Trăng đêm đó đẹp lắm, từ ngày đó đến giờ tôi cũng chưa từng bắt gặp ánh trăng nào đẹp hơn như thế, kể cả là ngay lúc này, cũng là vầng trăng ngày 16 tròn đầy, có Thúy bên cạnh, có cả Bo. Cả hai ngồi cùng tôi trên hiên nhà, Bo ngả đầu vào lòng tôi dụi dụi: “Mẹ ơi, Bo buồn ngủ quá!”
Tôi bế hẳn thằng bé lên lòng: “Để mẹ ru Bo ngủ nhé!”
Thằng bé gật gật đầu rồi áp mặt vào trong lồng ngực tôi. Thúy ngả đầu xuống đầu gối nhìn tôi chăm chú.
Vừa vỗ nhẹ mông Bo, tôi vừa cất tiếng hát ru mà ngày bé mẹ vẫn thường ru tôi ngủ:
“À á à ời… à á à ơi…
Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về
Cò về thăm quán cùng quê
Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh
À á à ời…à á à ơi…”
Một lúc thì Bo đã ngủ say, ngoan ngoãn giống như một chú mèo con nho nhỏ trong lòng tôi. Đôi mắt Thúy cũng mơ màng, đôi môi hơi mỉm cười, nó nói nhỏ: “Không nghĩ mày cũng biết hát ru. Mày làm tao nhớ hồi bé quá!”
“Tao chỉ học mẹ tao thôi.” Tôi cười rồi cẩn thận đứng dậy bế Bo vào trong giường.
Lúc tôi quay ra vẫn thấy Thúy ngồi rất yên lặng nhìn ánh trăng trên cao. Biết tôi đi ra, nó nói: “Hồi bé tao cứ khăng khăng nói với tất cả đám bạn cùng làng là trăng đi theo tao, tao là người đặc biệt nhất. Bọn nó cãi lại rằng trăng cũng đi theo chúng nó. Tao vẫn cãi, cãi bằng được là trăng chỉ đi theo tao thôi, còn suýt đánh nhau nữa.”
Tôi phì cười: “Thì ra từ bé mày đã ghê gớm.”
Thúy vênh mặt lên: “Chứ sao? Tao không thích bị người khác bắt nạt. Tao chẳng chịu nhịn được như cái Trinh, cũng chẳng thể bao dung được như mày đâu.”
“Cũng may là có anh Hoàng chịu được cái tính của mày. Tao thấy anh Hoàng không chỉ là một bác sĩ giỏi mà còn là một người đàn ông tốt. Mày may mắn lắm đấy.” Tôi ngước lên nhìn trời và kết luận điều đó. Dù sao đi nữa, trong ba đứa chúng tôi thì Thúy vẫn may mắn hơn cả, thật tốt. Khi chuyện của Trinh và tôi xảy ra, tôi chỉ cầu mong sao Thúy sẽ bình yên, sẽ được hạnh phúc, hạnh phúc thay phần của hai đứa chúng tôi. Có lẽ ông trời đã nghe thấy lời cầu nguyện của tôi, hoặc là…
“Mày có tin là Trinh đang nhìn chúng ta từ trên cao kia không?” Trinh khoác vai tôi, đôi mắt nó lấp lánh.
“Tin! Nhất định nó sẽ phù hộ cho Bo, cho mày và cho tao.”
Lúc trước tôi xem phim, hay nghe được là khi người ta chết sẽ biến thành một vì sao, tôi chỉ cười nhạt, cảm thấy vô cùng vớ vẩn. Nhưng bây giờ thì tôi biết tại sao người ta lại nói thế dù biết là nó rất vớ vẩn, vì thà tin như thế còn hơn là không có gì để tin tưởng.
Ngập ngừng một lát, Thúy bảo: “Tao thấy mày với cái anh Trí bên khoa thần kinh cũng được đó, sao mày không tự cho mình một cơ hội, hãy thử xem sao. Mày đâu phải…”
Tôi ngắt lời Trinh: “Tao với anh ấy chỉ là bạn thôi, cũng như các đồng nghiệp khác, không có gì đâu. Chưa nói đến việc tao từng bị mang tiếng khắp làng chuyện chửa hoang. Mặc dù anh Trí từng có một đời vợ nhưng lại không như những người khác, anh ấy rất tốt tính, hiền lành, phóng khoáng, sống đúng mực. Có khối người muốn thay thế cái vị trí mà bà vợ cũ của anh ấy bỏ lại đấy!”
“Một người tốt như thế sao vợ anh ta lại bỏ chứ? Chắc chắn là có vấn đề.”
“Đúng, đúng là cô ta có vấn đề đấy. Người tình cũ của cô ta quay về, thế nên dù đã có một đứa con 2 tuổi nhưng vẫn quyết đi theo tiếng gọi của tình yêu. Li dị xong, cô ta được quyền nuôi con, anh Trí chẳng được gì.”
Thúy rất bất mãn: “Lại còn có loại phụ nữ đấy à? Không thể chấp nhận được. Vậy mà anh Trí cũng chịu được, thật là nhu nhược.”
Tôi lắc đầu: “Tao từng hỏi anh vì sao không giữ chị ấy. Anh ấy bảo dù rất muốn nhưng người phụ nữ là người giữ lửa cho gia đình, khi người giữ lửa đã cố tình đóng băng mọi thứ thì chẳng còn hy vọng nữa. Buông tay cũng là một dạng hạnh phúc.”
“Anh ta có vẻ là người rất sâu sắc, được đấy!”
“Nhưng mà tao không nghĩ đến chuyện lấy chồng nữa đâu.” Tôi cụp mắt, cười buồn. Dù anh Trí luôn ở bên cạnh hai mẹ con tôi 2 năm nay, sẵn sàng giúp đỡ hết mình, nhưng tôi vẫn chỉ xem anh như một người bạn, chưa từng có ý nghĩ gì xa xôi khác.
“Vân, mày phải tìm được hạnh phúc cho riêng mày chứ. Mày có nhớ hơn 4 năm trước tao đã khuyên mày điều gì không? Nhớ chứ? Hãy yêu đi để sau này khỏi phải hối tiếc. Nhìn qua thì mày với Trinh có vẻ giống nhau nhưng thật ra lại có một sự khác biệt hoàn toàn lớn. Mày biết là gì không?”
Tôi lắc đầu, chăm chú nhìn Thúy. Nó dí tay lên trán tôi và bảo: “Mày còn lâu mới bằng cái Trinh. Nhìn nó có vẻ yếu đuối, cần bao bọc thế thôi nhưng nó mạnh mẽ hơn mày nhiều. Khi gặp một vấn đề cần đối mặt, nó sẵn sàng nghênh đón, ngoài yếu trong mạnh. Còn mày thì ngược lại, cứ tưởng mạnh mẽ lắm nhưng mà tao biết thừa, bên trong mày rệu rã lắm rồi. Bỏ ngay cái mặt nạ xuống cho tao nhờ.”
Tôi yếu đuối ư? Tôi có đúng như những gì Thúy nói không? Tôi không biết, chính tôi cũng không biết. Mỗi ngày tôi vẫn mỉm cười, chỉ có khi màn đêm buông xuống, đối diện với chính nội tâm mình, nhìn lại tình cảnh của mình, tôi thấy mệt mỏi rã rời, cảm thấy mọi thứ cứ chới với không biết phải bám vào đâu. Có khi lại nằm khóc một mình khi nghĩ về quá khứ, những ngày tháng tươi đẹp, cả những ngày đau thương. Có lẽ Thúy nói đúng, Trinh mạnh mẽ hơn tôi rất nhiều, nó sẵn sàng đón nhận những thử thách, đối mặt với nỗi sợ hãi của chính mình và nó có những khát khao. Còn tôi, tôi không có những ước mơ lớn lao, đơn giản là vì tôi sợ thất bại, tôi sợ tôi không thể có được nó, tôi sợ bị tổn thương nên tôi luôn giữ cho mình một vỏ bọc an toàn nhất, an phận nhất.
Thúy nắm chặt tay tôi, nói kiên định: “Đừng vì bất kỳ ai cả, hãy nghĩ cho hạnh phúc của chính mày trước. Bố mẹ của mày đều muốn mày hạnh phúc, tao và Trinh cũng thế, cả thằng Bo nó cũng muốn mẹ nó hạnh phúc đấy. Cái Trinh nó biết mày thế này, nó không vui đâu.”
Tôi vẫn im lặng, ngả đầu xuống hai đầu gối. Thúy vuốt tóc tôi, nó như nghĩ ra điều gì, dịu giọng hỏi: “Mày còn nhớ Cường đúng không? Mày và cậu ta yêu nhau bao lâu nhỉ?”
“Khoảng 3 tháng gì đó.” Tôi trả lời.
“Mày có hối hận không?”
“Lúc đó không. Bây giờ cũng không.”
Thúy gật đầu, không nói nữa, chỉ lặng lẽ ôm tôi thật lâu.
Sáng hôm sau, tôi đưa Thúy và Bo sang thăm bố mẹ Trinh, cũng may là cuối tuần nên được nghỉ làm. Nhà của Trinh cách nhà tôi không xa, chỉ đi bộ 5 phút là đến. Kể từ khi Trinh mất, tôi vẫn thường dẫn Bo sang chơi để bố mẹ Trinh khỏi buồn. Ngày nghe tin xấu về Trinh, mẹ nó ngất lên ngất xuống, phải nhập viện, bố Trinh thì bình tĩnh đến mức làm người ta phát sợ. Cả quãng đường đến nhận xác Trinh, bác trai không nhỏ lấy một giọt nước mắt, chỉ thấy mặt mũi bác ấy trắng bệch cả ra, nhẹ nhàng vuốt tóc Trinh rồi bình thản bảo: “Đùa bố thế là đủ rồi đấy con gái, dậy đi, dậy bố đưa về nhà.” Rồi bác ấy lại lay lay người Trinh: “Dậy đi con, dậy đi. Em trai con đang bảo con mua cho nó quyển sách đấy, dậy rồi bố con mình cùng đi mua.”
Tôi và Thúy đứng bên ngoài mà nước mắt cứ ứa ra không ngừng. Bác ấy lại quay lại hỏi tôi, gương mặt bác thản nhiên đến đau lòng: “Nó ngủ say quá Vân ạ! Bác gọi mãi không được. Nó ngủ lâu chưa? Hay để nó ngủ lúc nữa nhé!”. Bác ấy lại bình tĩnh ngồi xuống ghế chờ.
5 phút sau lại lay lay người Trinh: “Dậy được chưa con? Trời sắp tối rồi đấy. Về thôi kẻo muộn.”
Tôi lo bác ấy cứ như vậy sẽ phát điên nhưng cả người lại cứ cứng đơ, không làm sao được. Thúy mạnh mẽ hơn tôi, nó bước vào phòng, nhẹ nhàng bảo bác: “Bác ơi, Trinh bạn ấy… bạn ấy thực sự đã đi rồi, bạn ấy đã rời khỏi chúng ta rồi. Cháu xin lỗi.”
Bác ấy im lặng rất lâu, cả không gian xung quanh cũng như đứng yên theo, rồi đột nhiên bác ấy quỳ thụp xuống, ôm chặt xác Trinh khóc lớn: “Nó nói dối bác cháu ạ! Mấy tháng trước nó bảo nó bận học nên không về được, nó đã hứa là sẽ về, thế mà nó không về. Nó không về nữa, mãi mãi không về được nữa rồi.”
Những lời nói đau đớn thống khổ ấy vẫn còn vang vọng đâu đó bên tai khiến tôi rơi nước mắt lúc nào chẳng hay.
“Mẹ, mẹ không được khóc. Bo thương mẹ.”
Bo đang được tôi bế trên tay, vươn bàn tay nhỏ ra lau đi giọt nước mắt đang lăn trên má tôi. Tôi khẽ cười, thơm lên mũi thằng bé: “Ừ, mẹ không khóc.”
Thúy nhìn tôi, đôi mắt u ám: “Mày lại nhớ chuyện cũ đấy à?”
Tôi không trả lời, nhìn về phía trước: “Đến nhà Trinh rồi, mình vào đi.”
Nhà của Trinh cũng như bao nhiêu ngôi nhà ở vùng quê khác, có vườn, có ao, ngôi nhà hai tầng màu vàng, trước hiên còn mắc một chiếc võng và bố Trinh đang ngồi đung đưa trên đó, tay cầm quạt giấy phe phẩy.
“Ông Tân, cháu đến rồi!”
Bo gọi to rồi rời khỏi vòng tay tôi, chạy lon ton lên thềm nhà, lao vào vòng tay ông Tân của nó. Bác trai dang tay đón thằng bé vào lòng rồi ngẩng đầu nhìn chúng tôi. Hai đứa chúng tôi chào bác một tiếng, ngồi trên thềm nhà, tôi hỏi: “Cả nhà đâu hết rồi hả bác?”
Bác trai bế Bo ngồi trên đùi, niềm nở với chúng tôi: “Bà ý đang làm cái gì ngoài vườn ấy. Còn cái Thủy với thằng Tài thì đi học rồi. Hai đứa vào nhà uống nước.”
“Thôi, bọn cháu ngồi ngoài này cho thoáng cũng được ạ!” Tôi cười nói.
Thúy mang túi quà nó chuẩn bị sẵn đưa cho bác trai: “Cháu có hộp bánh biếu hai bác. Bác còn nhớ cháu không ạ? Cháu Thúy đây!”
Bác nhìn từ đầu đến chân Thúy một hồi rồi cười gật đầu: “Nhớ, bác nhớ rồi. Cháu học ở trên Hà Nội cùng Vân và Trinh đúng không?”
“Vâng ạ, cuối tuần nên cháu về đây chơi với Vân và ghé thăm nhà mình.”
“Ừ, bác cảm ơn. Xa xôi đến chơi là bác đã vui lắm rồi, còn quà cáp làm gì. Ngồi chơi để bác đi lấy nước.”
“Dạ thôi, bác cứ ngồi nghỉ đi, không cần nước nôi gì đâu ạ!”
Tôi muốn đi tìm bác gái nên đứng dậy: “Để cháu ra vườn xem bác gái có cần giúp gì không. Thúy cứ ngồi đây, tí tao ra ngay.” Và không quên đe dọa thằng nhỏ nhà tôi: “Bo, con ngồi yên đó cho mẹ, nghe chưa? Đừng có nghịch ngợm.”
Nó lập tức nhướn người lên hỏi: “Mẹ đi đâu đấy?”
“Mẹ ra vườn tìm bà Tân, con ngồi yên đây với ông và cô đi.”
“Con cũng đi mẹ ạ!”
Tôi biết nó muốn ra vườn để nghịch ngợm nên nghiêm giọng: “Con đừng có hòng ra vườn nghịch ngợm.”
Thằng bé chun mũi lại cãi: “Bo không nghịch đâu, thật đấy. Sao mẹ lại không tin Bo cơ chứ?”
Tôi trợn mắt nhìn thằng bé, không hiểu nó học câu sau ở đâu ra. Thúy thì che miệng cười: “Mấy phim truyền hình bây giờ hay có câu này lắm. Mày cứ liệu hồn không con trai tao lại nhiễm tính nết của mấy thằng trên phim đó Vân.”
“Chắc tao phải hạn chế cho nó xem tivi.”
Bác trai cười cười, kéo tay Bo lại: “Ra đây với ông nào. Mẹ đi một lúc là về, Bo ngoan ngồi đây, ông lấy bánh cho con ăn, được không?”
Thấy thằng bé ngoan ngoãn ngồi trong lòng bác trai, tôi mới yên tâm đi tìm bác gái.
Tôi thấy bác gái đang hái rau ngoài vườn sau, bác ngồi xổm, mặc áo nâu và đội nón lá, bàn tay thoăn thoắt hái những lá ngải cứu. Từ ngày Trinh mất, bác gầy và già đi nhiều, nhìn cái dáng còm cõm làm việc mà tôi như đứt từng khúc ruột. Tôi cố gắng kéo ra một nụ cười tươi, chào bác một tiếng rồi cũng ngồi xuống giúp bác hái một ít.
Nghe tiếng tôi, bác gái ngẩng đầu, hơi đẩy cái nón lá lên cho tôi nhìn rõ làn da sạm màu của bác: “Ơ, Vân à con? Sang lúc nào?”
“Con mới sang thôi ạ! Cả cái Thúy bạn con nữa, nó mới về chơi nên con đưa nó sang đây chơi với nhà mình luôn.”
“À, Thúy, bác nhớ rồi. Nó sắp lấy chồng đấy phải không?” Bác dừng lại, nhìn tôi bằng đôi mắt ngời sáng.
“Vâng, sang tháng là nó ăn hỏi ạ!”
“Thế à? Tốt quá nhỉ, cứ phải có gia đình mới yên tâm được. Thế thằng Bo có sang không?”
“Có ạ, nó đang ngồi trên nhà với bác trai. Bác có làm gì nữa không để con giúp.”
Nghe tôi hỏi bác mới nhớ ra công việc mình đang làm, vội vàng xua tay, đẩy tôi đứng dậy: “Thôi, bác xong rồi. Đứng lên đi vào nhà không có nắng, để đầu trần thế này ra đây bao giờ. À, thế có ăn cà chua không? Bác lấy cho mang về mà ăn, mới chín, ngon lắm con ạ.”
“Thôi ạ! Bác trồng được mấy mà cứ cho con, nhà con vẫn còn.”
“Còn cũng lấy về mà ăn. Để bác ra lấy cho, cả Thúy nữa, cho nó mang lên Hà Nội biếu nhà chồng.” Bác cười vang.
“Vâng, thế cho con xin.”
Rồi bác đứng lên, cầm rổ đi nhanh ra vườn cà chua. Trước nay mẹ Trinh vẫn thế, rất tốt bụng và nhiệt tình. Vườn nhà bác trồng nhiều loại rau nên không cho tôi cái này thì lại cho cái khác, dần dần tôi cũng quen, coi gia đình Trinh như gia đình tôi, các em Trinh như các em tôi.
Cái ngày tôi ôm Đạt về làng, bị mọi người xì xào bàn tán là không chồng mà có con thì chỉ có mỗi mình mẹ Trinh là đến bên nắm tay tôi bảo: “Thôi con ạ, kệ người ta, cố gắng mà nuôi con cho tốt. Đều là con là cháu rứt ruột đẻ ra, bố mẹ con cũng chẳng nỡ đánh đuổi hay trách mắng gì đâu.” Chỉ vài câu thôi nhưng cũng đã đủ giúp tôi tiếp thêm nghị lực, vượt qua khó khăn.
Tôi giúp bác gái bê rổ cà chua lên nhà, Thúy vừa thấy thì đã reo lên như trẻ nhỏ: “Ôi! Nhiều cà chua thế ạ? Cho con một quả bác nhé, chắc ăn sống được nhỉ?”
Bác gái đặt rổ rau lên nắp bể, múc nước rửa tay rồi cười bảo: “Nhà bác trồng, sạch lắm, không phun thuốc gì đâu con, rửa cho hết bủi bẩn là ăn được. Mà bác cho hai đứa rổ cà chua ấy đấy!”
“Thật ạ? Thế thì không còn gì bằng.” Mắt Thúy sáng rỡ, nhảy mấy bước ra bể nước rửa qua qua quả cà chua đỏ mọng rồi gặm ăn tại chỗ.
Tôi nhìn qua chỗ Bo, thấy nó đang ăn bánh ngon lành, không để ý đến ai. Tôi liền nhắc nhở: “Bo ơi, con chào bà chưa?”
Bác gái lau lau đôi tay ướt vào áo rồi đi ra chỗ Đạt dang tay: “Cái thằng cún con của bà, ra đây bà xem nặng thêm được tí nào chưa?”
Bo tay cầm bánh, chạy đến ôm lấy cổ bác gái: “Bà ơi, mẹ bảo Bo là con heo béo, không phải cún đâu.”
Cả nhà bật cười, bác gái nhéo má nó bảo: “Chết rồi, heo béo là phải mang đi thịt đấy, Bo có sợ không?”
Thằng bé lắc đầu, chu cái miệng đỏ hồng giải thích: “Heo béo ở trong chuồng mới bị thịt, Bo không ở trong chuồng đâu.”
“Heo béo nào cũng bị thịt đấy Bo ạ!” Thúy trêu thằng bé.
Thằng bé nghĩ một lát, lại lắc đầu: “Bo không phải heo béo đâu.”
“Thế Bo là con gì?” Thúy lại hỏi.
Thằng bé quay sang nhìn tôi rồi đưa bàn tay lên chỉ: “Là con mẹ Vân.”
Tôi rất bất ngờ khi Bo nói ra câu ấy, còn hai bác thì lại được một trận cười.
Thúy huých tôi: “Mày dạy nó đấy à?”
Tôi vênh mặt tự hào vì có đứa con thông minh tuyệt vời: “Tự nó nghĩ ra đấy chứ. Con trai tao thông minh thật, không biết giống ai mà lẻo mép thế cơ chứ?”
“Giống bố nó chứ ai.”
Nghe câu trả lời của Thúy, tôi cứng người nhìn nó, hơi thở cũng khó nhọc, giống như tôi vừa bị một nhát dao đâm vào tim. Hình như Thúy cũng chỉ buột miệng, thấy tôi nhìn nó bằng ánh mắt kỳ lạ, nó mới ý thức được mình vừa nói gì, cúi đầu cắn môi. Không khí xung quanh cũng trở nên gượng gạo bất thường. May mà bác gái nhanh chóng phá tan không khí đó bằng một tiếng cười: “Giống ai cũng được, miễn cứ khỏe, ngoan là được rồi, Bo nhỉ?”
Tôi cũng cố làm ra vẻ tự nhiên, đến ngồi cạnh bác trai hỏi thăm: “Bác còn đau khớp chân nữa không ạ?”
“Cũng thỉnh thoảng, già rồi mà, đau xương khớp là bình thường.”
“Vâng, bố mẹ con cũng hay đau lúc trở trời.”
“À, thế thằng Tuyên nhà con thi trường gì?”
“Thi xây dựng ạ, cũng không biết thế nào. Cái Thủy nhà mình thi ngành ngoại giao đúng không ạ?”
Thằng Tuyên nhà tôi và Thủy – em Trinh học cùng lớp nên em trai tôi cũng hay nói chuyện về con bé. Con bé có vẻ cương quyết thi vào trường mà Trinh đã thi trượt. Dù không ai nói ra nhưng ai cũng nhận thấy Thủy đang muốn sống tiếp cuộc đời của Trinh, thực hiện những ước mơ mà Trinh còn đang dang dở. Ai cũng đau lòng nhưng không ai dám nói hay cấm cản vì đó là lựa chọn của con bé. Thủy rất giống Trinh nhưng mạnh mẽ hơn Trinh nhiều, mỗi khi nói chuyện với Thủy, tôi đều nhìn thấy hình ảnh của Trinh trong đó, cảm giác như Trinh đang nhìn tôi, nói chuyện với tôi thông qua Thủy vậy.
“Hai bác đang lo em Thủy thi trượt, trường đó cao điểm quá!” Bác trai đăm chiêu than thở.
“Không sao, cứ để em thử sức bác ạ! Nếu trượt thì còn nguyện vọng 2, còn năm sau. Hai bác đừng lo.”
Tôi cố gắng động viên hai bác, cố gắng không nhắc đến Trinh, cố gắng giữ mọi thứ thật tự nhiên, dù cho những cố gắng ấy đang khiến tôi kiệt sức dần.
Hai bác nhiệt tình giữ chúng tôi lại ăn cơm trưa nhưng lại lỡ hẹn với bố mẹ tôi nên đành từ chối hẹn khi khác.
Thế là cả ba chúng tôi, hai lớn một nhỏ ôm hai túi cà chua, men theo con đường làng quanh co trở về nhà bố mẹ tôi. Trên đường, từng tốp học sinh mặc áo trắng đèo nhau trên xe đạp đùa nghịch, bây giờ là đúng giờ tan học buổi sáng, nhìn mấy đứa vui vẻ cười nói khiến tôi cũng vui lây. Tôi nhìn sang Thúy, nó cũng giống tôi, bị thu hút bởi đám học sinh ấy. Đôi mắt Thúy sáng ngời, có lẽ nó cùng suy nghĩ với tôi, muốn trở lại lúc còn đi học, được mặc bộ quần áo học sinh trắng tinh như thế.
Thời còn đi học, hình như ai cũng ghét, ghét sáng nào cũng phải dậy sớm, ghét bộ quần áo đồng phục nhàm chán, ghét ngày nào cũng phải làm một núi bài tập mà chẳng được đi chơi, ghét kiểm tra, ghét bị điểm kém. Nhưng khi thời ấy qua đi rồi thì ai cũng ước được một lần quay trở lại. Ước có một ngày thức dậy mọi thứ lại trở về như cũ, lại được mặc chiếc áo đồng phục trắng tinh và cắp sách đến trường, được hòa vào những trò đùa rất học sinh hay những mối tình ngây thơ ngốc nghếch. Một khi đã trưởng thành rồi, người ta mới biết cái thời học sinh ấy đáng quý đến mức nào, có thể chúng ta bị bố mẹ mắng mỏ vì việc này việc khác, bị thầy cô trách phạt vì lười học, có thể bị điểm kém, nhưng tất cả những điều ấy chẳng là gì khi phải đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt ngoài kia, sẽ không đơn giản là mắng mỏ hay trách phạt. Để một ngày khi ngẫm nghĩ lại sẽ thấy tất cả những gì chúng ta ghét thời đi học sẽ trở thành những kỷ niệm đẹp đẽ nhất, giống như tôi, ước lại được ngồi trong lớp nghe tiếng thầy cô, ước lại được chụm đầu so đáp án bài kiểm tra với bạn bè, ước lại được nghe tiếng trống trường rộn vang.
“Vân ơi, tao muốn học lại cấp 3 quá!” Thúy lay lay tay tôi nói.
“Ừ, tao cũng thế, vui nhỉ? Hồi đấy mỗi lần tan học là tao với Trinh lại phải tránh mấy cái đuôi của nó đấy, bám chặt khiếp lên được.”
Thúy bật cười: “Thế à? Ai bảo nó xinh quá làm gì, mày còn bị mệt lây nữa chứ.”
Tôi cũng cười: “Hồi đấy tao cũng nói nó thế. Tao còn bảo nó là đi học thì chát bùn lên mặt cho bớt xinh đi.”
“Haha. Nó mà ở đây thì thế nào cũng bảo bọn mình ghen tỵ với nhan sắc của nó cho mà xem.”
“Ừ, chắc chắn thế.”
Tôi không cảm thấy mất tự nhiên vì Thúy vẫn thường nhắc đến Trinh khi chỉ có hai chúng tôi. Thúy khiến tôi có cảm giác rằng Trinh chưa bao giờ đi xa khỏi chúng tôi, nó vẫn ở đây, ngay bên cạnh. Ngay cả lúc này, tôi cũng có cảm giác Trinh đang thật gần, có thể đang khoác tay tôi và Thúy, nghiêng đầu mỉm cười thật tươi như nó vẫn thường làm khi chúng tôi đùa nhau. Gọi đó là ảo giác cũng được, tưởng tượng cũng được, dối lòng cũng được, Trinh vẫn sống trong tôi.