Hủ Mộc Sung Đống Lương

Chương 518: KHO TÀNG GIÁ BĂNG

Trước Sau

break
Rudigo điên tiết chỉ muốn xô bàn xông đến bóp cổ hai cô gái. Khủng khiếp, bọn chúng cứ tán hươu tán vượn toàn chuyện trên trời dưới đất trong khi gã ngồi đây sợ toát mồ hôi. Hãy coi tên bồi đang chòng chọc nhìn ta kìa. Mẹ kiếp, hình như nó đang nghi ngờ ta một cái gì đó.

Rudigo vẫy tay gọi người bồi để… xoa dịu. Gã gọi vại bia thứ tư và li rượu thứ ba. Lúc này trong nhà hàng cũng như ngoài sân chỉ còn vài người khách. Mấy người phục vụ nhàn rỗi đi đi lại lại.

Đúng lúc Rudigo tuyệt vọng nhất thì tiếng Susi vang lên:

- Xin lỗi, đợi mình một chút xíu.

Susi bước thẳng đến nhà vệ sinh nữ khiến Rudigo nhẹ người. Gã vội vàng nói:

- Tính tiền lẹ lên.

Chà, không biết con bé rút trong toilette bao lâu đấy? Trời, trên tay ta đang sờ sờ cái bóp của Mair-Chateaufort. Rudigo hoảng vía. Gã xì tiền boa cho người bồi hậu hĩnh chưa từng thấy và… từ từ lách theo hàng cọ để đi. Khi cánh cửa sau lưng đóng sập, gã mới trút gánh nặng thở phào.

Thôi, xin từ biệt khách sạn Kur. Chào luôn thị xã Fasslift. Bái bai xứ sở này. Ngày mai chân dung gã sẽ chường trên mặt báo. Vậy thì “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”.

Rudigo lên tầng ba kiếm buồng 311 đã dặn sẵn. Phòng sạch sẽ ngăn nắp quá. Giá mà từ đây đi vơ vét các buồng khác thì thật tuyệt, nhưng nếu không muốn bị tóm cổ thì ngay bây giờ thì phải tìm cách đánh bài chuồn.

Gã quay số điện thoại về đài dự báo thời tiết bang Bayern. Sau khi nghe đĩa trả lời chừng năm phút, gã để ống nghe bên cạnh máy, đi rửa mặt mũi chuẩn bị cuốn gói. Rửa ráy xong, gã đặt phôn vào vị trí cũ. Rõ ràng gã đã làm việc bằng điện thoại và bây giờ có quyền xuống nhà thanh toán tiền bạc để lên đường.

Rudigo hài lòng khóa cửa. Khách sạn bên dưới vắng tanh không thấy một ai. Tuyệt. Ngồi trực phòng tiếp tân vẫn là tay nhân viên cũ.

Gã gãi đầu:

- Xui xẻo thiệt, tôi không có duyên nợ với khách sạn Kur. Tôi vừa phôn tới Nurmberg và được cho hay hãng cần triệu tôi gấp. Tôi đã bảo rằng họ cần phải tự giải quyết công việc khi không có tôi, ít ra là trong ba ngày nay. Ấy thế mà chẳng có ai dám đứng ra nhận trách nhiệm cả. Hôm nay rõ ràng tôi không gặp may. Hồi chiều bị mất va-li, bây giờ thì… anh bạn làm hóa đơn cho tôi vậy.

- Thưa ông chúng tôi rất lấy làm tiếc. Ông chưa ở ngày nào, trừ việc gọi điện thoại. Tôi chưa biết tính sao cho ổn. Ông có đồng ý thanh toán tiền ngủ qua đêm nay không ạ?

- Tất nhiên, tất nhiên.

Rudigo nhanh nhẹn dúi mớ tiền vô tay người trực. Gã không dám nấn ná thêm một phút nào nữa. Báo phát hành lúc bốn giờ sáng mai. Khách sạn sẽ là nơi đầu tiên nhận được báo ngày và chân dung gã trên báo hẳn sẽ làm gã nhân viên này trợn mắt. Gã nói cho qua ải:

- Bây giời tôi sẽ gọi ta-xi đi Muychen và từ đó đi tàu hỏa. Công việc của hãng ngập đầu. Chào.

Một lúc sau Rudigo đã chễm chệ trên ta-xi và kêu tài xế dừng lại ở công viên có băng ghế đá hồi nãy. Gã xuống xe mà hai mí mắt cứ híp lại vì buồn ngủ, những vại bia uống liền tù tì đã có tác dụng. Nhưng vừa đặt lưng xuống băng ghế tối om, gã đã nhổm lên vì… hoảng. Không được. Nằm đây đụng cảnh sát đi tuần tiễu hốt về đồn thì sáng mai chỉ có tỏi.

Gã lê tấm thân mệt mỏi dọc các phố xá, qua những ngôi nhà tối mù mù, qua nhiều mảnh vườn nho nhỏ. Bỗng nhiên hai bên đường không còn ngôi nhà nào. Gã đã ra tới cánh đồng.

Rudigo mò mẫm cố phát giác một nhà kho nào trên cánh đồng để ngủ qua đêm. Nhưng gã đi hết con đường lại là một nghĩa trang. Gã đứng lại trước một bức tường. Sau bức tường ẩn hiện những ngôi mộ. Không khí mát lạnh bốc lên từ lòng đất. Gã lại rùng mình. Chẳng lẽ cuối cùng mình đành làm bạn với những con ma hay sao?

Tiếng dế kêu lanh lảnh, hương thơm từ những bông hoa trong nghĩa trang lan tỏa tạo một cảm giác dễ chịu. Rudigo đi tới chiếc cổng sắt lắc lắc nhưng cổng không nhúc nhích.

Rudigo nghĩ, đêm nay khô ráo và lạnh, gã có thể ngả lưng trên một tảng đá nào đó được quá đi chớ. Ở đây chẳng khác gì một căn phòng mở hết cửa sổ. Không biết người bạn câm lặng dưới mồ có bực mình khi gã ngáy khò khò không đây?

Gã nhổ nước bọt vào lòng bàn tay và leo qua tường rào. Đường đi trong nghĩa trang rải sỏi, vang lên những âm thanh sào sạo. Rudigo bước từ từ sợ sa chân xuống một lỗ huyệt đã đào sẵn. Gã dò dẫm khoảng một trăm mét thì cụt đường. Tại đây gã thấy một tấm bia cao gần đầu người, bên dưới là một phiến đá lớn, rộng như một chiếc giường đôi.

Rudigo cởi chiếc áo ngoài gấp làm gối và nằm duỗi thẳng chân thoải mái.

Mai mình sẽ là người đầu tiên có mặt ở ga… Gã chỉ kịp nghĩ như vậy trước khi chìm vào giấc ngủ mê mệt.

*

Tarzan cất chiếc khăn lau tay và đi vào phòng khách lớn. Ông Holmann vẫn chúi đầu vô tờ báo. Ông không ưa những tin thời sự quốc tế, ông nhăn mặt khi đọc những tin chiến sự hoặc bạo lực xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.

Tarzan lo lắng:

- Cháu nghĩ rằng hai bà cháu đã đi hơn mười sáu phút.Trong khi đoạn đường chỉ hai cây số ngắn ngủi.

Vị bác sĩ già ngẩng đầu lên:

- Họ vẫn chưa gọi điện thoại cho cháu à? Có thể họ quên, mà bà Pauline này hay chọc tức bác lắm.

- Thật thế hả bác?

- Còn phải hỏi. Chính vì bị chọc quê liên tục mà đến nay bác vẫn chưa chính thức ngỏ lời cầu hôn bà Pauline. Bác biết bà ấy mê bác như điếu đổ, nhưng bác định tới 80 tuổi mới ngỏ lời.

Tròn Vo góp chuyện:

- Cháu nghĩ rằng là vợ của dượng, bà ấy có quyền thừa kế. Cháu không thắc mắc gì cả. Nhưng tại sao dượng còn muốn tìm hiểu cháu?

- Khỏi lo Willi ạ, bà Pauline giàu lắm. Bà ấy chẳng thèm đến tài sản của tao đâu. Mày vẫn là một đối tượng mà tao cần đầu tư lâu dài.

Tarzan cảm thấy sốt ruột. Hắn không dư thì giờ nghe cuộc đấu khẩu của hai dượng cháu Kloesen.

- Cháu muốn gọi điện thoại cho bà Pauline, thưa bác Holmann.

- Có gì khó đâu. Cháu cứ việc quay số. À à, để ta đọc số phôn…

Sau khi vị bác sĩ già đọc số phôn, Tarzan nhấc máy. Trời đất, bên kia đầu dây chỉ có tiếng máy thưa mà không có người nhấc máy.

Hắn buông máy thở nặng nề:

- Bác cho cháu mượn cái đèn pin. Đã mười tám phút rồi, cháu phải chạy sang bên đó mới được.

Holmann ngạc nhiên:

- Cháu chu đáo quá, thôi được. Lấy chiếc đèn pin trên kệ dùm dượng, Willi.

Hai quái Karl và Tròn Vo đòi theo, nhưng Tarzan gạt đi.

Tarzan mặc quần Jeans, áo phông và đi đôi giày thể thao. Hắn hứng bóng tối một lúc cho quen mắt rồi bắt đầu chạy. Không cần bật đèn pin, hắn cũng biết mình phải rẽ về ngõ nào. Từ bốn phía côn trùng đồng quê bay tới tấp vào mặt hắn, cũng may hắn hít thở rất bài bản, hít bằng mũi, thở bằng mồm nên chẳng bị một con bù mắc hay ruồi muỗi nào chui tọt vào miệng. Ban đêm ruổi vó băng băng, Tarzan nghe cả tiếng chim ăn đêm bay xào xạc.

Sau khi chạy khoảng một cây số, Tarzan hết hồn vì thấy một vật gì đứng lù lù. Hắn bối rối bật đèn pin và há hốc mồm trước chiếc xe hơi mini của bà Pauline bị đổ nghiêng sang một bên. Trời ạ, hai bà cháu đã bất tỉnh rồi chăng? Tarzan nhìn vào buồng lái và cực kì kinh dị khi thấy bên trong không có ai hết. Ngay cửa kính ô-tô cũng chẳng hề sứt mẻ.

Phía xa xa ngôi nhà bà Pauline le lói ánh đèn.

Tarzan tăng tốc độ chạy. Gần về đến đích thì hắn đụng độ hai bà cháu vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ.

Tarzan kêu to để hai người khỏi giật mình:

- Cháu đây.

Bà Pauline giật mình rơi điếu thuốc vừa cắm lên miệng:

- Ồ, Tarzan.

Bà bấm tay Gaby:

- Tarzan lo cho cháu quá nhỉ? Giá mà ông Holmann cũng biết lo cho bà như vậy thì hạnh phúc biết chừng nào.

Gaby nói:

- Vì cháu chưa gọi điện nên Tarzan lo đấy mà.

Tarzan nói:

- Ở nhà cháu chờ hoài mà chẳng nghe ai gọi điện…

- Ôi, sá gì cháu.Chuyện nhỏ mà. Bà tránh con thỏ rừng chút xíu nữa đâm vô đèn pha nên lạc tay lái xuống rãnh. Hai bà cháu hơi ê ẩm một chút thôi. Làm sao mà bà và Gaby dựng chiếc xe dậy được, đi bộ là phải. Ồ, đến cái lều của bà đây rồi.

Tarzan thấy “cái lều” trước mặt hắn là một căn nhà mười hai phòng rộng thênh thang xây theo kiểu nông thôn vùng núi Alpen. Sân rộng đến mức có thể mở một bữa picnic chứa 50 vị khách. Đèn đuốc chỗ nào cũng thắp sáng. Tarzan lắc đầu, chán nản nghĩ thầm: Cách đề phòng kẻ gian bằng bật đèn suốt đêm quả là con dao hai lưỡi. Bà già làm như thế chỉ tổ tạo cho kẻ gian hoạt động.

Gaby trợn tròn mắt khi bà Pauline đẩy cửa ra:

- Ơ, bà không khóa cửa à?

- Không. Ở nông thôn ai trộm cắp đâu mà sợ.

- Không được.

- Ờ ờ… cháu yên trí. Rồi cháu sẽ thấy trong nhà không mất mát tí gì.

- Tarzan ơi, bạn đi kiểm tra các căn buồng thử xem. Bà liều lĩnh quá.

Tarzan chỉ cần đảo mắt nhìn sơ đã hiểu nhà bà Pauline sang trọng hơn nhà bác sĩ Holmann. Nội thất bên trong rặt đồ gỗ nhập từ Italia, chưa kể đồ sơn mài và một số tác phẩm nghệ thuật đắt giá.

Tarzan nói:

- Gaby đề phòng như thế là phải đấy ạ. Bọn đạo chích thường lợi dụng cơ hội gia chủ vắng nhà hoặc đãng trí không khóa cửa là đột nhập hành động ngay.

- Vậy thì cháu cứ đi kiểm soát theo ý cháu đi. Chỉ mong cháu không bực mình vì các phòng lộn xộn lắm.

- Tụi cháu ở kí túc xá còn lộn xộn hơn chỗ bà nhiều. Nhưng… chưa bao giờ bị mất tới một triệu mark đâu. Có phải ngày 17 tháng 6 năm năm về trước, bà bị mất trộm không ạ? Cháu nghe người lái ta-xi nói như thế?

- Chuyện đó cổ lỗ sĩ rồi. Anh tài xế chở các cháu kể đúng đó. Số châu báu bị mất vốn là kỉ niệm của chồng bà suốt 35 năm trời, toàn là quà tặng của ông ấy. Hôm ấy không hiểu trời xui đất khiến làm sao mà bà bê hết vô phòng ngủ để ngắm. Thế là mất tăm. Bà vẫn thường gọi kho báu đó là kho tàng băng giá.

- Cái gì? Kho tàng băng giá à?

- Ờ. Vì bà hay giấu chúng chung với các đồ thực phẩm đông lạnh như tôm, cá, thịt bò… Nhưng như bà nói, đó là chuyện xưa rồi. Bây giờ bà lại có vô khối thứ quà tặng mới, toàn của ông Holmann tặng đấy.

Gaby reo lên:

- Bác Holmann ga-lăng quá nhỉ?

- Ông Holmann rất tuyệt, nhưng vẫn chưa được trong sáng bằng chồng trước của bà. Mỗi lần tặng quà, ông ta lại cầu hôn với bà.

Tarzan làm bộ ngạc nhiên:

- Thật vậy sao, thưa bà?

- Thế cháu tưởng ta lại xin ông ấy cầu hôn hay sao? Ông ấy còn thô lắm, phải sửa tính đi nữa mới được. Ta sẽ nhận lời lúc Holmann 80 tuổi. Chỉ thêm vài năm kiên nhẫn, ông ấy sẽ bớt nóng nảy.

Bà già thoi một cú vào hông Tarzan.

Tarzan cười ha hả. Hắn bắt đầu kiểm tra kĩ càng quanh nhà không bỏ sót phòng nào. Mười phút sau, hắn trở ra nhẹ nhõm:

- Không có dấu hiệu kẻ gian xâm nhập.

Bà Pauline gật gù:

- Ta đã bảo trước mà. Chuyện bị mất trộm xưa rồi.

- Chưa xưa đâu bà ạ. Theo lời ông lái xe ta-xi thì kẻ bị tình nghi ăn trộm kho báu của bà ngày mai sẽ mãn hạn tù đấy.

- Thế ư? Cháu nói về thằng Otvan Flinkfinger à?

- Dạ, tất nhiên là cháu chỉ lập lại lời ông tài xế mà thôi.

- Hồi đó người ta không chứng minh được gã là thủ phạm.Và tài sản bị mất của bà cũng chưa thấy xuất hiện lại một lần nào. Thằng Otvan là người ở Fasslift, mẹ gã cũng là một mụ phù thủy đấy. Chồng của mụ hồi xưa cũng là Vua Mở Két của nước Áo.

- Bà ơi, có phải tối hôm đó nhà ông Holmann cũng bị trộm đúng không ạ?

- Đúng. Ông ấy chỉ mất ít tiền thôi mà cứ la quàng quạc cả lên như bị cháy nhà ấy.

Gaby chạy vào:

- Mình đã gọi điện cho Karl và Kloesen. Hai bạn ấy sẽ đến bây giờ để cùng nâng chiếc xe lên.

Tarzan chúc bà Pauline ngủ ngon, Gaby tiễn hắn ra ngoài. Bầu trời yên tĩnh đến mức có thể nghe tiếng gió thổi dưới chân nhè nhẹ. Cỏ thì thào chung quanh chúng khúc nhạc đồng quê thanh bình.

Gaby dựa hẳn vô người Tarzan. Cô thì thầm:

- Xứ sở tưởng bình an này mà lại kinh khủng quá, đại ca ạ. Hết ăn trộm rồi đánh người cướp của trên tàu giờ đến đe dọa giết nhau bằng điện thoại. Đại ca nghĩ coi, tính mạng chị Susi như ngàn cân treo sợi tóc khi chị ấy công bố chân dung tên tội phạm trên báo. Rồi thằng Otvan ra tù ngày mai nữa cũng sẽ trở về Fasslift. Ôi, biết bao nhiêu chuyện. Mà thực ra thì tụi mình đến đây cũng để xem ông dượng Holmann đánh giá Tròn Vo như thế nào mà thôi.

Tarzan cười:

- Ông dượng bốc rằng bà Pauline đang theo đuổi ổng nhưg ổng chờ đến lúc 80 tuổi mới ngỏ lời kia.

- Ôi trời ơi!

- Đó là mối tình già đẹp đó chứ Gaby.

Gaby cảm thấy lạnh. Cô bé hôn phớt lên má Tarzan và tiến vào phòng. Còn hắn thì chạy như bay trên con đường cũ với chiếc đèn pin trên tay đến chỗ chiếc xe mini bị lật nghiêng. Với sức vóc Samson của hắn và sự trợ lực của hai quái Karl và Kloesen, chắc chắn ba thằng sẽ lôi chiếc ô-tô lên được mặt đường.

Khi còn cách chiếc xe chừng 50 mét, Tarzan nghe tiếng thét của Tròn Vo:

- Ai? Đứng lại!

Sau đó là tiếng Karl:

- Đứng lại ngay!

*

Hành lang kẽo kẹt dưới chân Grobalki. Gã đi xuống cầu thang.

Màn đêm nặng nề bao trùm lên người gã. Mụ Alma đang ngáy như sấm trong buồng. Tốt. Cứ xỉn, càng tốt để cho gã tung hoành ngang dọc ngoài nghĩa địa.

Hồi nãy Grobalki đã gọi điện cho Holmann và dọa sẽ giết ông ta. Đó mới là màn dạo đầu. Ngày mai gã sẽ ra tay. Nhưng trước khi “bùm” lão, Grobalki cần làm thịt kho báu đã. Viên luật sư đã cung cấp một thông tin cực kì quan trọng. Không còn nghi ngờ gì nữa về mục đích duy nhất mà thằng Otvan thuê đất cho nấm mồ của tên đồ tể Flappe. Ai mà ngờ thằng láu cá đã ém kho báu ăn trộm tại đó suốt năm năm nay chớ.

Đêm không trăng không sao. Grobalki sờ khẩu súng lục giắt ở thắt lưng. Khẩu súng chỉ có hai viên đạn. Gã đã mua “cây suông” này của một tên buôn ma túy, ăn cắp đồng hồ, tiêu thụ tiền giả kiêm nghề buôn bán băng video bạo lực ở nhà ga Viên. Khẩu súng hơi bị gỉ, giá rẻ như bèo, không biết còn khả năng khạc đạn hay không nữa. Nhưng còn hay không thì nhằm nhò gì. Chính cục sắt gỉ này đã nện một cú xuống đầu lão Mair-Chateaufort khiến lão bất tỉnh nhân sự.

Gã lục lọi các ngăn kéo, không thấy đèn pin nhưng lại kiếm được một đèn rọi có thể ngoắc vào tay và pha ánh sáng rất mạnh. Gã rọi thử và suýt chảy nước mắt vì đèn sáng lóa.

Gã đi ra đường, khóa cổng và đút chìa khóa vào túi quần.

Đã nửa đêm. Đường phố vắng hoe, chẳng mấy nhà còn để đèn. Grobalki quá sành sỏi vùng này. Gã thuộc làu địa điểm nghĩa trang thị trấn. Cả thị trấn Fasslift chỉ có 3.000 dân nhưng lúc nào chẳng có người chết, vì thế nghĩa trang ngày một rộng thêm.

Kho tàng trị giá một triệu mark long lanh trong mắt Grobalki. Gã đi như chạy tới nghĩa địa. Ý nghĩ phản bội thằng bạn tù bị gã gạt phắt. Hê hê, mình đâu có phản nó, mình chỉ phỗng tay trên đống của phi pháp của nó thôi. Hãy coi như một con chó hoang nào vô tình bới lên hay một thằng phu đào huyệt tò mò vậy mà.

Trên đường đi Grobalki không gặp một ai.

Tiếng cú kêu đâu đó sau bức tường trắng làm gã chột dạ. Gã bấm đèn, quét ánh sáng loang loáng. Ánh đèn dừng ở cánh cổng sắt và đảo qua hàng bia mộ đầu tiên. Một con mèo xiêm ngồi thu lu trên nấm mộ, mắt sáng quắc vội nhảy vọt vào bụi cây gần đó.

Sau khi xem xét và hiểu rằng còn lâu mới mở được khóa cổng, gã leo tường vô nghĩa trang. Trước mắt gã, mộ này nối mộ kia tít tắp. Grobalki thở nặng nề. Liệu trong một đêm gã có thể điểm danh hết các tấm bia được không nhỉ? Ấy là chưa nói đến việc mộ của tên đồ tể Flappe biết đâu chỉ có một cây thập ác cắm mà không có tên họ thì sao đây?

Y cảm thấy rối bời. Nếu thế thì cứ tha hồ mà tìm. Grobalki cất bước dọc theo hàng mộ đầu tiên tưởng như dài vô tận và chúi đầu xuống đọc từng tấm bia một. Đầu óc gã mỗi lúc thêm mờ mịt. Mộ ở đây xen lẫn cái cũ với cái mới không theo thứ tự thời gian. Có những mộ bia dễ đọc, ngược lại có những ngôi mộ mà thầy bói cũng không thể đoán nổi. Chưa nói đến những tấm bia phủ rêu phong chẳng đọc được chữ nào cả. Rồi cả tấm bia bằng gỗ mục nát nữa chứ.

Gã hoa mắt trước mộ và mộ. Tuy thế đợt duyệt binh hàng mộ đầu tiên cũng xong.

Bây giờ sang hàng mộ thứ hai. Grobalki vừa nhá đèn lên đã thấy ánh sáng yếu hẳn. Mẹ kiếp, hết pin ư?

- Khốn nạn!

Gã gầm gừ. Chắc cái đèn chó má này là đồ nghề của thằng Otvan khốn kiếp đây. Nó đã ngồi tù năm năm nên cái đèn xài pin tự nạp cũng xếp xó năm năm chẵn. Thảo nào.

Gã chúi mũi cố đọc các tấm bia tiếp theo trước khi ánh sáng tắt ngấm. Đúng lúc đó gã nghe thấy tiếng ngáy khò khò.

Thực hãi hùng. Grobalki tắt đèn và đứng như bị trời trồng. Người chết sống lại chăng? Gã không còn tin vào tai mình nữa. Gã dò dẫm bước rón rén nhưng tiếng sỏi lạo xạo dưới chân vẫn nghe rõ mồn một.

Tiếng ngáy càng lúc càng lớn không hề thua sút cơn hò kéo gỗ của mụ Alma. Ôi chao! Không phải ma hiện hồn mà là một người còn sống hẳn hoi. Grobalki tiến thêm độ chục bước rồi dừng lại suy nghĩ. Gã thở ra. Té ra là một thằng lang thang, một thằng say.

Thằng ma cà bông nằm đó. Gã mặc bộ quần áo màu sáng và nằm thẳng cẳng trên phiến đá một ngôi mộ. Hừm, hẳn gã say xỉn hết biết nên tưởng nghĩa địa là nhà, bia đá là giường.

Đúng lúc Grobalki tính bật đèn thì kẻ lang thang dừng tiếng ngáy. Cánh tay gã lờ quờ trong khoảng không như cố tìm một tấm mền tưởng tượng. Grobalki hoảng vía thụp xuống vừa kịp lúc gã mặc bộ đồ trắng bật dậy.

Gã thở dài và đứng lên lê gót về chỗ núp của Grobalki. Ê, bàn tay nhám của Grobalki đã sờ vào con chó lửa ở thắt lưng. Nhưng không… cần thiết. Bởi gã lang thang đã đứng lại, cởi nút quần. Giờ thì Grobalki hiểu vì sao gã lang thang tỉnh dậy.

Grobalki cảm thấy chân mình ươn ướt. Gã cúi mặt xuống cắn răng chịu trận. Cũng hên là tên bợm nhậu trong khi làm cái việc xả xú bắp đó vẫn nhắm nghiền mắt, sau đó gã tiếp tục lê về phiến đá và nằm thườn ra.

Ngủ lẹ đi, con ạ. Grobalki cầu trời. Nhưng thằng kia có chịu ngủ liền đâu, gã hết nhổm bên này, xoay bên kia, có lúc còn nhổ bọt.

Grobalki hết chịu đựng nổi. Kiến lửa bò lên cắn nhiều đến mức gã phải bật đèn để phủi chúng. Mà đèn cũng chỉ lóe lên yếu ớt rồi tắt hẳn. Gã nghiến răng kèn kẹt vì tức giận. Không có đèn đóm trong tay thì làm sao tìm… kho báu bây giờ. Chẳng lẽ gã trụ lại đây tới sáng để ngáy thi với thằng say này sao? Không!

Gã tức điên lên và lê chân về phía cổng nghĩa trang.

Thất bại, hoàn toàn thất bại.

Ai mà ngờ được chuyện đèn hết pin và gặp một thằng say giữa đêm hôm ở nghĩa trang cơ chứ.

Gã tức lồng lộn và nghĩ phải trút cơn giận lên đầu bác sĩ Holmann. Mình sẽ gọi điện ngay cho lão.

break
Đàn Anh Cứ Muốn Tôi
Ngôn tình Sắc, Sủng,Nữ Cường
(Sắc)Con Chồng Trước Và Cha Dượng
Ngôn tình Sắc, nhiều CP
Bà Chủ Trọ Muốn Được Yêu
Ngôn tình Sắc, Đô Thị
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc