Nửa tháng sau, tôi trở thành một học sinh nhỏ trong lớp ba của trường ŧıểυ học Sao Đỏ. Đều là do công của bà ấy và A Nam. Tôi nghĩ bà ấy nhất định phải bỏ ra rất nhiều tiền, điều này khiến cho lòng tôi quả thực có ít nhiều khó chịu.
A Nam tìm một bác sĩ đến tận nhà khám vết thương cho bà ấy, nghe nói là dùng một loại thuốc đặc trị nào đó, thân thể bà ấy dần dần khoẻ lên. Đêm trước ngày đi học, mẹ mua cho tôi một bao đồ đạc lớn. Ngoài cặp và hộp bút ra, còn có ba bộ đồ mới. Xanh đỏ vàng, màu sắc rất sặc sỡ, đều là áo đầm. Lúc tôi còn ở Nhã An, xưa giờ chưa từng có một chiếc áo đầm nào. Lúc tôi trông thấy những chiếc váy kia, lại mang một cảm giác như đang nằm mơ, mặt còn hơi đỏ lên. Nhưng bà bảo tôi mặc thử từng chiếc từng chiếc một cho bà xem. Bà đốt một điếu thuốc, ngồi đầu giường, ngắm nhìn tôi, nói một cách chân thành: “Mã Trác, con thật là sướиɠ. Lúc còn bé mẹ mặc đồ như trẻ lượm rác, sau này lớn rồi, quần áo toàn là ăn cắp tiền trong nhà đi mua không. Ôi, xưa giờ chưa từng được quang minh chính đại làm tiên nữ.”
Tôi nhìn bà không nói gì. Bà chợt như mắc bệnh thần kinh, giụi tắt điếu thuốc, nắm lấy hai vai của tôi, dùng đôi mắt to thật to của bà mà nhìn tôi chằm chằm, nói: “Mã Trác, con không được ăn cắp tiền nghe. Con muốn bao nhiều mẹ cho con bấy nhiêu, nhưng ngàn vạn không được ăn cắp, hiểu không?”
“Con chưa ăn cắp tiền bao giờ.” Tôi nhẹ nhàng giãy ra khỏi bà.
Bà ấy vỗ mạnh tôi một cái, cười vô cùng khoa trương, làm tôi đâm lo lắng không biết vết thương vừa khép miệng của bà ấy có bị toác ra hay không. Trong lòng tôi thầm nghĩ, lẽ nào bà ấy đã từng ăn cắp rất nhiều tiền?
Dù sao tôi biết bà ấy chính là rất thích tiền. Tôi từng trông thấy bà đếm tiền, tiền trong ngăn kéo của bà ấy, dường như ngày nào cũng phải đếm đi đếm lại mấy bận. Tôi không biết rốt cuộc bà ấy có bao nhiêu tiền, nhưng tiền đối với bà ấy mà nói, chắc phải là thứ quan trọng nhất. Việc buôn bán rượu của bà ấy hình như rất khá, ngày nào cũng có rất nhiều cú điện thoại, phải đối phó với rất nhiều khách hàng. Buổi tối hôm đó, A Nam giúp bà ấy dọn dẹp lại căn phòng nhỏ vốn dùng để chứa rượu làm thành phòng cho tôi ở, mớ rượu ấy quá nhiều, ban công không đủ chỗ nhét, tôi nghe A Nam nói với bà ấy: “Bằng không thì để ở chỗ siêu thị của anh đi.”
Bà ấy quay ngoắt lại: “Hoá đơn lần trước còn chưa thanh toán đấy.”
“Anh không có ý đó.” A Nam vội vàng giải thích, “Hơn nữa cuối tháng nhất định sẽ thanh toán, có bao giờ nợ tiền em đâu?”
Bà ấy nhếch mép cười cười, không nói gì nữa.
Tôi thật không hiểu nổi, A Nam đối đãi với bà ấy tốt như thế, bà ấy sao lại còn đi tính toán chi li đến vậy. Băng trên trán của A Nam vừa mới được tháo ra cách đây không lâu, vết sẹo rất rõ ràng, mặc dù bà ấy là kẻ đập người ta, bà ấy cũng chưa từng hỏi han câu nào. Tôi đã từng trông thấy A Nam giao hàng giúp cho bà, ông ấy lái một chiếc xe tải mui trần, bê từng thùng từng thùng rượu xếp vào, lái tới lái lui mấy chuyến, không chê phiền hà, còn bà ấy thì xưa giờ chưa từng đưa người ta một cắc nào.
Tối đó, tôi ngủ một mình trong căn phòng nhỏ, mùi cồn rượu trong phòng quá nồng, tôi không cách nào chợp mắt được, thế là tôi ngồi dậy, kéo rèm cửa sổ ra, bó gối ngồi nhìn bóng đêm ngoài cửa sổ. Tôi nhớ đến nội, thật tình rất nhớ, nhưng mà, tôi biết, mái nhà ấy, tôi mãi mãi không quay về được nữa rồi.
“Sao con còn chưa ngủ?” Mẹ đẩy cửa bước vào, bật đèn lên. Tôi trông thấy bà đã hoá trang rất đẹp, mặc một chiếc váy đẹp và mang giày cao gót, nhất định là sắp đi ra khỏi cửa.
Bà ấy nói với tôi: “Con ngủ sớm một chút, sáng sớm ngày mai A Nam sẽ ghé qua đưa con đến trường, đừng để bị trễ học.”
“Đi đâu?” Tôi hỏi bà ấy.
“Ra ngoài.” Bà ấy nói.
“A Nam cũng đi sao?”
“Con nghĩ cái gì đâu đâu thế?” Bà ấy bước đến gần, vỗ vỗ đầu tôi, cười hì hì bảo: “Chuyện người lớn con nít đừng xía vô.”
Tôi ngửi thấy mùi nước hoa trên người mẹ, thơm đến tôi váng đầu nhức óc. Bà ấy rực rỡ như thế, lấy công việc làm cớ để mua vui, thật không biết trong lòng bà ấy đến tột cùng đang nghĩ những gì.
Sáng sớm hôm sau, tôi mặc chiếc váy mới của tôi đi học, A Nam lái xe gắn máy đến nhà tôi sớm thật sớm. Ông ấy còn mua thức ăn sáng đến cho tôi, hai chiếc bánh bao to đùng, một túi sữa đậu nành. Tôi ăn hết tất cả nhanh như gió, nói lời cảm ơn với ông ấy. Ông ấy hài lòng nhìn tôi bảo: “Ngày mai mua sữa bò, uống sữa bò mốt lớn mới cao được.”
Tôi nhìn vẻ mặt quan tâm lo lắng của ông ấy, hận cái vô tình của Lâm Quả Quả.
Trong tiết thể dục một ngày trước đó, tôi nhảy dây trong góc một mình. Lớp trên của Lam Đồ cũng đang trong tiết thể dục, nó lại mua một cây kem sữa, hơn nữa vị cũng giống y chang cây hôm bữa, nó liếʍ không biết mệt, lững thững đến bên tôi, dài miệng nói với tôi: “Này—- Lần trước tớ giúp cậu vào nhà, cậu còn chưa cám ơn tớ.”
“Cám ơn.” Tôi ngưng nhảy dây, khẽ nói với nó. Nó hài lòng gật gù, liếʍ cây kem, tung tăng đi mất. Tôi tiếp tục nhảy, nó vừa mới đi xa xa, lại ngoái đầu chạy về lại, đánh giá bộ đồ mới của tôi, nói một cách hâm mộ: “ ‘Bé Ngoan’ đấy nhé, xem ra Lâm Quả Quả không nghèo chút nào.”
Tôi mờ mịt nhìn nó.
Tôi không biết cái gì là “Bé Ngoan.” Tôi khi ấy, cơ bản không biết trên đời này có cái thứ gọi là “nhãn hiệu.” Nhưng có một điều tôi hiểu rất rõ, bà ấy vốn không nghèo. Hoặc có lẽ, bà ấy chỉ không biết làm thế nào để trở thành một người mẹ tốt. Giống như bà ấy chưa bao giờ hiểu thế nào để chăm lo cho tôi, thường thường quên mất tôi đã ăn chưa, hoặc có cô đơn hay không, cuộc sống của bà ấy luôn khác những người xung quanh, ban ngày ở nhà ngủ, đêm đến ra ngoài, sau đó đến khi trời sáng mới quay về, tiếp tục ngủ.
Người lo cho tôi, chỉ có A Nam.
A Nam thường đưa những món ăn ngon tới, nhưng đương nhiên ông ấy không thể ngày nào cũng tới, tôi đã học cách dùng lò vi ba, tự mình giải quyết bữa tối, một mình làm bài tập, một mình lên giường ngủ, một mình tới lớp, về nhà.
Hết thảy ở trường đều tốt. Chỉ có điều thành tích của tôi rất sút kém, nhưng bạn học ở đây đều rất hiền lành, không xem thường tôi. Có một hôm thầy giáo gọi tên tôi đứng lên đọc bài, tôi hơi có chút không dám mở miệng, giọng càng lúc càng nhỏ, bọn chúng vẫn không trêu chọc, hơn nữa còn đọc theo, giúp tôi vượt qua những phút xấu hổ ấy. So với đám bạn học vẫn thường gọi tôi là “Tổ Vò Vẽ” mà nói, trong lòng tôi đã cảm thấy rất mỹ mãn rồi.
Cho nên, tôi quyết tâm trở thành một học sinh tốt.
Lam Đồ học lớp kế bên. Khi tan học, nó luôn thích rượt theo tôi. Nó vẫn nhiều lời y như thế: “Nghe nói Lâm Quả Quả là dì bé của cậu, nhưng mà tại sao cậu không ở cùng với ba mẹ của cậu hở? Tớ cảm thấy trẻ con vẫn nên ở cùng với ba mẹ mình mới hạnh phúc được chứ. Đương nhiên là Thành Đô tốt hơn Nhã An rất nhiều, cậu cũng có thể kêu ba mẹ cậu tới làm việc ở Thành Đô mà, cơ hội kiếm việc ở đây rất nhiều đấy, mẹ tớ có thể giới thiệu giùm……”
Tôi rất hy vọng có một miếng băng keo từ trên trời bay tới, dán chặt kín cái miệng ra rả không biết ngơi nghỉ của nó lại.
Thật ra tôi cũng không thật tình không muốn làm bạn với Lam Đồ. Nhưng tôi lại cảm thấy, nó tìm tới tôi để nói chuyện thuần tuý chỉ là vì bản thân nó cảm thấy rất nhàm chán, cho nên mới cần đến tôi bầu bạn. Tuy tôi không hiểu ý nghĩa của hai chữ nhàm chán này, nhưng tôi nghĩ, đó chắc là cái cảm giác cần phải tìm người để nói chuyện.
Vậy thì, tôi cớ sao phải hầu chuyện với nó? Huống chi, nó chưa bao giờ lo gọi Lâm Quả Quả là dì, nó không lễ phép một chút nào, tôi không có cách nào làm bạn với nó được.
Chính vào lúc ấy. Trước mặt vang lên tiếng còi, là A Nam, chỉ cần rảnh rỗi, ông ấy sẽ tới đón tôi. Tôi sung sướиɠ, nhanh chân rảo bước, Lam Đồ níu ngay tôi lại, cười hì hì rỉ tai tôi: “Cái ông này đang muốn làm dượng bé của cậu đấy.”
Nếu như…….. thật ra……. Tôi dĩ nhiên rất tình nguyện.
A Nam đúng là một người tốt, tôi tin rằng trên thế giới này có rất nhiều người tốt, nhưng cho đến giờ, người tốt mà tôi gặp chỉ có mỗi mình A Nam. Cho nên tôi rất bất bình giùm A Nam, tôi thật lòng hy vọng bà ấy có thể tốt với A Nam một chút, nhưng không biết vì sao, tính tình bà ấy càng lúc càng nóng nảy, kẻ xui xẻo nhất, đương nhiên chính là tôi và A Nam.
Hôm nay cũng không phải là một ngày đặc biệt gì, có lẽ do muốn cho tâm trạng của mẹ khá hơn một chút, A Nam mời tôi và bà ấy tới nhà hàng. Bà ấy gọi một đống thức ăn, ngốn như bão cuốn xong, rồi mới kịp thở ra một hơi, coi bộ như trong lòng đang gặp chuyện buồn bực. A Nam xót xa nhìn bà ấy, sau đó gắp cho tôi một miếng cá, nói: “Mã Trác cháu nên ăn nhiều một chút, cháu gầy quá.”
“Đúng đấy, ăn nhiều một chút.” Bà ấy lấy đũa gõ gõ miệng chén, “Không thôi người ta tưởng là mẹ ngược đãi con đấy.”
Tôi cúi đầu ăn cá, bà ấy chợt hỏi tôi, “Ở trường ra sao rồi?”
“Dạ vẫn ổn.” Tôi đáp.
“Cái gì gọi là vẫn ổn?” Bà ấy hỏi tôi, “Mày có biết là để mày được vào trường đó học bà đây đã phải tốn không biết bao nhiêu là tiền với hơi sức, mày không có hộ khẩu, vốn dĩ không đi học được.”
Xung quanh có người ngấp nghé nhìn qua bà. Tôi đỏ mặt không biết nên nói gì.
“Cho cháu nó một chút thời gian.” A Nam nói hộ tôi, “Anh thấy Mã Trác vẫn cần thích ứng với hoàn cảnh một chút.”
“Ha ha.” Bà ấy chợt bật cười, sau đó dùng một giọng điệu rất khinh miệt nói, “Dù sao em cũng không trông mong thành tích của nó giỏi giang gì, em và cha nó đều không phải loại ham học, học tạm một chút đi vậy, tương lai tìm lấy người nào có tiền là được. Đàn bà mà không tìm ai có tiền để lấy, sớm muộn gì cũng đói chết hoặc mệt chết, nếu không thì cũng tức chết!”
Tôi không khỏi liếc nhìn A Nam một cái. Ông không nhìn tôi, chỉ cầm ly rượu uống cạn.
Tôi đứng dậy, đi ra khỏi nhà hàng.
Rốt cuộc tôi không nhịn được, bật khóc. Thật ra đã rất lâu rồi tôi chưa khóc, nhưng vừa khóc một cái, nước mắt của tôi liền tuôn không dứt, đến cả chính tôi cũng lấy làm lạ. Tôi cũng không nói rõ được bản thân đau lòng vì cái gì, là vì thấy thương cho thân mình? Hay ghét bà ấy? Hay là cảm thấy bi thương cho A Nam?
Một hồi sau, bà ấy tìm tới, hỏi tôi: “Sao hả? Nổi cơn gì nữa đây?”
Tôi không đáp lời bà, cũng không lau nước mắt, chỉ lo nức nở từng cơn.
“Mẹ kiếp!” Bà ấy nói, “Đừng giờ trò này với bà, trong bụng bà vốn đang khó chịu, mày đừng có kiếm chuyện với bà.”
Được, kiếm chuyện không được thì tránh cũng được. Tôi tiếp tục xăm xăm tiến bước, đi thẳng ra vỉa hè đường cái. Tiếng của bà ấy đuổi theo: “Mã Trác, mày vác xác về đây ngay cho tao, còn không thì mày đừng bao giờ nhìn mặt tao nữa!”
Tôi mặc kệ hết thảy, bỏ chạy, tôi không biết chút gì về Thành Đô, trừ trường học và Hoa Viên Thành Đô, hầu như chỗ nào khác tôi đều không quen thuộc. Tôi có thể đi đâu đây? Nhưng tôi biết tôi không còn lựa chọn nào, trừ cắm đầu chạy chỉ có cắm đầu chạy.
Bà ấy không đuổi theo tôi. Trái tim tôi bỗng biến thành một nắm tro tàn. Tôi tìm được một chiếc điện thoại công cộng, trên điện thoại ghi một hàng chữ “Điện thoại viễn liên, 3 hào một phút.” Tôi mò mò trong túi ra được một đồng tiền duy nhất, gọi một cú đến số nhà ở Nhã An, tôi hy vọng có thể nghe thấy được tiếng của nội, hy vọng nội sẽ nói với tôi: “Mã Trác, con đang ở đâu, bà tới đón con về.”
Nhưng người bắt máy là Chú Út. Ông ấy hằn học thô lỗ hỏi: “Tìm ai?”
Tôi không nói được tiếng nào.
Tôi vội vã cúp máy.
Ơi nội ơi, con thật không quay về được nữa sao? Nếu như con bất chợt quay về, nội có còn muốn con nữa không?
Tối hôm ấy, A Nam tìm được tôi ở bến xe. Ông lay tôi tỉnh, nói với tôi: “Mã Trác, chú tìm cháu cả buổi, sau này đừng chạy lung tung nữa, nghe không?”
Tôi mở mắt, mới phát hiện mình đang ngủ dưới đất, nước mắt lại không kìm được mà tuôn ra, thế là tôi ra sức cúi gằm mặt, không để cho A Nam phát hiện. Chí ít khi còn ở Nhã An, tôi còn có một nơi nương thân, nhưng giờ đây—-trời cao đất rộng, nơi nào mới là nhà của tôi? Vì sao tôi lại theo bà ấy tới, có phải là tôi đã điên rồi không?
Tôi đẩy A Nam bỏ chạy ra ngoài, ông ấy nhanh chân đuổi kịp, tóm lấy tôi.
Tôi há miệng, hung hăng cắn tay ông ấy. Ông nén đau, không buông tay. Tôi không biết mình đã cắn bao lâu mới chịu nhả ra, đợi đến lúc tôi nhìn thấy vết thương nghiêm trọng trên tay của ông, tôi không nhịn được oà khóc.
“Không sao rồi, không sao rồi.” Ông vỗ lưng tôi bảo, “Chú đưa cháu về nhà.”
Đêm đó, A Nam đưa tôi về nhà của ông. Ông lái xe gắn máy, tôi ngồi đàng sau, dựa vào lưng ông, nắm chặt lấy góc áo của ông, chỉ vì sợ té xuống. Ông truyền hơi ấm trên người cho tôi, nhưng dọc đường không nói một câu.
Tôi tới nhà ông mới biết, cái “siêu thị” trong miệng ông chỉ là một tiệm tạp hoá nhỏ xíu, dưới lầu mở tiệm, trên lầu là chỗ ở. Ông ấy nhường gian phòng của mình cho tôi. Bản thân ông ấy thì ôm mền xuống lầu. Mà bà ấy thì vẫn không xuất hiện, mãi sau này tôi mới biết, bà ấy bị người ta lừa mất ba vạn. Những ngày đó, bà vẫn luôn tự khoá mình trong nhà uống rượu, vừa uống vừa ca hát, cứ thế cho đến khi trời sáng.
Tôi ở nhà A Nam hai ngày, cứ không chịu quay về. Mãi cho đến khi A Nam nói với tôi: “Đừng giận cô ấy nữa, cô ấy cũng rất nhớ cháu.”
“Trán của chú đỡ hơn chưa?” Tôi không tin chút nào, thậm chí đã học cách đổi đề tài.
“Đỡ nhiều rồi.” Ông tự đưa tay rờ rờ, nghiêm túc nói: “Hiện giờ không đau chút nào.”
Tôi cười với ông. Sau khi tới Thành Đô, tôi trở nên rất hiếm khi cười, lúc còn ở Nhã An, tuy rất nhiều điều không vui, nhưng tôi rốt cuộc vẫn là một đứa trẻ, vẫn thích ca hát cười đùa. Thế mà bây giờ, bất kể là ở trường hay ở nhà, biểu tình phần lớn của tôi là im lặng. Tôi cũng không biết điều này là vì sao. Trong tất cả những người lạ tôi gặp ở Thành Đô, tôi chỉ thích mỗi mình A Nam. Ông ấy không nhiều lời, nhưng không hề xem tôi như một đứa trẻ, không như mẹ tôi, luôn xem nhẹ tôi, nếu không thì coi tôi giống y như bà ấy, bà ấy căn bản không hiểu làm một người mẹ phải như thế nào.
Nhưng dù sao đi nữa, tôi đã hiểu chuyện, tôi và A Nam không phải họ hàng thân thích, ở lì trong nhà của ông ấy không phải là cách về lâu về dài, tôi rất ngoan ngoãn tự đề nghị A Nam đưa tôi về nhà.
Đến lúc A Nam đậu xe gắn máy của ông ấy trước cổng ŧıểυ khu, định bế tôi xuống từ trên xe, tôi bỗng dưng lại muốn leo lên xe gắn máy của ông trở lại, theo ông về. Bây giờ nghĩ lại, sự quyến luyến ỷ lại của tôi vào A Nam, cũng bắt đầu từ giây phút ấy. Cũng có lẽ là đã bắt đầu từ cái động tác muốn làm mà không làm của ông, bắt đầu từ lúc ông bế tôi giơ lên thật cao.
Tôi hy vọng biết bao, ông có thể làm ba của tôi.
Đến trước cửa nhà, tôi không khỏi lùi ra sau một bước, tôi rất sợ gặp bà ấy, tôi cũng không biết vì sao.
Lam Đồ nghe thấy tiếng động liền mở cửa chui ra, nó dùng một vẻ rất thần bí nói với tôi: “Lâm Quả Quả điên rồi, Mã Trác, tớ nghĩ cậu vẫn nên mau mau quay về bên ba mẹ của cậu cho được an toàn hơn nhiều.”
“Đi, vào lại trong nhà của cháu mau!” A Nam đuổi nó về nhà rồi quay qua gõ cửa thay tôi, bà ấy rất nhanh đã mở cửa ra, nhưng mắt không thèm nhìn tôi, xoay ngay người bỏ vào trong.
Tôi bước vào trong mái nhà mà đối với tôi mà nói vẫn còn xa lạ, phát hiện hết thảy đều chưa thay đổi. Mùi rượu vẫn nồng nặc, chiếc tủ đầu giường của bà ấy vẫn nhét tùm lum thứ, những chiếc váy mới của tôi trông có vẻ như đã được giặt, nhưng gấp méo mó nhăn nhúm, hơn nữa, bà ấy đặt chúng dưới sàn chứ không cất vào trong ngăn tủ.
Thì ra làm mẹ cũng có thể đến quần áo cũng không biết gấp.
A Nam vừa vào nhà đã bắt đầu tìm chổi quét dọn. Điều này thực sự đã trở thành lẽ đương nhiên mỗi lần ông ấy ghé.
Bà ấy không nói lời nào, quay về phòng mình, nhẹ nhàng khép cửa lại.
A Nam hơi dẩu dẩu miệng với tôi, ra ý là tôi nên đi ngó bà ấy một chút.
Tôi phải dùng hết hai tay, mới vặn được nắm cửa phòng của bà ấy. Bà ngồi dưới sàn —- giống như lớp trưởng lớp tôi hồi còn ở Nhã An, lthi không đạt được 100% số điểm, tức giận xé nát bài thi, vừa xé vừa vô cùng ấm ức khóc lóc —- điều khác biệt là, bà ấy đang xé áo mới của tôi.
Tôi không cảm thấy áy náy, thật đấy, không một chút nào. Tôi chỉ cảm thấy thương tâm, thương cho bà ấy, cũng thương cho thân mình. Tôi đến gần, quỳ xuống, giành lấy chiếc áo từ trong tay bà ra. Bà ấy la lên với tôi: “Đi đi, mày đi đi chứ, mẹ kiếp chúng mày đừng bao giờ phải quay lại nữa! Đi! Đi!”
Nhưng mà, bất chợt bà ấy lại ngay lập tức ôm chặt lấy tôi, khóc càng lúc càng dữ.
Dường như có một thứ linh cảm rất kỳ lạ, tôi cảm thấy mình sẽ mất đi bà ấy, bà sẽ mãi mãi tan biến, giống như thuở bé bà đã biến mất khỏi cuộc đời tôi mà không hề ngoái đầu, giống như bồ công anh bị gió thổi, liền giạt đến tận chân trời, tôi sẽ không bao giờ biết được khi nào bà sẽ quay lại. Mẹ con chúng tôi mang một số phận không được bên nhau như thế.
Nghĩ đến điều này, tôi cũng không nhịn được mà ôm chặt lấy bà, bật khóc.