Đúng là đã rất nhiều lần Bàng Sảnh nói không muốn ngồi cùng bàn với Cố Minh Tịch. Nhất là sau khi vào lớp ba, lũ trẻ bắt đầu cao lên làm cô giáo Lê phải thường xuyên điều chỉnh chỗ ngồi. Người lùn, mắt cận thì được chuyển lên bàn trên còn người cao hay mắt sáng thì chuyển xuống những bàn dưới.
Chỉ có vị trí của Bàng Sảnh và Cố Minh Tịch là chưa bao giờ di chuyển, kể cả có thay đổi phòng học thì cô và Cố Minh Tịch cũng như tài sản cố định được trói chặt, lúc nào cũng chiếm trọn góc cuối bên cạnh cửa sổ trong lớp.
Bàng Sảnh sinh vào tháng tám, là đứa nhỏ tuổi nhất trong lớp, cô không cao mà lại bị cố định ở bàn cuối nên chắc chắn sẽ thấy không vui. Với lại cách chỗ họ không xa là nơi để chổi quét nhà, xẻng hót rác, thùng đựng rác… mùa hè rác rưởi trong thùng nhiều nên không tránh khỏi có mùi hôi bốc lên. Bàng Sảnh đã từng than thở vô số lần vì điều này nhưng do việc đọc sách, viết lách của Cố Minh Tịch khá đặc biệt nên cậu không thể ngồi vào những bàn học bình thường khác trong lớp. Vậy nên đã có một thời gian Bàng Sảnh suốt ngày kêu ca không muốn ngồi cùng bàn với Cố Minh Tịch nữa.
Cố Minh Tịch không có ý kiến gì, cũng không tỏ ra phật lòng. Vừa vào lớp bốn cậu còn chủ động tìm giáo viên chủ nhiệm đề nghị cô giáo sắp xếp cho Bàng Sảnh ngồi lên trên.
Cậu bảo: “Cô ơi, cô cho Bàng Sảnh đổi chỗ định kỳ như các bạn khác đi ạ, em ngồi một mình ở dưới cũng được, bây giờ em đã có thể dùng chân làm việc một cách nhuần nhuyễn rồi, bình thường cũng không cần Bàng Sảnh giúp gì cả.”
Tất nhiên cô giáo sẽ không dễ dàng chấp nhận lời đề nghị của cậu. Trong cuộc họp phụ huynh sau kỳ thi giữa học kỳ, cô giáo bèn gọi Lý Hàm và Bàng Thủy Sinh ra ngoài rồi kể chuyện này lại cho hai người nghe.
Cô giáo Lê biết lý do Bàng Thủy Sinh sắp xếp cho con gái ngồi cạnh Cố Minh Tịch là vì hai đứa trẻ lớn lên từ bé với nhau, đã quen với cách sống của nhau nên Cố Minh Tịch sẽ không quá dè dặt trước Bàng Sảnh vì cơ thể khiếm khuyết của mình. Mặt khác, mọi người đều cho rằng Bàng Sảnh là con gái sẽ cẩn thận tỉ mỉ hơn, có thể chăm sóc Cố Minh Tịch kỹ lưỡng hơn trong mọi việc hàng ngày.
Còn bây giờ cả hai đứa trẻ đều đã có ý không muốn ngồi cạnh nhau nữa, dĩ nhiên cô giáo phải xin ý kiến hai vị phụ huynh.
Nghe cô giáo Lê kể ngọn ngành sự việc, sắc mặt Lý Hàm hơi tệ, chắc chắn chị không muốn Cố Minh Tịch phải ngồi một mình ở góc lớp nhưng chọn một bạn khác tới ngồi cạnh… Đến cả Bàng Sảnh – người hiểu rõ căn nguyên mọi chuyện còn không thích thì phải chăng những người khác còn thấy ghét con trai mình hơn không? Chẳng may bạn cùng bàn mới bắt nạt Cố Minh Tịch thì sao?
Thấy chị cúi đầu không nói năng gì, Bàng Thủy Sinh liền hiểu ngay, anh nói với cô giáo chủ nhiệm không cần cho Bàng Sảnh đổi chỗ, về nhà anh sẽ thuyết phục con gái.
Cách thuyết phục của Bàng Thủy Sinh chính là đánh Bàng Sảnh một trận nhừ tử, đánh đến khi mông cô bé đỏ chót, khóc hết nước mắt.
Hôm sau, cô bé Bàng Sảnh với đôi mắt đỏ hoe đến trường cùng Cố Minh Tịch, cô đang giận dỗi nên hoàn toàn chẳng để ý gì đến cậu. Cố Minh Tịch chủ động bắt chuyện thì cô lại quay đi không thèm nhìn cậu. Đến giờ ăn trưa, cô thậm chí còn không lấy đồ ăn cho cậu, hết cách, Cố Minh Tịch đành chờ đến khi các bạn khác nhận hết mới nhờ lớp phó đời sống mang cặp lồng đến bàn cho mình.
Bàng Sảnh chỉ cắm cúi ăn suất của mình, cô thấy mình chẳng làm gì sai, tất cả đều tại Cố Minh Tịch không ra gì! Không muốn đổi chỗ thì thôi, sao lại đi méc cô làm gì? Hại cô bé bị bố giã cho một trận nên thân!
Đến khi kết thúc tiết học đầu tiên của buổi chiều thì cuộc chiến tranh lạnh đến từ một phía này mới chấm dứt. Cố Minh Tịch ra ngoài một mình, lúc về, đầu cậu lệch sang một bên, kẹp giữa má và vai là một túi kẹo socola Mylikes.
Cậu khom lưng xuống trước mặt Bàng Sảnh, “bụp” một tiếng, túi kẹo Mylikes rơi lên mặt bàn cô.
“Em ăn đi.” Cậu nói.
Bàng Sảnh hơi đỏ mặt. Cố Minh Tịch ngồi vào chỗ của mình, nhìn cô một lúc rồi hỏi: “Sao hôm nay em lại khó chịu thế? Đau bụng à?”
Cậu bé mười tuổi hỏi cô, vẻ quan tâm nồng đượm trong giọng nói làm đầu óc Bàng Sảnh rối bời.
Cô lặng lẽ kéo túi kẹo Mylikes lại gần, bóc vỏ rồi nhét một viên vào miệng.
Vị ngọt của socola lan tỏa trên đầu lưỡi, cô quay sang nhìn Cố Minh Tịch ngồi bên cạnh, đôi mắt trong veo của cậu đang mở to nhìn cô, Bàng Sảnh chợt nhớ đến trận đòn vô lý mình phải chịu liền thấy bản thân thật ấm ức. Giọng thoáng nghẹn ngào, cô nói: “Em không đổi chỗ nữa! Nhưng từ giờ trở đi anh phải cho em chép bài tập toán.”
Cố Minh Tịch: “…”
“Anh còn phải cho em chép bài trong giờ kiểm tra toán nữa.” Vừa nghẹn ngào nói Bàng Sảnh vừa nhét thêm một viên kẹo Mylikes nữa vào miệng: “Với lại anh phải vẽ tranh cho em trong giờ mỹ thuật. Nếu giờ khoa học phải đào giun, nuôi tằm con anh sẽ phải làm hết, em sợ nhất là sâu! Chưa hết, anh không được méc với cô chủ nhiệm và bố em nữa.”
Cố Minh Tịch hơi há miệng nhưng chẳng thốt lên lời.
Bàng Sảnh lườm cậu: “Anh không chịu hả?”
“Những việc khác thì ok, nhưng toán… thì không được.” Cố Minh Tịch nhếch miệng, “Em không hiểu chỗ nào anh dạy em.”
Đến đây, cuộc phong ba đổi chỗ ngồi tạm dừng lại, từ đó trở đi, Bàng Sảnh không còn nhắc gì đến việc đổi chỗ nữa.
***
Kết thúc kỳ thi cuối học kỳ cũng là lúc được nghỉ tết.
Tết năm đó cả nhà Cố Minh Tịch không có ở thành phố E mà đến miền Bắc thăm một thành phố nhỏ tại tỉnh Z – quê của Lý Hàm, ông bà ngoại, bác gái và cậu của Cố Minh Tịch đều sống ở đó.
Cố Minh Tịch nói với Bàng Sảnh là từ ngày cậu bị thương, mẹ cậu chưa được về quê lần nào, năm nay ông bà rất nhớ cả nhà con gái nên Cố Quốc Tường và Lý Hàm mới quyết định đưa Cố Minh Tịch đến đó ăn tết. Tết xong, cả nhà họ sẽ đến thẳng Thượng Hải rồi mới về thành phố E.
“Anh hỏi mẹ rồi, mẹ anh bảo anh sẽ không chuyển trường đến Thượng Hải nữa.” Trước khi đi, Cố Minh Tịch mỉm cười nói với Bàng Sảnh.
Bàng Sảnh hỏi: “Thế anh đến Thượng Hải làm gì?”
“Anh không biết, mẹ anh không chịu nói.” Cố Minh Tịch nhún vai: “Khi nào đi mới biết được.”
Cố Minh Tịch đi suốt hai mươi ngày. Đây là lần hai đứa trẻ xa nhau lâu nhất kể từ khi Bàng Sảnh có ký ức. Từ nhỏ đến lớn hầu như ngày nào họ cũng gặp nhau, Bàng Sảnh nhận ra lâu lâu không được gặp Cố Minh Tịch cũng làm cho cô rất nhớ cậu.
Mãi đến khi sắp hết đợt nghỉ tết, cả nhà họ mới trở về.
Cả nhà Cố Quốc Tường đi vào khu tập thể đúng lúc Bàng Thủy Sinh đứng trên ban công hút thuốc lá, anh liền gọi với vào phòng Bàng Sảnh: “Sảnh Sảnh, Minh Tịch về rồi kìa!”
Bàng Sảnh đang nằm trên giường xem phim liền bật dậy ngay lập tức, xỏ dép phóng ra ngoài.
Xuống đến tầng ba cô nghe thấy tiếng bước chân trên cầu thang, chẳng bao lâu sau, cả nhà Cố Quốc Tường đã xuất hiện ngay trước mắt cô bé.
Bàng Sảnh nhìn thấy Cố Minh Tịch đi sau Cố Quốc Tường, cậu mặc áo khoác lông mới tinh, tóc hơi bù xù. Gặp Bàng Sảnh, Cố Minh Tịch thoáng ngỡ ngàng rồi lên tiếng chào cô: “Chúc mừng năm mới Bàng Bàng!”
“Cháu chúc mừng năm mới hai bác ạ.” Bàng Sảnh không quên chào hỏi Cố Quốc Tường và Lý Hàm rồi cùng gia đình họ đi lên tầng năm. Thấy Bàng Sảnh cứ ngượng nghịu đi theo nhà mình, Cố Minh Tịch bèn nói với Cố Quốc Tường: “Bố ơi, con qua nhà Bàng Sảnh chơi một lúc nhé?”
“Ừ.” Cố Quốc Tường nhìn cậu rồi kéo va ly vào nhà.
Lúc Cố Minh Tịch theo Bàng Sảnh vào nhà số 501 thì bất ngờ bị Lý Hàm gọi lại, chị lấy một bọc nilon nhỏ trong túi ra đưa cậu, Cố Minh Tịch đỏ bừng mặt, nghiêng đầu kẹp bọc đồ.
Hai đứa trẻ vừa vào đến phòng đến phòng Bàng Sảnh, cô đã vội vàng hỏi cậu: “Cố Minh Tịch, rốt cuộc anh đi Thượng Hải làm gì thế?”
Cố Minh Tịch vẫn vẹo đầu giữ lấy bọc đồ, cậu ngồi xuống mép giường liền chớp chớp mắt với Bàng Sảnh, nói: “Đây là quà năm mới anh tặng em, em tự lấy đi.”
“Woa, em còn có quà kia à?” Bàng Sảnh vui vẻ lấy túi đồ dưới má Cố Minh Tịch ra, mở ra xem thì thấy hai chiếc kẹp tóc màu vàng nhạt, cô vui vẻ nói: “Cảm ơn anh nhé.”
“Anh mua ở Thượng Hải đấy.” Mặt Cố Minh Tịch vẫn đỏ hây hây, cất giọng thật khẽ: “May mà em thích.”
Bàng Sảnh ngồi xuống cạnh cậu, hỏi: “Anh có được đi tàu điện ngầm ở Thượng Hải không?”
“Có.” Cố Minh Tịch gật gù.
Bàng Sảnh tỏ vẻ rất hâm mộ: “Có vui không?”
“Vui.” Cố Minh Tịch nói: “Tàu điện ngầm chạy nhanh lắm, cứ lần lượt hết trạm này đến trạm kia, vù một cái đã... đã xuống lòng đất rồi, chẳng thấy gì qua cửa sổ xe cả.”
Bàng Sảnh vẹo đầu thầm tưởng tượng trong lòng thì nghe thấy Cố Minh Tịch nói tiếp: “Đúng rồi, anh còn đi máy bay nữa.”
“Máy bay?!” Bàng Sảnh há hốc miệng: “Chẳng phải anh đi tàu hỏa đến tỉnh Z sao?”
“Ừ, nhưng sau đó đi máy bay từ tỉnh Z đến Thượng Hải, không mua được vé tàu trong khi mẹ anh lại không đi được xe khách, mẹ anh bị say xe.” Gương mặt Cố Minh Tịch thấp thoáng vẻ phấn khích: “Nhìn máy bay thì thấy rất to nhưng thực ra bên trong lại bé xíu, không rộng rãi gì hết. Lúc cất cánh, tiếng động rất lớn đến ù cả tai. À! Trên máy bay còn có đồ ăn đồ uống nữa, mà lại không phải trả tiền.”
Cậu nói xong một tràng dài, Bàng Sảnh thấy hay ho nên thỉnh thoảng cũng xen vào hỏi mấy câu.
Hai đứa trẻ không gặp nhau suốt gần một tháng trời nên nói mãi vẫn chưa hết chuyện. Chỉ một lát sau, chủ đề đã chuyển sang những việc đã làm trong Tết. Cố Minh Tịch nói với Bàng Sảnh là đã rất lâu cậu không được gặp ông bà ngoại nhưng ở miền Bắc, họ bảo Minh Tịch gọi là ông ngoại, bà ngoại (Ghi chú: ở Miền Bắc và Miền Nam của Trung Quốc gọi nội ngoại khác nhau về mặt phát âm). Cậu còn nói tuyết ở Miền Bắc mới thực sự là “bông tuyết to bằng lông ngỗng”, đóng băng dày đến nửa mét trên mặt đất, giẫm xuống là quá đầu gối.
“Nhưng trong nhà có lò sửa nên ấm lắm, không lạnh giá như ở đây.” Cậu nhìn cô cười khúc khích: “Bàng Bàng, Tết em làm gì?”
Bàng Sảnh nghiêng đầu: “Em chẳng đi đâu cả, chỉ đến nhà họ hàng ăn cơm và lấy tiền mừng tuổi thôi, nhưng bị mẹ em tịch thu hết rồi.” Rồi cô chợt nhớ ra một chuyện rất quan trọng liền lao đến bàn học lấy bài tập toán ra: “Cố Minh Tịch, Cố Minh Tịch, anh đã làm hết bài tập chưa? Mau cho em mượn vở chép đi! Em không kịp làm mất!”
“…”
Lúc Cố Minh Tịch ra về, Bàng Sảnh lại hỏi cậu lần nữa: “Ê, anh vẫn chưa nói cho em bố mẹ đưa anh đến Thượng Hải làm gì!”
Gương mặt cậu bé lại đỏ bừng một cách khó hiểu, khẽ nói: “Ừm… Mấy hôm nữa anh nói được không?”
“Sao lại thế?”
“Bây giờ… anh vẫn chưa chắc chắn.” Đôi mắt cậu khép lại, giọng nói hơi căng thẳng: “Một tháng nữa mới biết.”
Học kỳ mới bắt đầu không bao lâu sau khi Cố Minh Tịch trở về. Cậu không bảo vệ được vở bài tập tết của mình nên bị Bàng Sảnh cướp mất tất cả vở bài tập toán, cô chép hết bài của cậu chỉ trong một buổi tối.
Câu chuyện mà cô hết sức tò mò trong đợt nghỉ tết bị khổ chủ nhanh chóng cho vào quên lãng, thế rồi đáp án bất ngờ đến vào một ngày trung tuần tháng tư.
Hôm đó Cố Minh Tịch rất khác lạ, phấn khởi, căng thẳng…. Trong giờ học cậu hơi xao nhãng rồi lại cười khúc khích một cách ngốc nghếch. Bàng Sảnh lấy làm lạ bèn hỏi: “Anh bị làm sao thế?”
Cố Minh Tịch lắc đầu, chân phải cậu kẹp cây bút chì bấm vẽ lung tung trên giấy. Được một lúc cậu nói: “Bàng Bàng, tối nay em sang nhà anh chơi nhé?”
Bàng Sảnh không hiểu: “Để làm gì?”
“Em chỉ cần sang một lúc thôi, mười phút là đủ.” Ánh mắt cậu đầy thiết tha: “Nhé?”
Tối đến Bàng Sảnh qua nhà Cố Minh Tịch theo lời hẹn, Lý Hàm ra mở cửa cho cô bé, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, chị nói: “Sảnh Sảnh, Minh Tịch đang đợi cháu trong phòng đó.”
Bàng Sảnh thấy lạ nhưng vẫn mở cửa phòng Cố Minh Tịch: “Cố Minh Tịch, em vào nhé.”
Bàng Sảnh nhoài người ngó vào trong phòng thì thấy trong phòng tối om, một bóng người đứng trước bàn học, che khuất ánh sáng từ chiếc đèn bàn.
Bàng Sảnh biết người đó là Cố Minh Tịch, cô đã quá quen với dáng vẻ của cậu nhưng lạ lùng là cô cứ có cảm giác cậu lúc này không như bình thường.
Cô đi vào phòng đứng trước mặt Cố Minh Tịch thì thấy gương mặt căng thẳng và những giọt mồ hôi lấm tấm dày đặc trên trán cậu bé, lúc này cô mới nhận ra điểm khác thường của cậu.
Dưới vai Cố Minh Tịch có thêm hai cánh tay.
Cậu mặc một chiếc áo sơ-mi dài tay, ngẩng đầu ưỡn ngực đứng trước mặt Bàng Sảnh, lại còn đeo cả khăn quàng đỏ. Bàng Sảnh nhớ chiếc áo sơ-mi này, trước đây khi Cố Minh Tịch mặc, tay áo bao giờ cũng trống không rủ xuống bên người nhưng hôm nay, trông cậu chẳng khác gì những cậu bé khác trong lớp, tay chân đầy đủ, khỏe khoắn cao ráo, thậm chí cậu còn đẹp hơn, phấn chấn hơn những người khác.
Bàng Sảnh bần thần nhìn cậu, Cố Minh Tịch vẫn nhìn cô bằng ánh mắt sáng rực rỡ rồi một lúc sau cậu lại cúi xuống nhìn đôi tay cứng ngắc của mình, khẽ mím môi nói: “Đây là cánh tay giả được đặt riêng mà anh làm ở Thượng Hải đợt tết, bố anh bảo sang năm lên cấp hai rồi, bố bảo anh đeo tay giả đến trường sẽ đẹp hơn.”
Sau đó Bàng Sảnh kéo tay trái cậu nhưng Cố Minh Tịch vẫn không mảy may động đậy. Bàng Sảnh cảm nhận được bàn tay và các ngón tay lạnh lẽo cứng ngắc, cảm giác rất khó chịu khiến cô nghĩ đến ma-nơ-canh đáng sợ trong tủ kính ở trung tâm thương mại.
Bàng Sảnh ngơ ngác đứng một lúc rồi hỏi: “Cố Minh Tịch, anh có thể sử dụng được cánh tay này không?”
“...” Cậu thoáng im lặng rồi lắc đầu nói: “Hình như là không.”
“Ăn uống, viết chữ, lấy đồ, hoàn toàn không dùng được á?”
Ánh sáng lấp lánh trong mắt cậu ảm đạm dần: “Không, bố anh bảo chỉ để đẹp thôi.”
“...”
Cố Minh Tịch gượng cười để lộ hai chiếc răng khểnh nho nhỏ, mặc dù giọng điệu có vẻ thoải mái nhưng lại thấp thoáng chút run rẩy: “Bàng Bàng, em thấy anh thế này có đẹp không?”
“Không đẹp.” Bàng Sảnh thu tay lại, mím môi nói vẻ chê bai: “Đẹp gì mà đẹp, chỉ là hai cánh tay giả chẳng có tí tác dụng nào! Xấu hoắc!”
Thậm chí cô bé còn lùi lại hai bước, cau mày lườm Cố Minh Tịch đang lộ rõ vẻ thất vọng: “Em về đây, mai đi học tốt nhất anh đừng mang theo cái thứ vớ vẩn này. Ghê chết đi được!”
“...”
Trước khi cậu kịp lên tiếng, cô đã quay người mở cửa bỏ chạy không một lần ngoảnh lại.
Từ đó về sau Bàng Sảnh không hề thấy Cố Minh Tịch dùng hai cánh tay giả kia nữa, thậm chí cô còn chưa kịp nhìn kỹ chúng, cũng không biết chúng được gắn lên người Cố Minh Tịch như thế nào. Cô chỉ biết sau khi nghe mình nói thế, lần đầu tiên Cố Minh Tịch đã khước từ yêu cầu của Cố Quốc Tường, nhất quyết không chịu đeo tay giả đi học
Cố Quốc Tường giận lắm, có lần uống rượu say, anh còn giáng cho con trai một cái bạt tai thật mạnh vì chuyện này.
Sao anh có thể không giận cho được. Vốn dĩ anh đã phải tận dụng hết các mối quan hệ mới tìm được cho Cố Minh Tịch một trường cấp hai tư thục có chất lượng rất tốt, hiệu trường trường đó đồng ý nhận Cố Minh Tịch vào học nhưng một trong các điều kiện là Cố Minh Tịch phải đeo tay giả khi đến trường, ít nhất như thế thì cậu trông sẽ không quá khác biệt với mọi người và không quá đáng sợ mỗi khi ra vào trường học hay tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Nhưng giờ đây, mọi chuyện đã bị đảo lộn và thất bại hoàn toàn.
Cố Quốc Tường lạnh lùng nhìn Cố Minh Tịch, nói: “Con có biết học sinh của trường tiểu học Cầu Tri sẽ được chuyển lên trường nào không? Đó là trường trung học Nguyên Phi, con có biết tỷ lệ học sinh Nguyên Phi đỗ vào các trường cấp ba trọng điểm mỗi năm là bao nhiêu không? Không quá 1/5! Cố Minh Tịch, nếu hôm nay con lựa chọn con đường này thì về sau đừng mong bố quan tâm đến con nữa!”
Cậu bé ương bướng quay đi, nói: “Vốn dĩ bố đã chẳng quan tâm gì đến con rồi. Từ sau khi con mất tay đến giờ đã lần nào bố đi họp phụ huynh cho con đâu!”
Lửa giận hừng hực trong lòng Cố Quốc Tường không sao kìm nén được nữa, anh giơ tay giáng cho Cố Minh Tịch một cái bạt tai. Không giữ được thăng bằng, Cố Minh Tịch bị đẩy lùi lại hai bước, va vào bức tường.
Cậu bị đau đến hoa cả mắt, Lý Hàm thì gạt lệ kéo Cố Quốc Tường lại. Cũng chỉ có những khi ở nhà, đối diện với vợ con mình Cố Quốc Tường mới mất bình tĩnh đến thế, anh chỉ tay vào Cố Minh Tịch, cơn giận làm giọng anh run rẩy: “Mày... Mày nói gì hả?!”
Cố Minh Tịch đứng vững một cách khó nhọc, cậu cúi xuống, cọ má lên vai mình – đau rát, cậu khẽ cất tiếng nói: “Bố, con đồng ý học trường trung học Nguyên Phi, con đảm bảo với bố là chắc chắn sẽ thi đỗ trường cấp ba trọng điểm. Không chỉ một mình con thi đỗ trường cấp ba trọng điểm mà con cũng sẽ làm cho Bàng Sảnh thi đỗ.”
Mắt cậu vẫn cụp xuống không nhìn thẳng vào Cố Quốc Tường, cuối cùng cậu cất giọng nhỏ hơn nữa: “Con sẽ không làm cho bố phải xấu hổ đâu!”
Một năm sau, từ trường tiểu học Cầu Tri, Cố Minh Tịch và Bàng Sảnh được chuyển lên trường trung học Nguyên Phi chỉ cách khu tập thể kim khí ba cây số một cách hoàn toàn thuận lợi.