Những tháng này Trúc Uyển quá vắng lặng. Mỗi ngày của ta trôi qua là những chuỗi nhàm chán lặp lại. Ngủ, ăn, thẩn thờ… ăn, ngủ, lại thẩn thờ… Thỉnh thoảng có cung nữ do chủ tử sai đến dò la, họ không được bước vào Trúc Uyển nhưng có thể thấy ta ngồi nghiêng bên cửa sổ.
Một người điên hiền lành.
Đúng vậy, ta không gào hét, cũng không lên cơn đập phá đồ đạc. Trông thì điên điên nhưng chẳng gây phiền phức đến ai. Trời vào thu rồi, dây thường xuân trên hàng rào chuyển màu lá vàng nhạt, ta đếm tứng chiếc rụng xuống, giống như đếm sinh mệnh của mình. Phải chi ta có thể rời đi khi chiếc lá cuối cùng rơi xuống. Đôi lúc, được chết cũng là món quà xa xỉ…
Từ lâu rồi hắn không đặt chân đến Trúc Uyển nữa nhưng lại không hoàn toàn bỏ mặc ta. Thị vệ ngoài kia vẫn bao vây hai tầng, nội bất xuất ngoại bất nhập, cách biệt hơn cả lãnh cung. Thuốc thang và đồ ăn tẩm bổ là những thứ tốt nhất, y phục mùa thu cũng may mười bộ hoa mỹ nhưng ta chỉ mặc áo đơn trắng mà thôi. Hắn không nhìn đến nhưng đối đãi vẫn như cũ, khiến cho hậu cung đoán già đoán non, rốt cuộc là được sủng hay thất sủng?
Ta lim dim mắt nhìn cái tổ chim ngay trên chạc cây, chim trống tha mồi, chim mái nằm ấp trứng. Đây là một loài chim quý, tên gọi là bạc trĩ, trứng màu xanh cải thảo, có phôi kỳ dài đến ba tháng. Ở quê hương ta không có giống chim này, bạc trĩ rất hiếm gặp, chúng luôn sống thành đôi, nếu một con không may bị chết thì con kia sẽ ở lại canh xác. Vì vậy bạc trĩ chỉ đẻ trứng với một người bạn đời.
Khi Vĩnh Khang phát hiện tổ chim này ta đang mang thai tháng thứ sáu, hắn nói rằng khi hoàng nhi ra đời thì trứng chim cũng nở, hắn còn dự tính sai người chuyển cái tổ đi xa một chút, sợ chim non kêu ồn khiến con không ngủ được…
Sáng nay thức dậy ta nghe thấy tiếng chim chíp, đến giữa trưa thì tiếng càng rõ ràng, ba quả trứng đã nở. Tính sơ sơ hôm nay cũng là ngày lâm bồn, nếu thai kỳ không kéo dài. Ta liền mở rương gỗ, sắp xếp lại những bộ quần áo tí hon. Cái mũ len màu đỏ may hai lỗ tai gấu xù xì, đôi hài nhung chỉ vừa ba ngón tay, chiếc yếm kim đồng thêu hình em bé,… ta nhớ rõ lai lịch của từng món. Chỉ mấy tháng mà Vĩnh Khang đã sưu tầm đầy đủ quần áo bít tất. Hắn ngồi vẽ một cái nôi ru con bằng bút than chì, thiết kế thanh gỗ để treo vải mùng, gắn lên đó hình ngôi sao và trăng lưỡi liềm. Chân nôi làm cong để tiện lắc lư, bọc vải bông tránh gây tiếng động. Tuyển ra vài thợ mộc lành nghề, chỉ mất ba ngày đã đóng xong chiếc nôi theo bản vẽ. Vĩnh Khang là một hoàng đế tận tâm, hắn từng vẽ ra hệ thống thoát nước cho đồng ruộng, từng vẽ máy cơ xay bột mì, từng thiết kế đòn bẫy ném đá phá được bức tường dày hai tấc, kẻ địch rất sợ hãi nỏ bắn liên hoàn của quân đội Khương La… Chắc không ai ngờ được, có một ngày Hạ Hầu Vĩnh Khang lại ngồi vẽ – vẽ nôi cho con.
Ta từng hoài nghi rất nhiều thứ nhưng ta không hoài nghi tình phụ tử của bệ hạ. Hắn mong chờ đứa trẻ này, nếu có thể thì hắn đã giành luôn cái bụng bầu của ta rồi. Sự dịu dàng trong đôi mắt người cha là điều ta nghĩ đến nhiều nhất khi uống bát canh đó. Trong cơn đau lưu sản, ta hy vọng hắn đến muộn, để không phải nhìn thấy thằng bé. Hắn hận ta như ta hận chính mình, không có người mẹ nào tàn nhẫn với cốt nhục như vậy!
Ta bắt đầu quyết định từ bỏ đứa bé khi máu trong dung môi hòa thành một, thứ màu đỏ hồng ấy sẽ là máu của con ta. Nó có muốn sống không nếu chính mình là một thứ tội lỗi? Ta biết mình quyết định thay thằng bé là độc đoán nhưng ta không thể đợi nó hiểu chuyện rồi mới hỏi. Khi nó còn nằm trong giấc ngủ ấu thơ chưa kịp tỉnh, ta chọn cách giải thoát, cho dù đau xé tâm gan.
Giờ thì ta hiểu, ánh mắt trốn tránh và phẫn hận khi hắn ném tấm chăn che người ta lại, sai cung nữ chuẩn bị nước tắm. Hắn biết rõ mình vừa làm chuyện đồi bại với em gái ruột. Ta bị lãng quên trong Trúc Uyển, không phải hắn mất hứng thú mà vì hắn không dám chạm vào. Ép ta uống thuốc phá thai, hắn không một lời giải thích, bởi vì hắn có tâm trạng giống hệt ta bây giờ! Nếu người đã từ bỏ một lần thì sao còn gây ra lần thứ hai? Câu trả lời rất đơn giản: Hắn muốn níu kéo, để ta có một vướng bận, để ta cả đời liên quan đến hắn!
Ta cứ nghĩ mãi, Hạ Hầu Vĩnh Khang thoát khỏi nổi ám ảnh huyết thống bằng cách nào để đem lòng yêu thương mong chờ đứa trẻ này? Ta cũng muốn học khả năng phi thường đó. Thân ta nhơ nhuốc ta chịu được nhưng con ta bẩn thỉu thì ta không đành lòng. Rồi sẽ có một ngày nó giống như ta, bị người ngoài đem chứng cớ tới, chỉ cho nó thấy ba mẹ nó là anh em ruột, vì loạn luân mà sinh ra nghiệt chủng là nó đây.
Ta đau mờ hai mắt, cơn đau này còn oằn oại hơn cơn đau trước. Đứa trẻ trước dù gì cũng chưa có hình hài, ta chỉ mang thai nó hai tháng, chưa kịp cảm nhận tình mẫu tử. Đứa trẻ này ta mang nặng tám tháng có hơn, từng ngày vỗ về trò chuyện, nó cử động trong cơ thể ta như thứ sinh linh kì diệu, mong manh như ngọn đèn mà kiên cố như thành quách. Tên gọi của nó là “sinh mệnh”.
Trong cơn đau mất dần ý thức, ta đã nghe thấy một tiếng rồng ngâm. Tiếng kêu thê lương và tuyệt vọng, giống như màu xanh sẫm nơi đáy vực, cũng giống như tiếng lòng nát vụn vì nổi đau. Ba quả trứng chim đã nở nhưng con ta không chào đời, chiếc nôi bị gió thổi tự động lắc lư, bầu trời có những ngôi sao bé bé đã không được đôi mắt ngây thơ ngắm nhìn…
Trong giấc mê dài ta vẫn nghe thấy những lời đứt đoạn, hắn nói ta tàn nhẫn, hắn bảo ta vô tâm… Bên má cảm giác ướt át, những giọt nước kia rất mặn.
Tội mưu hại long tử là tội chết, hắn tuyên bố ta không biết bảo vệ chính mình, để bản thân vấp ngã sảy thai, tự giam mình sám hối một năm. Đời ta cứ vậy mà mịt mờ, không biết rồi mình phải làm gì, phải làm cách nào mà sống tiếp.
Ba con chim non sau bốn tháng thì thay lông, lông tơ trắng mềm rụng xuống, từ từ mọc ra lông vũ xinh đẹp. Nếu con ta được sống, chắc bây giờ thằng bé đã bắt đầu ê a gây chú ý với mọi người xung quanh, nó biết lẫy và ngóc đầu dậy. Nếu ta bế nó vào nôi, nó sẽ rất thích thú nhìn bầu trời trăng sao, nó giơ tay khều tú cầu sặc sỡ, mở to mắt nhìn món đồ chơi đong đưa… Ta luôn mơ thấy những giấc mơ như vậy, thằng bé từ từ trưởng thành, trong ảo tưởng của ta…
Cuộc sống điên điên dại dại nhìn từ ô cửa sổ, hoang tưởng vuốt ve chiếc bụng phẳng lì. Tiểu Na bắt đầu phát hoảng khi ta ngồi ru cái gối nói chuyện trêu đùa với cái gối…
-Nếu nàng muốn điên thì tốt nhất đừng bao giờ tỉnh lại! Nếu đau khổ như vậy thì sao lúc đầu còn làm?
