiếng chân người chạy rầm rập và tiếng kêu ú ớ. Chàng hơi ngạc nhiên trước những tiếng động bất thường đó, vội bước qua dãy khung buộc ngựa. Bóng tối lầy nhầy bất thần ập vào lối đi làm mắt chàng như mù. Cửa tàu ngựa đóng đánh rầm và không biết có ai kêu lên bằng một giọng cố giữ cho khỏi vang to:

- Nhanh lên các cậu?

Grigori rảo bước.

- Ai đấy?

Tên hạ sĩ Popop đang sờ soạng lần ra cửa thì đâm sầm phải Grigori.

- Cậu đấy à, Grigori? - Tên kia đặt tay lên vai Grigori, khẽ hỏi.

- Hượm đã. Có chuyện gì thế?

Tên hạ sĩ nắm lấy tay áo Grigori, cười với cái cười của kẻ phạm tội:

- Nầy… Đứng lại, mày đi đâu hử?

Grigori giằng tay ra, mở toang cánh cửa. Trên cái sân không một bóng người, con gà mái hoa bị cắt cộc đuôi chạy đi chạy lại lăng xăng. Nó không biết rằng lão đầu bếp đã định ngày mai sẽ bắt nó giết thịt để nấu xúp cho ngài quản lý, nên vẫn ra bới bới đống phân và kêu cục cục như còn phân vân chưa biết nên đẻ trứng vào chỗ nào.

Ánh sáng bất thần ùa vào làm mắt Grigori hoa lên một lát. Chợt thấy những tiếng lao nhao trong góc tầu ngựa tối om mỗi lúc một dữ, chàng bèn đưa tay lên che mắt, quay người lại. Chàng vịn tay vào tường đi về phía đó. Những đốm nắng nhảy múa trên tường và trên những cái máng ăn đặt ngay trước cửa. Ánh sáng làm mắt Grigori cay sè, phải dim lại. Thằng "vua cù" Zarkov đi từ trước mặt tới vấp phải Grigori. Nó vừa đi vừa cài khuy cái quần trễ xuống, đầu lắc lư:

- Cậu làm gì thế? Các cậu làm gì ở đây thế? Vào nhanh lên đi, - Zarkov há cái mồm bẩn thỉu thở vào mặt Grigori một làn hơi thối hoăng, khẽ bảo - Trong kia… trong kia tuyệt lắm! Frania đã bị các cậu ấy lôi vào trong đó… dằn ra…

Zakov đang cười khà khà thì bị Grigori đẩy mạnh một cái. Nó đập lưng đánh bịch vào bức tường gỗ của tàu ngựa, tiếng cười bất thần tắt ngấm, Grigori chạy về phía có những tiếng láo nháo, cặp mắt đã quen dần với bóng tối, mở trừng trừng, trắng dã vì kinh hoàng.

Trong góc tường để những tấm áo ngựa, lốc nhốc một đám Cô- dắc rất đông, toàn thể trung đội một. Grigori chẳng nói chẳng rằng, xô những tên Cô- dắc để len lên trước. Frania đang nằm sóng xoài dưới đất, không động cựa gì cả, đầu bị chùm kín bằng những tấm áo ngựa, cặp chân trắng hếu dạng rộng tênh hênh một cách khủng khiếp, chiếc váy rách nát lật lên quá ngực. Một tên Cô- dắc đang lánh sang bên tường, nhường chỗ cho một thằng khác, miệng hắn cười méo xệch, mắt không nhìn các bạn, Grigori vùng chạy ngược lại, lao mình về phía cửa.

- Ngài quản!

Bọn Cô- dắc đuổi kịp Grigori ở ngay cửa. Chúng lôi chàng vào trong, đè xuống, lấy tay bịt miệng chàng. Grigori xé toạc áo quân phục một tên từ cổ xuống gấu, đạp trúng bụng một tên khác, nhưng vẫn bị chúng đè xuống, rồi cũng như Frania, chàng bị chúng lấy một tấm áo ngựa chùm kín đầu. Chúng trói tay chàng lại, rồi chẳng nói chẳng rằng để khỏi bị nhận ra tiếng, chúng khiêng chàng ra ném vào một cái máng ăn bỏ không. Tối mắt tối mũi vì mùi lông thối hoăng trong tấm áo ngựa, Grigori đạp hai chân vào thành máng, cố kêu lên. Chỉ còn nghe thấy những tiếng rầm rì ở trong góc và tiếng cánh cửa cọt kẹt mỗi khi có thằng Cô- dắc ra hay vào. Chừng hai mươi phút sau, Grigori được cởi trói. Lão quản cùng hai tên Cô- dắc trung đội khác đứng ở cửa.

