Cậu ta cặm cụi bước đi trên con đường cao tốc ấy, nước mắt đầm đìa, gương mặt chàng trai trẻ, dáng người gầy guộc. Cậu ta lê gót trên những phiến lá ngô đồng và đạp lên tiếng khóc thổn thức của chính mình. Còn người đi đường thì cứ vội vã lướt qua.
Luôn có những đoạn đường mà bạn vừa đi vừa khóc.
Mao Quân, bạn đại học của tôi, một ngày vào năm thứ ba, đứng dưới sân ký túc xá nữ, ngước nhìn lên ban công tầng bốn. Một quyển sổ từ trên đó rớt xuống. Cậu ta nhặt lên, đó là cuốn sổ tay cậu ta viết về cô ấy. Những nét chữ ngay ngắn, những dòng mực đỏ trang trọng, chi chít.
Trên đó viết: Em đã nghĩ rất kỹ, từ nay anh đừng đến tìm em nữa. Mao Quân vừa khóc vừa đi bộ từ Lầu Trống đến đường Bắc Kinh Đông.
Cậu lê gót trên những phiến lá ngô đồng và đạp lên tiếng khóc thổn thức của chính mình. Còn người đi đường thì cứ vội vã lướt qua.
Thành phố này đang hạ nhiệt độ, ánh mặt trời tháng Mười một mong manh, yếu ớt như trang phụ bìa ghi tên tác giả của một cuốn sách bị thời gian nhuốm vàng, mở ra đã là mùa thu, từ ban công rớt xuống, trở thành chương cuối cùng của cuốn sách.
Mao Quân giam mình suốt mấy tháng trong căn phòng thuê, từ đó cậu trở nên nóng nảy, tính khí thất thường.
Sau bốn, năm năm tốt nghiệp và đi làm, tôi mới gặp lại Mao Quân ở Bắc Kinh.
Chúng tôi hẹn nhau ở một nhà hàng, vì không đặt chỗ trước, nên lúc đến phải xếp hàng chờ nửa tiếng đồng hồ. Tôi thấy Mao Quân cau mày khó chịu, chừng như sắp nổi đóa, may mà nhân viên phục vụ đã tới và gọi tên chúng tôi, thật mừng vì vận còn bàn dành cho hai người.
Chúng tôi gọi năm món và một chai rượu.
Mới ăn được vài miếng, Mao Quân đã đập bàn quát tháo.
- Phục vụ đâu, lại đây, lại đây, tiên sư, quên bỏ muối vào đồ ăn à?
- Phục vụ đâu, có muốn kinh doanh nữa không hả? Sao không làm sạch vảy cá đi?
- Phục vụ đâu! Gọi ông chủ đến đây, gọi Giám đốc đến đây! Mẹ kiếp, mẹ kiếp! Cát ở đâu mà lắm thế!
Nhân viên phục vụ sắp gãy lưng vì phải cúi đầu xin lỗi. Cuối cùng, cậu ta chấp thuận để họ mang đồ ăn vào chế biến lại, năm món làm lại mất ba.
Tôi quá đỗi ngạc nhiên, cả mấy lần đều không ngăn kịp, vì cậu ta nổi nóng quá bất ngờ. Tôi chỉ đành mỉm cười với nhân viên phục vụ:
- Xin lỗi, thực ra cũng không đến nỗi nào, phiền anh nhé!
Mao Quân vẫn chưa nguôi giận:
- Sao phải xin lỗi, tiên sư!
Tôi cố kìm chế:
- Nhịn một chút thì chết chắc?
Cậu ta gãi đầu:
- Ừ sẽ chết đấy.
- Khắp nơi trên thế giới này đều là những cái bẫy, tức giận sẽ chỉ đưa cậu đến kết cục tồi tệ nhất.
- Xời ơi!
Tôi thở dài:
- Để tôi kể cậu nghe chuyện này. Trước kia tôi làm việc ở đài hình. Một hôm, đồng nghiệp làm về tin tức thời sự mới kéo tôi đi làm chương trình Sự thật đằng sau các nhà hàng, quán ăn.
Mao Quân xen vào:
- Chắc là bẩn lắm, mất vệ sinh lắm chứ gì? Cái đó ai chẳng biết. Anh bạn của tôi làm việc cho một nhà Nhật Bản. Và anh ta đã phải xin thôi việc vì không chịu nổi sự bẩn thỉu ở đó.
Tôi bảo:
- Ừ, đúng là rất bẩn. Nhưng điều tôi muốn nói là, ngành dịch vụ ăn uống có một quy tắc ngầm. Nếu thực khách đòi nhà hàng nấu lại món ăn, thì đầu bếp sẽ nhổ một bãi nước bọt vào đồ ăn đó. Xào nấu xong, đầu bếp sẽ nói: Tổ cha mày! Rồi ông ta khạc đờm vào đĩa măng xào thịt của cậu. Nếu nhân viên phục vụ mà bực mình, cũng có thể khạc nhổ thêm vào đĩa thức ăn đó.
Mao Quân không tin:
- Tiên sư, ai thèm tin mấy chuyện nhảm nhí ấy! Nếu thế thì tôi phải dập đầu vái lại nhân viên phục vụ nhà hàng và cung kính thưa rằng: Món này quả thật rất nhạt, cầu xin anh/chị nấu lại giúp tôi, tôi đây mắc chứng ưa ăn mặn, mong anh/chị thông cảm cho!?
Tôi trầm ngâm một lát, nói:
- Thế này nhé, thái độ của cậu không có nghĩa lý gì đối với đầu bếp. Người truyền đạt thông tin là các nhân viên phục vụ kia. Anh ta/cô ta sẽ chỉ nói với tay đầu bếp, rằng món thịt xé phay phải chế biến lại! Nhổ nước bọt là quy tắc ngầm của đám đầu bếp. Tôi khách sáo với họ là vì mong rằng tay nhân viên phục vụ kia là người tốt, sẽ truyền đạt lại một cách khéo léo với đầu bếp, tất nhiên hy vọng là rất mong manh. Tôi nghe nói đây là quy tắc ngầm trong ngành. Trước kia không biết thì không sao, bây giờ biết rồi, tôi cảm thấy thật khó xử.
Mao Quân nói:
- Không lẽ bắt tôi bỏ tiền túi ra mua lại món đó?
- Không ngon thì đứng dậy ra về, hoặc lần này cố chịu, lần sau không thèm đến nữa.
Mao Quân cười khinh bỉ:
- Việc quái gì tôi phải chịu như vậy. Tôi cứ không đi đấy, ăn nước bọt của người khác thì đã sao, có phải phân đâu mà sợ, đằng nào cũng chẳng có mùi vị gì.
Món ăn được dọn lên, tôi không buồn động đũa, chỉ gắp đồ ăn ở hai đĩa còn lại.
Mao Quân vẫn không hề nao núng, vẫn tiếp tục kể lể, chửi bới những việc khiến cậu ta bực mình trong suốt mấy năm qua. Tôi thi thoảng phụ họa một vài câu. Chỉ lát sau cả hai đều say khướt.
Tôi vẫn nhớ mình đã không thôi lải nhải:
Khắp nơi trên thế giới này đều là những cái bẫy, tức giận sẽ chỉ đưa cậu đến kết cục tồi tệ nhất.
Nhưng cậu ta đâu có nghe.
Bởi vì, cậu ta đang cặm cụi bước đi trên con đường cao tốc ấy, nước mắt đầm đìa gương mặt chàng trai trẻ, dáng người gầy guộc. Cậu ta lê gót trên những phiến lá ngô đồng và đạp lên tiếng khóc thổn thức của chính mình. Còn người đi đường thì cứ vội vã lướt qua.
Một năm sau, Mao Quân chết vì ung thư gan.
Đó là bệnh viêm gan siêu vi E, truyền nhiễm qua đường nước bọt, rồi biến chứng thành ung thư gan, là loại bệnh ung thư nguy hiểm, đáng sợ bậc nhất.
…
- Lục Tử, lại đây, nhổ nước bọt vào đĩa đồ ăn này cho chú.
- Vâng ạ.
- Mẹ cháu đâu, Lục Tử? Sao hôm nay cháu không đi học?
- Mẹ cháu đến cơ quan xin nghỉ để lát nữa đưa cháu đến bệnh viện kiểm tra.