Ông Dương Thừa Võ ung dung hút thuốc, ông có vẻ phiền muộn. Bà Dương mang ly trà nóng đến cho chồng.
- Mình có điều gì bực mình hả?
Ông Võ ngước mắt nhìn vợ không trả lời, phà khói xong mới hỏi:
- Hai hôm nay Vũ Thường có về không?
- Mấy hôm trước. Có chuyện gì không vậy mình?
- Nó về mà có vui không?
Bà Dương yên lặng một lúc, đáp nhỏ:
- Em thấy nó không được vui lắm. Lúc này nó ốm và xanh quá. Em tưởng nó có bầu, hỏi nó nhưng nó bảo chưa có động tịnh gì hết. Có chuyện gì không mình?
Ông Dương tiếp tục thở khói trong suy tư:
- Mình biết không, sáng nay thằng Triệt đến sở tìm anh lấy thêm một trăm ngàn. Chỉ trong vòng một tháng mà nó đã lấy hết ba trăm. Nó bảo con Thường xài tiền dữ lắm, lúc nào cũng đòi hỏi nó phải giàu có và có thế lực như anh để cung phụng nó. Thằng Triệt định mua lại hết mấy cổ phần của hãng buôn nó đang làm, để tự điều khiển và phát triển cơ sở. Trong hãng ai cũng sợ nó và cố cất nhắc nó lên chức giám đốc mà nó vẫn chưa hài lòng. Nó nhất quyết phải được quyền điều khiển cả hãng Thế Giới Mậu Dịch Công Ty mới bằng lòng.
Ông Dương ngừng một chút để phà khói rồi nhìn vợ cười:
- Tôi biết dù có nói thêm cả buổi đi nữa, bà cũng chẳng hiểu gì cả. Tóm lại là thằng Triệt muốn đoạt cả hãng buôn của người ta.
Bà Dương mở to mắt:
- Nói vậy Thế Triệt nó muốn làm chủ cái hãng đó hả mình?
- Đúng vậy. Nó muốn làm chủ hãng, muốn đoạt cả sự nghiệp của người đã dày công khó dựng lên. Làm như vậy có vẻ thủ đoạn quá. Tuổi trẻ quá hăng say với công việc mà không nghĩ đến đức độ nghề nghiệp, muốn làm là làm Triệt có vẻ hơi thái quá, ít nhất nó cũng đừng nên dồn người ta vào chân tường.
Bà Dương ngần ngừ:
- Ý mình muốn nói là thằng Triệt vì muốn thỏa mãn tham vọng của con Thường nhà mình nên đã dùng thủ đoạn tàn nhẫn quá ư?
- