Dương Tử Luân dù từ xa đã trông thấy Lâm Thái Uyên cùng đám tì nữ nhưng gương mặt hắn vẫn lạnh tanh, không có một phần biểu lộ.
Ngược lại, Uyên phi vừa trông thấy bóng dáng hắn, gương mặt hoan hỉ cực độ, ánh mắt dạt dào, chạy đến trước mặt hắn khom mình thi lễ.
- Thần thiếp khấu kiến bệ hạ! - Thanh âm uyển chuyển của nàng vang lên, nối tiếp sau là bọn cung nữ cũng thi nhau quỳ lạy.
Dương Tử Luân phẩy tay, điềm tĩnh bước vào Chiêu Dương điện, không nhìn Lâm Thái Uyên quá một vài giây đã lập tức hờ hững mà hỏi:
- Uyên phi, nàng có chuyện gì?
Uyên phi trong lòng ấm ức nảy sinh nhưng vẫn giữ gương mặt tươi tắn hồng thuận, mỉm cười nhẹ nhàng bước theo sát hắn:
- Bệ hạ, thần thiếp lo lắng cho long thể người gần đây vì chính sự mà bận rộn, đã tự thay sắc canh bổ này...
Đợi cung nữ bưng khay dựng canh trong ấm sứ giữ nhiệt đến, Lâm Thái Uyên từ từ mà tiếp lời, bộ dạng có chút tội nghiệp:
- Thần thiếp biết mình lắm chuyện, nhưng là phi tử phải biết làm tròn bổn phận đạo hạnh, những lời này thái hậu trước khi xuất cung từng căn dặn, thần thiếp chưa hề dám quên... Chỉ xin bệ hạ chiếu cố tâm ý của thần thiếp, thần thiếp sẽ đi ngay, không dám lôi thôi làm phiền...
Lâm Thái Uyên nàng biết mình có ưu thế lớn là cháu gái của thái hậu thân sinh ra Luân đế, được thái hậu vô cùng sủng ái nâng đỡ, Dương Tử Luân dù thế nào cũng không thể tệ bạc với nàng.
Nhắc đến thái hậu, vì một số chuyện mà phải đến hàng tháng nay hắn chưa ghé qua Thiên Âm tự thăm hỏi người...
- Được rồi, mang canh lại đây! - Hắn có chút ôn hòa hơn mà nói - Nàng vẫn thường thay ta đến thăm thái hậu chứ?
- Muôn tâu bệ hạ, thần thiếp tháng nào cũng xuất cung thăm hỏi người! - Trên mặt Lâm Thái Uyên biểu cảm rạng rỡ, cẩn thận tự tay dâng canh cho hắn.
Được thể, nàng càng cố gắng kể chuyện về thái hậu cho hắn. Hắn chậm rãi uống canh mà nghe, những gì nàng ta nói hoàn toàn khiến hắn có thể yên tâm.
Đang vậy thì có một tên thái giám chạy từ ngoài vào, quỳ xuống thi lễ rồi thưa:
- Bệ hạ, thái hậu cho người truyền tin, nói rằng người đột nhiên quyết định sẽ hồi cung nhân dịp nguyên tiêu!
...
...
Ngoại ô kinh thành, Thiên Âm tự.
Đây là ngôi chùa có thể coi là lớn nhất cả nước, nằm phía tây kinh thành, từ đây đi ngựa vào kinh chỉ mất ba canh giờ.
Thiên Âm tự nằm trên một sườn núi thấp, hướng ra phía con sông, phong cảnh vô cùng tươi đẹp thanh bình, là một chốn thích hợp để tĩnh tại.
Thái hậu đương triều tên húy là Lâm Anh Thư, xuất thân quý tộc danh giá, được gả cho Kiến vương từ năm mười tám nhưng cũng chỉ có một hài tử duy nhất là Dương Tử Luân - đến nay đã đăng cơ hoàng đế.
Bà ta cảm thấy ở trong cung có chút tù túng tẻ nhạt vô vị, hoàng đế thì quá bận rộn cũng không dành được nhiều thời gian cho mình, sau một hồi nghe lời người gợi ý, thái hậu quyết định xuất cung lên chùa ăn chay tu niệm, cầu phúc cho thiên hạ và hoàng đế.
Hồi còn trẻ, Lâm Thư Thư đích thị là một tiểu thư danh giá đỏng đảnh, được chiều chuộng nên có chút ngỗ ngược, đối với việc nữ công gia chánh lại không có tinh thông. Phải đến lúc chạm mặt Tử Kiến vương gia, nàng mới có động lực thúc đẩy để cố gắng thành một khuê nữ chân chính. Thượng thư đại nhân - phụ thân của nàng có mời đến tư gia một người dạy cho nàng cầm kỳ thi họa, tên gọi là Yến Linh Cơ. Lúc đầu nàng rất yêu thích Yến Linh Cơ, thân thiết bên nhau như tỷ muội nhưng sau đó rất nhiều việc đã xảy ra, Lâm Anh Thư không những không yêu mến Linh Cơ nữa mà còn đâm ra thù ghét nàng...
Cuối cùng thì nàng vẫn gả được cho Kiến vương, còn Yến Linh Cơ kia vì gia cảnh mà phải bán thân vào lầu xanh...
Sinh hạ Tử Luân, Thư Thư vì không khéo léo mà không thể chăm sóc hài nhi chu tất, mọi việc chăm bẵm tiểu vương gia đều do một tay vú Lục làm... Xét cho cùng thì bao năm trôi qua mà tâm tính nàng vẫn không trưởng thành, không đoan trang được là bao, khó trách Kiến vương không mấy mặn nồng với nàng.
Cũng may Luân đế không kế thừa từ thái hậu cá tính nông nổi đó...
...
...
Trong dãy phòng tốt nhất Thiên Âm tự, thái hậu đang cùng vú Lục sắp xếp chuẩn bị hồi cung. Hành lý của thái hậu luôn rất nhiều đồ đạc.
Nói thật rằng tuy thái hậu đã gần năm mươi tuổi, tính cách của người cũng không được bao dung điềm đạm, thỉnh thoảng vẫn thường cao hứng bốc đồng, có khi lại khó tính xét nét, la mắng người hầu vô cớ. Chỉ có những người biết ý nhẫn nhịn như vú Lục hay những kẻ miệng lưỡi mềm dẻo dễ nghe như Lâm Thái Uyên mới có thể ở gần bà ta.
Thái hậu ba năm ăn chay trên chùa, một phần cũng do bà ta nghe nói là ăn chay sẽ kéo dài tuổi xuân nên mới cố gắng duy trì ăn chay đến vậy. Ngoài ra thì có một số việc phiền phức của Thái hậu đều là các đại sư nể tình triều đình nên chiếu cố, một mực không có ý kiến gì...
...
...
Dẫu sao cũng phải thừa nhận thái hậu cũng không phải là hoàn toàn vô tâm nhàn rỗi, bà ta luôn nghe ngóng mọi chuyện từ hoàng cung. Việc bận tâm nhất là ba năm tại vị mà hoàng đế chưa có hài tử, hậu cung phi tần đông đến vậy, bao gồm cả cháu gái Uyên phi mà bà ta tiến cử... chẳng nhẽ lại không có đến một người hoài thai?
Chuyện này càng để lâu càng không ổn, hoàng đế nhất định phải sớm có người kế vị, ngôi báu mới có thể vững vàng... Thêm vào đó bà ta cũng muốn có vài đứa trẻ mũm mĩm để còn véo má...
Hôm qua mới nảy ra ý kiến quyết định hồi cung nhân dịp nguyên tiêu, bà ta còn xin ý của các vị đại sư về chuyện hài tử của hoàng đế. Vị trụ trì trầm ngâm một hồi rồi phán rằng có thể do vận khí của hoàng cung không được tốt, tích tụ từ đời hoàng đế này qua hoàng đế khác, tốt nhất là tìm một vị pháp sư tinh thông âm dương thuật đến giải trừ...
Ngoài ra thì đại sư cũng tặng thái hậu một bức tượng Quan Âm bồ tát bế hài nhi...
Thái hậu cũng đã quyết định đem tượng này cho cháu gái Uyên phi của mình để lấy phúc khí.