Mím môi trên bộ răng vổ, Tiggel bấm đại một số điện thoại. Trong cái đầu cám heo của y lúc này chỉ còn lảng vảng hai chữ: “tống tiền”. Ừ nhỉ, phải tống tiền bất cứ ai xui xẻo bị mình quay số phôn hôm nay. Phải tống tiền để… gỡ gạc số tiền chắt bóp đã bị thằng khốn nạn nào đó ăn cắp trong lúc y đi đâu không nhớ rõ. Mẹ kiếp, thua me gỡ bài cào mà.
Y nghe một phụ nữ dịu dàng lên tiếng bên kia đầu dây. Một phụ nữ có lẽ tuổi… quá đát.
- Annemarie Lippstedt đây.
Quả là một con mồi thích hợp với ý đồ của Tiggel. Y nhe hàm răng hình mỏ chim “nổ” còn hơn tạc đạn:
- Này bà già, bà là một kẻ xa lạ với tôi, nhưng tôi sẽ giết bà!
Annemarie Lippstedt sửng sốt. Chưa có ai dám sỗ sàng với bà như thế trên đời. Bà là một nữ y tá, về hưu cách đây ba năm. Trong thời gian còn làm việc ở bịnh viện, bà luôn luôn được người khác kính trọng và hàm ơn bởi bà từng góp phần cứu sống nhiều bịnh nhân, trong đó có cả quái kiệt Karl Máy Tính khi Karl bị bịnh sưng phổi. Chưa kể bà còn là mẹ của nhà nghiên cứu hóa chất Ladlo Lippstedt nữa chớ. Ấy thế mà hôm nay lại có kẻ đe dọa sát hại bà.
- Ông gọi lộn số rồi.
Tiggel cười gằn:
- Không lộn đâu bà già. Tôi đã đưa cái tên Annemarie Lippstedt của bà vào bộ nhớ. Tôi đã theo dõi bà từ lâu. Mà bà có tử thì cũng chẳng cảnh sát nào vội điều tra vì một cái xác khô.
- …
- Nào, bà muốn chết hay muốn sống hả mụ già? Muốn sống thì tôi bật đèn xanh cho thương lượng.
- Thương lượng? Tại sao ông lại thù ghét tôi, lại muốn giết tôi chớ?
- Tại vì trên đời có quá nhiều người già. Quá ít trẻ con được sinh ra còn bọn già cả lại sống dai như đỉa, đi chỗ nào cũng gặp bọn hưu trí. Mẹ kiếp, phải san bằng bọn già cả để nước Đức trẻ trung và vĩ đại. Giết bọn già tức là yêu nước, mụ hiểu chưa?
- Khi đến tuổi đó, ông sẽ nghĩ khác đó, đồ ngông cuồng! Thêm nữa, tôi không tin vào mớ lí sự quái đản đó. Tôi muốn biết, vì sao ông quấy nhiễu tôi?
Tiggel thầm rủa. Cuộc đối thoại đã không diễn ra như thường lệ. 28 vụ trước, y đã tống tiền 28 bà già chóng vánh. Mụ này là thứ dữ chăng?
Y đổi giọng:
- Bây giờ tôi chỉ muốn biết bà có sẵn sàng thương lượng với tôi không?
- Hừm, tôi đã hiểu ý ông muốn gì. Ông muốn tiền chứ gì?
- Đúng thế, thưa mụ nội.
- Ông không sợ tôi báo cảnh sát à?
- Hé hé, bọn cớm không thể luôn luôn túc trực bên bà. Mà tôi thì chẳng vội gì. Tôi đợi được. Tôi sẽ bùm mụ nội bất kì lúc nào như một tay sát thủ muôn mặt.
Bà Annemarie suy nghĩ một thoáng:
- Tôi có ít tiền lắm. Lương hưu mà. Lấy tiền đâu để đưa ông đây?
- Chỉ có 3.000 mark thôi. Chuyện cực nhỏ.
- Lạy Chúa, tôi có cố gắng hết sức cũng chỉ kiếm được phân nửa.
- Vậy thì tôi sẽ giết bà, đồ mụ nội bần tiện, đồ…
- Ông mà còn bất lịch sự với người lớn tuổi nữa là sẽ chẳng có xu nào chảy vào túi đâu đấy.
- Xin lỗi. Tôi buột miệng thôi. Hừm… thôi được, tôi cũng không phải là loài cầm thú. Ê, bà có thể nhả ra 1.800 mark được không?
- 1.500 mark!
- Đúng 1.800 mark! Tôi không thích cò kè thêm nữa. Họng súng và con dao của tôi ngứa ngáy lắm rồi. Giờ thì bà hãy nghe đây: Từ sáng mai số tiền chuộc mạng phải nằm sẵn ở nhà bà. Toàn tờ 100, rõ chưa? Không lấy tờ 500 hay 1.000. Những tờ bạc không được liền số với nhau. Bà có bổn phận bỏ tiền vào một phong bì dán kín chờ tôi gọi điện đến. Có thể mai đã gọi, hoặc sau ba tuần, có khi là sáu tháng cũng nên. Tôi sẽ báo giờ cho bà hay.
- Tôi có đồng hồ. Tự tôi biết giờ giấc, việc gì phải phiền tới ông.
- Là tôi nói giờ bà phải có mặt tại cửa hàng bách hóa kìa.
- Sẽ gặp ông ở đó à? Được. Tôi cũng hay tới đó, chỗ quầy len sợi.
Tiggel dụ dự. Lần đầu tiên kẻ tống tiền hoàn toàn bị động. Tuy nhiên bị động kiểu này cũng được đấy chớ.
Rồi gã ngẫm nghĩ: có khi cứ hẹn chắc chắn luôn lại được việc.
- Này mụ nội, hay thế này nghe. Tôi không muốn để đầu óc bà phải căng thẳng. Đợi lâu ích gì. Ta làm quách cho xong đi, hả? Vậy hẹn ngày mai, năm giờ chiều, ở cửa hàng bách hóa, tầng bốn, quầy dụng cụ thể thao nghe.
- Tôi sẽ đợi ông ở đó à?
- Không. Không hẳn là đợi. Bà hãy có thái độ bình thường. Bà cứ tha hồ loăng quăng trong khu vực đó và thậm chí rảo cẳng một chút cho đỡ mỏi giò. Người về hưu hay mỏi giò lắm. Phần tôi thì bất kì lúc nào cũng có thể xuất hiện sau lưng bà với một câu mật hiệu: “Hãy quyên góp cho đợt diệt chuột.”.
- Diệt chuột?
- Phải.
- Chuột sinh sôi nhiều quá à?
- Trời đất quỷ thần ơi. Là nói vậy cho dễ nhớ thôi, bà nội.
- Rồi sao nữa?
- Bà đưa tay trái ra đằng sau. Tôi cầm lấy phong bì. Bà cứ bước tiếp nghe.
- Và thế là tôi đã cứu được mạng mình?
- Chớ sao nữa.
Tiggel bỏ máy.
*
Chuông cửa reo inh ỏi. Cách nhấn chuông cập rập quen thuộc của mẹ - Ladlo Lippstedt nghĩ thầm rồi đứng dậy. Anh giống y hệt Karl Máy Tính, cũng cao lêu nghêu, cũng đeo kính gọng kền, cũng thông minh nhất nam tử nhưng chỉ khác cậu bé ở chỗ hơn cậu tới mười sáu tuổi và mắc chứng hói đầu. Một căn bịnh dễ thương mà chưa có phát minh hóa học nào của anh khắc phục được.
Ladlo quay sang Karrl tủm tỉm:
- Đợi anh mở cửa nhé. Mẹ anh đến đấy. Không biết bà có cần “màu đỏ hóa chất” để bắt con quỷ nào không?
Bà Annemarie Lippstedt bước vô. Việc đầu tiên là bà ôm chầm lấy Máy Tính, mừng rỡ kêu lên:
- Cháu đấy ư, Karl?
Quân sư nhìn bà cụ bằng con mắt cảm động. Coi, bà cụ đã gần 70 tuổi nhưng rất hoạt bát. Nghe đồn rằng bà vẫn còn cái thú đạp xe ngay cả khi trời dông gió. Trên gương mặt hình trái tim là cặp mắt nâu đầy trìu mến. Nhưng khi cần, bà Marie cũng rất nghiêm khắc và can trường.
Ladlo lúng túng. Anh bẻ các ngón tay răng rắc:
- Có chuyện gì rồi hả mẹ? Mẹ ít khi tới đây lắm mà.
- Phải. Mẹ đến vì cần con giúp đỡ, Ladlo ạ.
- Bếp bị trục trặc hả mẹ?
- Cũng trục trặc đôi chút. Nhưng mẹ không tìm con vì chuyện đó. Mẹ bị một kẻ sát nhân tống tiền.
Karl há hốc mồm:
- Saaao ạ?
Ladlo bình tĩnh hơn:
- Mẹ ơi, con nghĩ ở đây có sự nhầm lẫn nào đó. Bọn sát nhân đều chuyên môn hóa - chúng chuyên giết người. Còn tống tiền là việc của bọn tống tiền - chúng không giết người. Cái cách mẹ mô tả vụ này con thấy chẳng hợp lí chút nào cả.
- Con thì biết gì chớ, Ladlo. Mẹ chưa bao giờ dùng chữ sai. Nghe mẹ kể đây.
Khi bà Marie kể xong, Ladlo cắn môi dưới:
- Vậy chỉ là chuyện thuần túy ngôn ngữ thôi. Có nên gọi một tên sát nhân đi tống tiền là sát nhân nữa không, bởi gã chưa giết người mà? Có lẽ chỉ nên gọi gã là tên tống tiền thôi.
- Anh Ladlo! Chuyện đó đâu quan trọng gì. Tên khốn đó tính hại mẹ anh. Vấn đề là ở đó kìa.
Ladlo bấy giờ mới sực tỉnh:
- Ờ nhỉ. Tôi có nhược điểm là bao giờ cũng tiếp cận các vấn đề về mặt lí thuyết trước nên đôi khi bỏ qua mất điểm chính yếu nhất.
Bà Annemarie bảo:
- Mẹ muốn cho gã một bài học nhớ đời. Ladlo, mẹ muốn con làm cho mẹ một trái bom.
Karl sửng sốt:
- Một trái bom ư?
- Đúng vậy đó cháu. Một trái bom đựng trong phong bì. Gã sẽ nhận thứ ấy thay vì 1.800 mark mà đằng nào ta cũng không có.
- Trời ạ, bà sẽ phạm tội giết người, dù giết người để tự vệ.
Ladlo cũng can:
- Mẹ đừng làm vậy. Hình phạt ấy quá nặng. Ngoài ra ở nước mình không cho phép tự xử lí, mà còn có luật pháp mẹ ạ.
Bà Annemarie cười khan, tay chống nạnh:
- Hai nhà bác học trẻ của ta lú lẫn quá. Ta chỉ cần cái phong bì nổ vừa đủ cho gã bỏng rát các ngón tay. Bàn tay ma giáo của gã sẽ ám khói đen thui và gã sẽ hiểu ra cái giá phải trả cho việc tống tiền những người già cả. Với các ngón tay bị bỏng, cảnh sát sẽ nhận diện và bắt gã chẳng khó khăn gì.
Karl bần thần:
- Bà nhất định hành động như vậy vào năm giờ chiều mai ở cửa hàng bách hóa à?
- Ta đã nói là làm.
Ladlo lưỡng lự:
- Thôi được, con sẽ làm trái bom mini cho mẹ. Đáng tiếc mai con lại phải đi Bruessel dự hội nghị khoa học. Con sẽ nhờ Karl và các bạn cậu ấy hộ tống mẹ. Như vậy mẹ sẽ được bảo vệ chắc chắn.
Máy Tính reo lớn:
- Đồng ý. Bây giờ thì cháu xin cáo từ, cháu có nhiệm vụ phải mang “màu đỏ” đến nhuộm gói tiền mà con quỷ sắp lấy đây.
*
Lúc Máy Tính đến công viên nhỏ mang tên Frischmeier, tam quái rời khỏi băng ghế bật dậy. Tarzan hỏi:
- Sao đi lâu quá vậy quân sư?
- Tao không thể đến nhanh hơn được. Bà Annemarie gặp chuyện rắc rối. Gói tiền vẫn nguyên vẹn sau băng ghế hả?
- Ừ, mày tô màu số bạc đó đi, tụi tao canh cho.
Ngay lập tức, ba quái án ngữ ba góc. Tròn Vo tò mò:
- Mẹ của Ladlo gặp chuyện gì thế Karl?
Karl quỳ hẳn xuống đất lúi húi. Nó trả lời, không quay lưng lại:
- Một tên sát thủ nặc danh gọi điện lại bắt bà cụ nộp tiền chuộc mạng. Đại khái như sau…
Nó vừa kể xong mặt Gaby sa sầm. Cô bé phẫn nộ:
- Quả là một mánh khóe moi tiền láu cá. Chắc thằng ác ôn đó quen thu hoạch kiểu này rồi. Chúng ta sẽ cho gã vỡ mộng.
Tarzan nói chắc nịch:
- Ngày mai, năm giờ chiều, tầng bốn, cửa hàng bách hóa. Các bạn nhớ thuộc lòng đấy.
*
Bernd Kolbe lững thững cuốc bộ qua phố Tross để tới quảng trường Frischmeier. Bây giờ là 15 giờ 30 đúng. Đêm qua gã đã lẻn vào tầng một bỏ trống của chung cư số 4, lén để một thùng các-tông đựng đầy thuốc nổ. Giờ nổ là 15 giờ 55 phút.
Gã còn 25 phút để trở thành người hùng.
“Người hùng tương lai” lẩm bẩm:
- Hê hê, mình tung một chiêu hạ tới hai mục tiêu: vừa được báo chí lăng-xê vừa được hãng “Knete và Manni” nhận làm tài xế.
Gã khoái trá đến mức trời đổ mưa sầm sập mà cũng chẳng màng tới việc trú ẩn.
Càng hay chớ sao. Thay vì ngồi tại nơi khô ráo, gã sẽ lao mình dưới trời mưa đến quảng trường Frischmeier cứu mọi người thì bá tánh ai mà không cảm động. Bởi vì vừa xong, gã đã tình cờ nghe được một cú điện thoại của tên khủng bố ma nào đó tại đường Remmsberger mà!
Gã rùng mình vì một giọt mưa cực lạnh phang trúng gáy. Gã nhớ lại cảm giác kinh khủng bữa qua, khi gã suýt bị lộ tẩy ở nhà bà cô Johanna của gã. Coi, khi không đang vơ vét 4.000 mark và chiếc nhẫn kim cương trong phòng ngủ thì con gà mái già sợ mưa lù lù xộc về. Giả sử gã không chụp kịp cái túi nhựa lên đầu thì có phải toi không?
Ấy thế mà đã xong đâu. Lúc xuống cầu thang gã may mắn phát hiện thằng cha lực sĩ Dotz với “con chó lửa” lăm lăm mai phục và kịp chạy được lên tìm ra cách thoát thân. Nhờ cái máu lì khó ai bì của gã chớ sao.
Kolbe cười nhăn nhở trong màn mưa, tiến dần đến gần nhà anh em Alch. Gã chưa biết ràng lần này vận may không còn mỉm cười với gã nữa.
*
Mãnh Hổ Hubert giải thoát cho thằng em và ăn ngay một cái tát trời giáng.
Frieder đánh xong thì giơ tay lo đỡ, vì biết thằng anh luôn đánh trả lại.
Nhưng bữa nay Mãnh Hổ có vẻ mệt mỏi. Gã chỉ hăm he:
- Mai mày sẽ lãnh đủ. Bây giờ tao cần nghỉ ngơi đã. Cái thằng chó Tarzan mà mày cũng biết ấy, đã hạ tao một cách thiếu quân tử. Nhưng rồi nó sẽ có lúc biết tay tao.
Frieder gầm lên:
- Tiền đâu rồi?
- Tao phải nộp cho quỷ rồi.
- Trời ơi, phân nửa trong đó là của tôi.
- Tao sẽ chung cho mày sau, lo gì.
Chúng lại cãi nhau.
Hubert lôi một chai rượu dưới gầm giường lên tu. Sau ngụm thứ ba, gã có vẻ khá hơn. Gã lại trở nên hung hăng.
Frieder biết thế, nên chửi rủa có phần nhỏ đi.
Ánh mắt thằng anh nhìn gã cho thấy trận đòn đã hẹn ngày mai không khéo sẽ xảy ra sớm hơn.
Frieder dịu giọng:
- Chúng ta cháy túi rồi, Hubert. Chỉ tại anh điên rồ nghe theo con quỷ khốn kiếp ấy. Tôi nghĩ rằng anh em mình không nên cãi nhau nữa mà nên ra phố tìm một con mồi nào đó gỡ gạc. Nếu anh đồng ý, tôi sẽ luộc bất kì thằng nào qua đây đầu tiên. Nhưng tiền bạc kiếm được anh phải để cho tôi giữ. Con quỷ sẽ không được xu nào cả.
Hubert súc họng sùng sục bằng hớp rượu cuối cùng trong chai:
- Được. Tao sẽ tham gia với mày.
Hai thằng lưu manh khệnh khạng ra sân. Mưa như trút nhưng chúng sá gì đâu. Thằng em thấy khoái vì mát quá, còn Hubert được mưa dội càng tỉnh người. Tất nhiên, Hubert xách theo chai rượu.
Rồi đứng dưới mái hiên đầu lối vào nhà, hai anh em chuyền nhau chai chất cay.
Frieder nhìn ra ngõ Nhà Thờ:
- Không một bóng người.
- Thì đợi chứ sao.
Chúng tiếp tục uống. Càng uống càng ngu ngốc và liều lĩnh. Quên hết cả thận trọng.
- Suỵt, có thằng nộp mạng kìa sư huynh!
Bernd Kolbe tới gần. Gã đi đúng phía đường có anh em Alch rình sẵn. Coi, Kolbe vừa qua hết lối cổng, Hubert đã nhảy bổ tới từ sau lưng.
Trong nửa giây, Kolbe ngỡ cả tháp nhà thờ sụp xuống đầu mình.
Rồi gã nằm sõng soài, bất tỉnh nhân sự chớ còn phải hỏi.
Giọng Hubert the thé:
- Nào, túm lấy nó, Frieder!
Hai thằng túm chân Kolbe, lôi vào cổng.
Frieder mở ví con mồi cười khà khà:
- Anh nhìn nè, hơn 1.000 mark nhé!
- Mày cứ xòe ra ngắm kiểu đó mưa ướt hết. Cất vô!
Hubert lột nốt chiếc đồng hồ của nạn nhân. Đoạn gã huýt lên một tiếng qua kẽ răng:
- Chiếc nhẫn kim cương! Hết sảy!
Chiếc nhẫn lấp lánh trên ngón tay áp út ở bàn tay trái kẻ đang bất tỉnh, mặc dù lúc này không có nắng mặt trời.
Hubert rút chiếc nhẫn, đọc dòng đề tặng, đeo vào tay mình:
- Cảm ơn Hanna! Vừa tay ta lắm!
Hai thằng ngó ra ngõ Nhà Thờ kiểm tra rồi kéo Kolbe ra sát mép đường, bỏ mặc thằng này nằm đó.
*
Karl đã làm xong việc bôi hóa chất vào bó tiền. Tarzan bảo:
- Giờ tụi mình có quyền nhổ neo đến nhà ông bà Wihold để cho họ biết theo tụi mình, anh em Alch không phải là thủ phạm. Biết đâu ông bà chủ tiệm đàn sẽ hé cho chúng ta những thông tin mới.
Những con ngựa sắt lại lăn bánh.
Khi đạp qua đầu ngõ Nhà Thờ, Tarzan chợt kêu lên:
- Dừng lại! Có ai nằm kìa!
Không riêng gì Tarzan, cả ba quái cũng nhìn thấy một người đàn ông dang tay nằm sấp mặt sát bờ đường. Tròn Vo bình phẩm:
- Có lẽ ông ta bị sét đánh.
Karl cãi:
- Bị ngã vì cảm đột ngột thì có. Nãy giờ đâu có ai nghe thấy sấm sét gì.
Tarzan lao ngay tới chỗ nạn nhân. Hắn hoàn toàn sững sờ trước cái đầu đỏ au lưa thưa tóc.
- Nhìn này Gaby! Đây chính là gã Kolbe.
Gaby cũng bàng hoàng, có điều việc cần làm trước mắt là sơ cứu nạn nhân đã. Mồm Kolbe há hốc lúc Tarzan lật ngửa gã ra. Coi, bộ ria ướt sũng dính bết cả vào hàm răng trên. Đúng lúc đó gã mở mắt. Gã rên:
- Cưưứu tôi… đến bác sĩ…
- Đồng ý. Ai là bác sĩ riêng của anh?
- Bác sĩ… Pr… unk! Prunk.
Tứ quái trao đổi tín hiệu cho nhau. Bác sĩ Prunk ư, đó cũng là đối tượng mà bốn đứa lưu tâm đặc biệt. Chỉ đáng tiếc là những lời an ủi sau đó của Tarzan không đến tai nạn nhân. Gã đã lại chìm vào cơn hôn mê.
Tiếng Gaby hốt hoảng:
- Các bạn ngó kìa, mọi túi áo túi quần trên người gã đều bị lộn ra ngoài.
Karl nhận định:
- Vậy thì không phải cảm gió gì rồi. Có thể là một vụ cướp chăng? Sao không thấy thương tích gì?
- Ông bác sĩ Prunk sẽ chẩn đoán được thôi.
Tarzan nói rồi xốc nách Kolbe lên chiếc xe đạp đua, Trong khi Karl giữ xe. Bằng phương tiện cấp cứu đơn giản và độc đáo như thế, bốn đứa kèm Kolbe đến trước tòa nhà số 4 quảng trường Frischmeier. Đồng hồ tay của Tarzan lúc này chỉ đúng 15 giờ 43 phút. Tarzan vác gã như vác một tạ gạo đi lên tầng hai. Karl đẩy cánh cửa. Cô y tá trực rú lên the thé. Tarzan vội trấn an cô ta:
- Chị đừng sợ. Ông ta còn sống, nhưng có lẽ là một ca cấp cứu nghiêm trọng đó. Bịnh nhân quen của ông bác sĩ Prunk.
- À, tôi… tôi nhớ rồi. Có… có lẽ… cậu hãy đưa ông ấy vô căn buồng KHÔNG ĐƯỢC VÀO ấy.
Tarzan thả kẻ bất tỉnh lên chiếc giường nhỏ phủ khăn trắng. Hắn quay ra báo với cô y tá:
- Chúng tôi sẽ đợi ở phòng chờ. Chị vào báo cho ông sếp của chị đi để chúng tôi còn cung cấp các chi tiết cụ thể hơn.
Cô phụ việc lúc này đã tương đối hoàn hồn. Cô ta ba chân bốn cẳng vọt đến phòng khám, gõ cửa.
Nhiệm vụ bước đầu của Tứ quái coi như xong. Bốn đứa đi lại phía phòng chờ. Gaby đẩy cửa bước vào trước. Cô bé vồn vã:
- Ủa, xin chào bà Bonzemann.
Đúng là phu nhân của tay thầu khoán. Trong phòng chờ chỉ có mình bà. Tarzan lễ phép:
- Chắc bà giận cháu, vì hôm qua cháu đã cảnh cáo ông chồng bà. Dĩ nhiên là có lí do tụi cháu mới phải có thái độ thiếu tế nhị như vậy bà ạ. Và điều đó không dính dáng gì tới bà cả, thưa bà. Ông chồng bà muốn dọa dẫm ông bà Wihold để mua lại ngôi nhà tổ tiên của họ. Ông ta đã sử dụng một tên tay sai nào đó chọc thủng bốn bánh xe ô-tô của ông bà Wihold. Bà có biết chồng bà thường giao những việc bẩn thỉu này cho ai không, thưa bà Bonzemann?
Người đàn bà càng lắng nghe càng sửng sốt:
- Có thật là cậu chờ đợi ta trả lời câu hỏi này không?
- Không, cháu không đợi điều đó, thưa bà.
- Thế sao cậu lại chất vấn ta?
- Tụi cháu muốn biết bà tham gia đến mức nào vào những việc làm của ông nhà.
- Ta không hiểu tí gì về công việc làm ăn. Và về nguyên tắc, ta không dính vào.
Gaby bổ sung:
- Tụi cháu chống lại sự bất công. Mà hình như chồng bà lại luôn gây ra điều đó. Cháu lấy làm tiếc phải nói với bà như vậy.
Người đàn bà bất hạnh nhìn vào cuốn tạp chí trên tay, ân cần hỏi Gaby:
- Tai cháu bình thường chứ? Hay lại có gì trục trặc?
- Dạ không ạ. Tụi cháu đưa tới đây một trường hợp cấp cứu.
Bà Bonzemann đưa hai tay ôm đầu:
- Thời tiết này khiến ai cũng bị bịnh. Ta cũng đang bị nhức đầu như búa bổ đây. May mà ông bác sĩ Prunk đã nghĩ ra cách điều trị cho ta bằng phương pháp thôi miên.
Tarzan sáng mắt:
- Thôi miên ạ?
- Phải, ông ấy thôi miên cho ta.
Tròn Vo toét miệng cười:
- Bà có hay bị mất tiền không ạ, gần đây ấy?
- Cậu hỏi vậy nghĩa là sao?
Karl giải thích:
- Bạn cháu sợ rằng vài ngàn mark của bà không cánh mà bay, một cách không sao giải thích nổi, ấy mà.
Tarzan đánh trống lảng:
- Willi thỉnh thoảng vẫn hay đùa tếu, và Karl thì ưa hùa theo đấy thôi, thưa bà Bonzemann. Tụi cháu…
Bỗng một tiếng kêu rống lên từ phòng khám khiến Tarzan phải bỏ lửng câu nói, phóng ra.
Cửa phòng đó mở. Cô phụ việc thất thần nép bên khung cửa.
Kolbe đã tỉnh. Gã đang ngồi trên giường khám, hai tay túm chặt lấy chiếc áo blu trắng của một người đàn ông cao lớn. Mắt người đàn ông lúc này hầu như lòi khỏi tròng.
Kolbe rú lên:
- 15 giờ 52 phút rồi hả? Khôôông! Trong… trong… ba phút nữa, tòa nhà này sẽ tan thành đống gạch vụn!
Người đàn ông có mái tóc nâu xám chính là bác sĩ Prunk. Lão gào lớn trong cuộc thi hét với Kolbe:
- Cááái gì? Tại sao?
- Booom. Bộc phá. Tôi… đã…
Mắt gã trợn ngược chỉ toàn lòng trắng. Gã ngã ngửa, một lần nữa lại bất tỉnh. Viên bác sĩ bây giờ mới hiểu thế nào là trời sập đến nơi, lão đảo mắt sòng sọc hết nhìn cô gái phụ việc lại nhìn Tarzan. Ông ta có cặp mắt của một nhà thôi miên, nhưng để làm con quỷ thì ông ta lại quá sáng sủa.
Tarzan điềm tĩnh:
- Nếu sự thực đúng như lời Kolbe nói thì chúng ta phải sơ tán mọi người ra khỏi tòa nhà ngay lập tức. Tôi sẽ làm chuyện này. Còn việc của ông là làm anh ta tỉnh lại để anh ta chỉ xem trái bom đặt ở đâu.
Tarzan quay gót là đụng độ ngay… ba quái. Karl, Kloesen, Gaby đã đứng sau lưng hắn tự hồi nào. Tròn Vo gầm gừ:
- Chắc chắn thằng cha ó đâm Bonzemann đứng đằng sau vụ này. Lão muốn giật sập tòa nhà chung cư để nhận thầu xây cất lại chớ gì nữa.
Tarzan ngó vào phòng đợi:
- Chạy mau, bà Bonzemann! Tòa nhà sẽ nổ tung trong hai phút rưỡi nữa!
Trời đất! Nhiệm vụ hắn giao cho bác sĩ Prunk coi như vô ích. Lão Tai Mũi Họng ham sống sợ chết đã cùng cô y tá chạy bán mạng. Cuối cùng Tarzan đành phải chui vào phòng khám vác Kolbe vẫn còn mê man lên vai. Giọng hắn hổn hển trên cầu thang:
- Các bạn làm ơn báo động cho những người người khác.
Gaby thảng thốt:
- Không thể nào kịp, đại ca ạ.
Khi Tứ quái thoát khỏi vùng nguy hiểm thì Prunk và cô y tá phụ việc đã bỏ xa chúng hơn 20 mét, nhằm khoảnh vườn nhỏ chính giữa quảng trường. Bà Bonzemann cũng nhằm nơi đó. Tứ quái theo họ.
Tarzan nhanh chóng đặt Kolbe xuống lớp cỏ dày và lộn ngược lại.
- Đi với tao, quân sư.
- Ô-kê, có tao đây.
Tarzan và Máy Tính phóng như bay. Tarzan vừa nói vừa thở dốc:
- Phải báo động cho tất cả những ai còn ở trong tòa nhà, cách tốt nhất là tụi mình phải hô biến ra hai chục ngón tay…
Karl hầu như hết thở nổi. Nó thều thào:
- Hơn 20 chục cái nút trong khi thời gian chỉ còn một phút rưỡi. Tao hi vọng thằng khủng bố gài bom lộn giờ, chớ kiểu này bọn mình dám tiêu đời như chơi.
- Lẹ lên quân sư, giờ này đâu phải giờ làm phép tính.
Thế là hai thằng tự huy động các ngón tay múa thật nhanh như làm xiếc trên các nút chuông truyền âm đủ hình đủ kiểu dáng. Trời ạ, một loạt tiếng gào từ bên trong các căn hộ vọng ra:
- Ai? Việc gì? Muốn quậy à?
Tarzan hơi đâu mà để ý sự bát nháo của thiên hạ, hắn rùn người xuống nói rõ ràng từng tiếng:
- Các vị hãy rời khỏi tòa nhà tức khắc. Bom sẽ nổ trong khoảng 90 giây nữa. Hãy di chuyển khỏi nhà và báo tin cho mọi người xung quanh.
Hắn chờ đúng ba giây và nhắc lại lần thứ hai. Karl bắt đầu toát mồ hôi hột:
- Mình phải rời khỏi đây thôi đại ca. Không được chần chờ nữa.
Tarzan nhắc lại lời báo động lần thứ ba.
Vã mồ hôi vì sợ, Karl ra sức bấm tất cả các nút.
Họ đổ xô ra kia rồi. Hàng chục người túa ra cửa chính, nháo nhác vọt qua mặt hai quái và liệng lại vô số những lời xầm xì.
- Hình như đúng đấy.
- Chứ sao, chúng kia kìa. Nếu là đùa cợt, chúng đã bỏ chạy.
- Bom, bom à? Lại bọn khủng bố đây mà.
- Mưa mới khổ! Mà tôi lại vừa đi uốn tóc hôm qua.
- Lạy Chúa! Hai cậu bé kia đã cứu sống chúng ta….
Mọi người vẫn lục tục kéo ra. Tarzan nhắc tiếp:
- Các vị hãy rời khỏi…
Karl bủn rủn cả tứ chi. Giọng nó méo xệch:
- Có lẽ tao với mày sẽ là hai nạn nhân duy nhất. Mày không thấy tòa nhà vắng hoe sao Tarzan?
Tarzan ngoái cổ lại. Đúng là chung cư đã hết người. Trên khoảnh vườn giữa quảng trường hơn một trăm nhân mạng đang nhìn về tổ ấm của họ. Một rừng ô được giương lên che mưa. Tarzan thở phào. Hắn cười đắng nghét.
- Chạy!
Hai đứa cắm đầu cắm cổ mở hết tốc lực phi nước đại. Chúng vọt vừa được mươi bước chân thì bom nổ ở tầng một của tòa nhà số 4 quảng trường Frischmeier.