Trên con đường chính lát đá của trấn thành, một trang thư sinh vận y phục màu trắng nho nhã, được ánh nắng đầu ngày chiếu vào y phục tỏa lên khuôn mặt một màu bạch ngọc tinh khôi, khiến cho người đi đường đều lấy làm thích mắt khi được ngắm nhìn một mỹ nam tử đang thả bước nhàn du.
Làn gió lay nhẹ tà áo trắng lất phất bay. Chân bước nhẹ nhàng, dáng đi khoan thai từ tốn, đầu ngẩng cao, chàng bạch y thư sinh là tiêu biểu cho giới văn nhân chân yếu tay mềm, trói gà không chặt.
Bạch y thư sinh hãy còn rất trẻ, tuổi chỉ độ mười sáu, mày thanh mắt sáng, làn da trắng trẻo mịn màng, dung mạo thanh tú tuấn mỹ, phong thái nho nhã dễ mến. Chàng vận bộ nho phục màu trắng tinh khôi, tóc cột lụa trắng, chân mang đôi giày trắng, tay cầm bạch ngọc phiến luôn phe phẩy. Trên môi chàng luôn ẩn hiện một nụ cười ấm áp thân thiện. Toàn thân chàng tuyền một màu trắng bạch. Trông chàng xinh đẹp như cây ngọc giữa mùa xuân. Chàng chính là Lam Hoài Ngọc.
Sau ba ngày đồng hành cùng cung chủ Nghi cung, Lam Hoài Ngọc đã được gặp vị vương thượng lừng danh của Võ lâm Tam cung, tức Nghi vương Giang Thừa Phong, Trường Thanh Cung thế tử, một nhân vật truyền kỳ của võ lâm đương đại. Chàng rất được ưu ái. Giang Thừa Phong đã lo liệu giúp chàng mọi việc rất chu đáo.
Theo lời khuyên của Giang Thừa Phong, chàng bỏ lối ứng xử của một nhân vật giang hồ, khoác vào người thân phận của một trang thư sinh văn nhược đang trên đường du học, với tính danh và thân phận mới : Giang Hoài Ngọc, biểu đệ của Giang Thừa Phong. Đồng thời, chàng cũng phải ẩn dấu luôn công lực bản thân, để những người tiếp xúc với chàng đều xem chàng như một người không hiểu võ công. Có như thế mới mong giảm bớt được những phiền phức không đáng có. Và hiện giờ, chàng đang trên đường đến Giang Nguyên cầu y.
Khoan thai dạo bước qua một vài đường phố, chợt nhận thấy có rất nhiều khách võ lâm hiện diện trong trấn, Giang Hoài Ngọc khẽ cau mày. Chàng dừng bước, ghé vào một trà lâu bên đường.
Chàng bước thẳng lên lầu, chọn một bàn bên cạnh cửa sổ hướng ra đường, rồi gọi tiểu nhị lấy một bình trà thượng phẩm cùng với vài món ăn. Ngồi nhắm nháp chung trà, chàng lơ đãng ngó qua cửa sổ nhìn xuống đường phố bên dưới đang hồi náo nhiệt, nhộn nhịp người qua kẻ lại.
Trên trà lâu hầu như chỉ gồm toàn giới văn nhân nhã sĩ cùng ngồi bên chung trà đàm luận văn chương thi phú. Tuyệt nhiên không có khách võ lâm nào. Bởi vì những loại người quen bôn tẩu giang hồ thì chỉ thích uống rượu, nên chỗ đặt chân phải là tửu quán chứ chẳng phải trà đình.
Xung quanh có nhiều tiếng cười nói chuyện trò rôm rả. Nhưng mọi người đều là văn nhân nhã sĩ nên phong cách nói năng nhỏ nhẹ từ tốn chứ không lớn tiếng ồn ào như khách võ lâm. Giang Hoài Ngọc biết rằng hiện đang có khá nhiều người đang ngắm nhìn chàng, thì thầm bàn tán với nhau. Nhưng chàng chỉ ngồi quay mặt nhìn ra cửa sổ chứ không để ý đến bọn họ.
Một hồi lâu sau, tại chiếc bàn cách bàn của chàng hai dãy, một lão nhân trong số ba người đang ngồi tại đấy có lẽ đàm luận văn chương đến hồi cao hứng, vừa vuốt râu vừa cất giọng ngâm nga :
“Đối tiêu tiêu vũ sái giang thiên,
Nhất phiên tẩy thanh thu.
Tiệm sương phong thê khẩn
Quan hà lãnh lạc,
Tàn chiếu đương lâu
Thị xứ hồng suy thúy giảm,
Nhiễm nhiễm vật hoa hưu.
Duy hữu Trường Giang thủy,
Vô ngữ đông lưu.
Bất nhẫn đăng cao lâm viễn.
Vọng cố hương diểu mạc,
Quy tứ nan thu.”
Lão già chỉ ngâm đến đây, không hiểu sao lại không tiếp tục nữa. Đây là một bài từ khúc của Liễu Vĩnh thời Tống, được viết theo điệu “Bát Thanh Cam Châu”, và vẫn còn một đoạn cuối. Giang Hoài Ngọc nhất thời cảm thấy cao hứng, cũng khẽ ngâm nho nhỏ đoạn cuối của bài từ :
“Thán niên lai tung tích,
Hà sự khổ yêm lưu.
Tưởng giai nhân, trang lâu ngung vọng,
Ngộ kỷ hồi, thiên tế thức quy chu.
Tranh tri ngã, ỷ lan can xứ,
Chính nhẫm ngưng sầu.”
Giọng ngâm của chàng nghe thật trong trẻo vui tai, khác hẳn giọng khàn khàn của lão nhân kia. Thanh âm tuy nhỏ nhưng vì trên lầu nãy giờ cũng không mấy ồn ào nên mọi người đều có thể nghe rõ. Ai nấy đều đưa mắt nhìn chàng, tươi cười tỏ ý tán thưởng.
Lão nhân kia cũng bật cười lớn, lộ vẻ hứng khởi, đứng dậy đi sang bàn của chàng, vòng tay nói :
- Lão phu là Quan Thiên Hữu. Công tử là người tao nhã, lão phu mạo muội xin được thỉnh giáo cao danh quý tính.
Giang Hoài Ngọc đưa mắt ngắm nhìn lão nhân tên Quan Thiên Hữu, thấy lão vận bộ nho phục màu xanh rất thanh nhã, đầu đội nho cân, râu ba chòm phất phới, tuy đã quá tuổi cổ lai hy nhưng trông vẫn còn phương phi khỏe mạnh. Chàng liền đứng dậy vòng tay đáp lễ, tươi cười nói :
- Không dám. Tiên sinh đã quá lời rồi. Tiểu sinh họ Giang, thảo tự Hoài Ngọc. Chẳng hay tiên sinh có điều chi chỉ giáo ?
Quan Thiên Hữu nói :
- Không dám. Lão phu nhận thấy công tử tài mạo hơn người nên muốn cùng công tử kết giao. Chẳng hay ý công tử thế nào ?
Giang Hoài Ngọc mỉm cười nói :
- Tiên sinh nói vậy thật khiến tiểu sinh cảm thấy hổ thẹn. Tiên sinh đã có nhã ý như thế, tiểu sinh xin được vâng theo.
Quan Thiên Hữu cả cười :
- Bậc cao sĩ phải khác hẳn kẻ thường tục. Chúng ta tình đồng đạo hợp kết giao làm bạn văn chương, cần chi kể đến tuổi tác lớn nhỏ.
Lão định mời Giang Hoài Ngọc sang bàn lão, vì nơi đó lão còn hai đồng bạn nữa. Nhưng chàng đã ngồi xuống, không có ý dời đi, nên lão đành ngồi luôn xuống đó. Giang Hoài Ngọc gọi tiểu nhị pha thêm một bình trà và đem ra thêm vài món ăn nữa. Quan lão lúc này cảm thấy khó xử, đi cũng dở, ở không xong. Nếu cứ ngồi đây thì chẳng lẽ bỏ mặc bạn hữu bên kia.
Quan lão lúng túng một hồi. Giang Hoài Ngọc chỉ nhìn lão mỉm cười, không nói tiếng nào, tay nhẹ nhàng phe phẩy chiếc quạt ngọc.
Vừa may, hai người bạn kia cũng dời sang cả bên này. Một người tuổi đã quá lục tuần, còn người kia là một văn sĩ trung niên. Lão nhân mình gầy mà cao, mặt đen râu dài, vận bộ nho phục màu xám giản dị. Còn văn sĩ tuổi quá ngũ tuần, mình vận thanh y, râu năm chòm đen nhánh, mặt trắng như ngọc, mày kiếm mắt ưng, trông vừa uy vũ lại vừa tao nhã. Giang Hoài Ngọc cứ tấm tắc khen thầm.
Hai người bọn họ đã sang đến nơi. Hôi y lão giả nhìn Giang Hoài Ngọc tủm tỉm cười, nói :
- Sao lão Quan không giới thiệu để chúng ta kết giao với vị công tử đây ?
Quan lão liền tươi cười nói :
- Phải rồi. Lão phu quên mất. Giang công tử. Lão già này tên là Uông Triều, vốn là một vị quan hồi hưu. Còn vị huynh đệ này là Bách Lý Hạc. Cả hai đều là bằng hữu thâm giao của lão phu hơn hai chục năm nay.
Giang Hoài Ngọc vòng tay nói :
- Hân hạnh. Tiểu sinh rất hân hạnh được diện kiến nhị vị hôm nay.
Đôi bên nói vài câu khách sáo, rồi phân ngôi chủ khách cùng ngồi xuống. Tiểu nhị lại mang thêm thức ăn ra. Lúc nãy Giang Hoài Ngọc chỉ mới nhấm nháp chút ít, thức ăn hầu như vẫn còn nguyên, giờ lại có thêm những thứ mới mang ra. Trên bàn bày đầy đồ ăn thức uống ê hề. Quan lão hỏi :
- Lão phu thấy công tử ăn uống chẳng bao nhiêu. Sao lại gọi nhiều thức ăn thế này làm chi ?
Giang Hoài Ngọc chỉ im lặng mỉm cười. Uông Triều lại góp lời :
- Thường thường thì những người tuổi trẻ chỉ thích uống rượu nhậu nhẹt. Giang công tử lại thích uống trà, thật là hiếm thấy.
Giang Hoài Ngọc cũng lại mỉm cười. Nãy giờ mãi chăm chú ngắm nhìn sắc diện chàng, giờ Bách Lý Hạc mới lên tiếng :
- Lão phu mạo muội hỏi công tử câu này. Trông khí sắc của công tử không được tốt, phải chăng công tử đang thọ trọng bệnh ?
Giang Hoài Ngọc khẽ gật đầu :
- Tiên sinh luận chẳng sai. Tiểu sinh đang thọ trọng bệnh. Sợ rằng không thể sống quá ba tháng nữa.
Ba người nghe nói đều giật mình kinh hãi, trợn mắt nhìn chàng. Bách Lý Hạc ngẫm nghĩ giây lát, lại nói :
- Lão phu cũng hơi hiểu qua về y lý. Công tử có thể cho lão phu xem qua tình trạng bệnh thế của công tử được chăng ?
Bách Lý Hạc đưa tay nhẹ nhàng cầm lấy tay chàng bắt mạch, đôi mày khẽ cau lại, sắc diện lộ vẻ kinh hãi. Sau cùng, lão mới nói :
- Tình trạng bệnh thế của công tử sao kỳ lạ quá. Khí huyết tuy vẫn lưu thông được bình thường, nhưng kinh mạch lại rối loạn hết cả. Lão phu chưa hề thấy, cũng chưa từng nghe qua có một một chứng bệnh như thế này bao giờ.
Quan lão trợn mắt nói :
- Lão phu không tin trên đời lại có bệnh trạng nào kỳ lạ như vậy. Đâu, để lão phu xem thử nào.
Rồi lão cũng giơ tay xem mạch, sau đó lắc đầu thở dài nói :
- Công tử tài mạo tuyệt thế, nghi biểu phi phàm. Thế mà lại mắc phải tuyệt chứng nan y. Thật đáng tiếc. Đáng tiếc.
Giang Hoài Ngọc nói :
- Sinh tử ở đời là thường sự. Con người dù sớm hay muộn rồi cũng phải chết. Cuộc sống chỉ cầu sao cho có ý nghĩa là đủ rồi.
- Công tử tuổi còn trẻ mà đã ngộ được lẽ sinh tử tồn vong, thật là hiếm thấy. Chẳng hay hiện giờ công tử đang định đi đâu vậy ?
Giang Hoài Ngọc đáp :
- Tiểu sinh định dùng khoảng thời gian còn lại du ngoạn danh sơn thắng tích. Thế thì dù có chết sớm cũng không uổng một đời.
Chàng ngừng lời giây lát, nhẹ thở ra, đưa mắt nhìn ba người, rồi mới lại mỉm cười nói tiếp :
- Các nơi danh thắng thường có các bậc cao sĩ ẩn cư. Biết đâu nhờ cơ duyên xảo hợp mà tiểu sinh may mắn gặp được bậc thần y có thể chữa khỏi chứng bệnh này của tiểu sinh không chừng.
Ba người bọn Quan lão cùng bật cười. Bách Lý Hạc vòng tay nói :
- Vậy thì bọn lão phu xin chúc công tử sớm được như nguyện.
Câu chuyện trở lại vui vẻ. Mọi người cùng đàm luận thi từ ca phú, xướng họa ngâm thơ rất là hợp ý. Giang Hoài Ngọc có giọng nói nhỏ nhẹ, thanh âm trong trẻo êm tai. Quan Thiên Hữu giọng nói sang sảng như chuông ngân. Uông Triều tiếng nói trầm trầm. Còn Bách Lý Hạc thì giọng nói tươi vui hòa nhã.
Chuyện vãn hồi lâu, Uông Triều ngỏ ý mời Giang Hoài Ngọc đến trang viện của lão ở cách trấn thành vài dặm. Chàng nhận lời, gọi tiểu nhị đến tính tiền, rồi bốn người cùng rảo bước xuống lầu.
Nhưng bốn người họ chỉ vừa bước chân ra khỏi quán thì bỗng nhiên có mười mấy nhân vật võ lâm kéo tới bao vây, ai nấy đều cầm đao mang kiếm, khí thế rất hung dữ. Uông Triều, Bách Lý Hạc khẽ cau mày. Quan Thiên Hữu thì nóng tính hơn, sa sầm nét mặt, hắng giọng quát hỏi :
- Các ngươi đột nhiên chặn đường bọn lão phu là có ý gì ?
Bọn kia vẫn cứ vây quanh bốn người, ánh mắt nhìn chằm chằm vào Giang Hoài Ngọc. Một tên trong bọn hất hàm hỏi :
- Tên tiểu tử này có quan hệ thế nào với các ngươi ?
Quan lão tức giận nói :
- Đó là chuyện riêng của bọn lão phu. Ngươi lấy tư cách gì mà hỏi như vậy ?
Tên nọ vung thanh đao đang cầm trên tay lên khua một vòng, kiêu ngạo nói :
- Dựa vào thanh đao trên tay ta đây.
Thanh đao của y lưỡi mỏng sống dày, ánh vàng lấp lánh dưới ánh dương quang. Quan lão đưa mắt nhìn thanh đao, cười nhạt nói :
- Khi lão già dịch sư phụ ngươi còn sống, trước mặt lão phu lão ta còn chưa dám thốt ra những lời nói đó, nữa là cái hạng như ngươi. Hừ. Chim sẻ mà dám múa may trước mặt phượng hoàng. Thật nực cười.
Tên kia đỏ mặt tía tai, tức giận hầm hầm, quát lớn :
- Lão chỉ là một lão già sắp xuống lỗ, dựa vào đâu mà dám nhục mạ đại gia thế hả ? Có giỏi thì hãy cùng đại gia tỷ đấu vài chiêu. Rồi đại gia đây sẽ thuận đường mà đưa lão về chầu Diêm chúa.
Lúc này, những người qua đường đã tụ tập lại đứng thành một vòng vây quanh phía ngoài, chờ xem đôi bên đánh nhau. Quan lão nghe tên kia lên giọng ngông cuồng ngạo mạn như thế, khí giận chợt bốc lên ngùn ngụt, trên mặt nổi sát khí, sa sầm nét mặt, giọng nói lạnh như băng :
- Hay lắm. Mấy chục năm nay, ngươi là kẻ đầu tiên dám giở giọng đó với lão phu đấy. Để lão phu xem thử ngươi có bao nhiêu phân lượng ?
Vừa nói lão vừa thò tay vào bọc áo lấy ra một cây bút lông nửa đen nửa trắng, dài khoảng gang tay, giơ lên trỏ vào tên kia, nói :
- Ngươi mau báo danh.
Tên kia kiêu ngạo đáp :
- Đại gia là Bát Quái Kim Đao Đào Vĩnh Thọ. Lão hãy nhớ rõ danh tính đại gia để lát nữa xuống Âm phủ còn biết đường mà bẩm báo với Diêm vương.
Quan lão tức giận giơ bút lông lên khoanh một vòng trong không khí. Tức thì kình phong ào ạt tuôn ra, nhắm vào tên Đào Vĩnh Thọ tràn tới. Tên họ Đào định vung chưởng ngăn đón. Nhưng kình khí đã nổi dậy ào ào, rít gió vi vút, thế mạnh như cuồng phong bạo vũ, ào ạt tràn tới khiến gã tối tăm mặt mũi, không phương chống đỡ. May mà gã cũng nhanh trí, vội lăn tròn dưới đất để tránh. Tuy thế, gã cũng bị dư kình quét trúng, da thịt đau rát như bị dao cắt.
Bọn quần tà chợt nhớ ra Quan lão là ai. Tất cả đều xám mặt, bật lùi về phía sau mấy bước. Có tên trong bọn bật hỏi :
- Lão tiền bối đây phải chăng là Sinh Tử Phán Quan lão tiền bối danh tiếng lẫy lừng mấy mươi năm trước ?
Quan lão lạnh lùng nói :
- Hừ ! Đến giờ các ngươi mới nhớ ra lão phu là ai đấy ư ?
Cả bọn quần tà thảy đều thất sắc, kinh hoàng táng đởm. Thanh vọng của Quan lão trong giới võ lâm không phải tầm thường. Võ công của lão rất cao cường, thủ đoạn lại rất đáng sợ, hễ đã xuất thủ là phải giết người, vì thế mới có ngoại hiệu là Sinh Tử Phán. Tuy lão đã ẩn cư gần ba chục năm nay, nhưng người võ lâm hễ nghe đến danh hiệu của lão là vẫn còn khiếp đảm.
Một tên trong bọn quần tà gượng nói :
- Xin lão tiền bối lượng thứ cho bọn vãn bối vì mắt kém nên đã không nhận được lão tiền bối. Lão tiền bối là bậc đại nhân, chắc cũng chẳng chấp trách kẻ tiểu bối như bọn vãn bối đây.
Quan lão trừng mắt nhìn cả bọn, quát :
- Giờ các ngươi đã biết lão phu là ai rồi, sao vẫn còn đứng đó ? Hay là muốn lão phu phải xuất thủ ?
Bọn quần tà thảy đều lộ vẻ khiếp sợ, đưa mắt nhìn nhau hội ý. Nhưng rồi không một tên nào chịu rút lui cả. Cả bọn khí giới đều tuốt trần, lăm lăm trên tay. Tuy vậy, bọn chúng vẫn không dám manh động. Uy thế của Quan lão đã khiến cho bọn chúng chùn nhụt, ngại ngần không dám mạo hiểm trêu vào.
Hồi lâu sau, một tên trong bọn cố thu hết can đảm, hướng vào Quan lão nghiêm cẩn chắp tay xá dài, lễ độ nói :
- Xin lão tiền bối thứ lỗi cho. Chỉ cần tên … à … chỉ cần vị công tử này chịu giao kinh sách ra là bọn tại hạ sẽ đi ngay.
Giang Hoài Ngọc ngơ ngác hỏi :
- Các vị nói thế là có ý gì ? Tiểu sinh nào có lấy kinh sách gì của các vị đâu ? Hay là … các vị đã nhận lầm người.
Lúc này, tên kia Đào Vĩnh Thọ đã ngồi dậy, phủi sạch bụi đất bám trên áo quần, cao giọng nói :
- Chuyện này rất nhiều người biết, ngươi đừng mong chối cãi. Ngươi có dám để cho bọn ta lục soát hay không ?
Bách Lý Hạc từ đầu đến giờ thủy chung vẫn đứng phía sau nghe đôi bên đối đáp. Chỉ có điều, lúc nãy khi xem mạch chẩn bệnh cho Giang Hoài Ngọc, lão ta đã nhận ra rằng trong người chàng không hề tồn tại một chút công lực nào, do vậy lão mới cho rằng chàng không biết võ công. Và cũng vì thế mà lão không hề tin là chàng đã lấy kinh sách gì đó của bọn kia, mà nghĩ rằng bọn kia tới tìm chàng gây sự. Lão liền bước tới trước, đứng sát bên cạnh, sẵn sàng bảo vệ chàng.
Ngay cả Quan lão cũng có ý nghĩ giống như Bách Lý Hạc. Lão liền đứng chắn trước mặt chàng, rồi trầm giọng quát bảo bọn quần tà :
- Các ngươi ăn nói hồ đồ gì thế ? Các ngươi bảo Giang công tử đã lấy pho kinh sách gì của các ngươi ? Nếu như mà các ngươi không nói được rõ ràng rành mạch thì đừng trách sao lão phu lại hạ thủ vô tình. Thủ đoạn của lão phu … hừ hừ … chắc các ngươi cũng biết thế nào rồi ?
Tên Đào Vĩnh Thọ sững người, ấp úng một lúc, rồi mới nói :
- Mọi người trong võ lâm đều biết công tử đây đang giữ pho “Vô Tự Thiên Thư”. Chỉ cần công tử chịu giao ra là mọi việc đều ổn cả. Còn nếu công tử cứ tiếp tục giữ lấy nó, không chừng sẽ mang đến họa sát thân đấy.
Mọi người đều trố mắt nhìn Giang Hoài Ngọc. Ngay cả bọn Quan lão, Bách Lý Hạc cũng thế. Nghe đến bốn chữ “Vô Tự Thiên Thư”, bọn họ cũng đều lộ vẻ ngạc nhiên. Giang Hoài Ngọc lắc đầu nói :
- Tiểu sinh có biết quyển Thiên Thư nào đâu. Các vị nhận lầm rồi.
Quan lão cũng nói :
- “Vô Tự Thiên Thư” chỉ là truyền thuyết, làm gì có thật mà các ngươi bảo rằng Giang công tử đang cất giữ chứ hả ?
Tên họ Đào vội nói :
- “Vô Tự Thiên Thư” có thật đấy chứ. Chỉ mới mấy tháng trước đây, đoàn nhân mã của Thái Chính Cung trên đường áp tải pho kinh này đã bị một toán người chặn đánh cướp mất. Hiện bọn họ đang huy động đại đội nhân mã càn quét khắp võ lâm để truy tìm pho kinh. Nếu … nếu vị công tử đây vẫn giữ nói tất sẽ mang đến họa sát thân. Tốt nhất là hãy nên giao ra.
Bọn Quan lão, Bách Lý Hạc nghe gã ta nói thế thì đồng đưa mắt nhìn nhau, khẽ gật đầu. Bách Lý Hạc nói :
- Chỉ dựa vào lời ngươi vừa nói, ta tin chắc rằng các ngươi đã tìm lầm người. Giang công tử chẳng khi nào lại dự vào những chuyện đó.
Tên họ Đào nói :
- Lời nói của các hạ khó làm người ta tin được.
Quan lão hừ lạnh nói :
- Ngươi không tin rồi định làm gì ?
Uông Triều nãy giờ yên lặng, giờ cũng xen vào :
- Lão phu cũng tin chắc rằng Giang công tử chẳng khi nào lại tham dự vào những chuyện tranh đoạt của bọn người võ lâm các ngươi. Nếu đây không phải là chuyện hiểu lầm thì chính là các ngươi định vu oan giá họa để hãm hại Giang công tử. Chuyện này không thể bỏ qua được.
Đoạn lão quay sang Quan lão nói :
- Lão Quan này. Thời gian còn lại của Giang công tử không còn bao nhiêu nữa. Không thể cứ để Giang công tử dính dáng đến những chuyện rắc rối này mãi. Cần phải giải quyết dứt điểm mới được.
Cả Quan lão, Bách Lý Hạc liên tưởng đến cảnh ngộ thương tâm của Giang Hoài Ngọc, đều sinh lòng thương tiếc, tự nhủ lời của Uông lão thật hữu lý. Không gian chợt trầm lắng đến rợn người.