Trong lúc Trần Cảnh đang bị đại sư tỷ của kiếm phái La Phù đuổi giết dưới trời gió tuyết ở châu Lô, thì Tú Xuân loan tại châu Cửu Hoa lại là dịp xuân về hoa nở. Sau khi Trần Cảnh đi, khúc sông yên ả này đột nhiên vang vọng những tiếng gõ nhịp kỳ lạ từ thượng du truyền lại. Những âm thanh này chấn động trực tiếp lên sắc phù trong linh hồn. Tượng Hà Bá Tú Xuân loan mặc dù không có ý thức, nhưng vẫn đứng hưởng nhang đèn nơi đây, lại không ngừng phun nuốt linh khí trời đất, hút địa khí linh lực khúc sông để tẩy luyện tượng thần. Mà tượng thần lại là bản thể của Trần Cảnh, có liên hệ với thần hồn qua sắc phù, nên có thể đem cảm ứng từ sắc phù truyền cho Trần Cảnh ở ngoài vạn dặm.
Đã là ban đêm, Hồng đại hiệp đi vào trong miếu Hà Bá, nói to:
- Hà Bá gia, Long Vương gia điểm danh rồi.
Tượng Hà Bá vẫn không nhúc nhích, cũng không có bất kỳ hồi âm nào, giống như một vật chết. Trong trí nhớ của Hồng đại hiệp, từ suốt một năm trước, Trần Cảnh đã không xuất hiện, cũng không nói một lời nào.
Điều này làm Hồng đại hiệp cực kỳ sốt ruột. Kinh Hà Long Vương điểm danh là không thể không đi, nếu không đi, sẽ bị lột thần vị, sau đó hồn phi phách tán. Thế nhưng nó cũng chẳng biết phải làm sao, chỉ có thể đợi tới mỗi đêm lại chạy vào miếu mà la lên.
* * *
Kinh Hà bắt nguồn từ núi Côn Lôn, mà hành cung của Kinh Hà Long Vương thì ở ngay khúc sông dưới chân núi.
Kinh Hà này không chỉ là dòng nước do nhiều dòng nhỏ trên mặt đất đổ về tạo thành, mà còn là linh tuyền từ dưới lòng đất dâng lên, mang theo linh khí nồng đậm của núi Côn Lôn. Trăm ngàn năm qua, linh khí này làm cho vô số sinh linh hóa thành yêu, nhưng chân chính thoát khỏi xác phàm cũng chỉ có một con rắn bình thường, tiến hóa thành một con thuồng luồng (giao long), rồi lại đoạt được thần vị Long Vương của Kinh Hà.
Thế nhưng, chỉ như vậy là chưa đủ với con rắn hóa thuồng luồng ấy. Nó luôn có một nguyện vọng, đó là có một ngày có thể chiếm trọn cả linh mạch Côn Lôn. Nó tin rằng, chỉ cần mình chiếm linh mạch, sẽ có thể mượn sức mạnh của linh mạch để từ thuồng luồng hóa thành rồng, từ đó trở đi bước thẳng lên trời, rong chơi hư không, đạp mây lướt gió, trở thành Long Vương duy nhất trong thời đại này. Bởi thế, ở một trăm năm trước, nó từng dâng nước Kinh Hà nhấn chìm dãy Côn Lôn, muốn đuổi phái Côn Lôn vẫn chiếm cứ núi đi, nhưng rồi lại bị thua khi đánh với người của phái Côn Lôn. Từ đó đến nay, nó dốc lòng tu hành, tuy pháp lực không tăng bao nhiêu, nhưng lại đột phá tới một tầng thứ mới trong việc sử dụng pháp lực.
Chỗ sâu nhất trong Kinh Hà dĩ nhiên là nơi ở của Kinh Hà Long Vương. Lão đang ngồi trên chiếc ngai vàng trong một tòa hành cung không mấy to lớn. Từ lúc lão nhìn thấy được những dãy đạo điện tầng tầng lớp lớp của Côn Lôn, lão đã không còn muốn tự tạo động phủ cho mình nữa, bởi vì cảm thấy bất kể là xây dựng hoa lệ thế nào, cũng sẽ chỉ như là một món đồ chơi của trẻ nhỏ trước dãy đạo điện* của Côn Lôn mà thôi.
(Đạo diện: kiến trúc điện thờ đạo giáo)
Thi thoảng, ở những đêm vắng người, lão sẽ suy nghĩ xem rốt cuộc là hạng người gì mới có thể xây ra dãy đạo điện như vậy. Trên tựa vào núi, dưới nối với linh mạch, hình thành nên một trận thức có thể kéo linh khí xung quanh tụ tập. Còn Kinh Hà chẳng qua là do linh khí tràn ra từ núi Côn Lôn tụ lại mà thành. Đến đây, lão lại nghĩ xa hơn, không biêt hơn một nghìn năm trước đã xảy ra chuyện gì, đến mức Thiên đình có thể thống lĩnh quần tiên thiên hạ cũng phải biến mất.
Đây chẳng qua là những suy nghĩ thoáng qua. Lão dành chủ yếu thời gian cho việc tu hành dưỡng thần. Tuy đã trăm năm không tăng bao nhiêu pháp lực, nhưng đạo hạnh của lão lại tăng trưởng. Đến hôm nay, tuy pháp lực chẳng mấy xê xích nhau nhưng lão đủ tự tin có thể chiến thắng bản thân mình của một trăm năm trước.
- Thiên kiếp không thể độ, vậy ta sẽ dẫn một lần nhân kiếp, mượn cơ hội đột phá thân thuồng luồng, để hoàn toàn xứng với thần vị Long Vương, chứ không phải là Giao Long Vương như giờ nữa.
Kinh Hà Giao Long Vương biến hóa ra thân người, ngồi trên ngai vàng, tay phải thong thả vỗ một cái lên một cây cột ngắn bằng bạch ngọc bên cạnh ngai, tạo ra từng vòng sóng gợn lan tỏa từ nơi này ra mãi xa xôi.
Trời đất vẫn bình yên, nhưng Kinh Hà lại chấn động rồi.
* * *
Trần Cảnh đương nhiên cảm nhận được lệnh triệu tập của Kinh Hà Giao Long Vương. Từ khi rời khỏi tượng thần ở Tú Xuân loan tới nay, dần dần hắn cũng phát hiện, kỳ thật mình không hoàn toàn tách khỏi bản thể tượng đá, mà chẳng qua là phân chia ý niệm tiến vào con bướm trong kiếm, còn gốc rễ linh hồn vẫn ở trong tượng thần. Nếu tượng thần bị hủy, vậy âm thần gửi gắm trong con bướm sẽ hóa thành không gốc rễ, nhất định sẽ theo gió mà tan biến.
Trần Cảnh cảm ứng được lời gọi của Kinh Hà Long Vương khi đang rời khỏi châu Lô. Mà lúc này, hắn còn bị đại sư tỷ Ly Trần của La Phù kiếm phái truy đuổi gắt gao phía sau.
Tới một đỉnh núi được ánh trăng mờ chiếu rọi, Trần Cảnh dừng lại, đứng yên, quay lưng đối mặt với Ly Trần. Dưới trăng, Ly Trần ngửa cổ uống rượu, mắt nhìn Trần Cảnh.
Trần Cảnh đứng cách một khoảng, nói:
- Chúng ta nói chuyện một chút.
- Được.
Ly Trần sảng khoái đáp, chỉ là giọng rất lạnh lùng.
Trần Cảnh mỉm cười, nói:
- Cô cũng thấy rồi đấy, ta căn bản không có được Tế kiếm tâm kinh của La Phù. Nếu có nó, kiếm cương của ta đã không mỏng manh như vậy.
- Ta biết.
Ly Trần tiếp tục uống một ngụm rượu, nói. Gió đêm thổi qua làm phần tóc được vấn cao phía sau đầu nàng bay bay.
- Vậy tại sao cô còn đuổi theo ta?
Trần Cảnh hỏi.
Ly Trần ngửa đầu uống tiếp một ngụm, cũng không nói lời nào.
Trần Cảnh lại không dám thả lỏng, nói:
- Cô đã truy sát ta hơn nửa tháng, không bằng chúng ta đều nghỉ ngơi một chút đi.
- Tốt.
Ly Trần lập tức trả lời.
Trần Cảnh lại thở dài, nói:
- Người như cô thật không có uy tín, nói chuyện không có giữ lời.
Ly Trần ngửa đầu tiếp tục uống rượu, mắt nhìn Trần Cảnh, không nói gì.
- Bằng không như vậy đi, chờ ta tìm được sư tỷ của ta, sẽ lấy Tế kiếm tâm kinh từ sư tỷ, rồi trả lại cho cô, để cô mang về, như vậy cô sẽ không bị sư phụ trách phạt rồi.
- Được.
Ly Trần vẫn đáp lời rất ngắn gọn.
- Đã đồng ý, vậy cô buông tha ta được không?
Trần Cảnh đột nhiên hỏi.
Trong mắt Ly Trần hiện lên vẻ châm chọc, hai ngón tay kẹp lấy lưỡi kiếm, vẽ một cái trong hư không, người đã biến mất. Trần Cảnh lập tức hóa thành một vệt ánh kiếm, phóng về đằng chân trời, mà đằng sau cũng có một vệt ánh kiếm khác đuổi theo.
Suốt nửa tháng nay, Trần Cảnh không ngừng đấu với Ly Trần, nhưng lần nào cũng đều ở hạ phong, đành không ngừng chtrốn. Dù sao Ly Trần cũng là đại đệ tử của kiếm phái La Phù, bất kể là phương pháp tế kiếm, hay là pháp quyết tu hành, đều vượt xa Trần Cảnh. Nếu không phải Trần Cảnh đã luyện ở thành Tần Quảng hơn ba trăm năm, ngưng kết thành kiếm cương, có lẽ hiện tại kiếm của hắn mới chỉ ngưng sát. Hắn lại không có phương pháp tế kiếm chính tông, bất kể là kiếm thể sinh cương, hay là hóa hình, đều là thu hoạch sau một đường sinh tử, hơn nữa cho dù thành công, cũng vẫn kém không ít so với truyền nhân chính tông La Phù như Ly Trần.
Một vầng trăng sáng, hai vệt ánh kiếm, kiếm kiếm ẩn hiện lúc sáng lúc tắt trong hư không.
Trần Cảnh lại hóa thành hình người, tay cầm lấy một luồng ánh sáng hình thanh kiếm, ở dưới trăng có vẻ mờ ảo khác thường, giống như là hắn đang nắm một cụm mây vừa bẻ được. Mà Ly Trần một tay cầm hồ lô rượu, một tay dùng ngón trỏ và ngón giữa kẹp lấy luồng ánh sáng hình dáng tương tự, đứng đối mặt với Trần Cảnh dưới trời sao.
Thuấn kiếm thuật, kiếm quyết, tâm tính, hai người dây dưa cùng một chỗ, căn bản là không phân rõ, tựa như hai con bướm nhẹ bay trong bầu trời đêm. Ở dưới đất, có vài yêu thú đang ngẩng đầu phun nuốt các loại linh khí, vừa thấy hai người thì lập tức bị hù dọa trốn vào động phủ, hoảng sợ nhìn lên bầu trời đầy sát khí.
- Đó là gì vậy?
Một con chim nhỏ đang đậu trên cành cây trong một sơn cốc hỏi một con chim nhỏ khác.
- Hình như là hai người.
- Nói nhảm, đương nhiên là hai người, chẳng lẽ là hai chim.
- Biết đâu đấy, có khi lại đúng là tiền bối của loài chim chúng ta.
Một con chim nhỏ khác nói.
* * *
Trần Cảnh không biết Ly Trần có đánh hết sức hay không, nhưng hắn biết mình đã tận lực. Bất kể là Thuấn kiếm thuật, tâm lực, hay kiếm quyết, hắn đều đã phát huy toàn lực, chỉ còn một chiêu duy nhất chưa dùng là thần thông bản mệnh của con bướm.
Mà Ly Trần, ngoại trừ kiếm thuật ra cũng không có sử dụng pháp thuật nào khác. Nhưng Trần Cảnh lại cảm thấy áp lực càng lúc càng lớn. Kiếm thuật của đối phương giống như là gió tuyết châu Lô, liên miên không dứt, không chỗ nào không quét đến.
Mặc dù là như thế, Trần Cảnh vẫn chỉ dùng kiếm thuật đánh với Ly Trần, không nghĩ tới việc sử dụng huyễn thuật bản mệnh của con bướm kia. Không đến đường cùng, hắn không muốn sử dụng nó, bởi đó là phương pháp thoát thân duy nhất nếu thật sự nguy hiểm đến tính mạng. Hơn nữa, Trần Cảnh cũng không xác định được rằng dùng huyễn thuật này có mê huyễn được Ly Trần hay không. Ly Trần là người có ý chí kiên định, rất khó bị mê hoặc, mà La Phù còn là đại phái truyền thừa ngàn năm, không chừng nàng đã được luyện loại kiếm thuật nào đó chuyên phá huyễn thuật.
Thời gian từng ngày trôi qua, Trần Cảnh hóa làm con bướm liều mạng bay cực nhanh trong hư không, quanh thân con bướm đó có một thanh kiếm nhỏ không chuôi không ngừng bay vòng khắp xung quanh. Kiếm kiếm linh hoạt mà dày đặc, nơi nó đi qua hư không cũng muốn ngưng kết lại. Con bướm cứ như vậy bay đi, mặc cái thân mỏng manh ở bên trong bão táp, như lúc nào cũng có thể bị quật ngã.
Một đường hướng châu Cửu Hoa mà đi, thân ở trong màn ánh kiếm bao phủ, nhưng Trần Cảnh lại có cảm giác đang chìm trong gió tuyết đầy trời, nhìn nơi nào cũng thấy có những bông tuyết rơi xuống. Hắn biết đó không phải bông tuyết, mà là mũi kiếm, là ánh kiếm động tới sẽ chết.
Từ khi Trần Cảnh tu luyện tới nay, sớm đã hàn khí bất xâm, thế mà giờ hắn lại cảm giác quanh thân phát lạnh, tựa như chính bản thân hắn vốn là một con bướm đang giãy giụa bên trong trời tuyết. Cái lạnh ngày một tăng, khí lạnh như muốn kết thành một tầng sương quanh thân hắn, đông cứng cả không gian. Cứ mỗi giây mỗi phút trôi qua, Trần Cảnh lại cảm giác thân thể bị đè nén nặng nề thêm, cơ hồ cảm thấy được cánh bướm đã kết thành băng.
Trần Cảnh biết pháp lực của mình chẳng qua là linh lực trong kiếm, mà pháp lực của đối phương lại cao hơn rất nhiều, nên uy lực của kiếm quyết cũng lớn hơn rất nhiều. Nơi kiếm của Ly Trần đi qua, sẽ có gió tuyết sinh ra. Ánh kiếm chợt lóe trên hư không, lại một đám bông tuyết tung bay trong gió, mà con bướm cũng nhanh chóng lao vụt đi.
Vì pháp lực không bằng, nên Trần Cảnh cũng không dây dưa, nếu không dễ bị vây vào giữa kiếm ý vô tận của Ly Trần. Chợt một vệt ánh kiếm ập mặt mà đến. Nhìn bằng đôi mắt của Mê Thiên Điệp, kiếm này rõ ràng xuyên hư không, không khí bị xé ra, như làn sóng vô hình gạt sang hai bên. Trần Cảnh ra sức né tránh, kiếm xẹt qua cánh bướm, kiếm ý lạnh như băng bao phủ lấy con bướm.
Con bướm né qua, nhoáng một cái đã bay về bên trái. Đột nhiên lại có một vệt ánh kiếm phá không đến, vô thanh vô tức, con bướm vội liệng mình, lại tránh được.
Ánh kiếm đầy trời, gió tuyết đầy trời, một con bươm bướm không ngừng chao liệng.
- Ly Trần này quanh năm bốn mùa tế kiếm trong gió tuyết, trong kiếm quyết đã có kiếm ý của gió tuyết rồi.