Ta ngờ nghệch nhìn nam chân cao lớn bỗng xuất hiện trước mặt, hắn trông quen quá, ta cố nhớ lại. À phải rồi, đây là chồng của ta, cũng là anh trai ta. Chồng và anh trai có thể cùng một người đúng không?
-Sở Phù Dung! Nàng lập tức đứng dậy thay áo chải đầu cho trẫm! Đừng có làm bộ làm tịch, người nên bị bức điên là trẫm mới đúng!
Tiểu Na quỳ dưới đất khóc lóc, nàng ấy van xin hắn đừng tổn thương đến ta, ta đã không bình thường như trước nữa. Vĩnh Khang thô bạo lôi ta đứng dậy, sai người chuẩn bị nước. Hắn lỗ mãng xé áo váy ta ra nhưng khi nhìn thấy những vết cào trên làn da trắng tuyết thì lập tức dừng lại.
-Khốn khiếp, hạ nhân các ngươi chăm sóc nương nương thế nào vậy hả? Vì sao để nàng bị thương?
-Hoàng thượng tha mạng, nương nương tự cào vào mình, nô tì đã cắt móng tay nhưng không hiệu quả. Mỗi ngày trước khi nương nương thức dậy nô tì đều phải lấy vải quấn kín mười đầu ngón tay lại. Nương nương không thích như vậy, cứ ngồi khóc mãi… nô tì không dám bọc ngón tay của nàng nữa…
Vĩnh Khang im lặng, hắn nhẹ xoa những chiếc móng bị cắt sâu của ta, cuối cùng rất nhẹ nhàng bế ta về phòng. Ta nằm trong ngực hắn, vẫn nghĩ mãi… chồng và anh trai là một người, như vậy có ổn không? Con của chúng ta sẽ gọi cha nó là phụ thân hay cửu cửu?
Hạ nhân đem thuốc tới, Vĩnh Khang cởi áo ngoài và yếm, nhẹ nhàng xoa lên những vết chằng chéo trên ngực ta. Ta mơ màng nhìn đôi mắt chuyên chú và khổ sở của hắn, còn có tức giận, oán hận, đau lòng… tất cả trộn lại thành một gam màu đen sâu thăm thẳm.
-Đừng phá hoại thân thể toàn bích này, nó là của trẫm, nàng không biết sao?
-Muốn trút giận thì cứ đánh người, trẫm sẽ không nói nàng đanh đá…
-Trẫm không biết vì sao nàng lại bỏ con, nếu nàng hận trẫm thì không nên thanh toán lên con cái chúng ta chứ? Có cha mẹ nào khốn khiếp hơn chúng ta không? Bọn trẻ đều chết trong tay đấng sinh thành!
Hắn đặt phấn thuốc xuống bàn, nhíu mày nhìn những vết thương chưa có dấu hiệu lành lại.
-Ngốc nghếch, yếu đuối, tiêu cực! Nàng không mạnh mẽ lên thì đến bao giờ mới báo thù được? Trẫm không dễ bị giết đâu, nàng cứ thế này đến bao giờ mới rửa sạch thù nước thù nhà hả?
Rất lâu sau này, khi ta là một vu hồn ngụ ở hồ sen, ta nghe được quan chép sử của triều đại sau bàn bạc với nhau. Họ phát hiện một cuộn thánh chỉ bị chôn giấu, nội dung rất quái lạ không biết là thật hay giả. Nét chữ rất giống bút tích của Thiên Vĩnh đế, ông ấy viết cái chết của mình dù có ra sao cũng không liên quan đến Hoàng hậu, miễn cho mọi tội danh. Về việc truyền ngôi thì ghi là Thái tử Hạ Hầu Lâm Kỳ. Điều kì quái ở chỗ không có hoàng tử nào tên là Lâm Kỳ cả, Lâm Kỳ là ai?
Lại nói tiếp rất lâu sau đó nữa, khi ta nhớ hết mọi chuyện, khi ta là Tương Tư và cũng là Phù Dung, khi chàng là Ca Dương mà cũng là Vĩnh Khang, chúng ta lại sinh một đứa con.