Hương Bạc Hà

Chương 24

Trước Sau

break
Một mùa xuân thu nữa lại trôi qua, nhanh đến bàng hoàng. Hè về, cái nắng oi nồng sấy khô cây cỏ đất đai, bầu không khí buổi tối khiến người ta ngột ngạt khó thở.

Mặc Thâm trầm lặng đứng tựa bên cửa sổ nhìn ráng chiều rực rỡ đến tận chân trời. Trên chiếc bàn bên cạnh anh, màn hình di động dừng lại rất lâu ở khung ‘Mẫn’. Chỉ cần bấm vài phím số đơn giản, khoa học kỹ thuật hiện đại sẽ biến khoảng cách nhớ thương thành con số không tròn trĩnh. Vì sao? Vì sao mỗi khi chia xa cô, anh vẫn không thể nào mở lời thăm hỏi cô một câu, mặc dù sâu trong đáy lòng khao khát muốn có cô luôn thiêu đốt bản thân anh chẳng kể ngày đêm, và mặc dù anh luôn xoay xở đủ mọi phương cách để biết cô có bình an hay không?

Anh cười khổ, chẳng phải cô cũng như thế đó ư? Bao lâu nay cô chưa từng gọi cho anh một cuộc điện thoại, cho dù liên lạc với Mặc Hàm, cô cũng nhất định không tìm anh.

Quách Diệp Nam đi vào, vừa lia mắt một cái đã nhìn thấy hình ảnh bất biến hàng đêm trên màn hình di động của cậu bạn, anh chàng nhếch khóe miệng nói: “Đã muốn gọi điện cho người ta thì…”, nói được phân nửa thì chợt phát giác ra dường như mỗi ngày đều nói với Mặc Thâm câu này.

Mặc Thâm cầm di động lên, thấy số máy của mẹ gọi đến, ngay lập tức nhấn nút nghe.

“Mặc Thâm, tuần sau bồi dưỡng xong, con sẽ trở về thành phố R phải không?”

“Dạ, có chuyện gì không ạ?”

“Bà gạt ba con, tự quay về thành phố R trước rồi. Ba mẹ tạm thời đều không đi được, mẹ sợ một mình Mặc Hàm ứng phó không xong, con xem ngày mai có thể đặt vé máy bay trở về trước tuần cuối cùng được không?”

“Mẹ, bà sao vậy mẹ?”

Khi giọng kể không liền mạch của Dương Minh Tuệ truyền đến từ đầu bên kia điện thoại, sắc mặt Mặc Thâm dần chuyển từ tái xanh sang trắng bệch. Cuối cùng di động từ từ rớt xuống đất.

Quách Diệp Nam thấy vẻ mặt anh không bình thường, lo lắng hỏi: “Xảy ra chuyện gì à?”

“Diệp Nam, cậu lấy giúp tớ vé chuyến bay nhanh nhất. Còn nữa, nhờ Dương Sâm giúp tớ thưa với thầy hướng dẫn một tiếng.” Vừa nói, Mặc Thâm vừa hối hả thu dọn hành lý.

“Tất nhiên là tớ có thể đặt vé máy bay giúp cậu, nhưng mà cậu thế này…”

Mặc Thâm mạnh tay đóng vali lại, rồi hốt hoảng như vừa sực nhớ ra chuyện gì, anh vỗ vỗ tay lên trên trán: “Phải rồi. Mẹ nói Mặc Hàm vẫn chưa biết, tớ biết báo cho nó thế nào đây?”

“Chưa biết cái gì?” Quách Diệp Nam càng lơ mơ, anh chàng kìm bả vai Mặc Thâm lại, “Người anh em, cậu ngồi xuống cho tĩnh táo một chút cái đã.”

Mặc Thâm hít sâu một hơi, nhặt di động lên, quay lưng lại, nhanh chóng bấm số điện thoại của Hứa Tri Mẫn vừa tìm được. Sau ba tiếng chuông đổ vồn vã, giọng nói bình tĩnh vang lên bên tai anh: “Alo, xin hỏi ai đấy ạ?”

Đến giờ Mặc Thâm mới nhớ cô không có số di động của anh. Nhưng chỉ cần nghe một chút thanh âm êm đềm đấy thôi cũng đủ để anh biết được cô vẫn bình an vô sự và trái tim nổi bão bỗng được xoa dịu một cách diệu kỳ.

Trước khi cô sinh lòng nghi ngờ, anh quả quyết ngắt máy. Lúc quay lại đối diện với Quách Diệp Nam thì Mặc Thâm đã khôi phục lại sự điềm tĩnh vốn có: “Cậu yên tâm đi, bây giờ tớ đã biết nên làm thế nào rồi.”

Quách Diệp Nam gãi gãi đầu nói: “Cậu không sao là tốt rồi. Tớ đi đặt vé máy bay cho cậu đây…”

Quách Diệp Nam vừa đi, điện thoại di động của Mặc Thâm lại rung lên một lần nữa. Lần này, số máy gọi đến hiển thị trên màn hình là ‘Mẫn’. Mặc Thâm sa sầm nét mặt, anh ra ngoài cửa túm bừa một người đang đi trên đường, nói: “Xin lỗi, phiền anh giúp một việc, phiền anh nói cho cô ấy biết là gọi sai số.”

Ở thành phố R xa xôi, Hứa Tri Mẫn cúp điện thoại mà hoang mang không hiểu. Chỉ đơn giản là gọi sai số thôi ư? Nhưng vì sao trong lòng cô lại có cảm giác bất an mơ hồ liên quan đến người thân ở phương xa? Hôm qua cô mới nói chuyện với người nhà, nếu vậy thì sẽ là ai gặp chuyện chẳng lành?

Trong phòng, mọi người đang sôi nổi thảo luận chuyện đi thực tập lâm sàng ngày mai. Đơn vị thực tập hoặc do sinh viên tự xin, hoặc do giảng viên phân bổ dựa trên tình hình chung. Bảy cô gái phòng 314 được phân đến bốn đơn vị. Cả lớp có bốn người đi bệnh viện tỉnh thực tập thì phòng 314 đã chiếm giữ hai vị trí, theo thứ tự là Vương Nhã Lệ và Lâm Ngọc Cầm. Hứa Tri Mẫn và Phương Tú Mai cùng ở lại bệnh viện trực thuộc Số Một đại học M.

Vì việc này mà Trần Minh đã tìm Hứa Tri Mẫn giải tỏa cơn tức: “Tớ dám chắc Vương Nhã Lệ và Lâm Ngọc Cầm đã nhờ người lo lót để được vào bệnh viện tỉnh. Hứa Tri Mẫn, thành tích của cậu cao thế, tại sao không tìm ai đó đi?”

Hứa Tri Mẫn cười đáp: “Cậu biết mà, tớ xuất thân từ gia đình lao động bình dân, đi đâu tìm người nhờ vả bây giờ?”

Đây là lời thật tình, người bạn trước đây công tác ở bệnh viện tỉnh của Vu Thanh Hoàn đã bay đi Mỹ đảm nhận chức vụ cao hơn, mọi dự tính ban đầu đều thất bại. Nhờ Mặc Thâm giúp đỡ? Cho đến thời điểm này cô chưa từng nghĩ đến.

Trần Minh mắng cô ngu ngốc rồi nói: “Cậu không thấy Lâm Ngọc Cầm cũng đi đút lót sư huynh à?”

Hứa Tri Mẫn nghiêm mặt: “Đừng đánh đồng tớ và cậu ấy!”

Bị phản bác thẳng thừng, Trần Minh nhất thời sững người nhìn Hứa Tri Mẫn, ở cùng phòng bốn năm nhưng đến giờ phút này cô mới biết, người lợi hại nhất chính là tổ trưởng mà bình thường đám con gái các cô hay ‘ức hiếp’.

Hứa Tri Mẫn cho rằng, bệnh viện trực thuộc Số Một đại học M tuy danh tiếng không bằng bệnh viện tỉnh, nhưng dẫu sao cũng là một bệnh viện lớn tương đương, nhất định không thiếu kiến thức để cô học hỏi. Trường giỏi có học sinh dở, mà trường dở cũng có học sinh giỏi, suy cho cùng, bản lĩnh học sinh quyết định tất cả.

Sau khi đến bệnh viện trực thuộc trình diện, Hứa Tri Mẫn được phân đến phòng cấp cứu. Cô hướng dẫn của cô họ Lưu, người trông đôn hậu song nói chuyện rất thâm thúy. Cô Lưu đã công tác ở phòng cấp cứu nhiều năm, câu đầu tiên cô dạy sinh viên là: Trước phải học làm người, rồi sau mới tới học làm nghề.

Việc thực tập của Hứa Tri Mẫn diễn ra khá thuận lợi. Cô Lưu không phải là y tá có tay nghề tốt nhất ở phòng cấp cứu, nhưng trong công việc cô luôn được cộng sự và bệnh nhân hết lời khen ngợi. Mỗi lần bệnh viện bình chọn công nhân viên tiên tiến thì dứt khoát không thể thiếu phần của cô hướng dẫn Lưu.

Sau này Hứa Tri Mẫn mới biết, bộ phận y tá của bệnh viện trực thuộc đại học M rất chú trọng vấn đề bồi dưỡng nhóm sinh viên y tá chưa tốt nghiệp như họ. Bệnh viện tỉnh tiếng tăm lẫy lừng thì trái lại, không mặn mà gì với việc bồi dưỡng y tá. Vương Nhã Lệ và Lâm Ngọc Cầm thường về phòng kể khổ rằng giảng viên hương dẫn chẳng quan tâm lo lắng đến sinh viên một chút nào.

Quay trở lại vấn đề chính. Phòng cấp cứu chính là nơi đông người nhiều việc nhất, đi theo cô hướng dẫn Lưu, Hứa Tri Mẫn thực sự lĩnh hội được cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và lâm sàng, cô cũng nhanh chóng học được cách làm thế nào để giao tiếp với bệnh nhân và hỗ trợ qua lại với đồng nghiệp. Hơn nữa, trước giờ cô vẫn luôn khiêm tốn, nên khi cùng thực tập với sinh viên trường cao đẳng, mối quan hệ giữa cô và mọi người vô cùng tốt đẹp. Chuyện này có ý nghĩa rất đặc biệt, bởi trên thực tế rất nhiều giảng viên lâm sàng bao gồm cả y tá trưởng đều không được đào tạo y tá chính quy, bằng cấp cao nhất là đại học chuyên khoa. Vậy nên y tá trưởng và giảng viên có phần nể trọng Hứa Tri Mẫn. Các giảng viên thường kín đáo nói nhỏ: Cô Lưu, sinh viên cô hướng dẫn giỏi thật đấy.

Cô Lưu chỉ cười không đáp, thầm nghĩ: Cô bé này bình thường im lặng chẳng nói năng gì, nhưng những gì mình dạy, một chữ cô bé cũng không quên, không những vậy, cô bé còn rất thông minh. Hứa Tri Mẫn biết thầy cô nào cũng thích sinh viên khiêm tốn, vì thầy cô cũng để tâm tới sĩ diện, muốn tạo dựng uy tín vững vàng trước mặt bệnh nhân. Cho nên Hứa Tri Mẫn không bao giờ làm trái lời, tranh luận hoặc chất vấn thầy cô ngay trong giờ làm việc, mà luôn đợi đến khi thầy cô tan tầm, chọn thời gian thích hợp để xin chỉ bảo. Cô bé đã hoàn thành một cách trọn vẹn lời dạy ‘trước học làm người, rồi sau mới học làm nghề’ của mình.

Hết kỳ hạn thực tập một tháng ở phòng cấp cứu, Hứa Tri Mẫn mới thảnh thơi được nửa tháng thì y tá trưởng đã tìm cô Lưu thương lượng: Tôi thấy cô bé này rất giỏi, sau này cô bé tốt nghiệp, chúng ta có thể đề xuất bộ phận y tá giữ lại.

Cô Lưu gật đầu tán thành. Năng lực chuyên môn có thể tiếp tục bồi dưỡng nâng cao, nhưng làm người, không phải ai cũng làm được như Hứa Tri Mẫn. Qua cách đối đãi bình đẳng với mọi bệnh nhân của cô bé, cô Lưu nhận ra cô sinh viên thông minh của cô có tâm tính lương thiện và rất được lòng người.

Hứa Tri Mẫn không ngờ rằng sẽ gặp lại Diệp Văn ở phòng cấp cứu và càng không ngờ Diệp Văn vẫn còn nhớ cô là ai.

“Tôi còn nhớ cậu.” Diệp Văn nói, “Lúc chuyển đến khoa y tôi cứ tưởng có thể mấy hôm nữa sẽ gặp lại cậu, nhưng cậu lại ngốc nghếch bám trụ ở khoa y tá đến bốn năm.”

Hứa Tri Mẫn mỉm cười: “Mỗi công việc trên thế giới này đều cần có người đảm đương. Nếu như ai ai cũng khăng khăng muốn làm việc này, không chịu làm việc kia thì xã hội có thể tiếp tục vận hành được không?”

Diệp Văn cười nhạo: “Cậu suy nghĩ thấu đáo quá nhỉ!”

Hứa Tri Mẫn chớp mắt: “Đây gọi là kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt.”

Diệp Văn mặt lạnh tanh đi ra ngoài.

Hứa Tri Mẫn bước ra đại sảnh phòng cấp cứu, ngước nhìn bầu trời thở một hơi thật dài. Bệnh viện là nơi tai vách mạch rừng nên tin tức thu thập được nhiều và chính xác hơn so với môi trường học đường. Hiện tại sinh viên y khoa ở các bệnh viện lớn trong thành phố bão hòa đến mức sinh viên thạc sĩ, tiến sĩ phải luôn trăn trở tìm lối ra. Đâu đâu cũng có những sinh viên chưa tốt nghiệp vì không tìm được vị trí công tác thích hợp trong ngành lâm sàng đành phải chuyển sang làm trình dược viên. Vả lại, tuy điều kiện cạnh tranh giữa nam và nữ ngang nhau, song bệnh viện lại ưu tiên bác sĩ nam nhiều hơn, vì bác sĩ nữ phải kết hôn sinh con, nghỉ sinh, rồi còn vướng bận con nhỏ, nói chung rất nhiều chuyện phiền toái.

Y tá là một nghề rất triển vọng – đây không phải chỉ là một nhận định suông. Phải nói rằng, Hứa Tri Mẫn đã may mắn gặp được thời cơ quí giá khi một sinh viên khoa y tá như cô lại rời ghế giảng đường đúng vào thời điểm nhu cầu lao động đối với y tá tốt nghiệp đại học trở nên rất cấp bách ở mọi nơi. Xác suất để một bác sĩ nữ leo lên được vị trí chủ nhiệm khoa cực kỳ thấp, và nếu thành công thì tuổi xuân của họ cũng đã trôi qua. Nhưng trong thời điểm này, một y tá dù chưa đến ba mươi tuổi vẫn có khả năng vươn lên vị trí y tá trưởng nếu muốn. Y tá trưởng và y tá là hai khái niệm khác xa một trời một vực. Thứ nhất, y tá trưởng không cần làm việc ba ca. Thứ hai, chủ nhiệm muốn môi trường làm việc duy trì được sự thuận hòa vui vẻ thì chủ nhiệm và y tá trưởng nhất thiết phải có quyền hạn bình đẳng. Ngoài ra, trong tất cả các quyết sách quan trọng của phòng, chủ nhiệm và y tá trưởng đều nắm giữ số phiếu ngang nhau.

Nếu phải kết luận về con đường mà cô và Diệp Văn lựa chọn thì không nên nhận định sự lựa chọn của ai là đúng đắn, mà nên xem xét xem nó có phù hợp với tình hình thị trường lao động hay không.

Hứa Tri Mẫn không quên, người chỉ hướng cho cô con đường này chính là Mặc Thâm.

Xe cấp cứu ngăn trở tầm mắt chuyển bánh, Hứa Tri Mẫn cúi đầu bước hai bước về trước, bỗng nhiên trái tim đập vội một nhịp, vừa ngẩng đầu cô đã thấy Mặc Thâm đứng lặng giữa một khoảng đất trống, phía trước anh là người qua kẻ lại.

Lúc này là ba giờ rưỡi chiều, dưới ánh nắng gay gắt tỏa ra từ vầng mặt trời đang ngả dần về phía tây, cô thấy bóng hình anh khẽ lung lay trên mặt đường cuốn mờ cát bụi. Biểu cảm rối rắm trên gương mặt anh là hình ảnh trước đây cô chưa từng bắt gặp. Vì sao anh lại đột ngột xuất hiện ở nơi này? Nguyên nhân là gì? Nhớ lại chuyện hôm đó gọi sai số, nhịp tim cô càng lúc càng nhanh. Lần đầu tiên, cô không khống chế được chính mình, bước về phía anh.

“Có chuyện gì sao?” Cô hỏi, giọng nói hàm chứa sự khẩn trương cố sức kìm nén.

Nhận ra điều đó, anh hít sâu một hơi rồi mỉm cười bí hiểm: “Đưa em đi gặp một người.”

“Gặp ai?” Cô nhíu mày.

Rất tự nhiên, năm ngón tay anh nắm lấy năm ngón tay cô, dắt cô ra ngoài cửa lớn của bệnh viện.

Cô nhìn thấy một chiếc Rolls-Royce màu đen đậu cách họ vài bước chân. Cửa xe từ từ mở ra, sau đó một bà cụ bước ra từ bên trong.

Cô ngạc nhiên, mừng rỡ reo lên: “Bà dì!”

Cảm giác được ngón tay cô trượt khỏi kẽ tay anh, anh chậm rãi nắm tay lại, ánh mắt nặng nề chăm chú nhìn cảnh bà cháu đoàn viên hạnh phúc.

“Thiệt tình cái con bé này, gầy trơ xương cả rồi.” Bà dì đau lòng vuốt vuốt tay Hứa Tri Mẫn.

“Bà dì cũng vậy cơ mà, ốm hơn hồi đó nữa.” Hứa Tri Mẫn buồn buồn nhìn bà cụ mái tóc bạc phơ, hai gò má trũng sâu và hốc hác. Nỗi bất an âm thầm lan tràn trong lòng cô, nhà họ Mặc luôn đối xử tử tế với bà dì, nhưng lần này trở về khí sắc của bà không bằng trước kia.

Mặc Thâm đi đến nói với hai người: “Chúng ta lên xe trước đi. Bà muốn đi mua đồ nữa phải không ạ?”

“Phải rồi.” Bà cụ vỗ vỗ tay Hứa Tri Mẫn, “Con giúp bà chọn ít đồ tặng cho Thu Nhi.”

Kỷ Thu Nhi là con gái của Kỷ Nguyên Hiên và Vu Thanh Hoàn, cô bé chào đời khi Hứa Tri Mẫn học năm hai đại học, giờ đã là một cô nhóc ba tuổi, vô cùng xinh xắn đáng yêu. Mỗi lần Hứa Tri Mẫn ghé nhà Kỷ Nguyên Hiên, Kỷ Thu Nhi luôn líu ríu theo chân, kéo tay Hứa Tri Mẫn nói: “Dì ơi, dì ơi, dì dạy con vẽ tranh đi.” Hứa Tri Mẫn dở khóc dở cười. Đúng là cô từng học vẽ vài năm trong thời gian học tiểu học và sơ trung, nhưng không biết vì sao Vu Thanh Hoàn lại bảo Thu Nhi rằng dì cô bé là cao thủ vẽ tranh, khiến cô bé cứ nài nỉ Hứa Tri Mẫn dạy mình học vẽ cho bằng được.

“Con còn thường đến nhà Hiên chơi không?” Trên đường đi, bà cụ hỏi.

“Dạ, bây giờ con đang thực tập, hơi bận một chút, trước đây cách mỗi tuần con đều đến thăm vào chủ nhật.” Hứa Tri Mẫn kể rõ ràng cho bà dì nghe.

Mặc Thâm ngồi phía trước lái xe, lặng im nghe hai bà cháu trò chuyện.

Chiếc Rolls-Royce dừng lại ở trung tâm thương mại lớn nhất thành phố R. Tại hiệu đá quý Chu Lục Phúc, Hứa Tri Mẫn giúp bà dì chọn một miếng ngọc Cát Tường cho Thu Nhi, sau đó lại chọn một sợi dây chuyền bạch kim cho Vu Thanh Hoàn. Mặc Thâm định lấy thẻ tín dụng ra trả thì bà cụ vội vàng xua tay: “Mấy thứ này là bà muốn tặng cho cháu cố và cháu dâu, con đừng lộn xộn.”

Bà cụ run run tay mở túi gấm màu đỏ, trong đó là gia tài bà đã tích góp bao nhiêu năm ròng: “Hứa Tri Mẫn, con đếm giùm bà xem, nếu chừng này tiền mặt không đủ thì còn có thẻ tiết kiệm.”

Hứa Tri Mẫn không sao diễn tả tâm tình của chính mình trong giờ phút này. Nước mắt bỗng chốc dâng lên vành mi, cô cắn răng, cẩn thận đón lấy xấp tiền từ tay bà cụ rồi vô cùng nghiêm túc nhẩm đếm từng tờ từng tờ một.

Sau khi thanh toán và cầm đồ đi về, bà cụ giật mình nhớ ra, nhìn nhìn trang phục trên người cháu gái rồi nói: “Mặc Thâm, phải chọn cho Hứa Tri Mẫn một bộ quần áo.”

“Không cần đâu, bà ơi.” Hứa Tri Mẫn cuống lên, nhẹ nhàng từ chối.

“Hiên cũng thật là, con đến thành phố học bao nhiêu năm, thế mà không sắm quần áo đẹp cho con.”

“Con có quần áo mà bà dì, tại con không lấy ra mặc đó.”

“Tại sao không lấy ra mặc? Con là một cô gái đẹp người đẹp nết, tại sao lại không ăn mặc cho đẹp đẽ một chút?”

Hứa Tri Mẫn chẳng nghĩ ra từ ngữ gì để trả lời cho câu hỏi đầy vẻ nghiêm khắc của bà cụ.

Mặc Thâm nở nụ cười: “Lên tầng hai đi ạ, đó là tầng dành riêng cho trang phục nữ.”

Hứa Tri Mẫn cáu kỉnh lườm anh: Đã không nói đỡ cho mình thì thôi đi, lại còn ngang nhiên dắt tay bà dì lên cầu thang cuốn.

Đến tầng hai, bà cụ chọn chọn lựa lựa, không buồn hỏi ý kiến Hứa Tri Mẫn lấy một lần mà chỉ toàn hỏi Mặc Thâm.

“Mặc Thâm này, con nói xem, con bé mặc đầm đẹp hay là…”

“Mặc đầm đẹp bà ạ.”

“Vậy màu nào đẹp?”

“Màu đỏ đấy ạ, rất có thần thái.” Thấy cô nổi giận đến nỗi mặt đỏ au, anh không kìm được mỉm cười tủm tỉm, anh rất muốn ôm cô rồi hôn lên má cô một cái thật kêu.

Bà cụ dừng bước, qua cặp mắt kính lão, bà nhìn thấy hết thảy mọi thái độ cử chỉ của hai cô cậu trẻ tuổi.

Lúc Hứa Tri Mẫn vào phòng thay đồ, bà cụ nắm chặt tay Mặc Thâm: “Mặc Thâm, bà biết con là đứa trẻ cố chấp.”

“Bà…”

“Mặc Thâm, bà biết thế này là làm khó con, nhưng con phải hứa với bà, chuyện này đừng nói trước với Hứa Tri Mẫn.”

“Bà?”

“Con bé thật ra rất yếu đuối. Có chuyện này con không biết, năm con bé mười ba tuổi, tận mắt chứng kiến ông ngoại qua đời, nó đã…” Chuyện cũ khó lòng nói hết trong đôi ba câu, bà cụ vỗ vỗ mu bàn tay Mặc Thâm, “Đợi sau này con hẵng tìm thời điểm thích hợp kể đầu đuôi con bé nghe nhé, bà tin tưởng con.”

“Dạ.” Mặc Thâm siết chặt hai bàn tay.

Bà cụ đang trầm tư thì bỗng nhiên sực nhớ ra điều gì đó, cười hỏi, “Hồi nhỏ con ghét nhất là ráy lỗ tai, nhớ không?”

“Dạ nhớ chứ. Con nghịch ngợm, phá phách làm bà phải chạy vòng vòng theo con hoài.”

“Hừ, cái cây ráy lỗ tai cho con đến bây giờ bà vẫn còn giữ bên người đây này.”

Mặc Thâm sửng sốt nhìn bà cụ lấy cây ráy tai trong túi vải ra, phì cười: “Bà à…”

Đúng lúc này, Hứa Tri Mẫn bước ra từ phòng thay đồ. Bộ váy xếp tầng cắt may khéo léo dài ngang gối khiến đôi chân vốn đã duyên dáng càng thêm thanh lịch tao nhã, còn áo ngắn khoác ngoài trắng tinh may bằng chất liệu tơ tằm thì lại tôn lên vẻ trầm tĩnh, thùy mị của cô. Trông cô như một đóa hồng dịu dàng khoe hương sắc trước ánh mắt ngỡ ngàng của bao người.

Mặc Thâm tưởng như mình đang được thưởng thức một ly rượu Romanée-Conti quý giá của Pháp, anh ngơ ngẩn, say đắm nhìn cô.

Bà cụ hưng phấn bước tới: “Chao ôi đẹp quá, thật sự rất đẹp.”

Hứa Tri Mẫn bối rối nhìn những người đứng vây xem xung quanh, lí nhí: “Bà…”

“Mặc Thâm, con nói xem, con bé có đẹp không?” Bà cụ quay đầu lại hỏi đứa cháu.

Mặc Thâm nhìn nhìn cô, rồi nhìn sang bà cụ, cười toe toét nói: “Không ạ, lúc trẻ bà còn đẹp hơn thế.”

“Ơ hay cái thằng bé này…” Bà cụ cả thẹn, “Mày định lừa con bé đấy à?”

Mặc Thâm nói vẻ vô tội: “Bà hỏi em ấy xem con có nói gì sai không nào?”

Hứa Tri Mẫn gật đầu lia lịa.

Bà cụ lắc đầu: “Thôi thôi, một mình bà sao nói lại hai đứa thanh niên chúng mày, mà bây lại còn vào hùa với nhau nữa chứ…”

“Bà ơi.”

“Bà à.”

“Đấy đấy, đến nói cũng đồng thanh kia kìa.” Bà cụ cười vui tươi, hớn hở.

Nụ cười hạnh phúc đấy khiến họ bất đắc dĩ nhìn nhau rồi ngầm thỏa thuận giữ im lặng.

Mặc Thâm đưa bà cụ trở về một khách sạn trong thành phố R mà bà ở tạm mấy ngày nay. Một lát sau, Mặc Hàm vội vã đến đón bà.

Bà cụ xua Hứa Tri Mẫn về: “Mặc Hàm đưa bà đi được rồi. Mặc Thâm, con chở Hứa Tri Mẫn về nhà đi.”

“Dạ.” Mặc Thâm đồng ý.

Hứa Tri Mẫn đứng yên tại chỗ giơ tay phải lên. Nhớ lúc bé đi nhà trẻ, bà dì vẫy tay nói theo cô ‘tạm biệt, tạm biệt’. Mà nay, đổi lại là cô dõi theo bóng bà dần đi xa.

Mặc Thâm nghĩ, đây có lẽ là lần cuối cùng cô và bà gặp nhau. Có lẽ anh nên nói cho cô biết sự thật. Anh mấp máy môi mà không thể nói thành lời, câu dặn dò của bà đè nặng trong lồng ngực: Con bé thật ra rất yếu đuối, năm con bé mười ba tuổi, tận mắt chứng kiến ông ngoại qua đời… Rốt cuộc thời thơ ấu cô đã phải trải qua chuyện gì? Anh miệt mài đuổi theo dòng suy tư, để nỗi đau mà cô hằng chịu đựng truyền sang tim mình. Sau đó, anh xúc động đưa tay xoa gương mặt cô.

Cô hoang mang, nói ra nỗi buồn phiền đang che giấu: “Mặc Thâm, bà bị bệnh phải không?”

Bà không còn sống được bao lâu, nhưng bà đã dặn anh phải luôn ở bên trông nom cô thật tốt. Anh nắm chặt tay cô: “Đi với tôi đến chỗ này.”

“Đi đâu cơ?”

“Nhà thờ.”

Anh là người theo đạo Thiên Chúa? Trong lòng Hứa Tri Mẫn nghi ngờ chồng chất.

Gần đó có một nhà thờ to lớn bề thế xây dựng vào thời nhà Thanh, được trùng tu vài lần sau thời kỳ giải phóng. Hứa Tri Mẫn nhìn hai đỉnh tháp nhọn cao vút, hướng thẳng lên bầu trời, tia nắng xuyên qua những tầng mây trùng trùng điệp điệp rọi xuống khung cửa sổ thủy tinh sặc sỡ tạo thành luồng ánh sáng rạng ngời. Cảnh sắc đó kết hợp cùng tiếng nhạc ngân nga, êm dịu, khiến con người như lạc trong cõi thiên thai bình yên.

Trong giáo đường, rải rác vài con chiên ngồi đơn lẻ, thành kính cúi đầu cầu nguyện. Anh dắt cô đến hàng ghế gần thập tự giá nhất rồi ngồi xuống.

Cô ngồi bên cạnh đợi anh. Nhưng anh không cầu nguyện mà nhìn cô mỉm cười, sau đó ngả đầu tựa lên đầu gối cô, thoải mái nhắm mắt lại.

Hứa Tri Mẫn sững sờ tròn mắt, xấu hổ quát khẽ: “Anh làm gì thế? Mau đứng lên đi, nơi này là giáo đường đấy.”

Anh hơi nghiêng người để nằm thoải mái hơn trong lòng cô, hệt như một anh chàng vô lại trong hình hài một con mèo rúc vào cô để kiếm tìm hơi ấm.

Vài ông bà cụ hiền lành hiểu chuyện đi ngang qua họ, ý nhị lảng tránh. Một cụ trong số đó còn vừa cười vừa giục bạn: “Đi mau lên, mau lên. Chà, thanh niên bây giờ…”

Mặt Hứa Tri Mẫn đỏ bừng vì thẹn, mà cũng vì giận. Cô nổi cáu giơ nắm tay đấm một đấm vào vai anh. Anh phản xạ nhanh hơn, bắt được tay cô, đặt bên môi rồi nhẹ nhàng hôn lên: “Tôi không tin thần, nhưng vì một ít người, tôi nguyện lòng cầu khẩn thần linh.”

Câu nói này khiến cô nhấc tay kia lên, khẽ khàng chạm vào mái tóc đen như nhung của anh. Cô vén lớp tóc mái trước trán, hai hàng chân mày của anh vẫn đậm như trong ký ức. Cơn giận trong cô bỗng chốc tiêu tan. Cô đã quen nhìn thấy anh cao ngạo thế nên bộ dạng u sầu lo lắng, cố kìm chế rất không giống anh. Trái tim chợt nảy nở một thứ tình cảm nào đó rất tự nhiên, cô vuốt ve chân mày anh, ngón tay vẽ theo đường nét khuôn mặt anh. Trong bản giao hưởng của thiên nhiên, thời gian trôi quanh họ dường như đã chẳng còn ý nghĩa.

“Gần đến ngày mười lăm tháng tám* rồi, em đến nhà tôi dùng cơm nhé.” Anh nhỏ giọng mở lời mời.

(*) Tết Đoàn viên.

Tay cô dừng lại, chính vì ý nghĩ bà chắc hẳn sẽ đoàn tụ với cả nhà họ Kỷ nên cô đã trả lời: “Vâng.”

break
Chỉ Mê Đội Trưởng Đội Bóng Rổ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Nữ Cường
Cô Giáo Đừng Chạy
Ngôn tình Sắc, Sủng, Nữ Cường
(Cao H) Không Xuống Được Giường
Ngôn tình Sắc, Sủng
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc