Hai Vĩnh nhận công tác mới: Sang Hải Nam mở cảng chuẩn bị nhận hàng Trung Quốc viện trợ. Cuộc hành trình thật gian khổ! Ngày lên đường, chiến dịch biên giới mở. Pháp còn đóng ở Cao Bằng, ta phải mở đường rừng xuyên qua Côn Minh, từ đó đi Nam Ninh, đi Quảng Đông, Quảng Châu Loan, bán đảo Lôi Châu, đáp thuyền ra Hải Nam. Đảo này mới giải phóng, dân chúng nghèo khổ, chậm tiến. Lực lượng của Hai Vĩnh lên đến 700 người. Đây là một con số rất lớn so với làng mạc nghèo nàn trên đảo. Vấn đề dân vận được Hai Vĩnh đặt lên hàng đầu. Đóng ở nhà nào, anh em dân công phải giúp việc nhà như gánh nước, bổ củi. Nhờ tác phong bộ đội Cụ Hồ mà Hai Vĩnh tạo được sợi dây tình cảm giữa địa phương và quan đội mở cảng.
Công việc tiến hành ồ ạt được mấy tháng thì có lệnh ngưng, Mỹ đã nhảy vào vòng chiến ở Triều Tiên, khắp Trung Quốc đang vận động phong trào Viện Triều Kháng Mỹ.
Thế là Hai Vĩnh rút quân. Tính từ ngày bước chân tới đảo đến ngày ra đi cũng tròn trèm một năm. Kỷ niệm đáng nhớ trong công tác mở cảng này là sự cố trên đường về nước. Chín mươi dân công cùng Hai Vĩnh đi chuyến tàu chót. Trước nhỉ nhổ neo, Hai Vĩnh cẩn thận, xin Quân khu Hải Nam cho lực lượng bảo vệ nhưng được trả lời là không cần, tình hình an toàn trăm phần trăm. Trên tàu chỉ có một trung đội võ trang, có giấy tờ hợp lệ. Hai Vĩnh mang theo số hàng viện trợ về nước.
Tàu ra tới giữa eo biển đúng mười hai giờ trưa, trời nắng chang chang mà có sương mù. Tàu gặp một cơn bão dữ dội từ tám giờ tối đến mười một giờ khuya. Thuyền trưởng bắt buộc phải cho tàu ghé vào bán đảo Lôi Châu để tránh bão. Sáng hôm sau, Hai Vĩnh xuống bến trình diện. Cùng đi với anh có phiên dịch Chương rất giỏi tiếng Quảng Đông. Nhưng nhà cầm quyền địa phương bắt Chương vì tánh tự kiêu của anh này. Hai Vĩnh nói thế nào cũng không xong, phải lên đặc khu nhờ can thiệp. Đặc khu phái quân tới khám tàu, buộc khui tất cả thùng trên tàu. Hai Vĩnh giải thích đây là hàng của nhà nước Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam. Anh trình giấy tờ nhưng đại úy biên phòng tiễu phỉ lắc đầu:
- Ta làm được thì địch cũng làm được!
Hai Vĩnh ôn tồn đề nghị viên đại úy điện về Bắc Hải là nơi tàu dự định tới và điện về Hải Nam là nơi tàu rời bến để các nơi ấy xác định rõ ràng…
Đại úy chịu nghe, nhưng trong những ngày chờ đợi các nơi ấy, tất cả nhân viên trên tàu bị quản thúc. Thì ra đại úy biên phòng tiễu phỉ nghi đây là tàu phỉ bị bão tấp vào bến. Theo hắn, đây là một đám phỉ nguy hiểm vì có đến một trung đội võ trang.
Hai Vĩnh và đoàn cán bộ bị kẹt lại Lôi Châu ba ngày. Ngày đầu được lính đưa cơm tới, nhưng hai ngày sau phải mò xuống bếp tự nấu lấy mà ăn. Đến ngày thứ ba thì thái độ của đại úy phòng tiễu phỉ thay đổi hẳn. Hắn đã được điện và đến xin Hai Vĩnh xí xóa cho thái độ không đẹp đối với khách quốc tế. Hắn càng lo lắng ra mặt khi Hai Vĩnh yêu cầu hắn cho một giấy chứng nhận đã giữ tàu của đoàn Việt Nam trong ba ngày. Hắn sợ Hai Vĩnh thưa lên cấp trên, nhưng Hai Vĩnh đã khéo léo nói cho hắn an tâm.
