Không khí trong phòng nồng nặc mùi bia. Bốn tên cướp cạn không thèm ngó đến chai rượu bị đổ lăn lóc dưới sàn nhà. Chúng tiếp tục phun khói thuốc mù mịt.
Gernot Plasch Tóc Đỏ ngồi trên chiếc giường xếp của mình cười hô hố. Gã đang rung đùi khoái trá đọc đến lá thư thứ... hai mươi.
- Ê, tụi bay. Tao vớ nhằm lá thư tình mùi mẫn.
Flori Giặc Cái chồm tới. Ả giật phăng lá thư màu hồng trên tay thằng lục lâm và chúi mũi vào. Giọng cô ả hít hà khiến cặp môi càng giống trái cá chua sắp rụng:
- “Em thề yêu anh suốt đời...” Trời ơi, hấp dẫn mê li rùng rợn quá. Tôi chưa thấy ai tỏ tình dễ thương như vậy.
Thằng Fritz Zoppig nhịp nhịp cặp chân vòng kiềng:
- Tao thì vớ toàn các hóa đơn thanh toán, giấy đòi nợ, thư từ gửi đến Sở tài chính. Chán bỏ mẹ.
Otto giương cái nhìn Ác Điểu, cười cợt:
- A ha, thằng cha này mới hài hước làm sao chớ. Tụi bay nghe này: “Tao phải tin cho mày biết ông bác Yakob, cái lão già keo kiệt ấy, cuối cùng đã củ tỏi. Hôm qua người ta đã chôn ông ấy ở ngoài nghĩa địa phía tây, và trong số năm trăm người đưa đám tao biết khối kẻ muốn nhảy múa ăn mừng, như tao đây. Thế là cuối cùng bác Yakob cũng đạt được điều ông mơ ước bấy lâu: mãi mãi ghi dấu trong lòng mọi người. Chỉ có điều, với một hình ảnh không như ông ta mong muốn: một kẻ bóc lột và cắt cổ đồng loại. Mày thấy không, đôi khi cái chết cũng tuyệt vời đó chớ...”
Ba thằng bật cười hô hố. Tiêng Flori giảu mỏ:
- Tôi thấy có chi đáng cười ở một lá thư báo tin người chết.
Đoạn ả lại chúi đầu vào một lá thư tình ướt át khác.
Tội nghiệp cái túi da của ông Rickemann. Một núi thư chưa bị xé cao nghệu chồng trước giường. Bọn du đãng đã giải trí hai giờ liền mà vẫn chưa đọc hết nổi chúng. Chỉ duy nhất Flori trúng... giải độc đắc. Ả chụp được phong thư của một bà cụ mừng sinh nhật cháu ngoại năm mươi mark và ả giấu biến.
Tiếng thằng Bruchdrexl cất lên làm ả giật mình:
- Suỵt. Sếp đang mò qua đó.
Đúng như gã cảnh giác. Có tiếng chân người nện thình thịch trước cửa. Rồi cánh cửa bị đá tung. Giọng ông trùm Kowalske khó chịu hơn bao giờ hết:
- Ủa, tao tưởng tụi bay đang “đánh quả” ở ngoài đường. Chà, tụi bay làm cái chó gì ở đây thế hả?
Gã khoác một chiếc áo choàng da có lót lông thú loại thượng hạng. Chỉ có điều cái quần nhung sờn đến sắp rách và cái áo len cũ kĩ bẩn thỉu, thủng lỗ chỗ mặc trong áo choàng đã phản trắc lại bộ dạng làm dáng quí tộc “dỏm”. Ngó gã như một tướng cướp hết thời. Coi, trên cái sọ lưu manh bây giờ đã chễm chệ bộ tóc giả vàng óng. Bộ tóc thiên thần làm gã mới giống quỉ sứ làm sao. Gã hò hét:
- Tụi bay đào đâu ra thứ của nợ này? Thư từ của ai hả?
Flasch lên tiếng:
- Thưa sếp, đó là thư của lão Rickemann mà tụi em mới cướp được.
- Sao? Rickemann là thằng nào?
Gernot Plasch nhanh nhảu giải thích mọi việc cho ông trùm. Con mắt lé của Kowalske bắt đầu hoạt động. Gã gầm lên như bò rống:
- Tụi bay điên rồi. Tụi bay điên rồi. Trời đất, những phi vụ của chúng ta còn chưa đủ để lên đoạn đầu đài hay sao mà tụi bay còn rớ vô ba cái chuyện trả thù tầm phào này. Chó má thật, tụi bay là đồ... ăn ***. Lỡ thằng Rickemann nhớ lại vụ bạt tai vô mặt thằng Gernot hôm qua thì cả lũ tính sao? Nó sẽ phăng ra được tung tích của tụi bay và báo tin cho bọn “cớm”. Trời hỡi, đến giờ này mà tụi bay vẫn chưa chịu hiểu. Vì sao trong lúc “làm ăn”, chúng ta cần phải ngụy trang bằng cách đội mũ bảo hiểm kín đầu cũng như thường xuyên thay đổi các loại xe gắn máy và đổi bảng số xe giả liên tục hả? Nói tao nghe nào! Nói!...
Gã thở hồng hộc. Mồ hôi ra như tắm. Trong cơn giận dữ Kowalske giật tung mớ tóc giả. Suýt nữa thì gã quăng món “báu vật” đó xuống đất nhưng khựng lại kịp. Gã chửi thề gần méo miệng:
- Đồ con lợn, giống lang thang, lũ móc cống! Mang danh đi ăn cướp mà lại đi đọc chữ. Tại sao tụi mày không chịu đem tiền về mà lại đi xoáy cái túi đựng thư. Tao không thể hiểu nổi. Đồ...
Gã thuận chân đá phốc vào chồng thư cao nghệu chưa xé. Coi, những lá thư bay tung tóe. Một lá thư không hiểu sao lại bay là là sát ngực gã. Ông trùm chộp liền.
- Ái chà. Thư gửi ông Thomas Leihkauf. Người gửi thì vô danh. Mẹ kiếp, đúng là của nợ vô tích sự.
Bốn đứa ma đầu im thin thít trước cơn cuồng nộ của sếp. Một lát sau bọn chúng mới dám ngước mặt lên. Ê, hình như sếp đã nguội cái miệng núi lửa. Mặt sếp bây giờ có vẻ như một thằng ăn trộm đánh hơi được cái gì đó. Sếp có vẻ tò mò đáo để.
Quả thực, Kowalske thò một ngón tay bóc lá thư gửi ông Thomas Leihkauf. Gã định kiểm tra nội tình lá thư vô bổ trước khi nổi cơn tam bành lần nữa ư? Hãy nghe gã đọc lè nhè:
“Ông Leihkauf thân mến. Điện thoại nhà ông có vấn đề chăng, chúng tôi đã nhiều lần tìm cách liên lạc vẫn không thấy trả lời. Sản phẩm mà ông yêu cầu đã hoàn thành. Toàn những tờ một trăm hoàn hảo. Tổng cộng đợt mới này là một triệu mark. Theo qui ước của chúng ta trước giờ thì chúng tôi chỉ lấy một phần năm giá trị hàng đã giao...”
Kowalske bỗng dừng lại. Gã ngước mắt nhìn trân trối ra cửa sổ. Tuy vậy con mắt lác của gã lại chĩa thẳng vào Flori đang tái nhợt dưới lớp phấn son lòe loẹt xấu như quỷ khiến ả này nổi cơn ớn lạnh. Nhưng không, con mắt lé của ông trùm lại tiếp tục long lên:
“Chúng tôi yêu cầu ông hãy liên lạc gấp với chúng tôi để hoàn tất hợp đồng làm ăn này. Chúng tôi muốn sản phẩm của chúng ta được lưu hành càng sớm càng tốt. Chào thân ái. Bạn ông: Detlef Gobel.”
Trong phòng lúc này nghẹt thở đến mức bọn cướp có thể nghe rõ bữa ăn trưa của một con... mọt. Con mắt lé của Kowalske trở nên mơ màng cách lạ. Gã hắng giọng:
- Tao không ngờ Thượng đế ban phước lành đột ngột như vậy. Vô “mánh” rồi tụi bay ơi!
Gã quì xuống chắp hai tay cầu nguyện... trần nhà:
- Tao tin rằng đây không phải là một trò đùa. Rõ ràng đây là một thông tin của một băng làm bạc giả gửi tới kẻ tiêu thụ. Bọn chúng ra giá với lão Thomas Leihkauf: đã hoàn thành hợp đồng in một triệu mark bằng những tờ bạc một trăm. Quỷ sứ ơi, chúng đổi cho gã Leihkauf một triệu chỉ lấy hai trăm ngàn tiền thật. Đúng một phần năm chẵn chòi.
Flori ngớ ngẩn hỏi:
- Tại sao chúng bỏ ra tới một mark để đổi có hai mươi xu hả sếp?
- Mày đúng là... đàn bà. Mọi việc đều có giá của nó đó chứ. Thử hỏi nếu biến liền một triệu tiền giả thành tiền thật thì mất công biết chừng nào. Mày đâu có dám xài cả cọc mà phải xài từ từ từng tờ một trăm đồng. Xài kiểu đó trước sau cũng lộ, vì dù mày có cẩn thận đến đâu thì bạc giả vẫn là bạc giả.
- Sếp nói như thánh. Nhưng còn thằng tiêu thụ? Gã cũng chịu mất thời giờ như vậy ư?
- À, thằng tiêu thụ thì lại khác. Gã quan hệ với nhiều công ty lớn và như thế dễ dàng đẩy tiền giả ra nước ngoài. Mày nên nhớ ở nước ngoài đồng mark Đức là một ngoại tệ mạnh có uy tín. Gã phải bỏ nhiều công sức để tiêu thụ bởi vậy bọn làm bạc giả chỉ được gã trả cho hai mươi phần trăm thôi. Rõ chưa đồ ngu!
- Vậy chúng ta tính sao bây giờ hả sếp?
- Một câu hỏi ngu ngốc. Còn tính gì nữa. Chúng ta phải thiết lập một “liên minh” chớ sao! Chúng ta sẽ thông báo với các đồng nghiệp rằng từ nay họ có một người chung phần biết im lặng.
- Nghĩa là tụi mình sẽ có nhiều tiền, dễ vậy thôi sao sếp? – Otto sửng sốt hỏi.
- Còn phải hỏi! Không lẽ mày chưa biết ai là thủ lĩnh của mày?! Đưa ngay cuốn danh bạ điện thoại cho tao nào.
Bốn đứa nhãi nhép bật dậy. Zoppig nhanh chân hơn ai hết chụp cuốn danh bạ trước nhằm “lấy điểm” với ông trùm. Coi nào, Kowalske ngồi xuống chiếc giường xếp.
- Vần L... Được rồi. Thomas Leihkauf đây. Hy vọng điện thoại nhà thằng này đã được sửa chữa...
Căn nhà mà bọn cướp đang thuê làm sào huyệt cũng có điện thoại. Tất nhiên, không đăng ký theo tên của Kowalske mà theo tên chủ nhà – một kẻ anh chị đã làm quen với Kowalske trong nhà đá cách đây nhiều năm. Bây giờ, tên chủ nhà cho người bạn tù trú trong căn nhà bỏ không – với giá thuê cắt cổ, tất nhiên rồi. Kowalske nhấc “phôn” lên và quay số:
- Xin chào!
Từ bên đầu dây một người phụ nữ xưng danh. Mẹ kiếp, vậy thì điện thoại nhà Thomas đâu có hư. Kowalske nghe giọng bà ta nghẹn ngào:
- Tôi là bà Leihkauf!
- Ồ, xin lỗi bà. Tôi muốn gặp ông nhà Thomas...
Người đàn bà thổn thức:
- Ông chưa hay biết gì sao? Chồng tôi... chồng tôi đã mất sáng qua...
Kowalske trợn tròn mắt... lé. Nhưng gã đã trấn tĩnh kịp thời. Gã tiêp tục màn kịch:
- Tôi rất lấy làm ân hận. Xin chia buồn cùng bà. À, ông nhà thọ bao nhiêu, thưa bà?
- Sáu chín tuổi. Ông ấy bị bịnh tim hơn năm năm nay.
- Cám ơn bà.
Gã đặt máy xuống và chửi thề:
- Mẹ, lão già giàu có đã qua đời. Hèn gì không có ai trả lời bọn kia. Vậy là cái đám tiêu thụ bạc giả đã về âm phủ. Nhưng nhằm nhò gì. Tao sẽ gọi cho thằng Detlef Gobel. Cái thằng trùm băng làm bạc giả kí tên dưới bức thư.
Trong danh bạ điện thoại chỉ có một Detlef Gobel. Kowalske nhếch mép:
- Thằng này trú ngụ ở Phố Chuột. Số nhà 27. Lạy trời nó chưa chết như thằng kia.
Lũ lâu la hí lên cười.
Kowalske liếm môi trước khi quay số. Ngay tức thì có người nhấc máy. Một người đàn ông, giọng phập phồng:
- Vâng, tôi nghe!
Kowalske tinh quái như chồn. Gã xuất thần “chế tạo” cho mình một cái tên mới:
- Tôi là “Kellermann”. Có phải ông Gobel ở đầu dây?
- Không. Đợi tôi gọi Detlef.
