Xử lý xong tang sự của mẹ, A Nam đưa tôi về nhà nội.
Cùng về chung với chúng tôi còn có tấm di ảnh của cha. A Nam đặt nó vào trong một hộp giấy, cầm rất cẩn thận. Tay kia của ông xách đầy quà cáp ông mua biếu nội.
Tôi thấy cứ để ông cầm di ảnh của cha tôi như thế không hay lắm, nhưng không hay ở chỗ nào, tôi cũng không nói được. Chúng tôi leo lên xe, A Nam hỏi tôi: “Mã Trác, cháu có nhớ bà nội không?”
Tôi không nói gì, chỉ ngó đăm đăm mặt kính của cửa sổ xe, mưa giống như từng giọt nước mắt đang nhỏ ra từ tim tôi. Tôi lại mịt mờ thêm lần nữa, tôi không biết đến tột cùng cái gì là đúng cái gì là sai, cái gì là nhớ thương, cái gì là căm ghét.
Xe chạy nhanh hơn tôi tưởng rất nhiều, rất nhanh, chúng tôi đã đến bến xe Nhã An. Ra khỏi bến xe, phát hiện nơi đây mưa bụi vẫn đang bay. Cả một toà thành vẫn vậy, dưới làn mưa trở nên ướt át và mơ hồ khôn xiết.
Tôi đã quay lại.
Tựa như hết thảy chưa từng xảy ra.
Nhưng tôi biết, hết thảy đều đã xảy ra, bất kể tôi cố gắng đến thế nào, cũng không có cách quay về được như xưa.
Taxi dừng trước cửa nhà, tôi và A Nam xuống xe, một bước nghìn cân đi tới ngưỡng cửa, sau đó tôi không dám tiến lên nữa. A Nam hai tay đầy đồ, chỉ có thể nhìn tôi dẩu dẩu miệng(1) nói: “Là căn nhà trước mặt này hả?” Tôi lấy hết can đảm, vươn tay đẩy cánh cổng màu đỏ ấy ra, lại không nhìn thấy nội tôi ngồi bên cửa nhà bóc đậu như thường lệ.
“Ai đó!” Là tiếng của Chú Út, tay ông ta cầm một cái bát không, xuất hiện trước cửa nhà, trông thấy tôi, không tin được nói: “Mã Trác?”
Tôi lùi ra sau một bước theo phản xạ.
A Nam đứng bên cạnh giữ tôi lại, ông đặt di ảnh của cha vào trong tay của tôi, rồi đặt hết quà cáp xuống sân, cười nói với Chú Út: “Tôi đưa Mã Trác về lại cho quý vị.”
“Lâm Quả Quả thật đã chết rồi à?” Chú Út nói, “Tiền đâu?”
A Nam móc từ túi áo trong ra một túi vải dày cộm, đặt vào tay của Chú Út, trong đó là tất cả số tiền mẹ để lại: hai vạn bảy nghìn đồng tiền mặt.
Căn hộ là do mẹ thuê, chưa hết kỳ hạn, nhưng tiền đặt cọc không thể lấy lại được đồng nào.
Chú Út giựt lấy tiền, vùi đầu lo đếm.
A Nam dắt tôi vào trong phòng khách ngồi đợi. Tôi lại quay về với mái nhà khắp nơi đều ẩm ướt và tối tăm này, kỳ lạ ở chỗ, tôi thế mà lại lưu luyến cái mùi ẩm mốc quanh năm trong căn nhà này. Tôi ra sức hít hà, cuối cùng tôi phát hiện ra mình vẫn còn nhớ nhung nơi này, giống như nhớ nhung chiếc xích đu gỉ sét cũ kỹ của vườn trẻ.
Tôi bỗng nghĩ đến nội, sao lại không thấy nội đâu? Tôi đứng lên chạy vào trong phòng của nội, phát hiện nội nằm trên giường, tôi leo lên phản gỗ cao thật cao, dùng tay rờ giường, không ngờ giường lại ấm. Nội chậm chạp xoay đầu qua. Tôi sợ hết hồn, tay rụt về theo bản năng.
Mặt của nội vàng như nghệ, mỏng như thế, lại không phát ra một chút ánh sáng nào. Đôi bông tai nội đã đeo cả đời khăng khăng không bao giờ tháo xuống, trên mặt hầu như đã dính bụi đất khiến cho nó đen thùi, nay màu đen ấy càng thêm nặng nề. Tròng mắt của nội như bị kéo một tấm màn đục, nội mở mắt nhìn tôi rất lâu, rồi mới mấp mé môi, hơi sức mỏng manh như tơ bảo tôi: “Mã Trác, con giúp bà……. đuổi ruồi, bà không nhấc tay lên được.”
Giọng của nội, rất kỳ lạ, giống như chui lên từ cổ họng một cách vô cùng khó nhọc. Sau đó nhẹ nhàng lơ lửng trong không khí, rồi mất hút.
Tôi kiễng chân, giơ hai cánh tay ra sức vung vẩy, hai con ruồi không ngừng bay vo ve trong mùng mới không cam lòng bay đi.
“Cháu ngoan.” Nội lại mất rất nhiều sức nói được hai chữ đó, rồi nặng nề nhắm mắt lại, tựa như mãi mãi không muốn tỉnh dậy nữa.
Tôi bước đến bên tủ, một mớ thuốc dân tộc Tạng chất thành một ngọn núi nhỏ bốc mùi nồng nặc, vừa đắng vừa chát.
Thì ra nội đã ngã bịnh.
Lúc tôi ra khỏi cửa, Chú Út đang ngồi ngay ngạch cửa hút thuốc, A Nam ngồi trên chiếc ghế đẩu bên cạnh cửa —- là chiếc ghế con nội đã từng ngồi để bóc đậu.
A Nam trông thấy tôi, vẫy tay bảo tôi tới. Tôi bước tới gần, A Nam nói với tôi: “Mã Trác, chú sắp đi tới nơi rồi, mai mốt sẽ quay lại thăm cháu……”
“Tiền nhất định không chỉ có nhiêu đó,” Chú Út nóng nảy giụi tắt thuốc, đứng lên phủi phủi mông, kéo tôi qua một bên hỏi một cách không kiêng nể gì: “Mẹ mày rốt cuộc để lại bao nhiêu tiền, mày đừng có ngu ngốc để cho người ta lợi dụng mày!”
Giây phút đó, tôi thật muốn đạp cho Chú Út một cái.
A Nam cũng không biết có nghe thấy không mà ông hơi khom người nói: “Mã Trác giao cho các người nhé.”
Nói xong, ông đi. Ông không mang theo dù, đầu tóc hơi ướt. Lúc ra đến cổng, ông ngoái đầu lại vẫy tay với tôi. Trong làn mưa của Nhã An, ông ấy giã từ tôi rồi khuất bóng.
Ngày tháng lại trở về như ban đầu. Quay về trong căn nhà này, trái tim tôi giống như cuối cùng đã trở về chỗ cũ, cuối cùng có thể tìm được yên ổn, nhưng lại không có cách nào yên ổn được. Hôm ấy sau khi A Nam đi, Chú Út lấy toàn bộ quần áo Lâm Quả Quả mua cho tôi vứt vào trong lò, cũng vứt luôn chiếc cặp mới của tôi đi, tuy nhiên ông ta không vứt bột sữa mạch nha A Nam mua cho nội đi. Ông ấy vừa vứt những thứ kia vừa hằn học mắng tôi: “Bây giờ mày hả hê rồi nhá! Bị cái con đĩ thối tha kia lừa, rốt cuộc vẫn không phải là cút về lại đây sao?! Đĩ thoã y chang như cái con mẹ mày, muốn nhích ai thì nhích, kết quả chết còn khó coi hơn chó!”
Tôi để kệ ông ta mắng, không làm gì cả. Sau này tôi mới biết, một tháng sau khi tôi đi, nội tôi ngã bệnh. Đến nay tôi vẫn chưa có thím. Chú Út lười biếng lông bông, lại bởi vì ăn cắp mà ngồi tù hai năm, không có cô gái nào quanh đây chịu gả cho ông ta. Tính cách của ông ta cũng bạo lực, lại thích cờ bạc. Lúc nội tôi còn chưa ngã bịnh, ông ta trừ lúc nào cũng đòi nội cho tiền thì chẳng làm gì khác cả.
Quãng thời gian sau khi tôi quay về, ông ta lại bắt đầu mỗi ngày đánh bạc. Tôi phụ trách nấu cơm, ông ta xách một chai rượu gạo tẻ, lại múc chút dưa muối từ trong vại ra làm thức ăn, dùng chung với cơm, ăn xong vứt chén cho tôi, rồi ra lệnh cho tôi đi nấu thuốc. Còn ông ta chỉ có cờ với bạc. Thua thì uống rượu, uống xong chửi mắng người. Nếu không thì nằm ngủ. Trông bộ dạng của ông ta, đoán chừng hai vạn tệ đã bay sạch rồi. Nhưng mà, ông ta nhất định không bỏ tiền ra đưa nội tới bệnh viện khám.
Có một ngày trong lúc ăn cơm, tôi nói với ông ta: “Chú có thể nào tới chợ mua một ít cá về không, để cho nội tẩm bổ một chút.”
“Mẹ kiếp.” Chỉ có thế mà ông ta vứt bát xuống đất, “Nếu không phải mày đi theo cái con mẹ chết tiệt của mày, bà già của tao, bà nội của mày sao lại có thể bịnh tới mức này?”
Tôi buông đũa, cúi người lượm mảnh sứ trên mặt đất. Ông ta liền thừa cơ đạp ngay vào lưng của tôi một cái, hai tay tôi chống xuống đất, mảnh sứ trên mặt đất đâm vào lòng bàn tay tôi, tôi bị đau đến cả người run lên, nhưng cắn răng nén không kêu thành tiếng.
Ông ta vẫn còn la lối: “Cần mày dạy ông hiếu thuận à!”
“Đừng la nữa! Đều là tội nghiệt của tôi!” Nội không biết phải lấy bao nhiêu hơi, mới la lên được một tiếng như thế, tôi lập tức bò dậy từ dưới đất, chạy như bay vào trong phòng. Tôi nắm lấy tay của nội, áp nó vào mặt mình, rồi nước mắt mới không kềm được tuôn ra.
Ngón tay của nội khẽ nhúc nhích, muốn lau đi nước mắt cho tôi.
Tôi dùng bàn tay của nội che kín mặt mình lại, khóc đã khóc đời.
Có trời chứng giám, tôi chỉ là luyến tiếc nội, nội mới là người thân thiết gắn bó duy nhất trong cuộc đời 9 năm nay của tôi.
Nếu như nội xảy ra chuyện gì, tôi cũng không muốn sống nữa. Tôi rất thành tâm săn sóc cho nội, việc làm hàng ngày vẫn là nấu thuốc, nấu cơm, giặt đồ. Tôi biết những thứ thuốc này đối với nội không có một chút ích lợi gì, phải nên đưa nội tới bệnh viện thành phố mới đúng. Nhưng tôi biết, Chú Út sẽ tuyệt đối không chịu bỏ tiền ra cho việc này.
Điều tôi có thể làm, chỉ là noi theo những gì nội vẫn thường làm, bất kể trời mưa hay nắng, ngày tiếp nối ngày quỳ trong sân, ngước nhìn bầu trời vĩnh viễn một màu xám của Phố Mưa, thành tâm cầu nguyện.
Tôi quyết định gạt ông ta.
Buổi tối, tôi lại vào trong phòng của ông ta, ông ta không uống rượu, tâm tình trông có vẻ không tốt cũng không xấu. Thấy tôi tiến vào, mất kiên nhẫn nói với tôi: “Chuyện gì?”
“Chú muốn tiền không?” Tôi hỏi ông ta.
Ông ta đảo mắt khinh bỉ nhìn tôi nói: “Muốn thì sao?” Nói xong, ông ta chợt có phản ứng, xông tới tóm lấy cổ áo của tôi gầm lên: “Nói, có phải mày đã đem tiền của mẹ mày giấu ở đâu rồi?”
“Không phải.” Tôi nói, “Nhưng cháu biết số tiền đó hiện giờ ở đâu.”
“Ở đâu?” Ông ta hỏi một cách hung hãn.
“Chú để bà nội khám bịnh xong. Cháu sẽ nói cho chú biết.”
Mắt của ông ta trợn rõ to lên nhìn tôi, dùng một giọng điệu muốn khiến cho tôi thật sợ hãi nhưng tôi cũng chẳng sợ chút nào mà nói: “Nếu mày mà dám gạt ông, ông sẽ cho mày chết còn khó coi hơn mẹ mày!”
“Tin hay không tuỳ chú.” Tôi nhìn thẳng vào mắt ông ta, dũng cảm nói xong câu này, rồi bước ra khỏi phòng.
hết chương 9
chú thích (1): dẩu dẩu miệng = miệng dẩu lên trong khi hất hất hàm, cái này hay thấy trong phim Hàn và phim Tàu, khi nhân vật thị ý cho người khác đi “go ahead and do it.” hoặc là “còn không mau lo làm đi?”
Đăng bởi: admin