edit trích đoạn và nhập 2 chương pn., sau khi Dao Anh rời Vương Đình về Tây Châu.
1, Trịnh Cảnh đi vào đại trướng, nhắc nhở Lý Dao Anh Lý Huyền Trinh vừa mới đến.
Thịt rượu trong lều đã dọn, Lý Dao Anh đang ngồi trước lò đang viết gì đấy.
Trịnh Cảnh thoáng liếc qua trang giấy tinh xảo mở ra trên bàn nhỏ, dừng ở cửa, đưa mắt ra hiệu thân binh không nên lên tiếng quấy rầy Lý Dao Anh.
Nàng đang viết thư.
Lý Dao Anh thường xuyên viết thư, viết cho tướng lĩnh các nơi, viết cho Lý Trọng Kiền, Tạ Thanh, viết cho thủ lĩnh hào kiệt…
Trịnh Cảnh thường xuyên nhìn thấy nàng dựa bàn viết thư, đôi khi nàng bày giấy mài mực, suy tư thật lâu mới hạ bút, chữ chữ cân nhắc, đôi khi đang trên đường hành quân, nàng tiện tay tìm đến vải nỉ, ghé vào cạnh đống lửa vội vàng ngoáy mấy bút, liền gửi đi…
Nhiều lần, Trịnh Cảnh phát hiện, Lý Dao Anh viết những bức thư khác, không như thường gặp, giấy dùng cũng không giống.
Tỉ như hiện tại, nàng cố ý khều tim đèn, cho người dọn đồ trên bàn đi, thẳng thẳng thớm thớm ngồi trước bàn viết, thần sắc chăm chú, đặt bút có lực, thi thoảng nghĩ đến gì đấy, nhẹ nhoẻn khóe miệng, hiển nhiên hết sức chăm chú, đến mức hoàn toàn không chú ý đến cậu đang bước vào đại trướng.
Giấy viết thư đang dùng là loại giấy có hoa văn hoa sen in chìm, nghĩa là nội dung bức thư không phải quân tình khẩn cấp, cũng thể hiện thân phận người nhận thư không tầm thường.
Chỉ những lúc dùng loại giấy này viết thư, Lý Dao Anh mới tránh mặt người, dọn bàn sạch sẽ, chuẩn bị bút mực kỹ lưỡng, khi cầm bút vẩy mực không tự chủ giữ thế ngồi thẳng thớm, chăm chú cung kính như đang chép kinh thư.
Trịnh Cảnh đợi một lát, thấy Lý Dao Anh từ đầu đến cuối không ngẩng đầu, lặng lẽ lui ra.
Sau chừng một khắc đồng hồ, Lý Dao Anh mới đặt bút. Nàng không biết Trịnh Cảnh đến, nhặt tờ giấy đầy ngập chữ thổi thổi, kiểm tra không sót, đợi toàn bộ khô ráo, cất kỹ, từng bút từng bút viết xuống một cái tên.
Đèn trên bàn viết đổ xuống một bóng đen dài.
Nàng nhìn cái tên mình vừa viết, kinh ngạc đến ngây ra.
Thân binh ở một bên chờ giây lát, nhỏ giọng gọi: “Quý chủ?”
Dao Anh hồi phục tinh thần, cười cười, ra hiệu thân binh dời chậu lửa đến.
Lửa than đốt đến đỏ bừng.
Dao Anh lại ngẩn ra một lúc, sau đó không chút do dự ném thư trong tay vào chậu lửa.
Trong ngọn lửa lờ mờ còn có thể nhìn thấy một chuỗi chữ Ba Tư.
Dao Anh rũ mắt không nói, nhìn cái tên mình đã viết hóa thành tro tàn.
Đàm Ma La Già.
…
…
…
2,
Vương Đình.
Tất Sa quạu mặt hỏi ưng nô lần nữa: “Thật không có thư cho Vương hả?”
Ưng nô lắc đầu.
“Cũng không có cho ta?”
Ưng nô nhỏ giọng lầm bầm: “Thư gửi ngài thì ngài đã xem rồi mà…”
Mặt Tất Sa hơi méo mó: “Ngươi tự mình đi chờ chỗ kệ ưng, thư của Duyên Giác phải sắp có rồi chứ… Chỉ cần là thư từ phía Đông, dù cho ai… lập tức đến bẩm báo.”
Ưng nô thưa vâng, quay người chạy xa.
Hôm sau, ưng nô hớn hở chạy tới báo: “Thư Duyên Giác đến rồi ạ!”
Tất Sa lập tức mở ra ống trúc, đọc xong, gương mặt tuấn tú thoáng chốc đen như đáy nồi.
Văn Chiêu công chúa ấy vậy mà thật sự đang chọn phò mã!
Nhi lang Tây Châu suốt ngày giống khổng tước hoa hòe làm duyên làm dáng trước mặt công chúa, khoe khoang võ nghệ!
Công chúa mỗi ngày bề bộn công vụ, bận bịu lui tới với đám khổng tước hoa kia, một lần cũng không nhắc đến Vương!
Một lần cũng không!
Dù có người nhắc đến Vương trước mặt, người cũng thờ ơ, cười một tiếng cho qua, tiếp tục nói đùa với đám khổng tước hoa kia.
Con gái người Hán tuyệt tình thế sao?
…
Tất Sa phẫn uất mãi, che giấu nỗi lo lắng, cất bức thư Duyên Giác viết cho mình, đưa bức thư Duyên Giác viết cho Đàm Ma La Già vào phòng.
“Vương, phía Văn Chiêu công chúa mọi việc thuận lợi.”
Trong phòng đốt mấy ngọn nến sáng, thả xuống ánh sáng trong lạnh như tuyết, trên bàn chất đầy dư đồ bằng giấy da trâu, Đàm Ma La Già ngồi trước thư án, khuôn mặt tái nhợt tiều tụy, hai đầu lông mày tràn đầy vẻ mệt mỏi, ngón tay thon dài bị bút than nhuộm đen, trên áo tăng một lớp sáng nhàn nhạt nhảy múa.
Chàng nhận thư, nhẹ nhàng ừ đáp.
Giọng tắc nghẹn.
Tất Sa há miệng, không biết nên nói gì, chần chờ mãi, thở dài lui ra.
Đàm Ma La Già tiếp tục vùi đầu tô tô vẽ vẽ, thời cơ chiến tranh chớp mắt là qua, chàng nhất định phải cân nhắc đến tất cả tình huống phát sinh, căn cứ vào chiến báo các nơi đưa về kịp thời bố trí binh lực, ra chỉ thị điều chỉnh tướng sĩ tiền tuyến…
Tia sáng ảm đạm đi phần nào.
Thân vệ vào nhà đưa thuốc, Đàm Ma La Già ngừng bút, nhận chén thuốc uống một hơi cạn sạch.
Chua cay lại hơi đắng.
Đàm Ma La Già đặt cái chén không xuống, ngước nhìn giá đỡ ưng trống trải trong góc.
Từ khi nàng rời đi, không viết dù chỉ một phong thư cho chàng.
Hai nước là minh hữu, tránh không được thư từ qua lại, nhưng mớ thư đều do người khác viết thay, dù những bức viết theo giọng điệu nàng.
Quan viết thư rất bác học, tiếng Hán, Túc Đặc, Ba Tư, viết đến ngay ngắn đẹp đẽ.
Trong thư, nàng gọi chàng: Quân chủ Vương Đình tôn quý, các hạ Phật Tử cao quý…
Đều bàn về quốc sự.
Khách khí mà xa lánh.
Nàng trở lại hồng trần của nàng.
Nàng lại giống những người khác kính trọng hắn.
Nàng thành chúng sinh.
Về sau, sẽ chẳng liên quan đến chàng.
Nhân duyên tế hội, duyên tới duyên đi.
Mọi việc trước đây, như bọt nước ảo mộng.
Đàm Ma La Già ngồi trong ánh nến u ám ngây một lúc, lại cầm bút than.
Mọi việc đều thuận lợi tốt đẹp.
Bút than nhẹ nhàng ma sát trên giấy da trâu, trôi chảy vạch ra đường cong.
Một lát sau, có tiếng nhỏ xíu phá vỡ.
Bút than ngừng lại.
Đàm Ma La Già rũ mắt.
Nhớ đó là một buổi chiều nóng bức, chàng ngồi biện kinh với mấy vị sư trong hành lang, phơi đến trưa, nửa trên bả vai lộ ra ngoài hơi nóng.
Chàng biện kinh thắng, các sư chắp tay trước ngực bái lễ, lấy làm kính phục.
Bát Nhã đầy vẻ vinh dự cùng kiêu ngạo đắc ý.
Chàng chỉ thấy mỏi mệt.
Sau chốc lát, nàng ôm sách đến cầu kiến, nói chuyện với chàng một lúc, ánh mắt dừng trên mặt chàng.
“Pháp sư uống thuốc chưa ạ?” Nàng lo lắng hỏi, một đôi mắt thẳng tắp nhìn chàng.
Dù xưa nay chàng luôn ôn hòa, trên dưới Vương Đình không ai dám nói chuyện như thế với chàng.
Nàng dám… một nửa là thực sự lo lắng, cộng thêm không hiểu rõ quy củ Vương Đình, một nửa khác… thật ra là bởi vì chàng ngầm đồng ý mà phóng túng cho nàng.
Đàm Ma La Già khẽ gật.
Nàng như nhẹ nhàng thở ra, nói: “Vậy tôi không quấy rầy Pháp sư.”
Trước khi cáo lui, nàng chỉ vào một chuỗi văn tự hỏi chàng: “Pháp sư, mấy chữ Ba Tư này nghĩa là gì?”
Đàm Ma La Già ngước mắt nhìn nàng. Nàng nhìn lại, vẻ mặt cung kính tin cậy, giải thích: “Tôi từng thấy mấy chỗ có chữ giống vầy, có thỉnh giáo Bát Nhã, cậu ấy biết rất rõ nhưng chẳng chịu giải đáp, mấy người khác thì không biết, tôi đành phải làm phiền Pháp sư.”
Giọng điệu thiếu nữ đầy vẻ đơn thuần, hồn nhiên không biết rằng nàng ngồi quỳ bên cạnh chàng, mặt mũi tràn đầy chờ mong ngó chàng, trong dáng vẻ kể lại bình thường vô tình xen lẫn mấy phần thân mật.
Đàm Ma La Già thu hồi ánh mắt, nói: “Đây là tên ta.”
Sách là ngữ văn ca dao tiếng Ba Tư do Bát Nhã thu thập các nơi, chàng là Quân chủ, sẽ có vài bài nhắc đến tên chàng.
Nàng bừng tỉnh hiểu ra, đuôi mày tràn đầy cười, “Thì ra là tục danh của Pháp sư viết bằng tiếng Ba Tư… Là tôi mạo muội đụng chạm…”
Đàm Ma La Già ra hiệu không sao, chàng cũng chẳng thèm để ý mấy thứ kị huý.
Vài ngày sau, Đàm Ma La Già nghe Duyên Giác Tất Sa trong lúc nói chuyện phiếm có nhắc, Bát Nhã cãi nhau với nàng.
Bát Nhã mắng nàng không biết xấu hổ.
Nàng bình chân như vại, thành khẩn nói: “Không sai, da mặt ta dày vậy đó.”
Bát Nhã tức đến giậm chân.
Đàm Ma La Già gọi Bát Nhã đến hỏi nguyên nhân tranh chấp. Bát Nhã nhảy cao ba thước, chạy về phòng lật ra một xấp giấy, lên án nàng: “Văn Chiêu công chúa đối với Vương tặc tâm không chết mà!”
Đàm Ma La Già nhìn chứng cứ phạm tội cậu ta dâng lên.
Một xấp giấy hoa văn hoa sen, tràn ngập tên chàng.
Nàng không biết tiếng Ba Tư, viết chữ xiêu xiêu vẹo vẹo, lớn nhỏ không đều, nhìn giống bút tích trẻ con, nhưng từng hàng từng lối viết rất chỉnh tề, không một vết bẩn đen. Không biết có phải đang viết đâm lười biếng, cạnh biên tờ giấy vẽ vài chân dung động vật.
Loe ngoe vài nét, một con ưng giang cánh, một thớt tuấn mã, một con lạc đà.
Đàm Ma La Già nhớ tới mấy bức vẽ cổ quái kia của nàng.
Chàng đoán ra dụng ý của nàng, đơn giản là học thêm vài chữ viết tiếng khác, đề phòng thư rơi vào tay người khác, vừa vặn cảm thấy tên chàng thích hợp dùng để luyện viết.
Về sau, quả nhiên nàng thử dùng vài từ da lông tiếng Phạn và tiếng Ba Tư học được mà truyền tin.
Nàng còn nghĩ ra rất nhiều ám ngữ, bảo đảm chỉ có người nhận thư của nàng mới hiểu.
Tại vài bức thư khác, nàng thường xuyên dùng tiếng Ba Tư viết danh xưng Đàm Ma La Già, đôi khi dùng tiếng Phạn, thi thoảng là tiếng Hán.
…
Dù là ngôn ngữ nào, trước đây Dao Anh chưa từng trong thư khách sáo gọi chàng là là “Quân chủ Vương Đình tôn quý”.
Sau này, sẽ không còn thư nàng tự tay viết.
Cuộc đời chàng cũng đã đi đến bước cuối cùng.
Còn nàng, bình an vui vẻ.
Ánh nến lay nhẹ.
Đầu ngón tay Đàm Ma La Già rung động, nắm chặt bút than, viết tiếp.
3. Trong đại trướng, Dao Anh lăn lộn khó ngủ.
Vết thương trên cánh tay cứ âm ỉ đau, thoa thuốc không dịu bớt.
Nàng nằm một lúc lại ngồi dậy, dưới đèn đọc mấy phong thư, cho thân vệ viết hồi âm thay.
Ngăn cách giữa các bộ lạc không phải chuyện hai ba ngày có thể giải quyết, việc hành thích nàng hôm nay không hề bất ngờ, trước mắt đại cục làm trọng, nàng có thể bí mật dò xét, chỉ cần bắt được kẻ cầm đầu, sau này có cơ hội sẽ vén lên ngọn ngành đám người, không cần nóng vội nhất thời.
Đã mang tiếng là thủ lĩnh Tây quân, phải có độ lượng của một thủ lĩnh.
Nàng càng tỉnh rụi, đám kia càng nơm nớp lo sợ.
Còn nhiều thời gian, nàng muốn bộ lạc thần phục, bốn phía yên ổn.
Bận rộn một lúc, Dao Anh nằm xuống thảm nỉ, vô thức sờ Phật châu trong vạt áo, hỏi thân vệ: “Có thư Vương Đình không?”
Thân vệ tìm thư đọc cho nàng.
Phong thư thứ nhất là Duyên Giác viết, thư cậu rất dài, đầu tiên báo cáo mỗi ngày làm gì, mình tận tụy mức nào, sau đó kể khổ, bảo cậu nhận lệnh Phật Tử hộ tống nàng, lại bị nàng đuổi đi đường khác dẫn đường cho đại quân, thẹn với Phật Tử, chịu mọi dày vò, xin triệu cậu về lại.
Dao Anh hỏi: “Tình hình chiến trận phía Vương Đình sao rồi?”
Thân vệ tìm một phong thư khác, bức này là Tất Sa viết, anh ta dùng mật ngữ, bảo chiến sự mọi việc thuận lợi.
Anh không nhắc đến Đàm Ma La Già.
Dao Anh nằm nghiêng, xem các tuyến đường đại quân tiến quân, tính toán lộ trình, suy nghĩ sau đây phải làm sao tiến một bước phân hoá các bộ tộc, giảm bớt ngăn cách…
Không biết thân thể Pháp sư thế nào, chàng có uống thuốc đúng hạn không?
Hiện giờ hẳn là chàng đang lãnh binh bên ngoài, nếu đột nhiên công pháp phản phệ, Tất Sa chăm sóc ổn nổi không?
Ý nghĩ này đột nhiên chui ra từ giữa đám ý nghĩ hỗn loạn.
Dao Anh trở mình.
Trên thư Tất Sa không nói, vậy hẳn không có chuyện gì lớn phát sinh.
Thế nhưng nếu quả như có chuyện lớn gì phát sinh, đợi Tất Sa viết thư báo nàng, nàng cũng không kịp làm gì cho Pháp sư…
Lòng Dao Anh chua xót căng trướng.
Nhiều khi, nàng muốn viết thư cho La Già.
Khi thời tiết chuyển lạnh, muốn hỏi ngài thấy trong người thế nào.
