Mỗi đứa đứng tựa lưng vào một thân cây khô bên đường, mặt đối mặt.
Trà sữa đã uống hết, bên trong tai nghe vẫn còn vang vọng tiếng ca.
“Anh, đồ vật mà anh muốn em về nhà lấy… có làm tổn hại tới mẹ em không?” Chúc Văn Gia mở miệng trước.
“Anh không biết.” Đình Sương đã âm thầm phân tích xong tình huống, nếu như cậu có con dấu riêng của ba, vậy thì sẽ nắm được 51% cổ phần, lúc ấy dù Ông Vận Nghi có muốn giở trò đi chăng nữa, cũng chẳng gây ra được sóng to gió lớn gì: “Chỉ cần công ty không bị làm sao, thì dì cũng sẽ không bị làm sao.”
Chúc Văn Gia nhìn Đình Sương, nói: “Anh, anh hứa với em đi, không được để mẹ em xảy ra chuyện.”
Đình Sương đáp: “Anh sẽ cố.”
“Không được.” Chúc Văn Gia nói: “Không phải là sẽ cố, em muốn anh phải bảo đảm.”
Đình Sương: “… Anh không đảm bảo được.”
Chúc Văn Gia chạy vài bước tới, đứng cách Đình Sương khoảng mười mấy centimet: “Anh đảm bảo được. Em sẽ đi lấy cái hộp mà anh cần. Anh hãy đảm bảo tất cả mọi người đều yên ổn, hết thảy mọi chuyện đều giống như trước kia.”
Đình Sương hậm hực nói: “Chúc Văn Gia, em nói chuyện có đa͙σ lý một chút được không?”
Chúc Văn Gia ôm lấy cậu.
“Em đủ rồi đấy.” Đình Sương nói.
“Anh ơi…” Chúc Văn Gia gọi.
Đình Sương hít một hơi thật sâu, bảo: “… Rồi rồi, em buông anh ra.”
Chúc Văn Gia thả cánh tay xuống, cười với Đình Sương một cái.
“Em bảo với tài xế không cần tới đón em.” Đình Sương gọi một chiếc taxi: “Chút nữa anh sẽ ngồi trong xe chờ em, em lấy đồ xong thì mang ra cho anh.”
Chúc Văn Gia gật đầu, gọi điện thoại cho tài xế.
Taxi đi được nửa đường, Đình Sương đột nhiên ý thức được chuyện gì đó, hỏi: “Chúc Văn Gia, có phải từ nhỏ tới lớn em chưa bị ăn đòn bao giờ đúng không?”
Chúc Văn Gia nhớ lại một chút: “Hình như thế.”
Đình Sương nở nụ cười, bảo: “Anh hồi bé thường xuyên bị ăn đòn, trước đây còn chẳng biết tại sao, hiện giờ thì rõ rồi. Anh lúc nào cũng phải cãi lại ba mới thỏa, người thì xấu tính xấu nết, còn em mỗi khi phạm lỗi đều ôm ba xin tha, miệng lại ngọt xớt, em nói coi, ông ấy không đánh anh thì đánh ai? Anh trước giờ ngu quá, không lanh lợi được như em.”
Cũng bởi vì điều này, khi Đình Sương còn nhỏ thích cái gì, chưa chắc đã được mua cho; nhưng Chúc Văn Gia bất kể có thích cái gì, thông thường đều sẽ được mua cho.
Chúc Văn Gia nói: “Thế sao anh không học theo em?”
Đình Sương lắc đầu cười: “Không học được, chuyện này cũng cần có thiên phú.”
Xe taxi dừng bánh bên ngoài khu dân cư, Chúc Văn Gia xuống xe, lúc đóng cửa đột nhiên nhớ ra một chuyện, hỏi Đình Sương: “Anh chưa nói cho em mật khẩu.”
Đình Sương lấy điện thoại di động ra, chuẩn bị gửi mật khẩu cho Chúc Văn Gia, thế rồi bỗng dừng hình vài giây, lại cất điện thoại vào trong túi quần: “Em cứ vào thư phòng trước đi, sau đó gọi videocall cho anh, anh sẽ nói cho em chỗ giấu két sắt và mật mã.”
Chúc Văn Gia nhìn thấy hành động của cậu, sửng sốt một lúc, chần chừ hỏi: “… Anh, ngay cả em anh cũng không tin à?”
“Không phải.” Sắc mặt của Đình Sương vẫn như thường: “ȶᏂασ tác mở két sắt có hơi phức tạp, anh lười viết chữ lắm, em mau vào đi.”
Chúc Văn Gia đi vào nhà, bài hát bên trong tai nghe cũng dừng phát, lúc này Đình Sương mới nhớ ra mình chưa trả lại tai nghe cho cậu ta.
Một mình cậu ngồi sau xe taxi, nhìn bóng lưng của Chúc Văn Gia ở phía đằng xa, còn có ngôi nhà đã lâu chưa trở về, tất cả dường như ngưng tụ trong đáy mắt.
Chẳng biết có phải do mấy ngày gần đây cậu toan tính nhiều quá không…
Vừa nãy khi bắt đầu ngồi lên xe taxi, cậu bỗng nhiên phát hiện, có lẽ Chúc Văn Gia cũng không hề đơn giản. Nếu như Chúc Văn Gia thật sự quan tâm Ông Vận Nghi, thì cho dù bà ta có lén lút nói “Anh con nhân lúc ba con bị bệnh liệt giường, trở lại tính cướp công ty kia kìa” thật đi chăng nữa, Chúc Văn Gia cũng không nên vừa quay lưng một cái đã bép xép ngay với cậu.
Còn cả chuyện Ông Vận Nghi để ảnh gia đình ở trên xe nữa, Chúc Văn Gia cũng không nhất thiết phải giải thích với cậu.
Trước đây cậu cảm thấy Chúc Văn Gia rất ngốc, bất kể Ông Vận Nghi có nói cái gì, nó cũng bô bô kể lại với cậu. Nhưng hiện tại Đình Sương bỗng nhiên nhận thấy, Chúc Văn Gia thực chất không hề ngốc, nó hiểu rõ ràng hơn bất cứ ai, rằng muốn có những ngày tháng tốt lành nhất ở trong căn nhà này thì phải sống như thế nào…
Dừng.
Đừng tiếp tục suy nghĩ nữa.
Đình Sương nhắm mắt lại, ép buộc bản thân mình phải vứt hết mớ suy nghĩ kia ra khỏi đầu.
Chính bản thân mình tâm tư phức tạp, thành ra nhìn cái gì cũng phức tạp theo. Chắc do dạo gần đây suy nghĩ quá nhiều, mới cảm thấy chẳng có ai đáng tin cậy.
Cậu mở album trong điện thoại lên, kéo đến bức ảnh Bách Xương Ý đang ngủ, tâm trạng thoáng yên ổn.
Một lát sau, Chúc Văn Gia gọi videocall tới, Đình Sương nhận máy.
Chúc Văn Gia chuyển sang camera sau, hỏi: “Em đang ở trong thư phòng rồi này. Két sắt để đâu đó? Phía sau bức tranh sơn thủy treo trên tường kia không giấu cơ quan gì chứ?”
“Không đâu, em tìm trong ngăn tủ dưới bàn làm việc của ba ấy, rất dễ thấy.” Đình Sương nói: “Bên trong tủ chẳng có gì đáng tiền cả, chỉ có mấy món đồ riêng tư của ba thôi. Cái gì đáng giá đều cất trong ngân hàng hết rồi.”
“Vâng…” Chúc Văn Gia mở tủ, camera trên điện thoại chĩa về phía sàn nhà.
“Camera phải để theo tầm mắt của em.” Đình Sương bảo: “Em nhìn nơi nào thì camera phải chĩa về nơi đó.”
“Ờ em không để ý.” Chúc Văn Gia chĩa camera về phía cửa tủ.
Cánh tủ gỗ của bàn làm việc bị mở ra, bên trong là một cái két sắt có núm quay được khảm kín như in vào hộc tủ.
“Thấy rồi.” Chúc Văn Gia nói.
“Vặn núm về số 0. Quay sang trái, chuyển tới số 95.” Đình Sương nói.
Chúc Văn Gia làm theo từng bước chỉ thị, vặn xong ba bước mật mã, cậu ta mới phát hiện dãy số 95-04-12 vừa vặn là sinh nhật của Đình Sương.
“Được rồi.” Đình Sương thấy Chúc Văn Gia không nhúc nhích nữa, bèn nhắc nhở: “Cứ lung lay tay cầm là sẽ mở được két.”
Chúc Văn Gia mở két sắt, chỉ thấy bên trong có mấy tờ giấy, vài bức thư, ngoài ra còn có một hộp gỗ móc đồng, móc đồng là dạng then cài, không có ổ khóa.
“Là cái này hả?” Chúc Văn Gia cầm lấy hộp gỗ.
“Ừ.” Đình Sương đáp: “Em mang ra cho anh đi.”
Chúc Văn Gia: “Được, em mang ra ngay đây.”
Đình Sương đang định lên tiếng thì Chúc Văn Gia đã ngắt videocall mất rồi.
Cậu gọi lại một lần nữa, nhưng bên kia không có ai bắt máy.
Chờ gần mười phút đồng hồ, Chúc Văn Gia mới chạy tới, đưa hộp gỗ cho cậu rồi bảo: “Móa, em vừa định chuồn ra ngoài thì bị bảo mẫu chặn lại, bắt em phải uống hết bát canh vịt hầm hải sâm, canh thì rõ là nóng, em thổi nửa buổi trời mới nguội được đấy.”
“Không sao, cũng không phải chuyện gì gấp.” Đình Sương nhận lấy cái hộp, mở chốt đồng rồi nhấc nắp lên —— có một chỗ lõm ở giữa lớp lụa satin màu vàng.
Còn con dấu cá nhân lẽ ra phải nằm trong chỗ lõm thì đã biến mất.
“Đúng chưa?” Chúc Văn Gia chuẩn bị rời đi: “Không còn chuyện gì nữa thì em vào nhà nhé.”
Đình Sương giương mắt lên, chăm chú nhìn khuôn mặt của Chúc Văn Gia: “Em không mở ra xem chứ?”
“Không có mà.” Chúc Văn Gia nói: “Chẳng phải anh không muốn để em biết sao?”
“Em lấy nhầm rồi.” Đình Sương đóng nắp hộp lại: “Thứ anh muốn không phải là cái hộp này.”
“Hả?” Chúc Văn Gia nói: “Nhưng trong két sắt chỉ có mỗi cái hộp này thôi, vừa nãy anh cũng nhìn thấy trong videocall rồi đấy.”
Đình Sương trả tiền cho người lái taxi, mở cửa bước xuống xe: “Để anh vào tự tìm.”
Chúc Văn Gia: “Chẳng phải anh bảo là sợ ——”
“Ngay từ đầu anh đã tính, nếu em không muốn làm thì anh sẽ đích thân ra tay.” Đình Sương nói.
Chúc Văn Gia cãi: “Có phải em không muốn làm đâu?”
“Anh không bảo rằng em không muốn làm.” Đình Sương cười nhạo: “Có điều tình huống của ba đâu phải là em không biết, ông ấy tỉnh rồi, nhưng không thể nào so sánh với trước kia được nữa, anh nghĩ chắc ông ấy nhớ nhầm, để anh tự vào tìm vậy.”
Chúc Văn Gia nói: “Vậy mẹ em…”
“Dì biết thì biết thôi.” Đình Sương tăng nhanh bước chân: “Anh cũng đâu còn biện pháp gì.”
Bảo mẫu ra mở cửa, đây là người làm mới, chỉ biết Chúc Văn Gia chứ không biết Đình Sương.
“Xin chào.” Đình Sương hỏi thăm một chút: “Đã mấy năm rồi không về nhà, lạ lẫm ghê. Dì à, tôi cũng muốn uống canh vịt hầm hải sâm, mang lên cho tôi một bát nhé.”
Vừa dứt lời, Đình Sương đi thẳng về phía thư phòng, dáng vẻ chẳng có nửa điểm tỏ ra nhớ nhung ngôi nhà này.
Bảo mẫu chưa từng gặp ai như thế, đang muốn ngăn cản cậu, Đình Sương dừng bước, quay đầu nói: “Chúc Văn Gia, em giải thích với dì ấy đi, người dì nào mà không sống hòa thuận với anh thì chẳng thể bước chân vào ngôi nhà này được đâu.”
Thực ra từ sau khi lên cấp hai, Đình Sương không còn gọi bảo mẫu trong nhà là dì nữa, bởi vì cậu biết Ông Vận Nghi không vui, nhưng cậu cũng chẳng cách nào gọi bà ta là mẹ được, do đó Đình Sương đổi sang gọi bảo mẫu là chị, bất kể bảo mẫu có lớn tuổi cỡ nào, cậu đều gọi là chị hết.
Lúc này lại nhấn mạnh như thế, Chúc Văn Gia cảm nhận được điều bất thường, bèn đuổi theo Đình Sương, gọi: “Anh, em ——”
“Để tự anh tìm là được rồi.” Đình Sương đóng cửa thư phòng lại, nhốt Chúc Văn Gia ở bên ngoài.
Thư phòng của Chúc Ngao bố trí khá đơn giản, trên tường treo một bức tranh sơn thủy, chính giữa phòng có một bộ bàn ghế giám đốc, cạnh ghế xoay là thùng rác và máy hủy giấy cỡ nhỏ, ngay sát dãy tủ thấp để một bồn cây cảnh với máy in.
Trên giá sách là những quyển sách còn nguyên tem nguyên mác chưa có ai đọc tới, mặt bàn làm việc bày biện máy vi tính, ống để bút, một chén trà, một cái gạt tàn, phía trong góc còn có hai hạt hạnh đào, để khi nào rảnh tay thì Chúc Ngao sẽ cầm xoay xoay vài vòng.
Đình Sương nhanh chóng lật tung thư phòng lên một lượt, không tìm được con dấu cá nhân.
Cậu lại mở két sắt ra, bên trong y hệt như trên videocall, không còn cái hộp nào khác.
Con dấu rốt cuộc ở chỗ nào?
Chúc Văn Gia lấy đi rồi?
Hay là con dấu đã bị mất trước khi Chúc Văn Gia mở két sắt?
Nếu như con dấu không có ở đây từ trước, là do Chúc Ngao nhớ nhầm, hay là do Ông Vận Nghi lấy đi?
Đình Sương ngồi trên chiếc ghế xoay, vừa nghịch hai hạt hạnh đào của ba mình, vừa suy tư.
Cậu chưa từng xoay hạnh đào bao giờ, không cẩn thận một cái đã tuột khỏi tay.
Gay rồi!
Đây không phải hạnh đào bình thường đâu, hai hạt này quý muốn chết, nếu như rơi vỡ mất, cậu đào đâu ra một đôi khác để đền cho ba.
Ngay trong nháy mắt hạnh đào văng khỏi tay này, Đình Sương nhanh chóng duỗi tay kia ra chộp lấy, cậu chộp vừa nhanh vừa chuẩn, tuy rằng hất đổ cả thùng rác và máy hủy giấy, nhưng hên là đã đỡ được hạnh đào, cả hai hạt đều không bị sứt mẻ gì. Đình Sương thở phào một hơi, vội vàng cất hạnh đào về chỗ cũ, ứ dám đem ra xoay xoay nữa.
Bấy giờ cậu mới đi dọn thùng rác và máy hủy giấy.
Lúc nhấc máy hủy giấy lên, cậu nhận ra máy hủy giấy đang được bật nguồn.
Có người vừa sử dụng máy?
Hay là máy vẫn luôn trong trạng thái bật nguồn?
Đình Sương sờ sờ mặt ngoài của máy hủy giấy, không có độ ấm của thiết bị điện khi được khởi động lâu, vậy chắc hẳn mới đây đã có người sử dụng máy.
Lẽ nào là Chúc Văn Gia?
Chưa chắc, biết đâu đây là máy xịn, bật cả ngày cũng không tỏa nhiệt thì sao?
Cậu mở thùng đựng của máy, bên trong có một đống giấy vụn.
Mẹ nó, vụn như cám lợn.
Đình Sương mất công mất sức cũng không ghép nổi một tờ hoàn chỉnh, chỉ nhìn được vài từ then chốt, nhưng thế là đủ rồi, ít nhất cậu đã biết đống giấy nát bươm này viết cái gì.
Ngoài một phần di chúc ra, hình như còn có mấy thứ khác, nhưng nhất thời chẳng phân biệt được.
Cậu phải mang đống giấy vụn này đi.
Có điều bản di chúc này của Chúc Ngao, trước khi bị cắt nát thì nằm ở đâu?
Đình Sương nhìn về phía két sắt.
Lúc mở két sắt ra, cậu chỉ mải tìm một cái hộp khác chứ không để ý đến mấy thứ bên trong. Dù sao đây cũng là đồ đạc riêng tư của ba cậu, cậu không muốn xem. Thế nhưng hiện tại, có lẽ cậu phải xem qua những thứ này rồi.
Trước tiên Đình Sương mở thử một cái phong bì, phát hiện bên trong là ảnh của mình khi còn bé. Mở phong bì thứ hai, bên trong lại là một bức thư tình, cậu ngại không dám đọc kỹ, chẳng cần biết là ai viết đã nhét ngay về chỗ cũ, sau đấy cũng không mở mấy phong bì còn lại ra xem.
Bên dưới xấp phong bì từ là mấy tờ văn kiện.
Tờ đầu tiên là thỏa thuận trước hôn nhân.
Đình Sương lật lên xem thử, hóa ra Ông Vận Nghi chẳng chiếm được lợi lộc gì từ cuộc hôn nhân này, nếu như li dị, Chúc Ngao sẽ không cho bà ta một xu, chỉ nhận trách nhiệm nuôi nấng những đứa con.
Cậu lật qua vài văn kiện còn lại, thấy không còn thông tin đáng giá nào khác, bèn đóng tủ két sắt.
Hiện tại quan trọng nhất là con dấu cá nhân…
Với lại phần di chúc này, rốt cuộc là ai đã bỏ vào máy cắt?
Cộc cộc, tiếng gõ cửa vang lên.
“Anh, anh tìm được chưa?” Giọng nói của Chúc Văn Gia truyền đến từ đằng sau cánh cửa: “Canh để trên bàn lâu lắm rồi, nguội bây giờ.”
“Anh ra ngay đây.” Đình Sương vừa đáp lời vừa nhắn tin cho Bách Xương Ý: Ông nữ sĩ có mang theo văn kiện gì không? Giấy tờ có con dấu của ba em chẳng hạn?
Chờ vài phút cũng không thấy Bách Xương Ý trả lời, Đình Sương bèn ôm máy hủy giấy ra khỏi thư phòng.
“Anh làm gì đó?” Chúc Văn Gia sợ hết hồn.
“À, trong phòng khách sạn không có máy hủy giấy, cho nên anh định mượn tạm ấy mà, dù sao hiện tại ba cũng không dùng được.” Đình Sương hỏi: “Em không có ý kiến gì chứ?”
“Ý kiến gì? Em có dùng đâu mà ý kiến.” Chúc Văn Gia ngồi xuống bàn, ăn canh: “Anh mau uống đi, vừa mới hâm nóng lại cho anh đấy.”
Đình Sương đi tới bên cạnh bàn, nhưng không hề ngồi xuống. Một tay cậu ôm máy hủy giấy, một tay khác nhấc cái thìa trong bát ra, bỏ sang bên cạnh, tiếp đó ôm bát canh như ôm chén rượu mà tu ừng ực một hơi.
“… Tai nghe của em.” Đình Sương đặt cộp cái bát xuống, quẹt miệng, móc tai nghe bluetooth trong túi áo rồi để lên mặt bàn.
“Em trai này.” Đây là lần đầu tiên Đình Sương gọi Chúc Văn Gia như vậy: “Ngôi nhà này là của em, công ty nếu em tình nguyện tiếp quản, thì nó cũng là của em, nếu em không muốn tiếp quản thì anh sẽ tìm cho em một người quản lý thay, và nó vẫn là của em.”
“Anh…” Chúc Văn Gia cau mày hỏi: “Sao anh đột nhiên nói với em mấy lời kiểu này?”
“Không có gì.” Đình Sương nói: “Anh chỉ muốn cho em biết, rằng chẳng có ai tranh giành với em đâu.”
“Trước giờ em cũng đâu cảm thấy có ai tranh giành với mình?” Chúc Văn Gia hỏi: “Anh, mấy ngày nay rốt cuộc anh bị gì thế?”
“Không bị gì cả.” Đình Sương nói: “Anh đi đây.”
Trở lại khách sạn, Đình Sương cảm thấy mệt mỏi vô cùng, nhưng không có tâm trạng để đi ngủ. Cậu cắm máy hủy giấy vào ổ điện, muốn thí nghiệm xem bao lâu thì máy hủy giấy sẽ nóng lên. Tiếp đó bắt ép bản thân mình phải bình tĩnh lại để ghép đống giấy vụn kia, nhưng vừa mới ghép được mấy mẩu, cậu đã không nhịn được mở điện thoại lên kiểm tra, sợ bỏ qua tin tức từ phía Bách Xương Ý.
Đợi mãi, rốt cuộc điện thoại của cậu cũng rung lên hai tiếng.
Bách Xương Ý: Ông nữ sĩ mang giấy ủy thác quyền sử dụng 36% cổ phần của Chúc tiên sinh đến, trên giấy ủy thác có con dấu cá nhân của Chúc tiên sinh.
Bách Xương Ý: 20 phút nữa anh sẽ trở về.
CHÚ THÍCH
[1] Hộp gỗ có then đồng [2] Két sắt có núm quay [3] Hạt hạnh đào-óc chó: đây là một món “đồ chơi văn hóa”, biểu tượng của sự phú quý, quả óc chó càng to, lâu năm và cân xứng thì càng đáng giá, một cặp óc chó giao động từ 10-100tr vnđ