- Liệu mà giữ mồm giữ miệng! - Lão quản nói, mắt lão hấp háy nhìn sang bên cạnh.

- Đừng có giở trò ngu xuẩn, nếu không… chúng tao thì cắt tai. - Dubok, một thằng Cô- dắc trung đội khác, mỉm cười.

Grigori nhìn thấy hai tên khiêng một cái bọc to màu xám: Frania (hai chân cô gái đẩy căng cái váy thành hai góc nhọn, thõng xuống không động đậy). Chúng leo lên một cái máng ngựa, rồi ném cái bọc màu xám ấy qua một lỗ hổng trên tường. Chỗ ấy có một tấm gỗ đóng không chắc, long ra. Bên kia bức tường là khu vườn. Phía trên mỗi khung buộc ngựa đều có một vuông cửa sổ vừa nhỏ vừa bẩn. Bọn Cô- dắc đạp chân ầm ầm leo lên tường xem Frania rơi từ lỗ hổng trên tường xuống rồi sẽ làm gì. Vài tên vội vã chạy ra ngoài tàu ngựa. Cả Grigori cũng tò mò muốn biết, cái tò mò của loài thú vật. Chàng bám lấy cây xà ngang hai tay thay nhau lần ra tới bên một cái cửa sổ, rồi khi tìm được chỗ đặt chân, chàng nhìn xuống dưới. Hàng mấy chục con mắt nhòm qua những khuôn cửa sổ nhỏ ám khói, nhìn xuống người con gái nằm dưới chân tường.

Frania nằm ngửa, chân đưa ra đưa vào như lưỡi kéo, tay cào cấu đám tuyết tan dở dưới chân tường. Grigori không nhìn thấy mặt Frania, nhưng nghe thấy tiếng thở hổn hển cố giữ cho khỏi bật ra quá to của bọn Cô- dắc và tiếng những con ngựa nhai rơm ngau ngáu, nhẹ nhàng khoái trá.

Frania nằm giờ lâu rồi lổm ngổm bò dậy. Hai tay cô gái rủn ra, run bần bật. Grigori nhìn rõ mồn một. Frania lảo đảo đứng dậy, đầu tóc rũ rượi, người hoàn toàn đổi khác, không còn nhận ra được nữa, hai con mắt lướt qua lướt lại rất lâu, rất lâu trên dãy cửa sổ. Rồi cô gái bám một tay vào những bụi kim ngân, tay kia dựa vào tường để đẩy mình đi…

Grigori nhẩy từ trên bức tường gỗ xuống, và sát mãi tay vào cổ. Chàng cảm thấy nghẹt thở.

Chàng ra đến cửa thì có một thằng mà chàng thậm chí không nhớ được tên, nó nói với chàng dứt khoát, rành rọt:

- Hễ mày hé răng với ai thì có Chúa chứng giám, chúng tao sẽ giết ngay! Rõ chưa?

Đến buổi tập, viên trung đội trưởng thấy cái áo ca- pôt của Grigori đứt một cái khuy bèn hỏi:

- Ai lôi kéo mày thế nầy? Ăn mặc cái mốt gì mà lạ thế hử?

Grigori nhìn xuống vòng tròn mà cái khuy hằn trên dạ, nhớ lại chuyện vừa xảy ra, lòng đau như cắt. Đã lâu lắm, đây là lần đầu tiên thiếu chút nữa thì chàng khóc.

--------------------------------

1Mỗi trấn Cô- dắc đều có một biệt hiệu riêng. Biệt hiệu của trấn Vôsencatà là Chó đực. (Lời chú của tác giả).2Thôn Cô- dắc (ND).3Trong quân đội Nga hoàng, hàng ngày lính tráng phải đọc thuộc lòng bài "huấn từ" Trung thành với Chúa, với vua, với nước (ND).

break
Thái Tử Tỷ Phu Và Cô Em Vợ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Cổ Đại
Tập truyện: Nam Nhân Là Để Cưỡi (NP, Cao H)
Ngôn tình Sắc, Sủng, Cổ Đại, Cao H
Chị Gái Lầu Trên
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc