Hủ Mộc Sung Đống Lương

Chương 549: BỮA TIỆC BẤT NGỜ

Trước Sau

break
Andy đã tắt đèn. Nó đứng bên cửa sổ phòng mình, nhìn ra ngoài.

Vầng trăng ló ra khỏi những đám mây. Nhiệt kế bên ngoài cửa sổ chỉ - 4o C. Con dao găm của Andy nằm trên bậu cửa sổ trước mặt nó.

Con dao sắc lẻm, lưỡi sáng quắc. Andy đưa ngón tay cái gại thử. Đoạn nó cắm dao vào bao da.

Bố dượng của Caroline và bố dượng mình, nó nghĩ, cả hai đều xấu xa. Nhưng Caroline sắp thoát được lão, khi xử xong vụ li dị. Còn mình thì trái lại… Ôi, mẹ tội nghiệp! Mình thương cho mẹ. Chỉ nhầm lẫn một lần mà mãi mãi nặng nợ với lão ấy.

Andy ném con dao xuống giường, biết rằng mình sẽ còn cần đến nó sau này. Con dao nằm trong kế hoạch của nó.

- Aaandreas!

Cái giọng bò rống vang khắp nhà.

Lập tức tim cậu bé đập lồng lên tận cổ.

- Aaandreas!

Nó đã định sẽ đếm ít nhất đến 30 rồi mới thưa nhưng giờ đây nó mất hết nhuệ khí. Giá như ít nhất mẹ đang có nhà! Bà còn ở Berlin, mai mới về.

- Dạ. Gì thế ạ?

Nó mở cửa, nhìn xuống thang gác. Bố dượng nó đứng dưới sảnh, sát cửa nhà.

Ludwig Bernholt là một gã đàn ông 52 tuổi có bộ mặt đỏ tía và cái gáy bò mộng, thân hình hộ pháp trông dễ sợ.

Khi mẹ của Andy cưới lão, lão gày hơn bây giờ suýt soát 30 kí và tài giấu những tính xấu của mình.

- Xuống đây! - Bernholt gầm lên.

Andy ngoan ngoãn tuân lệnh. Khi nó đứng trước ông bố dượng, cặp mắt lão lóe lên sau lần kính:

- Này thằng nhóc, trong bàn giấy của tao thiếu năm trăm mark!

Andy sửng sốt nhìn lão:

- Hẳn bố không nghĩ là con lấy của bố.

- Tao mất năm trăm mark để trong bàn giấy!

- Con hiểu rồi ạ. Nhưng…

- Thằng chó chết! – Bernhotl gầm lên - Ngoài mày ra không còn ai vào đây mà lấy được. Không ai hết! Nhưng tao nói cho mày biết: tao mà tóm quả tang mày, mày sẽ bị tống vào trại cải tạo. Cái loại như mày thì chỉ đáng… Giá như đừng có mày trên đời này!

Andy khinh bỉ nhìn lão:

- Tôi biết nếu được như vậy ông sung sướng lắm. Thì tôi cũng chẳng ưa gì ông. Loại như ông thì chỉ có thể khinh bỉ được mà thôi. Ông tưởng tôi không biết cái công ti của ông làm trò gì sao? Ông nhập khẩu lông thú. Lông những con thú bị sát hại ở châu Á, châu Phi, Nam Bắc Mĩ, và cả ở Canada, để sản xuất đồ lông. Tất cả hoàn toàn hợp pháp. Phải, phải! Nhưng lẫn trong đó là cả lông những con thú được bảo vệ, bị săn bắn trộm. Vì thế mới lắm lợi nhuận. Tởm…

Nó không nói tiếp được nữa. Cái tát của Bernholt khiến nó suýt bay mất đầu. Andy văng người vào lan can cầu thang.

- Cút lên phòng mày! – Bernholt gầm lên - Ít nhất giờ đây tao cũng đã biết mày nghĩ gì trong cái đầu ngu độn của mày. Mày sẽ còn biết tay tao!

Cậu bé Andy lê gót lên cầu thang.

Thế là hết! Nó nghĩ. Hết! Đủ rồi. Mình không chịu đựng thêm được nữa. Bát nước đã tràn.

*

- Năm mark. – Tròn Vo nói – Tụi mình sẽ làm gì với nó?

- Để dành cho bữa sáng mai.

- Lạy Chúa, thế bữa ăn tối nay sẽ ra sao?

- Không có.

- Tarzan, mày không thể làm thế được!

- Thì còn biết làm gì được nữa? Ít tuổi như tụi mình, ai cho bước vào quán rượu. Hơn nữa, có năm mark thì mày mua được gì ở đấy? Quanh đây không có các quầy bán đồ ăn nhẹ. Còn những cửa hiệu mà tụi mình có thể vào mua một ổ bánh mì thì đều đã đóng cửa.

- Ôi, lạy Chúa! Làm sao tao chịu đựng nổi… Này đại ca! Tao nhớ rồi, tụi mình có thể bới những thùng giấy lộn. Có những kẻ no đủ vất đi cả nửa ổ bánh mì bơ. Hoặc một miếng gà quay. Hoặc…

- Willi! – Tarzan nắm tay thằng mập - Mày không định thật sự hạ mình đến thế chứ? Mày không phải một kẻ lang thang. Mày chỉ đóng vai đó mà thôi.

- Hãy thử giải thích cho cái dạ dày của tao nó chịu hiểu xem.

- Suỵt!

Lúc này hai quái đã xuống đến chân cầu thang. Chúng lại phải căng mắt ra cho quen với bóng tối dưới bờ sông. Không thấy cặp bài trùng lang thang nọ, lẫn Trọc Đầu đâu. Nhưng mấy cái thùng dưới gầm cầu, nơi bà Paula ngủ, va nhau lộc cộc.

- Các cậu quay lại rồi hử? - Giọng bà vang ra từ bóng tối.

- Nãy giờ vẫn ở đây đấy ạ. – Tarzan cười. Hắn bước thêm mấy bước về phía cầu.

- Các cậu đã tìm được chỗ ngủ chưa? - Bà Paula vừa hỏi vừa tiến lại gần. Bà ta cao gần bằng Tarzan.

- Ở căn lán đằng kia ạ. Chúng tôi đã phải bảo vệ nó trước Friedhelm và Achim đấy. – Tarzan cười – Friedhelm chắc còn lâu mới thẳng người lên được.

Bà Paula huýt gió:

- Cậu hạ được gã? Xin bái phục! Người ta kiềng mặt Friedhelm Krose vì gã khỏe, lại nham hiểm. Achim Taschke thì nhanh nhẹn và thâm độc. Tôi không thể ngủ được trong căn lán, hễ ngủ trong ấy là bị ác mộng. Gần đây nhất tôi mơ thấy mình chỉ thắng vật có mười lăm trận, còn lại thua tất. Kinh khủng! Thôi, tôi lại đi nằm đây.

Bà ta quay gót, đi được hai bước bỗng sững lại:

- Quên, tôi định dặn các cậu: hãy cẩn trọng!

- Lúc nào cũng vậy, thưa bà. – Tarzan nói - Nhưng tại sao ạ?

- Gần đây không được yên ổn lắm.

- Có ma chăng?

- Tôi không biết. Chẳng là bỗng nhiên có những kẻ trong chúng ta biến mất.

- Thế ạ. - Tarzan nói, và nhớ những lời Gaby đã kể.

- Nhất là đám thiếu niên, sau một đêm bỗng như bị mặt đất nuốt chửng! – Bà Paula giải thích – Tôi vẫn nhớ Franz - Otto Kehrtsamma. Cậu ấy mới mười bốn tuổi. Kehrtzsamma xuất hiện cách đây hai tháng. Tôi đã lưu ý tí chút để bọn khác không bắt nạt cậu ấy. Cậu ấy nói định ở lại đây ít nhất đến mùa hè. Một tối nọ, cậu ấy và tôi còn hẹn nhau hôm sau đi xin ở nhà của các linh mục, để sắm quần áo mới cho cậu ấy. Thế nhưng thằng bé không đến. Tôi tìm mãi không thấy. Franz - Otto Kehrtzsamma từ đó không bao giờ xuất hiện nữa. Mà ít nhất bốn tuần, không, năm tuần đã trôi qua.

- Bà cho rằng đã có chuyện chẳng lành xảy đến với cậu ấy ạ?

- Cậu ấy không đời nào bỏ đây mà đi. Franz - Otto quyến luyến tôi lắm.

- Ngoài bà ra, cũng không ai từng thấy cậu ấy ư?

- Thêo Weber, tức Trọc Đầu, kể rằng gã có thấy Franz - Otto đi vào căn lán mà hiện nay các cậu đã vào ở. Khi đó đêm còn ấm áp, chẳng ai có nhu cầu vào đấy ngủ cả. Thêo bảo: quá nửa đêm gã nghe một tiếng kêu ở trong, hoặc ở cạnh căn lán, nhưng Thêo không để ý.

- Thế ngoài Franz - Otto, còn có những người khác biệt tăm nữa không?

- Còn hai người nữa. Dạo cuối hè. Nhưng tôi không biết rõ chúng như Otto. Sau này tôi mới chợt để ý chúng biến mất chỉ sau một đêm. Tôi không nhớ tên chúng nữa.

- Cảm ơn bà đã nhắc nhở. – Tarzan nói - Chúng tôi sẽ cẩn thận. Trước khi rời đây, chúng tôi sẽ báo để bà biết.

Bà Paula đi ra sau những cái thùng. Tarzan và Tròn Vo nhằm hướng căn lán.

- Đại ca ơi, tình hình mỗi lúc thêm gay. Cứ theo bà Paula thì hình như trong lán của tụi mình từng có chuyện. Không khéo cả giết người. Hung thủ đã quăng xác Franz - Otto xuống sông cũng nên.

Tarzan lắc đầu:

- Nếu thế xác phải dạt vào đâu đó chứ.

- Thì sao? Có thể dạt vào rồi. Chắc chắn bà Paula không đọc báo hàng ngày. Mà tụi mình thì đâu có để ý đến những mẩu tin loại ấy. Mày chỉ khoái những sự kiện lịch sử trọng đại. Tao chỉ ưa chuyện hài hước. Dễ dàng bỏ qua cái xác của Franz - Otto lắm chứ.

- Mày có lí, mập ạ. Tụi mình sẽ hỏi chú Glockner chuyện này.

Chúng về tới căn lán. Trong lán không người.

So với cái lạnh bên ngoài thì ở trong này ấm áp chán, Tarzan tự nhủ.

Nhị quái ngồi xuống tậm đệm bìa, nghe tiếng nước sông cuộn chảy và gió hú bốn góc lều. Lát sau, Tròn Vo ngả người xuống, và ngủ thiếp đi.

*

Oswald Muller đứng trong sảnh nhà, nhìn đồng hồ. Đã đến lúc gọi điện thoại.

Gã chẳng hứng thú gì, nhưng phải nghĩ đến tương lai. Gã cần tối thiểu nửa triệu mark. Petra Dalmig có một cậu em giàu sụ thật, nhưng Oswald không muốn lúc nào cũng trắng tay. Có nửa triệu mark trong tay vẫn vững tâm hơn. Khi ấy gã có thể chiều chuộng Petra, và nếu cần, có thể tính chuyện làm ăn để tồn tại lâu dài. Gã nghĩ đến việc mở một quán rượu, một quầy điểm tâm Nhật Bản, hay một ki-ốt tạp chí, hoặc văn phòng môi giới kết bạn. Gì thì gì, cứ phải có tiền làm vốn đã.

Oswald nhấc điện thoại, bấm số.

- Friedrich - Etzel Farber đây. – Cái giọng khàn khàn của ông lão bố chồng cũ của vợ gã cất lên.

- Ông ơi! - Oswald bắt đầu thở hổn hển như thể sắp mất vía vì sợ hãi - Ông ơi, nó… nó… Con không hiểu. Tại sao lại đúng… - Gã thở hắt ra – đúng vào Caroline nhà ta… Caroline yêu quý của nhà ta…

- Có chuyện gì vậy? – Ông lão gắt.

- Bị bắt cóc. Cướp đi rồi. Nó vừa gọi điện đến, tên tội phạm ấy!

- Sao? - Cụ Etzel gầm lên.

- Con… dạ… ban nãy vắng nhà một lát. Con phải đến đồn cảnh sát. Khi trở về, con nhận thấy Caroline không hề có nhà. Suốt tối con không gặp cháu. Kể từ trưa con chưa thấy cháu. Vâng, thì con có nghĩ ngợi gì đâu. Nhưng rồi chuông điện thoại réo.

- Rồi sao?

- Một gã đàn ông. Gã cố tình nói lạc giọng đi. Rất khàn. Khàn gần như ông vậy.

- Gã nói gì?

- Gã… không, gã xưng “chúng tao”. Chúng đã bắt Caroline đi. Chúng bắt con bé trong vườn và đem đến một nơi an toàn.

- Sao nữa? Nói đi chứ!

- Nếu chúng ta muốn chuộc lại con bé, chúng ta phải chi ra 500.000 mark. Con bèn bảo con không có nhiều tiền như thế. Nhưng tên đó biết rõ về nhà ta. Gã nói rằng cái lão khọm giàu sụ - xin lỗi ông, nhưng gã ăn nói như vậy đấy ạ - chỉ cần gọi điện cho tay chủ nhà băng, chỗ bạn bè với lão ấy, là xong. Nhoáng cái sẽ có tiền ngay.

- Tất nhiên tôi có thể xoay được tiền. – Cụ Etzel thở khó nhọc - Rất nhanh thôi. - Cụ khẽ rên. Rõ ràng cụ phải cố để trái tim chịu đựng nổi nỗi khủng khiếp này.

- Chúng ta không được báo cảnh sát trong bất kì trường hợp nào, gã bảo thế. Nếu ho he, Caroline sẽ phải trả giá. Con đã hứa với gã, ông ạ. Chúng ta sẽ giữ lời chứ ông?

- Đương nhiên! Không báo cảnh sát! Đợi tới lúc cháu gái yêu của ta đã trở về nguyên vẹn, chúng ta sẽ truy đuổi bọn bắt cóc.

- Gã đòi ông mang tiền chuộc đến.

- Tôi ấy à?

- Vâng. Gã bảo: “Lão khọm già giàu sụ phải mang xèng đến cho chúng tao”. Cụ thể là 23 giờ 30 đêm nay. Phía bắc Cầu Vồng. Chừng bốn trăm mét phía bắc cầu này có một chiếc ghế dài bên bờ sông, ngang với ngõ Vuideibel. Ở đó có lối bậc thang đi từ phố Weland xuống bờ sông. Dưới đó có đường đi. Ông mang túi tiền xuống để đằng sau chiếc ghế, rồi biến.

- Lúc 23 giờ 30, quãng ngang ngõ Vuideibel hả?

- Đúng ạ.

- Tôi gọi điện cho chủ nhà băng của tôi ngay. Ông tiến sĩ Mammonius phải lo đủ tiền ấy cho tôi. Nhưng bọn bắt cóc có cho chúng ta nhiều thời gian đâu.

- Có lẽ chúng cho rằng mọi chuyện càng diễn ra chóng vánh, càng đỡ nguy hiểm cho Caroline. Con có thể tin tưởng nơi ông chứ ạ?

- Thế anh tưởng sao hả? - Cụ Etzel gầm lên - Tôi ước gì cũng có thể tin tưởng nơi anh như thế. Barbara đã về chưa?

- Tàu của nhà con mãi gần mười một giờ đêm mới về tới nơi. Đương nhiên con sẽ đi đón cô ấy.

Ông già gác máy, không nói thêm lời nào.

Oswald nhe răng cười.

Ổn rồi. Thật ra ban đầu gã có kế hoạch khác kia, vì gã vẫn toan hành động một mình. Nhưng bây giờ có Petra đồng lõa, tất cả đơn giản hẳn đi. Cô nàng sẽ nhận tiền, sau đó chở Caroline còn mê man khỏi nơi giấu, và quẳng con bé trên một cái ghế trong công viên. Giá mình biết trước Petra sành điệu đến thế trong lối làm tiền kiểu này, thì lẽ ra phải xong từ lâu. Nhưng để bây giờ hành động cũng trôi chảy chán!

*

Tarzan vẫn còn thức khi những tiếng cười nói của ít nhất cả tá đàn ông đàn bà không hiểu từ đâu cứ gần lại căn lán. Tròn Vo ngáy đều. Cu cậu nằm cuộn tròn như một con nhím khổng lồ bên cạnh Tarzan.

May mà Kloesen không bị thức giấc, Tarzan nghĩ. Có lẽ mình phải đi ra yêu cầu họ khẽ giùm một chút. Xét cho cùng, những kẻ lang thang cũng cần yên tĩnh. Lúc này Tarzan tỉnh như sáo. Mà sao họ nói to thế.

- Đây rồi! Căn lán đây rồi! - Tarzan nghe một giọng đàn ông oang oang.

- Lãng mạn hết ý! – Một phụ nữ cười chói tai.

- Gần xinh đẹp bằng nhà nghỉ cuối tuần của chúng tôi ở St. Moritz. – Một ông chắc là béo lắm pha trò.

- Hi vọng chúng vẫn ở trong đó!

Quái, giọng này mình nghe quen - Tarzan nghĩ - Giọng như của Katharina von Hippe.

- Ai vào xem đây? – Một bà hỏi the thé.

- Olaf, anh ấy! – Đúng Katharina rồi.

- Chúng tôi hoàn toàn không biết có phải cái cậu đội mũ tướng cướp ấy muốn nói căn lán này hay không. – Olaf Praht, ông chủ cả chuỗi tiệm uốn tóc, nói.

Trời đất! Họ muốn gì ở tụi mình rồi, Tarzan nghĩ. Chắc đòi lại đồng năm mark! Ai đó gõ mạnh vào cánh cửa.

Tròn Vo nhổm phắt dậy:

- Tarzan, kẻ… kẻ thù của tụi mình! Friedhelm và Achim. Chúng tấn công! Tao đã biết mà.

- Yên tâm đi! Không phải chúng.

Tarzan đứng lên. Lại tiếng gõ cửa.

- Tarzan! Willi! – Katharina gọi – Các em có ở đây không thế?

- Tao cóc hiểu gì cả. – Tròn Vo thì thầm.

Tarzan mở cửa:

- Vâng, có chuyện gì ạ?

Họ đứng hình vòng cung trước mặt hắn: bốn bà - kể cả Katharina - trong những chiếc áo choàng lông dài lượn sóng, cổ dựng lên kín tai. Cả Katharina cũng đã thay chiếc áo khoác lông ngắn bằng một chiếc áo choàng cùng thứ lông ấy. Bốn người đàn ông choàng măng-tô ngoài những bộ smoking sang trọng, trong số đó có Olaf Praht.

- Đây là Tarzan. – Katharina nói và bước đến cạnh hắn, tưởng như đối với chị ta, hắn cũng đáng yêu và có giá như con cún Ben – Và Willi cũng ở đây, phải không em?

Năm, sáu giây yên lặng. Hai thiếu niên lang thang bị nhìn ngắm bấy nhiêu thời gian.

- Các em không giận vì chúng tôi đã đánh thức các em chứ? – Katharina hỏi.

- Ồ không! – Tarzan nắn lại vành mũ - Chúng tôi biết ơn về mỗi sự thay đổi không khí.

- Đặc biệt nếu sự thay đổi đó lại bổ dưỡng. – Tròn Vo thêm.

Những người đàn bà cử động chân dưới lớp vải dạ tiệc. Cả các ông cũng lạnh cóng, giậm chân tại chỗ cho ấm lên.

- Như các em biết, - Katharina mỉm cười lúng túng - chúng tôi đi dự tiệc… Tôi đã kể về các em ở đó, rằng các em đã quên mình lo cho con Ben ra sao, và từ chối nhiều tiền thưởng. Ngoài ra, tôi có ấn tượng tuy các em không được chăm sóc, nhưng về trí tuệ không thua kém ai. Tôi tin nếu muốn chắc chắn các em sẽ học được và đủ khả năng để hòa nhập vào cuộc sống nền nếp. Nhưng không ai chịu tin tôi. Mọi người đều nghĩ đã lang thang thì là loại bỏ đi, chẳng hi vọng gì nữa. Vì vậy tôi đã đánh cuộc rằng các em… rằng tôi có thể chứng minh các em không như họ nghĩ. Bây giờ các em không được bỏ rơi tôi.

Mình nghe nhầm chắc! Tarzan không tin nổi.

Tròn Vo nén cười đến rung cả người. Nó huých Tarzan:

- Lại một vụ đánh cuộc, Tarzan ơi!

- Chúng tôi có thể rủ các em theo chứ? – Katharina thì thầm.

- Đi đâu ạ? – Tarzan hỏi.

- Đến nhà Wendelin Wiegand, chủ tiệc đêm nay. Những người khác đang ở đó. Nếu tôi chứng minh được các em không hoàn toàn ngu ngốc, tôi sẽ thắng cuộc.

- Thắng gì ạ? – Kloesen hỏi - Thắng năm trăm mark và một xe đạp leo núi chăng?

- Không. - Người đàn bà cười - Tôi đã cuộc với Fritz Blobb, chủ văn phòng du lịch Blobb. Nếu tôi thắng, tôi sẽ được văn phòng đài thọ chuyến du lịch hai tuần đến Karibik. Tất nhiên tôi có thể tự thanh toán. Nhưng tôi muốn thắng cuộc.

Mình điên mất! Tarzan ngạc nhiên. Bà ta định biểu diễn tụi mình như mấy con thú hiếm! Thì xá gì chứ!

- Với một điều kiện, - Tròn Vo tuyên bố - khi chúng tôi đến, các món ăn vẫn chưa bị dọn đi

- Cậu may đấy. – Một ông cười - Ở nhà Wendy, món ăn liên tục được tiếp tế. Đến hai giờ sáng.

- Thôi được. – Tarzan nói - Nhưng bà đừng quá hi vọng ở tụi tôi, thưa bà Hippe. Willi chỉ học đến lớp ba, và - như đã nói – cậu ấy không biết đọc biết viết. Còn tôi thì từ lúc còn ở nhà trẻ của trại mồ côi, người ta đã nhận thấy xu hướng chán đời. Tôi cắn tất cả mọi người, cả các cô giữ trẻ. Dạo đó tôi có biệt danh “Chó điên”!

- Còn bây giờ? – Một ông hỏi.

- “Chó dại”.

- Thì cũng là một.

- Chứ sao. Tôi vẫn thích cắn. Tuy nhiên, vào những đêm lạnh như đêm nay, tôi nhịn cắn, bởi lẽ sẽ đau răng.

Tất cả trố mắt nhìn hắn. Không ai biết nên nghĩ ra sao. Tarzan nói thành thực, hay đang lỡm mọi người?

Một bà tóc vàng nhận xét:

- Dù sao… cậu ta nói năng khá văn vẻ.

- Tôi đọc được. – Tarzan kiêu hãnh gật đầu - Tôi đói hiểu biết ghê gớm. Không tờ báo vất đi nào mà tôi không nghiến ngấu.

Katharina reo lên:

- Chưa gì tôi đã thấy mình được đài thọ đi Karibik. Nào! Chúng ta đi! Xe đậu ở trên phố kia.

Thế là vẫn có bữa tối như thường. Tarzan cười dưới vành mũ. Mà lại chén ngon lành giữa đám giàu sang.

*

Những chiếc xe hơi đỗ lại trên sân trước một tòa biệt thự. Trong và quanh biệt thự đèn đuốc sáng trưng. Trên sân rộng mênh mông có khoảng 25 chiếc xe sang trọng.

- Các em đừng sợ. - Katharina an ủi “thí sinh” của mình - Họ toàn là những người tốt cả.

- Để rồi xem. – Tarzan nói - Chúng tôi có những quy định rất khe khắt. Và bà chớ đòi hỏi chúng tôi rửa tay hay chùi giày. Chúng tôi sẽ vẫn là chúng tôi bằng mọi giá.

Olaf thở dài. Katharina cười, nhưng tiếng cười có phần bối rối.

Phòng tiệc rộng mênh mông, tường treo kín tranh nghệ thuật. Chùm đèn như chùm pháo hoa. Lò sưởi rừng rực dài đến bốn mét. Tiếng nhạc du dương. Khoảng 70, 80 khách ngừng trò chuyện, mắt đổ dồn về hai chú bé lang thang.

Nếu kẻ nào tưởng mình sẽ bỏ mũ xuống, thì cứ gọi là tha hồ mà chưng hửng, Tarzan nghĩ.

- Đây là hai người bạn trẻ của tôi, – Katharina tuyên bố - Tarzan và Willi. Họ gánh chịu số phận nặng nề của mình với sự bình thản đáng kinh ngạc. Thậm chí còn vui vẻ. Còn tôi, như tôi đã cam đoan với tất cả các vị, tôi sửng sốt về phong thái đầy tính cách của hai em. Tarzan và Willi có thể làm nên trong đời mình. Họ có tư chất, trí tuệ và sự linh hoạt.

Tarzan ngó quanh. Liệu có ai tình cờ hắn quen biết ở đây? Không!

Tròn Vo cũng cùng một lo ngại, lướt nhìn các gương mặt. Rồi cả nó cũng yên tâm.

- Thế, bây giờ để tôi giới thiệu với các em ông Blobb đã. – Katharina nói.

Ông chủ văn phòng du lịch to béo, mặt phì phị, có răng vàng. Ông ngậm điếu xì-gà như đứa bé ngậm vú cao su. Dường như Blobb toan đưa tay cho hai đứa bắt, nhưng lại kìm lại.

- Bà Katharina von Hippe có ấn tượng rất mạnh về các cậu.

- Bà ấy cũng vừa diễn tả xong, - Tarzan gật đầu - chúng tôi có lắng nghe cả.

- Cậu bao nhiêu tuổi?

- Tôi sắp mười bảy.

- Thật ư? Trông như đã hai mươi.

- Tôi biết. Những năm tháng của kẻ lang thang phải tính gấp đôi. Willi cũng bằng tuổi tôi. Chúng tôi không biết mình được sinh ra ở đâu. Toàn bộ quá khứ nằm trong bóng tối. Thế càng hay. Chẳng ai phải xấu hổ vì chúng tôi. Mà nếu xấu hổ cũng nực cười lắm thay. Vì chúng tôi tự hào vì cuộc sống của mình. Chúng tôi tự do như những con bọ táo. Ông không biết giống bọ này à? Tên La-tinh của nó là Psyllamali. Nó chỉ nhỏ xíu, nhưng có mặt trên khắp thế gian. Chúng tôi cũng cảm thấy như nó: ở đâu cũng là nhà, khắp thế giới.

Ông Blobb há hốc mồm, trố mắt nhìn Tarzan.

Một số vị khách khẽ cười ý tứ.

- Cậu có vẻ đọc nhiều. – Blobb nói - Hừm. Cậu cũng có thừa thời gian mà, hả? Nhưng làm sao một người như cậu kiếm được những cuốn sách? Hẳn phải đọc bất cứ cái gì rơi vào tay thôi. Như vậy không thể có một sự giáo dục quy củ.

- Tôi đọc có hệ thống. – Tarzan đáp - Hiện tôi đang chuyên chú đọc triết học.

- Vô lí! – Một ông tóc bạch kim đứng gần đó thốt lên. Ông ta cầm một li sâm-panh, như muốn buông rơi nó – Tôi đã nghiên cứu triết học. Cậu có sẵn sàng để tôi kiểm tra sơ qua kiến thức của cậu không?

- Xin cứ việc, thưa giáo sư. – Tarzan cười - Cứ một câu tôi không trả lời được, Willi phải ăn một chiếc bánh mì kẹp thịt. Ông đồng ý chứ?

Quãng phân nửa số khách cười hưởng ứng. Mọi người đều xúm đến để tận hưởng màn trình diễn.

- Tôi sẽ nêu cho cậu tên những nhà triết học, Tarzan ạ. – Ông tóc bạch kim nói - Và cậu sẽ chỉ nói một câu thôi những gì cậu biết về người đó.

- Đồng ý.

Trước khi ông tóc bạch kim kịp bắt đầu, ở dãy cuối xôn xao.

- À, chủ tiệc về đây rồi. – Katharina nói - Xin khoan một lát, thưa tiến sĩ Nachtenger. Để tôi giới thiệu Tarzan và Willi đã.

Wendelin Wiegand đi cùng một thiếu phụ trẻ. Cô ta xinh đẹp, có mái tóc đen cắt ngắn, cặp mắt sáng rực. Dẫu vậy, Tarzan thấy ác cảm kì lạ. Trông cô ả như loài rắn, hắn nghĩ. Cái cách đi uốn éo, cách nhìn đong đưa! Nụ cười giả tạo!

Wendelin rất cao lớn, phốp pháp. Béo thì chưa, nhưng cái gì cũng tròn trĩnh. Cái cổ không cơ bắp, như quả bầu. Đầu thì tròn thung lủng, cặp tai bé tí ép vào da đầu. Mũi cà chua. Đôi mắt lạnh lùng, rất nhạt màu, chĩa vào Tarzan và Tròn Vo. Thủ lĩnh của Tứ quái hình dung một đao phủ đúng như thế, dù là để xử chém hay treo cổ.

- Tôi hoan nghênh các cậu như những vị khách của tôi. – Wendelin nói - Có đúng các cậu hoàn toàn cô độc trên thế gian này?

- Đúng thế, nhưng chẳng hề gì. – Tarzan đáp.

- Đầu cậu trọc dưới cái mũ chăng?

- Ông muốn biết tại sao tôi không bỏ mũ ra? Đó là một thói quen mà tôi không làm khác đi. Từ hai năm rưỡi nay tôi đã đội nó. Chỉ khi nào Willi xén tóc cho tôi, tôi mới bỏ nó xuống. Tôi không trọc.

Cặp lông mày vàng hoe của Wiegand nhướn lên.

Ả thiếu phụ bước lên và chìa tay - đúng thế! - cho Tarzan và Tròn Vo:

- Tôi là Petra Dalmig, chị của Wendelin. Họ khai sinh là Wiegand. Sau khi li dị mang họ Dalmig. Các bạn có thể gọi tôi là Petra không thôi.

Tuy vậy tôi vẫn không chịu được chị, Tarzan nghĩ.

Tròn Vo bảo:

- Tôi thấy nóng quá! Trong cái chuồng này bức kinh lên được. Mà lại đông người. Lần cuối cùng tôi thấy đông thế này là cái bận có con cá voi trắng bị lạc vào dòng sông Rein. Mày nhớ không, Tarzan? Đã thế cái lò đằng kia lại để mở. Sao nó chẳng có nắp? Sao lại không thể đóng nó lại? - Thằng mập bỏ mũ phi công ra - Óc tôi cần không khí thoáng.

- Cái lò ấy là lò sưởi đấy, Willi. - Katharina vội giải thích, trong khi những người đứng quanh đều cười.

- Hết sức bất tiện! – Tròn Vo nhận xét.

- Chúng ta có thể bắt đầu được rồi, thưa ông tiến sĩ Nachtenger. – Tarzan bảo ông tóc bạch kim.

- Vậy mỗi cái tên một câu nhé! Friedrich Nietzche.

- Ông này khinh thường lòng thương hại, và muốn con người hoàn hảo.

- Tuyệt vời, Tarzan! Karl Marz.

- Đối với Karl Marz lịch sử là một cuộc đấu tranh giai cấp bất tận giữa những con người.

- Tôi ngạc nhiên đấy. Gottfried Wilhelm Leibniz.

- Nhà triết học đưa ra một logic, mà giả sử không có nó kĩ thuật máy tính hiện nay của chúng ta không thể có được.

- Điểm tuyệt đối. Ờ… Karl Jaspers.

- Ông này chuyên nghiên cứu những hoàn cảnh cùng quẫn của con người, như tranh đấu, tội lỗi, cái chết.

- Cậu có đúng chỉ mới trên mười sáu tuổi như cậu nói không đấy?

- Điều đó tôi biết khá rõ, vì cách đây mười sáu năm bảy tháng người ta bắt được đứa trẻ vài ngày tuổi bị bỏ trước cửa trại mồ côi là tôi đây. Còn nhà triết học nào ông muốn hỏi nữa không ạ?

- Còn. Ờ… Martin Heidegger.

- Ông này nghiên cứu bản chất nội tại của thời gian. Nhưng thành thực mà nói, tôi chưa thật hiểu học thuyết này. Tôi còn phải đọc lại nó.

- Dẫu sao câu trả lời của cậu vẫn đúng. – Ông Nachtenger nhìn các vị khách xung quanh – Cậu bé này là một hiện tượng!

Bảy, tám chục cái li được đặt xuống bàn, để ngần ấy đôi tay có thể vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.

Tarzan nghiêng mình cười tươi, và suýt nữa đã ngả mũ xuống.
break
Thiếu Niên Có Đôi Mắt Kỳ Lạ Và Thứ Nữ Hầu Phủ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Cổ Đại
Trúc Mã Bá Đạo Cưới Trước Yêu Sau
Ngôn tình Sắc, Sủng, Đô Thị
(Cao H) Dạy Dỗ Phu Quân
cao H, kết 1v1, ngôn tình
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc