Đêm đó, Trì Thanh Ngọc đưa Lam Hạo Nguyệt trở về căn nhà nhỏ dưới núi. Nàng nhớ chàng vẫn chưa ăn cơm tối, liền muốn giữ chàng ngồi lại một chốc. Thế nhưng chàng từ chối ý tốt của nàng một cách rất lịch sự, muốn quay ngược lên núi. Nàng vội vội vàng vàng ngăn chàng lại, nói: “Vậy tôi làm cho anh chút bánh lót dạ, mang theo trên đường mà ăn.”
Chàng chần chờ, như muốn nói gì đó, nhưng vẫn yên lặng đứng ở ngoài cửa.
Lam Hạo Nguyệt xưa nay làm gì cũng nhanh nhẹn nay quýnh cả lên, va đập vào chỗ nấu nước lung tung, mất cả buổi trời mới làm xong cái bánh nướng, lấy giấy dầu gói kĩ, đưa tới tay chàng.
“Cảm ơn.” Chàng rất nhã nhặn, nhưng vẫn mang theo vài phần lạ lẫm. Chàng xoay người, cầm dù, nhưng tay kia còn phải cầm gậy, không tiện mang theo bánh nàng làm cho. Lúc này Lam Hạo Nguyệt mới hiểu vì sao ban nãy chàng chần chờ muốn từ chối, không khỏi hối hận khi mình đã suy nghĩ không chu toàn.
“Không thì tôi lại che dù cho anh, tiễn anh một chút…” Nàng ngơ ngơ ngác ngác nói.
Trì Thanh Ngọc lại khẽ mỉm cười một cái, buông dù xuống, bảo: “Vậy thì lúc đó lại phải đưa đi đưa về không nghỉ mất.” Nói xong, giơ bọc giấy trong tay lên, thong thả ăn.
Nàng đeo tạp dề, tay vẫn còn dính bột mì, mở to mắt nhìn chàng. Ánh lửa của ngọn đèn dầu trên bàn cứ lung lay, Lam Hạo Nguyệt cảm thấy mặt mình hơi nóng.
“Tôi làm theo cách ở quê, anh, ăn có quen không?” Nàng thăm dò hỏi.
“Cô là người ở đâu?” Chàng hỏi rất bình thường.
Nàng hơi do dự, thấp giọng đáp: “Hành Dương.”
“À, Hành Dương…” Trì Thanh Ngọc cầm bọc giấy, suy nghĩ, nói, “Cách xa nơi này phải không?”
“Vâng…” Lam Hạo Nguyệt vô thức xoa hai gò má, quay người đi. Trong lòng nàng bỗng có cảm thấy bi thương, không dám nhìn chàng.
Chàng lại như đang nghĩ tới điều gì, sau đó nói: “Đúng rồi, cô họ Lam phải không?”
Lam Hạo Nguyệt ngẩng đầu nhìn chàng, khẽ nhíu mày hỏi: “Đúng vậy. Sư phụ không nói với anh à?”
“Ông ấy từng nói.” Trì Thanh Ngọc băn khoăn đáp, “Nhưng ban đầu tôi không để ý lắm…”
Nàng lấy hết dũng khí, trả lời: “Tôi tên là Lam Hạo Nguyệt.”
“Lam Hạo Nguyệt…” Chàng chầm chậm ghi nhớ, sau đó cũng hơi ngẩng mặt lên, bảo, “Tôi họ Trì, Trì Thanh Ngọc.”
Nàng hít một hơi thật sâu, gượng cười: “Tên này, hay lắm.”
“Cảm ơn. Tôi phải đi về, cô cũng đừng ra ngoài nữa.” Chàng cầm ô và gậy trúc, xoay người đi ra cửa, bỗng hơi ngừng lại một chút, “À, còn nữa, bánh cô làm, ăn rất ngon.”
***
Sau đó, Lam Hạo Nguyệt vẫn thường đến lúc mặt trời vừa mọc, cuối ngày lại về. Nhưng ngoài những lúc ghé nhà chàng nghỉ ngơi, hai bên có bắt chuyện với nhau, cũng không trao đổi gì nhiều.
Nàng vẫn ngồi dưới tàng cây nhìn như trước, chàng vẫn ngồi trước cửa sổ khắc chữ như xưa. Mọi chuyện vẫn bình thản như nước.
Chớp mắt, mấy ngày mùa hạ đã trôi qua, gió mát hiu hiu, trời càng xanh mây càng dày. Đã mấy ngày liền nàng không lên núi.
Hải Quỳnh Tử vẫn ra khỏi nhà vào sáng sớm như trước, chỉ là bên cạnh lại thiếu bóng dáng của Lam Hạo Nguyệt. Dường như ông vẫn không phát hiện, vẫn thong dong tự tại hái thuốc rồi nghiền, thi thoảng ra ngoài chữa bệnh trừ tà cho sơn dân, dường như đã quên mất sự tồn tại của Lam Hạo Nguyệt.
Ban đầu Trì Thanh Ngọc cứ cho rằng Lam Hạo Nguyệt bận gì đó, nhưng một ngày lại một ngày, hoàng hôn buông xuống, trước nhà vẫn thiếu tiếng nói của nàng.
Chàng cứ khắc rồi khắc, động tác trong tay chậm hơn rồi.
Sẩm tối ngày thứ ba, sư phụ vẫn đi về một mình, chàng đứng dậy mở của, hơi do dự một lát, không kiềm được mà hỏi: “Sư phụ, Lam cô nương kia đâu rồi?”
“Lam cô nương?” Hải Quỳnh Tử ngẩn ra, cởi sọt trúc xuống, “Thầy chưa nói với con à? Cô ấy bị bệnh.”
“Bị bệnh?!” Trì Thanh Ngọc không khỏi ngạc nhiên, lại có vẻ không vui, “Thầy nói với con khi nào…”
Hải Quỳnh Tử cười ha hả, “Già rồi, đương nhiên là không nhớ rõ. Mấy hôm trước thầy xuống núi mua gạo thì gặp cô ấy, cô ấy đang đến tiệm thuốc, thế nên thầy mới biết đó chớ.”
“Thầy không xem bệnh cho cô ấy sao?” Trì Thanh Ngọc thắc mắc hỏi.
“À à, bắt mạch rồi, hình như bệnh cũng không nhẹ, cần phải nghỉ ngơi nhiều hơn.” Hải Quỳnh Tử dứt lời, lại một mình ra khỏi phòng nấu cơm.
Hai ngày sau, Lam Hạo Nguyệt vẫn không xuất hiện. Trì Thanh Ngọc nghe thấy sư phụ vẫn thản nhiên một mình ra vào, không nhịn được mà nói: “Sư phụ, Lam cô nương kia, bệnh nặng lắm ạ?”
“Đúng vậy, hình như đã nhiều ngày không thấy con bé tới rồi.” Hải Quỳnh Tử vuốt chòm râu, đưa hòm thuốc cho chàng, “Hôm nay thầy có việc bận rồi, con giúp thầy tới thăm cô ấy một chút đi.”
***
Trì Thanh Ngọc rất hiếm khi rời khỏi sơn cốc này, đêm đưa nàng về hôm đó cũng là lần duy nhất đến chỗ nàng ở. Vì thế, chàng dựa vào những ấn tượng ít ỏi rồi mò mẫm xuống dưới núi, hỏi đường nhiều lần mới tìm được căn nhà gỗ nho nhỏ kia.
Lúc chàng đi tới trước nhà thì Lam Hạo Nguyệt đang bưng chén thuốc ra ngoài.
Nàng đứng sững sờ, nhìn chàng trai mặc áo xanh, vai đeo hòm thuốc. Chàng rũ mi cúi mắt, dưới lông mày là vết thương nhàn nhạt.
“Sức khỏe cô có khá hơn chưa?” Trì Thanh Ngọc đứng một chỗ cách nàng không xa, có phần câu nệ.
Trái tim nàng lúc cao lúc thấp, căng thẳng không biết nói gì. “… Vẫn, vẫn ổn.”
Hình như chàng có hơi xấu hổ, nắm quai của hòm thuốc, nói: “Cô uống thuốc rồi à? Tôi còn mang hòm thuốc tới…”
“Không, tôi vẫn chưa uống.” Nàng giấu bát thuốc ra sau lưng theo bản năng.
“Nhưng mà tôi có ngửi thấy mùi thuốc.” Chàng nghi ngờ nói.
“À… Đó là đồ ăn tôi nấu cháy…”
Lam Hạo Nguyệt đưa chàng vào nhà, ngồi bên bàn nhỏ như đứa trẻ, im lặng để chàng bắt mạch. Đầu ngón tay chàng lành lạnh, chạm lên da thịt nàng, nàng liền rũ mắt.
Chàng hỏi tình trạng gần đây của nàng một cách rất cẩn thận, lại hỏi nàng có giấy bút không. “Chữ tôi viết không đẹp, sợ người khác không đọc rõ. Cô nói biết viết chữ thì tự ghi đi. Vì trong hòm thuốc của tôi vẫn còn thiếu vài dược liệu…”
Trì Thanh Ngọc nghiêm túc nói, Lam Hạo Nguyệt lại chỉ mải nhìn chàng, không để ý tới những lời dặn kia
“Sao anh lại tới đây?” Nàng thấp giọng hỏi.
Chàng hơi ngẩn ra: “Mấy ngày rồi mà cô vẫn chưa lên núi, tôi nghe sư phụ nói cô ngã bệnh, vì thế nên…”
Lam Hạo Nguyệt xuất thần một lúc, đứng dậy tìm giấy bút cho chàng. “Anh viết đi, tôi đọc được.”
Chàng ngẩn người, lại gấp giấy kia thành nhiều lớp, lưu lại nhiều dấu vuông, sau mò mẫm để xác định phương hướng lớn nhỏ rồi mới viết xuống. Nàng ngồi bên cạnh lặng lẽ nhìn, ngòi bút lông sói khẽ khàng lướt rồi đè lên mặt giấy trắng, viết những con chữ ngay ngắn thẳng hàng.
Trước khi chia tay, Trì Thanh Ngọc lại dặn dò một hồi, Lam Hạo Nguyệt mím môi cười. Chàng cảm giác nàng không để ý nghe lời chàng dặn, cau mày nói: “Cô đừng nhớ lầm, lúc nấu thuốc phải chú ý vào.”
“Tôi nhớ rồi.” Nàng dựa vào cửa nhìn lá phong ở sườn núi dần đổi sang màu vàng đỏ chói mắt, bèn nói, “Gần động Hoa đào cũng có cây phong nhỉ…” Nàng vốn lẩm bẩm, thế nhưng Trì Thanh Ngọc lại tưởng nàng đang nói với mình, ngẩn ra nói: “Tôi không biết.”
Lam Hạo Nguyệt sực tỉnh, bỗng dưng kí ức năm đó khi nghe chàng thổi sáo dưới tàng cây ùa về, cảm thấy hơi hụt hẫng.
“Lam cô nương?” Chàng gọi, nàng mới phục hồi tinh thần, gượng cười nói: “Không có gì, chỉ là tôi đang nhớ tới cây phong ở quê nhà thôi…”
***
Trì Thanh Ngọc cảm thấy Lam Hạo Nguyệt có phần hoang mang ngẩn ngơ, cũng không nói gì nữa, một mình mang hòm thuốc về lại bên động Hoa đào. Hải Quỳnh Tử đang ngồi thiền, nghe thấy tiếng bước chân, lập tức mở mắt ra hỏi: “Sao mới đi mà đã về rồi?”
“Con không muốn quấy rầy cô ấy nghỉ ngơi…” Chàng bước qua cửa, đột nhiên khựng lại, “Sư phụ, không phải thầy bảo có việc bận ư, sao lại không ra ngoài?”
“Thầy bận nghiền thuốc, chẳng lẽ không phải là bận à?” Ông đưa mắt dò xét chàng, thấy chàng đang không nhanh không chậm dọn dẹp bàn, bèn bảo, “Thanh Ngọc, bây giờ con có thể tự sống một mình chứ?”
Trì Thanh Ngọc nghiêng mặt, “Vì sao đột nhiên thầy lại nói tới chuyện này.”
“Thầy muốn về Lĩnh Nam một chuyến.” Hải Quỳnh Tử chắp tay ra sau lưng đi tới bên cạnh chàng, “Lâu rồi chưa về, các sư huynh sư tỷ của con sẽ nói thầy không đếm xỉa tới Thần Tiêu cung mất.”
“Con thì sao?” Trì Thanh Ngọc nhíu mày.
“Con à?” Hải Quỳnh Tử vỗ vỗ lên vai chàng, “Sức khỏe con vẫn còn chưa tốt, cứ ở lại đây đi.”
Trì Thanh Ngọc cảm thấy hơi bối rối.
Quả nhiên, ngay ngày hôm sau sư phụ đã vác hành lý xuống núi, trước khi đi có để lại một ít tiền cho chàng.
Trì Thanh Ngọc ở lại một mình trong sơn cốc, bắt đầu cuộc sống chỉ có một mình. Khi thì ngồi trước nhà đốn củi nhóm lửa, lúc đến bên bờ đầm hái chút rau dại. Lúc đi qua cánh rừng, chàng dừng lại, đưa tay sờ thân và lá cây, cẩn thận phân biệt từng loại.
Nhưng suốt thời gian đó, cô gái vẫn thường xuyên vào núi vẫn chưa từng xuất hiện trở lại.
Lúc hoàng hôn, chàng vẫn ngồi trước cửa sổ khắc thẻ tre như trước, thế nhưng, trước nhà chỉ có tiếng lá cây xào xạc. Chàng cảm thấy có chút vắng vẻ, cô đơn.
***
Chàng lại tìm cách xuống núi lần nữa.
Lần này để mua gạo và dầu, nhân tiện hỏi thăm bệnh tình nàng đã đỡ hơn chưa mà thôi. Chàng tự nhủ như thế.
Lúc trở về từ thị trấn, trong thôn nhỏ ồn ào tiếng nói cười, đúng là đang giờ cơm tối. Trì Thanh Ngọc tìm được chỗ ở của cô nương kia rồi, chàng vẫn nhớ rõ, trước cửa có một gốc hòe to. Do dự gõ cửa, thế nhưng lại không nghe thấy tiếng trả lời ở trong.
Chàng lại đợi một lát, có một bà cụ đi ngang qua, nói: “Cậu tìm người ở đây à? Hình như cô ấy đi rồi.”
“Đi rồi?!” Trì Thanh Ngọc giật mình, không nhịn được mà xoay người lại hỏi, “Đi đâu vậy?”
“Già cũng chả biết, hồi sáng già thấy cô ấy đang thu dọn hành lý, giống như định rời đi.”
Nhất thời Trì Thanh Ngọc đờ đẫn, đứng trước cửa nhà không lên tiếng, thậm chí bà cụ kia đi từ lúc nào cũng chẳng hay.
Những thứ sau vai nặng trình trịch, chàng vác hơi mệt, thế nên dỡ sọt trúc xuống, ngồi ở cửa nhà nàng, nghĩ rằng có lẽ nàng không đi thật đâu, có lẽ nàng chỉ ra ngoài mua đồ mà thôi… Nhưng đợi mãi đến khi trong thôn dần thưa thớt không còn tiếng động nữa, đợi đến khi các nhà đều đóng cửa, nàng vẫn chưa về.
Gió đêm thời điểm giao mùa thu hè hơi se lạnh. Lúc chàng tựa vào cửa sắp ngủ mất rồi thì phía trước có tiếng bước chân rất vội, vừa đến gần thì bỗng nhiên đứng lại.
Trì Thanh Ngọc bừng tỉnh trong ngẩn ngơ, lập tức đứng dậy. Cô gái phía trước đã mở miệng: “Sao anh lại ngồi ở đây?”
“Tôi muốn hỏi sức khỏe cô thế nào… Nhưng có người lại nói cô đã đi rồi…” Chàng thấp giọng nói.
Sau vai Lam Hạo Nguyệt vẫn còn đeo bọc đồ, đi tới một bước, nói: “Đúng thế, tôi vốn vẫn muốn đi, có điều vào thành trễ nên không kịp lên đò.”
Chàng rầu rĩ nói: “Cô có việc gấp sao?”
“Cũng không có việc gì gấp, chỉ là bà ngoại có gửi thư tới.” Mặt nàng hồng hồng, hỏi ngược lại, “Anh không nghe tin gì à?”
Trì Thanh Ngọc trầm mặc một lát, nói: “Tôi nghĩ rằng cô sẽ báo một tiếng rồi mới đi…”
Lam Hạo Nguyệt bắt chéo hai tay sau lưng, nhìn bóng người trên mặt đất, “Mấy hôm trước gặp sư phụ anh tôi có báo với ông rồi. Ông ấy không nói lại với anh sao?”
“Không có.” Chàng trả lời một câu, có vẻ không vui, “Ông ấy về Lĩnh Nam rồi.” Dừng lại một chút, lại hỏi, “Sang ngày mai, cô vẫn muốn rời khỏi nơi này sao?”
Nàng nhìn chàng, đáp: “Có thể đi. Cũng có thể không đi.”
Trì Thanh Ngọc cầm gậy trúc, như không biết nên nói gì, chàng do dự một lát mới nói: “Vậy thì đừng đi nữa.”
“A?…”
“Trên núi có cây phong.” Đột nhiên chàng nói một câu không đầu không đuôi, lại sợ nàng không nghe rõ, tiếp, “Tôi sờ hình dáng của lá cây đó rồi. Lúc cô nhớ nhà có thể tới ngắm thử.”
Nàng lại bắt đầu những ngày lên và xuống núi. Quả nhiên trong sơn cốc cũng có cây phong, lá cây chỉ vừa bắt đầu chuyển sang màu đỏ. Nàng nhặt một phiến lá lớn còn nguyên đưa cho Trì Thanh Ngọc.
Cứ mỗi buổi trưa và hoàng hôn, nàng sẽ tới trước nhà, cùng chàng múc nước làm cơm. Chàng sẽ thong thả kể cho nàng nghe những câu chuyện trong sách xưa mà mình còn nhớ, nàng cũng kể lại cho chàng nghe về vài điều mắt thấy tai nghe dưới chân núi. Chỉ là không nhắc tới giang hồ.
Những ngày tàn sát khốc liệt, anh lừa tôi dối đã qua đi.
Hai tháng sau, Hải Quỳnh Tử mình đầy gió bụi, mệt mỏi về lại Vũ Di. Hình như tiểu đồ đệ của ông đã sáng sủa hơn một chút.
“Mấy ngày qua thế nào rồi?” Ông có phần khoái chí, quan sát Trì Thanh Ngọc.
“Tốt lắm ạ.” Trì Thanh Ngọc ngồi trước nhà, bện nan tre, giữa hai lông mày có nụ cười nhàn nhạt.
Ông cúi người nhìn nan tre trên đất, hỏi: “Hai tháng không gặp, con học được tay nghề này rồi à?”
Khuôn mặt Trì Thanh Ngọc hơi ửng đỏ, “Lam cô nương dạy con.”
Hải Quỳnh Tử mỉm cười vuốt cằm.
***
Năm đó, trước khi vào đông, Lam Hạo Nguyệt đi tới sơn cốc mang cho bọn họ vài bộ đồ mới. Trì Thanh Ngọc nay đã rất quen thuộc với nàng nhận quần áo, có phần đăm chiêu. Hải Quỳnh Tử ở bên cạnh nhắc, chàng mới nói cảm ơn với nàng.
Nàng không nghĩ nhiều, thấy sắc trời đã muộn, vội vàng chạy về nhà.
Ngày lập đông đó, Lam Hạo Nguyệt đang ngồi trong phòng cắt vải, nghe thấy tiếng bước chân cùng tiếng gậy trúc gõ lên mặt đất ở ngoài nhà. Nàng mở cửa, thấy Trì Thanh Ngọc vác sọt trúc ở sau vai, như mới vừa quay về từ thị trấn. Nàng không khỏi ngạc nhiên hỏi: “Sao anh lại tới đây? Anh xuống núi khi nào vậy?”
“Sư phụ chưa thức dậy thì tôi đi rồi.” Trì Thanh Ngọc mặc áo mới mà nàng vừa đưa mấy hôm trước, đứng ngoài cửa, vẫn tao nhã lịch sự như vậy, “Chỉ là tối hôm qua tôi có nói với thầy rồi, thầy biết tôi muốn xuống núi làm việc.”
“Làm việc?” Lam Hạo Nguyệt lại ngẩn ra, nhìn sọt trúc chàng đeo ở sau lưng, hình như trong có một cái bọc màu xanh. Nàng không tiện hỏi, chỉ kéo kéo tay áo chàng, “Vào nhà trước đã.”
Ấy nhưng chàng không nhúc nhích, chỉ đứng yên, ngay ngắn, im lặng một lát rồi hỏi: “Lam cô nương, cô có từng gả cho ai chưa?”
Lam Hạo Nguyệt siết chặt tạp dề, đột nhiên cảm thấy tim đập rất mạnh, cố gắng bình tĩnh một chút rồi mới nói: “Anh muốn nghe lời nói thật à?”
Trên mặt chàng có vẻ hơi ngạc nhiên, thế nhưng vẫn thản nhiên bảo rằng: “Cô cứ nói đi.”
“Tôi…” Lam Hạo Nguyệt do dự, ngẩng đầu lên đáp: “Tôi từng có hôn ước, chỉ là, sau đó người kia đã qua đời.”
Dường như Trì Thanh Ngọc không hoảng hốt, cũng chẳng thất vọng, chỉ nhẹ giọng nói: “À, thì ra là vậy.”
Hai người cùng trầm mặc một hồi, đột nhiên chàng có vẻ hơi mất tự nhiên: “Vậy thì, cô định thủ tiết ư?”
Lam Hạo Nguyệt vén tóc mai, nhìn mặt chàng: “Vì sao anh lại hỏi chuyện này?”
Trì Thanh Ngọc hơi cúi đầu, dỡ sọt trúc ở sau vai xuống, lấy bọc vải màu xanh kia ra, đưa tới trước. “Nếu… nếu như em muốn tái hôn, có thể, cân nhắc tới tôi một chút không…” Lúc chàng nói câu ấy, khuôn mặt ửng đỏ, ngón tay cũng run run.
Vào giây phút đó, Lam Hạo Nguyệt cảm thấy hình ảnh trước mắt này đã đọng lại, trở thành vĩnh viễn.
Quần áo chàng đơn giản mà gọn gàng sạch sẽ, giọng nói và khuôn mặt đầy vẻ căng thẳng lo lắng, tựa như đã luyện tập rất nhiều để biết phải nói thế nào, thế nhưng đến đây rồi, cuối cùng vẫn ấp úng nói không tròn câu.
Nàng như chỉ có thể nghe được tiếng hít thở của mình, cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ nhận bọc vải trong tay chàng. Sau khi mở ra, trong bọc vải nền xanh hoa trắng, có hai cây trâm bạc đang lặng lẽ nằm yên. Trâm bạc được mài rất cẩn thận, bện tơ thành hình hoa sen nở rộ, ở dưới có gắn viên ngọc, như giọt sương sớm mai.
Ngơ ngác cầm cặp trâm bạc này lên, nhất thời bao chua xót khó dằn, cuối cùng nước mắt đua nhau rơi xuống.
Chàng nghe tiếng nàng khóc, càng lo lắng, siết chặt quai đeo của cái sọt trúc, “Tôi đã đường đột à? Em không muốn thì cứ coi như tôi chưa nói chuyện này… Cây trâm, em cứ giữ lại để cài…”
Lam Hạo Nguyệt khóc nức nở đi tới trước mặt, kéo tay áo Trì Thanh Ngọc, đặt trâm vào tay chàng. Trái tim Trì Thanh Ngọc trầm xuống, đang muốn vùng ra tránh đi thì lại nghe nàng nói: “Chàng cài cho em đi.”
Chàng vẫn còn ngẩn ra, Lam Hạo Nguyệt đã nắm tay chàng, từ từ đưa tới bên búi tóc của mình.
Trì Thanh Ngọc ngửi thấy một mùi thơm nhàn nhạt ở trên người nàng, như có như không, như một giấc mộng xa xăm mờ ảo. Giấc mộng mênh mông vô ngần, trong mộng có bi thương có vui sướng, chàng đứng tại đầu này của con sông, đưa tay lên đám mây trắng mềm mại, còn nàng đứng ở đầu sông bên kia, gió lớn khiến người ta cảm thấy sợ hãi, chàng không nhìn thấy dáng điệu của nàng, nhưng mà, chàng biết là nàng. Vẫn luôn, vẫn luôn chờ chàng.
“Hạo Nguyệt.” Chàng không cầm lòng mà gọi tên nàng, mang trái tim nghiêm túc nhất, cài trâm bạc kia lên tóc của nàng.
***
[Lời tác giả]: Tôi chỉ muốn giải thích trong bất lực một lần nữa rằng, nếu quá khứ ngày xưa không có một mối tình sâu đậm như thế thì dù Tiểu Trì có sống lại một cuộc đời mới thì cũng chẳng thế nào dễ dàng yêu một người xa lạ cả. Ngay từ đầu, chàng hờ hững lạnh nhạt với Tiểu Lam là vì chưa chạm vào đáy lòng thôi, trong quá trình từ từ tiếp xúc, một cảm tình không thể nào giải thích sẽ từ từ chiếm lấy tất cả thể xác tinh thần, đây cũng là lý do vì sao chàng lại nhận định là nàng trong mối quan hệ tưởng chừng rất nhạt nhẽo bình thường kia.
Lúc viết đến đoạn thứ hai, tôi có cảm giác vui buồn đan xen ấy, dù rằng lãng quên rất nhiều thứ, nhưng tình yêu gắn bó sống chết vẫn lưu lại trong trí nhớ của chàng.