Ngày tháng cứ thấm thoắt trôi qua, hoa mai bên ngoài chẳng mấy chốc đã nở trắng toát, mấy thương nhân ghé qua có nói Tô Châu phía trước thả đèn trời nhân Tết nguyên đán rất đẹp.
Ta đã tròn 18, Tiểu Ái cũng chập chững 16 tuổi, cả hai chúng ta đều háo hức đi thưởng hội xuân, ở Đinh phủ của ta, tết nhất rất đơn giản, chỉ là cùng nhau ăn một bữa cơm với thịt nướng, sủi cảo. Huynh ta rất hay đi xa, hầu như không ở nhà đón Tết cùng ta và mẫu thân. Năm nay, thiếu mặt ta, không hiểu mẫu thân và tẩu tẩu có cô đơn không?
Mẫu thân, con gái đã rời xa người một năm rồi!
Con rất nhớ mọi người…
Bà chủ nói với ta và Tiểu Ái rằng chúng ta nợ bà ấy một món nợ ân tình lớn, chúng ta làm thuê cho bà ấy chỉ là phần nào trả được số nợ ấy thôi, thật không thể hiểu là ta đã nợ bà ấy bao nhiêu ngân phiếu, có nhiều như ta nợ Tiểu Ái hay không.
Ta chẳng muốn nghĩ, đợi thêm chút thời gian nuwxata tích cóp đủ số tiền đến Tô Châu, sẽ tiếp tục tìm Diệp Tuệ.
Sáng sớm nay, bà chủ có việc phải ra ngoài sớm, ta và Tiểu Ái được ngủ thêm một chút nữa, ta uể oải ngắm nhìn mấy chú chim sẻ đang nhảy nhót trên một cành dương mai ngoài cửa sổ, thầm nghĩ chúng thật tự do tự tại.
Bước xuống lầu, quán xá đã bày biện sạch sẽ, các dãy bàn trà trơn bóng sắp đặt ngăn nắp, nhưng không có khách. Chúng ta ngạc nhiên nhìn ông chủ đang tính toán sổ sách ở phía trong, ông ấy cũng ngước lên, nét mặt hiền từ nhìn ta như một người cha với đứa con gái nhỏ, cha ta mất trước khi ta ra đời. tình cảm phụ- tử ấm áp của ông ta chưa từng được biết, vì thế, trong lòng ta càng nảy sinh cảm giác quý mến ông chủ.
Ta bước đến gần, cầm lấy bàn tính, lễ độ nói:
- Ông chủ, người nghỉ ngơi đi, để con và Tiểu Ái tính cho!
Ông chủ day hai huyệt thái dương, lắc đầu tỏ ý không cần, khi ta thất vọng lên lầu chuẩn bị nhào bột làm bánh thì một tờ giấy chao liệng rồi rơi ngay trước mũi chân, ta hãy còn ngó xung quanh thì Tiểu Ái đã nhanh nhảu nhặt lên xem. Trên đó viết: “ Hôm nay không cần làm, mọi người đều đến Tô Châu thưởng xuân”.
Ông chủ vẫn đang cặm cụi với việc tính toán, có vẻ như chẳng quan tâm đến việc nào khác, ta cảm kích nhìn ông ấy, thì ra trong tình cảnh khổ cực vẫn có người tốt với chúng ta!
Tiểu Ái ấp úng vân vê vạt áo:
- Ông...ông chủ! Nói như vậy...có phải con và tiểu thư sẽ...sẽ được ra ngoài không?
Ông chủ không đáp, bàn tay vẫn sột soạt, lát sau lại đưa đến một mẩu giấy nữa, có bốn chữ ngắn gọn: ĐI SỚM VỀ SỚM.
Được sự đồng ý của ông chủ tốt bụng, ta và Tiểu Ái sửa soạn lên đường, Tô Châu cách đây không xa, chỉ cần cưỡi ngựa chừng 10 dặm là tới.
Tiểu Ái vui đến nỗi chân tay luống cuống đan cả vào nhau, ta giúp nó chải lại tóc, thời gian sống lưu lạc cùng ta, mái tóc đen mượt của Tiểu Ái xơ ra không ít.
Ta vận một bộ trang phục giản đơn, cùng Tiểu Ái đến Tô Châu.
Mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, chim muông ríu rít, tuy đâu đó còn sót lại tuyểt tan nhưng khung cảnh hết sức vui tươi, mới mẻ.
Lần đầu tới Tô Châu nên ta háo hức hệt như một đứa trẻ, cầm vật này, ngắm vật kia, có rất nhiều tơ lụa hảo hạng, sờ vào vừa mát lại vừa khít tay, ta đánh bạo hỏi một tấm vải về may y phục cho Tiểu Ái, nó cũng 16 rồi, đến khi xuất giá mà không có nổi một bộ váy áo tử tế, nhà chồng sẽ cười chê mất.
Ta chọn một tấm lụa màu hồng đào, màu sắc tươi tắn, bề mặt láng mịn, ông chủ thét giá 1000 lượng!
Ta tích cóp bấy lâu mới đủ 500 lượng bạc, Tiểu Ái thấy ta khó xử bèn tháo chiếc trâm gia truyền trên đầu nó, dúi vào tay ta. Ta nghe nói chiếc trâm vàng này được truyền từ đời tổ mẫu đến Tiểu Ái là người thứ tám, quý giá với nó vô cùng, mỗi đời chỉ truyền lại cho một nữ tử, không phải dịp quan trọng nó nhất quyết không dám cài.
Thế mà hôm nay nó không do dự tháo xuống đưa cho ta, ta hạ giọng thương lượng:
- Giảm xuống chút được không, 500 lượng?
Chủ quán thu lại cuộn vải, khinh bỉ lườm chúng ta:
- Đi ngay, đồ nghèo kiết xác!
Ta chẳng buồn mặc cả với con người thô lỗ như ông ta nữa, kéo Tiểu Ái sang một gian hàng bán quạt giấy. Phải thôi, ta đâu còn là tiểu thư Đinh gia quyền quý, giờ ta chỉ là một đứa làm thuê nghèo hèn, hoàn toàn không có chút tiền trong tay.
Tiểu Ái thấy sắc mặt ta vẫn khó đăm đăm, nó cắn môi:
- Tiểu thư, người thực sự thích tấm lụa đó sao?
Giờ ta cơm cũng còn phải kiếm, lấy đâu ra thời gian trưng diện xiêm y, con nha đầu này hỏi thừa quá đi mất!
Tiểu Ái và ta còn đi qua mấy sạp hàng chạm khắc ngọc bích tinh xảo, xem tranh in trên gỗ rồi mới ghé qua tửu lầu nghe nghệ nhân hát kinh kịch.
Lũ trẻ con đang chụm đầu đốt pháo, rất nhiều tiểu thư, công tử giàu có đi lại dập dìu trên phố, ta nhìn sang Tiểu Ái, bất giác thấy thật cô đơn!
Đến một dãy phố bán đồ ăn, Tiểu Ái hớn hở kéo ta vào, ông chủ là một người đàn ông nhỏ bé, nhanh nhẹn hỏi chúng ta:
- Hai tiểu cô nương dùng gì?
- Có những thứ gì?
- Ở đây có há cảo, vằn thắn, mì trường thọ, cô nương dùng gì?
Ra là ngày Tết ở Tô Châu họ ăn những thứ này, ta vui vẻ gọi hai bát mì trường thọ, Tiểu Ái không hiểu, ta bèn giải thích:
- Để cho ta và em có thể sống thật lâu!
Nó chớp đôi mắt, thật thà hỏi:
- Tiểu thư, người vẫn muốn tìm Diệp công tử sao, đã lâu như vậy rồi!
Ta cúi đầu ăn bát mì, không đáp, ta nhớ mẫu thân, nhớ Đinh phủ, nhưng so với nỗi nhớ chàng một năm qua, thứ giày vò ta cả đời này chính là không tìm thấy chàng.
Ta quả thật yêu Diệp Tuệ đến mù quáng!
Trời tối dần. Dọc các phố phường, đền tháp đã nhộn nhịp chăng đèn kết hoa. Đèn trời nom như một chiếc chuông lớn, làm bằng giấy quết hồ, khéo lắm. Đặt nến vào bên trong lại càng sáng bừng, rực rỡ như một đốm lân tinh. Thả đèn lên trời cũng như đem theo mong ước một năm mới suôn sẻ, ấm no gửi gắm chốn linh thiêng. Ta và Tiểu Ái mặc dù rất muốn ở lại Tô Châu xem hội thả đèn trời nhưng cũng đành lưu luyến rời khỏi thị trấn phồn hoa, đô hội. Trở về căn bếp nhỏ chuyên tâm nặn màn thầu.
Trên đường về, Tiểu Ái và ta không nói với nhau thêm chuyện gì nữa, mỗi người đeo đuổi một suy nghĩ riêng, ta thì nghĩ, nhất định sẽ có ngày ta quay lại Tô Châu, mua cho Tiểu Ái mấy xấp vải để nó tha hồ may y phục đẹp, còn phải xem hội thả đèn trời, và cả tướng công của ta, Diệp Tuệ, ta nhất định bắt chàng bái đường cùng ta.
Chỉ là không ngờ, sau này, Tô Châu chính là nơi ta không muốn nhớ đến nhất!