Tại nhà Gaby, trong lúc Tarzan đang kể về cuộc chạm trán với nữ nhiếp ảnh Gertrud Rawitzky ở kho cỏ thì có điện thoại gọi thanh tra Glockner.
Ông nín thở lắng nghe cú phôn:
- Rất cảm ơn, tôi đã hiểu vấn đề. Anh ta là Muller bên Đường Sắt Liên Bang hả? Tôi sẽ đến gặp anh ta tức khắc. Tạm biệt nhé, Krause.
Ông thanh tra buông máy.
- Giờ thì chúng ta đã biết cái gì nấp sau vụ này. Tống tiền! Thủ phạm vừa gọi điện đến cho một người tên là Muller trong ban lãnh đạo nhà ga để đòi một triệu mark. Nếu không chung đủ, gã sẽ tiếp tục làm trật bánh các đoàn tàu.
Tròn Vo thở một hơi khoan khoái:
- Cũng may là tụi mình chỉ di chuyển bằng ngựa sắt, tuyệt đối an toàn. Ai mà dại gì rúc đầu vô xe lửa chớ.
Karl hừ khẽ:
- Mày nên nhớ chạy xe đạp cũng bị căng dây bể sọ đó. Ngó cô bạn cũ Barbara ấy…
- Ờ… ờ há.
Thanh tra Glockner quay sang Tarzan:
- Tarzan này, việc cháu chạm trán với nhà nhiếp ảnh quan trọng đấy. Cho dù cô ta không dính dáng tới vụ tấn công thì cô ta vẫn đã chụp ảnh vụ tai nạn.
- Cháu còn nghĩ có thể trong các tấm ảnh đã ghi lại được những thứ mà khi chụp cô ta không nhận thấy. Biết đâu cả cái đầu lấp ló của hung thủ chẳng hạn.
- Cháu có địa chỉ của cô ta chứ?
- Vâng, số nhà 17 phố Giáo Sư Rutzl.
- Vậy thì cháu sẽ đi cùng chú đến gặp cô ta ngay bây giờ.
Gaby la toáng lên:
- Còn tụi con thì sao? Không lẽ Karl, Kloesen và con phải ngồi nhà ăn hết món thịt hầm với mì sợi ư? Tụi con muốn được tham gia vào đặc vụ này cùng ba để nhanh chóng tìm ra thủ phạm, cho cái lão Pfeifer ấy bỏ cái thói nói xấu người khác đi.
Ông Glockner hôn vào má vợ, đứng lên:
- Thôi, em ở nhà vậy. Đành chiều đám nhỏ này thôi. Nhưng ba cấm mấy đứa rời khỏi xe, trừ ba và Tarzan.
Tròn Vo tuyệt vọng nhìn mấy cái liễn còn đầy ắp… dinh dưỡng. Nó than thở với bà Margot:
- Cháu bị kẹt, chớ phải xa cô và, và… các món ăn này thì cháu rất đau lòng.
Oskar phóng như bay ra cửa. Còn phải hỏi, nó chờ Gaby mở cửa xe để nằm gọn dưới chân cô chủ chứ sao.
Khi chiếc BMW chuyển bánh, bầu trời đen kịt. Mây che kín vầng trăng, và không thấy vì sao nào.
*
Gertrud Rawitzky nhìn những tấm ảnh mới rửa và thở gấp. Cô ta treo những tấm ảnh còn ướt lên để hong khô rồi ra khỏi buồng tối. Thực không thể nào tưởng tượng nổi, rằng thằng quý tử của ông chủ nhà băng Jesper Vĩ Đại lại mất dạy đến thế. Gã sướng quá hóa rồ? Gã độc ác? Hay gã mắc bệnh tâm thần?
Cửa bếp để ngỏ. Một con mèo đực to bự sà tới dụi dụi vô chân Gertrud. Cô chủ cúi xuống, xoa đầu nó:
- Chào Khổng Lồ. Nếu là mày, mày sẽ làm gì hả? Chúng ta sẽ trao cho Jesper bố những tấm ảnh man rợ này để đổi lấy thật nhiều tiền. Có thể bị gọi là bọn tống tiền đấy. Nhưng cơ hội ngàn vàng này chẳng đến với tụi mình lần thứ hai đâu.
- Grừ… gừ…
- Chịu quá hả, ông chủ nhà băng sẽ nghĩ: thà chịu mất tiền còn hơn để thằng bé bị vào nhà đá.
Con mèo nhảy lên đi-văng, duỗi dài tấm thân lông vằn như lông hổ. Móng vuốt của nó sắc tựa dao găm.
Gertrud tự củng cố tinh thần bằng cách xuống bếp lấy một chai vang nhẹ trong tủ lạnh rót đầy một li. Đây là lần đầu tiên cô ta tống tiền. Rượu vang làm cô ta tĩnh trí. Và cô ta lại làm một li nữa.
Cô ta đi đi lại lại trong nhà một lúc. Chỉ vì yếu đuối mà cô ta còn lưỡng lự thôi. Lương tâm chẳng có giá trị gì ở đây. Rồi cô ta biết rằng, muốn có nhiều tiền phải gạt mọi nghĩ ngợi qua một bên. Thêm nữa, Jesper Vĩ Đại giàu sụ mà.
Gertrud lại quành vào bếp, lấy thêm li vang thứ ba. Rượu có vẻ đã ngấm. Cô ta thấy phấn chấn. Mọi do dự tiêu tan sạch.
Chà, lão già tha hồ sốc. Lão sẽ tra khảo thằng con cưng tới tấp chớ còn phải hỏi. Thằng con đành phải nhận để bố xì tiền chứ chẳng lẽ chịu vào nhà đá bởi những tấm ảnh cực nét kia sao? Nhưng – Gertrud sa sầm mặt - Khốn nạn thật, làm sao mình giấu danh tánh được đây hả, thằng Jesper con đã biết mình có mặt ở đó để chụp ảnh. Nó và bố nó dám thuê bọn xã hội đen đến hỏi thăm sức khỏe mình lắm chớ, nó dám không hả? Không, chắc không đời nào. Một ông chủ nhà băng bảnh như Jesper chẳng ngu xuẩn gì làm rùm beng vì một chuyện tồi bại như vậy đâu.
Rượu vang bữa nay ngon chưa từng thấy! Gertrud ăn một chút trong bếp. Đoạn cô ta rảo gót vô phòng tối một lần nữa. Thành công mĩ mãn! Ê, đây là hình Erich đang vần những tảng đá. Rồi Erich trên đường tàu. Lại có cả ảnh Erich lăn đá vô Đường Hầm Quỷ Sứ. Erich từ trong hầm mò ra, mồ hôi nhễ nhại. Erich lăn đá tiếp. Erich đẩy xe mô-tô lên dốc…
Một phóng sự bằng ảnh sống động.
- Chú em tiêu rồi, công tử bột ạ.
Gertrud lim dim mắt như con mèo Khổng Lồ của mình. Thử hình dung cái “phóng sự ảnh” này giá trị ra sao nếu gài hết vô một cuốn album nhỏ và trưng ra trước mặt Jesper Bố?
Nhà nhiếp ảnh nữ láu cá bước đến máy điện thoại. Coi, trước khi gọi phải đổi giọng chứ, đổi thành giọng đàn ông là chắc ăn. Và cũng chưa cần nói tới mớ ảnh vội. Nào, mình sẽ chế tạo ra một kẻ thất nghiệp có bốn đứa con, vợ đau yếu đến nỗi phải lên núi Quỷ Sứ hái lá thuốc và ngẫu nhiên thấy mọi tội ác của công tử Erich. Chắc chắn Jesper Bố sẽ thông cảm, dễ chừng lão dám mủi lòng mà ói thêm tiền, biết đâu.
Gertrud quay số và lập tức được đáp lại ở đầu dây bên kia:
- Jesper đây!
Trái tim… tống tiền của Gertrud đập loạn xạ. Cô ta không ngờ bữa nay mình hên vậy.
Để có thời gian trấn tĩnh cô ta nói thêm:
- Xin cho tôi gặp ông Robert Jesper ạ.
- Tôi đây.
- Chào ngài Robert, ngài sẽ nghe tôi báo một tin chẳng tốt lành gì về con trai ngài.
- Ông là ai?
- Chuyện tên họ không quan trọng lắm, thưa ngài. Có lẽ ngài đã nghe về vụ tấn công đoàn tàu của Đường Sắt Liên Bang hôm nay chớ. Tôi muốn bàn cụ thể điều đó. Ai là kẻ làm trật bánh con tàu bằng một đống đá trong Đường Hầm Quỷ Sứ hả, ngài đoán thử xem? Không đoán ra ư, thôi để tôi nói vậy. Tên tội phạm chính là quý tử Erich của ngài.
Sự im lặng bên kia đầu dây kéo dài khủng khiếp đến nỗi Gertrud gần như nghẹt thở. Lão ngã lăn đùng chăng? Hay đang uống thuốc an thần?
- Này, ông vẫn cầm máy đó chứ?
Giọng ông chủ nhà băng khang khác:
- Tôi không tin những điều ông nói.
- Tùy ông, nhưng đó là sự thực không thể chối cãi. Ông cứ hỏi con trai ông là khắc biết. Lúc ấy tôi bận hái lá thuốc trên núi Quỷ Sứ nhưng vẫn nhìn rõ con trai ông. Qua ống nhòm, tôi thấy hết hành vi tội ác của nó. Chỉ ân hận là tôi tàn tật nên không cách gì can thiệp được. Đoàn tàu sầm sập chạy đến, thế là tai họa xảy ra…
Jesper Bố gằn giọng:
- Vô lí. Thằng Erich nhà tôi là một đứa trẻ mẫu mực.
Gertrud giật thót mình. Trời ạ, tiếng ông chủ nhà băng bữa nay có vẻ kì kì. Nhưng váng vất hơi men, Gertrud đâu có nhận ra điều gì. Cô ta tiếp tục tấn công:
- Tôi có thể chứng minh, thưa ông. Tôi đã tình cờ mang theo máy ảnh và…
Gertrud hoảng hồn đưa tay lên bụm miệng. May phước, kẻ đối thoại lại nối tiếp câu nói dở dang của cô với giọng khàn hơn:
- … “chụp ảnh anh ta” chớ gì. Ông tính toán lợi hại đấy. Này, bây giờ ông anh hái lá thuốc kiêm thợ chụp hình tài tử muốn bán các chứng cớ kết tội con trai tôi với giá bao nhiêu? Hả? Tôi cần mua lại cả âm bản phim chớ không phải chỉ có ảnh.
- Tôi hiểu, tôi hiểu. Tôi hiểu nỗi khổ tâm của một gia đình thế gia vọng tộc như gia đình ông trước sự thực này. Làm sao có thể để thanh danh nhà Jesper ô uế vì những bài báo với những hàng tít lớn. Cái giá trao đổi sẽ rất phải chăng. Để đôi bên cùng có lợi. Với số tiền của ông, tôi có thể… ề ề…
Gertrud rút kinh nghiệm vụ suýt hớ lần trước và nín kịp thời. Suýt nữa thì cô ta đã buột mồm nói tiếp “… có thể sắm lấy một chiếc áo choàng lông đắt tiền, với cái giá đang hạ vào mùa hè”.
Jesper hỏi:
- Ông đã “chộp” được bao nhiêu kiểu ảnh?
Gertrud vội đáp:
- Nhiều. Đến… hết cả cuộn phim kìa.
Vừa trả lời xong là cô ta điếng người, lần “hớ” này thật kinh khủng, cô ta đã quên đổi giọng. Có điều ông chủ nhà băng bên kia đầu dây có vẻ chẳng quan tâm tới điều đó, chỉ nói:
- Thôi được… tôi có khách đợi nãy giờ. Mai cô hãy gọi điện lại. Khoảng mười hai giờ trưa, và làm ơn chớ hở môi với cảnh sát. Chúng ta có thể thương lượng tốt với nhau đấy. Để… đôi bên cùng có lợi.
Ông ta cúp máy. Gertrud trân trối nhìn vào ống nói. Và không hiểu mình vừa trúng số độc đắc hay vừa làm một chuyện cực kì ngu ngốc.
*
Erich Jesper vuốt món tóc vàng hoe trước trán ướt rượt mồ hôi. Gã đang co rúm vì sợ hãi.
Erich đang ngồi trong phòng khách của ngôi biệt thự mười bốn phòng. Cha mẹ gã vắng nhà, đi dự tiệc.
Erich có biệt tài nhái giọng người khác điêu luyện cực kì. Gã nhái giọng chị bếp trong điện thoại xịn đến nỗi ngay cả mẹ gã cũng không nhận ra, và ngược lại gã nhái giọng mẹ có uy đến nỗi chị bếp sợ hết vía. Nhưng trong nghệ thuật nhái giọng trời cho này, gã thành công nhất khi nhái giọng ông bố. Giọng bố con gã bẩm sinh đã giống nhau, bất chấp tuổi tác chênh lệch tới 37 năm. Nếu cần thiết gã vẫn đùa giỡn phôn đến nhà băng, mạo danh Jesper Bố khiến nhân viên nào nghe cũng sợ mất mật vì tưởng… thiệt.
Tuy nhiên giờ đây thì chính gã đang sợ mất mật. Erich bỏ ống nghe xuống sau khi hoàn tất cú phôn trong vai trò của ông bố. Trời hỡi, bỏ má mình rồi!
Mà “bỏ má” thực chứ sao. Vụ tai nạn tuyệt diệu vừa rồi đang trôi chảy, bỗng từ… xui tới xui, bay đến tới tấp. Thoạt tiên là một thằng nhãi cao lớn, tướng quen hết biết bung khỏi đám hành khách chạy như bay đến kho cỏ. Ở chỗ núp Erich sửng sốt. Mẹ kiếp, thằng nhãi đó biệt danh là Tarzan, học thua gã hai lớp cùng trường nội trú chớ đâu. Thằng nhãi phi thường này đâu có ngán gì mấy thằng bạn đầu gầu lớp 12A của gã. Nó từng tẩm quất một số đứa ra trò.
Erich biết điều nên chuồn lẹ, chẳng dại húc đầu vào ổ kiến lửa TKKG lừng danh. Gã dắt xe máy vòng phía sau núi Quỷ Sứ biến gấp.
- Chậc, giờ đây thì cái xui đến tận nhà. Cô ả đỏm dáng Gertrud Rawitzky quả là láu cá.
Ả núp ở đâu mà chụp được các bằng chứng tố cáo ta nhỉ? Bộ tưởng nắn hầu bao ông già ta dễ dàng vậy sao?
Erich lẩm bẩm:
- Chẳng nước non gì đâu. Đêm nay tao sẽ đột nhập nhà mày, người đẹp ác ôn ạ. Nếu cần, tao sẽ dùng thuốc mê để vô hiệu hóa mày và đốt sạch các tấm hình lẫn âm bản phim. Để coi mày còn làm được gì nữa không?
*
Phố Giáo Sư Rutzl tối và vắng vẻ. Trước nhà số 17 có một ngọn đèn đường yếu ớt cứ nhấp nha nhấp nháy muốn chóng mặt. Chiếc BMW của thanh tra Glockner lặng lẽ dừng trước tấm biển đề “Hiệu ảnh Rawitzky”.
- Các con đợi ở đây. Tarzan theo chú để làm nhân chứng.
Gaby ngoan ngoãn:
- Vậy tụi con sẽ dắt Oskar đi giải quyết… nỗi buồn của nó vậy.
- Nhưng chỉ quanh quẩn gần đây thôi nhé con gái.
Thanh tra Glockner bấm chuông. Cửa hé mở, có xích chằng an toàn. Gertrud hiện ra. Mái tóc đen lòa xòa chấm vai thật diễm ảo. Cô ta ấp úng:
- Thưa, có chuyện gì ạ?
Ông thanh tra chìa thẻ qua khe cửa:
- Chào cô Rawitzky. Tôi là thanh tra cảnh sát Glockner. Cô chắc đã nhận ra Peter Carsten, cậu bé đã gặp cô ở kho cỏ chứ. Tôi muốn hỏi cô đôi điều về vụ tai nạn đường sắt vừa rồi.
Gertrud than:
- Lạy Chúa tôi. Đến nghỉ ngơi cũng chẳng yên nữa. Cái thằng… à à, cậu kia quả dai như đỉa.
Gertrud khép cửa, tháo sợi xích chằng cửa, rồi lại mở rộng cửa. Hai chú cháu bước vào. Tarzan đón đợi một cái nhìn hằn học. Nhưng không, người đàn bà bản lĩnh đã nhoẻn cười:
- Yêu cầu quý vị chớ làm những động tác mạnh, chớ to tiếng với tôi. Nếu không, tên vệ sĩ của tôi sẽ phản ứng đấy. Tôi có nuôi một… con cọp trong nhà.
Ông Glockner hoảng hốt:
- Cái gì? Cô nuôi cọp trong nhà sao?
- Một con mèo dữ như cọp. Và to gấp đôi mèo thường.
Ba người cùng cười phá lên. Không khí băng giá tan biến. Gertrud thở ra mùi rượu vang lẫn mùi nước hoa thoang thoảng. Cô ta hướng dẫn hai chú cháu vô phòng khách và đưa tay ngoắc… tên vệ sĩ. Coi, con Khổng Lồ nếu không phải chúa tể rừng xanh thì cũng là chúa tể các gia súc. Nó chễm chệ trên đi-văng phóng cặp mắt xanh lè chiếu tướng hai vị khách rồi quất cái đuôi xù sang hai bên, nhảy xuống sàn, ung dung tiến vào trong bếp.
Gertrud đóng cửa lại, mở lời:
- Vừa rồi tôi suýt bị anh bạn trẻ này còng tay lôi về Tổng nha cảnh sát đó, thưa ông thanh tra. Cậu vẫn còn nghi tôi dính dáng đến vụ tai nạn nên mới kéo ông thanh tra đến đây phải không, Peter?
Tarzan nhún vai:
- Chị muốn hiểu sao cũng được. Nghi vấn đầu tiên về chị là sự dửng dưng trước nỗi khổ đau của đồng loại. Rõ ràng tôi có cảm giác chị không hề muốn giúp các hành khách bị tai nạn.
- Cảm giác vẫn chỉ là… cảm giác thôi. Sao hả ông thanh tra, vậy ông muốn hỏi tôi điều gì đây?
Thanh tra Glockner chậm rãi:
- Như sự tiết lộ của cô với Peter, cô Rawitzky ạ. Cô đã chụp ảnh vụ tai nạn từ kho cỏ. Tôi cho rằng những tấm ảnh sẽ ghi nhận những thứ mà cô không ngờ được. Tôi muốn được ngó qua những tấm ảnh ấy.
Gertrud phân vân trong vài giây rồi gật đầu:
- Chúng đang được hong khô. Tôi định sáng mai sẽ đem chúng đến tòa soạn báo. Ông cảm phiền ở đây đợi một chút nhé. Tiếc là tôi không thể đưa ông vào phòng tối được.
Cô ta lướt chân trần ra ngoài. Ông Glockner nháy mắt:
- Chú đồng ý với cháu, Tarzan à. Cô gái này không phải loại vừa. Nhưng không thể là hung thủ của vụ bẫy tàu.
Lát sau, Gertrud trở lại và trải những tấm ảnh ra trên mặt bàn.
Giọng cô ta bình thản:
- Mười một tấm cả thảy. Chụp cảnh trước đường hầm ngay sau khi con tàu bị nạn.
Tarzan ngó hờ hững sự hiện diện của mình, bà Christine Pfab, Barbara và những người khác. Những tấm ảnh cực nét, đầy kịch tính, nhưng không có cái mà hai chú cháu mong đợi.
Ông Glockner lộ vẻ thất vọng:
- Không có một gợi ý nào cho cuộc điều tra.
Gertrud tỉnh bơ:
- Thì như tôi đã nói, tôi chỉ bấm máy sau khi đoàn tàu bị tai nạn.
Ông thanh tra xem lại những tấm ảnh một lần nữa. Không, tuyệt nhiên không có gì cho ông.
- Rất cảm ơn cô Rawitzky. Xin lỗi vì đã làm phiền cô.
Người đẹp gom những tấm hình lại:
- Không có chi, thưa ông. Tôi sẽ phóng nhanh để giao cho tờ báo thông tin sốt dẻo này. Là người đầu tiên bao giờ cũng hơn. Có thể chúng sẽ được đăng lên số báo trưa mai.