° ° °
Hai Vĩnh đi ra Bắc, cô Tư Xóm Cỏ rất lo. Đường đi muôn dặm sơn khê, băng rừng vượt suối, biết bao giờ tới? Rồi biết bao giờ về?... Đó là chưa kể đụng địch dọc đường. Càng nghĩ càng lo. Nhưng rồi công việc hàng ngày giúp cô bớt suy nghĩ vẩn vơ. Kể từ ngày bỏ thành ra Rừng Sác với Chi đội 7, gia đình ông Tám Mạnh sống tập trung theo kiểu đại gia đình xa xưa. Trong thời bình chuyện này đã hiếm, trong thời chiến lại càng hiếm hơn. Khi Tây đánh chiếm Cần Giuộc và Nhà Bè, ông Tám ra lệnh cho tất cả xuống ghe ra bưng. Gánh của ông đông nhất: mười ba người con cộng với mớ cháu nội, cháu ngoại. Cô Tư vừa lo cho chồng vừa lo cho cha và các em. Công việc không đơn giản vì trong các có em Bảy Hải và Tám Hà nhất định bám trụ tiếp tục hoạt động. Bảy Hải là công an còn Tám Hà công tác thành. Cả hai bắn súng lục rất tài, tiố ngày cứ len lỏi trong dân, tìm dịp ám sát bọn Việt gian theo Pháp đánh phá cơ sở cách mạng nội thành. Vụ bắn tên Hiền Sĩ của cô Lan Mê Linh, rồi chiến công diệt tên khâm sai đại thần Nguyễn Văn Sâm của đồng chí On như khuyến khích Bảy Hải và Tám Hà thi đua hoạt động.
Ngoài công tác trừ gian diệt tề, hai anh em còn có nhiệm vụ tiếp tế đồng, chì, gan, sắt, hóa chất để công binh xưởng Chi đội 7 sản xuất lựu đạn cho các ban công tác thành. Hàng đi, hàng về, Bảy Hải và Tám Hà lên xuống Rừng Sác như con thoi.
Hoạt động trong lòng địch cực kỳ nguy hiểm, sơ ý một chút là có thể sa lưới. Cô Tư rất lo cho hai em. Nhưng vài trò của Bảy Hải và Tám Hà rất cần thiết cho binh công xưởng nên ông Tám và cô Tư đành gác cái lo riêng để nghĩ đến việc chung.
Ngày Bảy Viễn đầu Tây và chiếm khu Chánh Hưng làm sào huyệt, đóng đồn lập bót dày đặc, rải chỉ điểm khắp nơi, lùng bắt cán bộ kháng chiến, cô Tư khuyên ông Tám rút Bảy Hải và Tám Hà về rừng. Ông Tám không đợi nhắc nhưng cả hai không rút. Bảy Hải viết thư gởi về nhấn mạnh "con phải ở lại để khử mấy thằng phản bội thanh danh Bình Xuyên".
Số người bị bọn Thái Hoàng Minh và Tiểu Lý Quảng giết ngày càng nhiều. Cô Tư lại viết thư thúc hai em rút. Chỉ có Tám Hà nghe lời chị, còn Bảy Hải thì ở lại "quyết ăn thua đủ với chúng nó".
Thế rồi điều cô Tư lo ngại đã thành sự thật. Tin Bảy Hải bị bắt bay về Rừng Sác làm mọi người bàng hoàng. Sau đó liên lạc thành của Chi đội 7 thuật rõ về cái chết anh hùng của người cán bộ công an Chánh Hưng Bảy Hải cho gia đình.
Kẻ giết Bảy Hải là Tiểu Lý Quảng… Quảng là tay du đãng vô danh thuộc nhóm Bảy Viễn. Hắn đã được Bảy Viễn tin dùng khi bỏ rừng chạy về thành trong lúc các chiến sĩ có ý thức cách mạng đều bỏ rơi tên phản bội. Để được tín nhiệm, hắn ra sức khuyến mã, vu người này là Việt Minh vu người kia là Cộng sản. trừ Mười Lực và Bảy Môn là hai chỉ huy được Bảy Viễn trọng dụng giao cả cấp tiểu đoàn, những người trong khu về sau như Năm Chảng, Tám Hoe, Thái Sư Tử v.v… đều bị tên Quảng dòm ngó, soi mói. Có lần hắn nghe mật báo Năm Chảng sinh hoạt Đảng tại chi bộ Bình Đăng, hắn quyết tâm theo dõi Năm Chảng và khi không thu thập được gì thêm thì giở trò hỏi chặn: "Có phải trong đó phái anh về đây không?". Năm Chảng cười ngất: "Chuyện đó đã có cán bộ Phòng Nhì, anh lo làm chi cho mệt xác?".
Bắt được Bảy Hải, Quảng mừng như bắt được vàng. Hắn ngọt ngào dụ dỗ, khuyên Bảy Hải theo Bảy Viễn, thế nào cũng được "đại tá" trọng dụng, vì "ông Bảy là bạn của cụ Tám". Bảy Hải nạt ngang:
- Cha ta không là bạn của tên phản bội!
Quảng dọn cơm lên mời, Bảy Hải đá tung mâm cơm.
- Tao không ăn cơm của những thằng phản bội!
Quảng nhục quá rút dao găm ra đâm Bảy Hải. Trước khi chết Bảy Hải còn hô to: "Hồ Chí Minh muôn năm"…
° ° °
Vừa từ Nam Hải trở về nước, Hai Vĩnh xin trở vào Nam. Khởi hành tháng 8/51, anh về tới miền Đông vào cuối năm 51. Anh mang thao ba túi tài liệu, toàn sách của Liên Xô và Trung Quốc. Anh về thật đúng lúc để dự hội nghị Miền ở căn cứ Dương Minh Châu trong tỉnh Tây Ninh. Sau đó anh được đề bạt tỉnh đội phó Bà Rịa. Tỉnh đội trưởng là anh Trần Thắng Minh, tham mưu trưởng là anh Lương Văn Nho
Sau ba năm xa quê, nay trở về Rừng Sác, Hai Vĩnh thấy lòng phơi phới như con chim tung cánh ngàn phương trở về khu rừng cũ.
Gặp lại vợ con, gia đình ông Tám, anh bồi hồi xúc động. Vui chưa được bao lâu, anh đón nhận tin buồn. Cô Tư kể cho anh nghe chuyện hy sinh của Bảy Hải… Trong đám em út, Bảy Hải là người Hai Vĩnh mến thương nhất. Biết ông Tám buồn vì mất đứa con quý nhất trong nhà, Hai Vĩnh tìm lời an ủi ông:
- Con người ai cũng phải chết. Bảy Hải chết rồi nhưng tinh thần bất khuất của Bảy Hải còn sống mãi trong lòng anh em Bình Xuyên và còn sống mãi trong lòng bà con Chánh Hưng mình. Xin cha bớt buồn kẻo suy giảm sức khỏe… Còn thằng Quảng thì chắc chắn có ngày sẽ trả nợ máu với nhân dân. Vay gì trả nấy là chuyện nhãn tiền.
° ° °
Cuộc đời không chỉ là tin buồn mà còn rất nhiều tin vui. Ngày Hai Vĩnh trở về núi Nứa, Trung đoàn 397 làm lễ cưới tập thể có ba cặp tân lang và tân giai nhân. Một cặp được Hai Vĩnh đặc biệt chú ý. Cô dâu là y tá Đặng Thị Tư, vừa tròn đôi mươi, đẹp người đẹp nết, là "bông hoa biết nói của Trung đoàn". Chú rể là thương binh Võ Văn Trí quê tận Ninh Bình, Trí là cán bộ tiểu đội đã xung phong đầu tiên trong trận đánh lô cốt Cần Giờ. Không may sức ép của quả F.T (phá tường một loại mìn được công binh xưởng của Bùi Cát Vũ chế tạo vào năm 49) làm anh mù cả đôi mắt. Từ chỗ chăm sóc đến yêu thường không xa mấy, chị Tư yêu anh Trí, một thanh niên bị thử thách ác liệt nhưng vẫn không mất tinh thần lạc quan cách mạng. Chị Tư quý anh Trí ở chỗ đó. Có nhiều người còn đủ hai mắt nhưng không sáng bằng chồng chị. Đám cưới tổ chức tại ấp Ba Giồng, chủ hôn bên trai là đồng chí Mười Thìn, Tư lệnh Trung đoàn 300 Dương Văn Dương, chủ hôn bên gái là Tám Tâm.
Những con người cao đẹp như chị Tư không ít trên hòn đảo đạo Trần. Các chiến sĩ Trung đoàn 397 đều xem má Chín ở Bà Trao như mẹ ruột. Nhà má Chín luôn luôn mở rộng cho bộ đội đến đóng, có cá ăn cá, có muối ăn muối, chan hòa, đắp đổi cho nhau. Không ai quên mối tình mẹ con - mẹ chiến sĩ và con bộ đội - giữa má Chín và chính trị viên tiểu đoàn Lý Trần Thức. Thức là người Hà Nam, chiến đấu gan lì đến ho lao, mỗi lần ho máu ra cả chén. Hai anh Phạm Đình Công và Hứa Văn Yến gửi anh Thức tại nhà má Chín để điều trị. Có lúc Thức hấp hối vì máu khô nghẹt trong mũi không thở được. Trong lúc mọi người lắc đầu tuyệt vọng, má Chín vẫn không chịu bỏ cuộc. "Còn nước còn tát", má dùng miệng hút máu mủ nghẹt trong mũi Thức, một cố gắng tưởng như vô vọng nhưng lại hiệu nghiệm: nhờ đó mà Thức sống.
Hai Vĩnh hãnh diện đã sớm tìm thấy nơi cù lao nhỏ này một "địa linh nhân kiệt" để đưa Chi đội 7 đến lập căn cứ vào những ngày đầu kháng chiến.
° ° °
Công tác đầu tiên của Hai Vĩnh khi lãnh chức tỉnh đội phó Bà Rịa là xây dựng căn cứ địa Xuyên Mộc. Sau trận bão lụt năm Thìn (1952) Xuyên Mộc cũng như tất cả khu rừng miền Đông đều bị tàn phá. Mùa màng thất bát, dân chúng đói khổ, không ít cán bộ và binh sĩ bỏ ngũ. Để đánh bồi thêm, địch nhảy dù xuống Xuyên Mộc, càn quét các cơ quan và lùa dân ra rùng tạm chiến.
Trước tình thế đó, Hai Vĩnh bắt tay vào việc gây dựng lại căn cứ bằng một trận đánh lớn, điều mà không ai nghĩ tới và cũng không ai mạnh dạn tán thành khi có người đề nghị. Hai Vĩnh chọn một trung đội cứng của bộ đội địa phương giận Long Đất, điều nghiên chiến trường, đánh hai trận táo bạo, thọc sâu, rút nhanh vào khu Sông Ray, tạo thanh thế đồng thời họp huyện ủy bàn biện pháp giữ dân ở lại xây dựng căn cứ. Thiếu gạo, phải móc cử rừng ăn lấy sức để trồng khoại mì. Vùng Xuyên Mộc có củ rừng gọi là Thiên Tuế - có nghĩa ngàn năm - nhưng ăn vô thì ngây ngất vì chất mủ độc. Phải gọt vỏ ngâm lâu ngày mới ăn không bị say.
Không để căn cứ Xuyên Mộc hồi sinh, địch lấn chiếm lộ 2 bao vây căn cứ. Huyện ủy Long Điền đóng trên đất Bà Tô bị địch chụp trong thời điểm này. Hai Vĩnh chủ trương "ăn miếng trả miếng", đánh biệt kích, thọc sâu rút nhanh. Ta bắt được tên quan ba tình báo Phạc-đen (Fardel) chỉ huy quận Lòng Điền và Đất Đỏ suốt mười năm. Địch tung đám Côm-măng-đô đánh ráo riết vào chiến khu để giải thoát Phạc-đen nhưng không thành công.
Sau khi xây dựng căn cứ Xuyên Mộc xong, Hai Vĩnh lại được giao công tác xây dựng căn cứ Hàm Tân. Chiến dịch này bắt đầu từ chuyến đi ra Bắc của đồng chí Lê Duẩn. Đi ngang qua đây, ghé lại nghe báo cáo tình hình, nhận thấy đồng bào Hàm Tân đói khổ lại bị chia cắt với các khu miền Trung (vì đây là dải đất cuối cùng của miền Trung, nhưng trên thực tế lại gắn bó máu thịt với miền Nam), đồng chí Lê Duẩn chủ trương cắt Hàm Tân giao cho Bà Rịa. Hai Vĩnh được mời dự họp với tỉnh ủy Bình Thuận. Đề nghị được hội nghị thông qua. Hai Vĩnh bắt tay vào việc xây dựng căn cứ địa Xuyên Mộc-Hàm Tân. Anh vẫn theo phương pháp cũ: phối hợp nhuần nhuyễn quân sự với kinh tế, kết hợp dân vận với bình vận, lấy bộ đội và cơ quan dân chính làm đầu tàu… Tình hình có khó khăn nhưng Hai Vĩnh vẫn lạc quan: Nhìn ra miền Bắc ta đang đánh lớn, hết chiến dịch Tây Bắc đến chiến dịch Điện Biên. Địch cố đánh mạnh ở miền Nam Trung Bộ, nhưng đó chỉ là sự cố gắng tuyệt vọng… Mà cũng chỉ có thể cố gắng đến mùa hè năm 1954…