Tarzan mở hé cánh cửa phòng chờ: một bệnh nhân mới từ ngoài bước vào hành lang. Một thanh niên cao lớn chừng 25 tuổi mà trên đầu chỉ còn lơ thơ vài sợi tóc như những hòn đảo chơ vơ trên biển. Bộ mặt đỏ bị lấp gần hết bởi bộ râu rậm. Anh ta cất giọng như sấm:
- Chào cô! Tôi có hẹn.
- Xin ông cho biết quý danh.
- Bernd Kolbe.
Gaby thì thầm bên tai Tarzan:
- Gã này thường lui đến chung cư của cô Julia, cô giáo dạy ghi-ta cho mình ấy. Hình như gã có bà con họ hàng với một bà cụ cùng tầng lầu với cô giáo.
Cô y tá nói với Kolbe:
- Phiền ông đợi cho một lát. Không, ông đừng vào phòng chờ. Phòng này kia.
Nói rồi cô ta chỉ cho người thanh niên vào phòng có cánh cửa đề “KHÔNG ĐƯỢC VÀO”.
Cái áo khoác Kolbe mặc đen như lông quạ.
Bịnh nhân tiếp theo Kolbe là một phụ nữ có đôi mắt phảng phất buồn. Ồ, bà ta chưa hẳn là một bịnh nhân, bằng chứng là cô y tá đon đả:
- Chào bà Bonzemann, bác sĩ Prunk đang khám cho ông nhà ạ. Tôi sẽ báo ngay.
Một phút sau, cô ta đề nghị bà chờ một lát.
Người phụ nữ có vẻ mặt dễ mến ngồi xuống băng ghế dài cùng với Gaby. Dáng điệu bà thon thả và quý phái, bộ trang phục Italia trên người bà được cắt theo kiểu thanh lịch nhất, mái tóc màu lúa chín đẹp rực rỡ, chỉ trừ… đôi mắt. Trời ạ, đôi mắt xám như long lanh hai giọt lệ.
Gaby đột ngột tuyên bố:
- Mình lại nghe được rồi!
Tarzan vờ sửng sốt:
- Cả hai tai chứ?
- Ừ, cả hai.
Bà Bonzemann vừa lấy một tờ tạp chí, đang định đọc thì dừng lại, dịu dàng hỏi:
- Hồi nãy cháu bị ù tai à?
Tarzan trả lời hộ bạn:
- Dạ, cô ấy đột nhiên bị tai trước giờ học ghi-ta có nửa tiếng khiến cháu hoảng quá phải đưa đến chỗ này.
Bà Bonzemann mỉm cười:
- Tôi chơi pi-a-nô. Còn cậu?
- Bóng chuyền ạ.
- Đó là nhạc cụ của đám con trai hiếu động.
- Bà ví von hay quá, thưa bà.
Gaby bắt đầu tham gia. Cô bé lái nội dung câu chuyện:
- Có lẽ cháu sẽ thuyết phục Tarzan tập chơi một loại nhạc cụ nào đó. Bạn bè cùng sở thích với nhau mới… lâu dài được. Chắc chồng bà cũng chơi nhạc, thưa bà?
Một bóng đen thoát lướt qua gương mặt người đàn bà:
- Tiếc là không. Ông ấy… hoàn toàn không có chút nhạc cảm nào. Đáng tiếc. Con người ta, mỗi người mỗi khí chất. Tôi cũng nghĩ như cháu: cùng luyện đàn, niềm vui do âm nhạc đem lại sẽ nhân lên gấp bội.
- Cháu chỉ vừa mới theo học ghi-ta. Khi nào chơi khá hơn, cháu rất muốn được cùng hòa tấu với bà.
Nghĩa là người ta bắt “bệnh nhân cấp cứu Gaby” đợi nữa đó – nếu quả thật cô là bịnh nhân. Thật kì cục.
Tarzan đứng dậy, bảo Gaby:
- Mình nói luôn với ông ta đây. Để ra cầu thang càng khó nói.
Rồi hắn quay sang Bonzemann:
- Ông vẫn nhớ chứ ạ? Chúng tôi đã có mặt tại nhà ông bà Wihold khi ông hăm he họ. Chúng tôi cũng đã thấy ông truyền đạt điều gì đó và dúi tiền cho anh em Alch. Vì quyền lợi của chính ông, tôi yêu cầu ông rút ngay ý định hãm hại ông bà Wihold, nếu không hai tên đánh thuê của ông sẽ bị nhóm TKKG trừng trị đích đáng. Anh em nhà Alch đã bị chúng tôi cảnh cáo, phần ông, chẳng bao giờ ông chiếm được căn nhà hương hỏa của ông bà Wihold đâu. Họ được đặt dưới sự bảo vệ của chúng tôi!
Vậy là xong.
Tarzan cầm tay Gaby. Hắn mỉm cười với bà Bonzemann khi ấy đang tròn xoe mắt, rồi hai đứa đi qua con sói già trong giới thầu khoán, ra cửa.
Lão vẫn đờ người. Mặt dần đỏ tía lên.
Cô y tá ngạc nhiên:
- Tại sao hai cô cậu không chờ chút nữa?
- Gaby lại nghe được rồi. Chúng tôi không cần phải khám nữa. Cảm ơn chị.
Gaby cười tươi như để chứng tỏ mình đã mắt tinh tai thính như thường.
Hai đứa biến nhanh như chớp.
*
Karl và Tròn Vo đã đợi nãy giờ tại quảng trường chợ. Tại đó, Tarzan thuật lại cho hai thằng nghe những gì hắn và Gaby đã chứng kiến. Tròn Vo nhịp nhịp chân:
- Lỡ tụi Alch vẫn cứ thi hành lệnh của Bonzemann thì sao? Chúng sẽ làm gì nhỉ?
- Đại ca còn quên con chó của họ nữa kìa. Chúng dám giết con cẩu của họ lắm.
Gaby giật mình:
- Ờ, vậy mà mình không nghĩ ra. Phải báo động ngay cho ông bà Wihold mới được.
Karl bàn:
- Có lẽ mình nên khuyên ông bà ấy tạm gửi nó vào trại thú chăng?
Tứ quái kéo đến một trạm điện thoại gần đó. Người cầm máy bên kia đầu dây là bà Kathi. Tarzan nói:
- Cháu Tarzan đây ạ. Thưa bà Wihold, tụi cháu buộc phải báo động cho ông bà. Bonzemann đã kiếm được hai tên côn đồ. Tụi cháu đã cảnh cáo hai thằng đó. Và cũng đã nói chuyện nghêm chỉnh với Bonzemann. Nhưng tụi cháu không thể biết liệu có kết quả gì không.
- Tôi hiểu. Nghĩa là người ta sẽ phá chúng tôi.
- Chúng có thể tìm cách khủng bố con Struppi. Tụi cháu vừa sực nhớ ra điều này.
Hắn cảm thấy bà Kathi nghẹt thở:
- Ý cháu là…
- Chúng dám bắt cóc con Struppi để gây sức ép với ông bà. Thưa bà Wihold, có lẽ bà nên tạm gửi con chó ở một chỗ nào đó càng sớm càng tốt.
- Lạy Chúa, chẳng lẽ lại đưa Struppi vào trại thú?
- Thế tốt hơn đấy ạ. Ở trại thú, người ta nuôi nấng rất kĩ, có khi con chó lại có bạn nhiều hơn.
- Cảm ơn cháu đã báo cho chúng tôi. Có lẽ chúng ta cần phải báo cảnh sát.
- Cảnh sát chưa thể làm gì được Bonzemann. Chúng ta chưa có bằng chứng cụ thể nào. Tất nhiên Gaby sẽ báo cho ba bạn ấy. Có thể sẽ tốt hơn nếu thỉnh thoảng xe tuần tra lại chạy qua phố của ông bà chăng.
- Cảm ơn cháu. Tôi sẽ suy nghĩ.
Tarzan gác máy. Hắn có cảm giác mơ hồ rằng bà Kathi Wihold sẽ làm một cái gì đó, theo cách của bà.
*
Julia Pritznitzky, cô giáo dạy nhạc 24 tuổi của Gaby sống ở phố Hebel.
Sau khi cả bọn dựng xe, Gaby bảo bọn con trai đứng chờ. Cô bé chỉ định chạy vào khoe với cô Julia chiếc đàn mới.
Tarzan bâng quơ quan sát mấy dinh thự cao từ sáu đến tám tầng đứng sát nhau hai bên phố Hebel.
Một người đi qua đường đang nhằm đúng cổng nhà mà Gaby đi vào ban nãy. Anh ta có bộ mặt hồng hào, bộ ria rậm vàng hoe. Trên đầu lơ thơ vài chỏm tóc.
Tarzan nhớ ra ngay lập tức. Anh ta đích thị là Bernd Kolbe, bệnh nhân của bác sĩ Prunk.
Một cái nhìn sắc lẻm lướt qua ba quái.
Rồi Kolbe đi vào nhà. Tròn Vo hỏi:
- Chồng cô Julia Pritznitzky chăng?
- Không. Cô giáo dạy nhạc còn độc thân. Tay này theo lời Gaby thì hình như có họ hàng gì với bà hàng xóm của cô giáo.
Cả đám thở phào lúc Công chúa quay ra. Cô bé nói tươi rói:
- Cô Julia chịu cây đàn lắm. Mình đã để đàn lại để cô chỉnh dây.
Khi bốn đứa lên xe đạp cũng là lúc Kolbe ra khỏi tòa nhà.
Anh ta nhìn chằm chằm xuống đất, nắm chặt hai tay như đang nguyền rủa ai. Kì cục!
*
Căn hộ ốc tiêu của Bernd Kolbe chỉ có một cửa sổ duy nhất nhìn ra sân sau. Cái sân vỏn vẹn chín mét vuông nên dù muốn dù không, tầm mắt hai gã đàn ông đều vướng những bức tường cao xám xịt của các tòa nhà chọc trời lân cận. Còn phải hỏi, Kolbe thì quanh năm không nhìn thấy nắng trời rồi, nhưng chiến hữu của gã, Manfred Tiggel tự Mép Giật, lần nào tới đây cũng thấy khó chịu vì điều đó. Mà càng cấm cảu ngó ý càng khó thương. Ngoài cái tật mép cứ giật liên hồi, cả hai hàm răng của Tiggel còn đua nhau vổ ra, lúc nào cũng như ngậm củ khoai tây trong mồm.
- Không thể được. Xe của hãng chở tiền “Knete và Manni” thì có trời phá. Đã có bốn vụ cướp thì thất bại cả bốn. Xe toàn thép và kính chống đạn. Không, Bernd ơi! Quên giùm tao vụ này đi.
Kolbe cười khẩy. Hắn nghía cái mép giật liên hồi của thằng chiến hữu cùng năm sinh để ước lượng sự can đảm trong y. Tiggel vốn là thợ làm nón có nghề, nhưng từ lâu đã chuyển sang ngạch tống tiền và lừa đảo.
Kolbe khinh bỉ:
- Mày nói vớ vẩn gì vậy? Chỉ giỏi trấn lột các bà già thôi sao? Cần phải có ý chí vươn tới các vụ tầm cỡ nữa kìa.
- Tao biết tao có thể làm được những gì.
- Mày thì biết chó gì.
- Ít nhất tao cũng biết rằng hãng chuyên chở tiền “Knete và Manni” là hãng áp tải có uy nhất trong mọi hãng. Bởi vậy mà phần lớn các nhà băng, hãng bảo hiểm, hiệu kim hoàn, các công ti lớn mới nhờ cậy “Knete và Manni” chở tiền chớ.
- Nhưng cũng chính bởi thế nên tụi mình mới có bộn tiền mà nẫng. Tối thiểu cũng một triệu. Có khi hẳn hai triệu, hoặc nhiều hơn kia.
- Ma quỷ ạ, mày có phép thền thông à?
- Chẳng tà thuật gì ráo. Tao sẽ tấn công từ bên trong. Đúng là mọi vụ tấn công từ bên ngoài đều thất bại. Nhưng nếu một trong hai tài xế chở tiền thông đồng thì thắng lợi là cái chắc.
- Rõ rồi. Nhưng tụi mình có quen thằng tài nào đâu?
Kolbe nhe răng cười, bộ ria hoe vểnh lên:
- Tao đếch cần nội tuyến. Chính tao sẽ là một trong hai thằng tài xế ấy.
- Mày nói gì?
- Ha ha, sau khi một cánh cửa xe bọc thép bật mở do sơ suất tí xíu của tao thì mày sẽ nhào lên với “chó lửa” trên tay. Mày trấn áp chúng tao và nẫng số tiền triệu trên xe đi.
Mép Tiggel giật như máy. Y sướng rên người:
- Mày… mày… vô làm lái xe cho hãng “Knete và Manni” từ lúc nào vậy?
- Chưa. Nhưng họ đang cần một lái xe mới. Và họ sẽ nhận tao.
- Giỡn hoài, Bernd. Mày làm tao cụt hứng đó.
- Họ đang tìm một người khỏe mạnh, không có tiền án tiền sự, đáng tin cậy và không qua 35 tuổi. Tao đã nộp đơn xin việc và ngày kia phải đến trình diện.
- Trời đất! Tối thiểu sẽ có một trăm thằng đàng hoàng hơn mày ghi danh.
Kolbe tỉnh queo:
- 42 người! Một cô ả ở văn phòng xì ra cho tao biết như vậy. Và bọn chúng sẽ bị loại chỉ còn độc mình tao, ha ha ha…
- Trời đất. Tao đếch tin nổi.
- Mày phải tin, Mép Giật ạ. Bởi vì ngày kia tao sẽ trở thành… người hùng. Toàn thành phố sẽ biết mặt cũng như đại danh của tao. Và gã trưởng phòng nhân sự của “Knete và Manni” sẽ không thể bỏ qua tao được.
Tiggel dài mồm ra, mép lại giật giật:
- Ra mày tính như vậy đó. Nhưng bằng cách nào đây?
- Khó gì. Bernd Kolbe này sẽ cứu hàng chục mạng người trước một cái chết cầm chắc. Hiểu chưa con?
- Tao vẫn chưa hiểu gì cả.
- Mày biết tòa nhà số 4 ở quảng trường Frischmeier không? Năm ngoái tao còn làm quản lí cái chung cư khốn kiếp ấy. Trong đó hầu hết là văn phòng của bọn khá giả: bác sĩ, luật sư… Hồi nãy tao vừa ghé phòng khám tai mũi họng của bác sĩ Prunk ở đó…
Tiggel kêu lên sửng sốt:
- Cááái gììì? Lão Prunk đấy à? Tao là bịnh nhân trong tù ngày xưa của lão đây. Lão từng làm bác sĩ trong nhà tù còn tao thì bỗng nhiên không nghe thấy gì vì lỗ tai đầy ráy. Lão chữa tai, mũi, họng xịn lắm. Hiện nay tao đang được lão điều trị bằng thôi miên vì chứng… viêm xoang.
Kolbe nhướng lông mày:
- Thì tao có khác gì mày, tao cũng nhờ lão thôi miên mới sáng suốt như thế này chớ.
- Ờ há, bá cháy thiệt. Sau mỗi lần lão làm phép tao thấy mình cứ như là một người khác.
- Tuy thế, phòng khám của lão vẫn cứ nằm trong mục tiêu của tao. Ai bảo bác sĩ Prunk ngu ngốc chọn địa điểm tao chấm làm chi. Tao sẽ hủy diệt toàn bộ chung cư cao tầng đó để trở thành người hùng.
- Tao tưởng mày tính cứu người kia mà.
- Nghe đã nào, Tiggel. Chẳng có đứa nào trong tòa nhà đó bị xóa sổ hết, dù ngày mai tao sẽ đặt một trái bom nổ chậm ở tầng một. Tao là quản lí cũ nên biết đường đi nước bước tòa nhà như biết chỉ tay của tao. Tao sẽ đặt cái hộp các-tông đó trong căn phòng bỏ trống – một hộp các-tông lớn chứa đủ chất nổ có thể làm cả tòa nhà bay lên không trung. Ha ha.
- Li kì quá hả.
- Chớ sao. Có điều vụ nổ sẽ không xảy ra. Bởi đã có thằng Kolbe này ngăn chặn. Tao sẽ chế tạo ra câu chuyện một tên khủng bố nào đó đang thông báo cho đồng bọn trong điện thoại, và tao đã tình cờ nghe được tuốt luốt, cả thời gian, cả địa điểm đánh bom… Cố nhiên tao sẽ thông báo cho cớm. Rồi tao sẽ cố tình đến mục tiêu vào lúc quả bom sắp “bùm” để thêm phần gay cấn. Với khoản thời gian eo hẹp đó, tao sẽ dùng cả tứ chi bấm cho bằng hết các nút chuông cửa và gào như cha chết vô hệ thống truyền âm rằng bom sắp nổ. Ha ha ha, mày sẽ thấy lũ người ngợm trong nhà phi ra phố nhanh cỡ nào. Rồi đúng lúc ấy bọn cớm được tao báo tin cũng hụ còi inh ỏi. Mọi thứ được phối hợp uyển chuyển vậy đó. Ờ, mà có lẽ cứ để tòa nhà tan ra như cám lại hơn. Vì tao đâu có biết “bọn khủng bố” đặt bom ở vị trí nào trong nhà, hả. Bọn cớm sẽ tin như vậy. Và người hùng Kolbe càng có giá hơn.
- Mày thật là… Không được đâu, Bernd.
- Tại sao không?
- Tao sợ lão Prunk chết trong đống gạch vụn. Lão mà tử thì lấy ai thôi miên cho tao bây giờ?
- Mày muốn có hai triệu hay muốn được lão bác sĩ thôi miên hả?
- Mày có lí. Thì hi sinh tòa nhà chứ sao!
Kolbe xoa cằm:
- Vậy đó. Một màn kịch hoàn hảo. Mọi người được tao cứu sống còn tòa nhà thì tan tành. Ha ha, báo chí sẽ chụp hình tao và đưa lên trang nhất. Khi ấy đại cứu tinh Bernd Kolbe sẽ có thể ung dung bước vào cửa chính hãng “Knete và Manni” trước cặp mắt rầu rĩ của 42 thằng vỡ mộng làm tài xế.
- Mày đúng là… thông minh nhất nam tử. Tao xin bái phục. Tao được hưởng ơn mưa móc cũng nhờ mày. Mày lo được bom rồi chứ?
- Ờ. Tao mua chịu của một thằng làm bom chuyên nghiệp.
- Hả? Nó cho mày nợ ư?
- Nợ đến hai mươi giờ tối nay thôi. Tao đang cần 3.000 mark để chung cho nó đây. Mày có tiền không?
Mép Giật nhăn nhó:
- Giỡn hoài. Mày thừa biết tao làm gì có tiền.
- Thôi được. Tao sẽ lo đủ số tiền. Từ bà dì Johanna Demschlag của tao. Bà ấy sống ở phố Hebel, tầng sáu, rất giàu.