Kowalske hồi hộp chưa từng thấy dù gã thừa bản lãnh của một ông trùm, và gã đang ngoạc mồm cười đắc ý với lũ đàn em. Thì đây, một giọng nửa đàn ông nửa đàn bà vang lên mùi mẫn:
- Tôi là Gobel!
- Ông lão Leihkauf gửi lời chào ông bằng cái nhìn của một người đang ngắm củ cải dưới mặt đất đen. Các ông có gọi điện thoại cách mấy cũng vô ích. Vợ ông ta còn đang tan nát vì đau đớn.
Im lặng.
Rồi Gobel hắng giọng:
- Ông gọi lộn số máy rồi. Tôi không có quen ai tên là Leihkauf cả.
- Chà, phòng thủ làm gì hở anh bạn? “Bạn hàng” vừa mới tử mà các ông ngoảnh mặt lẹ vậy sao? Đúng như tôi vẫn thường nói. Thế giới này không còn tình người nữa rồi.
Giọng Gobel vẫn tỉnh khô:
- Nhưng... ông là ai nhỉ? Kellermann ư? Tụi này chưa từng nghe...
Kowalske cười hề hề:
- Ông không nghe cũng phải. Hôm nay tôi có thể tên “Kellermann”, rồi mai tên khác. Tóm lại, tôi không phải là “cớm” mà cùng một ngạch với ông bạn thôi. Tôi thay hình đổi dạng nhanh lắm, lí lịch mới sơ sơ sáu năm tù...
Gobel vẫn thận trọng:
- Ông có liên quan gì với cái ông... ờ... ông Leihkauf ấy nhỉ?
- Quên lão già đi chiến hữu. Trái tim ông ta đã ngừng đập sáng qua. Hãy bàn chuyện làm ăn với người mới nào ông Gobel! Chúng ta bàn về những tờ một trăm mark hoàn hảo của ngành sản suất mới thì hơn.
Gobel im lặng khiến Kowalske sốt ruột tung ra một đòn sát thủ:
- Trước hết tôi muốn khuyên các chiến hữu rằng: Gửi những thông tin tuyệt mật như thế trong thư thì quá ư là khinh suất! Tại sao các ông lại không lường trước là lá thư đó có thể rớt dọc đường và một người nào đó vô tình lượm được? Cũng may người đó lại là tôi, thưa ông Gobel. Nội dung thư khỏi bàn ở đây. Người tiêu thụ đã chầu trời còn các ông thì ngồi thê thảm trên một triệu đồng toàn những tờ một trăm mark giả. Hiện đã có nhiều tờ như thế tung ra thị trường thành phố - theo chỗ tôi biết. Ở chỗ ông, tiền thật có vẻ là một mặt hàng quí hiếm phải không? Hay mỗi khi mua thuốc lá ông đều trả bằng tiền giả?
Hình như Gobel có vẻ thấm đòn. Giọng gã ta dịu hẳn:
- Tôi... ờ... tôi nghĩ rằng, ông Kellermann ạ, nếu vậy chúng ta nên cùng bàn bạc với nhau thì hơn. Được chớ?
- Ôkê ông bạn ạ. Nội trong ngày hôm nay tôi và các chiến hữu sẽ kéo đến Phố Chuột. Phiền ông động não dần là vừa. Nghe đây nha!
Kowalske có cái tật cứ bô bô ngay cả những kế hoạch bí mật nhất qua điện thoại, dù gã biết làm thế là rất nguy hiểm. Thì gã vốn là một tên đầu trộm đuôi cướp huênh hoang mà.
- Kế hoạch hợp tác của tôi như sau. Chúng tôi sẽ đánh cướp nhà băng, tôi nghĩ chuyện này từ lâu rồi nhưng – nhờ sự hợp tác của ông – giờ nó sẽ được hoàn thiện. Chúng ta sẽ cướp nhà băng và không gây một mất mát nào. Lạ quá phải không? Thiên hạ sẽ cho rằng bọn cướp đã hối hận còn cảnh sát sẽ truy nã sơ sài cho qua chuyện. Nhưng thực ra chúng ta sẽ tráo tiền giả của ông vào. Với tỉ lệ một ăn một.
- Ồ...
- Chúng ta sẽ bàn bạc kĩ việc này. Nào, bao giờ thì chúng tôi đổ bộ xuống Phố Chuột được đây?
- Tụi tôi có mặt suốt cả buổi chiều.
- Hi vọng rằng băng của các ông thuộc loại dám chơi dám chịu. Nên nhớ rằng kế hoạch của tôi có một chút bạo lực đó...
Gobel nói nhỏ:
- Không hề gì. Rồi chúng ta sẽ tính tới chuyện đó.