Lúc có được ít thuốc hay sách thuốc quý, muốn hỏi ngài cần hay không.
Lúc mọi việc thuận lợi, muốn báo tin vui cho ngài.
Còn có… Lúc vết thương bị đau, không biết vì sao, lại đột nhiên nghĩ đến ngài.
Nhưng nàng không thể viết thư cho ngài.
Không thể.
Không ổn.
Không nên.
Không thích hợp.
Dao Anh trong cơn đau đớn mơ mơ màng màng thiếp đi.
…
Nắng trưa khô nóng như lửa, táp vào mặt, bỏng đến choáng váng cả đầu.
Dao Anh một bước lảo đảo ba lần đi xuống thềm đá, lụa buộc tóc phiêu bay qua lại như có thể ngã quỵ bất cứ lúc nào.
Một mùi thơm trong lạnh bay tới.
Khóe mắt nàng quét qua bắt gặp tà áo tăng trăng thêu chỉ vàng.
Bóng dáng cao lớn dừng lại bên cạnh nàng. Một đôi tay cách lớp y phục đỡ lấy cánh tay nàng.
“Bị thương rồi à?” Chàng hỏi, giọng lạnh lùng, không mang theo một tia gợn sóng, không giống như quan tâm nàng mà như vị thầy nghiêm khắc đang hỏi bài.
Dao Anh gật đầu: “Hôm trước về thành đi đường tắt qua núi, giày bị đâm hỏng…”
Chàng vịn nàng vào hành lang, để nàng ngồi trên lan can.
Hành lang mát lạnh, Dao Anh thở phào, “Tôi khá hơn chút…” Lời còn chưa hết, chàng cúi người, tay phải nâng bắp chân của nàng.
Dao Anh giật nảy mình, ngơ ngác nhìn Đàm Ma La Già.
Trên tường vẽ đầy bích họa màu xanh đậm, chùm nắng chiếu vào, chiết xạ từng luồng sáng rực rỡ chỉ rọi lên người lên mặt chàng, đôi mắt chàng cụp xuống, bàn tay to rộng nâng chân Dao Anh, tay kia trực tiếp cởi ủng dài của nàng, xem xét vết thương trên chân nàng.
Dao Anh thấy hơi nóng, chân đau mấy ngày, lại hơi bị cảm nắng, chóng mặt nhìn La Già.
Mặt ngài ấy thật là dễ nhìn.
Một tia lạnh buốt lướt qua mu bàn chân.
Chàng mở băng gạc trên chân nàng, bàn tay thon dài có lực nâng bàn chân nàng.
Tay Pháp sư… Dao Anh sợ hãi hoàn hồn, vô thức định rút chân về, lòng bàn chân nàng bị đá nhọn đâm rách, máu thịt be bét, đã thoa thuốc trị thương, không thể chạm vào nước, đã hai đêm còn chưa rửa, thật bẩn thỉu… Chính nàng còn ngại bẩn…
“Đừng nhúc nhích.” Đàm Ma La Già cầm lòng bàn chân nàng, mặt không hề có chút ghét bỏ. “Vết thương đã sinh mủ… phải thay thuốc.”
Chàng ngước mắt, mi tâm hơi nhăn, “Mấy bữa này đừng đi động, có chuyện gấp bảo hầu cận đi làm.”
Dao Anh ngẩn ra, gật đầu.
Nàng ở trong phòng dưỡng thương, có việc đều cho thân vệ chạy đi, chờ vết thương lòng bàn chân khép lại, vừa vặn Tất Sa đến tìm nàng, hai người cùng đi diễn sân diễn võ.
Lúc ngang qua quảng trường trước Vương Tự, giao lộ đen đầy ắp đầu người. Đàm Ma La Già đang bố thí, tín đồ ba tầng trong ba tầng ngoài, vây lấy trước Vương Tự chật như nêm.
Dao Anh sợ ngựa chấn kinh làm người bị thương, bèn cùng Tất Sa xuống ngựa, vòng quanh một vòng lớn quanh quảng trường mới tìm được cửa ra, trở mình lên ngựa.
Sau lưng bỗng nhiên dâng lên một trận ồn ào.
Tất Sa và Dao Anh ghìm chặt dây cương, quay đầu nhìn lại hướng quảng trường.
Đám người mãnh liệt, Đàm Ma La Già người mặc Pháp y, trong tay cầm bảo trượng, giữa chúng tăng chen chúc ra đại điện, tín đồ kích động từng người tiếp từng người bước lên nhận bố thí, đến phiên một lão giả quần áo lam lũ, bỗng nhiên miệng lão sùi bọt mép, lăn ra đất.
Người chung quanh cuống quýt né tránh, thân binh định bước lên khiêng lão giả đi, Đàm Ma La Già ra hiệu không sao, ra hiệu hầu cận cầm bảo trượng, bước lên bắt mạch cho lão giả.
Lão giả không ngừng nôn mửa, Pháp y chàng nhanh bẩn một mảng, chàng không hề để ý.
Nhóm tín đồ tỉnh táo lại, chắp tay trước ngực bái lễ tán thưởng lòng dạ từ bi của Đàm Ma La Già.
Lão giả chỉ bị say nắng, rất nhanh được khiêng vào chỗ râm nghỉ ngơi.
Tín đồ khôi phục trật tự.
Đàm Ma La Già đứng trước điện, cầm bảo trượng trong tay, mặt mày bình thản, Pháp tướng trang nghiêm.
Dao Anh ngắm bóng chàng, nhớ tới việc mấy hôm trước, nhịn không được cười lên, nàng khi đó nhất định cũng là say nắng, mới có thể suy nghĩ lung tung.
Pháp sư đối với ai đều tốt như vậy.
Suýt nữa thì nàng đã tự mình đa tình.
Dao Anh cười một lát, kéo cương, phóng về phía sân tập võ.
…
Hôm sau, Dao Anh tỉnh lại từ trong đau đớn, nhớ lại cơn mơ, cười cười.
Trời còn chưa sáng.
Cánh tay vẫn vô cùng đau đớn. Khắp mặt mũi Dao Anh đầy mồ hôi, quần áo trên người ướt đẫm, vùng vẫy ngồi dậy, gọi nữ thân vệ trong trướng giúp nàng rửa mặt thay đồ.
Thân vệ là Tạ Thanh dạy dỗ, võ nghệ không bằng Tạ Thanh, nhưng rất biết chăm sóc người..
Nàng thay đồ, uống thuốc, cảm thấy đã khá hơn, sai thân vệ đốt lên đèn ngồi dựa bàn xử lý công vụ.
Chiến sự phía Đông xem như đã bình định, tiếp theo còn nhiều lặt vặt.
Bận rộn, cánh tay tổn thương như không còn đau.
Buổi chiều, Trịnh Cảnh sang gặp nàng, thấy nàng còn có tinh thần viết thư, cười cười: “Sao công chúa không nghỉ ngơi một chút?”
Dao Anh không ngẩng lên: “Không sao, chỉ bị thương tay trái.”
Trịnh Cảnh cũng không khuyên nữa, chìa ra một chồng sách, nói: “Lúc công chúa bị thương, mấy quyển sách bên người này lạc bên lều kia, tôi cẩn thận gom lại, hôm qua nhiều việc nên quên cầm.”
Dao Anh để bút xuống, nhận sách lật xem. “Đa tạ.”
Nàng quen mang theo người ít dư đồ và sách ghi chép, lúc nào cũng có thể tiện tay lật xem.
Lật đến dưới cùng, Dao Anh ngừng lại.
Tập dưới cùng không phải danh sách, cũng không phải dư đồ, là một xấp sổ đơn giản dán lại.
Nàng lật ra.
Trên giấy vẽ đầy tranh, có sông núi nguy nga, có lạc đà hai bướu cao lớn, hùng ưng giương cánh, dân du mục giơ roi…
Còn có hòa thượng.
Có hòa thượng tĩnh tọa, có hòa thượng cưỡi voi, có hòa thượng đọc sách…
Đều là mấy bức vẽ bình thường nàng tiện tay nguệch ngoạc mấy bút, nét cong đơn giản, người khác có lẽ chẳng nhìn ra vẽ ai, sẽ nghĩ là tiện tay bôi bậy.
Nhìn bức vẽ, không khỏi nhớ đến lúc còn ở Vương Đình.
Có lần vẽ Bát Nhã chống nạnh mắng người, bị ngài bắt gặp, hình như cau mày.
Nếu ngài mà biết nàng cũng vẽ ngài, không biết cảm xúc trên mặt sẽ thế nào.
Bỗng nàng nghe thấy Trịnh Cảnh mỉm cười hỏi: “Công chúa đang cười gì thế?”
Dao Anh tỉnh táo lại, sờ mặt mình, ngước nhìn Trịnh Cảnh, phản ứng chậm chạp mà nói: “Ta đang cười sao?”
Ánh nắng sáng ngời xuyên qua lều trướng lồng trên mặt nàng, mặt nàng hơi ửng đỏ, khóe môi nhấp nhẹ, thần sắc hơi mờ mịt.
Trịnh Cảnh trầm ngâm. Thì ra nàng không biết, lúc nhìn bức họa, nàng vẫn luôn cười.
Cậu chưa từng thấy Dao Anh cười thế này: Tùy ý, xinh xắn, mang theo chút đắc ý của con gái, hai gò má đỏ hồng, đuôi mày khóe mắt đều là ý cười, nhu tình trong mắt như nước lập tức chảy.
Nàng đang nhìn bức vẽ, đang nghĩ về người trong tranh. Nghĩ đến người kia, nàng vô thức bật cười, dù hắn không ở cạnh…
Lòng Trịnh Cảnh nhảy đùng đùng mấy lần.
Nhi lang thế nào, có thể lọt được mắt xanh Thất công chúa?
Cậu nhìn vẻ mặt vẫn còn ngu ngơ của Dao Anh, trong lòng ngũ vị tạp trần, dù ngay vào lúc đưa công chúa hòa thân đã biết kiếp này mình và nàng vô duyên, nhưng đáy lòng vẫn tránh không khỏi nổi lên chút chua xót, mất mát và ghen tỵ.
Càng nhiều hơn là nỗi muộn phiền không dành cho mình.
Còn có vui mừng và tò mò.
Thất công chúa long đong lận đận, có thể gặp được một người tri tâm, cậu cũng vui cho người mình ái mộ.
Có điều cũng chính vì lận đận, nên tính tình Thất công chúa kiên định, không tùy tiện yêu thương, đến cùng con cháu nhà ai có thể làm Thất công chúa vừa nghĩ tới đã lộ ra vẻ nhu hòa nhường này?
Đến cùng đã làm cha, Trịnh Cảnh nén thẫn thờ, cười khẽ cảm khái: “Nếu tôi trẻ hơn mấy tuổi, công chúa mà cười với tôi thế này…” Nếu năm đó Thất công chúa nguyện biểu lộ vẻ đáng yêu nữ nhi thế này trước mặt cậu, cậu đã sớm liều lĩnh đưa nàng đi.
Nhưng Thất công chúa biết rõ nhi lang thế gia bọn hắn thực chất khao khát sự nghiệp công danh phú quý, ở tuổi trẻ khinh cuồng bọn hắn có thể xông pha khói lửa vì công chúa, nhưng có bao nhiêu người có thể gánh vác hậu quả của khinh cuồng?
Thất công chúa lý trí thanh tỉnh, người có thể làm cho nàng động ý, nhất định là nhân vật cảnh tinh phượng hoàng*.
*ví với nhân tài kiệt xuất.
Dao Anh dĩ nhiên nghe ra ý chưa nói hết trong câu đùa của Trịnh Cảnh, cười cười, khép tập tranh.
Trịnh Cảnh nhịn không được trêu chọc: “Hẳn là công chúa đang nghĩ đến chuyện thú vị.”
Dao Anh cất tập tranh.
Đang suy nghĩ đến một người không thú vị.
Nàng không khỏi mỉm cười.
Dù hết cả đời này cũng không định gặp lại chàng… Dù biết đối với chàng mình chỉ là một người khách qua đường… Nàng vẫn rất vui vì đã được gặp chàng.
Chàng để nàng biết, sự kiên trì của nàng không phải ngu xuẩn, tại thời đại không thuộc về nàng này, nàng cũng có thể tìm được người lý giải được suy nghĩ của mình, tựa như đang lang thang trên đường mất đi phương hướng, trong loạng choạng bỗng nhiên gặp được chàng.