Bà ấy vẫn giữ nguyên nụ cười: “Cháu có cậu con trai xinh quá, thằng bé cũng rất ngoan.”
“Cháu nghĩ đó không phải là những gì mà bác muốn nói.”
Bà ấy bỗng bước đến ngồi kế bên tôi, đôi mắt đượm buồn dường như đang dâng lên một tầng nước. Bàn tay của bà nắm chặt lấy tay tôi, đôi bàn tay ấy dù tuổi tác làm cho nhăn nheo gầy guộc nhưng không thô ráp chai sần như tay mẹ tôi mà vẫn giữ được sự mềm mại, chứng tỏ người phụ nữ này chưa từng làm qua việc nặng. Ngồi ở khoảng cách gần như thế này tôi mới phát hiện ra gương mặt bà ấy xanh xao chứ không hề khỏe mạnh dù đã dùng phấn để che đậy.
“Bác xin lỗi, bác thực sự xin lỗi cháu. Bác cũng chẳng sung sướng gì hơn. Từ trước đến nay sức khỏe của bác vốn không tốt, giờ lại mắc bệnh tim, tháng sau bác sẽ làm phẫu thuật nhưng chưa biết sống chết thế nào.” Bà ấy ngưng lại, lau đi dòng nước mắt chảy tràn. Tôi không cắt ngang, kiên nhẫn chờ bà ấy nói hết. “Bác ốm yếu nên sinh được một đứa con trai đã là kỳ tích rồi vì vậy mà không khỏi nuông chiều nó quá mức, dẫn đến nó càng ngày càng hư hỏng. Chồng bác thì ngày ngày chạy theo chức tước, chẳng màng xem con cái ra sao. Bác cứ tưởng cho nó lấy vợ thì nó sẽ đổi khác, nào ngờ nó vẫn như trước chẳng thay đổi gì. Vợ nó thì đang bụng mang dạ chửa mà nó lại ra ngoài kiếm đàn bà, con dâu bác biết được nên đi đánh ghen, kết quả là xảy thai. Con bé vì thằng Hải mà trước đó đã phá thai mấy lần dẫn đến ảnh hưởng nên bị vô sinh, không sinh đẻ gì được nữa. 3 năm nay gia đình bác sống trong tăm tối, thằng Hải đòi li hôn nhưng bác không cho phép, nếu làm vậy thì còn gì là con người nữa, còn gì là đạo đức nữa. Bác không thể để nó tiếp tục phạm sai lầm.”
Nhìn những giọt nước mắt của bà ấy, tôi cũng không biết phải nói gì, đó chắc chắn không thể là giả được, đó là những giọt nước mắt đau thương của một người mẹ dành cho đứa con mà mình đã không thể dạy dỗ nên người. Tôi nên mừng vì người đàn ông bạc bẽo đó đã phải chịu báo ứng hay nên buồn thay cho số phận của người mẹ bất hạnh này?
Tôi đặt bàn tay còn lại lên mu bàn tay của mẹ Hải, thật lòng nói: “Cháu không biết gia đình bác đã phải chịu đựng những tổn thương như vậy. Cháu xin lỗi vì đã không thể giúp gì cho bác.”
“Vân, cho bác thay mặt Hải xin lỗi cháu. Nó đã gây ra chuyện lớn như thế mà bác không hay biết gì. Mãi đến bây giờ nó mới nói. Thằng bé thực sự rất giống Hải, vừa nhìn là bác đã thấy. Cháu có thể…”
Tôi mất kiên nhẫn ngắt lời: “Bác, cháu nghĩ người mà bác cần xin lỗi không phải cháu mà là bạn cháu, Trinh. Có lẽ con trai bác vẫn chưa thực sự thật thà.”
Bà ấy ngỡ ngàng, dường như là không thể tin được những gì tôi nói, cứ nhìn tôi chăm chăm. Tôi tiếp tục: “Thực ra Bo không phải con đẻ của cháu, là cháu nhận nuôi từ Trinh.”
“Vậy hiện giờ Trinh đang ở đâu?” Bà ấy run giọng hỏi.
“Nhờ phúc của con trai bác ban cho, vào đúng ngày cưới của anh ta thì Trinh gặp tai nạn và đã qua đời để lại Bo cho cháu. Cháu vẫn còn nhớ rõ là chính con trai bác đã phũ phàng phủi tay, không thừa nhận đứa bé. Bác sẽ không thể tưởng tượng được Trinh đã phải trải qua những gì đâu, cho nên ông trời rất công bằng, báo ứng là có thật.” Tôi nói rành rọt và lạnh lùng, không thèm để ý đến sắc mặt càng ngày càng tái đi của người phụ nữ trước mặt. “Cháu phải tìm mọi cách mới có thể nhận nuôi Bo, thật chẳng dễ dàng gì. Dù cháu không sinh ra nó nhưng nó chẳng khác gì con đẻ của cháu. Cháu rất yêu con trai cháu và cháu sẽ làm mọi cách để bảo vệ nó. Gia đình bác đừng nghĩ có thể chia cắt mẹ con cháu.”
Nước mắt của bà ấy ứa ra không ngừng, trong đôi mắt không hề có chút tức giận nào mà là một sự hối lỗi vô bờ. Bà ấy nhìn tôi rất lâu, rất lâu với một đôi mắt trìu mến, như muốn nhìn thấu hết mọi tâm sự trong tôi. Mãi sau bà ấy mới nghẹn ngào nói: “Bác biết, bác hiểu cháu. Bác cũng làm mẹ nên thấu hiểu được khi phải xa con của mình thì cảm giác ra sao, rất đau lòng. Bác nghĩ bác cũng không đủ độc ác để cướp Bo khỏi cháu.”
“Có thể bác không có ý định đó nhưng con trai bác thì có đấy ạ!”
“Bác biết Hải rất hiếu thắng, nó làm tổn thương các cháu quá nhiều, những tổn thương không thể hàn gắn được. Bác không dám cầu xin cháu điều gì quá cao, chỉ xin cháu nếu có thể thì cho bác đến thăm cháu nội thường xuyên, được bù đắp chút gì đó cho hai mẹ con cháu, được không?”
Tôi lắc đầu: “Cháu không cần và cháu cũng không muốn ai đó làm đảo lộn cuộc sống của con trai cháu.”
Nghe tôi tuyệt tình như vậy, bà ấy khẩn thiết hơn: “Không, bác sẽ không làm đảo lộn cuộc sống của thằng bé, bác hứa, bác sẽ chỉ đến thăm như một người họ hàng xa xôi. Bác xin cháu!”
Tôi không nhận lời cũng không từ chối, đúng ra là tôi phân vân. Tôi không biết nếu là Trinh thì nó sẽ làm gì? Liệu Trinh có từ chối và đuổi người phụ nữ này đi không? Tôi tin là không, Trinh hiền lành và nhân hậu, nó sẽ không bao giờ làm được chuyện đó, nó sợ làm người khác buồn còn hơn cả làm chính mình buồn.
Thấy tôi im lặng, bà ấy lay lay tay tôi: “Vân, bác có thể đến thăm mộ của Trinh được không? Bác muốn tạ lỗi với cô bé.”
Mộ của Trinh cách nhà tôi gần 2km, đi ô tô chỉ mất vài phút là đã đến. Tôi đứng một bên nhìn mẹ Hải thắp cho Trinh nén hương. Bà ấy ngắm ảnh của Trinh trên bia mộ rất lâu, bàn tay khẽ chạm lên tấm di ảnh: “Cô bé xinh quá, đôi mắt rất đẹp. Đôi mắt của Bo giống mẹ phải không?”
Tôi gật đầu: “Vâng, Bo giống Trinh nhất ở đôi mắt to tròn. Lúc còn sống Trinh còn đẹp hơn trong ảnh cơ bác ạ!”
“Thằng Hải nó đã làm những gì với cô bé chứ? Nhà ai có cô con gái thế này mà không đau lòng cho được.” Bà ấy đưa tay lên lau lau khóe mắt. “Bác xin lỗi Trinh, bác thay thằng con không ra gì của bác thành thật xin lỗi cháu mặc dù đã quá muộn nhưng bác vẫn mong cháu nghe được. Bác xin lỗi vì đến bây giờ mới có thể gặp được cháu, tại bác không ra gì, bác có lỗi với cháu nhiều lắm!”
Tôi chỉ đứng lặng lẽ, cảm nhận làn gió thổi hiu hắt giữa những ngôi mộ lạnh lẽo. Giọt nước mắt vô hình nào đó lăn xuống má, đối với tôi thì khóc không còn là đủ nữa rồi. Làm sao mà người ngoài cuộc có thể thấu hiểu cho nỗi đau mà Trinh đã từng chịu đựng? Cũng làm gì có ai hiểu được cơn ác mộng mà tôi phải trải qua mỗi đêm. Vài giọt nước mắt kia, vài nén nhang kia hay là vài lời nói kia liệu xoa dịu đi được mấy phần của nỗi đau? Những tổn thương đó đã theo Trinh đến khi chết và sẽ còn theo tôi đến bao giờ?
Lúc trở về, tôi cùng mẹ Hải đi bộ. Tôi lo bệnh của bà ấy mà đi bộ sẽ bị mệt nhưng bà ấy xua tay: “Không sao, bác thích cảnh sắc đồng quê lắm! Rất yên bình. Bác sinh ra và lớn lên ở thành phố, chẳng có mấy dịp được về đồng quê thế này. Bác cũng muốn Hải trải nghiệm một chút nhưng không có thời gian. Mà tại sao cháu không làm việc ở Hà Nội? Trẻ tuổi như cháu rất có tương lai phát triển.”
Tôi trầm mặc, nhìn về phía cuối chân trời xa xa: “Trước khi có Bo, cháu cũng chỉ như bao nhiều người khác muốn ở lại Hà Nội làm việc và sinh sống. Thế nhưng cuộc sống lại luôn chứ đựng những điều bất ngờ, có những bước ngoặt khiến cháu thực sự hoang mang, cảm thấy con đường phía trước tối tăm và u ám, cháu chỉ đơn giản nghĩ rằng chỉ có quê hương mới có thể chứa chấp được mẹ con cháu. Và bác thấy đấy, hai mẹ con cháu sống rất tốt.”
Mẹ Hải choàng tay qua vai tôi một cách thân thiết và hỏi: “Con gái, vậy cho đến bây giờ con có cảm thấy hối hận không?”
Tôi thực sự ngạc nhiên về cách xưng hô thân mật này, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình có thể thân mật với mẹ Hải như thế. Tôi lắc đầu: “Không ạ! Cháu chưa bao giờ hối hận về những quyết định của mình.”
Bà ấy thở dài: “Cuộc đời bác đã gặp không ít những người tốt nhưng người như con thì là lần đầu tiên. Một mình chịu đựng đắng cay thị phi để nuôi đứa con không phải là ruột thịt của mình, con có bao giờ cảm thấy thiệt thòi và tủi thân không?”
Tôi mỉm cười đáp: “Nói là không tủi thân, không buồn khổ, không suy nghĩ thì không đúng. Nhưng đó là những gì cháu đã lựa chọn nên cháu không cảm thấy mình thiệt thòi gì.”
“Vậy còn hạnh phúc của riêng mình? Con không nghĩ đến sẽ lấy chồng sao? Con làm thế thì có ích gì? Ai thấu hiểu cho con? Rồi một ngày nào đó Bo biết con không phải mẹ đẻ của nó, con sẽ làm sao?”
Những điều bà ấy nói không phải tôi chưa từng nghĩ tới, nó thậm chí còn từng là nỗi chăn trở của tôi hằng ngày hằng đêm, nhưng khi tôi nhìn Bo mỗi ngày một lớn lên ngoan ngoãn đáng yêu và khi nhìn mẹ tôi mỗi ngày một già đi thì tôi đã hiểu thế nào gọi là “người mẹ”. Mẹ tôi chịu bao nhiêu nhọc nhằn vất vả để sinh ra tôi và nuôi tôi lớn, mong tôi sẽ hạnh phúc sau này, còn mẹ thì cứ ngày một già yếu. Tất cả những điều đó là vì cái gì? Chẳng gì cả. Mẹ luôn chỉ đứng phía sau mỉm cười khi tôi hạnh phúc, rơi nước mắt vui sướng trước thành công của tôi và sẵn sàng đỡ lấy tôi khi tôi vấp ngã. Cũng như tôi bây giờ, làm tất cả vì Bo mà chẳng mong được đáp lại cái gì, chỉ mong thấy thằng bé mỗi ngày đều cười vui vẻ, ăn ngoan, khỏe mạnh, sau này làm người có đạo đức, sống có trách nhiệm, có ích cho xã hội là tôi đã hạnh phúc lắm rồi, đâu cần ai phải thấu hiểu? Nếu như nuôi con để nhằm một mục đích nào đó hay chuộc lợi cho bản thân thì người đó hoàn toàn không xứng đáng với danh từ cao quý kia.
“Bác, bác có muốn nghe cháu kể một câu chuyện không ạ?”
“Bác rất muốn nghe.”
Bước chân tôi đều đều chậm rãi: “Có một cô gái trẻ chưa từng lập gia đình, khi cô ấy chứng kiến người bạn thân nhất của mình mang thai mà không kết hôn thì cảm thấy rất ái ngại. Nhiều lần cô ấy tìm cách khuyên bạn mình bỏ đứa bé đi để làm lại cuộc đời nhưng người bạn đó nhất quyết không chịu, nói rằng không cam lòng giết chính máu mủ của mình. Mỗi ngày người bạn đó đều đặt tay lên bụng mỉm cười hạnh phúc, có khi còn thì thầm nói chuyện với đứa con trong bụng. Cô gái trẻ hoàn toàn không hiểu nổi vì sao bạn mình lại cố chấp như vậy, rõ ràng người mà bạn ấy yêu thương đã bỏ rơi bạn ấy, không thèm nhận đứa con đó vậy mà bạn ấy còn yêu thương con của anh ta như vậy làm gì? Lẽ ra phải căm ghét anh ta, phải ghét cả máu mủ của anh ta mới đúng, cô gái trẻ có suy nghĩ thế nào cũng không hiểu nổi bạn mình. Sau này, khi cô gái trẻ ấy cũng làm mẹ, được bế một đứa bé còn đỏ hỏn vào lòng, nhất là vào thời điểm đứa bé biết gọi ‘mẹ’ lần đầu tiên thì cô gái đã hiểu bạn mình, cái đó gọi là tình thương của người mẹ, dù chuyện gì xảy ra đi nữa cũng không thể bỏ rơi đứa con của mình, nó vô tội. Tình thương yêu đó là vô bờ, vô điều kiện. Tương lai thế nào không quan trọng, dù cho con mình làm sai điều gì thì người làm mẹ vẫn rộng lượng mà bao dung tha thứ.”
Khi câu chuyện của tôi kết thúc, quay sang nhìn mẹ Hải thì mới phát hiện ra bà ấy đã khóc từ bao giờ. Tôi dừng bước, im lặng nhìn bà ấy, chờ bà ấy lên tiếng.
“Vân, con có ghét bác không? Bởi vì bác chính là kẻ sinh ra kẻ bạc tình, đáng ghét đó.”
Tôi thực sự không cầm lòng được: “Đúng là cháu rất ghét anh ta nhưng với bác cháu không có một chút ác cảm nào. Cháu nói thật đấy ạ! Cháu biết bác cũng là một người mẹ, bác yêu thương con trai mình là điều hiển nhiên. Cháu không trách bác đâu.”
“Bác có thể ôm con một lát không, con gái?”
Tôi dang tay ôm lấy bà ấy thay lời đồng ý. Vòng tay của bà ấy ấm áp và chứa đựng nhiều tình cảm hơn tôi nghĩ, thật không thể tin người phụ nữ giàu tình cảm này lại chính là người sinh đã ra người đàn ông bạc bẽo không ra gì kia.
Mẹ Hải nói bên tai tôi: “Bác đã từng rất rất mong có được một đứa con gái như con, có thể cùng tản bộ, cùng tâm sự, cùng mua đồ, cùng nấu ăn, mua cho nó những bộ quần áo đẹp, dạy cho nó cách trở thành một người phụ nữ tuyệt vời. Con không ngại khi bác gọi con là con gái chứ?”
Những lời tâm tình chân thật của bà ấy đã chạm đến trái tim tôi.
“Vâng, và bác có thể đến nhà con chơi và thăm Bo bất kỳ lúc nào.”
Bà ấy sụt sùi buông tôi ra, đôi mắt già nua nhưng không che giấu được nét đẹp một thời nhìn tôi xúc động: “Bác thấy ngưỡng mộ bố mẹ con nhiều lắm vì họ đã sinh ra và dạy dỗ được một người con tuyệt vời như con, trong khi họ chỉ là những người nông dân bình thường. Còn bác…bác tự cảm thấy xấu hổ.”
Tôi không nói gì nhưng rõ ràng không thể giấu nổi niềm tự hào về gia đình mình. Tôi không ngại nói cho cả thế giới biết tôi yêu bố mẹ tôi, những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng chất phác và đôn hậu đã dạy tôi biết bao điều về cuộc sống này.