Ngang Qua Thế Giới Của Em

Chương 19: Người đưa đò.

Trước Sau

break
Cuộc đời tựa như một cuốn sách. Ta thương câu nói của người, nguyện làm dấu chấm nhỏ, lặng lẽ nép bên chân người.

Nhưng anh đã có bạn đọc của riêng mình còn em chỉ là người đưa đò.

Tiểu Ngọc là một cô gái Đông Bắc dịu dàng, xinh đẹp, quê ở Trường Xuân. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô ở lại Nam Kinh làm việc. Cô là một trong số nhiều bạn bè của tôi có công việc tử tế, không nói tục, không nổi khùng, lúc nào cũng hòa nhã, vui vẻ, dễ chịu.

Lần tụ tập nào chúng tôi cũng đè nhau ra uống rượu, Tiểu Ngọc thi thoảng muốn nâng cốc nhưng đều bị mọi người ngăn lại, vì chúng tôi cho rằng, trong nhóm phải có một người tỉnh táo để còn đưa những người khác về và người này phải đáng tin cậy. Tiểu Ngọc xứng đáng với “sứ mệnh” đó.

Có lần, chúng tôi tụ tập ở quán bar của Quản Xuân, Tiểu Ngọc vốn dĩ im lìm từ đầu đến cuối không nói một lời, lúc này bỗng nhiên lén uống vụng một cốc bia. Sau đó, mắt cô ấy long lanh, nụ cười đẹp mê hồn. Rồi thình lình cô ấy trỏ tay về phía người khách ở bàn bên cạnh, ôm bụng cười lớn:

- Nhìn anh ta mà xem, mặt dài như cái bơm, đoạn cuối lại còn cong lên nữa chứ, thêm một nét nữa là thành cái móc câu đấy!

Ở quán rượu mà nói những lời này nguy hiểm lắm cô nương ạ!

Cả bọn toát mồ hôi! Kể từ đó chúng tôi kiên quyết không cho cô ấy đụng đến một giọt nào.

Mùa thu năm 2008, khi cả lũ đã say đến bất tỉnh, thì phần việc của Tiểu Ngọc là lái chiếc xe 307 của cô ấy đưa từng người một về nhà.

Tôi vừa tắm rửa xong thì thấy di động rung lên, có tin nhắn của Tiểu Ngọc: Có chuyện rồi, ra ngoài ăn đêm với em đi!

Tôi tò mò hết sức, lập tức chạy đi tìm cô ấy.

Tiểu Ngọc nói:

- Mã Lực ngủ lại chỗ em.

Mã Lực là một họa sỹ, kết hôn năm 2006, vợ cậu ta tên Giang Khiết.

Tôi ngạc nhiên:

- Cậu ta là người đã có vợ, em đừng làm bậy.

Nhắc đến bốn chữ “em đừng làm bậy”, tôi bỗng thấy rất đỗi hưng phấn.

Tiểu Ngọc nói:

- Anh ấy là người cuối cùng em đưa về tối nay. Anh ấy cứ lảm nhảm suốt, em nghe mãi mới đoán ra, anh ấy bị vợ cắm sừng.

Tiểu Ngọc kể với tôi, Mã Lực tình cờ phát hiện vợ mình vụng trộm với người khác, nhưng cậu ta cố nhịn không làm ầm lên.

Gần đây, cậu ta có cảm giác vợ mình bỗng thay tính đổi nết, tỏ ra rất mực âu yếm, ân cần, và thi thoảng lại bóng gió nhắc đến việc chuyển người đứng tên căn hộ sang tên cô ta. Mã Lực là một họa sỹ chuyên vẽ tranh trừu tượng, bằng tư duy rối rắm của mình, cậu ta suy đoán người đàn bà này đang lên kế hoạch ly dị chồng, vì vậy mới diễn trò để tranh giành tài sản.

Tôi nghiêm nghị bỏ con tôm hùm xuống, hỏi:

- Cậu ấy định thế nào?

Tiểu Ngọc nghiêm nghị bỏ con cua biển xuống, đáp:

- Trước lúc thiếp đi, anh ấy gào lên, đừng tưởng chỉ mình cô biết đóng kịch, bắt đầu từ ngày mai tôi sẽ cho cô thấy tài năng diễn kịch thực sự.

Gió đêm tháng Mười se sắt, tôi bỗng rùng mình.

