Sáng nay là một ngày nắng đẹp, Thần Thụ Cung náo nhiệt hơn bình thường. Ngọn cờ Khương La bay phấp phới trên đầu kị binh. Gót ngựa cào vào đất, bới tung một màng bụi mỏng. Ngựa chạy thong dong, chuông đeo trên cổ kêu leng keng, khuyên sắt trên áo giáp cọ loảng xoảng. Đoàn diễu hành ôm cờ chạy quanh đấu trường. Quốc kỳ Khương La có hình tam giác lệch, nền vàng kim, xung quanh là những tua rua đỏ mô tả ngọn lửa. Cờ thêu chữ “Khương” kiểu phức thảo hai mươi tư nét ở góc trái, chính giữa là con mãnh long vảy trắng, thân hình to khỏe đang rướn cổ nuốt mặt trời. Ngọn quốc kỳ nào đã lưu truyền qua nhiều triều đại, họa tiết có khác, màu sắc có khác nhưng mãi mãi là rồng trắng và mặt trời. Quốc giáo Khương La cho rằng Thái Dương là khởi nguồn của sự sống, nó mang ánh sáng xua đi tối tăm, làm cỏ cây nảy mầm, vạn vật sinh sôi. Rồng trắng là nguyên hình của Bạch Cự Long trong truyền thuyết, chính là con rồng bị trời phạt hóa thành ngựa một sừng của thảo nguyên. Ngưu Chỉ Ôn thuần phục Bạch Cự Long, thống nhất mười tám bộ lạc khai sinh ra Khương La hoàng triều. Thế nhưng, vì sao rồng nuốt mặt trời? Muốn biết rõ phải nhắc lại một tích cũ…
Dưới thời trị vì của Thiên Vĩnh đế, một năm nọ xảy ra Nhật thực, trời trưa đang nắng bỗng tối om om. Tuy ánh sáng chỉ biến mất vài phút nhưng thói mê tín dị đoan trong dân chúng nghìn năm khó sửa, khắp nơi rộ lên tin đồ thất thiệt, nói rằng điềm báo ngày tận thế sắp tới. Ngày đó mặt trời sẽ bị quái thú nuốt chửng, trần thế phải sống trong cảnh lầm than. Ban đầu tin đồn chỉ lưu hành trong nhóm nhỏ, dần dần lan ra cả nước. Nhiều người bắt đầu tích trữ lương thực, đào hầm ẩn trốn, tình trạng cướp của giết người xảy ra thường xuyên, cả nước chìm trong không khí âm u quỷ dị. Thiên Vĩnh đế ngự trên ngai vàng, sau khi nghe triều thần báo cáo thì đột nhiên vui tính muốn kể chuyện cười:
-Tháng trước trẫm đang ngủ trưa, nằm mơ thấy mình biến thành con rắn. Mặt đất quá bẩn, trẫm nghĩ đi trên mây sạch sẽ hơn. Xung quanh lại không có gì ăn, may mắn tìm được một cái bánh nóng giòn. Vui vẻ cắn một miếng ai ngờ trời đất tối đen, trẫm đành phải kiềm cơn đói mà ói nó ra… Chặc chặc… cái bánh đó ngon lắm, ói ra vẫn hơi tiếc…
Triều thần đứng bên dưới tất cả ngây đơ. Bệ hạ à, truyện cười này không vui chút nào! Thế là hôm sau có một tin đồn khác trổi dậy lấn áp tin đồn cũ. Hóa ra hoàng đế ngủ gật nên bị ngớ ngẩn, ăn gì không ăn, lại ăn nhầm mặt trời. Để toàn dân tin tưởng, Thiên Vĩnh đế cho sửa lại quốc kỳ, con rồng trắng há to cái miệng rộng, chực nuốt Thái Dương. Về sau nhiều nhà sử gia vỗ bụng bật cười, bảo rằng Thiên Vĩnh đế bốc phét có nghệ thuật, vừa khéo xoa dịu lòng dân, vừa nâng cao uy vọng của mình.
Trở lại đấu trường ở Thần Thụ Cung sáng hôm ấy. Kị binh vũ trang đúng quy cách, bắt đầu trình diễn múa cờ theo thông lệ. Trống cái nổi lên, trống con hòa âm, tiếng huỳnh huỳnh dội vào lồng ngực, đầu óc cũng tăng tăng dồn dập như nhịp trống. Đây là trống trận quen thuộc mà bất cứ ai đã sống qua thời buổi loạn lạc đều bị ám ảnh. Tiếng trống nổi lên cùng tiếng thét xung phong, lớp lớp người nằm xuống, lại tầng tầng kẻ lao lên, hiên ngang bất khuất đến khi không còn sót lại ai, đến khi người đánh trống cuối cùng cũng buông dùi ngã xuống. Đó là trống trận của Khương La, thứ âm thanh như một mê khúc in hằn vào tâm trí vạn người, là rượu nồng không thể thiếu của binh lính, là độc dược quấy nhiếu giấc mơ của quân thù. Tiếng trống như mang theo hồn nước bay lên, bay lên, bay lên…
Múa cờ không hẳn là vũ điệu, nó giống võ học quyền cước hơn. Múa chính là một đại nam nhân to khỏe, tay như cành lim, gồng mình nâng trụ cờ nặng mấy tạ. Lá cờ to như tấm chăn lớn, phải dùng thật nhiều sức lực mới có thể khiến nó tung bay. Động tác đảo cờ, quạt cờ, thậm chí lộn nhào mà vẫn giữ vững trụ cờ, tốc độ nhanh tới mức chỉ kịp nhìn thấy những vệt màu vàng kim chớp nhoáng. Trống nện dồn dập, mồ hôi túa ra bóng loáng trên cánh tay nổi đầy gân xanh, lá cờ lướt là là trên đất mà không kịp chạm đất đã bay vọt phất lên. Trống đánh đến hồi cuối, nhiều người không chịu nổi bưng ngực nín thở, họ cảm giác mạch máu muốn vỡ tung ra theo cao trào. Người múa chính đá mạnh trụ cờ ở thế nằm ngang, với sức nặng này có thể gãy chân như chơi, vậy mà hắn đã khiến cây cờ bay tự do lên không trung. Chờ đến tầm cao vừa phải, hắn phóng người dùng khinh công đỡ lấy ngọn cờ, chân đạp gió như đuôi cá bơi trong nước, thành công bay lên nóc nhà chính cung. Lá cờ được cấm xuống tòa kiến trúc cao nhất, những viền tua rua bay phần phật như đóm lửa. Mọi người ngẩng đầu trông lên Quốc kì, cảm giác con bạch long sống động như thật, chỉ sơ sẩy một chút là nó hướng lên trời xanh bay mất. Bấy giờ trống ngừng lại, tất cả dũng mãnh lắng xuống, chỉ còn có màu cờ và tiếng tim thình thịch. Không biết là ai hồi tỉnh trước, vỗ tay kịch liệt, mọi người bị đánh thức mới vội vàng hùa theo, tiếng thán tụng ngập trời, cũng oai hùng không thua gì trống trận. Mãi đến khi bệ hạ ra hiệu ngưng thì họ mới phát hiện bàn tay đỏ bừng đau rát. Qúa tuyệt!
-Tốt! Tốt! Tốt!
Hoàng đế nói liền ba chữ tốt, nét mặt cũng vui vẻ nhu hòa đi.
-Người đâu, trọng thưởng!
Đoàn kị binh đồng loạt quỳ tạ ơn sau đó nhanh chóng lui ra. Sáng nay là ngày cuối của hội võ, năm người xuất sắc nhất sẽ tranh tài để tìm chức vô địch. Chức này còn lớn hơn võ trạng, vẻ vang hơn võ trạng biết bao lần! Hoàng đế ngồi ở chỗ cao nhất trên khán đài. Hôm nay ngài không mặc triều phục, chỉ có một bộ lam y thanh thoát, ngọc quan đơn giản, nếu trà trộn vào đám đông sẽ giống một công tử thế gia. Tiếc là ánh mắt vừa kiêu ngạo lại oai nghiêm này không sớm thì muộn cũng tiếc lộ thân phận của hắn.
Triệu hoàng hậu hiếm có lúc cùng xuất hiện với bệ hạ. Hôm nay nàng mặc váy tím, điềm đạm đoan trang đúng vai mẫu nghi thiên hạ. Ngồi dưới một bậc là Dung phi nương nương, quả đúng là mỹ nhân nghiêng nước nghiêng thành. Nàng che vải sa mỏng, càng lộ ra sự huyền bí và dụ hoặc, hoa sen giữa trán rực rỡ như thanh xuân của nàng. Bên tay trái bệ hạ là Minh Châu Quận chúa. Mặc dù tên tuổi nàng được nhắc tới quá nhiều, ai ai cũng rõ nhưng xưa nay bệ hạ giấu người thật kĩ, chưa bao giờ nàng có mặt trong những sự kiện đại chúng thế này. Lần đầu tiên Quận chúa lộ diện công khai, mọi người đều tranh thủ nhìn lén một chút, nhớ kĩ một chút.
Màn múa cờ khai mạc hội võ quá sức hấp dẫn, tinh thần mọi người lên cao, hứng thú bừng bừng chờ phần thi chính thức. Năm người giỏi nhất cũng không khó đoán, đều là tên tuổi lớn, trong đó được chú ý nhất là Thập thất hoàng tử của Đại Thế, Sử Hựu Trát con trai Đô đốc quân và Đô Thư Doanh cận thần bên người bệ hạ. Hai cái tên đầu không có bất ngờ gì nhưng mà Đô Thư Doanh có thể vào vòng trong khiến nhiều người suýt rớt tròng mắt. Thật sự bản lĩnh của hắn chỉ ở mức khá nhưng chẳng biết lần này ăn phải thuốc kích thích gì nên hết sức liều mạng, bị đánh bầm giập vẫn nhìn chằm chằm đối thủ mà gắng gượng bò dậy. Thấy hắn cố chấp bán mạng, đối phương chần chừ để lộ sơ hở, không thì chủ động nhận thua luôn. Cho dù khó khăn vượt qua từng người, Đô Thư Doanh vẫn trèo lên tốp năm.
Tiếng huýt sáo và reo hò trên khán đài rộ lên, năm người lần lượt bước vào sân, đứng thành một hàng chấp tay sau lưng, chân ngang bằng vai, ngực ưỡn thẳng nhìn lên đấng chí tôn. Mặc dù chiều cao có phần xê xích nhưng cả năm người đều anh khí xán lạn theo một cách riêng, thân hình chắc nịch vững vàng, đôi mắt thể hiện quyết tâm và lòng hiếu thắng. Đúng là tuổi trẻ!
Ca Dương thầm than một tiếng, mắt nhìn qua một lượt năm khuôn mặt, thâm ý dừng lại ở Đô Thư Doanh khá lâu. So với bốn người kia, thể trạng hắn kém hơn. Trên khóe môi vẫn còn vết bầm đen chưa lành. Ca Dương biết rõ bên dưới quần áo là vết thương lớn nhỏ khác. Tình cảm quân thần bao nhiêu năm không phải bằng hữu sơ giao, Thư Doanh trở nên như vậy Ca Dương cũng thấy khó chịu.
Hoàng đế phát biểu vài lời hình thức, đại khái là khen ngợi và hứa hẹn phần thưởng. Ánh mắt của ba người trong số đó làm hắn hơi bực mình. Ngồi ở vị trí này Ca Dương thấy rất rõ, hai nữ nhân trái phải bên cạnh hắn đều bị chiếu tướng. Chuyện giữa Hoàng hậu và Thư Doanh hắn không can thiệp vào, chỉ cần đừng liếc mắt đưa tình lộ liễu là được. Thế nhưng tại sao hai tên kia cứ nhìn chằm chằm Tương Tư? Sắc mặt hoàng thượng trầm xuống, làm động tác giả ngã lưng vào thành ghế, cánh tay trái khẽ chuyển, giấu dưới ống tay rộng lén lút nắm lấy bàn tay nhỏ. Khoảng cách giữa hai chiếc ghế rất gần, ở vị trí cao này sẽ không ai phát hiện bàn tay Quận chúa bị bệ hạ siết chặt. Tư Tư đang híp mắt cổ vũ Sử Hựu Trát đồng thời lè lưỡi với Lỗ Lang, đột nhiên bàn tay bị giam lại khiến nàng bối rối nhìn sang bệ hạ. Vậy mà hắn không tỏ thái độ gì, vẫn bình thản nhìn xuống võ đài. Tư Tư khó hiểu nghiêng đầu, nàng từng nghe Tiểu Mai kể chuyện ma, có một a hoàn nọ buổi tối đi vệ sinh mà quên mang giấy. Trong lúc gấp gáp thì một bàn tay thò vào ô cửa nhà xí, tốt bụng đưa giấy cho nàng. Kết quả a hoàn kia vừa nhận giấy thì cánh tay đó rớt xuống, từ cổ tay trở lên trống rỗng, bốn ngón tay bò lổn ngổn trên đất… Tư Tư dựng tóc gáy, run run sờ thử không biết là tay ai… Mãi tới khi xác định đúng là tay anh họ nàng mới thở ra một hơi, an tâm nắm ngược lại. Thấy Tư Tư không phản kháng mà còn hồi đáp hắn, Ca Dương khẽ nhếch môi cười, may là hắn không biết trong đầu cô nhóc vừa nghĩ chuyện gì.
-Được rồi, cuộc thi có thể bắt đầu nhưng mà… Thái y đã nói sức khỏe Đô Thư Doanh không đảm bảo tham gia, khanh bước ra ngoài đi!
Hoàng đế dứt lời, mọi ánh mắt đổ dồn về nam nhân mặt mũi nhợt nhạt đứng ở giữa. Hắn cúi đầu rồi lại ngẩng đầu, tỏ vẻ quyết liệt chống lại mệnh lệnh:
-Bẩm thánh thượng, trong luật lệ thi đấu không có điều khoản này, đánh thắng tức là vào vòng trong, không liên quan sức khỏe tốt hay không.
Ca Dương bật cười, trong nụ cười không thấy vui vẻ mà chỉ có tức giận và châm biếm.
-Đánh thắng? Ý ngươi là đem mạng ra cược để thắng? Ngươi có hiểu tinh thần thượng võ là gì không? Thua phải biết nhận thua, võ học là để bảo vệ Quốc gia và rèn luyện thân thể, không phải dùng để thí mạng vô ích. Lập tức cút ra ngoài!
-Bệ hạ, thần không đồng ý, như vậy là bất công, tại sao thần không thể đứng ở đây trong khi rõ ràng thần đã đánh bại những đối thủ của mình?
Đô Thư Doanh ăn miếng trả miếng làm cho chúng quan thần phải líu lưỡi đọc kinh cầu siêu cho hắn. Họ Đô này ỷ được bệ hạ coi trọng mà làm kiêu, hắn không cần cái đầu nữa à?
Ca Dương nheo mắt lại, sắp sửa bạo phát dạy cho Thư Doanh một bài học vì dám đối đầu với mệnh lệnh của hắn. May mắn lúc này Tư Tư khẽ cử động bàn tay, bất an và lo lắng trong đôi mắt nàng hắn nhìn thấy rất rõ. Ca Dương hít sâu, cố kiềm chế cơn giận chực trào, hắn không muốn để lại ấn tượng xấu trong lòng Tư Tư, vẫn nên làm ông vua độ lượng nhân từ thì hơn! Ca Dương thu lại biểu tình, nhìn xuống khuôn mặt ương ngạnh của Thư Doanh.
-Khanh bất chấp như vậy, không lẽ thèm khát phần thưởng phát điên rồi? Bài miễn tử rất quan trọng với khanh sao? Khanh đã làm chuyện tầy trời gì nên mới cần lá bài miễn tử?
Vô địch hội võ lần này được thưởng vàng bạc rất hậu hĩnh, bên cạnh đó còn có bài miễn tử vô giá, giống như sinh mệnh thứ hai mà ai cũng ao ước. Đô Thư Doanh ngoan cố như thế, nhiều khả năng là muốn bài miễn tử. Mọi người đều gật gù đồng ý, chắc chắn Đô đại nhân đã làm sai chuyện lớn gì rồi, cho nên mới sốt ruột muốn phần thưởng như vậy!
Thư Doanh bị nói trúng tim đen, hơi bất an đưa mắt sang Triệu hoàng hậu ngồi bên trên, thấy nàng mím môi lạnh lùng không nhìn hắn. Thư Doanh cụp mắt xuống, hơi cười nhạo bản thân, hắn cũng không biết mình cuồng si đến thế sẽ được kết quả gì…
-Bệ hạ nói không sai, vi thần… muốn bài miễn tử nhưng vi thần không làm chuyện tầy trời ảnh hưởng quốc gia. Thần cần bài miễn tử… để tặng cho một người khác!
Ca Dương ồ một tiếng, như có như không liếc nhìn Hoàng hậu, nhận thấy Triệu Tiếu Vy chẳng còn trẻ trung gì nhưng nhan sắc không thay đổi nhiều so với lúc mới tới Khương La. Hắn nắn nhẹ bàn tay mềm mại, có chiều ngẫm nghĩ.
-Nếu khanh đã quyết tâm như vậy thì trẫm sẽ mở một cửa sinh. Bài miễn tử này chắc chắn khanh không lấy được nhưng một thỉnh cầu thì thế nào? Chỉ cần không tổn hại quốc gia, không bất trung bất nghĩa trẫm sẽ đồng ý!
Ánh mắt u ám của Thư Doanh sáng bừng lên, giống như cái cây khô héo lâu ngày tìm ra nguồn nước.
-Đừng vội mừng, thỉnh cầu không dễ dàng như thế. Chỉ cần khanh vượt qua hai người thì trẫm sẽ thành toàn.
Thư Doanh cung kính ôm quyền, trịnh trọng nói:
-Xin đa tạ bệ hạ! Điều kiện này vi thần chấp nhận!
Trên khán đài có tiếng bàn tán, mọi người đang cược liệu Đô đại nhân có thẳng nổi hai người không. May là bệ hạ cho phép hắn lựa chọn, Thư Doanh không ngu dại đối đầu với Lỗ Lang hay Sử Hựu Trát, hắn chọn hai người còn lại. Trận chiến diễn ra hết sức căng thẳng. Tuy kĩ thuật và chiến thuật của Thư Doanh tốt hơn đối thủ nhưng hắn có nhiều thương tích chưa lành, ảnh hưởng đến tốc độ và thể lực; hạ được người thứ nhất chủ yếu nhờ vào cái đầu tỉnh và sự sáng suốt. Triệu Tiếu Vy siết chặt khăn tay, dù không muốn xem vẫn phải nhìn mấy lần. Nàng thấy Thư Doanh chống kiếm bò dậy, miệng rách một đường, bên má sưng vù. Hắn dùng tất cả hơi sức đỡ mỗi nhát chém của người thứ hai. Vài lần mũi kiếm lia qua cổ, Tiếu Vy thấy tim mình nhảy thót lên, suýt văng khỏi lồng ngực. Ban đầu quần chúng thích thú bình luận, về sau tiếng nói chuyện cũng không có, ai cũng nhìn Đô Thư Doanh vùng vẫy mà xót xa. Cứ ngỡ hắn sắp ngã, không ngờ vẫn đứng lên!
Trong một khắc kịch tính đau tim, đối phương tung chưởng sắp nện trúng ngực, Thư Doanh khôn ngoan tránh ra, đồng thời dùng hết sức bồi một kiếm chéo lưng, lại vung chân đạp đối thủ xuống võ đài. Trong hội võ không thể khiến người khác mất mạng hay tàn phế, chỉ đánh tới khi cạn kiệt sức lực đầu hàng mới thôi. Người nọ rơi khỏi võ đài, nằm dài không dậy nữa, trọng tài xác định hắn đã bất tỉnh. Cả khán đài vỗ tay rần rần, Tiếu Vy rút hơi thở nhẹ nhõm, Thư Doanh lúc này mới yên tâm ngã xuống, hắn cũng mệt sắp chết rồi! Hoàng thượng cười tán thưởng, quả không nhìn lầm người.
Hội võ năm nay có nhiều chuyện bất ngờ, Đô Thư Doanh là một trong số đó. Sau khi hắn được khiêng đi chữa trị, trong sân chỉ sót lại hai người. Theo lệ cũ trọng tài sẽ tung đồng tiền, ai đoán trúng mặt phải thì được chọn hình thức tỉ thí. Lỗ Lang là người đoán trúng, hắn gãi mũi suy nghĩ một hồi rồi cười nói:
-Chuyện này… thật ra cung thủ của gia hơi tệ. Vậy cứ thi bắn cung đi!
Hắn vừa nói xong quần chúng đã gây gắt lên án. Lời này có ý gì? Khinh thường nam tử Khương La à? Một lão thần vuốt râu bất mãn, cao giọng châm chích:
-Hội võ của chúng tôi, hoàng tử Đại Thế tham gia làm cái gì? Hắn không phải con dân Khương La, bài miễn tử cũng không xài được. Chẳng lẽ Đại Thế nghèo tới nổi hoàng tử phải qua đây tỉ võ kiếm chút bạc vụn rồi?
Một người khác ngứa miệng cũng nói to:
-Đúng đó! Đúng đó! Sử tiểu tử, ngươi đánh cho tên phách lối này không còn cái quần chạy về nhà cho ta!
Cả khán đài rộ lên tiếng cười. Đối với một hoàng tử mà nói, bị xúc phạm đến mức này là nỗi nhục nhã. Lỗ Lang lại trơ trơ không bị đả kích gì, thứ hắn dư dả nhất chính là da. Có lẽ tính toán của Thái tử không sai, để Lỗ Lang đến Khương La sẽ tránh được nhiều chuyện phiền phức khoét sâu mối bất hòa giữa hai vương triều.
Ca Dương không thể hiện thái độ rõ ràng, vẫn im lặng mặc cho thần tử của mình công kích. Từ sau cuộc đụng độ ở trong rừng ngày đầu tiên, thiện cảm đối với Lỗ Lang từ số không đã thành số âm. Ca Dương lười phải khách khí với hắn, đạo làm chủ nhà cũng không thực hiện, chỉ cho người giám sát mà không ngó ngàng gì hắn nữa. Khá bất ngờ là Lỗ Lang cũng có bản lĩnh, đường hoàng lọt vào vòng trong, tự tin đứng trước mặt mọi người.
Lỗ Lang hào sảng ôm quyền chào một vòng đấu trường, giọng nói mạch lạch lễ độ:
-Các vị, các vị, gia rất cảm kích lòng quan tâm của các đại hiệp. Không có quần cũng không sao, bình thường gia cũng ít mặc quần, để vậy cho nó mát… thuận tiện hành sự hơn!
Ở trong nước ai mà biết Thập thất hoàng tử không nói thì thôi, hễ mở miệng đều rất thối! Văn nhân triều đình đọc sách thánh hiền, bị từ ngữ thô thiển làm nghẹn đỏ mặt. Tư Tư cũng thấy có gì đó không đúng, thì thầm hỏi hoàng thượng:
-“Hành sự” là làm cái gì?
-Đừng cố hiểu, chẳng có gì hay ho hết!
-À, muội biết ngay không phải chuyện hay ho mà!
-Không phải, ý trẫm là hắn hành sự chả hay ho gì hết… hành sự không hẳn là không hay…
Sao mà lòng vòng thế kìa? Tư Tư khó hiểu gãi vào mu bàn tay Ca Dương. Mặc cho người người phỉ nhổ cỡ nào, Lỗ Lang vẫn cười tươi rói. Cuộc thi cứ bắt đầu như thế, cho dù ở trên “sân khách” hắn cũng không mất phong độ chút nào. Tít xa bãi bắn dựng mười hai tấm bia, khoảng cách này đòi hỏi thị lực phải thật tốt cùng với sức kéo dây cung đủ mạnh mới trúng đích. Trúng hồng tâm lại là một cấp độ khác. Thi bắn tên chia ra nhiều thể loại, ví dụ đứng tại chỗ ngắm bắn, vừa chạy vừa bắn, khó nhất là cưỡi ngựa bắn liên hoàn. Vòng đầu tất nhiên cả hai đều dễ dàng vượt qua không chút sơ suất. Trên khán đài reo hò tên của Sử Hựu Trát, chàng trai bị người người xướng danh cũng bắt đầu ngượng.
Ngồi bên cạnh Ca Dương, Tư Tư nhiệt liệt không kém. Nàng vẫy khăn tay, hồi hộp chờ đợi mỗi khi hắn giương cung bằng động tác điệu nghệ. Có người khen thế đứng của Hựu Trát quá chuẩn, rất đẹp; xong rồi phê bình Lỗ Lang không biết cách cầm cung, hệt như trẻ con nghịch cho vui.
Tới phiên Hựu Trát ra sân, hắn siết chặt thân cung trong tay, đeo ống tên trên lưng, từ xa xa đã tập trung phán đoán khoảng cách và góc độ. Mười hai tấm bia đặt chênh lệch không đều, chỉ bằng một lần chạy phải bắn trúng nhiều nhất có thể. Khi hắn tập trung hết tinh thần vào những vòng tròn tròn đỏ đỏ thì bên tai chợt nghe một giọng nói mềm mại đầy vui vẻ:
-Sử đại ca cố lên!!! Cho củ khoai lang đó biết tay!
Hựu Trát khựng lại, quay đầu tìm kiếm ở chỗ cao nhất. Hắn bắt gặp ánh mắt đầy tin tưởng của nàng, môi nở nụ cười như gió xuân. Khuôn mặt nàng thanh tú sinh động là thế, khiến hắn lưu luyến nhìn thêm vài lần. Cảnh tượng Sử Hựu Trát và Quận chúa “dây dưa ánh mắt” khiến nhiều người có suy nghĩ bay bổng… Bởi vì quá bay bổng nên chẳng ai phát hiện sắc mặt bệ hạ như đang bệnh.
Hựu Trát đứng vào vị trí, tay phải chầm chậm nâng cán cung, ngón tay trái kẹp lấy một đuôi tên trong ống trúc, nhẹ nhàng ráp vào dây cước. Lúc này hắn thấy tự tin tràn trề, giống như không gì không làm được, trong tâm trí ngập tràn hình dáng của Tương Tư. Hựu Trát bắn phát thứ nhất, đôi chân chạy êm ả nhả phát thứ hai, hơi nghiêng người bắn phát thứ ba, dọc theo bãi đá ung dung thả tên, bách phát bách trúng! Mũi tên thứ mười hai ghim vào hồng tâm, tấm bia lắc lư, cả khán đài gào thét inh ỏi. Hựu Trát thở lấy hơi, lập tức tìm kiếm Tương Tư trên lễ đài. Đôi tai hắn sàn lọc tất cả tạp âm, chỉ còn nghe thấy tiếng hét kích động của nàng:
-Á Á! Trúng, trúng rồi, Sử đại ca giỏi nhất!!!
Tư Tư rất muốn đứng lên nhưng mà hoàng thượng vẫn giữ tay nàng gắt gao, hình như càng lúc càng chặt. Khi náo nhiệt chưa lắng xuống thì Lỗ Lang đã vào vị trí, hoàn toàn không bị áp lực sau màn trình diễn xuất sắc vừa rồi. Hắn vậy mà cũng nhìn lên Quận chúa, chỉ thấy cô nàng lè lưỡi làm mặt quỷ, miệng lẩm bẩm nguyền rủa gì đó. Lỗ Lang híp mắt quan sát, sau đó lắc đầu bật cười, giống như bó tay với thái độ “hờn dỗi” của nàng. Quần chúng lại ngửi thấy mùi mờ ám, Quận chúa và Lỗ Lang chắc chắn có cái gì không bình thường…
Lỗ Lang vào cuộc rất nhanh, gần như chẳng chuẩn bị gì ráo. Hắn chạy dọc theo chiều dài bãi bắn, tên rời cung như sao rơi. Đến khi mọi người bừng tỉnh thì tất cả đã xong, người kiểm tra đồng loạt giơ cờ đỏ, cho thấy mười hai phát này đều trúng hồng tâm. Không có cổ vũ, không có hoan hô, Lỗ Lang vẫn không bận tâm, hắn quay đầu nháy mắt với Tương Tư, gửi nàng một nụ hôn gió rồi thích thú nhìn vẻ mặt tức nghẹn và mắc cỡ đỏ bừng. Tại sao biểu cảm nào trên khuôn mặt trái táo đó cũng đáng yêu như vậy?
Lỗ Lang ha ha bước ra ngoài, đụng phải Sử Hựu Trát u ám nhìn mình, có một số tín hiệu mà chỉ đàn ông với nhau mới cảm nhận được. Hắn dừng lại đối diện Hựu Trát, cười khiêu khích trắng trợn, lửa điện xẹt tung tóe. Tình trạng này cứ tái diễn ở các phần thi sau, mặc dù Quận chúa tỏ thái độ rõ ràng đứng về “phe” Sử Hựu Trát nhưng mà Lỗ Lang vẫn trêu chọc nàng, cười sung sướng khi thấy nàng bị tức phát điên. Cuộc thi như đùa mà nghiêm túc, quá mức nghiêm túc, trải qua bao nhiêu loại hình vẫn bất phân thắng bại. Lúc này đã vào giữa trưa, khán giả đói bụng uể oải nhìn hai kẻ sung sức như bò đực, chạy nhong nhong dưới trời nắng gắt. Xong chưa, tại sao còn chưa xong, muốn đấu tới khi nào??? Ai đó thẩn thờ nhìn cảnh tượng này, ca thán một câu:
-Hóa ra là vậy, thì ra Thập thất hoàng tử đến Khương La dự hội võ kén rể!
Hội võ kén rể!
Hội võ kén rể!
Thì ra là vậy!!!
Mọi người chợt bừng tỉnh, suy nghĩ một chút thấy rất hợp lý. Sử Hựu Trát và Lỗ Lang đang cố gắng trổ tài trước Quận chúa đó thôi, quyết liệt tới mức này là muốn giành được mỹ nhân vào tay! Tin về “hội võ kén rể” nóng sốt lan truyền trong chúng thần tử và gia quyến, tự nhiên mọi người hết thấy đói bụng! Tiếng lành đồn xa, chỉ một lát đã lọt vào tai hoàng thượng. Hắn ngồi dưới lộng vải, ẩn mình trong bóng râm hình tròn. Không ai phát hiện ra thần sắc của hoàng thượng cực cực kém. Hàng mi dài hơi rủ xuống, che giấu nhiều ý nghĩ mãnh liệt bên trong. Hắn nắn nhẹ bàn tay mềm, cảm thấy mồ hôi trơn dính vì đã cầm quá lâu. Tư Tư hơi khó chịu, vài lần muốn rút ra nhưng hắn vẫn ngoan cố không buông. Chưa bao giờ Ca Dương có thứ cảm giác khó chịu này: cảm giác của người ngoài cuộc.
Mặt trời đã đứng bóng, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt Lỗ Lang và Hựu Trát, thế nhưng ánh mắt của họ vẫn rực sáng. Chiến thắng lúc này không đơn thuần là danh tiếng và phần thưởng nữa, nó là lòng tự trọng của đáng nam nhi! Một vòng lại trôi qua mà không có hơn kém, người xem cũng mệt rã rời. Vài thần tử nhỏ tiếng kiến nghị với bệ hạ, nên tạm dừng cuộc thì dời sang hôm sau. Ca Dương nhìn xuống tình hình bên dưới, không nói tiếng nào buông tay Tư Tư ra, từ trên ghế đứng dậy. Động thái của bệ hạ lập tức thu hút sự chú ý. Ca Dương nói mấy câu với Ninh công công, lão gật đầu vội vã chạy đi. Hắn bước xuống đấu trường, một thân lam y sạch sẽ tốt hơn Lỗ Lang và Hựu Trát rất nhiều. Dưới cái nắng đứng Ngọ, ánh mắt bệ hạ vẫn không nhíu lại, người ta có ảo giác hắn đang phát sáng. Ninh công công trở về, phía sau là hai thị vệ ì ạch bê một cái hòm dài. Hòm gỗ đặt dưới chân, Ca Dương khom người mở khóa, lấy ra một cây cung thép vàng. Xung quanh có mấy tiếng hít sâu, Trường Cung đã bao năm rồi không tái xuất?
Thanh cung này rất nặng, phải thử vài lần mới nhấc lên được. Ca Dương nhẹ nhàng vuốt ve những kí tự ngoằn ngoẻo không biết là loại ngôn ngữ gì, có lẽ giữa vũ khí và chủ nhân có một mối tương thông nào đó. Sau khi “trao đổi” xong, Ca Dương tùy tiện chọn một ống tên, đeo lên vai bước vào bãi bắn. Triều thần trợn mắt mà nhìn, bệ hạ muốn làm gì vậy???
Trường Cung là một thanh cung rất dài, dây cước cứng không phải ai cũng kéo nổi. Truyền thuyết kể rằng nó là vật tùy thân của Ngưu Chỉ Ôn, thánh vật khai quốc của Khương La. Trường Cung từng được hoàng tộc thay nhau bảo quản, rồi bị thất lạc trong chiến tranh. Tung tích của nó là một điều bí ẩn, mãi tới đời Thiên Vĩnh đế mới đoạt lại được từ tay triều đình Đại Thế. Đó là câu chuyện cũ mà kể ra sẽ khiến con dân Đại Thế thấy mất mặt. Năm ấy Hạ Hầu Vĩnh Khang ngông cuồng ngạo mạn, hắn chỉ nói một câu: “Đem trả Trường Cung, hoặc ta sẽ san bằng vương triều các người trở về thời đồ đá.” Triều đình Đại Thế khi ấy vừa bị thua trận liên tiếp, đánh mất hàng loạt tòa thành. Một lời ngông nghênh đã dọa họ khiếp sợ, hai tay dâng trả Trường Cung. Hành động hèn nhát của chính quyền khiến dân chúng thất vọng tràn trề. Đến giờ nghĩ lại mới thấy, Thiên Vĩnh đế xứng đáng với hai tiếng “vĩ đại”, tuy tính nết ông ta không tốt đẹp gì và kết cục của Hạ Hầu gia cực thê thảm nhưng cả đời Hạ Hầu Vĩnh Khang đã đưa Khương La lên tới đỉnh cao chưa từng có, lấy lại tất cả những gì bị đánh mất trong lịch sử.
Lúc này Trường Cung nằm trong tay Chu Lạc Ca Dương, thanh cung dựng đứng có thể cao bằng người. Sử dụng Trường Cung tốn sức gấp mười lần cung tên bình thường nhưng cũng uy lực hơn mười lần. Bãi bắn yên tĩnh, trăm đôi mắt nhìn theo bệ hạ. Ngài là quốc chủ của Khương La!
Ca Dương đứng vào vị trí ngắm, phía xa tít cuối bãi bắn vẫn đặt mười hai tấm bia như cũ. Hồng tâm đã ghim đầy mũi tên. Ca Dương giơ tay ra sau lưng lấy ba mũi tên sắt ráp vào dây cước, thật ra trình độ bắn ba tên một lúc không quá hiếm lạ, Sử Hựu Trát cũng có thể làm. Chẳng mất nhiều thời gian cân nhắc, hoàng thượng buông dây cung, một đột tác bình thường thế thôi nhưng đường bay của ba mũi tên rất khác thường. Đây là kiểu tốc độ gì thế? Tên bay quá nhanh, sức mạnh tập trung vào đỉnh đầu nhọn hoắc, lúc chạm tới bia vẫn không ngừng lại, xuyên qua tấm gỗ, chọc một lỗ hỏng nham nhở. Ba lỗ hỏng này không trúng hồng tâm mà nằm ở vòng thứ bảy. Không khí vẫn yên tĩnh khi Ca Dương buông dây cung lần nữa, phen này là bốn mũi tên. Vẫn tốc độ khó tin như cũ, đồng loạt đục lỗ hỏng vòng thứ bảy của bốn tấm bia khác. Lần thứ ba buông dây, năm tấm bia còn lại xuất hiện thêm năm cái lỗ. Ba bốn rồi năm, vừa đủ mười hai tấm bia. Quần thần hồi tỉnh, ngơ ngác giơ tay vỗ lốp bốp nhưng họ nhanh chóng ngừng lại vì hành động kế tiếp của bệ hạ. Ca Dương cầm một nắm mười hai mũi tên, từ điểm giữa trên dây cước rải khoảng cách đầu ra trên thanh cung. Bầu không khí ngưng động kì lạ, vài người vô thức cắn ngón tay ngăn tiếng kêu sợ hãi. Ca Dương nhìn chằm chằm mười hai mục tiêu, cẩn thận dịch chuyển từng mũi tên đúng góc độ. Hắn quá chậm rãi làm người xem không chịu được. Đến khi cảm giác tất cả đều ổn, Ca Dương dùng sức kéo dây cược rất cứng tới độ giãn tối đa. Hắn thấy ngón trỏ đau nhói, dây cước vốn trắng bỗng xuất hiện một đoạn đỏ thẳm. Nín thở, ngưng thần, nhẹ nhàng buông tay ra… Mười hai mũi tên bay vụt tới như một tấm lưới sắt, bủa vây đến hướng mục tiêu. Khi chúng rơi xuống đất, trên mười hai tấm bia không có bất kì thay đổi nào, bởi vì tất cả đã xuyên qua lỗ hỏng được khoét từ trước!
Hoàng thượng hạ tay phải, ống trúc đã rỗng, bấy giờ mọi người mới hiểu màn trình diễn xong rồi! Tiếng vỗ tay quá to, không ai nghĩ ngần ấy con người sẽ tạo thành âm thanh kinh động núi rừng như thế. Đâu đó còn có tiếng bật khóc, những lão tướng cả đời bán mạng cho bờ cõi Khương La, họ ở tuổi gần đất xa trời, cuối cùng cũng được nhìn thấy cái gọi là “thiện xạ”.
Lỗ Lang khoanh tay nhìn theo bóng lưng Thái Minh đế quay trở lại lễ đài. Hắn có một ý nghĩ hài hước: Có lẽ Bát ca sinh lầm thời, anh hùng thiên hạ đều sinh lầm thời!