Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn

Chương 6

Trước Sau

break
Hãy giữ lấy nhành xa trục thảo(6) đầu tiên

Nếu như anh không đến

Hôm nay trong vườn nhà

Sẽ đầy hối tiếc

Bởi vì xa trục thảo

Sẽ phí cả ngày hoa

YAKAMÔCHI

6. Xa trục thảo: Tên gọi khác của cỏ ba lá.

Từ một thị trấn xinh xắn giữa lòng Châu Âu, mà cái tên lạ lẫm của nó tôi thường không thể nhớ, cô bạn nhỏ gọi điện về cho tôi giữa màn đêm chỉ để chia sẻ một nỗi thất vọng: “Em vừa đọc được trên mạng, ở Alaska có một ông Edward Martin nào đó tìm được tổng cộng 160,000 nhánh lá xa trục thảo bốn cánh. Trời ơi! Em tìm được có một lá mà đã khoe tùm lum. Đúng là vớ vẩn”.

Suýt nữa thì tôi bật cười nhưng rồi kịp kìm lại. Có bao nhiêu người trên thế giới này suốt đời tìm một nhánh xa trục thảo bốn cánh mà không thể tìm thấy? Tôi chợt hiểu vì sao thông tin đó khiến em thất vọng. Nếu người ta có thể tìm được 160,000 nhánh cỏ bốn cánh, thì niềm vui khi tìm thấy duy nhất một nhánh cỏ bốn lá của em trở nên … lãng xẹt. Cứ như có ai dội một ca nước vào mặt khi ta đang chìm trong giấc mộng đẹp ban chiều.

Chỉ hai tháng trước, trong một lần dạo chơi trên ngọn đồi nhỏ sau trường, cậu bạn của em nói họ đang bước đi trên một vạt xa trục thảo, em nhìn xuống chân mình và bắt gặp, ngay cái nhìn đầu tiên, một nhánh xa trục thảo bốn cánh xanh ngắt. Đám bạn học của em hét toáng lên. Có đứa đã từng quần nát vạt cỏ ấy trong suốt hai tuần, mà không tìm thấy nhánh cỏ có bốn cánh. Em ép nhánh cỏ vào khung kính và để trên bàn học, sung sướng ngắm nó nhiều lần mỗi ngày. Người ta nói ai tìm được nhánh cỏ xa trục thảo bốn cánh thì sẽ gặp được may mắn và hạnh phúc.

Một cánh là niềm tin

Hai cánh là hy vọng

Ba cánh là tình yêu

Bốn cánh là may mắn

“Chẳng lẽ ông Martin đó có được đến 160.000 lần may mắn trong đời mình?” - Em hỏi.

Nếu em biết người ta thậm chí đã tạm đột biến gen để trồng được những chậu xa trục thảo có tới 30% số lá là bốn cánh thì nỗi thất vọng của em chắc còn lớn hơn nữa. Và lúc đó, hẳn em sẽ đồng ý với tác giả của cuốn sách best seller Bí mật của sự may mắn. Ông cho rằng sự may mắn thực sự là do con người tạo ra. Cũng như người ta đang bán đầy những mặt dây chuyền có ép lá xa trục thảo bốn cánh “trồng được” thay vì “bắt được”.

Nhưng đối với riêng tôi, bản chất của sự may mắn mãi mãi là tình cờ và không thể đoán trước. Bí mật của sự may mắn sẽ không bao giờ tỏ lộ. Vận may, cũng như cái gọi là duyên số, xảy đến hoàn toàn ngẫu nhiên, như tại sao em yêu người này mà không yêu người khác. Tại sao em gặp người này ở đó mà không phải ở nơi khác.

Tôi nghĩ rằng “vận may” khác với “thành quả”. Ta không thể đạt được sự may mắn. Ta không thể tạo ra vận may. Điều đó cũng giống như ta không thể sắp đặt trước một cuộc hẹn mà ở đó ta sẽ gặp tiếng sét ái tình. Nhưng mặt khác, chúng ta có thể nỗ lực để tạo ra những thành quả. Đừng gọi thành quả của mình là may mắn, vì như vậy là vứt bỏ ý chí và nỗ lực của bản thân. Cũng đừng xem may mắn là thành quả, vì như thế là từ chối vẻ đẹp bí ẩn và đầy bất ngờ của cuộc sống.

Năm ngoái, Shigeo Obara, một nông dân ở Nhật đang giữ kỷ lục thế giới về lá xa trục thảo nhiều cánh nhất, đã tìm thấy một chiếc lá xa trục thảo 21 cánh trong vườn nhà mình. Đó không phải là sự may mắn. Năm 1951, khi còn là một đứa trẻ, ông tìm thấy chiếc lá xa trục thảo bốn cánh đầu tiên. Sau đó, Obara đã bỏ rất nhiều công sức tiến hành lai tạo và nghiên cứu sự đột biến gen cũng như tác động môi trường liên quan đến số cánh, màu, kích cỡ của lá xa trục thảo. Ông đã tìm thấy rất nhiều lá trục thảo có 5,6,7… thậm chí 18 cánh, và giờ là 21 cánh… Hoàn toàn không phải tình cờ.

Cũng vậy, tôi tin rằng chỉ có chiếc lá bốn cánh đầu tiên mà Edward Martin tìm thấy mới là vận may, nó khởi đầu cho một cuộc săn tìm dài hơn nửa thế kỷ, còn 159.999 chiếc lá sau đó là thành quả của những năm tháng bỏ công sưu tầm.

Hãy cứ tin vào sự may mắn, rằng đôi lúc nó rơi xuống cuộc đời ai đó như một món quà. Hãy giữ lấy những chiếc lá xa trục thảo bốn cánh như một biểu tượng của ước mơ, cũng là lời thú nhận về sự nhỏ bé của phận người trước tạo hóa. Rằng, có những điều vượt ngoài sự chi phối của con người. Tuy nhiên, như một câu ngạn ngữ xưa đã nói “sự may mắn chẳng tặng không ai cái gì bao giờ, nó chỉ cho vay mà thôi”. Vì vậy, đừng tìm kiếm nó, đừng trông chờ hay thậm chí đổ lỗi cho nó… Và hãy nhớ rằng mọi vận may chỉ là khởi đầu.

Dù sao thì tôi cũng tin rằng, chiếc lá xa trục thảo bốn cánh đầu tiên mà em gặp được là một vận may. Nó khởi đầu cho cái gì thì tùy thuộc ở em. Vấn đề là em giữ lấy chiếc lá ấy như một niềm hứng khởi ngày thơ với một niềm tin cổ tích, hay em sẽ vứt bỏ nó như một chiếc lá tầm thường chứa đựng huyền thoại vớ vẩn.

Em biết đó, người ta có thể đạt được những thành quả vĩ đại chỉ với khởi đầu là một niềm hứng khởi ngây thơ. Tôi mong rằng em sẽ luôn giữ lấy trong tim mình nhành xa trục thảo đầu tiên ấy,bởi như Walt Whitman đã viết “một lá cỏ cũng không nhỏ nhoi hơn hành trình của những vì sao”…

Khi cô ngựa vằn khoác lên mình bộ lông báo đốm

Một cô bạn tâm sự với tôi rằng, cô không biết nên làm gì với lọ nước hoa mà anh chàng đồng nghiệp vừa tặng. Khi hai người đang trong tình trạng “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, anh tặng cô chai nước hoa Tendre Poison nhân dịp đi công tác nước ngoài về và nói “đó là mùi hương anh rất thích”. Cô sung sướng lắm, chỉ khổ một nỗi, cô không thích và không thấy hợp với cái hương thơm nồng nàn dịu ngọt đó. Mỗi lần sử dụng cô như phải trở thành một người khác.

Tôi nói, bạn có ba chọn lựa: một là sử dụng mùi hương đó chỉ vì anh ta yêu thích - không loại trừ khả năng nó khiến anh ta nhớ… người yêu cũ của mình. Hai là cho anh ấy biết bạn không thích mùi hương đó và cho anh ấy biết bạn sẽ hạnh phúc nếu anh ta tặng bạn những loại nước hoa nào. Ba là bỏ anh chàng ấy nếu chàng ta không vừa lòng với chọn lựa thứ hai.

Mùi hương có thể nói nhiều về người sở hữu nó, nước hoa cũng có thể là một chiếc áo hóa trang. Mỗi mùi hương thường quyến rũ một (vài) kiểu người nào đó nên nếu dùng loại nước hoa không đúng với mình, bạn có thể quyến rũ… không đúng người.

Một anh bạn thân của tôi, lúc trước có hẹn hò với một cô gái, thấy cũng rất xứng đôi, trừ một việc, cô… không thích cả hai mùi nước hoa của anh. Đó là hai mùi nước hoa mà anh ưa thích nhất, nó luôn khiến anh thấy thoải mái và tự tin khi bước ra ngoài. Nó khiến anh thấy mình là mình. Đôi khi, thật điên rồ khi nghĩ rằng anh đã chấp nhận chia tay một cô gái xinh đẹp thay vì chia tay với chai nước hoa giá chỉ vài triệu. Chuyện nhỏ như hạt cát. Nhưng là hạt cát trong chiếc giày - anh nói. Và cuối cùng anh đã cưới một người con gái khác. Tất nhiên, cô yêu thích mùi nước hoa của anh.

Sự thật là những “lấn cấn” nhỏ nhặt đôi khi quan trọng hơn những bất đồng lớn. Bởi cái lấn cấn đó chính là tiếng chuông báo động của giác quan thứ sáu… Mơ hồ nhưng rõ ràng là có nguyên do.

Giống như đi mua một chiếc áo, có khi ta lấn cấn vì nó “chỉ” hơi chật một chút, hơi rộng một chút, hơi dài một chút… nhưng màu sắc, chất li, kiểu dáng quá đẹp, thêm vào lời dụ ngọt ngào của cô bán hàng khiến ta bỏ qua lấn cấn ban đầu. Kinh nghiệm bản thân cho tôi biết thường thì những chiếc áo đó sau khi mua về được nhét vào hốc tủ sau nhiều lần ướm vào rồi lại cởi ra. Bạn không thể khoác một tấm vải đẹp nếu nó không khiến bạn tự tin và thoải mái.

Tình yêu cũng vậy.

Vì sao bạn chưa tìm thấy Mr/Ms. Right của mình? Nhiều khả năng là vì chính bạn cũng chưa tìm thấy mình. Đó là lý do vì sao ở tuổi mười lăm thường có nhiều chàng trai yêu thích chỉ một cô gái, hoặc quá nhiều các cô gái yêu thích chỉ một chàng trai. Và vì sao những mối tình đầu thường hay tan vỡ. Người ta bảo không nên lao vào tình yêu khi còn quá trẻ, vì nhiều lý do, và lý do chính đáng nhất, theo tôi, là khi đó ta chưa định hình được bản thân: “ta là ai?”, “ta muốn gì?”. Ta không thể biết mình cần gì khi chưa xác định được điều mình thiếu.

Có một cô gái hay đến ngồi ở quán cà phê quen của tôi, một mình, uống cà phê đen và châm thuốc hút. Nhìn dáng vẻ và điệu bộ, tôi có cảm giác gần như chắc chắn đó không phải là kiểu của cô. Nhưng vì sao cô làm vậy? Nếu bạn tỏ ra mình là người không cần đến một bờ vai thì bạn sẽ không có được một bờ vai. Nếu bạn tỏ vẻ mình không muốn nghe lời nói dối thì bạn có khả năng chấp nhận những lời nói thật.

Trong bộ phim George of the jungle (Brendan Fraser đóng) có một câu thoại khiến tôi bật cười: “Vằn đi với vằn, đốm đi với đốm”. Nếu bạn là vằn mà khoác lên người chiếc áo đốm thì hiển nhiên bạn sẽ thu hút các chàng đốm còn chàng vằn thì… bỏ chạy.

Con người ta có thể thay đổi, và cũng hay thay đổi, nhưng không thay đổi quá nhiều. Thường thì, theo thời gian, những cái “khác với trước đó” mà ta thấy ở một người là do người ta bộc lộ bản thân nhiều hơn là do thay đổi. Bi kịch của cô ngựa vằn khoác trên mình lớp áo đốm là sau khi nhận ra lớp da thật sự đằng sau lớp áo hóa trang thì chàng đốm cũng bỏ đi nốt… Hoặc là bỏ đi sau khi đã xơi tái cô vằn.

Đó là điều vẫn diễn ra hàng ngày. Đôi khi, đó là cách chúng ta đánh mất tình yêu, tình bạn của người khác và là nguyên nhân khiến người khác đánh mất tình yêu, tình bạn của chúng ta.

Thực ra, con người mà ta thể hiện trước nhân gian thường không bao giờ trùng khớp với con người thật sự của ta. Chỉ khác nhau ở chỗ cái phần che giấu ấy là gì, và nhiều hay ít. Năng lực, tình cảm, sự yếu đuối và cả sự mạnh mẽ, tình yêu thương và cả những mưu mô toan tính… Đôi khi, ta nhìn xung quanh và thấy cuộc đời như một vũ hội hóa trang vậy, dù có người khoác chiếc áo hóa trang là để tấn công, còn có người là để tự vệ. Chỉ những người đủ tin tưởng vào con người cũng như đủ tin tưởng vào bản thân mới có thể bước ra khỏi nhà với con người thật của chính mình.

Nhưng dù chúng ta hóa trang vì mục đích gì thì vẫn có một sự thật không thay đổi: con người mà ta thể hiện gần với con người thật của mình chừng nào thì những mối quan hệ của ta nhiều khả năng bền vững chừng ấy. Bạn thể hiện càng gần với bản chất của mình bao nhiêu thì càng có nhiều cơ hội yêu được đúng người bấy nhiêu…

Đó chính là lý do để cô ngựa vằn chẳng việc gì phải tìm cách khoác lên mình bộ lông báo đốm.

Tuổi của ta là tuổi của trái tim…

Tình yêu như tháng Năm

Mang gió nồng nắng lửa

Lòng anh là đầm sen

Hay là nhành cỏ úa?

Tháng Năm - XUÂN QUỲNH

Người ta nói rằng với phụ nữ, chỉ nên nhớ ngày sinh nhật và hãy quên đi năm sinh của họ. Nhưng tôi nhận ra điều đó không chỉ đúng với phụ nữ. Vì sao người ta thường bỏ mất con số của năm sinh, và chỉ muốn quan tâm đến ngày tháng?

Có lẽ bởi vì nó không quan trọng. Cái gì đã trôi qua thì không quan trọng lắm. Năm, là thứ trôi qua, là thứ chúng ta chỉ đếm tới, không bao giờ lùi lại được.

Ngày và tháng thì khác. Chúng trở lại, rồi tiếp tục trở lại, như một vòng tuần hoàn. Xuân Hạ Thu Đông. Rồi lại Xuân. Như thế chẳng phải là kỳ diệu lắm sao. Cũng như những vòm phượng vĩ cháy rực ở góc đường Tháng Năm của ngày xưa đó. Khi chúng lụi tàn, chỉ còn vòm xanh hờ hững và chìm khuất. Tưởng đã lãng quên. Nhưng bây giờ chúng lại cháy rực ở góc đường kia. Để ta nhớ, tháng Năm quay lại rồi.

Ngày và tháng, chúng trở đi trở lại, để làm gì vậy? Ý nghĩa duy nhất mà tôi có thể nghĩ là chúng trở lại để cho ta thêm một cơ hội nữa. Một khởi đầu nữa nếu ta muốn thế. Bởi cuộc đời thật nhiều thiếu sót, nhiều lỗi lầm, nhiều vấp ngã, và nhiều tiếc nuối làm sao. Ngày và tháng, chúng trở lại để chỉ cho ta cái nút Restart của đời ta.

Tôi là người ưa công nghệ nhưng không rành máy móc cho lắm. Nên tôi khoái cái nút Restart của máy tính biết chừng nào. Có lắm lúc, cái máy vi tính bị treo đột ngột mà tôi chẳng thể biết là do đâu. Khi ấy, tôi nhấn nút Restart.

Cuộc đời cũng như cái máy tính vậy thôi. Đôi khi ta cũng bị “treo” như vậy… Đó là khi đầu óc ta căng cứng, không còn cảm xúc, chẳng màng buồn vui. Ta kiệt sức. Buông xuôi. Chán ngán. Hoặc tệ hơn, cuộc đời ta trở nên lộn xộn không thể tưởng được. Ta chẳng biết có còn tin được cuộc đời nữa hay không. Nó khiến những ngày trôi qua giống như một đống chỉ rối mù và ta tưởng như không biết lần đầu mối từ đâu để gỡ. Công việc, bạn bè, gia đình, ước mơ, nghĩa vụ chồng chất lên nhau… Điều tồi tệ là tình cảnh đó có thể đến với chúng ta ở bất kỳ lứa tuổi nào. Mười ba, mười chín, ba sáu hay năm mươi…

Và rồi, may mắn làm sao, ngày sinh nhật đến như một vị cứu tinh. Để ta có một ngày ngồi xuống và nghĩ về cuộc đời mình. Để ta biết rằng ngày mai, nếu ta muốn, sẽ là một ngày khác. Người ta thường tiếc vì cuộc đời không có nút Delete. Nhưng ta luôn có thể nhấn nút Restart. Một cơ hội để khởi động lại. Một cơ hội để ta sửa chữa những hư hại của trái tim. Để ta quét vài con virus phiền nhiễu ra khỏi đầu óc. Để xóa bớt những mối quan hệ nặng nề mà vô dụng… Để dọn dẹp lại cuộc đời mình. Cơ hội đó đến, ít nhất là mỗi năm một lần, vào ngày sinh nhật.

Tôi nhớ những ngày tôi hai mươi… Có một ngày sinh nhật. Tôi ngồi một mình trong quán cà phê. Chẳng ai nhớ đến. Không một ngọn nến hay lời chúc. Tôi thấy mình chìm nghỉm trong nỗi buồn. Tôi ngồi đó đến khi đêm đã xuống… và tự nhủ rằng “thế là đã hết một ngày”.

Đột nhiên có điều gì trong ý nghĩ đó đánh động tôi. Đã hết một ngày, và ngày mai là một ngày khác. Không, ngày mai, không phải “lại là”… mà “sẽ là” một ngày khác.

Thế rồi, tôi chợt nhận ra một trong những sai lầm lớn nhất của mình. Đó là tôi luôn mong đợi ai đó đến bên cạnh tôi và làm cho tôi cảm thấy vui. Tôi đã luôn dựa vào người khác để tìm kiếm niềm vui. Mong đợi một người bạn nhớ đến mình và rủ đi cà phê, chẳng hạn. Hay là mong chờ anh chị em mua một cái bánh kem và hát Happy Birthday. Nếu có tôi sẽ sung sướng, vui vẻ, tích cực, thấy cuộc đời ý nghĩa. Nếu không, tôi thất vọng và dễ dàng để mình rơi tuột xuống, chìm nghỉm như tàu Titanic. Thói quen đó tệ đến mức, thậm chí, kể cả khi cuộc đời ta trở thành đống lộn xộn thì ta cũng ngồi đó, chờ đợi ai đó đến dọn dẹp giúp mình.

Trong khi, cuộc đời này, là của chính ta. Sinh nhật. Đó là một ngày đặc biệt trước hết là cho chính ta, bởi chính ta. Trước khi chờ đợi ai đó chúc mừng sinh nhật, tự ta nên chúc mừng chính mình. Rốt cuộc thì lòng ta muốn là đầm sen, hay là nhành cỏ úa? Đầm sen hay cỏ úa, là do ta mà thôi.

Tôi luôn muốn có vài cơ hội được thấy mình quan trọng giữa những người khác. Sinh nhật là cơ hội đó. Cả đám đông chúc mừng một người. Vì ngần ngại, hay sĩ diện, đôi khi ta chờ đợi lời chúc mừng tự phát. Ta xem đó là bằng chứng của sự quan tâm. Nhưng sự thật là ta có thể khiến mình trở nên quan trọng hay được quan tâm. Hay nói một cách khác, ta hãy chủ động trao tặng những người thân thiết một cơ hội để họ thể hiện sự quan tâm. Thay vì ngồi ủ rũ vì sự vô tâm hay quên lãng (hoàn toàn có thể tha thứ được) của ai đó, ta có thể nhấc điện thoại lên và gọi: “Hôm nay/ ngày mai/ngày kia/ tuần tới là sinh nhật tôi, đi cà phê nhé, đi ăn mừng nhé, đến nhà tôi lai rai nhé, tặng tôi một món quà bất ngờ nhé…”. Mười người thì ít nhất cũng được vài người hồ hởi tham gia… Mà nếu không có ai chăng nữa, thì cũng đâu có gì bi thảm nếu ta tự chúc mừng và tự mua cho mình món quà mình thích. Dù gì, đó cũng là sinh nhật của ta kia mà.

Bây giờ là tháng Năm. Tôi biết một chú bé đang đợi quà sinh nhật. Bởi vì chú đếm từng ngày và nhắc tôi mỗi sáng, và mỗi tối. Những đứa trẻ luôn nhắc người khác nhớ rằng đã sắp tới sinh nhật chúng rồi.

Sự thật là năm vẫn trôi đi mải miết, và tuổi đời ta cứ thế mà đếm lên theo. Nhưng ngày tháng vẫn cứ trở lại hoài để nhắc rằng ta từng là đứa trẻ. Dù đây là lần sinh nhật thứ bao nhiêu của bạn đi nữa, thì cũng hãy ăn mừng một cách hân hoan và hồn nhiên như một đứa trẻ. Và hãy giữ luôn đứa trẻ ấy trong tim mình. Bởi tôi nhớ có ai đó đã nói: “Tuổi của ta là tuổi của trái tim…”

Chúc mừng sinh nhật!

Yêu thương từ nơi rất xa

… Chiều nay gửi tới quê xưa

Biết là bao thương nhớ cho vừa

Trời cao chìm rơi xuống đời

Biết là bao sầu trên xứ người…

Thuyền viễn xưa - ý thơ HUYỀN CHI, nhạc PHẠM UY

Thường thường, người ta đi xa bao nhiêu lâu thì mới cảm thấy nhớ nhà?

Tôi đã không ít lần tự hỏi mình điều đó, mặc dù cũng như bạn, tôi biết rằng câu trả lời đơn giản là “tùy cảnh, tùy người”.

Nhưng tôi vẫn luôn hỏi mình câu đó, khi này khi khác… khi tôi sắp đi đâu xa, hay khi có ai đó sắp đi đâu xa. Tôi biết một người vừa bước chân khỏi nhà đã nhận ra nỗi nhớ.

Tôi cũng biết một người khác, mê mải dặm trường hai mươi năm, đến một chiều kia nhìn thấy trái xoài rụng ở Hawaii mới thực sự nhận ra nỗi nhớ nhà. Mà phải là trái xoài xanh rụng, chứ hai mươi năm ăn xoài xứ lạ mà có thấy nhung nhớ gì đâu…

“Bao nhiêu lâu người ta mới cảm thấy nhớ nhà?”. Thật ra, câu hỏi đó còn có một ý nghĩa khẳng định khác. Rằng, trước hay sau, bất cứ ai rồi cũng sẽ cảm thấy nhớ nhà.

Tôi biết nhiều bạn trẻ, rời làng quê ra thành phố học đại học, rồi ở lại lập nghiệp. Cuộc sống nhộn nhịp, và đầy niềm vui, thậm chí tràn trề hạnh phúc. Nhưng điều đó không ngăn được họ nhớ nhà.

Chỉ có điều… khi về lại nơi mình hằng tưởng nhớ, họ nhận ra tất cả đã đổi thay. Những con đường cũ. Mái hiên xưa. Cả những người thân yêu. Và chính họ… Đôi khi sự thay đổi mạnh mẽ đến nỗi không thể nào chấp nhận, và họ nhận ra mình không thể sống ở chốn xưa được nữa.

Điều kỳ lạ là khi trở lại với thành phố, họ vẫn nhớ nhà.

Chúng ta đó. Người trẻ, người già. Chúng ta đều vậy cả.

Đôi khi, chúng ta tưởng nỗi nhớ nhà liên quan đến con người. Nhưng không phải thế. Chúng ta tưởng nỗi nhớ nhà liên quan đến món ăn hay cảnh vật. Nhưng không phải thế. Không phải là những gì hiện hữu, không phải những gì có thể gọi tên. “Nhà” ở đây là một khái niệm khó định nghĩa. Đi càng xa thì khái niệm “nhà” càng rộng. Và nỗi nhớ càng mênh mông.

Thư của K., bạn tôi viết rằng: “Từ khi qua bên này đường như K. không thấy mình lớn lên nữa. Lúc nào cũng nghĩ về Việt Nam, về tuổi thơ của mình. Và thời gian hình như đã dừng lại từ ngà rời Việt Nam rồi”.

K. nhắc không thôi những kỷ niệm ấu thơ, những cây me ở góc đường, ngôi nhà cũ, bạn xưa. Chỉ tôi biết, chẳng còn gì ở đó, trong không gian thực. Trong khi ở nơi xa kia, K. lấy vợ, sinh con, hàng ngày lái xe đi làm để nuôi dưỡng một gia đình nho nhỏ. Vậy mà thấy như thời gian đã dừng lại lâu rồi.

Bao nhiêu người trở về chốn cũ, nhìn góc phố xưa giờ lạ lẫm, nhìn người xưa như ai đó, khi ra đi lại tiếp tục nhớ thương, không phải những gì vừa gặp lại mà là những điều giờ không còn nữa.

Và như thế, tôi nhận ra rằng dường như chúng ta luôn nhớ nhà như nhớ một ảo ảnh hạnh phúc mà ta ngỡ rằng mình đã bỏ quên. Nhưng không, chúng ta không bỏ quên. Mọi thứ chỉ đơn giản là biến mất. Vạn vật đổi thay. Bất khả vãn hồi.

“Còn hạnh phúc nào hơn là được quay về nhà? Và còn gì đáng buồn hơn là khi quay về nhà, và nhận ra mình không phải là một phần của nó?”. Câu này tôi nghe được trong một bộ phim nào đó lâu rồi…

Edgar Watson Howe cũng nói: “Cảm giác tệ nhất trên thế gian chính là nỗi nhớ nhà đến thường xuyên với một người, khi anh ta đang ở nhà”.

Cảm giác ấy, tôi cũng từng trải qua. Ở Sài Gòn, và tôi vẫn không nguôi thương nhớ Sài Gòn. Như một nỗi nhớ nhà. Nhớ nhà là một căn bệnh nan y. Giống như chứng nhức xương, nó dậy lên mỗi khi trời trở gió…

Điều đáng nói là, chúng ta nên giữ nỗi nhớ nhà như một ngụm nước mát trong chiếc bình ký ức, để dành khi khát trên chặng đường xa, thay vì đắm chìm vào nó như một kẻ nát rượu. Nỗi nhớ, ký ức, đôi khi giống như một cái bẫy, nó đánh đắm chúng ta trong quá khứ dù ngọt ngào hay đắng cay.

Cô người mẫu da đen Tyra Banks, sinh ở California sau đó chuyển đến Paris từng tâm sự: “Paris là một trong những nơi đẹp nhất trên thế giới. Chẳng may, tôi quá nhớ nhà nên không thể thưởng thức được vẻ đẹp của nó”.

Khi đọc được câu này lần đầu tiên, tôi đã mỉm cười. Thật là một cách thông minh để ca ngợi quê hương mình. Nhưng lần thứ hai đọc nó, tôi nhận ra một ý nghĩa khác: đừng để nỗi hoài nhớ của riêng mình ngăn cản ta tìm hiểu thế giới và tận hưởng hiện tại. Đừng để nó ngăn cản mình lớn lên.

Tôi biết rằng một khi ta đã cảm thấy nhớ nhà, lòng ta sẽ khác. Chắc chắn như vậy, lòng ta sẽ khác. Khi chúng ta nhận ra mình nhớ là khi ta nhận ra mình đang yêu. Yêu thương một người, một gia đình, một làng quê, một thành phố hay một đất nước…

Đó chính là lý do mỗi chúng ta đều cần trải qua cảm giác nhớ nhà. Và để có cảm giác đó chúng ta phải ra đi. Bạn có thể dễ dàng trở về, cũng có thể khó quay trở lại.

Bạn có thể tìm lại những cảm xúc cũ xưa sau rất nhiều năm tháng cũng có thể không. Khả năng thứ hai thường xảy ra hơn. Nhưng hãy bình tâm, bởi Helen Keller nói đúng, rằng: “Những điều tốt nhất và đẹp nhất trong thế gian này là không thể nhìn thấy hay chạm đến được - chúng phải được cảm nhận bằng trái tim”.

Nếu như bạn nhớ nhà, hãy nhận ra rằng đó chính là yêu thương, và hãy để nó là yêu thương, chứ không phải luyến tiếc, tủi hờn hay oán giận. Bạn biết chăng, nỗi nhớ nhà sẽ khiến bạn nhận ra rằng chúng ta luôn có thể yêu thương từ một nơi rất xa. Và tình yêu thương, cho dù là yêu thương một ảo ảnh của hạnh phúc, thì vẫn luôn là một khởi đầu đẹp đẽ…

Một ngày nào đó, bạn sẽ ra đi. Và tôi mong rằng tất cả những người trẻ đều có dịp đi xa. Lên thành phố học đại học. Lập nghiệp ở tỉnh khác. Ra nước ngoài du học, định cư. Hay thường xuyên nhất, đi du lịch.

Khi ấy, thêm một lần nữa, hãy trả lời giùm tôi câu hỏi: “Mất bao lâu để bạn cảm thấy nhớ nhà?”

break
(Cao H)Câu Dẫn Cầm Thú Giáo Sư Nhà Bên
Ngôn tình Sắc, Sủng, HIện Đại
Cùng Trúc Mã Luyện Tập Kỹ Năng
Ngôn tình Sắc, Sủng
Chỉ Mê Đội Trưởng Đội Bóng Rổ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Nữ Cường
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc