Văn phòng thanh tra Glockner bữa nay rộn ràng bởi sự viếng thăm của hai thám tử ốc tiêu. Tarzan và Kloesen vừa tường thuật xong vụ nổ hãi hùng ở hồ Wiesenbecker.
Glockner chép miệng:
- Đúng là Simbock thoát chết trong gang tấc. Các cháu thử hình dung ông ấy sẽ ra sao nếu đang ở đó…
Ông ngừng lại bởi tiếng gõ cửa dồn dập. Rồi cửa bật tung và cộng sự viên Mathias xộc vào. Giọng anh ta hớt hải:
- Thưa sếp, tên đặt bom mới gọi điện tới. Lần này tới lượt chúng ta. Nó nói rằng nửa giờ nữa Tổng nha cảnh sát sẽ nổ tung.
Thanh tra Glockner không hề ngạc nhiên:
- Đừng cuống Mathias. Coi cú hù dọa đánh bom giả như ở trường nội trú đó. Chà, sao chú mày có vẻ đắc thắng thế kia hả? Tên gọi phôn đã vớ đúng đường dây mà chúng ta chọn để theo dõi chăng?
- Chính thế, thưa sếp. Mọi chuyện diễn ra như xi-nê. Cứ phôn phát xuất từ một buồng điện thoại trên sân ga trung tâm. Chúng tôi đã lập tức báo cho cảnh sát nhà ga, và họ đã kịp thời tóm được tên khủng bố còn xớ rớ trong buồng điện thoại.
Ông Glockner nhảy phắt dậy:
- Vậy còn chờ gì nữa.
Ông nhìn đôi mắt đầy năn nỉ của Tarzan và bảo:
- Thôi được, hai đứa cùng đi với chú vậy. Sai quy định đó, nhưng các cháu xứng đáng được hưởng ngoại lệ.
Chiếc xe hơi cảnh sát phóng vụt đi. Chỉ trong chốc lát, nó đã lăn bánh vào một bãi để xe đậu cạnh chiếc Rolls Royce màu xanh đen bóng lộn. Tarzan ngơ ngác:
- Ủa, hình như Adolf cũng có mặt ở đây?
- Trúng phóc!
Tròn Vo cả quyết. Nó đã nhìn ra bảng số xe kẻ thù. Khuôn mặt hồng hào của nó hậm hực thấy rõ.
Trong phòng trực của cảnh sát ga có năm cảnh sát mặc sắc phục, trong đó hai người đang điều khiển những con chó nòi Đức tuyệt đẹp. Những cặp mắt tinh khôn của bầy chó đảo quanh, mõm chúng đều đeo rọ.
Glockner nói chuyện với một viên chỉ huy. Người này bảo:
- Hành trang của gã này rất đáng ngờ, hắn lồng lộn như một con hổ đói thiếu trí khôn. Xin mời ngài thanh tra theo tôi.
- Hai cậu bé này đi cùng chúng tôi.
- Tôi hiểu. Xin mời!
Mọi người bước vào phòng bên cạnh, nơi một vị cảnh sát ga thường xuyên túc trực sau bàn giấy. Và… Tarzan không tin vào mắt mình nữa. Hắn dụi mắt nhìn kĩ: Trời ạ, trên một cái ghế là Adolf Burkert sờ sờ.
Mặt gã lúc này xanh mét như tàu lá chuối, mồ hôi đọng lại thành hột lớn. Khóe mép gã lại càng đáng sợ hơn, cứ giật giật như sắp ăn tươi nuốt sống người khác.
Tay chống nạnh, Tròn Vo kêu lên:
- Thiệt là trời có mắt. Hay lắm. Trả tiền mau xe đạp cho ta đi, đồ chó!
Vụ xe đạp của Kloesen thì thanh tra Glockner đã biết từ… khuya. Ông hiểu vấn đề liền:
- Hóa ra ông là Adolf Burkert.
Adolf cười ngạo mạn:
- Tất nhiên. Một con người thừa mức về tiền bạc như tôi không có thời giờ để chơi trò cút bắt bằng điện thoại. Tôi có dại dột đi dọa các ông bằng cách đút đầu vô dây thòng lọng tự thắt cổ mình. Tôi còn tài sản kếch sù, tôi đâu có ngu, hiểu chưa?
Người cảnh sát ngồi bàn giấy chen vào:
- Nhưng các nhân chứng đều khai về ông giống hệt như nhau, thưa ông Burkert. Ông đã đứng rất lâu trong buồng điện thoại và gọi dây nói.
Adolf gào như sắp bị tra tấn:
- Tôi không gọi. Tôi xin thề. Tôi… tôi… tôi chỉ đứng trong ấy để nhìn… nhìn thiên hạ.
Glockner cau mày:
- Tôi muốn thử nghe ông xưng hô “mày, tao” ở đây, như ông đã răn đe Tổng nha qua điện thoại đó mà.
- Làm gì có, quỷ thần ơi. Tôi không hề gọi điện. Tôi thề!
Thanh tra Glockner quan sát gã chăm chú. Ánh mắt của ông soi mói. Còn Adolf? Gã cũng chốc chốc lại liếc nhìn ông, nhưng rồi lại lảng đi. Hình như gã không chịu nổi cái nhìn của ông.
Glockner nheo mắt:
- Hình như chúng ta biết nhau từ trước nữa kia? Ông có thấy thế không?
Adolf hằn học:
- Đúng. Ông đã có mặt khi bắt oan tôi. Đến chết tôi cũng không bao giờ quên được, ngành tư pháp của quý vị bê bối tới mức đã kết án một công dân vô tội. Các ông đã làm tôi phải chôn vùi cuộc đời suốt một năm rưỡi trong tù. Thật kinh khủng.
- Tôi biết vụ đó!
- Hừ…ừm, và bây giờ tôi lại sắp bị các ông vu khống một tội khác mà tôi không hề dính vào.
- Điều này rồi sẽ được làm rõ. Vậy ông ra ga làm gì?
- Tôi đợi một người quen. Tôi… thôi cũng được, tôi xin kể rõ!
Adolf đành thuật lại tỉ mỉ cuộc hẹn hò ma quỷ của gã và bạn tù Pit Krokoschinsky.
Glockner gật gù:
- Tôi biết Pit “Con Khỉ”. Nếu đúng như ông nói, chuyến tàu cuối cùng từ Hartinghausen sẽ tới nhà ga vào lúc bốn giờ chiều. Tuy nhiên cho dù có sự xuất hiện của Pit, ông vẫn là kẻ khả nghi hơn ai hết. Cú điện dọa đánh bom Tổng nha được gọi đi từ buồng điện thoại ngay đúng thời gian ông cầm máy.
Adolf không trả lời. Mắt gã như chìm vào hư không. Rồi bất chợt gã la lên:
- Tôi nhớ ra rồi, thằng thanh niên chừng 25 tuổi dị dạng đó… Nó đã gọi điện trước tôi. À… ờ, nó đã lảm nhảm những câu rời rạc như “cảnh cáo… bay lên không… ba mươi phút nữa…”. Nó đã “mày tao”liên tục trong điện thoại.
- Những lời đó có thể chính là của ông đó Burkert!
Adolf rên lên:
- Không, chính thằng đó đã nói. Tôi sẽ tả nhân dạng nó cho các ông nghe.
Ngay tức khắc, Adolf phun ra tướng mạo một quái nhân mà ai nghe qua cũng tưởng là người hỏa tinh giáng thế. Gã tức tưởi:
- Cứ như tôi thấy thì nó đúng là kẻ dọa đánh bom.
Glockner vẫn bình tĩnh:
- Được rồi, nhưng trước hết chúng tôi sẽ tiến hành khám nhà ông, biết đâu lại vớ được bom và thuốc nổ. Mà này, hình như ông có nuôi một con vẹt phải không?
Adolf lắp bắp, mặt tái mét:
- Tôi không… không nuôi vet. Tôi không ưa cái loài chim lòe loẹt ấy. Tôi chỉ thích ngỗng quay!
Tròn Vo nguýt dài:
- Gã ghét súc vật lắm, người quản gia già kể lại với cháu như vậy.
Adolf đâu có đếm xỉa gì đến Tròn Vo, vẫn tiếp tục lải nhải:
- Tôi phản đối việc khám nhà.
- Tôi ghi nhận ý kiến của ông.
Rồi thanh tra Glockner quay sang Mathias:
- Anh hãy đi xin lệnh khám của tòa án.
Ông đưa mắt về phía Tarzan. Làm sao ông biết được những câu hỏi đang quay mòng mòng trong đầu Tarzan. Coi, thái độ thẫn thờ của Adolf khi nghe lệnh sẽ khám nhà chứng tỏ gã là thủ phạm một trăm phần trăm không còn ai khác. Không hiểu bọn khủng bố có bao nhiêu tên, hay chỉ có một mình Adolf? Hoặc hắn chỉ là kẻ hù dọa suông, còn đánh bom lại là bọn khác?...
Đúng lúc đó một viên cảnh sát bước vào phòng:
- Thưa ngài thanh tra, tàu sắp vào ga.
Thanh tra Glockner đứng dậy:
- Nào, tôi sẽ đi đón ngài Pit!
Mười phút sau, ông quay lại mỉm cười nhìn Adolf:
- Chỉ có mười một hành khách xuống tàu, thưa ông Burkert. Không thấy Pit Krokoschinsky.
Adolf rên rỉ:
- Tôi… không lừa dối các ông… tôi…
Thân thể cao lớn của gã rũ xuống. Tái nhợt. Mồ hôi vã ra.
- Không thể hiểu được. Rõ ràng là Pit đã…
- Thôi đi Burkert!
Mathias lúc này đã quay lại với tờ lệnh đóng dấu. Mọi người lục tục kéo ra hai chiếc xe hơi đậu sẵn. Glockner ngồi kẹp chặt Adolf trên chiếc Rolls Royce.
Phố Fritz-Meier chiều nay gió lạnh buốt. Chiếc Rolls Royce dừng bánh trước gara. Xe tuần tra vừa đậu lại là Tarzan đã bật cửa phóng xuống. Hắn sững người. Mọi cửa nẻo đều trống hoác. Không thấy ông già Riebesiel đâu cả.
*
Đến phiên thanh tra Glockner kè Adolf xuống xe. Gã khả nghi cụp tai lại lê gót đi hệt một tên tù, chẳng còn đâu dáng một ông chủ giàu có.
Năm người đi vào gian sảnh. Tarzan há hốc miệng kinh ngạc bởi cửa dẫn vô cầu thang xuống tầng hầm bỏ ngỏ. Đèn trong đó sáng trưng. Các phòng khác đều thê lương như thế: mọi rương tủ đều bị bật mở, dưới sàn đồ đạc nằm chỏng gọng.
Adolf hoảng hồn dang hai tay thẳng cánh như bị đóng đinh:
- Hả… Ủa… Cái gì? Lão già Riebesiel say rượu chăng?
Gã rùng mình tru lên như sói:
- Pauuul ! Pauul Riebesiel!
Tarzan thấy thanh tra Glockner và Mathias đưa mắt cho nhau. Chà, có chuyện không ổn rồi. Mà chiếc đi-văng mở nệm toang hoác kê trước cái tủ tường Đức cổ kia ngó nghịch mắt làm sao chớ!
Có tiếng chân trên cầu thang. Ông già Riebesiel vừa đi xuống vừa cố xỏ tay vào chiếc áo vét đen. Ngó bộ ông lão vẫn chưa hết ngái ngủ. Lão nhìn năm người trong phòng khách lớn với đôi mắt kèm nhèm. Gương mặt nhăn nheo tái dại.
Adolf lồng lộn:
- Thế này là thế nào? Lão “xỉn” phải không?
- Lạy Chúa, kẻ nào đã… Tôi không hiểu…
Mặt ông cụ mỗi lúc một đờ đẫn:
- Thôi chết rồi… sau khi cái hãng đồ gỗ chở đi-văng đến thì tôi đã lai rai vài li vang loại nặng…
Adolf choáng váng:
- Đi-văng nào? À, cái gì thế này? Ai đã chở nó tới đây?
Riebesiel nghiêng vành tai bị nghễnh ngãng:
- Chính ông đã mua đi-văng của hãng Kogel mà. Người ta chở đến đó.
- Sao? Tôi mua? Lão đùa hả? Xin lỗi…
Glockner cảm thấy cần phải can thiệp giúp ông lão. Ông lừ mắt về phía Adolf:
- Tôi muốn ông giảm âm đi một chút, được chớ? Nào, bây giờ thì ông cụ hãy kể đầu đuôi…
Được lời như cởi tấm lòng, cụ Riebesiel tuôn như suối. Cũng may trí nhớ của ông già không đến nỗi lú lẫn, chân dung của hai gã đạo tặc khiêng chiếc đi-văng hiện ra như một khúc phim kinh dị trước mặt Tarzan.
Hắn reo lên:
- Chính thị là thằng Mắt Cá, thưa chú Glockner! Đây rõ ràng là thành tích của bọn cướp ngày.
Glockner gật đầu. Tarzan thừa hiểu vụ cướp đột ngột này đã bất ngờ rửa sạch mọi tội lỗi của Burkert. Chứ gì nữa, bọn cướp ngày đã… điệu hổ li sơn, sử dụng “con mồi” Pit nhử Burkert ra khỏi sào huyệt rồi nhào vô đánh úp.
Viên thanh tra nói chậm rãi:
- Thiên hạ gọi mánh khóe này của đám lưu manh là “mẹo thành Troa”. Thằng thứ ba đã nằm sẵn trong đi-văng. Khi đồng bọn rút lui và người nhà thiếu cảnh giác, gã đã mò ra vơ vét sạch. Tôi ngờ rằng chẳng có hãng mộc nào tên Kogel cả. Trước mắt chúng ta sẽ truy tìm nơi sản xuất chiếc đi-văng và chiếc xe đã chở nó đến. Có thể là chiếc Mustang mà Tarzan đã từng gặp…
Adolf căm hận:
- Vậy là Pit đã… nhử tôi ra khỏi nhà. Quân chó má….
Glockner ngắt lời gã:
- … nếu trong trường hợp Pit chính là kẻ gọi điện cho ông. Nhưng ông nên nhớ Pit Krokoschinsky không xuống tàu có nghĩa là gã chưa mãn hạn tù. Tại sao không đặt nghi vấn rằng một trong những tên cướp ngày nắm rõ mối giao thiệp của ông và Pit, thậm chí còn là chiến hữu của ông và Pit trong nhà giam chớ? Chỉ có giả thuyết đó mới xác định được ai là kẻ chủ mưu kế hoạch “con ngựa gỗ thành Troa”.
- Hừ, ông có lí. Giọng của Pit trong điện thoại nghe ngờ ngợ… - Adolf bỗng đập hai tay vào nhau - Một trong hai kẻ mà ông Riebesiel tả gợi tôi nhớ tới một người. Trời đất, đúng là… Klaus Heye rồi! Hồi ở tù tôi biết rõ hắn. Heye dám làm bất cứ chuyện gì.
Adolf đi vô phòng riêng. Gã chỉ vào cái két gắn trong tường bị mở toang:
- Thấy chưa, thưa quý vị. Quý vị còn vu khống tôi là tên khủng bố dọa đánh bom nữa hay không hả? Tôi đã dại dột mò ra ga đợi suốt hai chuyến tàu để khi bị hộ tống trở về thì tài sản trong nhà gần như sạch sẽ.
Gã cười khan:
- Hê hê, quý vị còn định khám nhà tôi nữa thôi? Xin mời. Nhưng có lẽ mấy ông nên lưu tâm tới bọn cướp tài sản của tôi thì hơn.
Thanh tra Glockner vẫn giữ vẻ mặt bình thản:
- Ông hãy kê khai số tài sản bị mất!
- Tất nhiên rồi.
- Và nên làm liền.
- Ôkê!
Tròn Vo đột ngột hét lên:
- Còn tiền xe đạp của tôi thì sao hả? Ông phải trả ngay bây giờ!
Adolf cười cay độc:
- Mày tư cách gì mà đòi nợ hả thằng nhóc béo kia? Mày đã cố tình nhét xe đạp dưới gầm xe mà còn lẻo mép. Nói cho mày rõ, sau khi xác định vết trầy ở xe tao thiệt hại như thế nào chắc chắn “ông bà già” mày sẽ nhận được hóa đơn thanh toán đó.
- Trời đất!
Mắt của Kloesen thiếu điều rơm rớm lệ. Sự vu vạ quá ư đê tiện khiến nó ú ớ không đối đáp ngay được. Nhưng ông Glockner đã can thiệp kịp thời:
- Hãy dẹp ngay trò ngậm máu phun người đó đi ông Burkert. Chính ông, chỉ vì giận bà vợ cũ, đã dùng chiếc xe Rolls Royce nghiến nát chiếc xe đạp của Willi. Hơn nữa, thưa ông Burkert, nhét một chiếc xe đạp xuống gầm chiếc Rolls Royce không dễ đâu. Mọi dữ kiện đều chống lại ông rồi.
Mắt Adolf đầy hằn học:
- Thì ông cứ chứng minh đi rồi thằng nhóc sẽ được nhận tiền. Còn bây giờ, tôi bận. Mời quý vị ra khỏi nhà tôi!
Gã quay qua cụ Riebesiel:
- Cả lão nữa, lão già, lão cũng cút luôn cho khuất mắt.
Chẳng dè cụ Riebesiel đâu dễ bị ăn hiếp như vậy. Cụ thét:
- Đừng hòng, thằng ranh con hỗn láo. Bố cậu đã viết trong di chúc. Rằng tôi có quyền sống trong ngôi nhà này suốt đời.
Cuộc tranh chấp tay đôi trong tòa biệt thự huyên náo đến mức sau khi Mathias đóng sầm cánh cửa sau lưng mọi người vẫn còn nghe thấy. Kloesen ngây thơ níu tay viên thanh tra hình sự:
- Thưa chú Glockner, cháu muốn biết mưu mẹo “con ngựa gỗ thành Troa” là gì vậy?
Glockner bật cười:
- Vậy là cháu ngủ gật trong giờ lịch sử rồi. Đó là một truyền thuyết trong huyền thoại Hy-La. Thời xưa quân Hy Lạp vây hãm thành Troa nhưng không sao chiếm được cho nên tướng Ô-đi-xê đã nảy ra một sáng kiến. Ông cho làm một con ngựa gỗ khổng lồ bên trong chứa bốn mươi dũng sĩ và giả bộ rút quân. Dân thành Troa hò reo rước con ngựa chiến lợi phẩm vào thành để ăn mừng thắng lợi. Nửa đêm bốn mươi dũng sĩ chui ra mở cửa thành và cuộc nội công ngoại kích đã dìm thành Troa vào trong biển máu. Vậy đó!
Hai quái tạm biệt thanh tra để trở về kí túc xá. Lúc chia tay bọn trẻ ở Tổng nha, ông Glockner dặn nhỏ:
- Trong cái rủi cũng có cái may. Các cháu hãy để ý đến lời khai của Adolf về tên thanh niên tóc đỏ dị tướng. Cũng có thể gã đã khai thành thực đó.
Hai đứa lặng lẽ rút lui. Trên đường về, Kloesen vẫn ấm ức:
- Thằng chồng cũ của cô Elly thật thô bỉ chó má!
Tarzan an ủi:
- Chúng ta sẽ trừng phạt gã sau. Nhưng trước mắt tụi mình còn hẹn nhau ở nhà Gaby về vụ… con vẹt, mày nhớ không?
- À, đại ca nhắc tao mới nhớ. Đúng rồi. Chúng ta cần truy tìm tại các cửa hiệu bán động vật cảnh về con vẹt biết nói tiếng người. Nó tên gì hả đại ca?
- Nó xưng “Tôi tên là Lorchen, cho hôn một cái!”.
Về kí túc xá, Tarzan lao vô phòng điện thoại phôn cho Gaby. Coi, cô bé nhấc ống nghe liền:
- Mình và quân sư đã đợi bạn tới một tiếng rưỡi. Sao? Cuộc phiêu lưu thế nào hở đại ca?
- Cuộc phiêu lưu đã chấm dứt bởi vì mình đang ở kí túc xá. Đầu đuôi như sau…
Hắn kể lại mọi chuyện. Riêng về thằng Tóc Đỏ dị tướng bị nghi là kẻ dọa đánh bom, hắn nhắc lại tới ba lần.
Tarzan kết thúc:
- Chúng ta sẽ thử bắt đầu từ con vẹt. Chỉ có điều sau sáu giờ mình và Kloesen mới rảnh rang có mặt ở nhà bạn. Vậy để khỏi phí thời gian, bạn và Karl nên tới các cửa hiệu sinh vật cảnh ngay đi. Hẹn gặp sau sáu giờ.
Cô bé thì thào:
- Ôkê, Tarzan! Mình và Karl sẽ mong các bạn lắm đó.
*
Sau ga hàng hóa, tại số nhà 17, băng cướp chuyên nghiệp bắt đầu cụng li.
Bộ dạng ba gã lúc này đều dương dương như những ông chủ lớn. Hãy ngó gã Mắt Cá Katzdobler bật núi chai rượu sâm-banh thứ hai thì rõ. Gã thoăn thoắt rót đầy các li một cách điệu nghệ.
Đại ca Heye kín đáo hơn, gã cứ ung dung đi quanh chiếc bàn chất đầy chiến lợi phẩm với hai bàn tay xoa vào nhau mãn nguyện. Còn hung thần Siggi? Gã bảnh bao này tự thưởng thức chiến công của mình bằng cách ngồi trên ghế bành xoạc rộng hai chân. Gã hất hàm:
- Ba thứ ăn cắp chỉ là đồ bỏ.
Katzdobler bật cười khan:
- Mày nói đúng. Sự phát hiện kia mới là thứ mà chúng ta quan tâm.
Heye cười ha hả:
- Mình đã nắm thóp được thằng Adolf Burkert rồi. Giờ thì hắn phải xì tiền, xì tiền ra!
Katzdobler trong cơn hưng phấn làm hai li đúp một lúc. Gã giương cặp mắt lờ đờ ra lè nhè:
- Kể từ bây giờ cái gì thuộc về Adolf đều là sở hữu của chúng ta. Xin chúc mừng!
Siggi búng tàn thuốc cái vèo:
- Nhưng chúng ta không nên vắt kiệt con bò sữa này ngay, thưa đại ca. Cần để dành sữa tới tận lúc về hưu. Klaus, anh tính đòi Adolf bao nhiêu?
Heye hắng giọng:
- Tao biết phải làm gì Siggi! Đầu tiên chúng ta chỉ cần xực 20.000 mark khiêm tốn thôi. Được chưa? Chúng ta phải tập cho thằng Adolf quen dần với trò chơi “đóng hụi chết”, không nên làm nó tự sát hay đứng tim ngay, đúng không?
Sau đó, gã vớ liền máy điện thoại, quay số nhà Burkert. Gã có vẻ bồn chồn vì chuông reo liên tục mà chẳng ai nhấc máy. Mãi một phút sau mới nghe giọng Adolf ngầy ngật men rượu:
- Burkert đây!
Heye rổn rảng:
- Chào Adolf. Nhận ra tao không? Mày khỏe chứ? Uổng công chờ Pit hả? Vểnh tai nghe tao nói nha: Tao chính là một trong những người làm công của hãng Kogel. Tao cung cấp đi-văng cho mày đấy, mày thích cái đi-văng chứ, kiểu dáng đẹp, tân kì, bên trong rỗng ruột…
Adolf rú lên như con heo bị chọc tiết:
- Đồ chó đẻ, té ra là mày, Heye! Tao hiểu rồi. Đồ chó. Mày muốn gì?
- Ê ê, thư thả mà ông bạn. Hồi ở trong tù, mày mà nói giọng đó là… qua đời với tao, cho dù thằng Pit có muốn bảo vệ cũng chẳng được. Mày phải nhớ tao là “trưởng phòng” giam, trên cả “trật tự” nữa. Hiểu chưa?
Burkert im lặng không trả lời. Sếp Heye có cảm tưởng rằng gã đang nghẹt thở.
- Sao, mày không thích nói chuyện với tao nữa hả? Này, tao lại còn biết chắc rằng mày sẽ không dành câu chuyện này cho cảnh sát nữa kia. Đúng chớ?
- Mày cứ thử động vào tao coi, đồ chó đểu!
- Adolf! Đừng lớn lối đi mày. Nếu không sẽ trả giá đắt đó con ạ.
- Hả, mày lảm nhảm cái gì vậy? Tụi mày đã vơ sạch của tao rồi…
- Mày sẽ phải chi tiền, Adolf! Mày biết rõ tụi tao nắm được mày rồi. Bữa nay là thứ sáu. Các nhà băng vẫn mở cửa. Mày hãy tới đó tha về cho tụi tao 20.000 mark. Đúng một tiếng đồng hồ sau tụi tao sẽ cử người tới lấy. Mật ngữ của thằng sứ giả là “đại ca Klaus gửi lời chào”. Hiểu chớ? Đây chỉ là màn đóng hụi đầu tiên.
Adolf nghiến răng kèn kẹt:
- Chó má!
- Bớt chửi rủa đi công tử, mày hết phương án lựa chọn rồi.
- Đồ cướp ngày!
- Hê hê, câu đó nghe lọt lỗ nhĩ đấy. Cướp ngày là nghề xưa nay của tụi tao. Tại sao lại không biết khai thác một con mồi béo bở như mày hử? Mà mày cũng đâu hơn gì tụi tao. Mãy đã ngồi mát ăn bát vàng nhờ gia tài kếch xù mà không cần một ngón tay nào động đậy.
Heye tiếp tục cười đểu:
- Hà, giờ còn một câu hỏi chót: số kim cương trong bộ sưu tập mày cất đâu mà thằng Siggi kiếm muốn mù mắt vẫn không thấy. Chỉ vì số châu báu đó tụi tao mới chơi cái mẹo “Thành Troa” mà.
Adolf trong cơn điên tiết buột miệng:
- Tao không còn bộ sưu tập đó, Elly đã…
Gã ngưng bặt tuồng như biết lỡ lời. Nhưng Heye giả vờ không nghe rõ:
- Thôi bỏ mẹ ba thứ đá bậy bạ đó đi. Hê hê, giờ thì chuẩn bị gấp cho mấy anh hai của mày 20.000 mark, nếu không muốn nằm ấp lần nữa.
Heye lạnh lùng cúp máy. Tiếng thằng Siggi đầy nôn nóng:
- Kết quả sao hả sếp?
Heye cười như điên:
- Thằng bần tiện sẽ phải trả tiền sau một tiếng nữa. Trời ơi, chẳng có gì thú vị bằng được thu thuế dài dài của một công tử coi đồng bạc như bánh xe bò.
Gã hất điếu xì gà lên trời và há miệng đớp ngay khóe mép:
- Châm lửa cho tao, Siggi. Mày có biết đứa nào đang giữ mớ đá quý ấy không? Một con mẹ tên Elly, hà hà…
Siggi nhảy dựng lên:
- Vợ cũ của Adolf đó. Đây này, đằng sau tấm ảnh đề dòng chữ “… mãi mãi - Elly của anh”.
Heye xoa mặt. Những cục u trên gương mặt sần sùi vì thượng đài của gã cựu võ sĩ quyền Anh nhúc nhích:
- Tuyệt, tuyệt. Tao không ngờ mày được quỷ sứ ban phước lành nhiều đến thế. Chỉ cần bắn một phát đạn mà chết tới hai con chim. Con chim nạp miệng đầu tiên là thằng Adolf phải nộp tiền mãi lộ bất cứ lúc nào chúng ta yêu cầu. Con chim thứ hai là vợ cũ của nó, con nhỏ Elly gì đó. Trời ơi là trời, chúng ta sẽ có trong tay số đá quý dễ ợt. Chà, trúng quá, vô mánh vĩ đại… chiếc chìa khóa đâu, Siggi?
Siggi sửng sốt:
- Đại ca cho rằng chiếc chìa khóa em “chôm” ỏ đầu giường thằng Adolf là chìa khóa mở cửa nhà Elly hả?
- Còn chi nữa. Tính của thằng Adolf tao còn lạ. Mày phải nhớ rằng trong tù nó luôn để bàn chải đánh răng cạnh kem đánh răng chớ không khi nào lược để cạnh bơ. Vì vậy lúc mày phát hiện chiếc chìa khóa đi liền với tấm ảnh là tao đoán ra ngay. Một là nó cuỗm chiếc chìa khóa ở nhà vợ, hai là nó thủ lại từ trước để dễ bề “viếng thăm” nhà con Elly lúc nào tùy thích. Hà hà…
- Quá đã! Đại ca cao kiến như thần.
- Chớ sao. Tao hi vọng rằng cô ả vẫn mang cái tên Elly Burkert. Nếu quỷ sứ còn phù hộ tụi mình, thì địa chỉ ả sẽ xuất hiện trong cuốn danh mục điện thoại, bằng ả lấy lại tên thời con gái thì coi như… huề cả làng. Tụi mình đành phải “xù” vụ đá quý.
Siggi sốt sắng đưa cuốn danh bạ cho sếp:
- Đại ca thử thời vận lần nữa coi.
Heye lật từng trang. Gã khoái trá gõ ngón tay vào một dòng ở vần B.
- Elly Burkert, giáo viên dương cầm. Ả đây rồi! Hô hô, chúng ta lại trúng mánh!
Gã liếc vào đồng hồ:
- Đã quá muộn đối với một băng cướp ngày. Nhưng lí do gì mà tụi mình không mở “dịch vụ” đêm nhỉ? Bọn cớm sẽ tha hồ ngạc nhiên nhé!
Mắt Cá ngạc nhiên:
- Đại ca nói sao? Ngay bây giờ hả?
- Còn khi nào nữa? Hay mày tính đợi cho tới lúc Burkert phát hiện ra mất chìa khóa và báo tin cho ả vợ cũ của nó, đồ ngu?
Siggi nhếch mép cười. Thì đó, cuối cùng cả Katzdobler cũng bị sếp cho một “chưởng”!