Nơi Những Cơn Gió Dừng Chân

Chương 14: Những hương vị cooktail (phần 2)

Trước Sau

break
Sáng hôm sau, tôi đang đánh răng với đống bọt lùng phùng trong miệng thì đã nghe thấy cái tiếng léo nhéo của em Nga ngoài cửa. Nó bấm chuông kiểu Đồ Rê Mi Pha Son La Si Đố liên tục khiến tôi phải nhảy ba bậc một xuống cầu thang. Cả lũ lại phóng kiểu mới tập đi xe máy, đổ bộ qua Hồng Trà ăn sáng và mua luôn kem xôi cho cái Ngân – nó ăn cái này tuần ba bữa. Chúng tôi đến bệnh viện thì Ngân cũng vừa dậy, đang húp cháo. Trông nó hơi nhợt nhạt nhưng miệng thì vẫn nhe ra. Tôi lườm nó:

- Đồ điên, làm tao ở bên kia lo quá

- Ăn cháo không, cháo trai ngon lắm!

Trong lúc mấy đứa kia đang ngồi gọt hoa quả với buôn dưa lê chào buổi sáng với mẹ Ngân, nó ngoắc tay bảo tôi kéo ghế lại gần.

- Milo, thế nào?

- Cái gì thế nào?

- Mày sang Sing thế nào chứ còn chẳng nhẽ tao hỏi mày đêm qua mày ngủ thế nào!

- Thế đêm qua mày ngủ thế nào?

- Tao bị bóng đè. Thôi nào, đi thế nào?

- À, ờ, cũng vui.

- …

- Gì nữa. – Tôi nhìn nó vẻ e dè.

- Thế thôi à? – Con Ngân gõ gõ tay lên mặt bàn kiểu chờ đợi.

- Uh.

- Đăng thế nào?

- À, anh gửi lời hỏi thăm. Anh bảo anh nhớ bọn mày!

- Ặc. Tao hỏi là CHÚNG MÀY NHƯ THẾ NÀO RỒI?

- Mày nói nhỏ thôi, bọn tao bình thường.

- Bình thường cái công an phường! Chẳng nhẽ bọn tao mất công lo cho mày đi chỉ để đạt được thế thôi sao?! Chúng mày phải có…. tiến triển gì chứ

- Có bệnh tình của mày tiến triển ý. Nói chung bọn tao ổn, mọi thứ ổn, đi chơi rất vui. À, đúng rồi, tao mua quà cho chúng mày này.

Tôi đánh trống lảng câu chuyện của Ngân, mở túi ra chia quà cho bọn quỷ. Chúng nó xuýt xoa liên tục khen tôi mua đồ đẹp làm tôi không kịp chen vào là Đăng chọn chứ không phải tôi. Con Ngân lườm nguýt tôi rõ dài. Nó nói to, lần này thì cả bọn nghe thấy:

- Nào, tao muốn biết chúng mày đã khá hơn chưa ??!!

Tôi quay lại phía nó:

- Mày muốn biết tiến triển hả! Anh ý đã làm thế này này!

Tôi nói và cầm lấy tay nó hôn một cái.

Nguyên cả một phòng ngã ngửa.

Tất nhiên là tôi đùa, ở tuổi tôi đôi khi cần mơ mộng một tí, nó cũng chẳng hại gì cả.

Tháng Tám

Những ngày tiếp theo, chúng tôi gần như là… sinh hoạt trong bệnh viện, phòng của cái Ngân ở Việt Pháp hospital là phòng riêng nên mọi thứ cũng khá thoải mái. Chúng tôi mang sách đến đây dịch, mua trà sữa về đây uống, mang laptop đến đây xem phim… Nói chung là cứ có thể là chúng tôi mò đến đông đủ (phòng bệnh gì mà cứ vui vẻ như Giáng sinh vậy!).

Chúng tôi đang ngồi xem lại King Kong – Oscar Award 78th. Một phim hành động lãng mạn mà đứa nào trong hội cũng kết nổ đĩa. Vừa nhai bắp rang bơ rau ráu, vừa ngồi bàn luận lần thứ hàng chục về một cảnh nào đó trong phim, thi thoảng lại kêu lên những tiếng nho nhỏ khi nhân vật yêu thích King Kong xuất hiện. Tôi thích thú ngắm cửa sổ bên ngoài vẫn li ti những hạt mưa nho nhỏ. Đâu đó là một căn phòng ấm cúng trong ngày mưa. Chúng tôi biết cách làm cho những điều thật tệ trở nên tốt hơn.

Thứ ba. Trời trong vắt từ những ánh nắng đầu tiên của ngày hắt vào cửa sổ. Vậy là sau rất nhiều ngày mưa tầm tã thì cuối cùng thứ ánh sáng được chờ đợi cũng xuất hiện. Ngân ra viện, mọi thứ trở lại bình thường. Chúng tôi lại đi chơi, ngồi dịch sách, ngồi quán và tán gẫu về một đĩa nhạc nào đó hay đơn giản là tham gia một câu lạc bộ tiếng Anh, chủ yếu để lấp quỹ thời gian rảnh, hoặc vì anh chàng nước ngoài ở câu lạc bộ có đôi mắt rất xanh. Chúng tôi có những ngày thật bình thường hoặc không bình thường, vấn đề là luôn chia sẻ cùng nhau, điều đó quan trọng.

Cuốn sách vừa dịch xong của Mark Haddon đã xuất hiện trên các cửa hàng sách báo, tất nhiên dưới tên một người biên dịch khác đã tổng hợp và sửa lại những bản dịch của chúng tôi. Cả bọn thích thú với ngắm lại tác phẩm của mình và cùng tranh cãi về những đoạn dịch. Khi bạn cùng làm một chuyện gì đó với ai, thì nhất định bạn sẽ nhớ đến người đó mỗi khi nhìn lại chuyện mình đã làm. Nhiều năm sau, có thể khi nhìn lại cuốn sách này, tôi vẫn nhớ lại những người bạn này. Có những giai đoạn người ta không bao giờ quên, thường là những giai đoạn người ta không thể lặp lại.

Những giọt nắng bắt đầu tan dần những ngày giữa tháng Tám.

Quyết định nhanh

Một ngày gay gắt. Cả hội đến nhà Khánh Lam, Khánh Giang ăn thịt nướng. Trời lạnh ăn kem trời nóng ăn thịt nướng, rặt một lũ hâm yêu. Nhà hai con quỷ sinh đôi ở gần Hồ Tây, xa tít tắp từ nhà tôi, nhưng ở khu đấy mới rộng và thừa chỗ bay nhảy cho những con chim non hiếu chiến, những đứa chưa có người yêu thường hiếu chiến. Khánh Lam là chị, hay mặc váy và những đồ trông yêu đương kiểu thiên thần, nhưng nó đích thị là một trong những đứa quậy nhất tuổi mười bảy toàn thành phố, chuyên gia chơi những trò nghịch dại. Khánh Giang tất nhiên là cô em, ăn mặc rất ngổ ngáo với toàn punk và những thứ đồ của con trai, lằng nhằng những là vòng vèo dây rợ, hay tự vẽ tatoo và đang nhất quyết đòi đi xỏ khuyên mũi, nhưng rất nhảm là… con bé lại mang tính cách của Cupid. Nó chỉ hăng hái bề ngoài thế thôi chứ thực ra hiền như bột mì, đáng yêu và không có kiểu nghịch ngầm sướng trốn như cô chị. Hai đứa là hai hình ảnh trái ngược với nhau và trái ngược với chính mình, giá như chúng nó đổi quần áo và phụ kiện cho nhau thì còn đ

Đây là một trong những hoạt động thường kỳ trong tháng của hội. Nhà của cặp quỷ khá thoải mái nên chúng tôi thường ngồi ra bãi cỏ ăn uống và nói chuyện. Tôi và em Nga nằm ngửa mặt lên trời, không khí đã dịu dịu, đỡ hơn lúc sáng. Ngân và Vân đang đùa nghịch với con chó ngao ba mươi cân của nhà Lam -Giang trong lúc ba đứa còn lại ngồi túm lại nói chuyện gì đó, mồm vẫn nhau nháu thịt nướng – món chúng nó thề ăn cả đời không chán. Chợt em Nga quay sang phía tôi:

- Này chị, sắp sinh nhật hai con quỷ rồi đấy.

- Ờ, bốn ngày nữa thì phải.

- Làm cái gì không chị?

- Chưa nghĩ ra, mày có ý tưởng gì không? – Tôi vừa nói vừa khịt khịt mũi, mùi thịt nướng vẫn thật là quyến rũ mặc dù tôi đã ăn đến xiên thứ tư.

- Đi Sapa, ông chú của em có cái khách sạn trên đấy.

- Mày nói thật đấy à? – Tôi há hốc mồm.

- Ơ kìa, em nói thật! – Và nó hét toáng lên. – Này các chị ơi em bảo này…

Câu này của em Nga lại mở ra trước mắt chúng tôi những chuỗi ngày… khó tả! Thực tế là đoạn sau rất dài dòng, vì không phải cứ muốn là được. Nhưng tôi cắt tạm hết những thứ khác vì nó không liên quan đến câu chuyện lắm. Không sao, chúng tôi còn rất trẻ, và vì thế ba ngày sau, cả lũ đã ở ga tàu chuẩn bị lên đường đi Sapa! Thật là điên, nhưng sau này nghĩ lại tôi không tiếc.

Chuyến đi này đã làm chúng tôi hiểu ra nhiều thứ.

Gặp những người không thể quên.

Gặp những chuyện mà chúng tôi sẽ phải nhớ.

Những điều ấy vẫn còn đang ở trước mắt…

Và…

Những ngày phía trước bao giờ cũng là những ngày dài…Mọi chuyện sẽ ổn, vấn đề là ta phải chờ đợi.

Kỳ 4: Mưa xuống

Những tình cảm được khơi ra đôi khi chỉ để kìm nén

hoặc để đừng kìm nén

(Nỗi ám ảnh – Paul Co)

Sinh nhật tuyệt vời

Những thứ ánh sáng cuối cùng của Hà Nội đang vụt qua nhanh chóng. Từng đoạn phố quen thuộc lướt qua mắt tôi. Thậm chí khi tàu đi qua Cửa Nam, tôi còn nhìn thấy cả một đứa bạn đang dừng xe. Cái cảm giác có những người lướt qua mình thật là hay.

Cả đội xếp đồ ngay ngắn trên nóc. Rồi kế hoạch tác chiến bắt đầu. Vân rủ rê Khánh Lam, Khánh Giang đi dạo quanh tàu xem có anh nào xinh trai không. Vốn mang bản chất hớn trong người, hai con quỷ không chút nghi ngờ tót theo Vân tung tăng giữa các toa tàu. Cửa vừa đóng lại, em Nga vỗ tay:

- Nào các chị, bắt đầu thôi!

Công việc đã được phân công trước nên cả bọn nhanh chóng nhập cuộc. Ngân mang cái bơm bóng mini ra hì hục ngồi bơm bóng bay và cả bóng không bay. Vy thì bóc những túi nến ra và lắp vào ế, đặt ở khắp phòng, em Nga thì dọn dẹp lại toàn bộ phòng, xếp lại chăn đệm, gập tầng hai lên để lấy không gian. Tôi mở bàn ra, đặt chiếc bánh sinh nhật lên. (chúng tôi đã phải giấu chiếc bánh rất kỹ!). Hai chiếc loa mini được đặt lên hai góc phòng, cắm vào ipod đã sẵn sàng bản Happy birthday. Một tấm vải to bằng cả người có chữ “Happy birthday to my sweetie devils_Lam-Giang!” được căng lên trên cửa sổ. Nến đã được châm lên sáng rực cả căn phòng. Mọi thứ đã sẵn sàng, tôi nháy máy cho Vân. Và cả bọn hồi hộp chờ đợi…

Một phút…

Hai phút…

Tôi đang thầm nghĩ trong đầu “trên tàu có anh nào đẹp trai thật à” thì cửa mở ra, đèn được bật sáng lên, một loạt pháo giấy bắn ra từ các góc, chúng tôi hò hét ầm ĩ. Ipod được bật lên bản nhạc quen thuộc, bóng bay thả xuống từ giường tầng ba, chúng tôi chúc mừng sinh nhật hai đứa trong một khung cảnh không thể quên được. Tất nhiên là hai con quỷ con choáng hết cả váng rồi. Chúng nó rú ầm lên sung sướng, lại chả. Rồi ôm lấy tôi nhảy múa như lũ hâm, (không phải vì nó yêu quý tôi hơn những đứa kia đâu mà vì tôi là đứa gần nhất, bọn kia ngồi bên trên để còn ném bóng và bắn pháo!).

Và không phải nói nhiều, chúng tôi đã có một bữa tiệc sinh nhật tuyệt vời, một bữa tiệc sinh nhật mà chỉ có tình bạn là thứ duy nhất làm hai con bạn đã phải bật khóc vì thích. Những hạnh phúc ngọt lành.

Giữa những khoang tàu tấp nập những con người đi lại, nói chuyện, nhiều tâm tư suy nghĩ – những chuyến tàu bao giờ cũng thế, đã có một phòng rất đẹp và rất nhiều tiếng cười, đó là điều đã ru tôi ngủ một giấc ngủ ngon đêm đấy.

Cảm xúc

- Này, chúng mày có cảm thấy lạnh không?

Đấy là câu hỏi đầu tiên của cái Vy khi chúng tôi xuống đến Lào Cai.

- Không! – Con Vân

- Thế mà tao cứ tưởng trên này lạnh lắm. Làm tao mang cả áo khoác đi đây này.

- Mày cũng có thể vào phòng bật điều hoà mười sáu độ và mặc cái áo khoác đấy vào. Sao phải xoắn. Haha!!

Cả bọn cười phá lên. Từ Lào Cai đi ô tô khoảng hơn nửa tiếng nữa là đến Sapa, không khí trong lành và mát mẻ. Cảnh vật vẫn hơi đọng lại chút sương từ đêm cũ, càng tăng thêm cái khung cảnh mờ ảo của Sapa. Tôi ngước mắt ngắm những bóng mây trên đỉnh núi, cảm giác một cái gì đó vô cùng xa xôi, như mây chẳng hạn, chỉ chút nữa thôi sẽ nằm trong lòng mình, thì thật là thích thú.

Sau khi nhả đồ ở khách sạn là tất cả tung tăng ra ngoài chơi ngay. Chú của em Nga nhìn cả bọn lắc đầu cười, ai cũng biết là quỷ cái mà vẫn cứ thích ngắm, con gái có cái lợi thế vậy đó! Bún chả trên này ngon đừng hỏi, hay là vì chúng tôi đói quá! Ăn xong cả bọn lên nhà thờ ngồi uống nước vối và ăn hạt bí, ở nơi này thì dễ dàng tìm được những góc yên bình trong ồn ã, điều hiếm ở Hà Nội. Tôi chợt nhớ Đăng, chắc giờ này anh đang trên thư viện, giữa những góc của cuộc sống, một người nào đó vẫn làm bạn nhớ đến một cách dịu dàng, đó hẳn phải là… Tôi dừng suy nghĩ và mỉm cười, tôi không muốn điều này rõ ràng, chưa cần thiết phải như thế. Bởi Đăng sẽ còn đi nhiều. Những năm sau đó, anh có thể đã ở hoa lệ Paris, dạo bước giữa những phố lát gạch Venice, ngắm cơn mưa sa mạc mười năm một lần Sahara, chơi đêm trắng ở Nga, châm điếu thuốc giữa Quảng trường Đỏ ở Nga, bước qua Cổng Trời, chạm chân lên đỉnh Tây Tạng, đi vào sương mù của London….

Những con đường của một đời người…

Nhưng rồi nơi nào anh có cảm giác bình yên như giữa lòng Hà Nội….

Và ở trong thiên đường trái tim của một con người.

Chiều Sapa dần trôi trong êm ả, từng con đường dốc nghiêng ngả như tiếng cười của những cô gái đi về phía mặt trời lặn…

Em bé

Sapa vẫn đẹp vẻ đẹp hoang sơ như thế, từ rất lâu rồi, bây giờ, và sau này. Chúng tôi chơi lang thang giữa bãi đá cổ, nghịch trong vườn đào, thác Bạc, chợ tình – nghe nói cái này sắp bị dẹp đứa nào cũng xuýt xoa tiếc rẻ, đi xuống bản Cát Cát chơi với… người H’Mông. Cái thú vị nhất của Sapa chính là những điều còn chưa hiện đại như thế. Chiều lại ngồi đếm lan ở Vườn thực vật Phong lan, những anh chị tình nguyện viên bảo vệ rừng đón tiếp cả bọn một cách rất vui vẻ, rồi xuống bếp nấu cơm lam. Vui dã man!

Rồi trời tối, và trời lại sáng.

Sáng sớm. Không khí Sapa gợi lên một cái gì đó ung dung. Chúng tôi ngồi ăn ngô nướng ở gần chợ trung tâm, những người dân tộc ở đây đi qua lại rất nhiều. Những em bé dân tộc nhỏ xíu đã đi bán hàng cho bố mẹ. Ngân rất thích trẻ con, nó cứ… bắt mấy đứa trẻ con lại xuýt xoa, thế là bọn nhóc lại càng bu lại bán hàng. Chợt giữa cái lúc cả lũ đang cười đùa ấy, Ngân kêu lên:

- Uầy, xinh vật!

Theo ngón tay của nó, chúng tôi nhìn thấy một bé gái. Phải thừa nhận khuôn mặt của em bé mang những nét rất lạ, có cái gì đó rất tây, da trắng và mũi thẳng, cao, mắt cụp xuống kiểu… một mí rưỡi, và mắt rất nhiều nước, y hệt đứa bé trong Memories of Geisha mà tôi đã từng xem. Ngân vẫy vẫy tay gọi đứa bé lại.

- Em mấy tuổi rồi.

- Sáu. – Nó bập bõm.

Vy nhún vai:

- Nó nói thế là bốn thôi đấy. Bọn trẻ con ở đây luôn bị bố mẹ bắt đi bán hàng từ rất bé, khách hỏi luôn khai gian tuổi.

- Tao cũng nghĩ thế. – Ngân nheo mắt. – Em đi bán hàng cho bố mẹ à?

Con bé gật đầu. Mắt nó trong veo. Tôi rùng mình.

- Em tên là gì?

- Mỵ.

- Em bán được nhiều không? – Ngân vừa nói vừa xem mấy cái vòng đeo tay tết bằng vải của con bé.

- Không. – Nó lắc đầu, tiếp tục nhìn chúng tôi.

- Thế chị mua hết tất cả chỗ dây này, rồi em chụp ảnh với chị nhé. – Ngân tiếp tục dỗ dành con bé.

- Vâng! – nó cười thích thú.

Em Nga nhoẻn miệng:

- Chị thích nó à, sao không mua nó luôn, ở đây người ta bán cả trẻ con đấy!

- Thật á??? – Cả đội gần như đồng thanh, cùng nhìn vào em Nga.

Nga nhún vai:

- Thật.

- Sao mày biết?

- Vì… em biết! Chú em ở trên này mà, em lên đây hàng năm mà, sao em lại không biết!

- Bán là sao, là… bán thật á?? – Con Vân hỏi một câu hỏi rất ngô nghê.

- Bán thật chứ sao. Là chị đưa tiền cho mẹ nó, em không nhớ nhưng khoảng gần một triệu gì đó, và chị sẽ bế nó về nuôi.

- Giấy tờ thế nào?

- Haha, bọn trẻ con này làm gì có giấy tờ, nó là con rơi những khách du lịch đến đây mà. Chị cứ mua một đứa, rồi về Hà Nội đăng ký, thậm chí ra ngay uỷ ban ở đây đăng ký nhận nuôi là được đấy.

- Trời ạ!

- Tất nhiên phải trên mười tám, ở đây có chị Vân là mười tám kìa, các chị nhận nuôi nó được đấy!

Chúng tôi lặng đi, trời ạ, chẳng lẽ ở đây con người rẻ mạt đến thế sao. Em Nga tiếp tục nói, nó bảo người ta hay lên đây mua trẻ con như thế mà, thậm chí mua người lớn cũng được chứ nói gì trẻ con. Có những sự thật khi biết đến nó người ta thật là sốc. Khánh Lam bật cười:

- Chúng mày điên hết rồi. Nuôi nấng cái gì chứ, thân mình còn chưa nổi nuôi gì ai!

Ngân nheo mắt:

- Nhưng tao trông nó tội nghiệp quá, mà nó xinh quá đi mất, mình mang nó về nuôi rồi đào tạo sau này thành BoA không chừng! Để nó ở đây tội quá.

- Không được! Mày hâm rồi! Chuyện đó đâu dễ dàng thế!

- Không thử sao biết.

- Đây là chuyện không thể thử, mày mang về nuôi không được mày đưa cho ai?

- Chẳng lẽ cả bọn chúng mình mà không nuôi nổi một đứa trẻ con sao?

- Mày nghĩ là nuôi một đứa bé chỉ có ăn thôi sao? Và mày nghĩ là gia đình mày sẽ chấp nhận sao?

- Nhưng tao thương nó quá!

- Được rồi, chúng mày stop lại nào. – Tôi ngắt lời.

Tôi nhìn bọn còn lại, chúng nó nhún vai, ra chiều không có ý kiến. Tôi đặt tay lên Ngân:

- Thôi mày, chuyện này là không thể. Tao cũng thích con bé này lắm và tao nghĩ đứa nào cũng thế, nhưng chuyện nhận nuôi một đứa bé là hoàn toàn vượt ra ngoài suy nghĩ của tất cả. Bỏ qua chuyện này đi.

Mặt nó buồn thiu. Ngân ngồi chơi với Mỵ một lúc nữa, nó mua hết vòng mà con bé bán, cho con bé ăn cùng, rồi chụp ảnh. Lúc về trông Ngân buồn lắm, nó cứ khụt khịt mũi. Dẫu là bạn thân, tôi cũng không biết an ủi như thế nào, đôi khi người ta cần im lặng.

Và chuyến tàu về trở nên dài hơn bao giờ hết, chúng tôi không buồn, nhưng thấy bâng khuâng, hình ảnh của Mỵ cứ lảng vảng trong suy nghĩ từng đứa, nhất là Ngân. Nó nói nhất định sau này sẽ quay về đây đón con bé đi. Đấy chỉ là một lời nói đùa, vì làm sao có ai đó không quen biết lại đi qua đời ta hai lần. Nhưng biết đâu đấy.

Việc gặp Mỵ để lại trong tôi dấu ấn sâu sắc, để biết thương con người hơn, và cũng để biết trong cuộc sống có những điều dù ta muốn hay không, cũng không thể làm được. Chỉ là một suy nghĩ tốt, nhưng đôi khi chỉ cần một suy nghĩ tốt đã là mầm của mọi yêu thương. Vì người ta cần phải học suy nghĩ, trước khi hành động.

Đêm ấy mưa đập vào cửa sổ suốt, gió tiễn chúng tôi về Hà Nội. Và trên một chuyến tàu thật là dài, Ngân đã ôm tôi ngủ, đến tận sáng gối vẫn còn ướt. Tôi hiểu hơn một người bạn.

Một năm học mới đang chờ chúng tôi khi trở về, kỳ nghỉ đã kết thúc…

Và…

Những ngày phía trước bao giờ cũng là những ngày dài…Mọi chuyện sẽ ổn, vấn đề là ta phải chờ đợi.

Kỳ 5

Biết cách sống là một điều tuyệt vời

(Crup-xcai-a)

Như nhiều ngày…

Tháng chín tình cờ là một tháng mang không khí của thu chớm, để khi tất cả lũ học sinh trở lại trường học, lại như thấy một cái gì đó đang tươi mới, đang trở lại trên tất cả phố phường, cuộc sống. Những quán café nhỏ trên đường Triệu Việt Vương như ngập trong dòng người đi lại, người ta vẫn đi lại thế thôi, nhưng cái mới là ở trên từng cảm xúc, từng khuôn mặt. Đấy là một trò chơi của mùa Hà Nội và chỉ dễ dàng tìm thấy ở Hà Nội, nơi mà những mùa cách nhau bởi sự thay đổi của cây, của phố, của mưa nắng, và của nhịp đập trái tim. Tôi đến lớp từ rất sớm. Những ngày đầu năm học lớp không đông, rõ ràng là như thế. Phải một tuần sau ngày khai giảng thì học sinh mới tề tựu đầy đủ về trường sau những cuộc vui dài chưa dứt, đấy là sự thật mà lũ học sinh ai cũng biết và người lớn thì cứ tha hồ che dấu. Lam và Giang ngồi tán dóc về một chủ đề chết tiệt mà tôi không muốn tham gia. Tôi ngồi ở cửa sổ, cố gắng tạo một dáng thật đẹp để nếu có anh nào phía dưới đường có chợt nhìn thấy thì phải có tai nạn. Thực ra gọi đây là một cái cửa sổ để chụp ảnh thì chẳng ngoa bởi nó thật là …quá chuẩn! Bọn lớp tôi hồi Noel năm ngoái đã trang trí, xịt sơn mầu, chăng dây… nói chung là làm đủ thứ hầm bà lằng để nó trông thật là Hàn “xẻng”. Nhưng từ ngày đẻ ra cái cửa sổ thật là đẹp đấy thì chẳng bao giờ tôi có cơ hội ngồi lên bởi nó luôn luôn “not avaiable” – không có chỗ cho tôi, mà tính tôi thì ghét tranh chấp..

Thế mà hôm nay chẳng có ai tranh với tôi cái cửa sổ. Tôi tiếp tục trăn trở với việc… “tạo kiểu ngồi”, hơi duỗi chân ra một chút, hai tay đặt lên đầu gối một cách nhẹ nhàng, mặt ngẩng cao, ưỡn ngực…

Tách!

Một thứ ánh sáng loé lên, tôi giật mình quay lại, em Nga đang cười nhăn nhở với cái máy ảnh rất - nhiều - chấm của nó, tôi hét lên một tiếng giống kiểu yêu quái trong phim Tôn Ngộ Không rồi nhảy vù khỏi cái cửa sổ, rượt đuổi em Nga để cướp lấy cái máy ảnh và xoá đi cái ảnh…quái thai mà nó đã chụp được tôi đang “tự - điên – bên - cửa - sổ”, hai đứa đuổi nhau vù vù quanh giảng đường, tôi thuộc tuyển điền kinh nữ còn con bé ẻo lả thích paparazzi kia làm sao có thể đỡ tôi, chẳng mấy chốc nó đã chỉ còn cách tôi một sải tay. Tôi đang hồ hởi chuẩn bị tóm được nó thì đột nhiên nó quẹo trái một cách đột ngột, tôi hoàn toàn bị bất ngờ bởi trước mặt tôi là cái cầu thang dẫn xuống tầng dưới…

Bốp! Bụp! Xoạc! Ầm!

Đại khái thế, và tôi ngã thẳng xuống tầng dưới, lăn không gượng được ở cái cầu thang…khi tôi ngẩng mặt lên thì váy tôi đang rách toạc, dáng nằm thảm hại, tóc tai xù lên, mặt méo xệch, vai áo trễ xuống…

Tách một cái nữa!

Không ai khác vẫn là em Nga đang đứng trên cười nhăn nhở nhìn tôi, nhún vai ra chiều em – không – có - lỗi. Tôi nhắm mắt lại và bắt đầu tưởng tượng… Rất có thể ngay ngày hôm sau, cái ảnh khủng khiếp khi tôi đang ngã sóng xoài và méo xệch như A Nở đấy được photo ra và dán khắp mọi nơi trong trường, và có luôn một topic trong diễn đàn trường về “Linh Milo và bức ảnh của năm!” Thật là bê tha!

Những trò nghịch ngợm học sinh lại bắt đầu và kéo dài bất tận đến khi hè được đánh thức, bao giờ cũng thế.

Chuyện xảy ra hàng ngày! Đây chỉ là một trong số đó!

Và cũng là một trong vô số lý do tôi thích đến trường!

Như nhiều lần…

Chủ Nhật. Ngày mới bắt đầu bằng màn dự báo thời tiết chào buổi sáng. Bố mẹ đi về quê có việc và dặn nếu cả hai đứa ra khỏi nhà thì nhớ khoá cửa kỹ càng. Thằng Khuê chạy nhảy trong nhà với những thứ dụng cụ lỉnh kỉnh của nó. Thằng bé chuẩn bị đi câu cá với mấy đứa bạn, đây là trò ưa thích của nó vào Chủ nhật hàng tuần. Trong những trò đậm chất hiếu động của nó thì đây là thứ mà tôi ít ác cảm. Trước khi ra khỏi nhà, nó quay lại phía tôi:

- Chị Linh, chị có thích chuồn chuồn không, em sẽ bo chị một ít!

Á, thi thoảng thằng quỷ tình cảm một cách đáng nghi ngờ.

- Có đấy, nhiều vào!

- Mười nghìn một con! – Nó cười phá lên.

- Xôi xéo!

- Em đùa đấy, nếu chiều chị đi Hồng trà với mấy chị kia thì nhớ mua cho em trà mật ong nhé. Chúng ta trao đổi!

Tôi trừng mắt doạ dẫm:

- Đi đi!

Khuê vừa cười sảng khoái vừa xách đống đồ câu ra khỏi nhà. Tôi tiếp tục kiên nhẫn ngồi xem hết bản dự báo thời tiết nói về những cơn bão tận đâu đâu cho đến khi chuông điện thoại reo lên những hồi inh ỏi.

- Công ty môi giới hôn nhân xin nghe.

- Thôi đi con hâm.

- Ờ Vy à, sao?

- Đi từ thiện không?

- Đi! Xa không?

- Một cái làng trẻ em gần Hoà Bình. Xong thì cả đội xuống dưới Lương Sơn ăn uống.

- Oh yeah! Nhưng mà nhân dịp gì thế?

- Nhân dịp chị của tao vừa có em bé, vừa khám hôm qua xong. Hôm nay anh chị ăn rủ cả đội mình đi ăn khao. Anh rể tao bảo là lấy xe đi xa xa ăn cho vui. Thế là tao nghĩ ra quả

- Và?

- Và mày có năm mươi chín phút để gom đồ đạc sách vở quần áo từ thiện. Một tiếng nữa xe sẽ đến nhà mày đón!

- Tuân lệnh!

Tôi vừa chạy khắp phòng vơ vét những thứ không dùng nữa, lọc quần áo, sách báo vừa suy nghĩ. Toàn những phi vụ kiểu này! Cứ hứng lên là làm. Không bao giờ tôi có thời gian chuẩn bị tử tế từ khi bắt đầu quen cái lũ nhí nhố này. Nhưng chúng nó rất vui, không bao giờ cái khoảng không gian quanh tôi bị nhàm chán quanh những con người này.

Và đó là một điều tuyệt vời.

“Biết cách sống là một điều tuyệt vời”, tôi tự nhủ thế.

Như nhiều hờn dỗi…

- Con không ăn tôm!

- Ăn đi con. Nhiều canxi lắm đấy! – Mẹ tỉnh bơ.

- Con không ăn hải sản!

- Ăn đi con. Nhiều canxi! – Bố nhắc lại, còn bớt đi vài từ.

- Con không ăn. – Tôi kiểu ngán ngẩm lắm rồi. – Con bị dị ứng hải sản mà.

- Đồ sướng quá hoá khổ. – Thằng Khuê chêm vào.

Tôi trừng mắt với nó. Và vội vài cái rồi phi lên phòng trùm chăn kín ra vẻ dỗi. Tiếng mẹ quát ầm ầm dưới nhà. Ức chết đi được, lần nào cũng thế, tôi không thể nào ăn được hải sản cứ làm rồi bắt ăn. Tiếng gõ cửa, chắc là mẹ. Tôi làm thinh trùm chăn kín hơn.

Hì hụi.

Lau lau.

Một tiếng sau, tôi mò sang phòng mẹ. He hé cửa, mẹ đang đọc sách.

- Mẹ à, Chủ nhật mẹ đi xem phim với con không?

- Tưởng cô dỗi… – Giọng mẹ dài như tháng bảy.

- Dỗi gì đâu ạ. Hì, thế mẹ nhá, thứ Bảy con với mẹ đi xem nhá. Chụt choẹt!

Tôi làm một cái hôn gió, rồi khép cửa chạy tít vào phòng.

Luôn luôn, tôi biết trân trọng giá trị của cái chăn ấm, kể cả khi trời mưa hay nắng.

Như nhiều thương yêu…

Đăng viết mail về, anh nói dạo này anh vẫn bận như thế, nhưng cuộc sống ổn định hơn. Anh đã quen với Sing, giờ giấc, đồ ăn, khí hậu… mọi thứ. Anh gửi cho tôi những tấm ảnh đợt tôi sang. Tôi nhìn lại chính mình trong những nụ cười và vòng tay. Tôi viết mail lại, nói rằng tôi ổn, cuộc sống vẫn thế, chúng tôi đến trường, đi chơi, đi party, đi từ thiện, cả bọn nhớ anh. “Hà Nội vẫn vậy và nhớ về sớm với tất cả, với em...” Thấy yên ả kì diệu. Đó là những khoảnh khắc đặc biệt của trái tim. Tình cảm thật sự không bao giờ có thể bị chia cắt bởi thời gian hay khoảng cách, chắc chắn.

Và như nhiều phần của cuộc sống

Chiều thứ Bảy, chúng tôi ngồi ở Nhà thờ sau giờ học. Nơi này đã ngày một đông hơn, lúc trước nó rất vắng, chỉ có hội chúng tôi và dăm ba sinh viên rock thích tụ tập. Bọn bạn túm tụm ngồi nói về bài kiểm tra chớp nhoáng cuối giờ học. Ngân quay sang tôi:

- Này, mày có nghĩ tao trên tám bài vừa rồi không?

- Mày có làm hết sức không?

- Có

- Tốt rồi.

Nó hít hít khí trời, thì thầm:

- Năm nay hình như thu muộn hơn.

- Không phải đâu, chỉ vì mỗi năm mày lại chờ đợi thu hơn, nên mày thấy nó sao mãi không đến thôi. Nó đang đến đấy… – Tôi mỉm cười.

Tôi lặng yên giữa phố phường ồn ã, lắng nghe chiều Hà Nội. Trà ở đây vẫn ngon như thế sau bao nhiêu lần mùa chuyển, có lẽ vì nó ngấm cả những vị ngọt của nhà thờ cổ Hà Nội. Mùa thật tuyệt vời. Mà không, bản thân sự sống đã quá tuyệt vời rồi. Tôi thấy yêu cái cuộc sống quanh mình biết bao, mỗi khi ngồi đây, bởi nó phác lên những mảng màu rất riêng của phố, của gió, của nắng, của lá, và của tôi. Cứ mỗi ngày mới lại là những điều mới mà tôi chờ đợi.

Cuộc sống như một ly cocktail pha trộn nhiều hương vị, và vì thế, nó mới ngon. Tôi yêu tất cả những buồn vui hờn giận yêu thương trong cuộc sống tôi. Và tôi yêu tuổi mười bảy của tôi, đang bừng lên những ánh sáng ngọt ngào trước mắt

break
Ước Hẹn Với Hai Người Đàn Ông (H)
Ngôn tình Sắc, Sủng, Nữ Cường
Đàn Anh Cứ Muốn Tôi
Ngôn tình Sắc, Sủng,Nữ Cường
Hẹn Tình Với Người Nổi Tiếng
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc