Bảy Môn, Ba Thu, Quốc Đăng vượt vòng vây đưa tiểu đoàn 3 về tới Phú Mỹ, vừa ổn định đội ngũ là cho liên trở về Rừng Sác đưa tiểu đoàn 2 của Mười Lực và Năm Chảng ra khu. Chờ vài ngày thì được tin liên lạc rơi vào ổ phục kích và quân đội Diệm đã đập tan lực lượng Bình Xuyên bắt hết toàn bộ tham mưu đưa về Sài Gòn.
Từ Phú Mỹ, Bảy Môn cắt đường rừng lên miệt sở cao su Cuốc-tơ-nay (Courteney) móc đồng bào tốt trong cơ sở ra yêu cầu tiếp tế gạo mắm đủ cho cả tiểu đoàn. Tại đây, đời sống khá vất vả nên có hai binh sĩ đào ngũ, tiểu đoàn lập tức dời về Bàu Lâm chấn chỉnh lực lượng.Quân số được 250 tay súng, rất tiếc là dàn pháo bị kẹt lại Rừng Sác. Tại Bàu Lâm các anh Bảy Trân, Quốc Đăng liên lạc được các đồng chí Bảy Khánh, Tám Lê Thanh. Kế hoạch đưa hết tiểu đoàn về chiến khu Đ được để ra. Miệt Hàn Dài, Cây Chanh dọc con sông Bé, trước đây là nông trường của tỉnh Thủ Biên còn nhiều rẫy mì bạt ngàn. Đất ở đây phù sa rất màu mỡ, trồng bất cứ lúa, khoai, bắp, đậu đều tốt. Cả tiểu đòan hăm hở lên miền đất đầy hứa hẹn đó. Địch đánh hơi, huy động toàn lực mở cuộc hành quân gọi là chiến địch Trương Tấn Bửu do tướng cảnh sát Mai Hữu Xuân chỉ huy. Bảy Môn đề nghị đón địch đánh lớn một trận ra mắt đồng bào trong vùng giải phóng nhưng các đồng chí lãnh đạo chủ trương chưa phải lúc bộ đội Bảy Môn xuất đầu lộ diện. Cần củng cố lực lượng trước đã. Mà muốn củng cố lực lượng thì trước nhất phải xây dựng căn cứ địa, tăng gia, sau đó thu nhận tân binh, mở trường quân chính… Tết năm đó, năm Bính Thân 1956, bộ đội Bảy Môn ăn tết đầu tiên ở chiến khu Đ lừng danh trong thời kháng chiến chống Pháp. Năm ấy Bảy Môn được giao nhiệm vụ chỉ huy nông trường chuyên trồng bắp, tạo dự trữ lương thực. Ba năm sau, anh kiêm luôn chức chỉ huy trưởng quân sự, đào tạo từ tân binh lên đến cấp đại đội. Bấy giờ anh được bổ nhiệm chính thức giám đốc Trường 29 gồm đến bốn trăm cán bộ.
Năm 60 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Sau sáu năm dài bị nhà Ngô tàn sát dã man, đồng bào miền Nam vùng lên dùng bạo lực chống bạo lực. Mở màn là trận Quản Cung ở Hồng Ngự vào cuối năm 59. Bấy giờ là mùa nước, Đồng Tháp Mười chìm sâu trong biển nước từ Biển Hồ Tonlê Sáp đổ xuống. Mọi sinh vật đều dồn lên gò cao. Một tiểu đoàn địch thuộc sư đoàn 21 gồm ba trăm binh sĩ mở cuộc hành quân bằng ca nô và ghe xuồng. Tiểu đoàn này mới thành lập, toàn tân binh, định lấy cuộc hành quân này để thực tập. Chúng được trang bị súng trường Ga-răng, Các-bin và trung liên Mỹ. Gò Quản Cung nổi lên giữa biển nước mênh mông như một cù lao, dài ba cây số và rộng một cây số rưỡi. Bộ đội địa phương Hồng Ngự cùng đồng bào tá túc trên gò này. Khi trinh sát phát hiện địch chống xuồng tiền tới, ta lập tức bố trí lực lượng khóa đầu khóa đuôi chờ chúng tới sát mí gò mới nổ súng. Địch nhảy xuống nước lặn hụp tránh đạn, ta xung phong bắt sống, đợt đầu tóm được 85 tên. Chiều đó, cánh thứ hai tiến về gò quyết ăn thua đủ. Ta lai bắt thêm 20 tên nữa, tổng cộng là 105 tên, trong đó có một đại úy tiểu đoàn trưởng. Sau khi giáo giục chính trị tại chỗ, ta thả hết. Sau trận này tỉnh đội Đồng Tháp chia súng cho các tỉnh bạn làm vốn. Thắng lợi này thôi thúc phong trào nhân dân tự võ trang để tự vệ, không để địch tha hồ sinh sát. Chiến thằng Gò Quản Cung giúp tỉnh ủy Bến Tre chuẩn bị và tiến hành cuộc Đồng Khởi năm 60 thành công rực rỡ. Từ tay không, nhân dân biết lấy binh vận làm võ khí đấu tranh, kết hợp với đấu tranh chính trị dựa vào sức mạnh của nhân dân để cướp súng diệt đồn, tiêu diệt tề điệp ác ôn…
Trước khí thế đó, miền Đông gấp rút thành lập lực lượng võ trang chủ lực, lấy bộ đội Bảy Môn làm nòng cốt. Nấm đấm của Miền đánh một loạt lập nhiều chiến công vang dội như trận Tua Hai ở Tây Ninh, trận Phước Vĩnh (tỉnh lỵ Phước Thành) diệt thiếu tá Mẫn khát máu. Tuy đã có lực lượng võ trang hùng mạnh nhưng ta vẫn áp dụng binh vận là chính. Cả hai trận Tua Hai và Phước Vĩnh nhân tố nội ứng rất quan trọng.
Kỷ niệm Bảy Môn nhớ mãi là gặp bà má Hai, mẹ anh Tám Nghệ trong khám Phước Vĩnh. Tám Nghệ tập kệt ra Bắc, chuyển ngành, không còn ở trong quân đội nữa, nhưng tên tuổi của anh vẫn còn là nỗi kinh sợ của binh sĩ ngụy các tỉnh miền Đông.
Khi được nhà Ngô phong chức tỉnh trưởng Phước Thành - một tỉnh mới lập, cắt đất từ các tình Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, lấy thị trấn Phước Vĩnh làm tỉnh lỵ - thiếu tá Mẫn ra sức khuyến mã ngày đêm ruồng bố đánh phá cách mạng, thực hiện kế hoạch thọc sâu quấy rối chiến khu Đ. Tình báo của Mẫn báo cáo "ẩu" là Tám Nghệ đã về Nam sau mấy năm tập kết ra Bắc và đang chỉ huy quân chủ lực miền cùng với các tay chỉ huy khét tiếng như Lương Văn Nho, Nguyễn Văn Bứa, Bùi Cát Vũ, Tạ Minh Khâm, Lâm Quốc Đăng, Tám Lê Thanh… Nghe tin này thiếu tá Mẫn vừa sợ vừa mừng. Tám Nghệ được đồng bào Tân Uyên xem như "tướng trời", đánh trận nào cũng thắng. Hào quang của các trận Là Ngà, Bàu Cá, Trảng Bom còn sáng chói trong ký ức nhiều người… Mẫn chủ trưởng nhử cọp về đông mà đánh. Gia đình Tám Nghệ ở Tân Tịch còn bà già là má Hai. Bà ở một mình trong chiếc chòi lá cất ngay trên nền nhà cũ, sát bờ sông Đồng Nai xanh biếc, bờ sông đã gợi ý cho Tám Nghệ làm một bài thơ để đời:
Bờ sông xanh chiều hôm nay buộc ngựa
Kiếm gối đầu theo gió thả hồn cao…
Tám Nghệ còn người em gái thứ chị, chị Chín Lưỡng, có gia đình ở xã Uyên Hưng, sát thị trấn Tân Uyên. Có tin Chín Lưỡng tiếp tế thuốc men cho kháng chiến qua "trạm" má Hai. Tin này có thể chính xác vì Chín Lưỡng là cô đỡ và chồng cô là y tá kiêm trữ dược viên tên Nguyễn Văn Nghĩa, nguyên chủ tịch xã Tân Tịch thời chín năm.
Để nhử Tám Nghệ, không cách nào hay hơn là bắt mấy mẹ con Chín Lưỡng và bà má Hai và giam tại khám tỉnh Phước Thành. Thiếu tá Mẫn cho người thi hành ngay tuy có người lo ngại "họa hổ bất thành"… Má Hai từ lâu đinh ninh Tám Nghệ đã về Nam như một số các bộ quân sự khác từng lén về Tân Tịch thăm bà, nhưng bà thắc mắc không hiểu bận rộn việc gì mà đứa con bà yêu thương nhất vẫn chưa chịu về thăm bà. Chừng bị bắt về Phước Thành, nghe thiếu tá tỉnh trưởng yêu cầu bà viết thư kêu gọi Tám Nghệ về với chính nghĩa quốc gia, má Hai càng tin chắc con mình đã về nam. Nhưng bà nhất quyết không chịu viết thư kêu gọi con bà về đầu thú. Không dụ được "bà già gân", thiếu tá Mẫn loan tin khắp nơi "nếu Tám Nghệ là con hiếu thảo và tướng lãnh có tài thì nên kéo quân về đánh một trận sống chết với thiếu tá Mẫn để giải thoát cho bà mẹ…"
Mưu mô của thiếu tá Mẫn được bộ tư lệnh Miền nghiên cứu cẩn thận. Hắn muốn nhử chủ lực ta về Phước Thành, ta sẽ về, nhưng về đúng thời cơ. Bộ phận binh vận họat động ngày đêm và sau cùng nắm được thượng sĩ già giúp việc văn phòng thiếu tá Mẫn. Mẫn là tay quân phiệt, đã xác láo đập "can thiếu tá" lên đầu người thượng sĩ già đáng tuổi cha chú. Lòng bất mãn đưa thượng sĩ đó về với ta. Thế là thời cơ đã đến. Qua thượng sĩ già, ta nắm được cách bố trí phòng trong tỉnh lỵ và cả đến thói quen sinh hoạt hàng ngày của thiếu tá tỉnh trưởng. Đêm ấy quân ta ồ ạt tấn công tỉnh lỵ Phước Thành, đột nhập dinh tỉnh tưởng bắn chết tại chỗ thiếu tá Mẫn. Lập tức ta phá khám giải thoát tù nhân. Ma Hai hai tay bị còng, miệng luôn niệm Phật. Phải tìm cưa sắt cưa còng giải thoát hai cườm tay cho má. Trên đường rút về rừng, anh em chiến sĩ thay nhau cõng má Hai. Bà cứ hỏi "Tám Ngãi của tao đâu?". Với mọi người, nguyên khu bộ trưởng khu 7 là Tám Nghệ, nhưng với má Hai, anh vẫn là Tám Ngãi… Bấy giờ Bùi Cát Vũ mới nói thật cho bà rõ:
- Anh Tám còn ở miền Bắc chưa về. Nhưng tất cả tụi con đây cũng đều là con của má…
° ° °
Trong chiến đấu, Bảy Môn dần dần hiểu được tình cảm của bộ đội giải phóng. Bộ đội cách mạng khác xa bộ đội Bình Xuyên của anh trước đây. Thấm thía nhất là những năm gian khổ lúc mới rút về chiến khu Đ. Phải cắt đường rừng, lẩn tránh các cuộc càn quét của địch. Gạo, khoai không có, phải đào cũ mài ngâm cho hết chất độc mới nấu. Tuy gian lao mà anh dũng. Có lần bộ đội đi săn trong rừng sâu, bắn được một con tê giác. Đây là giống hiếm có, gần như bị diệt vong. Cái sừng tê giác rất quý, có người kể nhiều chuyện huỳên thoại về nó, chẳng hạn như cầm nó trong tay thì có thể đi dưới nước như đi trên đất v.v… Quốc Đăng cho binh sĩ phơi khô, cất trong ruột tượng - báo đựng gạo cột ở thắt lưng - để chờ có phái đoàn ra Bắc gởi tặng Bác.
Nhờ Quốc Đăng và Ba Thu ở kề cận, uốn nắng từng chút, Bảy Môn dần dần bỏ lột xác giang hồ trở thành một con người mới. Sau các chiến thắng Tua Hai, Phước Vĩnh, hai anh Ba Thu và Quốc Đăng giới thiệu Bảy Môn vào Đảng vào ngày 20-12-60, và đến ngày Quốc tế lao động năm sau 1-5-61 Bảy Môn là Đảng viên chính thức. Lúc đó Bảy Môn là giám đốc Trường đào tạo cán bộ đại đội của Miền.