Ngược Về Thời Minh

Chương 108: Suýt Rơi Vào Bẫy

Trước Sau

break
Đồng Quán là một trong số "Lục tặc" thời Bắc Tống (1). Dương Phương nói Hán Linh đế tin sủng Thập thường thị, Lương Vũ đế mê tín đạo Phật, đều không hề nêu ra danh tính của bọn gian nịnh đó, duy chỉ khi nhắc đến thời Tống Huy tông thì mới nêu đích danh ra, lại còn đem đặt đại tướng quân Đồng Quán lên trước quyền tướng Thái Kinh, rõ ràng là có ngụ ý. Các võ tướng “dốt nát ngây ngô” nghe không hiểu, nhưng các quan văn đã sớm to nhỏ thì thầm ở bên dưới.

Dương Phương thấy mình khổ tâm một phen mà Hoàng Đế Chính Đức lại không hiểu ý, nên cũng không cố dùng lời ám dụ nữa, đành phải quỳ xuống tâu:

- Đọc sử chính là để răn dạy người sau, Hoàng Thượng nên thông hiểu đạo đức văn chương, chăm thờ quang minh chính nghĩa, kính thiện trọng đức, báo đáp công ơn, thì dù có chắp tay giũ áo (bỏ mặc không làm gì) mà vẫn khiến thiên hạ vẫn thái bình. Giờ đây Hoàng Thượng ham mê bắn cung, cưỡi ngựa, xao nhãng đọc sách. Nghe nói Hoàng Thượng đã nhiều lần tự ý rời khỏi hoàng cung đi Tây giao (ngoại thành phía tây) xem võ. Cứ trầm mê vào những trò vặt này thì không phải là việc làm của một vị vua tài đức đâu.

Dương Phương vừa dứt lời, trên điện chợt có một giọng nói ung dung cất lên:

- Hoá ra ham mê bắn cung cưỡi ngựa thì không phải là quân vương tài đức. Đại nhân đọc sách sử thật hay! À, hoá ra vua Tần và Hán Vũ cho diễn võ trong cấm cung, mở mang bờ cõi, đều không phải là những vị vua tài đức sao?

Dương Phương liền xoay người, thấy kẻ đáp lời là Dương Lăng thì lập tức nói ngay:

- Khổng Tử nói: ...

Dương Lăng lại nghe là "Tử viết (Khổng Tử nói)(*)" thì lập tức cướp lời luôn:

- Tử viết: “Ngươi đừng có nói câu nào cũng đều trích của ta hết!”

(*)Viết: từ cổ, nghĩa là nói.

- Ha ha ha ha...!

Lần này không những đám võ tướng không quản Hoàng Thượng đang ngồi trên, buột miệng lớn tiếng cười vang, thậm chí rất nhiều quan văn cũng không nhịn được mà che miệng cười. Về sau bọn võ tướng lấy câu "danh ngôn" này của Dương Lăng làm vũ khí có tính sát thương hữu hiệu để đối phó với quan văn, khiến cho một nửa số quan văn thường ngày luôn dùng "Tử viết" đành nghẹn họng, trợn trắng cả mắt.

Lý Đông Dương vội ho khan vài tiếng, giấu vẻ buồn cười, nghiêm giọng:

- Dương đại nhân! Trên triều đường, trước mặt Hoàng Thượng, không thể đem thánh nhân ra làm trò đùa!

Dương Lăng lia mắt nhìn, quả nhiên thấy rất nhiều quan văn đang vô cùng tức giận, bất mãn, liền quay sang Lý đại học sỹ cười nói:

- Đại học sỹ thứ tội! Hạ quan chỉ cảm thấy thời của Khổng thánh nhân là từ thời Xuân Thu chiến quốc. Bố cục, tình thế, nhân văn, triều chính và kinh tế của các nước thời ấy so với hiện tại hoàn toàn bất đồng. Qua nghìn năm bể dâu, người và vật đều đã không còn. Thánh nhân dạy mọi người "nhân, nghĩa, lễ, trí, tín", tất nhiên lúc nào cũng đúng, thiên thu không đổi. Nhưng quan điểm và nhận định của thánh nhân đối với triều chính lại chỉ nhắm vào nền chính trị đương thời. Nếu như người thời nay cứ trích dẫn lung tung, khăng khăng không sửa đổi, giả danh thánh hiền để nói xàm nói bậy, chẳng những sẽ hại nước hại dân mà còn bôi nhọ danh dự thánh nhân.

Thật ra, chỉ cần bước ra làm quan, chân chính tách rời khỏi đám văn nhân ôm sách vở, các quan viên nhà ta khi thực thi triều chính đều đã sớm cảm thấy nếu chỉ dựa vào thành tích học tập thánh nhân sẽ không đủ để trị thiên hạ, nên "Nửa bộ Luận Ngữ trị thiên hạ" chẳng qua chỉ là câu nói "tự sướng" mà thôi. Các đại hiền thần đều xưng là môn đồ của Khổng - Mạnh, nhưng phương châm quản lý triều chính đã sớm bóp nặn theo học phái của Hoàng lão rồi (3). Bọn họ ngoài miệng thì nói chuyện xúc động lòng người, nhưng trong lòng cũng không tin chỉ bằng mấy câu lưu truyền của thánh nhân là đã có thể giải quyết hết thảy mọi vấn đề.

Chính vì vậy, sau khi nghe y giải thích xong, Lý Đông Dương không nói gì tiếp. Dương Lăng quay sang Dương Phương hỏi:

- Dương đại nhân nói chỉ cần thông thạo đạo đức văn chương thì có thể chắp tay giũ áo trị thiên hạ, còn diễn binh tập võ lại là trò vặt. Vậy hiện nay Miêu Cương gây loạn, Thát Đát như hổ đói rình mồi, đây là hoạ lớn trước mắt cả trong lẫn ngoài Đại Minh, phải chăng chỉ dựa vào giáo hoá thì có thể bình ổn? Chỉ trọng giáo hoá, không trọng dân sự, không trọng quân sự, quốc gia có thể ổn định lâu dài sao?

Dương Phương nghe vậy thì khinh thường đáp:

- Một đám lưu vong gây loạn bất quá chỉ là thứ bệnh ghẻ mà không phải là cái hoạ của xã tắc. Người Thát Đát cậy vào địa thế hiểm trở của man hoang, không hề có chí lớn, sao đáng để lo. Chuyện bé xé to, bất quá chỉ là lớn tiếng hù dọa mà thôi.

Dương Lăng vỗ tay, cười nói:

- Diệu thay! Dòng nước lũ Trần Thắng và Ngô Quảng chỉ là thứ bệnh ghẻ, bọn người man dã Nguyên Mông không đáng để lo. À! Hẳn là Đại Tống năm xưa đã có rất nhiều “hiền thần” có suy nghĩ như ngài đấy.

Dương Phương đỏ mặt, giận dữ nói:

- Trần Thắng, Ngô Quảng phản bội là do sự bạo ngược, vì bạo Tần không am hiểu việc giáo hoá, hà khắc với dân, nên dân chúng mới nhất hô bá ứng cùng nhau nổi dậy.

Dương Lăng vặn hỏi:

- Vậy nhà Nguyên diệt Tống thì sao? Người Nguyên là nước chính nghĩa sao? Người Nguyên không đáng để lo sao?

Vương Ngao nhảy ra đáp:

- Đó là chuyện khác! Giờ đây người Nguyên chia năm xẻ bảy, chỉ đóng ở nơi hoang vắng, giống như dã nhân, có gì đáng sợ?

Dương Lăng phản bác:

- Vốn người Nguyên đến từ quan ngoại, không phải đã vào làm chủ Trung Nguyên sao? Nay họ lại quay về quan ngoại, vậy việc ngăn người Nguyên vẫn ở quan ngoại thì không đáng quan tâm à?

Thượng thư bộ Công là Dương Thủ Tuỳ bước khỏi hàng nói:

- Nay đã khác trước, giờ đây bốn bể yên bình, quốc thái dân an, vì vậy chỉ cần thực thi chính sách nhân đức cho dân là đủ. Người Thát Đát sinh sống ở vùng đất bần hàn, lấy du mục để sinh tồn, thông thạo cưỡi ngựa bắn cung, không sở trường về nông canh như ta, so võ với họ là không khôn ngoan. Cho nên chỉ cần lấy một đội quân ngăn bọn dã man này ở ngoài biên cương là đủ. Nội loạn không phát sinh thì bọn họ làm sao có thể thừa cơ?

Dương Lăng giơ một ngón tay lên, nói:

- Thứ nhất, “bốn bể yên bình, quốc thái dân an”, nói một chút cho sướng miệng cũng không phải là không được, nhưng làm bề tôi thờ chúa, lúc nào cũng phải có ý thức lo toan. Không phải có câu nói “sống phải lo toan, chết mới được an nhàn” đó sao? Lúc này nền chính trị nhân từ của Đại Minh ta rất được lòng dân nhưng đáng tiếc mấy năm nay thiên tai không dứt, trong nước thỉnh thoảng có những kẻ cùng đường tụ tập làm bừa. Những chuyện này không chịu tâu cho Hoàng Thượng biết, ngài lại luôn miệng nói “bốn bể yên bình, quốc thái dân an” ở trước mặt Hoàng Thượng là có ý gì?

Dương Thủ Tuỳ giận vểnh cả chòm râu hoa râm. Câu nói đó của lão chính là kiểu nói sáo rỗng, kẻ nói không có tâm, người nghe không để ý, vậy mà Dương Lăng lại dùng nó để xoi mói câu chữ khiến cho ông lão này giận đến run người.

Dương Lăng lại giơ thêm một ngón tay, nói tiếp:

- Thứ hai, ngài nói “nay đã khác trước”, như vậy cũng thừa nhận việc thực thi chính sách nên thay đổi tuỳ thời, tuỳ nơi, tuỳ tình thế đúng không? Vậy nếu cứ ôm khư khư lấy quy tắc cũ, không biết biến hóa thì cũng là điều mà thánh nhân dạy ngài đấy ư?

- Thứ ba!!!

Dương Thủ Tuỳ vừa tính mở miệng, Dương Lăng đã quát to một tiếng, chặn ngay lão lại. Nếu để lão già này thuyết một hồi tràng giang đại hải, Dương Lăng nào phải là đối thủ. Thừa lúc ở đây toàn các bô lão, đầu óc không nhanh nhạy bằng thanh niên, hơn nữa mỗi câu nếu không phải đỡ hộ Hoàng Thượng thì cũng đỡ hộ cho các vị Hoàng Đế các triều dựng nước, mất nước. Các vị lão gia này nói chuyện vốn cẩn thận, e sợ phạm huý, chỉ cần chần chừ để sắp xếp lại từ ngữ một chút, là y có thể nói tiếp.

Dương Lăng giơ ngón thứ ba lên, cất giọng đĩnh đạc:

- Chỉ cần nội chính thái bình thì không lo ngoại địch ư? Làm sao ngài biết được nội chính của giặc ngoài không thể phát triển, tiến bộ và thái bình như chúng ta chứ? Đang yên ổn mà vẫn phải lo nguy, cũng chỉ có hoàng đế Thái tổ, Thành tổ mới hùng tài đại lược như vậy. Những vị quân chủ anh minh có mắt nhìn xa trông rộng như thế mới có thể mấy lần dấy binh chinh phạt người Nguyên, phòng ngừa bọn họ ở quan ngoại phát triển lớn mạnh.

Dương Thủ Tuỳ, Dương Phương, Vương Ngao tức giận đến muốn sung huyết não. Y lôi Thái tổ, Thành tổ ra trợ chiến thì làm sao mà tranh biện đây? Kẻ này cũng vô sỉ quá đi!

Những bá quan khác có lòng trợ giúp cũng không dám ra mặt, có người cũng đã không nhớ nổi chủ đề lúc nãy là gì, bàn luận như thế nào mà lại nhảy qua vấn đề quân sự và đối ngoại rồi.

Dương Lăng không dám cho bọn họ thời gian suy nghĩ, lại nói tiếp:

- Thứ tư!

Chính Đức nghe mà sướng rơn. Hắn quay đầu nhìn khắp nơi, không khỏi có phần hối tiếc đã không dẫn bọn Lưu Cẩn, Cốc Đại Dụng, mấy nhân tài có mắt nhìn người đó đến đây. Nghe Dương thị độc nói chuyện thật sướng tai, dễ nghe hơn cái thứ kinh thư mà bọn kia tụng nhiều.

Dương Lăng bước lên một bước, quay đầu nhìn đám võ tướng đang nghe đến nhập tâm, y không khỏi cảm thấy hơi xấu hổ "Tri thức này của ta cũng chỉ gạt được cái đám quê mùa các ông thôi," rồi xoè ngón tay ra:

- Thứ tư! Ngài nói người Nguyên thiện xạ, mà người Trung Nguyên ta không lấy võ lực làm sở trường, vậy ngài giải thích thế nào về thời Hán, Đường nhiều lần đánh bại Hung Nô, Đột Quyết, những dân tộc du mục cực kỳ hùng mạnh đây? Truyền thuyết nói rằng quân Kim (là Nữ Chân) không đủ vạn người, nếu quá vạn người thì không ai địch lại, thế nhưng người Kim giáp mặt với quân đội của dân tộc nông canh của Nhạc gia lại liên tiếp chiến bại, phải hoảng sợ mà thốt lên rằng "Lay đổ núi dễ, xô ngã quân Nhạc gia khó!" Điều này giải thích như thế nào? Tạ An (Tạ An Thạch) lấy tám vạn người phương Nam đánh bại hai mươi bảy vạn kỵ binh cùng hơn sáu mươi vạn bộ binh của Phù Kiên nhà Tiền Tần phương Bắc thì giải thích như thế nào?(4) Thái tổ hoàng đế và Thánh tổ hoàng đế của bổn triều mấy lần chinh Bắc, đánh cho người Nguyên vừa nghe tiếng đã chuồn, có lúc đại quân vừa đến, bọn chúng đã chạy mất bóng, điều này giải thích ra sao? Tôi nói cho ngài biết, thời Đông Hán, người Hán ta chỉ phái ra một cánh quân lớn thì đã diệt hết nửa số quân Hung Nô, đuổi chạy nửa còn lại. Thậm chí đám tàn binh bại tướng này trên đường tháo chạy về hướng Tây đã liên tục chinh phục người Ca Đặc (Visigoth), Nhật Nhĩ Man (Đức) gì đó… khiến cho đế quốc của một lãnh thổ quốc gia khổng lồ xa xôi ở phương Tây phải diệt vong. Ông có thể tưởng tượng võ công người Hán ta năm xưa oai phong cỡ nào!

Dương Lăng cũng không biết những lão già này có bao nhiêu lý lẽ muốn luận bàn với y, nhưng tóm lại y sợ lôi đứa trẻ chăn bò Chu Trùng Bát (5) và tên đồ tể Chu Lệ tiêu diệt thập tộc vẫn chưa đủ, cho nên cứ lôi tất cả người Hán vào. Chủ nghĩa dân tộc thời đó so với bây giờ còn phải mãnh liệt hơn gấp trăm lần nên y vừa nói xong thì các võ tướng sôi trào nhiệt huyết liền hô to:

- Hay!!!

Còn Chính Đức như thể đang nghe kể chuyện, mặt tươi roi rói, vung tay múa chân.

Dương Lăng nói một hồi xong, ai dám phản bác y chính là phản lại Đại Minh, phản Chu Nguyên Chương, phản tất cả người Hán! Nếu mở miệng không khéo, tương lai sẽ có thể trở thành đầu đề câu chuyện cho người ta. Kinh nghiệm quan trường của những người này phong phú biết dường nào, lời nói của Dương Lăng đâu đâu cũng là bẫy, ai lại nguyện ý chui vào.

Thế nhưng... nếu không phản bác, vậy không phải sẽ đại biểu cho việc y đã chiến thắng sao?

Nhiều đại thần lặng lẽ lục lọi lại những bài văn chương mà bọn họ đã chuẩn bị cả đêm, rồi thở dài ảo nảo. Tài liệu mà bọn họ chuẩn bị đều là những đạo đức và lý tưởng viển vông, xa rời thực tế, căn bản không dính dáng tới những thứ mà người ta đang nói.

***

Dương Đình Hoà nhìn xung quanh, chỉ thấy các võ tướng thích chí xoa tay, Lưu Đại Hạ lấm lét đưa mắt nhìn, các văn thần nhìn nhau ngơ ngác, ba vị học sỹ im lặng không nói gì, còn Chính Đức ngồi sau ngự án thì khoái chí đến ngả nghiêng, không có chút dáng vẻ của hoàng đế... nên y quyết định cho qua.

Ba vị Kinh Diên sự không mở lời, thân là giảng quan, Dương Đình Hoà đành phải ra mặt phát biểu tổng kết. Lão hắng giọng, mỉm cười nói:

- Chỉ giữ mà không buông, không thể đương văn võ; chỉ buông mà không giữ, văn võ chẳng thể làm; vừa giữ lại vừa buông, ấy đạo văn võ vậy. Lý luận trị nước phải có văn có võ, có chính trị có kinh tế, đích thực không thể dùng một phương cách mà thông hiểu mọi chuyện. Có điều... theo như lời của Dương đại nhân, không lẽ cho rằng việc binh có thể quyết định hết thảy hay sao?

