Mình đến ăn tối ở một nhà hàng Pháp sang trọng. Anh gọi một chai vang đỏ, chúng mình nói chuyện hợp ý như thể đã là bạn của nhau từ lâu lắm rồi. Em khéo léo khoe ra những sở trường của mình. Em biết anh thích sách gì, tranh gì, kiểu kiến trúc gì, loại nhạc gì. Anh quên rồi à? Em vẫn luôn cố gắng trở thành một người giống anh.
Em nhận ra anh ngạc nhiên nhìn em hết lần này đến lần khác. Theo kinh nghiệm của anh, một cô gái gần hai mươi không thể nào thông minh và hiểu biết đến thế được. Những bạn gái hai mươi của anh, chỉ thích ca hát và khiêu vũ, cùng lắm thì bập bẹ được vài ba câu tiếng Pháp.
Nhưng, anh không thể nhìn thấu em.
Anh chưa từng gặp qua cô gái hai mươi tuổi nào giống em.
Em cố tránh né những câu dò hỏi của anh. Em nói em từng yêu một thầy giáo, ông ấy là một người Anh rất uyên bác, lớn tuổi hơn em nhiều, cũng dạy em rất nhiều điều.
Em của mười bảy tuổi, luôn muốn dùng vẻ ngây thơ để mong có được tình yêu của anh. Em của ba mươi bảy tuổi, lại tận lực ra vẻ trải đời để hấp dẫn anh.
Anh luôn yêu những phụ nữ có quan niệm tình yêu giống như anh: tự do chẳng ràng buộc.
Ngày đó anh đuổi em khỏi giường, không phải vì anh không muốn em, mà bởi anh không muốn làm em tổn thương. Anh không ra tay với em, bởi anh biết em không giống Hạ Hạ.
Tối muộn, chúng ta đứng lên ra về.
Khi đưa em về nha, anh hôn em.
Đó vốn chỉ là chiếc hôn nhẹ thay cho lời tạm biệt của anh.
Nhưng mà, môi em lại run lên tha thiết đáp lại chiếc hôn của anh. Đó không phải nụ hôn của dục niệm, mà là cái hôn em khổ sở chờ đợi hai mươi năm, em gần như muốn trải hết lòng em cùng anh qua chiếc hôn này.
Anh lại dùng ánh mắt hoang mang nhìn em.
Chưa từng có cô gái nào hôn anh như thế sao?
Em lui về sau một bước, nhếch môi khẽ cười, nói “Hẹn gặp lại”.
Anh luôn không nén nổi tò mò.
Em biết anh sẽ quay lại.
Hai mươi năm trước, em không hiểu đàn ông, không hiểu tình yêu.
Hai mươi năm sau, mọi thứ em đều rõ.
Lúc hẹn hò, em luôn dùng ánh mắt ngưỡng mộ nhìn anh.
Tuy anh chẳng lạ gì loại ánh nhìn này của phụ nữ, nhưng, em đâu giống những cô gái khác. Em quá yêu anh, em sưu tầm mọi thứ về anh, em đã tốt nghiệp “Đại học Kiều Tín Sinh”.
Anh nhận ra, em có được vẻ phong tình và thông minh vượt tuổi mình, và lại nhỏ hơn anh hai mươi lăm tuổi. Chúng ta tán gẫu đến quên trời đất, tựa như một cặp sinh đôi vậy.
Lòng ngưỡng mộ của em không mù quáng, nếu em thích gì đó giống anh, em có thể nói được lý do em thích nó.
Em còn vờ như thiểu não mà nói với anh rằng:
“Đôi khi em thấy mình thật già!”
Anh cười:
“Chỉ có người còn trẻ mới hay nhận mình già!”
Một tối nọ, khi chúng ta ăn cơm xong. Anh nắm tay em, hỏi em có muốn đến nhà anh chơi không.
“Được.” Em buột miệng đáp.
Em lại bước lên những bậc thang đá mài, loại cảm giác ấy anh sẽ vĩnh viễn không hiểu được. Cầu thang ấy là nơi em đã trải qua vô số đêm cô đơn chỉ để chờ anh về.
Một người trẻ tuổi mở cửa. Người giúp việc già của anh chắc đã về hưu, hoặc qua đời rồi.
Cách biệt hai mươi năm, em lại trở về nơi này.
Hết thảy đều không đổi khác, đồ đạc vẫn ở nguyên vị trí cũ, chỉ nhiều thêm một giá sách mà thôi.
Em bước đến phía trước bức tranh trong phòng khách, nhìn người phụ nữ tóc đỏ khêu gợi đang chống cằm chăm chú nhìn xa xăm. Em nhìn thật lâu rồi hỏi anh:
“Người phụ nữ này là tổng hòa của tất cả những người phụ nữ mà anh đã gặp sao?”
Anh kinh ngạc nở nụ cười.
Em mân mê từng đồ vật trong phòng khách, chúng đều giống như khi em mười bảy tuổi.
Sau đó, em ngồi vào trước đàn dương cầm, mở nắp, hỏi anh:
“Anh biết đàn bản gì?”
Anh ngồi xuống cạnh em, dịu dàng hỏi em:
“Em muốn tôi đàn bản gì cho em nghe?”
“Dạ khúc.” Em không cần suy nghĩ trả lời.
“Lâu rồi tôi không đàn.” Anh nói rồi đặt tay lên những phím đàn, thỉnh thoảng nhìn em bằng ánh mắt đa tình, đàn cho em nghe bản nhạc mà em đã nhớ nhung suốt hai mươi năm qua.
Em kìm lòng không đậu dựa vào vai anh, thỉnh cầu anh:
“Đàn lại lần nữa được không anh?”
Đêm hôm ấy, em luôn ở bên anh.
Khi anh ôm lấy em, anh dường như kinh ngạc khi cảm nhận được sự run rẩy của em, đó là tiếng gào thét của linh hồn em, nó còn dữ dội hơn dục vọng rất nhiều. Em cố gắng không để mình khóc, không muốn anh bắt gặp những giọt nước mắt hạnh phúc của em. Trước kia, em từng đau khổ chờ đợi một con thuyền mãi không về bến, thì nay, nó đã trở về. Em dùng hết sức lực của mình bắt lấy cánh tay anh, trút hết những cảm tình mãnh liệt mà em chôn dấu trong lòng suốt hai mươi năm ra, quyết liệt đến mức không ai có thể cản ngăn.
Anh ôm em chìm vào giấc ngủ, em lẳng lặng lắng nghe hơi thở phập phồng của anh.
Tín Sinh, hai mươi năm qua, đó là ngày hạnh phúc nhất của em. Giờ nghĩ lại em vẫn còn rơi nước mắt.
Em biết em không phải là người phụ nữ duy nhất từng qua đêm ở nhà anh.
Em cũng biết em không phải là người phụ nữ duy nhất được anh đưa chìa khóa nhà cho.
Nhưng em khẳng định em là người phụ nữ duy nhất được anh xây cho một phòng vẽ trong nhà anh.
Vì thế, em có thể mỗi ngày ở trong phòng vẽ của mình để vẽ tranh, chờ anh tan tầm trở về, cùng anh ăn cơm, cùng anh nói chuyện phiếm, cùng anh nghe nhạc.
Một hôm, khi em đang ở trong phòng vẽ tranh thì anh tan ca về sớm, lặng lẽ tiến vào phòng, nhìn em say đắm.
Trước kia em chưa gặp qua loại ánh mắt này của anh. Anh tự giễu nói:
“Tôi nhất định điên rồi. Trước kia tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác không thể ngừng nhớ nhung một cô gái, đến mức lập tức muốn bắt xe vội vã trở về để nhìn cô ấy như thế này.”
Tin Sinh, em vẫn luôn yêu anh, yêu anh là số phận của em.
Nhưng, trước nay anh nào có yêu ai bao giờ, em không biết anh sẽ yêu em bao lâu.
Cuối cùng anh yêu em, là bởi vì anh cảm thấy chính mình không còn trẻ nữa? Hay là vì em đã xuất hiện khi anh đang ngã lòng?
Thứ anh yêu là em, hay là thời thanh xuân đã mất của mình?
Thật khó trả lời, vĩnh viễn sẽ không có đáp án.
Nhưng, nếu không có anh, thanh xuân của em chỉ là chuỗi ngày vô nghĩa…
Mỗi ngày được ở bên anh đều là ngày hội với em.
Một hôm, sau khi về nhà, anh hưng phấn nói cho em biết, anh đã trở thành kiến trúc sư thiết kế nhà hát kịch bên bờ biển.
Thiết kế nhà hát kịch luôn là mơ ước của anh. Anh như trẻ con ôm chầm lấy em nũng nịu:
“Em đúng là nữ thần may mắn của tôi!”
Từ đấy về sau, mỗi một ngày lại là một lễ hội lớn hơn nữa.
Khi anh ở thư phòng phác thảo bản thiết kế thì em quay về với bức tranh của mình, anh phác thảo xong bản thiết kế liền đưa em xem.
Em làm sao hiểu biết nhiều bằng anh? Những thứ em biết, tất cả đều do em liều mạng học được, đâu có được thiên phú như anh.
Nhưng, anh luôn nói, chỉ cần em xem qua, anh sẽ yên tâm.
Nhà hát kịch xinh đẹp kia dường như là tâm huyết của cả hai chúng ta. Đỉnh nhà hát kịch được anh thiết kế dạng cầu, khiến em xem nó như đền Taj Mahal của chúng ta vậy, nó sẽ là chứng nhân cho mối tình bất diệt của anh và em.
Tiếc thay, em không thể cùng anh đợi đến ngày ấy.
Những ngày anh vội vàng đến công trường thi công nhà hát kịch, anh không chú ý đến một chuyện, nhưng em lại để tâm.
Khuôn mặt và cơ thể của em đã nổi lên những biến hóa rất nhỏ.
Phu nhân Hoa Hồng từng nói với em: “Một ngày nào đó cô sẽ quay về đây.” Em tựa hồ đã sớm hiểu được ý nghĩa câu nói đó.
Thời khắc ấy rốt cuộc đã đến.
Hai năm nay, là những ngày hạnh phúc nhất cuộc đời em. Em đã trải qua những tháng ngày không có mảy may tiếc nuối nào.
Dây chuyền và lắc tay ngọc trai anh tặng em, cả bông tai nữa, em đều mang đi, để chúng gợi nhắc em về khoảng thời gian được ở bên anh.
Khi anh tặng em đôi bông tai ấy, em từng thầm so sánh nó với đôi bông tai mà anh tặng Hạ Hạ trước kia. Anh đã tặng cho em một đôi bông tai đẹp hơn đôi bông kia rất nhiều.
Cuốn “Bức chân dung của quỷ dữ”, em đã đặt nó lại trên giá sách của anh. Anh từng nói, anh cho mượn tiền không trả lại cũng được, nhưng sách anh cho mượn thì nhất định phải trả, em vẫn luôn ghi nhớ, chỉ là đã trả nó muộn mất hai mươi hai năm mà thôi.
Tín Sinh, anh không cần tìm em đâu, anh không thể nhận ra em của hiện tại, cũng không thể yêu em của hiện tại. Quãng đời sau này chúng ta cũng sẽ không gặp lại nhau, nếu vậy, anh chỉ cần nhớ kỹ dáng vẻ trẻ trung của em, không phải rất tốt sao?
Hoa hồng này tặng cho anh, sinh nhật vui vẻ.
Em yêu anh còn nhiều hơn những gì anh biết, anh cảm nhận được rất nhiều.
Trữ Ân.”
Kiều Tín Sinh run sợ buông lá thư trong tay, ánh mắt dừng ở hoa hồng nơi phòng khách, trước kia quả thật ông chưa từng thấy sắc hồng như thế này. Ông chợt nhớ tới lá thư đã nhắc đến tên loại hoa này, “Hôm qua”.
Ông run rẩy vịn tay ghế đứng dậy, đi đến giá sách, nhìn cuốn truyện “Bức chân dung của quỷ dữ”, nó đã rất cũ kỹ, trang giấy đã ngả vàng, ông đột nhiên thấy lạnh người.
Lúc này, cửa phòng vẽ bị một trận gió thổi qua khẽ hé ra, ông đi vào, bên trong không có ai.
Chỉ còn lại bức tranh còn đang vẽ dở của cô.
Ông vội chạy đến mở tung cửa phòng ngủ, nhưng đón ông chỉ có bức màn gió lay động.
Ông lao ra khỏi nhà, chạy xuống cầu thang đá mài, lên xe.
Ông lái xe đến đường Thiên Cầm, cứ vòng đi vòng lại con đường đó, hết lần này đến lần khác, nhưng vẫn không tài nào thấy phòng triển lãm tranh mà cô nói.
Sắc trời đã nhuộm tối, ông vẫn khăng khăng vào từng cửa hàng để hỏi thăm xem quanh đó có phòng triển lãm tranh nào không? Song đáp án của mọi người đều giống nhau, chưa từng có ai biết đến nó.
Ông chặn những người qua đường lại để hỏi chuyện đó, nhưng không ai có thể nói cho ông biết.
Ông cuống cuồng chạy khắp nơi, muốn tìm cho ra phòng triển lãm tranh mà cô nhắc đến trong thư, muốn tìm cho ra cánh cửa sắt có ô cửa sổ nhỏ.
Ông níu lấy những người qua đường, hỏi bọn họ có biết phòng triển lãm tranh của phu nhân Hoa Hồng không, song họ đều nhất loạt hỏi ông “Ai là phu nhân Hoa Hồng?”
Ông khóc, khản giọng gọi tên cô. Những tháng ngày cô đơn sau này, ông thường ngồi một mình trong phòng vẽ của cô, cứ ngồi đấy hàng giờ liền, ông muốn thay cô vẽ xong bức tranh còn dang dở, nhưng lại chẳng cầm cọ lên bao giờ.
Một ngày của bốn mươi ba năm sau, Kiều Tín Sinh đứng trước tấm gương trong phòng ngủ, chớp chớp cặp mắt đã vẩn đục, nhìn tấm thân đã hom hem rệu rã trong gương, ông cảm thấy bản thân thật già nua và mỏi mệt, cách ngày lìa đời chẳng còn bao xa nữa.
Ông nhìn ra ngoài cửa sổ, nhớ tới vô số đêm cô tịch, từng có một thiếu nữ mười bảy tuổi, một cô gái hai mươi tuổi và một phụ nữ ba mươi bảy tuổi đứng dưới đường ngóng vọng lên, chờ mãi đến khi ngọn đèn trong phòng ông vụt tắt mới rời đi.
Họ là cùng một người.
Lúc này, người giúp việc đến báo với ông:
“Cô Bạch đã tới rồi ạ.”
Ông ra lệnh:
“Mời cô ấy đến phòng vẽ chờ tôi.”
Ông chỉnh lại chiếc nơ đen bóng trên cổ, bộ comple đen cùng chiếc áo sơ mi trắng ở trong, rồi cầm lấy gậy, khoan thai rời khỏi phòng ngủ.
Ông đi về phía phòng vẽ.
Người kia là họa sĩ nổi tiếng ở Pháp mới về đề nghị vẽ tặng ông một bức chân dung, kỉ niệm ông – vị kiến trúc sư vĩ đại đã thiết kế nên nhà hát kịch sừng sững bên bờ biển.
Ông đi vào phòng vẽ, khi thấy người họa sĩ, mắt ông thoáng hiện vẻ kinh ngạc.
Người họa sĩ này trẻ hơn nhiều so với tưởng tượng của ông, thoạt nhìn nhiều lắm cũng chỉ độ hai mươi lăm tuổi. Dáng vẻ cô ta rất đẹp, trên người mặc chiếc váy dài màu lam, vành tai đeo một đôi bông tai ngọc trai, khi cô ta cử động thì chúng liền đu đưa theo, cặp mắt sâu đen nhìn ông như thể ngóng vọng từ thế giới bên kia.
Lúc này người họa sĩ kính cẩn chào ông “Ngài Kiều”, sau đó mời ông ngồi vào chiếc ghế dựa.
Phòng vẽ đã bày sẵn một tấm vải để vẽ tranh sơn dầu.
Ông run rẩy ngồi vào ghế, bình hoa đặt cạnh chiếc ghế dựa cắm đầy những bông hoa “Hôm qua” màu mận chín, tên người họa sĩ này cũng là hoa hồng, Bạch Công Côi.
Ông đặt cây gậy sang một bên, ngồi thẳng lưng.
Người họa sĩ thỉnh thoảng lại dùng ánh mắt yêu mến nhìn ông qua tấm vải vẽ, cách cô ta nhìn ông như thể đã quen biết ông từ lâu lắm rồi. Thời khắc đó, ông cảm thấy những chuyện đời trước vụt qua trước mắt. Nhưng ông đã già lắm rồi, rất nhiều ký ức đã trở nên nhòa nhạt.
Ông nhớ ra hôm nay là sinh nhật thứ chín mươi của mình, lòng ông khẽ gợn sóng, không hẳn là sầu cảm, chỉ thấy không hiểu được, bản thân ông vì lẽ gì lại muốn sống lâu đến vậy?
Máy hát khẽ đưa một khúc dương cầm của Chopin, giai điệu “Dạ khúc” lởn vởn trong phòng. Lúc này một trận gió bỗng thổi qua, ông dường như nghe thấy chuyện xưa nỉ non và những tiếng thở dài lẩn khuất trong đó, nhắc ông nhớ về một đêm rất lâu về trước, đã từng có một thiếu nữ ngây thơ đáng thương lõa thể nằm trên giường ông, chờ đợi ông về ân sủng cô.