Tiểu Ngọc nói:

- Anh ấy không chịu về nhà, em đành đưa anh ấy về nhà mình.

Tôi bảo:

- Vậy sao em lại chạy ra đây?

Tiểu Ngọc yên lặng một lát mới đáp:

- Em nằm ở sofa phòng khách, nghe anh ấy khóc rất thương tâm trong phòng ngủ. Em đi vào thì thấy anh ấy cuộn người trong chăn, khóc nức nở. Em lay gọi anh ấy nhưng anh ấy chẳng thèm để ý đến em, cứ gào khóc thảm thiết, chắc anh ấy đang mơ. Em thấy sợ, không muốn ở lại, mới gọi anh ra ngoài ăn đêm.

Tôi vờ hỏi:

- Có phải em thích cậu ấy?

Tiểu Ngọc quay mặt đi, chầm chậm gật đầu.

Vầng trăng nhô lên cao, lơ lững giữa tầng không phía sau lưng Tiểu Ngọc, giống hệt như một chiếc lốp xe dự phòng khổng lồ.

Tuy cả tôi và Tiểu Ngọc không hề hé răng nói nửa lời, nhưng chuyện nhà Mã Lực vẫn lọt ra ngoài, ai nấy đều hay cậu ta đang đấu trí với vợ. Hễ uống say là cậu ta ngủ lại nhà Tiểu Ngọc. Lúc đưa cậu ta về nhà Tiểu Ngọc, tôi phát hiện trong kệ bếp có nhiều thuốc bổ gan, cô ấy có bao giờ uống rượu đâu. Mã Lực lè nhè kể lể kế sách đối phó với vợ, Tiểu Ngọc ngồi bên chỉ lặng lẽ gật đầu.

Vì Mã Lực độc chiếm phòng ngủ, nên Tiểu Ngọc phải sắp xếp sofa làm chỗ ngủ cho mình.

Tôi nói:

- Cứ thế này mãi không ổn, tôi sẽ thuê phòng cho cậu ấy.

Tiểu Ngọc hướng mắt về phía Mã Lực, cậu ta trở mình, chóp chép miệng, rồi lăn ra ngủ tiếp.

Tôi bảo:

- Thôi vậy.

Trước lúc ra về, tôi do dự một lát, gọi;

Tiểu Ngọc...

Tiểu Ngọc gật đầu khẽ bảo:

- Em không phải lốp xe dự phòng. Em nghĩ rồi, em là người đưa đò. Anh ấy rớt xuống sông ở bờ bên này, em phải đưa anh ấy sang bờ bên kia. Ở bờ bên kia có người đang chờ anh ấy, người đó không phải em, em chỉ là người đưa đó.

Tôi thở dài, ra về.

Chừng hơn nửa tháng sau, Mã Lực mở triển lãm tranh ở Phương Sơn, trưng bày toàn bộ tác phẩm cậu ta vẽ trong mấy năm qua. Cả đám rủ nhau đến chúc mừng, nhưng đến nơi ai nấy đều mắt tròn mắt dẹt khi đứng trước những bức vẽ trừu tượng. Mã Lực trỏ một bức tranh sắc màu sặc sỡ, nói;

Đây là bức Bạn bè, tôi vẽ tất cả chúng ta đấy.

Tôi căng mắt ra nhìn, vòng to ôm vòng nhỏ, lại có tám trăm đường kẻ xiên ngang xiên dọc, đủ mọi màu sắc.

Tôi kinh ngạc nhận xét:

- Nét vẽ rối rắm thế này, chẳng nhận ra ai với ai.

Mọi người nhìn nhau, không ai bảo ai, nhất loạt rút lui. Mã Lực tức giận, chửi:

- Tiên sư!

Chỉ có Tiểu Ngọc vẫn hào hứng đứng trước bức vẽ, cần mẫn hỏi:

- Em đâu?

Mã Lực nói:

- Đoán thử xem.

Tiểu Ngọc lôi di động ra gõ nội dung tìm kiếm: “Thưởng thức nghệ thuật đương đại” và “Giải đáp về tranh trừu tượng”, rồi đứng đó nghiên cứu suốt buổi chiều.

Hơn nửa tháng sau, Mã Lực tìm chúng tôi, giọng run run:

- Mọi người giúp tôi một tay, trưa nay qua nhà tôi ăn cơm, mẹ vợ tôi đến chơi, xem ra sẽ có một trận chiến ác liệt.

Quả nhiên là một trận chiến ác liệt. Mấy cô gái xuống bếp phụ nấu ăn, mẹ vợ Mã Lực ngồi chuyện phiếm với con rể, hỏi cậu ta, nghe nói tranh của con đã bán sạch, được ba trăm mấy chục ngàn, phải không? Mã Lực gật đầu. Mẹ vợ nói tiếp, con là dân lao động tự do, không biết cách quản lý tiền bạc, chi bằng gửi chung vào tài khoản của mẹ. Mẹ đang tính mua cổ phần ở một vài chỗ, hãy để mẹ quản lý tài chính giúp các con.

Cả phòng im phăng phắc, chỉ nghe thấy tiếng thái rau trong bếp, còn Mã Lực thì há hốc miệng, sững sờ đến tội nghiệp.

Quản Xuân chầm chậm đứng lên, nói:

- Thưa bác, chuyện là thế này, quán bar của cháu làm ăn rất khá, khoản tiền đó, Mã Lực đã đầu tư vào chỗ cháu.

Mẹ vợ Mã Lực cau mày;

- Sao không nói gì với tôi? Ăn cơm xong chúng ta sẽ bàn xem rút vốn như thế nào.

Bữa cơm vô cùng nặng nề, mặc dù tôi đã cố gắng gợi chuyện, nhưng vẫn không thể xoa dịu bầu không khí căng như dây đàn trong căn nhà ấy. Ăn xong, Mã Lực lẳng lặng vào phòng làm việc, đem ra một chiếc hộp, đặt lên bàn và nói:

- Mật mã thẻ ngân hàng là ngày chúng ta kết hôn. Ngày mai anh sẽ sang tên căn nhà này cho em.

Ngập ngừng một lát cậu ta nói tiếp:

- Anh mệt mỏi lắm rồi, chúng ta ly hôn đi! Em hãy sống hạnh phúc với anh ta.

Mã Lực ly hôn, ra đi tay trắng. Tôi hỏi, rõ ràng vợ cậu là kẻ phản bội, cớ gì vẫn cho cô ta tất cả tài sản? Mã Lực nói dù thế nào đàn ông kiếm tiền cũng dễ hơn phụ nữ. Có nhà, có tiền tiết kiệm, dù gã kia đối xử tệ bạc với cô ấy, cô ấy cũng không phải vất vả, khổ sở nữa.

Cậu ta gạt nước mắt, nói tiếp:

- Chúng tôi yêu nhau bốn năm, lấy nhau được một năm, cho dù đã ly hôn, tôi cũng không thể quên hết khoảng thời gian năm năm hạnh phúc ấy.

Tôi gật đầu:

- Cũng phải.

Tiểu Ngọc giúp Mã Lực tìm thuê một căn hộ chung cư, ngày nào cũng như ngày nào, cứ chiều chiều đi làm về, cô ấy lại đều đặn đưa cơm cho cậu ta.

Cho mãi đến một ngày đầu đông, chúng tôi vẫn nhớ như in ngày hôm ấy.

Giang Khiết và chồng mới cưới đến quán bar của Quản Xuân, đúng lúc Mã Lực đang ở đó. Cậu ta ấp úng chào:

- Chào hai người!

- Nghe nói anh là người đàn ông vĩ đại, được gặp anh thật may mắn, chúng ta làm vài ly nhé.

Mã Lực vừa xóc xúc xắc vừa uống rượu ở bàn số 7. Tất cả mọi người trong quán bar đều vừa trò chuyện vừa dỏng tai nghe ngóng và đưa mắt quan sát bàn số 7. Chỉ vài lượt, Mã Lực đã thua đậm, uống hết mấy chai bia, mặt và cổ đỏ gay gắt.

Giang Khiết nói:

- Chơi cò con thế mà vĩ nhân đã không chịu được rồi.

Mọi người đều cảm thấy tình hình không ổn, tôi định bụng kiếm cớ tống cổ đôi cẩu nam nữ ấy đi.

Tiểu Ngọc lại gần và ngồi xuống, mỉm cười nói với Giang Khiết:

- Thế chơi lớn một chút nhé. Tôi sẽ đấu với vợ chồng chị, chúng ta chơi trò “Đánh golf ở quán bar” nhé, 9 lỗ.

“Đánh golf ở quán bar” là một trò thi uống rượu rất kịch tính. Họ đến một quán rượu, hai bên tham gia thi đấu phải uống hết một chai bia, thêm một ly rượu trắng, gọi là “một gậy một bóng”, uống xong tức là đánh trúng một lỗ. Sau đó, nhanh chóng di chuyển đến quán rượu tiếp theo. Chín lỗ có nghĩa là phải uống đủ ở chín quán bar, bên nào xong trước và về lại được quán xuất phát, bên đó thắng. Giang Khiết nhìn Tiểu Ngọc chằm chằm nói:

- Được thôi, bắt đầu từ đây.

Nói xong, cô ta châm một điếu thuốc, rồi đọc tên tám quán bar tiếp theo.

Không khí trong quán lập tức sôi động hẳn lên, tôi chưa kịp ngăn lại, Tiểu Ngọc đã tu ừng ực hết chai bia và ly rượu Tây. Hai mắt cô ấy long lanh, giống như hai ngọn đèn lung linh, sáng rực trong đêm tối.

Tiểu Ngọc và vợ chồng Giang Khiết rời quán bar. Tất cả chúng tôi ùa ra ngoài theo họ. Tôi vất vả chen lên đứng bên Tiểu Ngọc, cô ấy mỉm cười với tôi và nói:

- Các anh đừng quên em là phụ nữ Đông Bắc.

Ngày hôm đó đã đánh một dấu son rực rỡ trong lịch sử các quán bar ở Nam Kinh.

Tiểu Ngọc ngồi xe Pasat của Quản Xuân để đến khu phố 1912. Họ lần lượt vào quán bar Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió), rồi đến quán Mazzo, rồi từ Mazzo di chuyển đến các quán bar mà thời đó vẫn còn tồn tại và rất nổi tiếng ở Nam Kinh. Họ vào quán, uống cạn chai bia và một ly rượu Tây đã được đặt sẵn trên bàn. Uống xong đi thẳng vì có người sẽ trả tiền thay họ.

Rời khỏi khu 1912, chủ quán của năm quán bar khác nghe tin lập tức kéo đến, một dãy mấy chiếc xe xếp hàng thẳng tắp. Những người ham vui cũng bắt xe đi theoo, vô cùng náo nhiệt. Cả đoàn người, xe rầm rộ diễu qua đường Thượng Hải, qua Lầu Trống, đến Tân Nhai Khẩu, rồi lại vòng về Tân Nhai Khẩu.

Cô gái nhỏ nhắn, thùy mị, dịu dàng Tiểu Ngọc, người em hồng hào, rực rỡ, đi giày cao gót, băng qua khắp các con phố Nam Kinh đầy kiêu hãnh, lẫm liệt.

Mỗi lần đi ra từ một quán bar, ánh mắt Tiểu Ngọc dường như lại long lanh hơn. Lần nào cô ấy cũng dừng lại trước cửa quán, cầm gương nhỏ lên soi, cẩn thận tô thêm son, rồi dõng dạc tiến đến địa điểm tiếp theo.

Quản Xuân lặng lẽ lái xe, tôi ngồi bên ghế phụ, nhìn qua gương chiếu hậu, không biết Tiểu Ngọc đang nghĩ gì mà vẻ mặt thẫn thờ, cô ấy áp mặt vào cửa sổ, gương mặt hồng hào.

Trên đường quay về quán bar của Quản Xuân, Tiểu Ngọc đột nhiên nói:

- Gia Giai ơi, anh đã bao giờ liều mạng vì ai đó trong đời chưa?

Tôi sững sờ, không biết trả lời ra sao.

Tiểu Ngọc ngắm nhìn trời đêm ngoài cửa sổ nói:

- Liều mạng ở đây không phải là liều mạng làm việc, không phải liều mạng ăn uống, không phải liều mạng giải thích, không phải một cách nói hình ảnh, mà là, dù hôm nay có phải chết vì người ấy cũng sẵn lòng.

Cô ấy lắc đầu nói tiếp:

- Thực ra, em biết chắc mình không chết, nên cũng không thể gọi là liều mạng. Anh thấy không, em yêu Mã Lực, nhưng dù anh ấy có ly hôn, em cũng không thể đến với anh ấy. Bởi vì, em yêu anh ấy, em sẵn lòng làm mọi điều vì anh ấy, nếu chúng em đến với nhau, em hy vọng anh ấy cũng đáp lại em như vậy. Nhưng làm gì có chuyện đó, huống hồ anh ấy còn chẳng thích em. Thế nên, em chỉ muốn làm người đưa đò. Và em cảm thấy như thế này cũng rất vui.

Tôi trầm ngâm một lát, nói:

- Ừ, vui, vui chết khiếp!

Chúng tôi về đến quán bar của Quản Xuân, lúc này quán đã chật ních người. Tiểu Ngọc ung dung ngồi vào chỗ cũ, vẻ mặt hoàn toàn bình thản, không chút nao núng. Đám đông vỗ tay rào rào, tiếng huýt sáo, tiếng cười nói, tiếng gào gọi điên cuồng náo nhiệt. Chúng tôi không thấy bóng dáng cô vợ cũ của Mã Lực đâu, mọi người hô vang: Thắng rồi! Thắng rồi!

Bạn tôi từ đâu chạy về, hào hứng tuyên bố:

Vợ Mã Lực đứt rồi, cô ta uống đến quán cuối cùng thì “ra đi”.

Đám đông lại được dịp hò hét vui sướng, ai nấy đều hả hê:

- Tiên sư, đánh bại cặp gian phu dâm phụ ấy sao mà thấy hả hê quá! Tiểu Ngọc thật cừ, phụ nữ Đông Bắc thật đáng nể! Cô gái thùy mị, dịu dàng của chúng ta khi đã ra tay thì gạo xay ra cám! Hoan hô Tiểu Ngọc đã hạ gục phụ nữ trên toàn thế giới!

Tôi hỏi:

- Mã Lực đâu?

Bạn tôi ngập ngừng nhìn Tiểu Ngọc, nói:

- Uống đến quán thứ ba, tên gian phu khuyên Giang Khiết bỏ cuộc, cô ta không chịu, thế là hắn bỏ đi mất. Uống đến quán thứ tám, Giang Khiết gục xuống bên đường khóc tu tu. Mã Lực chạy đến ôm cô ta, khóc theo. Sau đó, sau đó...cậu ấy đưa cô ta về nhà.

Quán bar chìm trong im lặng.

Tiểu Ngọc vẫn bình thản uống hết ly rượu, rồi nhè nhẹ gục đầu xuống bàn nói:

- Ôi trời, mệt quá!

Nếu em thực sự thấy vui, cớ gì than mệt như vậy.

Sang xuân, Tiểu Ngọc nói với tôi, cô ấy làm việc ở Nam Kinh đã năm, sáu năm nhưng công việc chẳng có gì tiến triển, cũng không dành dụm được bao nhiêu. Vì vậy, cô ấy quyết định chuyển công tác về Tổng công ty ở Thâm Quyến. Tôi bảo, ừ, thế cũng tốt.

Chúng tôi tổ chức tiệc tiễn chân Tiểu Ngọc. Mọi người say lử đử, chỉ có Tiểu Ngọc vẫn như mọi khi, không uống một giọt nào. Chúng tôi dìu Mã Lực xuống trước, sau đó Quản Xuân tiếp tục lên nhà cõng những người khác.

Mã Lực ngồi trên ghế băng trên quảng trường, gục đầu xuống. Tiểu Ngọc đứng sau ghế, đèn đường soi rọi hai chiếc bóng đổ dài của họ. Tiểu Ngọc chầm chậm đưa tay lên, chiếc bóng trên mặt đất cũng chầm chậm đưa tay lên. Cô ấy mỉm cười, để bóng mình ôm lấy bóng của Mã Lực.

Kỳ thực, cô ấy vẫn đứng cách Mã Lực chừng một bước chân.

Cô ấy sắp đi, nên chỉ có thể ôm cái bóng của cậu ấy. Đây có lẽ là cái ôm long trọng duy nhất của họ.

Ban ngày, bóng anh theo bên anh, ban đêm, bóng anh biến thành đêm sâu, ôm ấp giấc ngủ của em.

Cuộc đời tựa như một cuốn sách. Ta thương câu nói của người, nguyện làm dấu chấm nhỏ, lặng lẽ nép bên chân người.

Nhưng anh đã có bạn đọc của riêng mình, còn em chỉ là người đưa đò.

Tiểu Ngọc ra đi.

Về sau, Mã Lực không tái hôn, cậu ta trở thành giảng viên của Học viện Mỹ thuật, được vô số nữ sinh mến mộ. Nhưng cậu ta vẫn duy trì lối sống lành mạnh, đề cao chủ nghĩa độc thân, chỉ miệt mài với nghệ thuật, không miệt mài với phụ nữ.

Về sau, tôi nhận được một cuộc điện thoại giữa đêm khuya của Tiểu Ngọc, cô ấy nói:

- Anh có nghe thấy tiếng sóng biển không?

Tôi bảo:

- Có nghe, người phụ nữ giàu có của chúng ta lại đi du lịch đấy à?

- Em đang rất hối hận vì bé không chăm chỉ học nhạc. Một mình ngoài biển, nếu anh biết chơi guitar, hoặc thổi kèn acmonica, anh có thể vui vẻ suốt ngày. Vì anh sẽ tạo ra một thế giới chỉ của riêng anh ở nơi tuyệt đẹp này.

Cô ấy ngừng một lát rồi tiếp:

- Nhưng dù chẳng có tài lẻ gì, em vẫn có thể ngồi đây, nghe tiếng sóng biển, ngắm ánh lửa trại và tạo ra thế giới của riêng em. Và, em sẽ có kỷ niệm để nhớ.

Kỷ niệm để nhớ. Những chữ đó găm thẳng vào tim tôi, khiến tôi gần như ngạt thở.

Tiểu Ngọc nói:

- Hồi mới chuyển đến Thâm Quyến, trong những đêm mất ngủ, em lại muốn trò chuyện với em của quá khứ, em muốn nói với em của quá khứ rằng, người đưa đò sẽ không biết khách qua sông sẽ đi đâu, có thể người khách đó chỉ muốn về lại chốn cũ. Em muốn nói với bản thân, đừng cố vùng vẫy trên sông nước ấy, vì sông nước ấy không có bờ bến. Người đưa đò sẽ trôi dạt trên sông suốt đời, một mình trên chiếc thuyền nan trống trải, ngẩn ngơ nhìn theo dòng nước xiết và lặng lẽ chờ đợi khoảnh khắc bị chôn vùi. Cậu ngốc lắm!

Cô ấy nói:

- Dẫu vậy, nhưng nếu phải làm lại, em vẫn không thay đổi sự lựa chọn của mình. Những năm tháng qua, em nhận ra rằng, dù em đã làm gì, đã gặp phải điều gì, dù em đã lạc lối, đã u buồn, đã khốn đốn, đã đau đớn, thực ra chúng ta không cần đau đáu tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề của mình. Chúng ta cứ hay tính toán, nhưng nếu tính không ra thì đừng tính toán nữa. Và có một cách tính luôn đúng, đó là cố gắng làm tốt mọi thứ, cố gắng làm việc cho tốt, sống cho tốt và hãy là chính mình. Để đến khi đứng trước đại dương mênh mông này, chúng ta lại có thể tạo ra một thế giới cho riêng mình.

Mùa xuân năm 2012, tôi đi Hồng Kông công tác, lúc ngang qua Thâm Quyến, tôi rẽ vào nhà Tiểu Ngọc ăn cơm. Tiểu Ngọc vẫn dịu dàng, xinh xắn, vẫn nhỏ nhẹ, hiền hòa như ngày nào. Cô ấy mua rất nhiều thức ăn, bận rộn trong bếp với người giúp việc. Tôi ngồi trên sofa trong phòng khách, ngẩng đầu liền thầy bức tranh Bạn bè ấy.

Tôi hỏi:

- Tiểu Ngọc, sao em lại treo bức tranh này?

Tiểu Ngọc bưng đồ ăn vào, đáp:

- Ba trăm ngàn của em đấy, không treo lên thì phí lắm.

Tôi nói:

- Em tìm thấy mình trong tranh chưa?

Cô ấy cười thật tươi:

- Tranh người khác vẽ làm sao tìm thấy mình trong đó.

Tôi cười bảo:

- Em sống rất ổn, đúng không?

- Vâng.

Chúng ta ai rồi cũng sẽ lên bờ, ánh dương ngập tràn muôn lối, bên đường hoa nở hương đưa.
break
Nuôi thú cưng (NP hiện đại H)
Ngôn tình sắc, NP hiện đại H
Đàn Anh Cứ Muốn Tôi
Sắc, Sủng, Nữ Cường, Nam Cường
Gả Cho Nam Thần
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc