Bến cảng Quảng Châu, thuyền của Ba Tư, Bà La Môn (Ấn Độ hiện giờ), đảo quốc Sư Tử (Singapore hiện giờ), Hồi Cốt (Đế quốc Uyghur - 744-847), của người da trắng, da đỏ man dã, của người Đại Đường ra vào tấp nập.
Những chiếc tàu thật lớn, ngàn vạn thuyền bè lớn nhỏ tấp nập rộn ràng lên xuống hàng.
Trong những đội tàu thuyền của người nước ngoài, tàu thuyền của đảo quốc Sư Tử là lớn nhất, cầu thang từ bờ lên tới mạn thuyền cao mấy trượng, nhưng loại thuyền lớn nhất phải là loại thuyền Du Đại Nương của người Đại Đường.
Người bấy giờ có câu: Thủy bất tải vạn! Ý nói thuyền bè vận tải hàng hóa không thể vượt quá một vạn thạch (đơn vị dung tích khoảng 100 lít), nhưng loại thuyền Du Đại Nương lại có thể chở trên vạn thạch, thuyền hoạt động rất chắc chắn bền bỉ, chống được sóng to gió lớn. Ở bến cảng trông thấy loại thuyền này cũng chưa chắc nó đã là thuyền của người Đại Đường, bởi vì rất nhiều thương nhân hàng hải ngoại quốc mua hoặc thuê nó từ người Đại Đường.
Trên bến tàu, hàng hóa như hoa quả, rau xanh, lúa mạch, lúa mì, mía, vải vóc lụa là, đồ sứ... mới được dỡ xuống hay chuẩn bị được bốc lên chồng chất như núi.
Một con thuyền cỡ trung vừa mới cập bến, một thương nhân buôn bán thực phẩm lớn bước ra nghênh đón, niềm nở bắt chuyện với một người Côn Luân ăn mặc kiểu nhà đò đang đứng ở đầu thuyền, hai người như bạn bè lâu ngày không gặp.
- Ha ha, lâu quá không gặp A Cáp Nỗ Bỉ nhà ngươi, chắc ngươi không thể ngờ được trong vòng một năm Đại Đường đế quốc thay đổi tới ba vị hoàng đế, phải không?
Viên thuyền trưởng người Côn Luân có làn da ngăm đem và người thương nhân kia nói chuyện với nhau bằng tiếng Đại Đường, loại ngôn ngữ rất phổ biến thông dụng thời đó.
Viên thuyền trưởng nói:
- Đúng rồi, ta nghe kể thiên hoàng bệ hạ của Đại Đường sức khỏe không được tốt, thiên hoàng băng hà, thái tử đăng cơ, nhưng tại sao thái tử vừa mới đăng cơ lại thay đổi hoàng đế mới?
Người thương nhân đáp:
- Phải kể lại chuyện xảy ra lúc đầu năm, thiên hoàng băng hà, thái tử đăng cơ xưng đế, thay đổi niên hiệu thừa kế ngôi vua. Nhưng vừa đăng cơ hôm trước hôm sau tân hoàng đế đã sắc phong đề bạt cha vợ của mình là Vi Huyền Trinh từ một chức tham quân nho nhỏ lên chức thứ sử Dự Châu, cái này cũng không sao, dù gì cũng là bố vợ của vua, nhưng ai nào biết vẻn vẹn chỉ một ngày sau đó, hoàng đế lại sắc phong đề bạt ông ta lên chức Thị Trung.
Ái chà chà, nghĩ đến chuyện hoàng hậu không hài lòng với chức quan nho nhỏ của cha, đầu ấp tay gối, nỉ non tỉ tê với vua thật lợi hại quá chừng! Thị Trung chớ giỡn sao? Là đương triều tể tướng đó! Vi Huyền Trinh vốn chỉ là một tên nịnh bợ vô lại, tài đức đâu là giữ chức vị cao như vậy? Chuyện này chưa thấm tháp gì, hoàng đế còn có ý định đề bạt con trai vú em của mình làm quan ngũ phẩm, cái này thật đúng là một người đắc đạo thành tiên, gà chó cũng lên trời.
Trung thư lệnh Bùi Viêm hết sức can ngăn rồi phản đối không chịu tuân chỉ. Hoàng đế giận tím mặt, chỉ mặt Bùi trung thư mắng: Trẫm giao cả thiên hạ cho Vi Huyền Trinh còn được, sá gì một chức thị trung! . Bùi trung thư nghe vậy hãi quá sức, lật đật đi bẩm báo với Thiên Hậu, Thiên Hậu nghe xong cả giận liền triệu tập bá quan văn võ phế truất đương kim hoàng đế, lập Dự vương Lý Đán làm tân thiên tử.
Hai người đang nói chuyện với nhau, một đại hán mình cao tám thước từ trong khoang thuyền bước ra. Đại hán khoảng trên dưới ba mươi tuổi, hai hàng lông mày rậm như vẩy mực, hai gò má cao, râu quai nón chạy dọc hai bên gò má xoăn lại, hàng râu hùm thật ngang tàng, nhìn rất oai phong. Y uể oải vặn eo giống như một con mãnh hổ ngái ngủ vừa tỉnh lại.
Nhìn quang cảnh náo nhiệt trên bến tàu, đại hán mày rậm bỗng nhiên cười nói:
- Tổ phụ đại nhân nói sai quá chừng chừng, hoàn cảnh cuộc sống ở Đại Đường thực không chê vào đâu được, đông đúc và nhộn nhịp, sầm uất phồn thịnh thiên hạ có một không hai! Mỗ muốn vào thành tham quan.
Đại hán vừa dứt lời liền nhảy thẳng lên bờ, viên thuyền trưởng cuống quít bỏ mặc người thương nhân bước ra cản lại. Đại hán nghe y nói nhỏ vài câu, có vẻ không kiên nhẫn nói:
- Mặc dù mỗ mới tới, quang cảnh, con người, cuộc sống ở đây cái gì cũng không rành, nhưng được cái mỗ thông thạo tiếng Đại Đường, ngươi đi lo làm công việc buôn bán của ngươi, còn mỗ, mỗ muốn đi dạo chơi đây đó mở mang kiến thức, tìm hiểu phong thổ, con người Đại Đường một phen.
Y vỗ bội kiếm ở bên hông cất cao giọng nói:
- Mỗ chỉ một thân một kiếm đi lại tự do thoải mái, ngươi quay lại tiếp tục trò chuyện. Mỗ đi đây.
o0o
A Sửu và Nữu Nữu đang đứng ăn xin cách cửa phủ đô đốc Quảng Châu không xa. Ở những chỗ như vầy rất khó xin ăn, nhưng vì để trốn tránh tên Tiểu Lang báo thù, hai đứa phải tránh đi ăn xin những chỗ mà tên Tiểu Lang có thể tìm được hai đứa.
A Sửu một đằng đi ăn xin để sống qua ngày, đằng khác cố gắng tìm kiếm một công việc gì đó để làm, nó không muốn suốt đời làm một tên ăn mày, nó muốn tự mình tay làm hàm nhai nuôi sống bản thân. Chỉ tội cái ước mơ nhỏ nhoi đó cũng khó thực hiện, không ai dại gì đi thuê mướn một đứa nhóc mới mười tuổi đầu, lại là một tên ăn mày, hơn nữa còn cưu mang thêm một đứa em gái nhỏ.
Cửa phủ đô đốc Quảng Châu đột nhiên mở toang, một người đàn ông trung niên trong áo bào rộng khoan thai, dáng người thẳng tắp cùng một văn sĩ trung niên mặt mày thanh tú, tác phong tiêu sái bước ra khỏi cửa, đi bên cạnh hai người có rất nhiều người hầu, hộ vệ tiền hô hậu ủng cực kỳ khoa trương.
Người đi qua đường nhìn thấy xì xào bàn tán:
- Mau nhìn kìa, người có bộ râu cong như móc câu kia chính là đô đốc Quảng Châu Lộ Nguyên Duệ của chúng ta! Người khách được ông ta đưa ra tới tận cửa ắt là một đại quý nhân.
A Sửu ngước lên thấy người đàn ông trung niên kia mày rậm như kiếm, chòm râu như móc câu, cử chỉ phong thái ung dung, mang vẻ uy nghiêm có pha chút kiêu ngạo nhìn đời bằng nửa con mắt. Nó liếc nhìn sang vị văn sĩ thanh tú bên cạnh, mặt mày đột nhiên trở nên tươi tỉnh.
Đô đốc Quảng Châu nắm trong tay sáu đạo kỳ, một đạo kỳ tượng trưng cho một đạo quân, chính là nhất phương chư hầu của triều đình, ông hoàng của đất Quảng Châu, thế mà để cho đô đốc Quảng Châu phải mặt mày hớn hở tự mình đưa tiễn ra tới tận cửa, thân phận vị khách này ắt không thể thấp hèn cho được.
Khách là một văn sĩ trên dưới ba mươi tuổi, đầu quấn khăn, mặc áo trường bào cổ tròn tay áo may sát, eo thắt dây đeo một cây kiếm nhỏ dài khoảng trên một xích, trên vạt và tay áo bào lác đác điểm vài bông hoa mai làm tăng vẻ thanh tú tiêu sái của y, nhưng chú ý nhìn kỹ có thể nhận ra văn sĩ là nữ giả nam.
Không cần quan sát xem cổ y có trái cấm hay không, cũng không cần ngạc nhiên vì sao cằm y lại không mọc râu, chỉ cần nhìn dung mạo, ngũ quan trên mặt: lông mày và tóc mái được chải chuốt, má thoa phấn thì có thể biết chắc y là gái giả trai.
Con gái thời Đại Đường có tục lệ mặc quần áo đàn ông khi ra ngoài, tuy các nàng mặc quần áo khác phái, nhưng nhìn khuôn mặt và cách ăn mặc có thể nhận ra ngay.
Đứng bên cạnh vị văn sĩ phu nhân còn có một cô gái nhỏ độ chừng sáu bảy tuổi. Phu nhân đeo bên hông một thanh kiếm nhỏ dài khoảng hơn một xích, nhưng cô bé lại đeo một thanh kiếm dài vắt chéo sau lưng, thanh trường kiếm còn muốn dài hơn cả chiều cao của cô bé, đầu vỏ kiếm gần chạm đất, còn chuôi kiếm thì cao hơn vai một khúc, cái tua màu đỏ vàng ở chuôi kiếm rủ xuống vai hắt lên khuôn mặt ngây thơ xinh xắn của cô bé.
Hình ảnh khập khễnh kỳ lạ của hai người họ cực kỳ hấp dẫn sự chú ý của A Sửu và Nữu Nữu.
- Đi thôi, Nữu Nữu.
A Sửu thấy đám thị vệ tùy tùng bắt đầu xua đuổi những người xung quanh, hơn nữa thân phận lúc này của nó thuộc hạng người sẽ bị xua đuổi trước tiên, nó liền kéo Nữu Nữu bỏ đi, nhưng Nữu Nữu đột nhiên nắm chặt bàn tay nhỏ, ánh mắt nhìn chăm chăm vào cô bé đeo trường kiếm kia hưng phấn nói:
- Anh, mau, mau nhìn kìa, trên đầu cô bé có cài cây trâm.
- Cài trâm?
A Sửu quay lại nhìn, lúc này mới chú ý tới búi tóc của cô bé đeo trường kiếm có cài một cây trâm hình bướm màu sắc sặc sỡ trông rất sống động.
A Sửu lòng quặn thắt khi nhìn lại mái tóc cháy xém khô vàng rối tung như tổ quạ của Nữu Nữu. Nó theo thói quen xoa xoa đầu Nữu Nữu rồi nói thầm:
- Ngốc ạ! Ngoan, chúng ta đi thôi.
- Dạ
Nữu Nữu gật đầu đồng ý đi theo anh nhưng vẫn cứ lưu luyến mãi không thôi, đi đôi ba bước lại quay đầu nhìn đứa bé gái trạc tuổi mình trên đầu có cài cái trâm hình bướm kia. Nữu Nữu có thể cũng biết bản thân không thích hợp để cài một cái trâm như thế nhưng vẫn cứ muốn ngắm nhìn. Đang định ngắm thêm một lần nữa thì đám quan sai phủ đô đốc bắt đầu xua đuổi người, cái nguyện vọng được nhìn ngắm cũng trở thành xa vời.
A Sửu nhìn thấy ánh mắt lấp lánh của Nữu Nữu, cắn cắn nhẹ môi nói:
- Nữu Nữu, anh sẽ làm cho em một cây trâm, so với cái trâm của cô bé kia còn đẹp hơn!
Nữu Nữu ánh mắt sáng rỡ sung sướng hói:
- Thật không anh?
A Sửu cười tươi rói đáp:
- Ngốc, anh có gạt em bao giờ chưa?
Dừng lại ở một chỗ bên đường trồng toàn chuối ba tiêu, A Sửu dặn Nữu Nữu:
- Nữu Nữu, em đợi ở chỗ này, đừng chạy loạn nếu không tên Tiểu Lang nó bắt được, hiểu chưa?
- Dạ, Nữu Nữu ở đây chờ anh.
Nữu Nữu ngoan ngoãn ngồi xổm xuống dưới một gốc chuối, lỗ rách trên váy lộ ra đôi đầu gối trơn bóng. Chỉ một lát không lâu sau, A Sửu quay lại, hai tay giấu sau lưng, mặt tươi cười ra vẻ thần bí. Nữu Nữu đứng bật dậy ríu rít như chim sẻ:
- Anh, anh làm xong cây trâm rồi à?
A Sửu đắc ý cười nói:
- Đó là chuyện đương nhiên, anh hứa với em có bao giờ không làm được không. Em đoán thử xem anh làm cho em cây trâm hình gì?
- Đoán không được, anh mau lấy ra cho em xem.
Nữu Nữu nhao nhao đòi xem, A Sửu vừa chạy trốn vừa cười to, hai đứa cười đùa ầm ĩ một hồi, Nữu Nữu cuối cùng chộp được tay A Sửu.
- Úi cha, đẹp... con bươm bướm này đẹp quá!
Nữu Nữu há hốc mồm ngạc nhiên, sau đó khen lấy khen để.
A Sửu nói:
- Anh bắt nó làm trâm cho em cài.
Nữu Nữu thắc mắc:
- Con bướm này còn sống làm sao làm được cây trâm?
A Sửu mỉm cười một cách thần bí:
- Ai nói bươm bướm sống không làm được trâm? Em tới đây.
Nó nắm tay Nữu Nữu chạy đến một chỗ vắng rồi ngồi thụp xuống, rút một sợi chỉ từ lỗ rách trên áo rồi cẩn thận cột một đầu vào chân con bươm bướm, sau đó nói:
- Cúi đầu xuống.
- A!
Nữu Nữu cúi đầu. A Sửu kéo một chùm tóc trên đầu cô bé, cột đầu kia của sợi chỉ vào đó rồi buông tay ra. Con bướm trên tóc Nữu Nữu cố hết sức bay lên.
Nữu Nữu mỉm cười sung sướng, cô bé giằng khỏi tay anh chạy đến khe suối nhỏ bên đường soi mặt xuống nước, trên mái tóc rối bời như tổ quạ, một sợi chỉ cột dính một con bướm vào một nhúm tóc, con bướm ra sức đập cánh kéo thẳng nhúm tóc lên.
Nữu Nữu nhìn bóng mình trong nước, hé nở nụ cười trên môi. Đây có phải là một cô bé xấu xí, khuôn mặt nhỏ nhắn vô cùng bẩn thỉu, miệng sún mất mấy cái răng...
A Sửu nhìn cái bóng phản chiếu trong nước, một khuôn mặt tươi rói hạnh phúc, âu yếm vuốt vuốt đầu Nữu Nữu...
- Ọt, ọt...
Sau một hồi vui vẻ qua đi, bụng lại đói như trước, Nữu Nữu hai tay che cây trâm bươm bướm của mình như bảo bối, quay sang A Sửu nói:
- Anh, em đói bụng...
A Sửu đứng lên nhìn quanh quất khắp nơi:
- Nữu Nữu, em ở chỗ này chờ anh, anh đi kiếm chút gì bỏ bụng.
A Sửu đi qua cây cầu nhỏ, băng qua vườn chuối ba tiêu đến một cái sân, bầu không khí ở chỗ này thanh nhã yên tĩnh hơn hẳn so với vẻ náo nhiệt xô bồ của phố xá ngoài kia. Hai hàng rào giậu bao quanh cái sân nhỏ và tiệm rượu, trong sân dựng một cây cờ vọng (cờ hiệu cửa hàng)
Cao chót vót trên cọc gỗ treo một cái môi múc rượu lớn, phía dưới có buộc cái tua bằng vải xanh dài. Cây cọc gỗ phơi nắng dầm sương nhiều năm, sơn tróc ra từng mảng, mặt vân của gỗ nứt lộ ra cái già cỗi của mình, cái nét mặt già cỗi này như muốn khoe sự tồn tại lâu đời của căn tửu điếm.
Gió hiu hiu thổi, cái môi múc rượu lẳng lặng nằm yên trên đỉnh cột, chỉ có cái tua vải màu xanh phía dưới lười lẫm phất qua phất lại vài cái.
Cậu bé với cái bụng đói thất thểu đi đến, tướng đi so với cái cờ hiệu bằng vải màu xanh kia còn muốn uể oải hơn. Nó cố sốc lại tinh thần, lấy cánh tay áo hết sức lau chùi khuôn mặt, vuốt vuốt lại mái tóc, cố gắng chuẩn bị bản thân nhìn sao cho gọn gàng sạch sẽ, xong đâu đó nó mới bước vào căn tửu điếm.