Kim Cương Bất Hoại

Chương 25: Khi người mù được yêu

Trước Sau

break
Trên dòng đại giang, nhiều thuyền lớn xuôi Nam sau ngày tan hội. Để Lý Thanh Hoa dễ nhận biết, Mã phu nhân đã sai buộc một giải lụa xanh trên ngọn cột buồm.

Ánh vầng thái dương đủ lên tới nửa con sào mà vẫn chưa thấy bóng dáng chàng nghĩa tử yêu quý. Mã phu nhân xiết bao lo lắng, bà truyền thuyền đi chậm lại và cách xa những thuyền khác. Cao Kỳ Nhất Phương và Nhất Tiếu, tay nắm dây, chân quặt ngọn cột buồm phóng nhãn quang quét bốn phía chân trời xa xăm.

Bỗng nhà sư Nhất Tiếu kêu lớn :

- Kia rồi! Lý đại ca kia rồi! Ủa! Sao lại có hai cao thủ trùm đầu vải trắng chạy theo và khiêng cáng một người bị thương?

Cao Kỳ Nhất Phương cũng kêu to :

- Thuyền áp mạn mé hữu! Có người bị thương!

Những người đứng trên sàn thuyền hồi hộp, nỗi mừng cũng có, nỗi lo sợ cũng có.

Lý Thanh Hoa vụt chạy lên trước, khi thuyền còn cách bè cả mấy chục trượng, chàng đã tung người như én liệng vào giữa đám đông đương đợi chờ chàng.

Mã phu nhân là người sung sướng hơn hết, ôm lấy thiếu hiệp hoan hỉ. Nhưng Lý Thanh Hoa đã ghé tai nói nhỏ.

Nghe Lý Thanh Hoa nói xong, Mã phu nhân quay lại bảo Vương Nhi đứng gần đấy rằng :

- Có người bị thương được anh con cứu về. Con xuống trông nom người bếp nấu nồi nước nóng để ta trị thương tích cho người bị nạn.

Thuyền đỗ sát bờ, hai người đầu trùm vải trắng khiêng cáng bước vào khoang thuyền. Nhanh tay Lý Thanh Hoa đã lấy chiếc mền phủ kín mặt mũi người nằm cáng, nói rằng để khỏi bị lạnh.

Thế là cả ba người mới tới, chẳng ai biết mặt mũi ra sao, bước vào trong khoang đóng sập cửa lại chỉ có Mã phu nhân và Lý Thanh Hoa ở trong. Chẳng ai hiểu đầu đuôi câu chuyện thế nào? Việc gì đã xảy ra?

Vốn dĩ, mọi người đều biết Lý Thanh Hoa và Mã phu nhân từ trước tới nay, làm việc gì cũng rất thận trọng, đúng phép tắc, hữu lý và tính toán, không hấp tấp, không vội vàng và nông nổi!

Nếu chịu kiên nhẫn ít lâu thì sẽ biết nguyên nhân.

Tuy nhiên mọi người cũng rất nóng lòng để bộc lộ hoàn toàn sự vui mừng khi thấy Lý Thanh Hoa đã trở về.

Trong khi vắng chàng, từ lúc mang được Vương Nhi thoát hiểm về thuyền, vợ chồng Nam Bình hầu hội ngộ vợ chồng Trấn Viễn tướng quân Mã Hóa Long, biết bao mừng nọ tới mừng kia, dù sao chăng nữa, chiếc khoái thuyền đó là một chiếc thuyền... chở đầy hạnh phúc, ý nghĩa của bốn chữ “đoàn tụ gia đình”.

Người mệt nhọc nhất là Mã phu nhân. Bà là hiện thân của lòng cao cả hy sinh và vị tha. Bà tận tâm săn sóc cô gái đáng thương. Mang hết cả khả năng y lý nghiên cứu trong mấy năm trời, bà cố chữa chạy cho đôi mắt quý giá của Tiểu Bạch.

Bà công nhận việc điều trị rất khó khăn, giữ cho đôi mắt được nguyên vẹn không bị hư hay không là may, còn trả lại ánh sáng tươi nhuận như ngày xưa thì phải tìm Thánh Thủ Lão Thần Y mới có hy vọng, vì mũi trâm đã đâm sâu vào tròng mắt.

Sau khi đắp thuốc cho cô gái, hai mẹ con còn phải lo tính toán đối xử với Cẩu đầu quái thế nào cho chu toàn. Chúng nó khi trở nên hung dữ, lại quen ăn thịt sống, làm sao để mọi người trên thuyền xa tránh chúng và dần dần dạy dỗ chúng hoàn lại có tính người hơn tính vật.

Hai Cẩu đầu quái tỏ ra rất khôn ngoan, am hiểu tiếng nói của người và trung thành với người làm chủ chiếc kiềng bạc. Chúng sợ chiếc kiềng như một vật của thần linh sai khiến chúng. Chúng không dám lại gần chiếc kiềng, ai cầm dùi làm chủ gõ chiếc kiềng thì là chủ nhân của chúng. Gõ lên vài tiếng rồi truyền báo bất cứ mệnh lệnh gì chúng cũng sợ hãi và ríu ríu vâng theo.

Nhưng người chúng sợ hãi nhất là Lý Thanh Hoa vì mỗi lần chàng giơ tay về hướng chúng là cả hai Cẩu đầu quái đều bưng mắt phủ phục xuống.

Mã phu nhân hỏi con duyên cơ tại sao thì Lý Thanh Hoa cho biết là tất cả có bốn quái nhân đầu chó do Câu Hồn giáo chủ chắp đầu chó vào thân thể người tạo dựng nên. Các người này có lẽ là những nhân vật võ công phi thường, không biết ở môn phái nào Ma giáo bắt sống được. Bị chặt đầu và lắp đầu chó rừng, bốn quái nhân đã được nuôi bằng thịt sống, kể cả thịt người và không biết ăn thêm chất gì mà thân thể mọc vẩy tê tê kị gươm đâm dao chém... Quái nhân được Câu Hồn giáo chủ dùng thủ pháp ma luyện sai bảo bằng ý chí, chuyển qua các làn siêu âm phát ra từ chiếc kiềng bạc.

Lúc giao đấu võ công với địch thủ. Câu Hồn giáo chủ đã chuyển siêu thanh dẫn dụ các quái nhân thi hành các chiêu pháp đối phó theo ý chí của mình. Nói vậy tức là tại đại hội Quần Anh, những ai giao đấu với quái cẩu tức là trực tiếp giao đấu với Câu Hồn giáo chủ.

Từ trên cao nhìn xuống, Giáo chủ nhìn xem các thế võ và truyền chiêu đối phó tới Cẩu đầu quái bằng chiếc kiềng bạc phát siêu thanh. Có lẽ giống chó là giống tuyệt đối trung thành với chủ nhân, nên Giáo chủ không ngần ngại tạo ra “người chó” hơn là thu dụng giống “người” hay phản phúc và đố kỵ.

Mã phu nhân luôn miệng kêu :

- Thật kỳ lạ! Thật là ma quái! Nhưng con làm thế nào trừ diệt được hai khuyển nhân?

Lý Thanh Hoa đáp :

- Nhân khi Câu Hồn giáo chủ chăm chú mải miết gõ kiềng sai khiến quái nhân, con mở hộp cho con Tiểu Trúc Ngân Xà bò lại leo lên sau gáy cắn tới huyệt Á Môn. Chất độc thầm vào óc làm mụ ta mê man ngủ lịm. Mụ vận cương khí ma công nên người cũng như pho tượng đá. Quả nhiên từ lúc mụ ngưng tay gõ kiềng thì các quái nhân đầu chó trở lại thú tính “thèm khát ăn uống” hơn là muốn thi triển chiêu pháp võ công. Con liền nhập cuộc giao đấu, nhử cho chúng “đớp” bàn tay. Con lừa và “tọng” vào mõm chó bàn tay nhiễm kịch độc của lão ông Nhiếp Thủ. Cẩu đầu quái ham ăn, nhai, nuốt bàn tay, trúng độc chết liền hai con. Còn hai quái nhân đầu chó ngồi kia bị con phóng Bạch Hổ Tu Châm lọt vô lỗ mũi bị đau, nên phải chịu thuần phục. Bây giờ, cứ một lần con búng không khí cho động tới tu trâm tức là làm cho Cẩu đầu quái bị đau nhói trong mũi. Vì vậy chúng sợ con lắm! Đó cúng là một cách dĩ độc trị độc. Con cũng đã dùng tu trâm cắm vào trọng huyệt trên thân thể Câu Hồn giáo chủ. Vĩnh viễn từ nay về sau mụ “phù thủy” đó không thể tạo ra những người đầu chó, đầu heo, thây ma biết đi, quỷ mị uống máu xâm nhập vào Trung Nguyên, tàn sát dân lành nữa!

Mã phu nhân nói tiếp :

- Như vậy thì thế lực của đảng Hắc Y có lẽ từ nay cũng sút kém, đỡ làm hại mọi người. Nhân cơ hội này, các người tài giỏi trong võ lâm mới khôi phục lại được thanh danh môn phái, hành hiệp cứu đời.

Hai mẹ con ngồi nói chuyện, bàn soạn với nhau hồi lâu.

Lý Thanh Hoa lấy sợ “bạch ti” cột cổ hai con cầu đầu quái, đem nhốt chúng tại khoang nhỏ dưới hầm thuyền. Và sai người vứt dê, heo cho chúng ăn. Hai Cẩu đầu quái liền vồ lấy dê, heo, dùng móng nhọn mổ bụng phanh than, móc tim ăn uống huyết. Chúng xé xác vật ra, ăn rất ngon lành, nhai xương kêu răng rắc làm mọi người đứng xem thấy đều khiếp sợ.

Hôm đó tối trời, gió thổi căng phồng cánh buồm lớn. Thuyền chạy rất nhanh. Mọi người tụ họp cả ở khoang giữa. Lý Thanh Hoa và Vương Nhi ngồi sát bên nhau.

Cặp anh em song sinh giống nhau như đúc. Nếu cho hai người mặc quần áo giống nhau thì mọi người đều lầm lẫn không nhận được ai là anh, ai là em. Ai là Lý Thanh Hoa? Ai là Vương Nhi? Chỉ khác biệt một nỗi, một người giỏi võ công vượt cả bậc thượng thừa, một người thì tài giỏi văn chữ, chân tay mềm yếu trói gà không nổi.

Vương phu nhân vui mừng quá đỗi, nên bệnh hoạn cũng tiêu tan. Bà rất sung sướng vì con trai bà không ngờ hãy còn sống?

Bà vuốt vê mái tóc Cao Kỳ Nhất Phương và âu yếm nhìn Vương Nhi, một bên mẫu tử tình thâm dứt ruột sinh ra, một bên nghĩa tử công nuôi vẹn tròn nghĩa chúa.

Bà luôn miệng cảm ơn trời phật độ trì, ngỡ rằng phải sinh ly tử biệt, đâu biết rằng lại được cốt nhục đoàn viên.

Lý Thanh Hoa nhìn anh chàng Thất Tình Tú Sĩ lúc nào cũng còn tơ tưởng tới người đẹp năm xưa, chỉ bụm miệng cười thầm, chàng nhất định không tiết lộ cho mọi người biết Ngũ Độc Thiên Nhân với tước vị Thiên tuế, chỉ là một cô gái giả trai. Nếu nói rõ cho tam đệ biết là nàng Thiếu Cơ không thể lấy một... “cô gái” làm chồng thì danh hiệu Thất Tình Tú Si trở nên vô nghĩa mất.

Biết đâu chỉ vì không... thất tình, không phẫn chí nữa thì cũng sẽ không chăm chú luyện tập võ công, gia tăng kiếm tập để sau này nối chí Huỳnh Mi đạo trưởng gây dựng lại kiếm phái Nga Mi.

Cao Kỳ Nhất Phương cũng rất tinh tế. Thấy Lý Thanh Hoa cứ nhìn mình hoài, biết rằng người anh cả đã giấu giếm mình chuyện chi. Chàng liền hỏi :

- Tại sao hiền huynh cứ nhìn nhìn tiểu đệ tủm tỉm cười trộm hoài? Anh muốn nhạo em?

- Không có chi! Ngày hẹn sắp tới, nom hiền đệ có vẻ “hữu tình” hơn là một kẻ thất tình.

- Trưởng huynh nhắc làm chi đến chuyện tình ái đau buồn của em.

- Không đau buồn đâu mà lo! Kẻ đau buồn phải nói là Vương Nhi và Tiểu Bạch!

- Tại sao trưởng huynh lại nói vậy?

- Vì nếu Vương Nhi biết người bị thương anh mang về thuyền hôm nay là ai thì Vương Nhi sẽ buồn lắm.

- Ai? Ai?

Vương Nhi hốt hoảng :

- Trời ơi! Có phải Tiểu Bạch thư của tôi ở đây hả?

- Đúng vậy! Cô ta bị Thiên tuế phóng trâm trúng song nhãn. Mẫu thân đã đắp thuốc, song không biết đôi mắt có thể qua khỏi được không?

Vương Nhi hai hàng nước mắt chảy ròng, như muốn khóc òa lên được! Nhưng trước mặt mọi người không thể giở trò con nít. Tuy nhiên, nét mặt buồn thiu đã nhấp nhổm đứng dậy vô phòng thăm cô chủ yêu quý của mình.

Lý Thanh Hoa trêu cợt :

- Đó! Đó mới là “Thất Tình Thư Sinh”! Trông vẻ mặt ủ ê, não ruột chưa?

Cao Kỳ Nhất Phương mày kiếm sếch ngược, trợn tròn hai mắt nói :

- Rất tiếc! Rất tiếc! Tôi đã bỏ lỡ một dịp so kiếm với tên Thiên tuế đại gian, đại ác. Không biết bao giờ tôi mới có cơ hội gặp nó, để đâm lủng tim nó!

Vương phu nhân, với giọng nói hiền hậu, khuyên can :

- Con ơi! Đừng nói đến chuyện chém giết, báo thù!

Bà quay lại an ủi Vương Nhi :

- Còn con! Con yêu tiểu thư Tiểu Bạch lắm sao? Nhưng tiểu thư có yêu thương con không?

Vương Nhi đỏ mặt, ấp úng trả lời :

- Tiểu thư thương... các món ăn... do con nấu nướng... ăn khen ngon hoài... còn có thương con không... thì con không biết...

Mọi người nghe lời nói chân thật của Vương Nhi phải bật cười.

- Bây giờ nàng... bị hư mắt... con còn yêu thương hơn nữa!

Vương Nhi nói xong, đưa tay lên gạt nước mắt, điệu bộ cực kỳ bi ai, thảm thiết của một chàng trẻ tuổi si tình.

Nhà sư Nhất Tiếu gãi đầu trọc nói :

- Thôi Vương huynh đừng buồn! Chúng ra tới Vạn Diệu sơn trang trú ngụ rồi đại huynh đi tìm Lão Thần Y chữa cho cô ta khỏi bệnh. Bây giờ huynh lo chăm... bón cô ta những món ăn thiệt ngon, lúc cô ta khỏi, mở mắt thấy Vương huynh sẽ yêu và lấy Vương huynh làm... chồng! Lão Nhiếp Thủ muốn thu hiền huynh làm đồ đệ cũng chỉ vì khâm phục tài nấu nướng của hiền huynh. Bây giờ tiểu đệ đã trót mang một bị đựng đầy ếch về đây! Không lẽ Vương huynh buồn, Vương huynh không làm món nhắm cho song thân, cho mọi người đồng thưởng thức hay sao? Vả lại nếu Tiểu Bạch không bị thương thì đâu có về nằm dưỡng bệnh với chúng ta, để hiền huynh có dịp may gần gũi nàng? Vậy thì là hên cho Vương huynh lắm rồi! Tại sao lại khóc?

Mọi người cũng xúm lại khuyên giải, rồi vui vẻ mở tiệc khánh hạ ăn uống đổi sầu thành liên hoan vô tận.

Thuận buồm xuôi gió, thuyền chạy không ngừng.

Tiểu Bạch vẫn nằm ngủ say vì mọi người không ai muốn nàng mau thức tỉnh, e sợ làm kinh động đến vết thương tế nhị nơi hai tròng mắt. Mỗi ngày, nàng được thay thuốc đắp và uống Thiên Niên Ngọc Dịch có tính chất cải lão hoàn đồng...

Một buổi sáng kia, Tiểu Bạch được Lý Thanh Hoa giải huyệt. Nàng từ từ thức giấc thấy một giải lụa bạch bịt hai tròng mắt. Nàng nằm yên động đậy hai mí mắt, nhưng chẳng trông thấy gì, chỉ thấy một màu trắng vấn đục như bóng kính mờ. Nàng không cử động. Nàng cố tình nhớ lại sự việc đã xảy ra...

Hình ảnh cuối cùng mắt nàng thu được là chàng trai trẻ Vương Nhi đương ôm một cô gái đẹp, nàng đả thương cô gái, ai ngờ đối phương biết phản phong, phản ám khí đánh lịa trúng mắt mình!

Hai mắt nàng bị mù rồi! Bây giờ nằm ở đây là ở đâu. Ai mang mình về đây?

Tiểu Bạch lấy tay quờ quạng, sờ mó mọi vật chung quanh thấy mình đương nằm trên giường có nệm êm sạch. Không khí trong phòng thơm mát, quang đãng, dễ chịu vô cùng.

Tinh thần nàng cũng rất sảng khoái. Vận nội lực thấy khí huyết đả thông, không chút mệt mỏi.

Nàng định bước xuống giường, giơ hai tay phía trước lần xem căn phòng mình ở ngang hẹp rộng dài ra sao? Chợt nghe thấy tiếng người nói từ vách bên văng lại.

Phàm người mù thị giác bị thiết giảm thì thính lực lại tăng gia. Nàng lắng nghe tiếng nói...

Tiếng đàn bà rất êm dịu :

- Lý nhi! Độ bao lâu nữ cô gái sẽ tỉnh giấc?

Tiếng người trai trẻ :

- Không lâu đâu, mẹ à! Con giải khai huyệt đạo rất từ từ, không làm thương tổn đến thần kinh hệ. Lâu lắm là một canh giờ nữa tiểu thư sẽ tỉnh giấc. Để tiểu thư ổn định tâm thần, mẹ sẽ vào vấn an nói cho nàng hay cơ sự.

- Thân phụ con giờ ở đâu?

- Cha con đương cùng tam đệ lo xây dựng khu chuồng ngựa để con Bạch Mã có chỗ chú mưa nắng.

- Còn Nhất Tiếu làm gì?

- Thưa mẹ! Em con đương cho hai Cẩu đầu quái ăn nốt chỗ thịt thú rừng vừa săn được hôm qua.

Tiếng nói hiền từ của người đàn bà trung niên nói tiếp :

- Hai “ông kẹ” đó, mẹ không ngờ lại giúp chúng ta được nhiều việc. Nếu không có sức khỏe đội đá vá trời của họ thì ta làm sao có đủ số nhân công chuyên vận lương thực, đồ vật và kim ngân tới nơi hoang dã này được nhanh chóng như thế? Một tay mà kéo một lúc năm, sáu cỗ xe chất đầy đồ nặng mà chạy nhanh không thua sức ngựa!

- Mẹ không biết hai quái nhân đó chiều qua đã mang về cả trăm cây gỗ lớn để ông chủ thuyền và các người chân sào làm xong dãy nhà ngang dài cho gia đình họ ở.

- Ông chủ thuyền họ Vệ là người rất tốt. Ông bán cả thuyền bỏ nghề sông nước là nghề gia truyền để theo chúng ta, con phải dặn các em con đãi ngộ người cho xứng đáng. Nến coi như người trong gia đình, không được đối xử các anh em chân sào như kể ăn người làm, phụ bạc họ là có tội với trời đất đấy con ạ. Còn bá phụ và bá mẫu đương làm gì?

- Dạ thưa mẹ! Bá phụ và bá mẫu đương soạn sách ở rương đem ra xếp vào trang viện, mới cất bên trong khu hoa viên. Con đã theo đúng lời của cha và mẹ căn dặn, cho xây cất lại khu việc Vạn Diệu sơn trang đúng như khi xưa. Nhưng mẹ ạ, tại nơi chung quanh các nền nhà cũ, con thấy có nhiều cốt người quá! Không phải là bốn bộ xương cốt của bốn tên ác tử Hắc Y hồi nọ mà có đến bốn, năm chục bộ cốt khác nhau.

- Có lẽ là của những người bị thương thế hay đau yếu đến tìm Lão Thần Y cầu chữa bệnh. Nhưng không gặp nên đành chịu bỏ mạng tại nơi rừng rú này. Con đã lo chôn cất cần thận những bộ cốt vô chủ đó chưa?

- Dạ! Con đã thu thập mang ra chôn cất cẩn thận tại nơi đồi chè cũ.

- Còn Vương Nhi ra sao? Nó đương làm gì?

Nghe nói tên Vương Nhi, nàng Tiểu Bạch giật mình đánh thót một cái, chú ý lắng nghe câu chuyện.

- Dạ! Em con nó đương lúi húi nấu nướng ở trong bếp. Nó bảo nó làm món “gà rừng” hấp tống củ thảo quả với những gì... gì... ấy để tiểu thư thức giấc ăn cho lại sức. Nó bảo tiểu thư thích ăn món đó lắm. Con xem ra Vương Nhi yêu quý tiểu thư không biết tới dường nào? Kìa mẹ trông những cây hoa nó vun trồng ngoài hiên, nó cắm cúi trông những cây hoa đó, vun xới, tưới bón suốt ngày. Nó bảo tiểu thư thích ngửi mùi hoa đó lắm.

Tiểu Bạch ngửi thấy trong không khí căn phòng phảng phất một mùi vị hoa là một loại hoa quý hiếm hơn hoa phong lan và hoa phù dung.

Nàng nhớ tên nàng là Quỳnh Như. Nhưng Quỳnh Hoa bây giờ chỉ còn ngửi được mùi hương. Làm sao mà nàng được nhìn thấy sắc hoa nữa. Trong sự đau khổ tràn ngập tâm can, người tật nguyền như mình mà... lại có người “yêu”, săn sóc quá ư chu đáo... như vậy sao? Tiểu Bạch xúc động vô cùng, buồn pha lẫn vui sướng.

Nàng lắng tai nghe tiếp :

- ... Nó lo lắng cho tiểu thư quá sức. Ngày cũng như đêm, nó cứ lén tới ngồi ở trước cửa, ngoài hàng hiên. Con bảo nó vô, nó không dám vô. Còn bảo về phòng nằm nghỉ kẻo mất sức, nó không có chịu. Con phải nói bá mẫu khuyên dỗ nó hoài, nó cũng không chịu vâng lời. Con phải trải chiếu, giăng mùng nằm chung với nó trước cửa phòng tiểu thư nhiều đêm nay, từ khi mọi người tới Vạn Diệu sơn trang tới giờ đấy.

- Nè con! Việc đưa thơ báo tin cho Trang chủ Thanh Diện Thần Quân biết tin tiểu thư ngộ nạn, còn chắc chắn là người chủ thuyền ngược Phủ Diên Bình sẽ đưa thư tới tận nơi hay không?

- Con tin là người chủ thuyền đó sẽ mang thư tới nơi vì con đã cho hai tinh vàng lớn. Trong thơ con có viết nói rõ cho Thần Quân biết là tiểu thư bị mũi trâm phạm tròng mắt, hứa chữa trị khỏi sẽ đưa tiểu thư trở về trang.

Tiểu Bạch nghe vậy thì cũng an lòng.

Giây lâu, nghe động kẹt cửa, biết có người vô.

- Lý nhi! Tiểu thư đã ngồi dậy rồi!

- Bà là ai?

- Tôi là Mã phu nhân tự Vương Ngọc Lan. Chồng tôi là Mã Hóa Long Trấn Viễn tướng quân tại triều đình. Tiểu thư ngồi yên tôi kể hết đầu đuôi câu chuyện cho tiểu thư nghe.

Nói rồi, bà ngồi xuống bên giường, thong thả kể cho Tiểu Bạch nghe vì sao nàng lại được đưa đến Vạn Diệu sơn trang. Bà an ủi Tiểu Bạch và hứa sẽ cùng Lý Thanh Hoa lo tìm mọi cách chữa chạy cho nàng cặp mắt sáng như khi trước, nhưng bà giấu không cho Tiểu Bạch biết Lý Thanh Hoa và Vương Nhi là hai con của Lý Lăng vương.

Chừng tới khi Tiểu Bạch món ăn với thịt “dã kê” hấp nấm hương của Vương Nhi, nàng nhận ra lời Mã phu nhân nói rất đúng: Tên đầu bếp khéo léo ở Quảng Mục trường hiện cũng đang ở nơi này. Chỉ có hắn mới nấu được món ăn trưa hợp với sở thích của nàng...

Mã phu nhân và Vương phu nhân (tức vợ Nam Bình hầu) thấy Tiểu Bạch đã khỏe mạnh, ở liền cùng nàng, trò chuyện cho khuây khỏa. Hai bà giúp nàng đi lại trong căn phòng, dùng xúc giác để nhận biết các đồ vật, bàn ghế, nơi ăn chốn nằm trong buồng. Tuy mắt không nhìn thấy gì... Tiểu Bạch cũng từ từ lần đi lại trong phòng một mình một cách dễ dàng. Dần dần nàng tự lần ra hàng hiên và được hai bà giúp đỡ dắt đi chơi chung quanh ngôi tiểu trúc xinh đẹp.

Nhưng Tiểu Bạch nhận biết, chẳng phải chỉ có hai vị phu nhân săn sóc nàng mà lại còn có một người thứ ba, thường mon men đứng cách nàng không xa, ngắm nhìn nàng, không hề cất tiếng nói, nhưng... nàng có thể nghe tiếng tim đập hồi hộp trong lồng ngực chàng ta vì chàng ta đã “yêu” nàng hết sức.

Kẻ si tình đó là Vương Nhi.

Nàng nhận thấy tình yêu mạnh liệt của làn hương quỳnh hoa, qua những hương vị thơm ngon của các thực phẩm được mang đến hàng ngày cho nàng.

Trong những ngày nàng tập lần đi đứng ở trong phòng thì khu vực Vạn Diệu sơn trang đã được tái thiết mở mang thêm khang trang, rộng rãi và sạch sẽ.

Nhóm người Mã phu nhân chuyên chú về xây cất, sửa sang chăn nuôi và canh tác để có ngũ cốc tự túc.

Tiểu Bạch không thể nhìn bằng mắt, nàng đành vận dụng tai nghe để biết những gì xảy ra chung quanh nơi nàng ở.

Từ sáng sớm, nàng nghe những tiếng người khuân vác vật nặng, chân đi thình thịch trên mặt đất, tiếng cưa, tiếng đục thì biết mọi người đương dọn dẹp, xây nhà dựng cửa.

Có tiếng gà gáy, chó sủa, ngựa hí thì biết trong trang có nuôi mục súc.

Tai nàng nghe thấy cả tiếng nước chảy róc rách thì biết chỗ suối nước ở nơi xa.

Tiếng gió thổi, cành lá đụng chạm nhau cũng giúp nàng biết sơn trang là một nơi rất thích hợp cho những người bệnh cần được “dưỡng thần an trí” để mau lành mạnh. Chủ nhân sơn trang phải là một người tài giỏi thiên văn, địa lý mới tìm được một địa khu thiên cảnh như vậy.

Địa linh sinh nhân kiệt.

Các người sống chung quanh nàng đều là những nhân vật phẩm hạnh cao quý, đàn ông thì chính khí bao nhiêu, đàn bà trung trinh liệt nữ.

Đặc biệt thỉnh thoảng có tiếng “chó ma” tru lên từng hồi dài, không cần đoán cũng biết là hai anh Cẩu đầu quái gào ăn thịt sống...

Sự săn sóc thì chu đáo hơn là ở với gia đình. Từ cái lược chải tóc, chén trà, nước nóng, rửa mặt, đôi hài, chiếc gậy trúc nhỏ... Lúc nào cũng thấy vật nào để đúng chỗ đó, nàng chỉ khẽ đưa tay mò tới, y như người vô hình rón rén theo sát cạnh giúp đỡ đặt lại... để chiều ý nàng!

Chính những hành động nhỏ nhặt đó làm nàng đôi khi nằm trên giường nghĩ tới, cảm động đến chảy nước mắt.

Nàng nhận thấy sự yên lặng có ý nghĩa thâm thúy hơn nhiều lời nói.

Một buổi sáng kia, Tiểu Bạch thức giấc sớm hơn hẳn mọi người, nàng nghe văng vẳng có tiếng mõ, tiếng chuông và tiếng người tụng kinh.

Chờ lúc Mã phu nhân vào đắp thuốc lên mắt, nàng hỏi cho biết. Bà ta ngạc nhiên không biết tại sao Tiểu Bạch là có tính lực xa nghe xa đến như vậy. Bà giảng giải cho nàng hay: Ngôi nhà nhỏ dành riêng cho Tiểu Bạch được xây trên nền nhà cũ bằng đá hoa cương tránh ẩm thấp cho những người nằm trị bệnh của Lão Thần Y khi xưa. Nơi đây cần tĩnh mịch. Còn ngôi nhà nhỏ mới dựng lên ở phía sau giả sơn cách xa nơi đây hàng nhiều trăm bước là thể theo ý nguyện của Vương phu nhân để bà quy y tụng niệm với nhà sư Nhất Tiếu và chú tiểu sa di phụ trách nhang đèn khuya sớm thờ phật. Đức Phật sẽ phù hộ độ trì giúp cho tiểu thư mau được sáng mắt.

Mã phu nhân tiện miệng kể luôn chuyện có vị Phật xưa lòng hỉ xả mênh mông như đại dương, đã móc mắt ban cho kẻ đến xin mắt mình. Đạo Phật từ bi vô hạn.

Tiểu Bạch hỏi :

- Kính thưa phu nhân, sư huynh Nhất Tiếu có phải là người có giọng ồ ồ như Mã tướng công?

- Đúng đấy con ạ! Hai cha con giọng nói oang oang như lệnh vỡ!

- Nhưng tại sao anh con lại đi tu? Anh còn trẻ sao lại buồn việc đời sớm vậy?

- Chuyện đó dài lắm, sau này con khỏi bệnh, ta sẽ kể cho con nghe.

- Nhưng anh con đã đi tu, sao mỗi lần anh nói chuyện, ở xa con cũng ngửi thấy mùi rượu hôi rình.

Mã phu nhân điềm nhiên trả lời :

- Tại hai cha con nó nghiện rượu. Nhưng uống là uống, uống say thì ngủ không hề thô bạo. Chúng ta còn chờ một vị tăng nữa là Thần Ma Mật Tăng, ông ấy uống rượu còn dễ hơn trâu uống nước nhiều! Ta đương lo không biết nhờ ai cất rượu ngon cho họ uống? Có mấy vò mang theo, gần hết rồi. Mà hình như, Nhất Tiếu cho cả hai ông “kẹ đầu khuyển” uống rượu nữa đấy!

- Trời, quái nhân “đầu chó” cũng biết uống rượu sao?

- Ta sợ chúng nó còn uống nhiều hơn người nhưng được cái hai quái nhân uống rượu xong làm việc càng khỏe. Sơn trang trở nên sạch sẽ, xây dựng lại gần như xưa là nhờ sức mạnh của hai quái nhân đó. Có gạch đá vụn, ngói đổ ngổn ngang khắp nơi, hai quái nhân dọn một ngày là xong công việc. Ngoài ra còn biết bắt chước làm việc như người. Nào là cưa, đục, xây, tô hồ, đánh vữa, nung gạch, lợp ngói... giá cứ cho ăn thịt thú rừng, uống nhiều rượu đế thì có lẽ không cần ngủ làm việc suốt đêm cũng được.

- Thưa phu nhân! Hai “kỳ nhân” ấy đánh võ giỏi lắm!

- Ta và Vương phu nhân ghét nhất sự chém giết. Ta sẽ nhờ hai ông ấy giúp vào việc đào hố trồng trái cây, ra ruộng canh tác, lên đồi trồng chè, khơi suối, đắp ngòi, như vậy sẽ phải là mệt nhọc chân tay. Cũng như một sự mệt nhọc chân tay một cách có ích. Còn đánh võ chém giết, cũng mệt chân tay mà chẳng ích lợi cho ai hết cả!

Tiểu Bạch chợt nhớ ra :

- Sao phu nhân không nhờ anh... Vương Nhi nấu rượu? Anh ấy cất rượu khéo lắm, ở Quảng Mục trường, anh ấy dùng mai rừng, quế rừng cất rượu thơm ngon vô cùng...

Mã phu nhân cười nói :

- Ừ nhỉ! Ta quên tiểu công tử Vương Nhi. Nhưng mà... làm như vậy thì Vạn Diệu sơn trang sẽ biết thành Túy Ngọa sơn trang mất! Cái gì thái quá cũng không nên con ạ.

- Tại sao lại gọi là Vạn Diệu sơn trang?

- Vạn Diệu là muôn vạn điều kỳ diệu. Xưa kia, Lão Thần Y tọa ngụ với gia đình tại đây, thiết lập sơn trang này, giang hồ hào kiệt tứ phương hai đạo Hắc Bạch, chính cũng như tà, trong cuộc tranh chấp môn phái, trong cuộc trả thù rửa hận, tranh giành chức tước ngôi vị, hễ trúng thương chết thì thôi. Còn những kẻ nào ngắc ngoải còn sống thì tìm đến nơi đây cầu xin chạy chữa. Một trăm người tìm đến một trăm kẻ khỏi bệnh. Vì thế nên Trang chủ mới được tôn xưng là Thánh Thủ Lão Thần Y, vị thầy thuốc có bàn tay thánh.

- Tại sao đã có tài cứu nhân độ thế mà lại còn bị kẻ kẻ ghen ghét đến hãm hại, tàn phá sơn trang...

- Nguyên do tại sao ta cũng không được biết. Năm xưa phu quân ta mang Lý nhi lại đây cầu chữa bệnh thì đã thấy sơn trang bị bọn người áo đen đốt phá thành đống tro tàn. Còn Lão Thần Y và gia đình bị bắt đem đi đâu không rõ.

- Tiểu Bạch tò mò gạn chuyện!

- Ngày mai phu nhân trở về dừng chân ở đây, phải chăng người có ý định nối chí bảo Thần Y làm việc cứu nhân độ thế thay lão trượng?

- “Con nói hợp ý ta. Ta có nguyện vọng đó. Nhưng tiếc thay tài y học của ta còn thô thiển, chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng ta chọn nơi này là vì có mấy lý do sau đây: Nơi đây, trước có treo bảng “Ma Vương Cấm Địa” ai vô sẽ bị tàn sát. Những bộ xương khô rải rác trong khu vực chứng tỏ điều đó. Nhưng ở tuyệt địa thì lại là sinh địa, nghĩa là đặt mình vào chỗ chết thì ra chỗ sống. Bọn Hắc Y không ngờ chúng ta lại trốn chạy vào trú ngụ nơi đây là nơi không ai dại gì tìm đến để chết.

Hai là nơi đây là chỗ thời tiết tốt cho kẻ dưỡng bệnh thì cũng tốt cho kẻ luyện công tập võ. Mấy anh em Lý nhi, Thất Tình Tú Sĩ, Nhất Tiếu cần tụ họp nơi đây để dưỡng sức với Thần Ma Mật Tăng và phu quân ta.

Ba là muốn tìm tung tích của Thần Y phải về tìm lại chỗ này. Lão Thần Y có thể trở về nơi mình ở khi xưa hoặc kẻ nào biết tông tích lão trượng tìm đến đây, ta dò hỏi sẽ được đầu dây mối nhợ.

Còn những kẻ chưa biết Vạn Diệu sơn trang bị tàn phá, bị đả thương tới nhờ xin chữa, thì ta sẽ điều trị cho họ và thu nạp thêm vây cánh. Còn địch kéo đến thì ta sẽ rút lui vào rặng Thất Chỉ sơn ẩn trốn rất dễ dàng, không ai biết được”.

Tiểu Bạch nghe nói biết Mã phu nhân là bậc cao kiến, tính việc lui tới thận trọng, biết nàng là người thông minh, sáng suốt nên mới rõ cho biết cơ mưu hành động của bà.

Đột nhiên Mã phu nhân nói :

- Vương phu nhân và ta không thể năng lại thăm con nữa.

Tiểu Bạch ngạc nhiên chưa kịp hỏi tại sao thì bà ta nói tiếp :

- Trước đây, Vương phu nhân có nguyện vọng là nếu còn sống gặp lại chúng ta thì bà ta sẽ ăn chay niệm Phật cho đến mãn đời. Bây giờ, cốt nhục đoàn viên được hơn lời nguyền xưa, nên bà ta đã thí Phật thọ giáo, quyết chí tu hành cho thành đạo quả trong am sau giả sơn dưới chân núi. Còn ta thì ta phải... mắc nhiều công chuyện quá.

Tiểu Bạch đáp :

- Con chẳng may tật nguyền không thể hầu hạ hai vị phu nhân để tỏ lòng biết ơn đã trông nom coi sóc.

- Ta cũng tiếc là hiện không biết tìm đâu ra thị tỳ để cắt riêng một người hầu hạ con. Chỉ có Vương Nhi, từ hôm biết tiểu thư ngộ nạn, nó quá sầu khổ làm chúng ta cũng bị buồn lây. Nó năn nỉ ta để được gần gũi coi sóc tiểu thư để đền đáp ân nghĩa tiểu thư đã giúp đỡ nó hồi còn ở Quảng Mục trường. Không biết tiểu thư có vui lòng không?

Tiểu Bạch hai má ửng đỏ, cúi đầu ngập ngừng giây lâu mới đáp :

- Công tử đã đối xử rất tốt với... tiểu nữ. Tiểu nữ không bao giờ dám quên. Nhưng chỉ e...

- Không có điều chi bất tiện cả! Ở đời ai cũng có lúc lâm vào hoạn nạn, người nọ giúp đỡ người kia là phải lẽ. Nó giúp đỡ tiểu thư du ngoạn trong trang viện, đi đó đi đây. Có nhiều sách ở trang việc, tiểu thư muốn xem cuốn nào thì bảo Vương Nhi đọc nghe giải trí. Nếu không cứ ngồi một chỗ suốt ngày, tâm hồn u buồn thì... chẳng có ích lợi chi cả. Tôi quyết tâm bằng mọi cách mang lại cho tiểu thư ánh sáng đôi mắt như xưa, vì tôi chắc chắn Vương Nhi và tất cả chúng tôi rất sung sướng muốn được như vậy.

Lời nói êm dịu nhẹ nhàng như nước suối mát, như ngọn gió lành làm tan hết nỗi ưu phiền, khiến Tiểu Bạch xúc động vô cùng.

... Và từ ngày hôm đó, mọi người thấy đôi thanh niên thiếu nữ, người chống gậy trúc nhỏ, người dắt tay thủng thỉnh sớm chiều đi dạo thăm nới trồng khoai, khe suối hoặc cùng ngồi dưới bóng cây to, lúc hái hoa kết lá trên thảm cỏ...

Song nơi Tiểu Bạch ưa thích nhất là hàng ngày ngồi am thờ Phật nghe Vương phu nhân gõ mõ tụng kinh. Và cũng riêng tại nơi đây, chim chóc đua nhau nhảy nhót quanh mình nàng... vì hàng ngày hai người mang thức ăn đến cho chúng.

Một trưa nọ, hai người ngồi bên dòng suối róc rách. Tiểu Bạch hỏi Vương Nhi rằng :

- Dưới suối có cá không?

- Có, có những cá con đẹp lắm!

Tiểu Bạch phàn nàn :

- Em có trông thấy đâu mà biết là đẹp! Em không trông thấy được. Vương Nhi! Anh ngồi sát lại đây! Anh có biết người mù khi muốn biết là đẹp hay không thì người ta làm thế nào không? Người ta làm thế này...

Rồi nàng giờ hai bàn tay búp măng trắng muốt sờ soạng mặt mũi Vương Nhi.

Trong lúc làn da mịn thơm ngát hương lan của Tiểu Bạch kề sát má chàng trai trẻ, không biết nàng đã nghĩ đến gì? Nàng đương mơn man trán, má và tóc chàng đột nhiên nàng đã hiện ra hình ảnh mà nàng thu được lần cuối cùng trước khi đôi mắt bị kim châm, hình ảnh Vương Nhi đương ôm ấp một cô gái đẹp bên hồ hoa tím, dưới ánh trăng, tức thời... phản ứng tự nhiên “bốp” một cái.

Cái tát giận dỗi đó đối với nàng là cái tát rất nhẹ. Nhưng với anh chàng “thư sinh” Vương Nhi thì nó có năng lực cái tát của một Hộ pháp làm chàng lộn đi hai vòng, má sưng vù nằm thẳng cẳng trên mặt đất.

Bữa cơm chiều hôm đó là bữa cơm “tồi tàn” nhất từ khi Tiểu Bạch đặt chân tới ở trong Vạn Diệu sơn trang, vì Vương Nhi bị đau không làm bếp được nên việc nấu nướng đến phiên Nhất Tiếu phải lo. Nhất Tiếu nấu những miếng nai to bằng nắm tay và gân thịt cứng dai như thịt cọp hay thịt trâu nước.

Sáng hôm sau, Mã phu nhân lại thăm Tiểu Bạch để biết sự thể. Tiểu Bạch không biết là Vương Nhi bị mình tát ghen một cái mà phải nằm giường bệnh. Nàng rất đỗi ngạc nhiên. Mã phu nhân dắt nàng lại thăm Vương Nhi, khi sờ má chàng ta thấy sưng húp bằng cái chén lớn mới tin là thực.

Tiểu Bạch ngồi bên Vương Nhi xoa má mãi.

- Tiện nữ xin lỗi công tử! Em tát... ‘yêu’ mà! Đừng giận nữa nhé!

Vương Nhi suýt soa, nhăn nhó, nói không rõ tiếng vì há miệng lại bị đau :

- Tiểu thư tát đau quá! Tại hạ bị sốt nóng cả đêm qua!

Tiểu Bạch cười cầm lấy tay Vương Nhi nói :

- Hãy còn nóng mà! Nếu vậy anh không làm món ăn ngon cho em. Em tự phạt một tuần... anh nằm nghỉ... không phải nấu nướng. Một tuần em nhai... món thịt nai của sư huynh Nhất Tiếu cũng bị trẹo quai hàm đây nè!

Vương Nhi vội nói :

- Thôi khỏi sốt rồi! Chiều nay thế nào tôi cũng ráng xuống bếp làm món măng tươi nấu chim câu rừng cho Tiểu Bạch ăn nhé! Nhất Tiếu chỉ quen làm món ăn cho Cẩu đầu quái ăn thôi!

Mọi người nghe vậy cười “ồ” vui vẻ. Vương Nhi bước xuống khỏi giường, đưa cho Tiểu Bạch chiếc giỏi xách tay và dắt nàng đi hái trái cây và bông thơm đem vào am cúng Phật.

Có lẽ tình yêu của đôi trẻ “một sáng một mù” này là một tình yêu đã làm tất cả mọi người khác yên lặng ngắm trông theo, hết thảy đều có phần ái ngại... Song vui sướng vì thấy nó chân thành... không gợn chút trần ai lợi dụng.

Nếu cuộc đời cứ êm đềm như thế, nếu cây cối cứ tiếp tục sinh trái, nụ nở hoa, đồi chè nẩy búp, nương sắn đầy khoai mì, vựa đầy lúa tốt... thì “tiểu thiên đường” nơi hạ giới đó vĩnh cửu mãi mãi.

Nhưng tất cả mọi người thấy Tiểu Bạch vui, ca hát thì mọi người vẫn không ca hát. Bởi vì đôi mắt nàng bịt dải lụa trắng vẫn như đôi vầng “nhật nguyệt” bị lấp sau mây chưa rọi tỏ cảnh thiên nhiên. Nhìn hiện thân của sắc đẹp vẫn bị bao phủ bởi làn mây mờ ám.

Lý Thanh Hoa đã nhiều lần yêu cầu nghĩa mẫu cho pháp chàng lên đường xuôi kinh, nhập vương phủ nài ép Phong Vân công chúa khiến nàng dẫn đi tìm Lão Thần Y để chàng đón về chữa mắt.

Thất Tình Tú Sĩ chưa hiểu rõ nguyên úy nhưng cũng muốn kiếm đi rửa hận và cố tìm Hoàn Mỹ Thiếu Cơ xưa.

Nhưng Mã phu nhân không muốn hai chàng thiếu hiệp dấn mình vào chốn giang hồ đầy cạm bẫy. Bà muốn những ngày đoàn tụ tại sơn trang cứ kéo dài mãi, trong êm đềm, thanh tịnh, hạnh phúc, đầy yêu thương và tương kính.

Bà viện lý lẽ là nên nhờ Thần Ma Mật Tăng đến sẽ tính tới chuyện phái người đi tìm Lão Thần Y sau. Nhưng ai cũng biết là bà đương “tử công phu” nghiên cứu phương thuốc, mong vén mây cho thấy mặt trời, làm tan màn u ám để lộ mặt nguyệt... vì Tiểu Bạch mời thực là hoàn thành hạnh phúc cho cả nhóm người đó.
break
(Sắc)Con Chồng Trước Và Cha Dượng
Ngôn tình Sắc, nhiều CP
Hệ Thống Xuyên Không Dục Nữ
Ngôn tình Sắc, Xuyên Không, Cổ Đại
Cô Nàng Livestream Web Người Lớn
Ngôn tình Sắc, Sủng
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc