Huyết Long Tuyệt Kiếm

Chương 21: Tao ngộ bất ngờ

Trước Sau

break
Đã ba ngày rồi tại thị trấn, Đoàn Trung Ngọc và Thượng Quan Phụng Chân vẫn không tìm được manh mối nào để có thể tìm được dấu tích Kim Ưng bang.

Còn điều lạ nữa là từ lúc vào thị trấn này thì không còn thấy một bóng dáng cao thủ nào đến tìm hai người về Huyết Long kiếm phổ nữa cả.

Tất cả đều yên lặng. Phe địch đã quyết định ẩn núp luôn hay là có âm mưu gì và chờ cơ hội thuận tiện chăng?

Cho đến một hôm, Phụng Chân cấp tốc quay về điểm hẹn để gặp Trung Ngọc và cho chàng hay biết là trên đường dò tìm tin tức, nàng đã gặp Thạch Toán Tử lão tiền bối là bằng hữu cận kề phụ giúp cho Dược Vương Thần Y.

Nghe vậy, Trung Ngọc liền hỏi :

- Hiện giờ Thạch Toán Tử tiền bối ở đâu?

Phụng Chân đáp :

- Lão tiền bối đã chết rồi.

Trung Ngọc hỏi dồn :

- Tại sao vậy? Muội kể rõ cho huynh nghe đi!

Phụng Chân đáp :

- Chiều hôm đó, muội đến chân đồi Khâm Bắc, trong cảnh hoàng hôn, muội thấy bên vệ đường có một chiếc xe ngựa bị lật ngã, nên đến quan sát, thì chẳng thấy ai cả và cũng chẳng có đồ vật gì trên xe.

Trung Ngọc chận hỏi :

- Muội có quan sát chung quanh vùng đó không?

Phụng Chân gật đầu :

- Dĩ nhiên muội tiếp tục quan sát nên mới gặp một lão nhân hoi hóp nằm trong một cái hố gần đó.

Trung Ngọc lại chặn hỏi :

- Đó là Thạch Toán Tử lão tiền bối?

Phụng Chân đáp :

- Đúng vậy, lão tiền bối bị nội thương rất nặng, nhưng cũng nhận ra được tiểu muội khi tiểu muội nhắc chuyện chữa bệnh cho huynh kỳ trước.

Trung Ngọc lại hỏi :

- Lão tiền bối có nói gì không?

Phụng Chân đáp :

- Lão cho biết, chiếc xe ngựa bị lật là do lão làm xà ích, để đưa Dược Vương Thần Y đi chữa bệnh cho dân nghèo vùng núi, nhưng đến đó bị một toán người bịt mặt chặn lại và bắt cóc Dược Vương Thần Y.

Trung Ngọc hỏi :

- Như vậy Dược Vương Thần Y không sao chứ?

Phụng Chân đáp :

- Theo Thạch Toán Tử tiền bối cho biết thì toán người bịt mặt cố tình bắt sống Thần Y chớ không có ý sát hại, song Thạch Toán Tử chống đối nên bị đánh văng xuống hố mà bọn bịt mặt tưởng đã chết nên gấp rút mang Thần Y đi.

Trung Ngọc nói :

- Thạch Toán Tử tiền bối có biết bọn bịt mặt mang Thần Y đi đâu không?

Phụng Chân đáp :

- Lúc ấy Thạch Toán Tử tiền bối đã cạn lực chỉ nói được hai chữ “Phong Nguyệt” thì tắt thở, nên muội cũng không hiểu thế nào.

Suy nghĩ một lúc, Trung Ngọc nói :

- Nếu vậy, chúng ta cứ chia nhau dò tìm, vì Thần Y cũng do bọn người bịt mặt bắt đi, như vậy có thể liên quan đến Kim Ưng bang chăng?

Phụng Chân nói :

- Hiện tại, chúng ta chưa thể khẳng định được điều gì, nhưng chúng ta phải quyết tâm do tìm bọn bắt cóc Dược Vương Thần Y để tìm cách giải thoát Thần Y trước đã.

Trung Ngọc tán đồng :

- Đó là điều dĩ nhiên, vì Thần Y đã cứu mạng của huynh và cứu mạng bao nhiêu người nữa. Vậy chúng ta phải nỗ lực truy tìm bọn bắt cóc mới được. Mặc dù, chúng ta chưa có tí manh mối nào, nhưng chúng ta phải quyết tâm không bỏ sót một cơ hội nào là được.

Thế là Trung Ngọc và Phụng Chân lại bôn ba vào việc tìm kẻ bắt cóc Dược Vương Thần Y một cách tích cực.

Trung Ngọc và Phụng Chân không cùng đi chung, nhưng cả hai đều nghĩ rằng muốn dò la tin tức, không gì bằng đến các lữ quán, tửu lầu, nơi mà khách giang hồ thường lui tới, có lẽ sẽ nghe được những lời bàn tán của họ mà tìm lần manh mối.

Cả hai vẫn kiên trì, nên cũng đã đến nhiều địa điểm nhưng vẫn chưa có chút hy vọng.

Hôm nay, một mình Trung Ngọc cũng lại lang thang như khách nhàn du đến mấy tửu lầu ngồi uống trà, uống rượu nhưng không nghe ngóng được gì nên lại phải ra đi để đến tửu lầu khác.

Khi đứng trước Hào Huê Lầu, chàng lưỡng lự một lúc mới bước vào.

Trung Ngọc tìm một cái bàn để ngồi và gọi bình rượu.

Vừa lúc đó lại có một chàng thư sinh khôi ngô tuấn tú, đôi mắt sắc nét long lanh đi vào, đưa mắt tìm chỗ ngồi nhưng bàn nào cũng có người cả, nên chàng thư sinh này đến bàn của Trung Ngọc và nói :

- Khách đông quá, xin phiền huynh đài cho tại hạ cùng ngồi có được không ạ?

Trung Ngọc lịch sự đáp :

- Xin cứ tự nhiên, tại hạ chỉ ngồi một mình thôi.

Chàng thư sinh vừa ngồi xuống cũng gọi bình rượu và tiểu nhị đưa đến ngay.

Chàng thư sinh mỉm cười nói :

- Tại hạ xin được phép mời huynh đài một chung hảo tửu để được quen biết nhau.

Trung Ngọc vẫn vui vẻ :

- Tại hạ xin đa tạ, tại hạ có gọi bình rượu đây rồi.

Vừa lúc đó lại có một lão nhân tay cầm một bình rượu đi đến với bước đi hơi xiêu vẹo như một lão say, cười ha hả nói :

- Nhị vị công tử đều có rượu, còn lão chỉ có cái bình không vì hết tiền nên chưa mua được rượu.

Trung Ngọc nhìn lão nhân tuy dáng đi như người say, nhưng đôi mắt rất sáng chứng tỏ tinh thần không say và là người có nội công khá cao, như vậy lão nhân này là người võ lâm.

Bởi vậy, Trung Ngọc liền nói :

- Nếu lão bá muốn uống rượu hãy ngồi vào bàn, tại hạ xin đãi vậy.

Lão nhân cười kha khả ngồi vào ngay và nói :

- Đa tạ công tử, lão xin đa tạ công tử.

Trong lúc đó Trung Ngọc gọi thêm rượu và rót đầy chung rượu trao cho lão và nói :

- Xin mời lão bá, xin mời người huynh đệ.

Chàng thư sinh cũng vui vẻ đưa cao chung rượu và nói :

- Chúng ta vô tình được quen biết. Tại hạ là Thẩm Lang xin chúc mừng tình bằng hữu.

Trung Ngọc liền nói :

- Tại hạ Đoàn Trung Ngọc xin được quen với Thẩm huynh đài.

Rồi chàng quay qua lão nhân nói ngay :

- Hân hạnh được uống rượu cùng lão bá.

Lão nhân bật cười, nói :

- Lão là Hà Phong xin mời hai công tử cạn chung.

Thế là cả ba, hai trẻ một già uống cạn mấy chung, rồi hàn huyên rất vui vẻ.

Hà Phong nhìn Trung Ngọc rồi nói :

- Có lẽ công tử mới đến thị trấn này.

Trung Ngọc hỏi :

- Tại sao lão biết?

Hà Phong đáp :

- Hằng ngày lão uống rượu qua nhiều tửu lầu, mà chưa gặp công tử nên mới nói công tử là người từ xa đến.

Chàng thư sinh Thẩm Lang liền cười nhẹ nói :

- Nếu vậy, chắc Hà lão bá cũng nói tại hạ là người ở xa đến phải không?

Hà Phong cười ha hả đáp :

- Chắc là như vậy!

Cả ba cùng cười vô tư.

Hà Phong lại nói tiếp :

- Lão lang thang nhiều, nên nghe nói gần đây vị Dược Vương Thần Y đã bị những người bịt mặt bắt cóc đưa về Tây Vực hay là đưa về Phong Nguyệt lầu gì đó, nhị vị công tử có hay biết việc ấy không?

Trung Ngọc nghe vậy trong lòng cởi mở, song ngoài mặt chàng giữ im lặng, thì thư sinh Thẩm Lang lên tiếng :

- Việc giang hồ thật nhiêu khê, song Dược Vương Thần Y chữa bệnh đại tài và chế thuốc thật có một không hai, nên chẳng ai giết hại Thần Y làm gì.

Hà Phong nói :

- Nghe nói vị Thần Y có đặc chế hai quý dược là Mỹ Diện Tiên Dược và Hóa Giải Kỳ Độc nên có nhiều nhân vật giang hồ võ lâm vừa cần lại vừa sợ.

Trung Ngọc liền nói :

- Tại sao lại vừa cần mà vừa sợ hả lão bá?

Hà Phong đáp :

- Việc ấy giang hồ muốn nói đến chủ nhân Phong Nguyệt lầu là Thẩm Cẩm Nguyệt có danh là Độc Tâm Nương.

Càng nghe Trung Ngọc càng thấy lạ nên hỏi tiếp :

- Nhưng tại sao Thẩm Cẩm Nguyệt lại cần và lại sợ?

Hà Phong đáp :

- Mỹ Diện Tiên Dược là quý dược độc chế vì nó làm cho sắc đẹp nữ giới được giữ mãi và càng ngày càng mỹ sắc thêm nữa. Đó là điều Thẩm Cẩm Nguyệt rất cần. Còn Hóa Giải Kỳ Độc là dược chất Thẩm Cẩm Nguyệt rất đố kỵ, bởi nàng ta chuyên dụng độc rất kỳ lạ nên mới có danh hiệu Độc Tâm Nương, thì làm sao không sợ Hóa Giải Kỳ Độc chứ?

Thư sinh Thẩm Lang lên tiếng hỏi Hà Phong :

- Tại hạ nghe lão bá nói thì rất hay, nhưng lão bá đã đến được Phong Nguyệt lầu hay diện kiến cùng Thẩm Cẩm Nguyệt bao giờ chưa?

Hà Phong phì cười :

- Cái này thì lão thua, vì nghe người ta nói Phong Nguyệt lầu ở trong thung lũng Thạch Khê trong dãy Bạch Linh sơn ở phía tây thị trấn này đấy, nhưng đâu có ai dám vào.

Thẩm Lang mỉm cười :

- Chuyện gì giang hồ cũng biết nhưng chỉ là tin đồn, phóng đại cho hoa mỹ, còn thực sự chẳng mấy ai rõ được.

Trung Ngọc chen lời :

- Thẩm huynh đài nói cũng đúng, song Phong Nguyệt Lâu tất phải có Thẩm Cẩm Nguyệt hay Độc Tâm Nương chắc là không sai?

Hà Phong liền nói :

- Đúng như vậy. Còn việc Thần Y có do Độc Tâm Nương bắt không thật sự chưa ai rõ.

Thẩm Lang cười nói :

- Nếu Hà lão bá chỉ nói thế thì tại hạ không phản đối.

Trung Ngọc lại hỏi :

- Tại sao không có ai đến được Phong Nguyệt lầu vậy, Thẩm huynh đài có biết chăng?

Thẩm Lang đáp :

- Người ta vẫn có nói “có vào mà không có ra” do đó chẳng ai dám vào Phong Nguyệt lầu là thế!

Rồi Thẩm Lang lại hỏi Trung Ngọc :

- Hình như huynh đài muốn đến Phong Nguyệt lầu phải không?

Trung Ngọc mỉm cười, đáp :

- Cũng có thể, nếu lúc có nhã hứng.

Thẩm Lang cũng mỉm cười, nói :

- Nếu thế chắc chủ nhân Phong Nguyệt lầu sẽ sẵn sàng tiếp đón huynh đài đó.

Trung Ngọc lại hỏi :

- Tại sao Thẩm huynh đài lại nói thế?

Thẩm Lang đáp :

- Đến Phong Nguyệt lầu với nhã hứng thì hay biết mấy, làm sao Thẩm Cẩm Nguyệt không đón chứ?

Hai ngươi đều bật cười có vẻ đắc ý.

Lão Hà Phong đứng lên nói :

- Lão uống đã quá rồi. Bây giờ lão xin cáo từ.

Chàng thư sinh Thẩm Lang cũng đứng lên tiếp lời :

- Tại hạ cũng cáo lui vì trời sắp tối rồi.

Hà Phong bước ra lảo đảo nhưng vẫn quay lại nói :

- Nhị vị công tử có đi đến Phong Nguyệt lầu phải cẩn thận, vì ở đó toàn cao thủ bậc nhất võ lâm đấy.

Nói xong lão ta liền bước ra ngoài với thân hình xiêu vẹo.

Thẩm Lang nhìn Trung Ngọc nói :

- Hẹn tái ngộ với huynh đài.

Trung Ngọc nói :

- Thẩm huynh đài không có ý định đến Phong Nguyệt lầu sao?

Thẩm Lang lắc đầu :

- Việc ấy rồi sẽ hay, bây giờ tại hạ đang có việc phải đi ngay.

Nói xong Thẩm Lang cũng bước nhanh ra ngoài.

Chỉ còn lại Trung Ngọc.

Chàng ngồi suy nghĩ một lúc rồi trả tiền tửu lầu, lên ngựa phi nhanh khi trời vừa sụp tối.

Ra ngoại ô, chàng nhắm Bạch Linh sơn cho ngựa chạy về hướng ấy.

Chàng thầm nghĩ: “Ta đã hỏi rõ là muốn đến thung lũng Thạch Khê thì qua một bãi tha ma rời qua mấy ngọn đồi và mấy sơn thôn mới đến địa phận thung lũng Thạch Khê. Ta phải đến cho được Phong Nguyệt lầu có thể là nơi bọn bịt mặt giam Dược Vương Thần Y vì Thạch Toán Tử có nói đến hai chữ Phong Nguyệt, có thể là Phong Nguyệt lầu cũng nên”.

Nghĩ thế, chàng cứ cho ngựa lao đi trong ánh sáng lờ mờ của trăng đêm bị những đám mây che phủ.

Khi đến con đường thì chàng thấy một bãi tha ma trước mặt, Trung Ngọc liền dừng ngựa và quan sát rồi cột ngựa dưới lùm cây để tiếp tục đi qua bãi tha ma chiếm một vùng rộng lớn âm u.

Bãi tha ma rất rộng, hoang tàn nên cây cỏ mọc đầy càng thêm hiu quạnh khi từng đợt tiếng côn trùng kêu lên thê lương, nỉ non, ghê rợn.

Những ngôi mộ nhấp nhô lờ mờ dưới ánh trăng non mờ nhạt vì những đám mây đen che khuất.

Chợt những lằn chớp ngoằn ngoèo trên bầu trời đen kịt chạy xuống như chui vào bãi tha ma rời những tiếng sấm nổ rền một góc trời đồng lõa đe dọa kẻ nào qua bãi tha ma hoang vắng này.

Mảnh trăng non chốc lát bị che khuất mịt mờ trong vùng mây đen.

Rồi mưa đêm bất chợt đổ xuống không lớn nhưng làm cho cảnh vật thêm thê lương ảm đạm ghê rợn.

Trung Ngọc vội tìm chỗ nấp mưa, ánh mắt rảo khắp bãi tha ma rộng lớn.

Nhưng cơn mưa không lớn và không dài nên cũng dứt hạt. Từ trong những ngôi mộ hoang tàn, những con đom đóm bay tỏa mông lung, như tô thêm nét ma quái của bãi tha ma và những tiếng cú rúc xa xa hay vài tiếng kêu của vài con chim ăn đêm lạc loài vang vọng như đe dọa khách lữ hành lạc đến nơi này.

Trung Ngọc rời chỗ trú mưa, tiếp tục đi qua bãi tha ma trong thận trọng.

Bầy đom đóm có lúc ùa tới thật nhiều rồi lại tản mạn thật nhanh làm cho đôi mắt của Trung Ngọc phải lung chuyển theo bầy đom đóm chập chờn như hòa nhịp tiếng côn trùng nỉ non ai oán.

Bất chợt mắt chàng dán chặt vào hình ảnh một hiện tượng, từ một ngôi mộ hoang tàn loang lổ hủng sâu đầy cỏ rậm âm u.

Đó là một bộ xương người trắng hếu với chiếc đầu lâu lêu nghêu, đôi mắt sâu hoắm nơi bộ xương đầu trống hốc có đôi mắt màu đỏ ối và cả cái miệng lưỡi lè dài cũng đỏ màu máu rất ghê tởm.

Bộ xương trắng lêu nghêu di động lướt qua lại từ ngôi mộ này đến ngôi mộ khác.

Trung Ngọc lẩm bẩm :

- Quỷ! Quỷ hiện hình?

Trong khoảnh khắc lo âu thắc mắc có chút sợ hãi tự nhiên làm chàng bối rối thì bộ xương chợt lướt đến phía chàng như gió cuốn nhưng lại phát ra tiếng phần phật như gió lộng vào y phục.

Lúc này Trung Ngọc chợt mỉm cười tự tin, nhưng lại ghìm chân đứng im tại chỗ như kẻ mất hồn khi gặp phải quỷ ma.

Trong lúc đó, bộ xương cứ theo đà lướt vút tới thật nhanh và tiếng phần phật như gió lộng xiêm y dòn dã hơn lên và khi bộ xương áp sát như muốn phủ chụp lấy chàng thì Trung Ngọc lập tức vung tay phóng đẩy một kình lực khá mạnh ập thẳng vào bộ xương.

“Bình!”

Tiếp theo tiếng chấn động của chưởng lực là một tiếng “hự” thoát ra từ bộ xương và bộ xương liền lảo đảo, thối lui, lắc lư một lúc mới đứng yên được.

Vừa lúc đó, từ sau những ngôi mộ hoang này liền xuất hiện hai thây ma chập chờn.

Hai thây ma này, toàn thân phủ y phục trắng toát rộng lùng phùng, tóc đen xõa dài rũ rượi với gương mặt xanh rờn rợn đôi mắt lại đỏ rực máu.

Hai thây ma lừng khừng từng bước đến sát hai bên bộ xương lúc nãy, rồi lập tức cả ba vụt lướt tới chụp vào Trung Ngọc.

Thủ pháp của hai thây ma xuất phát trông rất chậm chạp, song khi đôi tay chợt xỉa tới thì một luồng âm phong nhu động tấn công vào Trung Ngọc, nhưng chàng ta không đối kháng chỉ phong mà sử dụng bộ pháp lắc mình tránh né, cất tiếng khẽ thốt :

- Hảo Âm Phong chỉ.

Rồi chàng bật cười lớn nói tiếp :

- Hay lắm! Hay lắm! Thây ma, xương khô mà võ công cũng khá.

Hai thây ma và bộ xương trắng cứ lẳng lặng tiếp tục tấn công vào Trung Ngọc mỗi lúc một quyết liệt hơn.

Trung Ngọc chủ yếu sử dụng bộ pháp vừa tránh né vừa tìm hiểu đối phương, nên qua gần ba mươi chiêu đã đoán bọn này chỉ là những thuộc hạ có lẽ là của Phong Nguyệt lầu.

Bởi thế Trung Ngọc liền trụ bộ, hét lên tiếng lớn, song chưởng đẩy ra hai luồng kình phong cuốn lốc vào đối phương làm chúng bị cơn lốc cuốn bổng tung lên, bay vút ra năm, sáu bước.

Cả hai thây ma và bộ xương cố lộn người trên không trung rồi từ từ đáp xuống sau một ngôi mộ lớn, tuy có lảo đảo ngã người nhưng Trung Ngọc không lợi dụng cơ hội ấy để tập kích chúng tiếp.

Đợi một lúc, vẫn không thấy hai thây ma và bộ xương lộ diện, Trung Ngọc liền lướt đến phía sau ngôi mộ lớn kia, nơi mà bọn chúng vừa đáp xuống, chỉ thấy toàn là cỏ dại hoang phế um tùm kín một vùng, mà hai thây ma và bộ xương ấy không có nơi đó nữa.

Trung Ngọc thầm nghĩ rằng nơi đây là một “cửa ngõ” để chúng rút lui theo một địa đạo bí mật.

Chàng còn đang đứng quan sát địa thế, chợt từ trong ngôi nhà mồ bên cạnh vang lên những tiếng kẽo kẹt ghê rợn liên tục.

Trung Ngọc khẽ nhích môi, quay bước đến gần ngôi cổ mộ hơn.

Chàng ta quắc mắt nhìn vào bên trong, dưới ánh trăng lờ mờ sau cơn mưa bất chợt, có một cỗ quan tài đang rung rinh và nắp quan tài đang từ từ di động rồi đột nhiên bật tung hất văng xuống đất nghe “bộp” một tiếng và cỗ quan tài liền tỏa khói nhạt nhòa loang ra chung quanh.

Giữa lúc đó từ trong quan tài một bóng đen đứng bật lên lắc lư trong vùng khói mù chưa tan hết.

Bóng đen là hình người mặc chiếc áo thụng đen phủ từ trên đầu xuống. Đầu đội nón tang màu trắng toát, đôi mắt và miệng đỏ ối như màu máu đang cất tiếng rên “hư hử” một cách đau đớn ma quái.

Trung Ngọc nhè nhẹ lượm một ống tre chừng gang tay rồi bóp bể nát thành từng cây nhỏ như những chiếc đũa nắm chặt nơi tay.

Chàng vận nội lực vào hai bàn tay chà những thanh tre vừa bể ra để chúng rời ra thành từng thanh một và như vậy trong tay Trung Ngọc đang có một nắm tre như một bó đũa chưa vót tròn.

Động tác ấy, Trung Ngọc làm rất nhanh, nên khi bóng đen trong quan tài chưa bước ra thì Trung Ngọc liền lấy một nửa số tre vừa có, sử dụng như ám khí phóng vút vào bóng đen.

Những thanh tre nhỏ vút đi cực nhanh nhưng bóng đen cũng không chậm trễ, liền phẩy tay áo đen lụng thụng cuốn hết những thanh tre ám khí đó văng rơi lả tả quanh chiếc quan tài.

Nhưng tiếp liền theo khi cánh tay áo của bóng ma trong quan tài đưa lên gạt loạt thanh tre ám khí thì Trung Ngọc lập tức phóng luôn loạt thanh tre còn nắm trong tay trái vào bụng của bóng đen ma quái ấy. Vì thế mà bóng đen không kịp gạt loạt ám khí thứ hai nên toàn bộ thanh tre ám khí phóng ngay vào bụng bóng đen.

Tuy chỉ là thanh tre nhỏ, song với nội lực của Trung Ngọc sử dụng thành ám khí thì không thể không xuyên ghim vào bóng đen. Thế mà những thanh tre này lại dội ra rơi xuống quan tài “lộp độp” làm cho Trung Ngọc cũng phải giật mình kinh ngạc.

Giữa lúc ấy, bóng đen từ từ bước ra khỏi quan tài rồi chầm chậm quay về phía chàng lững thững đi tới.

Trung Ngọc hơi lúng túng thì có tiếng gọi thốt ra từ cái miệng đỏ ối của bóng đen :

- Đoàn huynh đài!

Trung Ngọc giật nẩy mình mở to mắt, tay vội chụp vào đốc kiếm thủ bộ.

Thấy cử chỉ của chàng, bóng đen quỷ hiện ấy lại cất tiếng cười trong vang rồi thốt :

- Đoàn huynh đài quên tại hạ rồi sao?

Vừa nói bóng quỷ này vừa lấy chiếc mũ tang kéo theo chiếc mặt nạ quỷ miệng mắt đỏ ối ra và cởi bỏ chiếc áo thụng đen bên ngoài để hiện ra một chàng thư sinh ban chiều đã ngồi cùng bàn uống rượu với Trung Ngọc, đó là chàng thư sinh Thẩm Lang.

Đến lúc này, Trung Ngọc mới hiểu tại sao những thanh tre ám khí khi vào bụng Thẩm Lang đã rơi xuống quan tài, chỉ vì nơi người của chàng thư sinh đã mặc chiếc áo da nhiều lớp dày cộm cản trở ám khí!

Thẩm Lang vui vẻ thi lễ :

- Nếu tại hạ không có chiếc áo hộ thể này thì có lẽ không thể tránh thoát loạt ám khí của huynh đài rồi.

Trung Ngọc lắc đầu :

- Thẩm huynh tạo dựng trò đùa này thật làm tại hạ sợ quá!

Thẩm Lang “hừ” khẽ :

- Tại hạ có nghe bọn thủ hạ Phong Nguyệt lầu thường bày trò ma quỷ nhát người, nên tại hạ cũng định giả làm quỷ ma để đối phó với chúng một phen, nào ngờ lại gặp Đoàn huynh.

Trung Ngọc nghiêm giọng :

- Thẩm huynh ứng phó với ai chưa biết, chỉ làm cho tại hạ hoảng hồn và bọn thuộc hạ Phong Nguyệt lầu trốn thoát mất hết rồi.

Thẩm Lang nói :

- Tại hạ không ngờ Đoàn huynh đến nơi này, song Đoàn huynh chớ quá xem thường Thẩm Cẩm Nguyệt.

Trung Ngọc gật đầu :

- Thẩm huynh nói rất phải, tại hạ vẫn chờ xem Thẩm Cẩm Nguyệt giở thủ đoạn gì nữa đây.

Dứt lời chàng ta liền cáo từ Thẩm Lang để quay bước ra lối mòn trong bãi tha ma.

Thẩm Lang liền bước theo nói :

- Đoàn huynh không thể để tại hạ cùng tháp tùng dạ du vào núi Bạch Linh sơn sao?

Trung Ngọc khựng lại, quay người đáp :

- Ồ! Sao lạ vậy! Vì lúc chiều Thẩm huynh đã có lời từ chối kia mà?

Thẩm Lang bật cười :

- Lời từ chối lúc chiều chẳng qua để hai chúng ta dễ bề tiếp ứng nhau vậy thôi.

Trung Ngọc cũng cười :

- Thẩm huynh quả có nhiều tiên liệu, thế chúng ta cùng đồng hành lên Bạch Linh sơn chắc sẽ lý thú hơn nhỉ?

Thẩm Lang đáp :

- Trong dãy Bạch Linh sơn có thung lũng Thạch Khê đó là điều chắc chắn. Còn Phong Nguyệt lầu thì chúng ta phải xem xét hư thực, ngoài ra trên ấy còn có những thạch động, suối thác thiên nhiên tạo nên thắng cảnh không thể không chiêm ngưỡng.

Trung Ngọc gật đầu :

- Tại hạ đã có nghe nói trên Bạch Linh sơn có nhiều thắng cảnh thiên nhiên và cổ tháp, kỳ hoa nhưng chưa đặt chân đến nên muốn thưởng ngoạn các nơi ấy thật khó tìm lắm!

Thẩm Lang vui vẻ :

- Điều đó Đoàn huynh khỏi lo, vì trước đây đệ cũng đã có rảo qua vùng Bạch Linh sơn này, nay đệ xin hướng dẫn Đoàn huynh đến từng thắng cảnh, nhưng Phong Nguyệt lầu thì tùy huynh định liệu.

Trung Ngọc gật đầu :

- Thế thì quý hóa quá! Song bọn Phong Nguyệt lầu có quấy rầy chúng ta không?

Thẩm Lang nhún vai :

- Đoàn huynh sợ chúng rồi sao?

Trung Ngọc lắc đầu :

- Thẩm huynh hiểu lầm rồi! Tại hạ chẳng những không sợ mà còn muốn xem cái “độc tâm” của Thẩm Cẩm Nguyệt nữa kìa.

Thẩm Lang bật cười lớn :

- Nếu thế thì chúng ta hãy thám hiểm Phong Nguyệt lầu vậy nhé?

Trung Ngọc đáp :

- Điều ấy tại hạ xin tán đồng, nói Thẩm huynh có rõ Phong Nguyệt lầu tọa lạc nơi nào trong dãy Bạch Linh sơn này không?

Thẩm Lang đáp ngay :

- Nghe nói Phong Nguyệt lầu tọa lạc tại thung lũng Thạch Khê có nhiều hoa thơm cỏ lạ rất hữu tình, bên một bờ hồ mà những đêm trăng Thẩm Cẩm Nguyệt thường ngồi thuyền đi trong hồ nhìn ánh nguyệt in bóng dưới đáy hồ trong gió nhẹ thoảng hương thơm ngào ngạt của muôn loài kỳ hoa.

Trung Ngọc gật gù :

- Vì vậy, Thẩm Cẩm Nguyệt đặt là Phong Nguyệt lầu, quả như thế Thẩm Cẩm Nguyệt cũng mơ mộng nhu tình lắm đấy chứ? Và Thẩm huynh đài cũng biết nhiều về Phong Nguyệt lầu còn hơn lão Hà Phong nữa.

Thẩm Lang mỉm cười :

- Biết đâu lúc gặp Thẩm Cẩm Nguyệt, Đoàn huynh chẳng đâm ra nặng tình vì nghe đâu nàng ta cũng là mỹ nữ đa tình lắm đấy.

Trung Ngọc bật cười :

- Mỹ nữ đa tình, huynh có lầm chăng, vì ai cũng rõ Thẩm Cẩm Nguyệt với biệt danh Độc Tâm Nương kia mà?

Thẩm Lang khẽ lắc đầu :

- Giang hồ gán cho nàng cái tên ấy chứ thật ra chưa chắc nàng tự đặt cho mình.

Trung Ngọc hỏi ngay :

- Tại sao Thẩm huynh rõ điều ấy?

Thẩm Lang lúng túng đáp :

- Việc này... việc này đệ đoán theo sự điều tra của đệ trong những lần lân la trong vùng này.

Trung Ngọc gật đầu :

- À! Thì ra thế!

Thẩm Lang thở dài rời nhìn vùng núi phân giải :

- Thung lũng Thạch Khê còn cách nơi này rất xa, muốn đi đến đó, chúng ta còn phải vượt qua mấy tuyệt nhai, phải theo lối mòn quanh co, theo các sườn núi, bờ cao, đá dựng hoặc men theo bờ vực thẳm, cho dù khinh công thượng thừa cũng không thể đi nhanh được.

Trung Ngọc liền nói :

- Như vậy, theo Thẩm huynh thì đêm nay chúng ta phải hành động như thế nào?

Thoáng trầm ngâm, Thẩm Lang đáp :

- Từ nơi này đi thung lũng Thạch Khê, tất nhiên phải đi qua sơn thôn phía xa kia, nhưng cũng có lữ quán. Hai chúng ta khởi hành ngay bây giờ thì gần nửa đêm sẽ đến nơi đó, chắc sẽ nghỉ lại lấy sức để sáng hôm sau tiếp tục cuộc hành trình.

Trung Ngọc gật đầu :

- Được rồi! Chúng ta hãy ghé đến nơi ấy càng sớm càng tốt.

Thẩm Lang vừa đi vừa nói :

- Lữ quán này có loại rượu chôn cất lâu năm gọi là Mỹ Tửu Ngũ Tiên Nương rất đặc biệt chỉ dành cho khách quen.

Trung Ngọc liền chận lời :

- Còn khách lạ họ không bán à?

Thẩm Lang gật đầu :

- Đúng vậy!

Trung Ngọc chắc lưỡi :

- Tiếc quá! Tiếc quá!

Thẩm Lang mỉm cười :

- Đoàn huynh đừng lo, đệ là khách quen của lữ quán, tất nhiên chúng ta sẽ có Mỹ Tửu Ngũ Tiên Nương để thưởng thức rồi đấy.

Trung Ngọc gật gù :

- Thế thì tuyệt! Chúng ta hãy nhanh chân lên!

Cả hai liền tăng tốc độ khinh công vượt đường xa qua mọi nẻo đường khó khăn để đến lữ quán nơi sơn thôn vào lúc khá khuya, nghĩa là còn sớm hơn dự định, chỉ vì cả hai cố đi thật nhanh, song mỗi người có một ý nghĩ bâng khuâng riêng tư.

break
Đàn Anh Cứ Muốn Tôi
Sắc, Sủng, Nữ Cường, Nam Cường
Đàn Anh Cứ Muốn Tôi
Ngôn tình Sắc, Sủng,Nữ Cường
Cố Ý Mê Hoặc (Sắc)
Ngôn tình Sắc, Sủng, Đô Thị
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc