Say Mộng Giang Sơn

Q.1 - Chương 2 - Thằng Bé Ăn Xin Trong Hẻm Ba Tiêu

Trước Sau

break
Tháng bảy năm Vĩnh Thuần thứ hai, phủ Quảng Châu.

Trên con phố lớn người qua lại đông đúc, thương khách và những gánh hàng rong làm con phố vốn rộng rãi trở nên chật chội.

Người kẻ sĩ mặc áo bào tay rộng, người Hồ mặc áo cổ bẻ, tay chật, người bình dân mặc áo ngắn vải thô, giòng người qua lại vô cùng náo nhiệt.

Hai bên phố, có người Thiên Trúc khoác túi vải, đeo khuyên tai cao giọng rao bán đàn hương với tiếng Đại Đường lơ lớ. Có những đứa trẻ từ vùng Côn Luân Nam Dương đi chân trần trên phố rao bán cao giảm đau chế từ nha đam, còn có người thì không ngừng khoe miếng đinh hương của mình có thể làm hơi thở thơm mát như thế nào.

Có người Ba Tư mặc áo ống tay nhỏ, đầu đội nón da, bán đồ hóa trang, trang điểm như táo Ba Tư, nước hoa làm từ phấn hoa hồng ở vùng ngoại biên. Đương nhiên không thể thiếu những gánh hàng rong bán gia vị như hồ tiêu đen và mù tạt nguyên chất rất được người Đại Đường hoan nghênh.

Còn đám tiểu thương bán hạt quả hồ trăn (hạt dẻ cười) đẩy xe liên tục lớn giọng rao, quảng cáo công năng của hạt quả hồ trăn có thể giúp nam tráng dương bổ thận, nữ đạt được cao triều rên lên vì sung sướng, lời quảng cáo ngay lập tức hấp dẫn vô số chị em phụ nữ, ai mà lại không muốn đàn ông của mình to lớn dũng mãnh chứ, bất kể là ở ngoài đời hay ở trên giường.

Phía sau những gánh hàng rong có một con sông nhỏ nước trong vắt, một cây cầu nhỏ làm bằng đá và gỗ vắt ngang sông. Bước lên cầu qua sông, bên bờ sông trồng đầy chuối ba tiêu (hay còn gọi chuối tây, chuối sứ), sau hàng chuối là một tửu quán, mùi rượu từ quán tỏa ra xung quanh rất nồng, hòa nhập vào bức ảnh phồn hoa trên con phố lớn.

Nhưng thế giới phồn hoa sinh động trước mắt cuối cùng cũng không thể so sánh được với hình ảnh thế giới phồn hoa trên sách vở. Hình ảnh vẽ trong sách, ngươi có thể xóa đi tất cả những thứ ngươi không cần, nhưng trong thế giới hiện thực lại không thể, bất cứ lúc nào, ở đâu cũng có người nghèo. Ngay lúc đó, một thằng bé ăn xin quần áo tả tơi, đi chân đất đang tháo chạy thục mạng, phía sau có hai người đàn ông trung niên hùng hổ đuổi theo.

Thằng bé ăn xin trốn vào trong một con hẻm nhỏ, cuối cùng kiệt sức bị hai người đàn ông đuổi kịp. Dưới trận đòn tay đấm chân đạp tới tấp, thằng bé ôm đầu cuộn mình lại như một con chó nhỏ. Người của nó bị đá hết phát này đến phát khác bay bổng lên nhưng nó không xin tha, cũng không than đau, mãi đến khi bị đá một cái rơi vào trong rãnh nước bên cạnh con hẻm, nó mới la lên một tiếng đau đớn rồi ngất lịm đi.

Hai người đàn ông trung niên phất tay áo bỏ đi miệng còn rủa xả:

- Thằng ăn mày chết bầm dám ăn trộm đồ ăn của tao, để tao bắt được lần nữa đánh cho mày chết luôn!

Người trên phố qua lại như mắc cửi nhưng không một ai để ý tới.

Cũng không biết trải qua bao lâu, có một người đàn bà mặc váy và cái áo đơn cũ nát dắt theo một cô bé từ trong con hẻm nhỏ tối tăm lủi thủi đi đến, cô gái nhỏ thấy thằng bé ăn xin nằm vật ra bên rãnh nước, cô bé dừng bước. Hình như xảy ra một cuộc tranh chấp nhỏ giữa hai mẹ con, cô bé rút cục thắng. Cô bé vén cái váy rách rưới nhanh chân chạy đến bên rãnh nước.

Cô gái nhỏ ngồi xổm xuống nhìn thằng bé đang bị ngất, sau đó cầm cái bình vỡ từ trong tay mẹ cẩn thận đút cháo cho thằng bé. Thằng bé ăn xin rõ ràng đói bụng lắm, mặc dù đang trong hôn mê nhưng khi cháo đút đến miệng nó vẫn vô ý thức vội vàng nuốt xuống.

Thằng bé ăn xin từ từ tỉnh lại, khi mở mắt ra nó cảm thấy đau nhói. Một mắt của nó bị đánh thâm tím, xưng vù lên nhìn chỉ còn thấy một đường như sợi chỉ. Sau một hồi choáng váng, nó khẽ hí mắt nhìn cô gái nhỏ trước mặt.

Cô bé khoảng sáu bảy tuổi, người gầy trơ xương, khuôn mặt nhỏ bẩn thỉu, mái tóc rối tung có lẽ vì thiếu dinh dưỡng nên hơi khô vàng, chỉ có cặp lông mày là vừa đen vừa rậm. Đàn ông con trai mà có cặp lông mày như thế nhất định trông rất khí phách hào hùng, nhưng với đàn bà phụ nữ thì hình như nó hơi đậm quá.

Cô gái nhỏ mặc một chiếc áo ngắn màu xanh nhạt, chỗ đầu vai áo bị rách mờ mờ thấy cả da thịt, phía dưới cô bé mặc cái váy hình lá trúc kéo cao tới ngực. Lúc này cô bé đang ngồi xổm trước mặt thằng bé ăn xin, vì vậy chỗ rách của váy lộ ra hai cái đầu gối trắng trẻo.

Thằng bé nhanh chóng hiểu rõ tình cảnh của mình, cũng nhìn ra thân phận của hai mẹ con kia, nó không nói lời cảm ơn, chỉ kinh ngạc nhìn cô gái nhỏ. Cô bé toét miệng cười với nó, có lẽ là do đang thay răng, hàm răng cô bé bị sún thoạt trông rất buồn cười.

Cô bé nghiêng đầu suy nghĩ rồi móc từ trong người ra một cái bánh bao không nhân, cẩn thận bẻ thành hai nửa, so sánh một hồi mới để một nửa lớn hơn vào lòng thằng bé. Cô bé lại toét miệng cười với nó, sau đó cầm cái bình vỡ đứng lên. Người mẹ bước tới dắt tay con, thản nhiên nhìn thằng bé ăn xin một cái rồi hai mẹ con men theo con hẻm nhỏ âm u bỏ đi.

Thằng bé ăn xin gắng gượng nặng nề đứng lên, xương cốt cả người nó đau nhức. Nó kéo kéo lại bộ quần áo rách như tổ đỉa của mình, ngỡ ngàng nhìn xung quanh rồi vô ý thức đi theo sau hai mẹ con kia.

Cô gái nhỏ cầm tay mẹ, thỉnh thoảng quay đầu lại nhìn. Cô bé nghĩ hoàn cảnh của thằng bé ăn xin cách đó không xa xem ra còn trắc trở khó khăn hơn hai mẹ con họ. Quần áo thằng bé rách tươm chỉ đủ tạm che đậy thân thể, cổ áo hở toang lộ ra bộ ngực gầy trơ xương, gương mặt nó gầy guộc xanh xao, trên mặt bầm tím, vết thương mới chồng lên vết thương cũ.

Cô bé lại toét miệng cười với nó.

Dần dần con đường càng lúc càng hẻo lánh, một ngôi miếu đổ nát xuất hiện ở phía trước, nửa ngôi miếu còn có tường bao quanh, nửa kia đổ ngã xiêu vẹo.

Người phụ nữ dắt con đi vào trong miếu. Thằng bé ăn xin đứng ngoài một lát rồi cũng vào theo.

Trong ngôi miếu đổ nát không chỉ có mỗi một tên ăn mày, một lão ăn mày già ngồi dưới ánh mặt trời, cởi tấm áo rách trên người lộ ra thân thể chỉ còn da bọc xương bắt bọ chét. Một tên ăn mày khác có da có thịt hơn một tí đang nằm trên đống cỏ khô, chân bắt chéo miệng khẽ ca hát.

Người đàn bà dẫn con gái tìm một chỗ ngồi trong miếu, cô gái nhỏ bắt đầu ăn, còn người đàn bà lấy một nắm cỏ dại dai bền ra bện tết cái gì đó.

Thằng bé giống như con thú nhỏ đang hoảng sợ đề phòng đánh giá xung quanh miếu, nhưng nó vẫn một mực như trước bước lại gần chỗ hai mẹ con. Nó rất ít khi được đối đãi tử tế, lòng tốt của cô bé khiến nó cảm thấy rất thân thiết, nó không nơi nương tựa, theo bản năng sẽ muốn gần gũi với thứ mà nó cảm thấy thân thiết.

Cô gái nhỏ bị mất hai cái răng cửa nên vất vả gặm cái bánh bao không nhân, gặm thật lâu cho đến khi nước bọt thấm ướt bánh bao rồi mới dùng hết sức cắn một miếng. Cô bé vui vẻ nuốt bánh bao, nhìn thằng bé nhỏ giọng hỏi:

- Ta tên Nữu Nữu, ngươi tên gì?

Thằng bé hình như có vẻ ngỡ ngàng, hồi lâu, có cái gì đó chua xót trào lên khóe mắt, nó nhẹ nhàng đáp:

- Ta. . . tên A Sửu.

- A Sửu, ngươi ngồi xuống đây!

Nữu Nữu vỗ vỗ đống rơm bên cạnh, A Sửu nhìn nhìn rồi ngồi xuống bên cạnh cô bé.

Nữu Nữu cắn bánh bao, nghiêng đầu nhìn nó hỏi nhỏ:

- Sao ngươi bị người ta đánh vậy?

A Sửu đáp:

- Bởi vì ta trộm đồ ăn của họ.

- A! Thế thì không tốt đâu, đi xin cơm ăn được cơ mà, cuối cùng rồi cũng sẽ gặp được người thiện tâm thôi.

A Sửu trầm mặc một hồi mới khẽ nói:

- Ăn xin, ta làm không được, ta...không thò tay ra được...

Hai chiếc răng cửa của Nữu Nữu bị gãy, cái bánh bao cũng không biết đã để mấy ngày nên cứng như đá, gặm cả buổi, gặm cho ướt nhẹp toàn nước bọt mà cô bé vẫn chưa cắn được miếng tiếp theo. Nghe A Sửu trả lời, cô bé ngừng gặm, ngạc nhiên mở to miệng hỏi:

- Tại sao thế? Chẳng lẽ trộm đồ không mất mặt à?

A Sửu nghiêm túc suy nghĩ một chút rồi đáp:

- Ta không biết, mặc dù trộm cũng thò tay, nhưng. . . cảm giác hình như không giống ăn xin. Ăn trộm ta chỉ cẩn chuẩn bị tốt tư tưởng là sẽ bị đánh, còn ăn xin, ta không thò tay ra được, cũng không nói ra được lời xin xỏ...

Nữu Nữu chớp chớp mắt, hoang mang suy nghĩ hồi lâu mới lắc đầu nói:

- Ta không hiểu!

A Sửu cười cay đắng, nó chậm rãi ngẩng đầu, nhìn chùm ánh nắng rọi xuống từ lỗ thủng trên nóc miếu cùng bụi bặm bay lượn trong ánh nắng, nó buồn bã nói:

- Thật ra bản thân ta cũng không hiểu. . .

Nữu Nữu cười khúc khích:

- A Sửu, ngươi đúng là một tên ăn mày kỳ lạ.

A Sửu bướng bỉnh nhấn mạnh:

- Ta không phải tên ăn mày! Cho tới bây giờ ta chưa từng ăn xin!

Tính tình Nữu Nữu rất tốt, cô bé nhượng bộ:

- Được rồi được rồi, ngươi không phải ăn mày, ngươi là một tên trộm kỳ lạ, như vậy được chưa? Hì hì.

- Ừ!

A Sửu suy nghĩ một chút mới trịnh trọng gật đầu, chấp nhận lời đánh giá này của cô bé.

Nữu Nữu quay đầu kéo ống tay áo mẹ cất giọng năn nỉ:

- Mẹ, mẹ bện cho A Sửu một đôi giày được không?

Cô bé lại quay đầu qua nháy mắt mấy cái rồi hỏi:

- A Sửu, ngươi chịu ở lại đây không?

. . .

- Chịu không?

- Ừ!

Nữu Nữu lại nhe hàm răng sún cười rộ lên, trông rất buồn cười.

Lúc này, một đôi giầy rơm đang dần dần thành hình trong tay mẹ Nữu Nữu. . .

o0o

A Sửu đúng là một đứa bè kỳ lạ.

Nó trước sau ương bướng không chịu đi ăn xin, thà rằng đi trộm.

Bởi vì không phải dân trộm chuyên nghiệp, A Sửu thường bị người ta đánh cho mặt mũi bầm dập, nếu không phải được mẹ Nữu Nữu giúp đỡ, có thể nó đã chết đói từ lâu.

Trong ngôi miếu đổ nát tổng cộng có hơn mười người ăn xin sinh sống, họ nhất trí cho rằng A Sửu nên gọi là A Ngốc, nó khẳng định là một thằng ngốc, chỉ có Nữu Nữu không nghĩ như vậy.

Khi A Sửu ăn no xong, nó chưa bao giờ cùng với mấy tên ăn mày khác ngồi dưới ánh mặt trời, vừa cởi áo bắt bọ chét vừa nói chuyện phiếm với nhau, nó luôn ngồi một mình trên nửa tảng đá to ở sân sau miếu, tay chống cằm ngây người nhìn bầu trời. Nữu Nữu cảm thấy A Sửu nhất định đang suy tư gì đó.

Người khác có biết A Sửu biết suy nghĩ không?

Còn có một lần, Nữu Nữu len lén thấy A Sửu cầm trong tay một cành cây, vẽ gì đó trên mặt cát. Sau khi A Sửu bỏ đi, Nữu Nữu chạy qua nhìn rồi so sánh với nửa tấm bia đá cả buổi mới nhận ra thứ A Sửu viết là chữ trên nửa tấm bia đá, nhớ tới lúc hắn viết động tác lưu loát như nước chảy, Nữu Nữu cực kỳ hâm mộ.

Người khác có biết A Sửu biết viết chữ không?

A Sửu còn biết leo cây lấy trứng chim, biết dùng cành cây đập chuồn chuồn, biết xuống sông bắt cá, bất kể là trứng chim, chuồn chuồn hay là cá, cuối cùng đều không ngoại lệ biến thành thức ăn thơm ngon, mặc dù chúng nó vẫn thường bị nướng cháy khét, nhưng Nữu Nữu ăn rất ngon miệng.

Trong khoảng thời gian đó, mặt mũi A Sửu luôn bầm tím, còn môi Nữu Nữu thì luôn đen sì sì.

Trong quãng đời tuổi thơ Nữu Nữu ăn xin để sống, Nữu Nữu nhận đủ ánh mắt ghẻ lạnh và những chuỗi ngày đói khổ lạnh lẽo, nhưng mấy ngày làm bạn với A Sửu trở thành hồi ức đẹp nhất của cô bé.

break
Hệ Thống Xuyên Không Dục Nữ
Ngôn tình Sắc, Xuyên Không, Cổ Đại
Anh Rể Cứ Muốn Tôi
Ngôn tình Sắc, Sủng
Bà Chủ Trọ Muốn Được Yêu
Ngôn tình Sắc, Đô Thị
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc