Dao Anh trở lại viện tử của mình, nhìn một mâm lớn bánh naan và nước ấm mà người hầu vừa dọn lên trên trường án, nhớ tới mớ thịt nướng vừa nãy bay qua trước mắt.
Nếu biết trước không cấm ăn thịt, mấy bữa nay nàng đâu cần ăn chay mỗi ngày. Trên đường về Duyên Giác có giải thích, sư ở Vương Đình không hề bị cấm ăn thịt. Phần lớn sư các nước Tây Vực đều vậy, chỉ nhắc đến tam tịnh nhục và ngũ tịnh nhục, tam tịnh nhục tức không thấy giết, không nghe tiếng giết, không giết, ngũ tịnh nhục ngoài ba điều trên còn thêm hai loại: tự chết, thịt dư của điểu thú giết.
Nói cách khác, không tận mắt nhìn thấy giết chết động vật, không nghe thấy động vật bị giết chết hoặc nghe nói động vật là bị giết vì mình, không phải do mình muốn ăn mà sát sinh, chỉ là thịt, thì có thể ăn. Có điều lúc chế biến thịt không cho gia vị, sư không dính dáng tới món mặn, trong đó “mặn” chỉ hành, gừng, tỏi các gia vị có hương vị kích thích.
Thêm nữa, nếu sư sinh bệnh, cần ăn mặn, cũng có thể phá lệ ăn.
Dao Anh bừng tỉnh.
Giới luật khu vực khác biệt nhỏ cũng không hiếm thấy. Tỉ như trước kia từng có quy định sư không ăn trưa, nếu giữa trưa đã ăn thì đến hôm sau mới ăn tiếp, gọi là “cầm trai”. Sau khi Phật giáo truyền vào Trung Nguyên, quy định này đã thay đổi, rất nhiều sư Trung Nguyên bỏ qua cầm trai, bắt đầu một ngày ba bữa, nếu không không thể đảm bảo thể lực.
Phật giáo khởi nguồn từ Thiên Trúc, lúc đầu đại bộ phận tăng lữ xuất thân từ quý tộc Thiên Trúc, ý nghĩa cơ bản của Phật giáo quan hệ chặt chẽ với xã hội Thiên Trúc, khi vừa mới lưu truyền đến Trung Nguyên, từng phát sinh xung đột và không thích ứng với truyền thống luân lý Pháp tông Trung Nguyên. Sau đó Phật giáo nhập gia tuỳ tục, dựa vào luân lý Pháp tông của Trung Nguyên điều chỉnh thay đổi, không ngừng phát triển, thu nạp tầng lớp dân chúng phổ thông, mới có thể phổ cập truyền bá ở Trung Nguyên.
Các nước Tây Vực và Trung Nguyên vốn đã khác biệt, Phật giáo phát triển tự nhiên cũng thể hiện một diện mạo khác, ở một số ít các nước Tây Vực, toàn dân đều là tín đồ, sư sãi có địa vị cực cao, quan hệ mật thiết với quý tộc, thậm chí đôi khi Vương quyền thế tục và giáo quyền có thể khống chế trong tay một người.
Tóm lại, vùng đất khác biệt, phong tục khác biệt.
Giới luật Trung Nguyên nghiêm khắc, một vị hoàng đế Nam Bắc triều từng ban lệnh ‘Cấm rượu’, cấm sát sinh, yêu cầu sư không được ăn thịt, thêm nữa các nhà sư Trung Nguyên không cầm bát khất thực, được ban ruộng, khai khẩn vườn, tự mình trồng trọt, hoàn toàn có thể tự cấp tự túc, có thể không cần ăn thịt.
Dao Anh nhớ năm đó Pháp sư Huyền Trang đi Tây phương thỉnh kinh, lúc qua Tây Vực, các sư cũng ăn thịt. Nàng từng cho rằng Vương Đình sùng bái những sách kinh có dấu hiệu theo hướng Đại thừa quá độ, nên cũng không ăn thịt sống, muốn tôn trọng các sư, nhập gia tùy tục, từ lúc vào ở Phật Tự chưa hề ăn thịt, không ngờ sư trong chùa không kiêng ăn thịt.
Nói cho đám thân binh, cả đám sướng rơn nhảy cẫng – họ là lính, ngày ngày cơm trắng, thèm muốn điên!
…
Phía bên kia, Duyên Giác quay về thiền phòng báo lại Đàm Ma La Già, cười nói: “Vương, không phải chủ chùa lạnh nhạt với Văn Chiêu công chúa đâu, là do lúc người vào ở, chủ động nói chỉ ăn thức ăn chay, nên chủ chùa không sắp xếp đưa qua món khác.”
Đàm Ma La Già cúi đầu lật mấy cuốn sách da, trước mắt hiện ra vẻ thiếu nữ ngây ra như phỗng, mắt muốn rớt ra ngoài, nhìn chằm chằm mâm thịt nướng của mình mà vài phần tủi thân.
Còn tưởng nàng bị lạnh nhạt. Thì ra không phải ấm ức mà chỉ đơn thuần là kinh ngạc, đại loại như “sao ngài lại ăn thịt?”.
Nàng cho là mình có thể uống sương ăn gió chăng?
Mặt Đàm Ma La Già trong veo, ngón tay thon dài nhẹ phẩy cầm châu.
…
Ngày hôm sau, mâm cơm đưa đến viện Dao Anh nhiều thêm mấy đĩa thịt nướng. Đáng tiếc thịt nướng không được chế biến tỉ mỉ, chỉ sơ sài ướp vài hạt muối.
Nhưng đám thân binh đói lâu ngày vẫn khoái chí ăn mãi, gặm đến không còn mảnh xương.
Cơm nước xong xuôi, Dao Anh bảo thân binh chia nhau làm việc.
Nàng đã tìm Duyên Giác nghe ngóng, Vương Đình có vườn nho lớn, phần lớn được hái để ủ rượu nho. Rượu nho Cao Xương có tiếng gần xa, là món bán chạy, rượu nho Vương Đình không tinh khiết bằng Cao Xương, nhưng thắng ở chỗ có thể để rất lâu không biến chất.
Mảnh đất Dao Anh mua vừa vặn có mấy khoảnh trồng nho.
Trước đó Tề Niên từng nhắc qua ông biết cất rượu, nàng cho ông thử chút, dù gì cũng không nghĩ trông vào tiền họ kiếm. Chăn cừu, thuộc da đều là việc tốn thể lực, phần lớn họ đều là ít khả năng lao động mới bị bán, nàng luôn nghĩ cách tìm công việc thoải mái chút cho họ.
Dạy họ phơi nho khô? Ý này vừa chợt lóe, Dao Anh sai thân binh đi phố chợ mua ít nho khô, thăm dò nghe cách phơi nho bản địa.
Nàng ngồi trước đình viện, nhìn đám nho từng chùm từng chùm rủ xuống trước tường hoa, ngẩn người.
Nàng từng vì muốn uống rượu nho mà ầm ĩ với Lý Trọng Kiền.
Ở Trường An, giá rượu nho rất đắt đỏ.
Năm đó lính nhà Đường chinh phục Cao Xương, mang ngựa sơ sinh, phương pháp ủ nho Cao Xương về Trung Nguyên, Thái Tông Lý Thế Dân cho trồng nho trong vườn của Hoàng gia, tự mình ủ rượu, ban cho quần thần cùng hưởng. Sau này mở rộng xuống dân gian, phổ biến trong phố chợ, có điều vì chiến loạn liên tục nhiều năm, nho tươi trở nên quý hiếm, phương pháp ủ nho thất truyền, nên rượu nho trở nên hiếm hơn.
Từng có vị Thái y nói uống rượu nho vừa phải rất tốt cho phụ nữ, vừa vặn Dao Anh lên cơn thèm, đòi uống mấy chén, bị Lý Trọng Kiền quạu mặt dạy dỗ mấy câu. Nàng luôn phải uống Ngưng lộ hoàn, thần y đã dặn, trong thời gian uống thuốc tốt nhất không được uống rượu.
Nghĩ tới đây, Dao Anh chợt nhớ. Đàm Ma La Già đang dùng Thủy Mãng Thảo, ngài có biết phải kiêng thứ này không? Nghĩ một lát, lắc đầu bật cười: Đàm Ma La Già là hòa thượng, nào uống rượu?
Trong đêm, thân binh cầm mấy bao nho khô về, mở ra trên bàn.
Dao Anh vừa nhìn đã biết mớ nho khô màu nâu này chất lượng không tính là thượng thừa.
Thân binh nói: “Công chúa, đây là mớ nho khô tốt nhất trong thành, người ở chợ nói nho khô ở Vương cung cũng là họ cung cấp. Y nói, trời hè thu Vương Đình nóng bức khô ráo, nắng nhiều, mưa ít, họ hái nho rồi phơi trực tiếp, không cần làm gì nữa hết.”
Dao Anh nhặt vài hạt nho khô lên nhìn kỹ màu, ngửi mùi, nếm mấy miếng, trầm ngâm một lát, xem ra phương pháp phơi nho hiện tại còn rất thô sơ.
Nàng dặn dò thân binh: “Mai ngươi ra khỏi thành nói lão Tề, không được tiếc mớ nho đã kết quả kia, thu hoạch toàn bộ, toàn bộ vườn đổi qua trồng trái cây ngọt quý hiếm, ngựa sơ sinh, nho trân châu đen*, nếu không được mua nho, bảo ông ta đi Thành Nam tìm người buôn tên Khang Đại, đổi thêm trà, tơ lụa.”
* giống không hạt kháng bệnh, sản lượng cao, trưởng thành nhanh, chất lượng tốt, hàm đường lượng cao, dễ vận chuyển.
Thân binh vâng dạ, lại nhắc một việc: “Lão Tề nói ông ta có liên hệ người Sa Châu lưu vong các nơi, phần lớn họ không có cơm ăn áo mặc, ông bảo tôi về xin chỉ thị công chúa, có thể thu nhận họ không?”
Dao Anh nhíu mày. Vương Đình cuối cùng chỉ là nơi tạm thời che chở cho nàng, họ không thể đem lại phiền phức cho Vương Đình, người thu nhận càng lúc càng nhiều, không thể nhận tất cả vào Vương Đình được.
“Hiện giờ nhân số không nhiều, nhận được thì nhận nhưng nhớ kỹ, căn dặn lão Tề, bắt buộc phải lập danh sách không được thiếu một người, dựa vào đó ta còn nộp tiền thuế.”
Đại thần Vương Đình hám tiền, nàng cứ theo đầu người nộp thuế, mới không bị chỉ trích quá lớn, lập danh sách cũng dễ quản lý nhân khẩu, làm cơ sở huấn luyện binh sĩ biết đánh trận. Nàng thiếu người, giờ chiêu mộ càng nhiều người càng tốt.
Thân binh gật đầu, ghi nhớ từng việc một, chần chừ chút rồi hỏi: “Có vài người Sa Châu… Lão Tề không biết nên nhận không.”
Dao Anh hỏi: “Đã là người Sa Châu, sao không thể nhận?”
Thân binh đáp: “Mấy cô đó không phải người Hán, mà đều là người Hồ lưu lạc đến Tây Vực, bị thương đội bán trao tay nhiều lần, cuối cùng lưu lạc đến Vương Đình, nghe nói chỗ lão Tề chứa chấp rất nhiều người Hà Tây nên mấy cổ tới xin vào.”
Dao Anh nhíu mày, nhìn thân binh một lát rồi gọi tất cả tới, ánh mắt đảo qua gương mặt từng người. Vẻ mặt nàng có phần nghiêm khắc, đám Tạ Xung, Tạ Bằng không dám đùa, ai cũng khoanh tay đứng hầu.
Dao Anh từng chữ nói: “Sa Châu, Qua Châu đều thuộc đất Hà Tây, dân địa phương dù là Hồ hay Hán, đều là con dân Đại Ngụy, các ngươi nhớ rõ chưa?”
Cả đám trầm giọng thưa vâng.
Lúc này Dao Anh mới bảo thân binh ban nãy: “Đã là người Sa Châu, lại tới xin vào, có thể nhận thì nghĩ cách nhận.” Lại nói: “Nếu có người không tuân thủ quy định, quyết không nhân nhượng, lập tức đuổi đi. Chúng ta chỉ có cứu mình trước, mới có thể cứu người, bảo lão Tề cẩn thận chút, tuyệt đối đừng để xảy ra nhiễu loạn.”
Thân binh vâng lời.
Liên tiếp mấy ngày bận rộn, đoán chừng A Sử Na Tất Sa sắp về, Dao Anh bắt đầu chuẩn bị đi Cao Xương, Đàm Ma La Già đã có nói Tất Sa sẽ đi sứ Cao Xương với nàng.
Trong thời gian này, mỗi sáng sớm nàng kiên trì xuất hiện ở buổi tảo khóa, dù nghe tuyên giảng không hiểu, vẫn thành thật ngồi nửa canh giờ, niệm tụng kinh văn với các nhà sư.
Đàm Ma La Già giúp nàng, nàng không thể phụ tâm sức của ngài.
Mấy vị sư với Dao Anh không đồng ngôn ngữ, thấy thái độ nàng thành kính, trẻ tuổi xinh đẹp, có thể mộc mạc, không chút phấn son, ngày ngày trời chưa sáng đã đứng dậy tảo khóa, thái độ đối với nàng hiền lành đi rất nhiều. Có điều vẫn không ai dám tiếp chuyện Dao Anh, chỗ nàng đi qua, tất cả các sư lập tức dời mắt, không dám nhìn nàng nhiều, có người nhắm mắt niệm kinh, có người thiền định, còn có người quay đầu né tránh.
Bát Nhã tức hổn hển: Rất hiển nhiên, mấy vị này định lực không đủ, vì sắc đẹp của Dao Anh tâm tình lay động, coi nàng là hồng thủy mãnh thú* mới tránh né!
*nước lũ và thú dữ: kiểu như tai họa lớn
Cậu vụng trộm phàn nàn với Duyên Giác: “Cứ mỗi lần Văn Chiêu công chúa đi ngang tiền điện, đám tiểu sa di kia rớt hết cả mắt! Cứ tiếp tục thế thì phải làm sao đây?”
Duyên Giác cười cười: “Công chúa chỉ đến điện tụng kinh lúc tảo khóa, còn lại đều không đi lại trong chùa, không cố ý dẫn dụ ai, không trang điểm múa máy khắp nơi. Các phụ nữ Vương công quý tộc trong thành cũng thường xuyên đến tiền điện nghe thiền sư giảng kinh, người nào cũng trang điểm kỹ càng, đầu đội trang sức, người đeo chuỗi chuỗi vàng ngọc, còn sợ bị so sánh ai cũng dẫn theo bốn năm thị nữ, nhiều nữ tử đến nghe giảng vậy, sao ngươi chỉ nhằm mỗi Văn Chiêu công chúa thế?”
Bát Nhã không cãi lại, im một lúc, tức giận giậm chân: “Văn Chiêu công chúa đẹp như thần nữ, đẹp hơn họ!”
Duyên Giác buồn cười chịu thua, “Sắc đẹp của công chúa trời ban, không phải tội nghiệt. Đây cũng là Phật khảo nghiệm đám tiểu sa di, nếu chúng thông qua khảo nghiệm, tức là vững tâm, còn nếu mỗi ngày mơ mơ mộng mộng, chứng tỏ tâm không vững, vừa vặn có thể ma luyện rồi.”
Cậu dừng lại một lát, trịnh trọng nói, “Với Vương mà nói, cũng vậy thôi.”
Bát Nhã nghĩ nghĩ, cũng có lý, đành thôi.
Dao Anh không biết Duyên Giác thật sự coi nàng là khảo nghiệm của Phật dành cho Đàm Ma La Già, ngày ngày tuân thủ đi tảo khóa.
Bình thường nàng tự đến tự đi, hôm đó, sau bài giảng kết thúc mấy vị sư ngăn nàng lại, mở miệng một tràng tiếng Phạn.
Nàng nghe không hiểu, mặt đờ ra.
Sau đó lại một tràng tiếng Hồ, một vị sư bên cạnh bất mãn, lôi kéo người kia tranh luận kịch liệt, hai người nhao nhao kích động, mấy sư khác bên cạnh tham dự vào, rất nhanh lôi cuốn sự chú ý của chủ chùa.
“Có việc gì?” Chủ chùa chạy tới hòa giải.
Tiếng cãi nhau cũng không hạ giọng mà ngược lại càng ồn ã cao giọng hơn, còn dùng tay lôi kéo đối phương, đánh bả vai đối phương, mặt đỏ tới mang tai.
Chủ chùa giận dữ, nhưng sau khi ông nghe rõ lý do, cũng không quát họ, chỉ nhíu mày nói: “Việc này ta không làm chủ được, phải do Sư tôn quyết định.”
Dao Anh còn chưa nghe ra đám sư tranh luận chuyện gì, đã bị đưa cùng với cả đám đến thiền phòng của Đàm Ma La Già.
Cây táo trong vườn hoa trắng xóa đã rụng từ lâu, cánh hoa đầy đất.
Đàm Ma La Già đang xử lý công vụ, người mặc cà sa lộ vai, bả vai màu mật ong láng mịn.
Chủ chùa cung kính hành lễ rồi báo với cận vệ, đợi Duyên Giác ra hiệu đi vào, lập tức mang mấy vị sư vào thiền phòng báo lại mọi việc.
Đàm Ma La Già nghe ông nói xong, ngước mắt, nhìn về phía Dao Anh đứng trước cửa.
Dao Anh hiểu ý, đi vào.
Đàm Ma La Già bảo Duyên Giác: “Lấy giấy bút.”
Duyên Giác chuyển đến một bàn trà nhỏ, mang giấy bút tới, đặt bên phải Đàm Ma La Già.
Đàm Ma La Già hỏi Dao Anh: “Công chúa có thể chép lại Tâm kinh đã từng tụng không?”
Chàng nhìn nàng, mắt như chứa một dòng nước xanh biếc, trong lạnh lại ôn hòa. Dù không cố tình có ý trấn an, vẫn khiến người bình tĩnh lập tức.
Dao Anh lấy lại tinh thần, nhẹ gật đầu, đi đến trước bàn nhỏ, ngồi xếp bằng, cầm bút bắt đầu chép lại.
Trong phòng yên tĩnh, chỉ có tiếng bút sột soạt lướt qua giấy. Sau chốc lát, Dao Anh chép xong, đưa cho Duyên Giác, Duyên Giác chuyển qua trước án của Đàm Ma La Già.
Đàm Ma La Già liếc qua thật nhanh, sau đó lại xem từ đầu, đọc rất cẩn thận.
Sau khi xem xong, chàng đặt tờ giấy xuống. “Công chúa có bản Tâm kinh bằng tiếng Phạn không?”
Dao Anh lắc đầu, phần lớn các bản Phật kinh điển tịch nguyên thủy là tiếng Phạn, sau có nhiều bản dịch khác nhau, trong đồ cưới nàng có nhiều quyển kinh Phật tiếng Phạn nhưng lại không có Tâm kinh.
Mấy vị sư nghe đến đó, xì xào bàn tán, một người trong đó vẻ mặt hơi kích động. Đàm Ma La Già hờ hững liếc y. Y vội đỏ bừng mặt, dừng tranh luận, cúi đầu.
Đàm Ma La Già bảo Duyên Giác đem giấy bút, cầm bút, đối chiếu bản tiếng Hán Dao Anh vừa mới chép ra, bắt đầu viết.
Dao Anh hơi hiếu kỳ, ánh mắt rơi xuống ngòi bút chàng, phát hiện chàng đang viết tiếng Phạn, nàng nhìn không hiểu.
Là ngài trực tiếp dịch từ nội dung nàng thuộc lòng ư?
Nàng nhìn một lúc, chưa kịp nhìn rõ, Đàm Ma La Già bỗng ngẩng đầu, ánh mắt bắt gặp nàng.
Dao Anh khẽ giật mình, nhìn chàng cười cười, mày hơi cong, hai con ngươi đen nhánh tỏa sáng. Như hoa đầu cành, nở rộ rực rỡ xinh đẹp, tràn đầy kiêu ngạo tự mãn của thanh xuân, ánh mắt tràn ngập tin cậy.
Giờ không so đo chuyện mình ăn thịt nữa nhỉ?
Đàm Ma La Già rũ mắt, chỉ vào một câu trên giấy, nhẹ giọng hỏi Dao Anh.
Dao Anh lấy lại tinh thần, thấp giọng trả lời.
Đàm Ma La Già ừm một tiếng, cầm bút sửa lại chữ ban nãy viết, lát sau lại hỏi, Dao Anh nghiêm túc đáp. Họ nói chuyện bằng tiếng Hán, cận vệ phòng thủ và các sư nghe không hiểu, không thể xen vào, chỉ đứng nín hơi yên lặng không nháy mắt chăm chú nhìn họ, quan sát thần sắc họ.
Dao Anh ngồi cạnh Đàm Ma La Già, chàng hỏi một câu, nàng đáp một câu.
Nàng nhìn qua vẻ mặt căng thẳng, trông đợi của mấy vị sư, đàng hoàng nói: “Pháp sư, ta cũng không hiểu rất rõ ý nghĩa trong kinh, Pháp sư có muốn tìm vài người hỏi không?”
Đàm Ma La Già cúi mày, nói: “Không việc gì, công chúa chỉ cần thuật lại nguyên văn là được.”
Cũng không biết cuối cùng mất bao lâu, chàng đã dịch xong, cầm một trang sao lại, đưa cho Duyên Giác.
Duyên Giác giao cho mấy vị sư đang chờ đợi, họ tranh nhau chuyền tay xem, lại ào ào thảo luận, xong cúi người với Đàm Ma La Già vẻ như chờ chàng phân tích.
Đàm Ma La Già nói mấy câu.
Mấy vị sư sửng sốt mãi rồi lộ ra vẻ đăm chiêu, có người đã ngộ, người còn mờ mịt, sau một lúc lâu, cả đám chắp tay cúi chào Đàm Ma La Già lui ra ngoài.
Chỉ còn mỗi Dao Anh ngớ ra trước trường án: Chuyện gì thế nhỉ?
Nàng nhìn Đàm Ma La Già, nhỏ giọng hỏi bằng tiếng Hán: “Pháp sư, ta không gây thêm cho ngài phiền phức chứ? Sao họ lại cãi nhau vì Tâm kinh?”
Đàm Ma La Già khẽ lắc đầu, ra hiệu không có gì, nói: “Họ chưa từng được đọc bản tiếng Phạn của Tâm kinh, sách khắp nơi cũng không tìm được ghi chép, nghi ngờ đây là quyển kinh giả nên cãi nhau, không liên can đến công chúa.”
Dao Anh đầy kinh ngạc, nghĩ nghĩ, quả quyết nói: “Vậy sau này ta không niệm nữa.”
Tông phái Phật giáo như rừng, Phật pháp ở Tây Vực chịu ảnh hưởng Thiên Trúc càng sâu, lại dung hợp với phong tục truyền thống bản địa, xen lẫn rất nhiều thứ nàng không hiểu, nàng không muốn bởi vì mình vô tình mà xúc phạm người khác.
Đàm Ma La Già cúi nhìn Tâm kinh Dao Anh vừa mới chép lại, nói: “Công chúa không cần để ý, Tâm kinh thật hay là giả, không phải do họ thừa nhận, cũng không vì không có nguyên bản tiếng Phạn, kinh văn vẫn chứa Phật lý. Phật diệt độ đã hơn nghìn năm, các tông các phái giải thích nghĩa kinh khác nhau, Phật kinh điển tịch sáng tác phong phú, chả nhẽ thứ họ chưa từng xem qua đều là giả sao?”
Dao Anh bừng tỉnh hiểu ra, vừa rồi mấy vị sư vì Tâm kinh ai cũng cho mình là đúng, mới mời Đàm Ma La Già phân tích, đây cũng là đáp án ngài đưa ra.