Hỏa Ngục

Chương 88

Trước Sau

break
Kỳ quan thế giới thứ tám, một số người gọi nơi này như vậy, nhưng lúc này đứng bên trong, Langdon không có ý định tranh luận về đánh giá đó.

Khi cả nhóm bước qua ngưỡng cửa tiến vào khu điện thờ đồ sộ, Langdon sực nhớ rằng Hagia Sophia có thể gây được ấn tượng với khách tham quan về quy mô tráng lệ của nó chỉ trong nháy mắt.

Gian phòng này lớn đến mức dường như ngay cả những đại giáo đường của châu Âu cũng biến thành những chú lùn. Langdon biết rằng, sự choáng ngợp của nó một phần là ảo giác - một hiệu ứng phụ nhờ phần mặt sàn kiểu Byzantine, với toàn bộ không gian thờ cúng tập trung trong một gian phòng vuông vức duy nhất, chứ không phải trải ra theo bốn nhánh của bố cục hình thập tự - vốn là phong cách được sử dụng cho các thánh đường sau này.

Tòa nhà này còn nhiều tuổi hơn Notre-Dame đến bảy trăm năm, Langdon nghĩ bụng.

Sau khi mất một lúc mới quan sát được hết quy mô rộng lớn của gian phòng, Langdon ngước mắt nhìn lên, phải hơn bốn mươi lăm mét phía trên đầu, về phía mái vòm màu vàng sáng lấp lánh trùm lấy gian phòng. Từ điểm trung tâm, bốn mươi gọng vòm tỏa đều ra như những tia nắng mặt trời, chạy tới dãy tường cuốn hình tròn gồm buốn mươi ô cửa sổ vòng cung. Vào ban ngày, ánh sáng tràn qua những ô cửa sổ này phản chiếu và khúc xạ những mảnh kính khảm chặt trên lớp mái vàng, tạo ra “thứ ánh sáng kỳ ảo”, điểm nổi tiếng nhất của Hagia Sophia.

Langdon từng một lần duy nhất thấy cái không gian mạ vàng của gian phòng này được nắm bắt một cách chính xác trong tranh vẽ. Họa sĩ John Singer Sargent. Không có gì lạ, khi tạo ra bức Hagia Sophia nổi tiếng của mình, vị họa sĩ người Mỹ này chỉ giới hạn bảng màu trong phạm vi những sắc độ khác nhau của một màu duy nhất.

Màu vàng.

Phần mái vòm vàng lấp lánh, thường gọi là “mái vòm của Thiên đường”, được đỡ bằng bốn khung tò vò cực lớn và những khung này lại được cố định bằng rất nhiều kết cấu nửa vòm và lá nhĩ. Rồi lại có một tầng nửa vòm và dãy cuốn nhỏ hơn đỡ dưới các chi tiết này, tạo ra hiệu ứng như thể một thác nước gồm toàn những dạng thức kiến trúc đang từ trên trời tìm đường xuống trái đất.

Chạy từ trên trời xuống đất, mặc dù theo một lộ trình trực tiếp hơn, những sợi cáp dài từ mái vòm lao thẳng xuống và đỡ cả một biển chúc đài được treo thấp đến mức những vị khách cao lớn rất dễ va phải chúng. Nhưng thực tế, đây lại là một ảo giác nữa do sự hoành tráng của không gian này tạo ra, bởi lẽ những ngọn chúc đài đều treo cao cách sàn gần bốn mét.

Cũng như với tất cả các điện thờ khác, kích thước đồ sộ của Hagia Sophia nhằm hai mục đích. Thứ nhất, nó là bằng chứng trước Chúa về những gì con người sẵn sàng thực hiện để tỏ lòng tôn kính với ngài. Và thứ hai, nó là hình thức gây sốc với các tín đồ - một không gian vật lý hùng vĩ đến mức những người bước vào đều cảm thấy mình trở nên nhỏ bé, cái tôi của họ tan biến, cái bản thể vật chất cùng tầm quan trọng của họ chỉ còn là một chấm nhỏ nhoi trước Chúa - nguyên tử trong bàn tay của Tạo hóa mà thôi.

Chừng nào con người chẳng là gì cả thì Chúa cũng chẳng thể tạo ra được gì từ anh ta. Martin Luther từng nói những lời này vào thế kỷ XVI, nhưng quan niệm đó đã nằm trong tư duy của những người xây dựng từ thời có những hình mẫu xưa nhất của kiến trúc tôn giáo.

Langdon liếc nhìn Brüder và Sinskey, cũng đang chăm chú nhìn lên và lúc này mới hạ ánh mắt xuống.

“Chúa Jesus”, Brüder nói.

“Phải!” Mirsat hào hứng nói. “Và cả Thánh Allah cùng Đức Muhammad nữa!”

Langdon phì cười khi anh chàng hướng dẫn viên của họ bảo Brüder nhìn bàn thờ chính, nơi này có một bức tranh gốm khảm cao ngất hình Chúa Jesus kèm hai bên là hai chiếc đĩa lớn có tên bằng tiếng Ả Rập của Muhammad và Thánh Allah theo kiểu thư pháp trang trí.

“Bảo tàng này”, Mirsat giải thích, “cố gắng gợi cho khách tham quan nhớ đến những mục đích đa dạng của không gian thiêng liêng, nên lần lượt thể hiện cả biểu tượng Thiên Chúa giáo, từ thời kỳ khi Hagia Sophia còn là một nhà thờ, lẫn biểu tượng Hồi giáo, khi nó được dùng như một giáo đường”. Anh ta mỉm cười tự hào. “Bất chấp sự xích mích giữa hai tôn giáo giữa đời thực, chúng tôi vẫn nghĩ những biểu tượng của họ khá hòa hợp với nhau. Tôi biết anh cũng tán thành, thưa giáo sư.”

Langdon chân thành gật đầu, nhớ lại rằng tất cả những biểu tượng Thiên Chúa giáo đều đã bị che kín bằng vôi khi tòa nhà này trở thành một giáo đường Hồi giáo. Việc phục hồi lại những biểu tượng Thiên Chúa giáo bên cạnh các biểu tượng Hồi giáo đã tạo ra một hiệu quả hấp dẫn, đặc biệt vì những phong cách và đặc điểm nhạy cảm của hai hệ thống biểu tượng này lại là hai cực đối lập nhau.

Trong khi truyền thống Thiên Chúa giáo ưa những hình ảnh thế tục của các vị thần thánh, Hồi giáo lại tập trung vào thư pháp chữ Ả Rập và những hoa văn kỳ hà để thể hiện vẻ đẹp trong vũ trụ của Chúa trời. Truyền thống Hồi giáo cho rằng chỉ có Chúa trời mới tạo ra cuộc sống, do đó con người không thể tạo ra những hình ảnh của cuộc sống - không thần linh, không con người, thậm chí không động vật.

Langdon nhớ đã từng cố gắng giải thích quan niệm này cho các sinh viên của mình: “Một Michelangelo theo đạo Hồi, xin lấy ví dụ như vậy, sẽ chẳng bao giờ vẽ gương mặt của Chúa trên trần Nhà nguyện Sistine. Ông ấy sẽ khắc tên Chúa trời. Thể hiện gương mặt Chúa bị coi là hành động bang bổ”.

Langdon tiếp tục giải thích lý do của việc này.

“Cả Thiên Chúa giáo và Hồi giáo đều lấy ngôn từ làm trung tâm luận”, anh nói với sinh viên, “có nghĩa là họ tập trung vào Ngôi Lời. Theo truyền thống của Thiên Chúa giáo, Ngôi Lời trở thành xác thịt trong cuốn sách của Thánh John: ‘Và Ngôi Lời đã trở thành xác thịt, và Ngài ở giữa chúng ta’. Do đó, người ta chấp nhận việc mô tả Ngôi Lời có hình dạng con người. Còn trong truyền thống Hồi giáo, Ngôi Lời không trở nên xác thịt, cho nên Ngôi Lời cần giữ nguyên hình dạng của ngôn từ… trong hầu hết các trường hợp, đó là những hình thức thể hiện bằng thư pháp tên của các nhân vật thần thánh trong đạo Hồi”.

Một trong số các sinh viên của Langdon đã đúc kết đoạn lịch sử phức tạp này bằng một ghi chú bên lề vở chính xác đến thú vị rằng: “Người Thiên Chúa giáo thích mặt, người Hồi giáo thích chữ”.

“Trước mặt chúng ta đây”, Mirsat tiếp tục, ra hiệu về phía bên kia gian phòng kỳ vĩ, “các vị thấy một sự hòa trộn độc đáo giữa Thiên Chúa giáo và Hồi giáo”.

Anh ta chỉ rõ sự kết hợp của các biểu tượng ở khu hậu cung hoành tráng, đáng chú ý nhất là hình tượng Đức mẹ Đồng trinh và Chúa Hài đồng nhìn xuống mihrab - chỗ ngách tường hình bán nguyệt trong một giáo đường Hồi giáo cho biết phương hướng của Mecca. Gần đó, một dãy cầu thang chạy đến bục giảng kinh, trông giống kiểu bục dùng làm nơi thực hiện các bài thuyết pháp Thiên Chúa giáo, nhưng trên thực tế lại là một minbar, bục thánh lễ cho thầy tế thực hiện các buổi lễ ngày thứ Sáu. Tương tự, kết cấu hình hoa cúc gần đó trông giống khu vực dành cho đội hợp ca nhà thờ Thiên Chúa giáo nhưng thực tế lại là müezzin mahfili, một loại bục được tôn cao dành cho thầy tu báo giờ quỳ và cầu kinh đáp lại lời cầu nguyện của thầy tế.

“Các giáo đường Hồi giáo và thánh đường Thiên Chúa giáo giống nhau đến kinh ngạc”, Mirsat tuyên bố. “Truyền thống của Đông và Tây không khác biệt nhiều như chúng ta nghĩ!”

“Anh Mirsat?”, Brüder thúc bách, giọng đầy nôn nóng. “Chúng tôi rất muốn vào xem mộ Dandolo, nếu có thể?”

Mirsat có vẻ hơi bực mình, như thể vẻ nóng vội của Brüder chính là một biểu hiện thiếu tôn trọng đối với nhà thờ này.

“Phải”, Langdon nói. “Tôi xin lỗi vì vội vàng, nhưng chúng tôi có thời gian biểu rất sít sao.”

“Cũng được thôi”, Mirsat nói, tay chỉ một ban công khá cao bên trái họ. “Chúng ta lên gác và xem ngôi mộ.”

“Đi lên sao?”, Langdon giật mình đáp lại. “Không phải Enrico Dandolo được chôn cất trong hầm mộ à?” Langdon nhớ rõ về ngôi mộ, nhưng không nhớ vị trí chính xác trong tòa nhà nơi có mộ. Anh hình dung ra những khu vực tối tăm ngầm trong lòng đất của tòa nhà.

Mirsat có vẻ khó chịu trước câu hỏi. “Không, thưa giáo sư, mộ của Enrico Dandolo chắc chắn ở trên tầng.”

Có chuyện quái quỷ gì ở đây vậy nhỉ? Mirsat thắc mắc.

Khi Langdon đề nghị tới thăm mộ Dandolo, Mirsat cảm thấy đề nghị đó như một kiểu nghi trang. Chẳng ai muốn xem mộ Dandolo cả. Mirsat cho rằng thứ Langdon thật sự muốn xem là kho báu bí ẩn ngay bên mộ Dandolo kia - tác phẩm Gốm khảm Deesis - bức chân dung Chúa Toàn năng cổ vẫn được xem là một trong những tác phẩm nghệ thuật bí ẩn nhất của tòa nhà này.

Langdon đang tìm kiếm bức tranh gốm, và đang cố gắng giữ kín điều đó, Mirsat phán đoán, cho rằng vị giáo sư có lẽ đang viết một tác phẩm bí mật về bức Deesis.

Tuy nhiên, đến giờ thì Mirsat không hiểu. Chắc chắn Langdon biết tác phẩm Deesis nằm trên tầng hai, nhưng tại sao anh lại có phản ứng ngạc nhiên như vậy?

Trừ phi đúng là anh ta đang tìm kiếm mộ Dadolo chăng?

Bối rối, Mirsat dẫn họ về phía cầu thang, đi qua một trong hai cái đỉnh nổi tiếng của Hagia Sophia - một đại khí nặng tới gần một nghìn hai trăm năm mươi cân đẽo từ một khối cẩm thạch nguyên khối vào thời kỳ Hy Lạp hóa.

Lúc này, Mirsat im lặng leo lên cùng cả đoàn, cảm giác hơi bồn chồn. Các cộng sự của Langdon dường như không giống dân học thuật chút nào. Một trong số họ giống một dạng lính tráng nào đó, cơ bắp và cứng nhắc, lại mặc toàn đồ đen. Còn người phụ nữ có mái tóc bạc thì Mirsat cảm thấy như mình đã gặp bà ấy từ trước. Có lẽ trên truyền hình chăng?

Anh ta bắt đầu thấy nghi ngờ rằng mục đích chuyến viếng thăm này không phải như họ nói lúc đầu. Thật sự thì tại sao họ lại đến đây?

“Chỉ một đợt cầu thang nữa thôi”, Mirsat vui vẻ nói khi họ đến chiếu nghỉ. “Chúng ta sẽ thấy mộ của Enrico Dandolo trên tầng, và dĩ nhiên”, anh ta ngừng lại, mắt nhìn Langdon, “bức Gốm khảm Deesis nổi tiếng”.

Không có lấy một chút do dự.

Có vẻ như Langdon, trên thực tế, không hề đến đây vì bức Deesis một tí nào. Anh và các vị khách của mình dường như tập trung một cách khó hiểu vào ngôi mộ của Dandolo.

break
Tán Tỉnh Chàng Cảnh Sát Hình Sự
Sắc, Sủng, Nữ Cường
Đàn Anh Cứ Muốn Tôi
Ngôn tình Sắc, Sủng,Nữ Cường
Trúc Mã Bá Đạo Cưới Trước Yêu Sau
Ngôn tình Sắc, Sủng, Đô Thị
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc