Thêo Weber nhìn ông già hai lần. Thoạt đầu gã ghen tị với ông. Sau đó gã lại chẳng muốn đổi vào địa vị của ông tí nào.
Rõ ràng lão già ốm yếu tợn. Vừa đi men hàng rào, Weber vừa liếc mắt nhìn.
Hẳn lão già là chủ cơ ngơi này. Lão già khụ, nhưng giàu. Gớm, trông con bé cháu chăm lo lão đến là cảm động. Ngứa cả mắt! Còn những thằng cháu khác của lão nữa. Hai thằng: một béo lùn, một cao lớn, đang ngó ra đây. Thằng béo toét mồm ra cười.
- Làm gì mà cứ trố mắt lên hả! – Weber kêu lên giữa gió lạnh – Chưa trông thấy nam người mẫu bao giờ hay sao?
Không ai đáp lại.
Weber tiếp tục bước, rồi quên luôn cả đám ông cháu ấy.
Chắc chắn chẳng ai thèm nhận gã lang thang Weber vào làm người mẫu. Gã mà đi đất kiễng chân hết cỡ cũng chỉ cao được có 1m59. Mà người tại to bè bè. Thành thử trông như hình vuông, với hai ống chân ngắn ngủn. Cách đây nhiều năm, Weber vớ được một con gà quay trong thùng rác, mà không hề biết người ta dùng nó để đánh bả lũ chuột. Gã suýt chết vì ngộ độc. Sau cú giáp mặt với Tử thần đó, tóc gã rụng nhẵn không còn một sợi.
Thêo Weber 48 tuổi, từng có những năm tháng tốt đẹp hơn thế này. Trước kia, gã làm chân kiểm tra chất lượng sản phẩm trong một nhà máy sản xuất áo khoác. Lần nọ, gã bạt tai một cô thợ vì thói may ẩu. Thế là tay trưởng phòng nhân sự ngu ngốc tống gã ra khỏi xí nghiệp. Cái kiếp lang thang của Weber bắt đầu như vậy.
Trong đám bụi đời, Weber chẳng được mến chuộng gì. Tuy nhiên, đôi khi gã cũng đến những cuộc tụ tập của dân lang thang ở ven sông, dưới gầm cầu, trong công viên hoặc sau nhà ga, hay tại một nhà máy sản xuất đồ gốm đã bỏ hoang. Mỗi lần đến, gã phải mang theo một cút rượu để lấy lòng anh em đồng loại.
Hôm nay Weber, vốn có tên Trọc Đầu giữa đám bụi đời, bắt đầu cảm thấy giá lạnh trong xương cốt. Ngồi thì nhức xương. Nằm còn tệ nữa. Thành thử gã lang thang khắp ngả trong thành phố, chốc chốc lại ngửa tay xin những kẻ qua đường. Những lúc ấy gã giả giọng lơ lớ như dân ngoại quốc bị xua đuổi khỏi quê hương, để khơi lòng trắc ẩn của thiên hạ.
Chỉ trong hai tiếng đồng hồ vừa qua, Weber xin được 61 mark rưỡi. Chốc nữa gã sẽ mua một túi bánh Hamburger nóng và ba chai vang đỏ!
*
- Có khi tối nay tụi mình sẽ chạm trán “siêu người mẫu” này cũng nên. – Tarzan cười - Cầu cho gã không bị chết cóng vì cái đầu trọc tóc! Mà gã có tấm áo choàng đến là diện!
- Với mười tám lỗ thủng! – Karl gật gù.
Ông cụ Etzel đã qua cơn mệt. Ông chỉ vào bọc quần áo trên vai Tarzan:
- Lát nữa mặc đồ này vào rồi, các cháu phải trình cho ta xem với nhé!
- Như những siêu người mẫu ạ. - Tarzan cười.
Andy theo Tarzan và Tròn Vo vào phòng thay đồ. Chẳng gì nó cũng là người chịu trách nhiệm về phục trang.
- Tao mong rằng mày sẽ không đi như phá chiếc xe đạp leo núi của mày từ bây giờ cho tới sáng thứ ba. – Thằng mập bảo Andy – Làm ơn giữ gìn giùm tài sản tương lai của tao!
- Đã là của mày quái đâu. – Andy đáp, không hề mỉm cười - Tao cuộc rằng mày sẽ thua cuộc. Cả tinh thần, thể chất và dạ dày của mày làm sao chịu nổi. Nếu là Tarzan thì hẳn mày vượt qua được. Nhưng tao lại không cuộc với Tarzan. Ha ha ha, tao biết cách biến từ năm trăm mark của mình thành một nghìn! Và đến cuối năm, tụi tao sẽ làm lễ đặt tên lại cho mày. Vĩnh viễn mất cái tên Tròn Vo… Tụi tao sẽ gọi mày là Cá Khô.
- Hãy đợi đấy! - Tròn Vo kêu lên, nhưng cu cậu tái mét cả người.
Tarzan không dính vào.
Hắn không thích Andy giở trò chiến tranh tâm lí để làm nhụt chí thằng mập. Nhưng hắn phải giữ vai trò trung gian thật khách quan.
Tarzan dốc quần áo từ cái tay nải ra:
- Khiếp, trông đến kinh! – Kloesen nói - Tao mặc mấy thứ này vào, thì đến ông bà già tao cũng không nhận ra được nữa.
Andy phân ra thứ nào của ai.
Tròn Vo và Tarzan nhất định giữ nguyên quần áo lót trên người, chỉ mặc ra ngoài những đồ Andy cung cấp.
Thằng mập xỏ vào chiếc quần lửng bó gối cũ rích của một người đàn ông nặng cả tạ. Ấy vậy mà nó dài tới mắt cá chân lận. Chiếc áo len chui màu nâu chùm xuống đùi anh chàng như một cái váy ngắn. Những sợi dây đeo quần màu đỏ rộng bản giữ cho cái quần rộng thùng thình khỏi tụt xuống. Đôi giày dưới chân Kloesen hẳn có từ thời loài người mới chỉ dùng đến xe ngựa để đi du lịch. Chiếc áo khoác thì mất sạch khuy, thiếu hẳn nửa ống tay. Để giữ cho ấm đầu, Tròn Vo quyết định chụp lên nó một cái mũ phi công có lót lông.
to tướng mặc trong chiếc gi-lê nhà quê kẻ ca-rô màu sặc sỡ....
- Trông đại ca cứ như tướng cướp! – Tròn Vo toe toét khen.
- Còn trông mày thì như một cái bao tải thừa vừa bị quẳng từ trên máy bay xuống! – Tarzan vừa nói vừa sửa lại mũ trên đầu – Có cái gì đó vẫn chưa ổn. Quần áo cũ kĩ, nhàu nát, bị gián nhấm thật, nhưng sạch sẽ quá. Người ta sẽ đoán ra là chúng mình chỉ cải trang thành dân lang thang mà thôi.
- Thế mày định làm thế nào? – Thằng mập hỏi – Tao không thể bôi bẩn quần áo như trở bàn tay được.
- Được chứ!
Tarzan phát hiện một luống đất mới trong vườn. Bà quản lí của ông Etzel vừa cho nhổ củ cải ở đây lên. Tarzan lăn xuống luống đất ẩm. Tròn Vo hí lên cười. Andy cũng nhếch mép, mặc dù hôm nay là một trong chuỗi ngày chẳng vui vẻ gì của nó.
- Nào, Willi! Làm theo tao đi chứ! – Tarzan ra lệnh – Coi như tụi mình đã ngủ trong cảnh màn trời chiếu đất suốt cả năm rồi. Chiếc áo khoác của mày chính là thứ lót ổ cho mày. Chóng lên!
Thằng mập không chờ giục thêm lần nữa.
- Bây giờ thì cho đất giắt đầy vào kẽ móng tay. – Tarzan nói – Móng tay bẩn là lẽ đương nhiên của những kẻ lang thang.
Tròn Vo cào đất như một con cún. Tarzan trát cả lên ủng vài miếng bùn.
- Đủ rồi đấy! – Andy nói – Trông tụi mày như hai thằng móc cống, bới rác. Người ta tin tụi mày mang trong người đủ thứ bệnh truyền nhiễm. Sẽ càng thêm sức thuyết phục, nếu tụi mày ghè vỡ thêm vài cái răng. Dân lang thang thường hổng răng mà.
- Dễ thường tao phải chặt bớt hai, ba ngón tay cho phù hợp với hình ảnh lí tưởng của mày. – Tarzan phá lên cười – Rõ ràng óc mày bị hổng thì có. Đừng nghe Andy, Kloesen ạ. Tụi mình trông ra dáng lắm rồi. Phần còn lại phải trổ tài đóng kịch.
Andy nhìn đồng hồ đeo tay. Nụ cười vụt tắt.
- Mẹ kiếp, tao phải về nhà thôi.
- Nếu không bố dượng mày mắng à?
- Tao cóc cần biết. Không, chả là… Tao, ờ, tao còn có tí việc. Đó là… ồ, chẳng có gì.
Nó không nói tiếp.
Tarzan nhìn bạn. Andy ngó chăm chăm xuống đất, gương mặt tái nhợt thoáng nhăn lại. Cái ý nghĩ lướt qua đầu nó không tốt đẹp gì.
Tarzan toan hỏi thì Karl và hai cô gái xuất hiện.
Gaby bật cười khúc khích.
- Tiếc quá! – Máy Tính thốt lên, giơ tay che miệng - Tao lại không mang theo máy ảnh. Nhưng đến thứ ba, khi mọi chuyện xong xuôi, tao sẽ chụp ảnh tụi mày.
- Mày sẽ được thỏa mãn cái thú ấy chậm nhất là trong sáng chủ nhật này thôi. – Andy tiên tri – Willi lúc ấy đã chán ngấy và sẽ đầu hàng.
- Rồi mày sẽ ngạc nhiên trố mắt ra. – Tròn Vo độp lại – Ngoài ra, tao không muốn nhận chiếc xe đạp của mày trong tình trạng bẩn thỉu, như tụi tao bây giờ… mà phải sạch bong, bóng loáng kia!
- Tao sẽ kì cọ cho nó, nhưng là để cho tao cưỡi chứ không đến lượt mày đâu mà mong.
- Nào, bây giờ đến gặp ông của bạn. – Tarzan bảo Caroline – Ông muốn xem tụi mình trông ra sao.
*
Trời tối sớm. Thành phố lên đèn. Gió lạnh hơn nữa. Lũ chó được chủ dắt đi ngoài phố cụp đuôi xuống.
Andy đã đạp xe về. Caroline ở lại với ông thêm lát nữa. Tứ quái cũng chia tay hai ông cháu Farber.
Chúng cùng về nhà Gaby. Phải đưa Công Chúa về đến chốn chứ! Vả lại Tarzan và Tròn Vo định gửi xe đạp trong sân nhà Gaby.
- Mình sẽ không lấy làm lạ nếu tụi mình bị cảnh sát giữ lại. Trông mình và Willi thì chỉ ăn cắp mới có xe đạp mà cưỡi nhong nhong thế này. – Tarzan nói.
- Tao cảm thấy không khỏe tí nào. – Tròn Vo than – Cái quần thì thùng thình, giày lại bó khó chịu. Chỗ ống tay áo khoác bị thiếu cứ rét run lên. Còn bụng sôi réo ầm ầm. Tao không có lấy một mẩu sô-cô-la, mà cái đêm khủng khiếp thì lù lù trước mặt. Chẳng ai còn đoán được ở tao vị giám đốc toàn tài của những nhà máy sô-cô-la lớn nhất thế giới trong tương lai nữa.
- Sao lại không? – Karl phá lên cười - Chả là mọi vị giám đốc trông đều như mày bây giờ mỗi khi họ trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng.
- Làm gì có chuyện! Mày phải thấy ông già yêu quý của tao khi ở hãng về. Trông phong độ hết ý! Này Tarzan, đại ca có biết phải ăn xin như thế nào không?
- Tụi mình sẽ học.
- Chờ học được thì tao chết đói từ lâu. Tao chỉ muốn nguyền rủa Andy. Sao nó lại nỡ đẩy tao vào cái địa ngục này chứ.
- Thôi nào, chịu khó đi. – Tarzan nói dưới vành mũ to tướng - Đến thứ ba mày sẽ cười ngạo nghễ và đứng hiên ngang như một Willi xương đồng da sắt, chịu đựng được hết thảy.
- Mày bảo tao có gày quắt đi như con cá khô không?
- Có ba ngày rưỡi thì làm sao kịp quắt đi như thế.
Nãy giờ Gaby không tham gia vào câu chuyện. Lúc này cô bé bảo Tarzan:
- Vừa rồi Caroline đã dốc bầu tâm sự với mình. Bố mẹ bạn ấy sắp li dị. Caroline thậm chí còn sung sướng vì điều đó, và đương nhiên sẽ ở với mẹ. Nhưng lão bố dượng Oswald Muller giờ đây cư xử hết sức thậm tệ, vì lão chẳng còn gì để mất nữa. Những ngày sắp tới, Caroline chỉ muốn ở với ông nội bạn ấy.
- Thế sao lại không ở?
- Vì mặt khác, Caroline lại không muốn bỏ mẹ một mình. Mình biết mẹ của Caroline, bà Barbara Muller, rất dễ mến. Hiện bà đang đi an dưỡng. Bà bị bệnh vàng da, phải nghỉ ngơi bồi bổ sức khỏe. Tối nay bà sẽ trở về, trên chuyến tàu cuối cùng.
- Trên chuyến tàu cuối cùng. – Tròn Vo thở dài – Vào thời điểm ấy, khéo tụi này đã chết cóng.
- Mình đã an ủi Caroline. – Công Chúa tiếp tục - Mẹ bạn ấy đã phạm sai lầm khi tái giá với Oswald Muller. Với cái mã đẹp đẽ, cử chỉ lịch lãm, lời nói đường mật, lão đã len vào một gia đình giàu có. Nhưng giờ đây sai lầm đó được sửa chữa. Trong trường hợp này, li dị là cần thiết và tốt hơn cả.
- Li dị ư? Còn mình sẽ li dị với thế gian này như một kẻ lang thang. – Thằng mập vờ mếu máo – Trên bia mộ của mình sẽ ghi gì đây hở?
- “Con người này sinh ra với một chiếc thìa vàng ngậm trong miệng.” – Karl đọc – “Suốt đời ngốn sô-cô-la và từ bỏ cõi đời vì một vụ đánh cuộc”.
- Nghe được lắm! – Tròn Vo khen.
- Quan trọng nhất là các bạn chớ để bị bắt đi! – Gaby dặn.
- Bạn nói gì? – Tarzan không hiểu.
- Mình sực nhớ ba mình có kể rằng cảnh sát hình sự nắm một số chứng cớ, tuy chưa rõ ràng, cho thấy thời gian gần đây một số thiếu niên bỏ nhà lang thang mất tích một cách hết sức đột ngột.
- Đã lang thang thì thoắt ẩn thoắt hiện là thường. – Tarzan nói và kéo vành mũ xuống trán để chắn gió - Nhưng sao bạn lại bảo là bắt đi?
- Nghe ba mình bảo: từ đầu hè đã xảy ra nhiều vụ bắt cóc ở Amsterdam và Barcelona. Nhưng không với mục đích tống tiền. Các nhân chứng thấy các cô cậu bé bị bắt đi. Và chúng mất tích từ đó. Bao nhiêu cố gắng tìm kiếm của cảnh sát đều vô ích. Người ta đứng trước một câu đố. Ba mình e rằng giữa chuyện những đứa trẻ lang thang ở đây mất tích và tội ác đó có mối liên hệ nào đó.
- Kinh khủng! – Tròn Vo kêu lên – Tụi mình sẽ không chết cóng, mà sẽ bị bỏ vào nồi ninh của bọn ăn thịt người nào đó. Nếu sau nửa đêm chúng mới đến, thì chúng có thể lấy tụi mình đi như những tảng thịt đông lạnh.
- Những không có vụ bắt cóc nào đã được trông thấy ở đây chứ? – Tarzan quay sang Gaby.
- Không. Ở thành phố này chưa ai thấy gì.
*
Karl tiễn Tarzan và Tròn Vo đến tận cầu Cầu Vồng.
- Thôi, chúc mọi sự tốt lành! Mai tao và Gaby sẽ ghé qua. Không, không, tụi này sẽ từ xa quan sát xem tình hình tụi mày ra sao thôi.
- Nếu tụi mày đến gần, - Tarzan đùa – tụi tao sẽ ngửa tay xin tiền tụi mày đấy.
- Đúng rồi! – Thằng mập reo lên - Vì vậy, Karl ơi, làm ơn thủ theo mười phong sô-cô-la, để rồi sẽ…
- Không có chuyện ấy! – Tarzan gạt đi - Hóa ra lừa đảo hay sao?! Cho tới thứ ba, các bạn chỉ được trao đổi ánh mắt với tụi này. Không được lại gần đâu đấy.
- Thôi thì tao phó mặc tụi mày cho số phận. – Máy Tính nói và nhảy lên xe, đạp qua cầu.
Tròn Vo vẫy theo đầy quyến luyến.
- Xin mày hãy cư xử như một kẻ lang thang cho tao nhờ! - Tarzan nói qua kẽ răng.
- Tao sẽ lăn ra bất tỉnh vì đói mất thôi.
- Trưa nay mày đã ngốn căng cả bụng, đủ đến ngày mai.
Bây giờ chỉ cần theo bậc thang xuống gầm cầu là hòa nhập vào thế giới dân bụi đời, Tarzan nghĩ.
- Nào, bắt đầu nhập cuộc thôi, Willi! – Hắn bảo thằng mập.
Tròn Vo còn ném một cái nhìn luyến tiếc về phố Wieland, nơi hai dòng xe đang chạy dọc những ngọn đèn đường, rồi mới theo Tarzan đi xuống những bậc thang. Ánh điện và tiếng ồn ở lại trên phố. Bống tối và hơi ẩm ướt phủ từ dưới sông lên. Ven bờ sông, đèn ở rất xa nhau, nên tăm tối.
Tarzan đi trước. Hắn lôi ra hai cái túi, đưa cho Tròn Vo một.
- Đây là hành lí của mày, mập à. Dân lang thang không có va-li, chỉ có những cái túi nhựa mỏng mà thôi.
- Nhưng túi rỗng mà?
- Tống cái gì vào đấy.
- Tao chẳng có gì cả, sô-cô-la cũng không có.
- Thế thì mày là một kẻ lang thang nghèo kiết xác.
Mắt Tarzan quen dần với bóng tối. Dưới gầm cầu chất ba bốn cái thùng. Chẳng thấy ai. Dòng sông cuốn theo lượng nước mưa của những ngày qua, đen kịt như mực.
- Đại ca có chắc cái chốn ghê tởm này là nơi tụ tập của đám dân lang thang không? - Tròn Vo hỏi - Nhỡ đâu cả bọn đang ngồi trong một quán rượu và cười đến chết, nếu trông thấy tụi mình lớ ngớ ở đây.
- Vớ vẩn! Lần nào tụi mình đạp xe qua cầu chẳng có những kẻ luẩn quẩn dưới này. Thậm chí giữa mùa đông.
Đúng lúc đó, Tarzan thấy một hình người.
Người đó nằm sau mấy cái thùng, khá khuất, nhưng giờ đây thở dài đánh sượt và trở mình.
- Có một gã lang thang ngủ ở kia. – Tarzan nói - Gớm, ngủ sớm như gà lên chuồng. Kệ, thử hỏi xem.
Hắn cất bước, Willi lẽo đẽo theo sau.
Người nọ khá to béo, nằm sát chân cầu, trên một tấm đệm cũ, đắp nhiều chăn và áo choàng.
- Xin chào ông bạn, chúng tôi mới đến đây. Tôi muốn hỏi điều này!
Tiếng ngáy im bặt.
- Xéo đi! - Dưới lớp chăn vọng lên tiếng cấm cảu.
- Chúng tôi chỉ muốn biết có thể rúc vào đâu ngủ mà không bị bọn cớm quấy rầy ngay.
Lớp chăn áo bị tung ra. Người nọ ngồi dậy.
Đó là một người đàn bà. Trông rõ khiếp! Mặt bè bè như con chó ngao, cái đầu tóc bù xù đủ để nhồi một chiếc gối. Dưới hai dái tai tòn ten đôi khuyên to như hai cái vòng đeo tay.
Tarzan lùi lại né hơi rượu phả ra nồng nặc.
- Các cậu là ai? - Giọng bà ta như lệnh vỡ.
- Tarzan và Willi ạ.
- Từ đâu đến?
- Chúng tôi đã có mặt khắp mọi nơi. Duy chỗ này thì chưa.
- Thế thì cho tới nay các cậu toàn nhầm. Đây là nơi tốt nhất. Dạt vòm hả?
- Có thể nói như vậy.
- Trốn khỏi trại cải tạo?
- Willi trốn khỏi đấy. Còn tôi bỏ nhà ra đi. Bà là ai?
- Paula. Paula võ sĩ. Có thể các cậu đã biết tiếng tôi. Trước kia tôi là đấu vật nhà nghề. Nhưng từ lâu lắm rồi, giờ chẳng ai thèm vời đến nữa. Đấu 216 trận, tôi chỉ thua có 25 trận. Mà ở đây các cậu muốn ngủ đâu thì ngủ. Cớm không động đến làm gì. Ăn xin thì tốt nhất vào khu vực dành cho khách bộ hành. Hãy đeo trước ngực một tấm biển đề các cậu là trẻ mồ côi. Có những người dễ mủi lòng lắm.
- Cảm ơn bà Paula. Chúng ta rồi sẽ còn gặp nhau. Chúc bà ngủ ngon!
Bà ta lại nằm xuống đệm, kéo chăn kín người.
Tarzan và Tròn Vo quay đi.
- Con người mới tử tế làm sao! – Tròn Vo nói khi hai quái đã rời chân khá xa – Đã không sinh sự với tụi mình, bà ta còn cho không những lời khuyên nữa. Khởi đầu rất tốt.
- Tao cũng nghĩ thế. Bây giờ phải đi tìm chỗ ngủ mới là quan trọng. Bà Paula không những có lớp mỡ dày, mà còn có ít nhất ba áo choàng và bốn chăn để phủ lên người.
- Mà mày có biết là “Tổ đại bàng” của tụi mình thật ra đẹp có một không hai, sang trọng bậc nhất và giống thiên đường đến mức nào không?
- Thôi đừng phóng đại! Xưa nay mày chỉ toàn kêu ca nào là nó quá nhỏ, quá chật, ít chỗ để đựng sô-cô-la đấy thôi.
- Thì tao ngu chứ sao. Bản thân tao cũng không hiểu mình nữa. Thử nghĩ mà xem, căn buồng của tụi mình có tường bao quanh, có trần, lại có lò sưởi và hai cái giường, lại còn…
- Hãy quên nó đi, cho tới thứ ba! Bây giờ, buồng của tụi mình là kia kìa.
Tarzan phát hiện có một căn lán nhỏ ở cuối kè sông. Căn lán bé xíu, có lẽ là nơi dành cho thợ đến sửa kè dùng để đồ từ đời thuở nào rồi. Thợ rời đi từ lâu, còn lại đó căn lán bằng tôn trống không. Tuy sơ sài nhưng đủ để chắn gió, che mưa, ngăn hơi lạnh.
Tarzan vặn nắm cửa. Cửa để ngỏ.
Căn lán có một ô cửa sổ nhỏ. Nhưng ánh đèn điện gần nhất cũng chẳng hắt đến đây.
Tarzan mò trong cái túi nhựa đem theo, lấy bao diêm, đánh lửa lên.
- Tuyệt! Tao sẽ nhớ đến nó, nếu sắp tới tao cùng ông bà già nghỉ đêm ở khách sạn Hoàng Cung.
Trong một xó lán là những vỏ chai bia và rượu vang. Ở một xó khác là những thùng bìa được xé, đập bẹt ra, và lót lên thành một tấm đệm dày tới mắt cá chân.
- Tao e rằng căn phòng sang trọng này đã có khách trọ. – Thằng mập rụt rè.
- Mày thấy ai không?
- Thế sao có cái giường đôi kiểu Pháp kia? – Tròn Vo chỉ chồng bìa trong xó lán - Chắc chắn các vị khách lát nữa sẽ về. Có lẽ họ đang ngồi trong Restaurant hoặc ở quán rượu.
- Thế thì họ số đen chứ sao. Tụi mình đến trước.
Tarzan đóng cửa lại. Que diêm đã tắt.
Hắn đánh một que khác, soi kĩ tấm đệm bằng bìa.
- Không có rắn độc, nhện độc, không chấy, rận. Khách sạn tốt đấy chứ, Willi nhỉ?
Tròn Vo ngồi xuống cái ổ:
- Đại ca nói phải. Trong này ấm hơn ngoài kia. Không có gió. Hãy bảo anh bồi phòng rằng tao cần ba lít ca-cao, sô-cô-la lỏng kiểu Pháp, và từ sáu đến tám chiếc bánh mì kẹp giăm-bông.
- Mới sẩm tối. Tụi mình còn có thể đi ăn xin. Nhưng có lẽ sau đó sẽ phải đứng trước cánh cửa lán đóng kín. Mày quyết định đi: chịu đói hay là chịu rét? Tao nói chịu rét tức là ngủ đêm ở ngoài trời ấy.
- Thôi, chân cẳng tao run lật bật rồi đây này. Tao ở lại đây.
Tarzan ngồi xuống cạnh thằng mập:
- Nếu không ngủ nổi, tụi mình sẽ ôn lại những từ La-tinh, theo trí nhớ. Hoặc ít nhất ôn lại môn địa lí, thế nào?
- Tao sẽ hóa điên mất! Mày nhất định muốn làm cho nỗi bất hạnh trầm trọng hơn hay sao, hả?
Tarzan cười. Đoạn hắn nghển cổ nghe ngóng.
Nháy mắt sau, cánh cửa bật mở.
Một bóng người lù lù hằn lên trên nền trời sáng mờ bởi ánh điện trong thành phố.
- Nhất định chúng còn ở trong này. - Gã cất giọng ồm ồm – Nhưng không lâu nữa đâu. Nào, Achim, chúng ta tống cổ chúng ra.