Dương Lăng nghe vậy mừng lắm, Dương Đình Hoà đang muốn y phát biểu tổng kết đây. Rốt cuộc cơ hội đã tới, y vội vàng mỉm cười, vòng tay đáp:

- Không phải! Như lời các vị đại nhân khi nãy đã nói, quyết định mọi thứ vẫn là nội chính. Chính lệnh được thông suốt, lại trị thanh liêm, dân chúng giàu có, thì mới bàn đến cường quốc cường binh. Những ví dụ mà hạ quan đã nêu lên, những quốc gia đó không đâu không có vua tài tôi giỏi, quốc gia giàu có mới có thể luyện ra hùng binh. Nhưng làm kẻ quân vương chớ nên xem thường quân sự. Hạ quan chỉ vì nghe Dương Phương Dương đại nhân có điều thiên vị, nên mới to gan nói thẳng. Việc binh luôn phải sẵn sàng, ấy gọi là “nuôi quân nghìn ngày, dùng quân một lúc”. Việc binh là bổ sung và bảo đảm cho sự cầm quyền, bình thường không thể bỏ bê, đợi đến nước đến chân mới nhảy. Hạ quan là võ tướng, cho nên trong quân nói việc lính, luận đàm cũng chỉ là chút quốc chính mà thôi. Ha ha!!! Kinh Diên mà, chính là rộng đường ngôn luận, không bó buộc theo một khuôn mẫu nào. Còn về phần nói có đúng hay không, có thể dùng được hay không, đó không còn là việc của hạ quan nữa.

Dương Đình Hoà mỉm cười đang tính nói thì Chính Đức đã vỗ bàn, khoái chí kêu:

- Hay lắm, rất hợp ý trẫm! Trẫm cũng mệt mỏi rồi, còn phải đi thỉnh an Thái Hoàng Thái Hậu và Thái Hậu nữa. Dừng lại ở đây thôi!

Dương Đình Hoà khom người tuân lệnh, rồi tuyên bố Kinh Diên kết thúc. Bá quan lui xuống điện. Chính Đức đứng lên, thấy Dương Lăng bị các võ tướng vây chung quanh, vội cất cao giọng gọi:

- Dương ái khanh! Khanh hãy trở về Đông Noãn các, trẫm có chuyện muốn nói cùng khanh.

Hoàng Thượng ra lệnh xong, đám võ tướng cũng không dám dây dưa quá lâu. Một lúc sau, Dương Lăng bị lắc, bị vỗ đến tê cả hai vai cũng đã rời khỏi điện Văn Hoa, chạy đến cung Càn Thanh.

Cung Càn Thanh là chính điện của cung đình, bề ngang có chín phòng, phía trong năm phòng, hai đầu là Đông Noãn các và Tây Noãn các. Vì Hoàng Đế Hoằng Trị trước đây thường xử lý tấu chương, giải quyết chính sự ở Đông Noãn các nên sau khi kế vị Chính Đức cũng thường làm việc ở đây.

Dương Lăng đi theo ngự lộ trước chính điện cung Càn Thanh, vừa tính vòng sang Đông Noãn các, đột nhiên Kim Đình Tử kêu "két" lên một tiếng, hai tiểu thái giám đẩy cửa điện, một hàng người từ bên trong bước ra ngoài.

Hai bên sân trước cung Càn Thanh dựng hai mái đình đúc đồng mạ vàng nằm trên bục đá, gọi là “Giang Sơn Xã Tắc Kim Điện” (đúng hơn là Đình) (6). Bốn mặt đình mỗi mặt lắp bốn cánh cửa ngăn, đặt trên mái hiên kiểu hình tròn chóp nhọn này là bảo đỉnh đúc đồng tao nhã, tượng trưng giang sơn xã tắc nằm chắc trong tay hoàng đế. Người trong cung đều gọi nó là Kim Đình Tử.

Nơi này xưa nay không cho phép người vào ngoại trừ thái giám quét dọn. Dương Lăng không khỏi chú ý liếc mắt nhìn. Y thấy hai tiểu thái giám cầm phất trần bước ra khỏi điện, đứng ở hai bên, theo sau là hai cung nữ phò tá một mỹ nhân thanh tú từ trong điện thong thả bước ra. Mỹ nhân này trán rộng eo thon, đôi mắt tinh xảo vừa vặn nhìn tới một thân quân phục của Dương Lăng.

Vừa nhìn thấy Dương Lăng, mỹ nhân vận cung trang đó liền ngẩn ra, sau đó trong ánh mắt loé lên một sự vui mừng, cặp mày ngài nhẹ tựa vầng trăng non trong phút chốc cũng nhướng cong lên. Dương Lăng nhận ra đây là Vĩnh Phúc công chúa, vội vàng bước lên một bước, đứng dưới thềm khom người bẩm:

- Thần Dương Lăng ra mắt công chúa điện hạ!

Hiện giờ hoàng huynh của Vĩnh Phúc công chúa đã làm Hoàng Đế, theo lễ nghi thì phải đổi lại gọi là trưởng công chúa nên Dương Lăng mới xưng hô như vậy. Trái tim của công chúa Vĩnh Phúc đập nhanh hơn. Nàng vốn giữ trong lòng một thứ tình cảm diệu kỳ với người thanh niên có thể xem là người đàn ông đầu tiên ở ngoài cung mà nàng gặp mặt này. Sau khi vào kinh Dương Lăng không bao giờ yên tĩnh, tin tức của y luôn được đám tiểu thái giám truyền vào hậu cung, rồi lại thông qua bọn cung nữ nhanh mồm nhanh miệng bên người nói cho nàng biết, cho dù muốn quên cũng không thể quên.

Những ngày trước, nghe nói vì vụ án đế lăng mà y phải vào ngục, công chúa Vĩnh Phúc thật sự hao tốn không ít tâm tư lo lắng. Chỉ có điều bất luận từ phương diện nào, nàng cũng không tiện và cũng không thể ra mặt nói lời cầu xin, chỉ có thể thầm mong ông trời phù hộ, có thể giữ lại tính mạng của y. Về sau Dương Lăng quả nhiên đại nạn không chết, thực khiến tiểu cô nương này vui sướng rất lâu.

Không ngờ hôm nay lại có thể gặp được người vốn nghĩ rằng khó có thể thấy mặt. Công chúa Vĩnh Phúc ngây ra một lát, rồi mới vui vẻ nở một nụ cười tươi, nói:

- Hoá ra là Uy vũ bá Dương đại nhân. Miễn lễ, bình thân!

- Tuân lệnh!

Dương Lăng đứng thẳng người lên, bộ dạng cung kính, không dám ngẩng đầu nhìn nàng. Công chúa Vĩnh Phúc thấy vậy trong lòng hơi mất mát. Gặp rồi thì sao chứ? Hai người tuy gần trong gang tấc nhưng lại như xa cách tận chân trời. Niềm vui trong mắt Vĩnh Phúc bất chợt ảm đạm đi một chút.

Ngay lúc này, một đạo sỹ bước ra sau lưng công chúa Vĩnh Phúc. Tiểu đạo sỹ này cùng lắm mới mười sáu mười bảy tuổi, ấy vậy mà mặc đạo bào của quan lại, đó là áo quan của triều thần có phẩm tước. Trên búi tóc đạo sỹ cài một chiếc móc bằng gỗ tử đàn, đầu đầy tóc đen như nhuộm, dung mạo thanh tú bất phàm, nhưng vì trẻ tuổi khôi ngô, nên trông không có chút vẻ tiên phong đạo cốt.

Gã vừa bước ra, sau lưng lại có một tiểu đạo đồng bước theo, trông nhỏ hơn gã tầm hai tuổi, mũi hình trái mật treo (7), mắt sáng như sao, xinh đẹp một cách kỳ lạ. Có điều y lại chỉ mặc đạo bào bình thường màu xanh tro.

Đạo sỹ lớn tuổi hơn liếc thấy dưới thềm là một vị tướng quân đang đứng thì cười mỉm dò hỏi:

- Vĩnh Phúc điện hạ, vị tướng quân đây là...?

Công chúa Vĩnh Phúc vội đáp:

- Vị này là Thống lĩnh thị vệ thân quân của hoàng thượng, Dương Lăng Dương đại nhân. Dương tướng quân, vị này là Hoằng Chiêm chân nhân.

Thấy công chúa Vĩnh Phúc đối đãi với gã thiếu niên này có phần cung kính, Dương Lăng vội khom người nói:

- Mạt tướng Dương Lăng ra mắt chân nhân.

Nhưng trong lòng y lại không khỏi lầm bầm “Chẳng phải từ sau khi hoàng đế Hoằng Trị xua đuổi phiên tăng, thuật sỹ thì đã không còn tin vào Phật lẫn Đạo nữa sao? Ai còn kiếm ra tên tiểu tử ranh này về giả thần giả quỷ thế nhỉ? Không ngờ dám đi thẳng vào nội cung, cùng công chúa đi vào Kim Đình Tử, xem ra rất được sủng ái.”

Công chúa Vĩnh Phúc thấy vẻ mặt Dương Lăng bình thản, biết y vẫn chưa biết thân phận người thiếu niên này, không nén được mỉm cười. Nàng khẽ nâng váy, thong thả bước xuống. Hai đạo sỹ, tiểu thái giám và đám cung nữ liền đi theo sau xuống thềm đá.

Công chúa Vĩnh Phúc đến trước mặt Dương Lăng, cất giọng mềm mại:

- Dương tướng quân! Vị chân nhân này là Chính Nhất Tự Giáo Trí Hư Xung Tĩnh Thừa Tiên Hoằng Chiêm chân nhân, chưởng quản việc đạo giáo của thiên hạ, là đại Thiên sư thứ bốn mươi tám của Long Hổ sơn. (8)

Dương Lăng giật thót mình “Hoá ra là quốc sư, thảo nào công chúa Vĩnh Phúc lại trọng đãi như vậy.”

Y không ngờ đường đường là quốc sư mà lại trẻ như vậy, thế là lại vội vàng quay sang Quốc sư làm lễ.

Sau lưng Quốc sư, tên tiểu đạo sỹ mặt như dát ngọc đó chen vào đứng cạnh công chúa Vĩnh Phúc, dùng cặp mắt đen láy tò mò đánh giá Dương Lăng trên dưới một lượt, sau đó nhíu cặp mày cong có phần giống như con gái, ngờ vực hỏi:

- Ngươi tên là Dương Lăng à? Là Dương Lăng kháng chỉ cứu vợ phải không?

Vị Hoằng Chiêm chân nhân tuổi tuy không lớn, song lại rất có khí thế. Y khẽ nhíu mày, mắng:

- Phù Bảo, lui xuống! Không được vô lễ.

Tiểu đạo sỹ nọ thè lưỡi, rồi lại thoắt lui về sau lưng y. Dương Lăng thấy tên tiểu đạo sỹ tên là Phù Bảo đó tùy ý đến gần cạnh công chúa, mà công chúa Vĩnh Phúc lại không hề tỏ vẻ tức giận thì không khỏi thầm lấy làm lạ. Thực ra, tuy vị thiên sư này phẩm quan không cao, cũng như ba vị đại học sỹ nội các đều là quan ngũ, lục phẩm nhưng quyền lực lại lớn vô cùng, không phải là những người có thể đắc tội bừa.

Y vội cười đáp:

- Đúng vậy! Kháng chỉ thì không dám, chỉ là dân gian đồn đại bừa bãi mà thôi. Điện hạ! Hoàng Thượng triệu kiến, muốn thần đi Đông Noãn các gặp người, thần phải đi đây.

Trong mắt công chúa Vĩnh Phúc vụt loé chút bịn rịn. Nàng hơi gật đầu, nhìn theo bóng lưng Dương Lăng rời đi, có phần ngẩn ngơ. Thế nhưng không ngờ vị Trương thiên sư kia nhìn theo bóng lưng Dương Lăng cũng đứng ngẩn ra, lông mày nhíu lại, dường như có chút đăm chiêu.

Công chúa Vĩnh Phúc rất nhanh phát giác ra sự thất thố của mình, khuôn mặt như bạch ngọc ấy không tự chủ nổi lên một áng mây hồng. Nàng chợt xoay người nói:

- Thiên sư đã cầu phúc xong rồi, có phải trở về hậu cung gặp mẫu hậu không?

- A?

Thiên sư Trương Ngạn Thạc đang gập ngón tay trong ống tay áo bấm đốt, nghe thấy công chúa Vĩnh Phúc dò hỏi, vội đáp:

- Không! Đến ngày đại hôn của Hoàng Thượng, tiểu đạo sẽ lại vào cung cầu phúc, hôm nay đến kinh sư đã lập tức đến bái kiến Hoàng Thượng và Thái Hậu trước rồi. Tiểu đạo muốn nhân dịp đi đến phủ Thành quốc công thăm viếng.

Đại thiên sư thứ bốn mươi bảy là Trương Nguyên Khánh phụng thánh dụ cưới con gái của Thành quốc công, được khâm thưởng mãng bào (9) đai ngọc, bản thân đã là quốc sư, lại là hoàng thích. Vị tiểu thiên sư này là con một của Trương Nguyên Khánh, cháu ngoại của Thành quốc công, cho nên đã đến kinh sư đương nhiên y sẽ phải đi thăm ông ngoại một phen.

Công chúa Vĩnh Phúc duyên dáng cười nói:

- Nếu đã như vậy, bổn cung sẽ về vậy. Tiểu An Tử, tiễn quốc sư rời cung.

Hoằng Chiêm chân nhân chắp tay vái công chúa Vĩnh Phúc, rồi đi theo một thái giám ra ngoài. Tiểu đạo sĩ tên là Phù Bảo nọ chạy lên sánh vai với gã, nhỏ giọng nói:

- Ca ca! Huynh vừa mới bấm đốt tính gì vậy? Có phải là tướng mạo của tên Dương Lăng đó có chút cổ...?

Hoằng Chiêm chân nhân bất chợt dừng chân, bịt lấy miệng y, nghiêm mặt trừng mắt, thấp giọng mắng:

- Im miệng, hoạ từ miệng mà ra đó!

Y nhìn lướt tên tiểu thái giám ở đằng trước, thấy gã không chú ý, mới thở phào một hơi, đoạn bỏ tay ra nói:

- Về rồi hẵng nói! Muội còn tiếp tục gây chuyện, huynh sẽ không dẫn muội ra ngoài nữa đâu!

Nói rồi y vội vã đuổi theo tên tiểu thái giám đi về phía trước.

Phù Bảo đứng ngây ra, bấm đốt ngón tay một lát, gãi gãi đầu ra vẻ khó hiểu rồi bước vội đuổi theo.

-----------

Chú thích:

(1) chỉ lục đại gian thần những năm cuối Bắc Tống, bao gồm: Thái Kinh, Vương Phủ, Đồng Quán, Lương Sư Thành, Chu Miễn, Lý Bang Ngạn, trong đó Thái Kinh đứng đầu.

(2) nguyên văn "nhân vật lưỡng phi"

(3) học phái Hoàng lão (Hoàng lão chi học) xuất hiện vào giữa thời Chiến quốc, là một học phái của Tắc hạ học cung ở nước Tề, với đại biểu là "Lão tử", kết hợp đạo gia và pháp gia.

(4) Dương Lăng muốn nói đến trận Phì thủy (Phì thủy chi chiến), một trận đánh nổi tiếng, đại diện cho tình thế dùng quân số ít đại thắng đội quân đông hơn.

Xem thêm http://vi.wikipedia.org/wiki/Trận Phì Thủy

(5) tên của Chu Nguyên Chương thuở nhỏ

(6) xem hình để rõ thêm http://img8.zol.com.cn/bbs/upload/8484/8483619_0800.jpg (mất rồi!)

(7) trong tướng pháp, đàn bà mũi trái mật treo (huyền đảm tị) có tướng vượng phu ích tử, thành danh và có tài quyền. Ở đây ý chỉ mũi đẹp.

(8) theo tra cứu, vị này hẳn là Trương Ngạn Vũ (trên wiki ghi là Trương Ngạn Phiến, nhưng phiên âm là yu3, không phải shan, pian, hay fan phải đọc Vũ chứ nhỉ), tự Sĩ Chiêm (1490 - 1550). Năm 1501, được Minh Hiếu Tông ban hiệu Chính Nhất Tự Giáo Trí Hư Xung Tĩnh Thừa Tiên Hoằng Hoá Đại Chân Nhân. Năm 1526, được Minh Thế Tông gia phong là Chính Nhất Tự Giáo Hoài Huyền Bão Chân Dưỡng Tố Thủ Mặc Bảo Quang Lý Hoà Trí Hư Xung Tĩnh Thừa Tiên Hoằng Hoá Đại Chân Nhân.

(9) một loại áo bào thêu con vật giống rồng nhưng chỉ bốn vuốt, kém rồng một vuốt. Xem hình http://a0.att.hudong.com/57/29/01300...98571535_s.jpg

break
Công Nhân Nhập Cư Và Nữ Sinh Viên
Ngôn tình Sắc, Sủng, Nam Cường
Nuôi thú cưng (NP hiện đại H)
Ngôn tình sắc, NP hiện đại H
Cô Nàng Livestream Web Người Lớn
Ngôn tình Sắc, Sủng
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc