Ngược Về Thời Minh

Chương 22: Trận chiến lúc bình minh

Trước Sau

break
“Tuuu…u…”

Dương Lăng giật mình tỉnh giấc bởi tiếng tù lệnh phát ra lanh lảnh, vội vàng bật dậy. Vì có Hàn Ấu Nương bên cạnh, không tiện nằm chung cái giường to đùng trong gác canh với bọn Hoàng huyện thừa nên y đã đến ngủ bên trong lầu Ngọc Hoàng ở phía đông bắc thành.

Hàn Ấu Nương cũng đã tỉnh giấc, dụi dụi mắt. Dương Lăng nhảy xuống đất, vừa lao ra ngoài vừa dặn vói lại:

- Quân Thát đánh thành rồi. Nàng ở yên đây, ta đi xem thử!

Khắp nơi nơi đều vang lên tiếng chém giết. Binh sĩ trên tường thành chạy qua chạy lại, không ngừng vung đao chặt đứt dây móc từ dưới thành ném lên, đồng thời dùng cung tên bắn trả.

Trên tường thành, cứ cách khoảng mười bước lại đặt một chiếc xe tời quấn dây xích, chính giữa là một khối gỗ tròn đường kính cả thước, dài khoảng một trượng. Trên khối gỗ cắm chi chít những cây đinh sắt dài chừng năm tấc, hơi giống như một cây lang nha bổng khổng lồ.

Chỉ cần hai binh sĩ nấp sau thành đóa (1) nhấc khối gỗ lên ném xuống dưới thành là sẽ nghe một loạt tiếng hét thảm, sau đó bọn họ lại quay bánh xe ở hai đầu, kéo cây “lang nha bổng” trở về.

(1) thành đóa: phần nhô lên trên tường thành, để ấn nấp tránh tên.

Tuy công cụ thủ thành này có hơi cồng kềnh và tốn thời gian, nhưng hai bên còn có mấy tay cung thủ phụ giúp, bù đắp cho các khuyết điểm trên, cho nên lực sát thương của nó cũng không hề nhỏ.

Dương Lăng ba chân bốn cẳng chạy đến tường thành, vừa mới vịn tay lên thành đóa, một mũi tên bén nhọn đã bay vút sượt qua mặt y, cắm “phập” vào xà ngang lầu Ngọc Hoàng, đuôi mũi tên rung bần bật càng khiến cho y toát mồ hôi lạnh.

Hoàn hồn, nấp sau thành đóa nhìn nghiêng xuống dưới, Dương Lăng không khỏi cả kinh. Sao đột nhiên lại xuất hiện nhiều quân địch như vậy?

Khắp nơi dưới chân thành đều là quân Thát Đát. Tường thành cao đến mấy trượng, bọn chúng dùng móc câu và thang dây ném lên tường thành, hung hãn không sợ chết trèo lên, phía sau có rất đông cung thủ phi ngựa tới lui bắn tên lên thành yểm trợ. Cung thủ trên thành cũng liên tục bắn trả, song vì địch đông ta ít nên dù có địa lợi vẫn bị ép không ngóc đầu lên nổi.

Dương Lăng khom người vội vã chạy đến cửa phía nam, vừa mới xông lên vọng lâu đã nghe “ầm” một tiếng, mặt đất rung chuyển, khói thuốc súng mịt mù khiến y giật bắn cả người. Nhìn xuống dưới thành y thấy mặt đất lõm một lỗ lớn, hơn chục người ngã lăn quay, còn có một thớt ngựa bị nổ đứt chân đang nằm trong vũng máu không ngừng hí thảm.

Dương Lăng không nói nên lời, không ngờ đại pháo thời này lại lợi hại như vậy. Thời đại này đã có đạn nổ rồi sao? Vậy mà y còn tưởng rằng đạn pháo thời này đều là những quả bi sắt.

Có điều khói thuốc súng thật quá nồng nặc. Dương Lăng mới vừa chạy tới, đang thở dốc thì bị thuốc súng xông vào phổi, ho sặc sụa. Khói dần tan đi, hiện ra Hoàng huyện thừa đang nấp sau công sự trên vọng lâu. Lão vẫy tay gọi Dương Lăng:

- Hiền điệt, mau qua đây! Cẩn thận đừng để bị trúng tên đấy!

Dương Lăng khom người chạy tới gần, chỉ thấy ba khẩu đại pháo trước vọng lâu chĩa xuống bên dưới, mấy tay pháo thủ đang khẩn trương nạp đạn, đổ thuốc. Lúc này ngòi nổ của khẩu đại pháo bên trái được châm cháy xì xì, mấy tay pháo thủ lần lượt bịt tai nhắm mắt lại. Chỉ nghe “oành” một tiếng, chỗ đặt đại pháo khói thuốc súng mịt mù, không nhìn ra nổi một bóng người.

Dương Lăng bị khói hun đến đỏ cả mắt. Khi màn khói dày đặc ở trước mặt tan đi, y thấy khẩu đại pháo dù đã được lắp giá đỡ bên dưới cũng đã dịch về phía sau hơn một trượng. May mà trên thân pháo còn có neo sắt giữ lại, nếu không thì chẳng biết khẩu đại pháo này đã văng đi đâu mất. Những tay pháo thủ đang đẩy đại pháo trở về chỗ cũ.

Do quân Thát ở dưới thành chạy tứ tán khắp nơi tránh hướng chính diện, nên mặc dù phát pháo này có thanh thế long trời lở đất cũng chỉ sát hại được một tên và làm bị thương vài tên nữa, có cảm giác như lấy đại bác bắn ruồi.

Dương Lăng hỏi lớn:

- Hoàng đại nhân, tại sao quân Thát đột nhiên kéo đến đông vậy? Giang bả tổng đâu rồi?

Hoàng huyện thừa chỉ tay về phía trước nói lớn:

- Nhị Lý Bán đã bị thất thủ, quân Thát tăng binh rồi. Giang bả tổng đang ở phía trước đốc chiến, trên thành chỉ còn hơn trăm binh sĩ, lo được chỗ này thì lại mất chỗ kia. Ngươi hãy mau đến sở dịch thừa yêu cầu người của sở dịch đến thủ thành.

- Được!

Dương Lăng đáp nhanh, đoạn xoay người chạy xuống dưới thành. Lúc này Lưu điển sử đã dẫn hơn hai trăm tráng đinh xông lên thành, được một đội trưởng chỉ huy phân tán ra khắp tường thành. Những tráng đinh này chỉ là dân chúng bình thường, chưa được huấn luyện quân sự nên rất lúng túng. Sau khi nghe binh sĩ hướng dẫn, bọn họ cũng chẳng quản dưới thành có quân địch hay không, tìm được đá là ném ngay xuống dưới thành, khiến cho đám binh sĩ phải giậm chân tức giận.

Đám tráng đinh này cũng không biết cách tự bảo vệ bản thân, một người vừa ló đầu ra liền bị một mũi tên bắn trúng ngực, may mắn vừa lúc Hàn Ấu Nương chạy đến nên vội đỡ lấy y. Những tráng đinh khác thấy vậy sợ co rúm cả người, mặc cho quan binh lớn tiếng quát tháo thế nào cũng nhất định không chịu ló đầu ra nữa.

Lúc này trên đường vắng tanh, quả nhiên dân chúng đã bị đám nha dịch quát đuổi nên đều ở yên trong nhà không dám chạy lung tung. Vừa chạy đến ngã tư đường, Dương Lăng đã thấy Mã dịch thừa dẫn hơn mười dịch sứ theo sau ba cỗ xe ngựa đang vội vã từ phía trước chạy đến. Y liền đứng lại, gọi lớn:

- Mã đại nhân, quân Thát bên dưới thành phân tán để công thành, quân phòng thủ không đủ người, Hoàng huyện thừa mời ngài phái toàn bộ dịch sứ lên thành giúp phòng thủ.

Mã dịch thừa nhảy xuống ngựa nói:

- Còn người đâu nữa chứ! Cửa đông và cửa tây cũng có rất đông quân Thát tấn công, bọn chúng không đủ dụng cụ công thành nên đã phân tán ra chung quanh leo lên tường thành. Toàn bộ người của ta đã phái đi hết, chỉ còn lại chừng này, đang đưa pháo đến cho Giang đại nhân.

Dương Lăng vừa nghe còn có đại pháo thì trong lòng không khỏi mừng rỡ, song nhớ lại hiệu quả khi nãy của cái thứ bằng sắt đó thì lại có chút thất vọng. Hắn giậm chân nói:

- Bây giờ quân Thát tản ra bốn phía, chủ yếu là quân sĩ thủ thành không kịp đối phó, sợ rằng tác dụng của đại pháo sẽ không lớn.

Mã dịch thừa ra lệnh cho hai cỗ xe ngựa chia ra chạy về hai cổng đông tây, còn mình thì dẫn theo một cỗ xe tiếp tục tiến về phía trước, đáp:

- Hiền điệt sai rồi, đây không phải là pháo Đại Tướng Quân. Những khẩu pháo này là “Kích Tặc Thần Cơ Thạch Lựu pháo”, “Uy Viễn Thạch pháo”, “Vạn Nhân Địch Lệ Chi pháo”, dùng chúng để thủ thành là tiện lợi nhất.

Dương Lăng nghe mà ù ù cạc cạc. Mã dịch thừa thấy y không hiểu, bèn vừa chạy vừa giải thích cho y một hồi. Thì ra pháo mà Mã dịch thừa nói đến ở đây kỳ thực chính là tạc đạn (trái phá).

“Kích Tặc Thần Cơ Thạch Lựu pháo” có phần na ná với lựu đạn ở thời hiện đại, đúc bằng gang, hình dáng giống như một quả lựu to đã chín.

“Uy Viễn Thạch pháo” là đá được đục lỗ, bên trong chứa thuốc nổ. Trong mỗi viên đạn đá còn trộn thêm một trăm viên đá nhỏ, khi nổ có lực sát thương rất cao.

“Vạn Nhân Địch Lệ Chi pháo” có thể tích lớn nhất, bên trong bình đất sét nhét đầy thuốc nổ, còn có đá vụn, sắt vụn, chông sắt,… Khi nổ mảnh đạn văng đến mấy trăm bộ, sát thương rất nhiều kẻ địch.

Dương Lăng nghe xong mừng húm. Nhớ hồi xem “Hoả thiêu Viên Minh viên” (lửa cháy vườn Viên Minh), khi đó Đại Thanh giao chiến với liên quân tám nước chỉ dùng chiến thuật biển người, trường mâu đại đao liều chết với bọn xâm lược, không ngờ vũ khí của triều Minh đã phát triển đến như vậy. Có được thứ đồ chơi này thì cho dù là một thư sinh như mình mà đi thủ một mảng tường thành cũng sẽ dễ như trở bàn tay. Nghĩ đến đây y không khỏi hăng hái đến xoa tay.

Quả nhiên lượng tạc đạn vừa được vận chuyển đến đã phát huy tác dụng rất lớn. Những kỵ binh chuyên dùng vũ khí lạnh của Thát Đát tuy dũng mãnh không sợ chết, nhưng căn bản không thể nào chống lại được thuốc nổ. Dưới thành chỗ nào có tiếng nổ là chỗ đó tử thương vô số, đợt tấn công của quân địch phải tạm thời đình chỉ.

Trên đầu thành quân Minh tử thương hơn bốn mươi người, cộng với bọn tráng đinh không biết tự bảo vệ thành ra thương vong trên trăm người. Lang trung quân sự và những lang trung dân gian tạm thời được điều động đều bận bịu trị thương khắp nơi.

Giang bả tổng vừa tự tay chém chết mấy tay binh sĩ Thát Đát, sẵn máu đang sôi, xách hai thanh trảm mã đao đầm đìa máu lớn tiếng chửi bọn tráng đinh ngu xuẩn, thỉnh thoảng còn đá vào mông bọn họ, quát bảo bọn binh sĩ dạy bọn họ phải tác chiến ra sao. Đám người Hoàng huyện thừa và Lưu điển sử thì chạy đến hai cổng thành đông tây tuần sát, xem xét tình hình thương vong.

Dương Lăng vịn bờ tường thành, thấy bọn Thát Đát đã lui về hơn ba tầm tên, đang chuẩn bị cho đợt công kích tiếp theo. Quân Thát Đát bên ngoài hai cổng thành đông tây cũng bắt đầu kéo về tập kết ở đó, nhân số phải đến hơn ba ngàn. Hàn Ấu Nương tay cầm một cây tiêu bổng (gậy dân phòng) xin được từ chỗ mấy nha dịch quen biết đang đứng bên cạnh y cẩn thận trông chừng, mặc dù vóc người nhỏ nhắn song tư thế lại tỏ ra hiên ngang oai hùng.

Dương Lăng thấy bên ngoài thành vẫn còn nhiều quân địch như vậy, cho dù bọn chúng chỉ đơn thuần tấn công liều mạng chấp nhận hao quân đi nữa, quân thủ thành còn lại có chống chọi được với đợt công kích thứ hai hay không cũng rất khó nói. Hơn nữa, vũ khí thủ thành lợi hại nhất là những quả tạc đạn cũng chỉ còn chưa tới hai mươi quả. Y bất giác hơi lo lắng.

Nhưng lúc này quân lực triều Minh đã khiến cho y cảm thấy rất bất ngờ rồi, không ngờ khoa học kỹ thuật quân sự thời Minh đã phát triển như vậy. Trong ấn tượng của y Minh triều lúc nào cũng yếu đuối nhu nhược, hoàng đế thì không quản chính nghiệp, hoạn quan thì gây họa cho thiên hạ, còn về những thứ khác thì y lại không biết rõ.

So với những người bình thường rành những bộ phim về Thanh cung, y cũng chỉ có thể biết được hơn họ một chút. Nếu không phải vì biết đương kim thái tử tên là Chu Hậu Chiếu (2), lại vừa vặn đã xem bộ “Du Long Hí Phụng” thì y sẽ còn chẳng biết bây giờ ai kế vị ngai vàng sau hoàng đế Hoằng Trị chứ đừng nói là biết gì nhiều về Minh triều.

(2) Chu Hậu Chiếu, thụy hiệu là Nghị Đế, là tên riêng của Minh Vũ Tông. Chu Hậu Chiếu kế vị vua cha Minh Hiếu Tông. Sau khi ông qua đời, Minh Thế Tông kế vị.

Vì lịch sử triều Minh là do người triều Thanh viết lại, không cần nói cũng biết trong đó sẽ có ẩn tình, cho nên những hí thuyết (một loại hí kịch diễn lại một sự kiện lịch sử), diễn nghĩa gì gì phát triển từ nó đương nhiên lại càng không đáng tin. Bản “Dương Châu Thập Nhật ký” (3) , bản “Gia Định Đồ Thành ký lược” (3) lại bị chôn vùi hơn hai trăm năm ngay trên đất Trung Quốc. Mãi đến hơn hai trăm năm sau mới tìm thấy chúng từ Nhật Bản, đủ thấy được sự triệt để của những vụ án văn tự thời Thanh.

(3) “Dương Châu Thập Nhật ký” (扬州十日记): do Vương Tú Sở viết, kể lại chuyện quân Thanh phải sau bảy ngày chiến đấu gian khổ mới chiếm được Dương Châu; sau đó quân Thanh đồ sát dân chúng Dương Châu trong mười ngày, gần như đốt trụi Dương Châu.

”Gia Định Đồ Thành ký lược”(嘉定屠城记略) cũng kể chuyện quân Thanh tàn sát dân chúng thành Gia Định.

Cả hai truyện đều bị triều đình nhà Thanh cấm triệt.

Thật ra vào thời đó, triều Minh đã không cách quá xa với chủ nghĩa tư bản, sản lượng sắt bằng tổng sản lượng của cả Châu Âu, một phần ba số lượng bạc của toàn thế giới đổ về Trung Quốc thông qua mậu dịch, sản lượng công nghiệp chiếm trên 60% sản lượng toàn cầu, còn vào cái thời gọi là Càn Long thịnh thế thì sản lượng chỉ chiếm được 6% toàn cầu.

Khó trách vì sao nhà truyền giáo phương Tây thời Minh là Matteo Ricci (4), đã ghi chép về Trung Quốc trong bản “Trung Quốc Trát Ký” (ghi chú về Trung Quốc) như sau: “Nơi này của cải sản xuất cực kỳ dồi dào, thứ gì cũng có, đường ăn trắng hơn đường của Châu Âu, vải đẹp hơn vải của Châu Âu… Mọi người đều ăn mặc hoa lệ, tác phong nhanh nhẹn, tinh thần dân chúng vui vẻ, lịch sự lễ độ, ăn nói văn nhã.”

(4) Matteo Ricci (Lợi Mã Đậu) là một thầy tu Thiên chúa giáo người Ý nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, là người phương Tây đầu tiên được mời vào Tử Cấm thành. Xin xem wikipedia để biết thêm thông tin.

Trong khi đó thời Càn Long, đặc sứ Anh Quốc McCartney (5) đến tìm hiểu thì lại kể rằng: “Khắp nơi nơi đều là cảnh nghèo khó kinh người… rất nhiều người không có quần áo mặc… quân đội rách rưới bẩn thỉu trông như một đám ăn mày.”

(5) Năm 1793 đặc sứ Anh Quốc McCartney (Mã Cáp Nhĩ Ni) đến Trung Quốc gặp vua Càn Long để thỉnh cầu thiết lập quan hệ thương mại. Đáp lại yêu cầu này, vua Càn Long đã viết thư trả lời đức vua Anh Quốc, nói rằng: “Thiên triều sản vật dồi dào, không thứ gì không có. Thứ lỗi không cần tích trữ thêm hàng hoá ngoại nhập.”

Trung Quốc thời Minh có phần giống với Nhật Bản sau này, những gì có thể tự phát minh thì sẽ tự phát minh, phát minh không được thì sẽ bỏ ra một số tiền lớn mua lại của nước ngoài sau đó nghiên cứu bắt chước. Thời đó mỗi doanh của “Thần Cơ doanh” đặt tại kinh thành có 5000 người, 3600 khẩu Phích Lịch pháo, 200 khẩu pháo Đại Liên Châu, 400 khẩu súng tay. Rõ là trang bị hiện đại đến cỡ nào!

Thế nhưng, sự tiên tiến về kinh tế, văn hoá không thể điều hoà cùng với sự hủ bại về chính trị và quân sự, khiến cho các nền văn hoá lạc hậu hơn lại du nhập và thống trị một Trung Quốc đã tương đối văn minh. Thời gian bị quay ngược lại một cách thần kỳ, các nhà khoa học thì tuyệt tích, vũ khí tiên tiến thì bị chôn vùi.

Súng thì bị coi là “kỳ kỹ dâm xảo” (loại kỹ xảo tà quái) cần phải huỷ bỏ. Trong “chiến tranh Nhã Khắc Tát" (6), sau khi quân Thanh thu được kiểu súng châm ngòi bóp cò, Khang Hy chỉ giữ lại hai khẩu để mình dùng chơi, hạ lệnh cho quân sĩ không được sử dụng loại súng tân tiến này, với lý do “không được ngưng dùng cung tiễn trường mâu mà tiền nhân đã truyền lại”. Đến khi chiến tranh nha phiến nổ ra, quân Thanh chuyên cầm đại đao trường mâu hoàn toàn lạ lẫm với hỏa khí, lại coi chúng là tà vật, cho rằng dùng máu chó mực là có thể hoá giải được.

(6) Jaxa: Khu dân tộc thiểu số vùng Cát Lâm, Hắc Long Giang.

Đương nhiên Dương Lăng không hiểu nhiều lắm về những chuyện này, chẳng qua y thấy vũ khí quân Minh sử dụng đã vượt rất xa dự liệu của mình, lại nhớ đến chuyện Trung Quốc sau này bị Bát Kỳ (7) càn quét nên nhất thời nghĩ không ra nguyên nhân trong đó mà thôi.

(7) Bát kỳ Mãn Thanh gồm tám đội quân: Chính Hoàng kỳ, Tương Hoàng kỳ, Chính Hồng kỳ, Tương Hồng kỳ, Chính Lam kỳ, Tương Lam kỳ, Chính Bạch kỳ, Tương Bạch kỳ.

Chính Hoàng kỳ, Tương Hoàng Kỳ và Chính Bạch kỳ thường được gọi là “Thượng Tam Kỳ”(上三旗) và nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hoàng đế. Chỉ những người Mãn Châu thuộc Thượng Tam Kỳ mới được đích thân Hoàng đế lựa chọn vào đội bảo vệ riêng của mình. Những kỳ còn lại được gọi là “Hạ Ngũ Kỳ” (下五旗) và được chỉ huy bởi các hoàng tử người Mãn Châu trực hệ của Nurhachi theo chế độ cha truyền con nối, và thường được gọi theo nghi thức là “Thiết mạo tử vương” (鐵帽子王 - Các hoàng tử mũ sắt) hay các “Hòa Thạc” (和硕). Họ cùng nhau tạo thành một hội đồng quản lý quốc gia Mãn Châu cũng như bộ tư lệnh quân đội có tên gọi là Hòa Thạc Bội Cần.

Vương chủ bộ và những bô lão đức cao vọng trọng trong thành đã dẫn người lên thành đưa cơm. Ông chủ của “Hồng Nhạn lâu” còn đặc biệt mổ một con heo to mập để khao thưởng tướng sĩ. Hàn Ấu Nương tay cầm hai bát cơm tẻ và một bát thịt heo hầm bước đến gọi:

- Tướng công, ăn cơm đi thôi!

Lúc này Dương Lăng mới sực tỉnh, vội tiếp lấy đồ ăn từ tay Hàn Ấu Nương đặt lên tường thành phủ đầy tuyết, sau đó hai người đứng bên bờ tường dùng cơm. Dương Lăng đã đói meo, lùa đến quá nửa bát cơm thì mới phát hiện Hàn Ấu Nương đang vừa ăn vừa cười tủm tỉm nhìn mình. Y lấy làm lạ, bèn hỏi:

- Nàng nhìn ta làm gì thế?

Hàn Ấu Nương hé môi cười, ôn nhu đáp:

- Thiếp thấy tướng công ăn ngon miệng nên trong lòng rất vui.

Mắt Dương Lăng có chút ươn ướt. Y thấy Hàn Ấu Nương lại tranh ăn rau với mình, chừa thịt lại trong bát, tiết trời lạnh, mỡ thịt sắp đông lại đến nơi, liền gắp lấy mấy miếng bỏ vào trong bát nàng, ra lệnh:

- Mau ăn hết thịt đi! Tướng công không thích ăn thịt heo béo, hiểu không?

Hàn Ấu Nương ngoan ngoãn vâng một tiếng, đoạn lấy đũa xắn đôi miếng thịt, gắp phần nạc bỏ vào bát Dương Lăng, còn mình thì lùa cơm, ánh mắt lộ ra khỏi miệng bát chớp chớp nhìn y. Dương Lăng hết cách, đành cười trừ thuận theo ý nàng, lùa thịt vào miệng nhai ngồm ngoàm. Thấy y ăn ngon miệng như vậy, cặp mắt to tròn của Hàn Ấu Nương hài lòng tít lại thành một vầng trăng non.

Ăn xong, Hàn Ấu Nương nhanh nhẹn thu lại bát đũa muốn đem về. Dương Lăng thấy trên mép nàng còn dính một hạt cơm, không nén nổi buồn cười đưa ngón tay lên mép môi của nàng gạt xuống. Hàn Ấu Nương ngẩn người, nhìn thấy hạt cơm dính trên ngón tay của y, không khỏi cảm thấy mắc cỡ, lại thấy Dương Lăng không vất hạt cơm đi mà đưa nó vào miệng, cả khuôn mặt nàng lập tức đỏ bừng.

Nàng vội vã đưa mắt liếc xung quanh, thấy không có ai chú ý đến cử động thân mật tựa như đùa bỡn này của phu quân, lúc này bờ vai đang gồng lên vì khẩn trương mới yên tâm mà thả lỏng. Thấy tướng công vẫn còn nhìn mình cười tủm tỉm, nàng xấu hổ lườm y một cái, rồi vội vã bê bát đũa xoay người chạy đi.

Dương Lăng thấy nàng tuy mặc nam trang nhưng tấm lưng vẫn lộ ra dáng mảnh khảnh, dáng vẻ đung đưa lại có một phong thái quyến rũ, bất giác trong lòng xao động. Nghĩ đến một ngày nào đó có lẽ nàng sẽ đối xử dịu dàng và âu yếm với một người đàn ông khác như đối với mình, trong lòng y bỗng cảm thấy ghen tỵ: “Tập tục thời này như vậy, Ấu Nương nhất định sẽ không tái giá chứ? Vậy mình có thể…”

Y chợt xoay người, vốc lấy một nắm tuyết trắng tinh chà vào má: “Trời đánh chết mày đi! Sao mày lại có suy nghĩ này? Nếu để tình cảm phát triển quá nhiều, chẳng phải sẽ khiến cho cô ấy càng thêm đau khổ sao? Mày chưa thử qua, sao biết sẽ không đành lòng để cho cô ấy yêu người khác chứ?”

“Yêu người khác?” - Ý nghĩ này vừa xuất hiện trong đầu, y chợt phát hiện được rồi mất nàng càng khiến cho y khó lòng chịu đựng nổi. Cán cân của tình yêu đã bắt đầu lắc lư bất định giữa lòng ích kỷ và sự “vĩ đại”. Tuyết tan trên khuôn mặt y như những giọt nước mắt long lanh.

“Tuuu…u…”

Tiếng tù và cất lên không đúng lúc cắt ngang dòng suy nghĩ, Dương Lăng bực bội chùi tuyết trên mặt, cúi xuống ôm một khối đá nặng hơn hai mươi cân.

break
Hắn Như Lửa
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
Thái Tử Tỷ Phu Và Cô Em Vợ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Cổ Đại
Cô Giáo Đừng Chạy
Ngôn tình Sắc, Sủng, Nữ Cường
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc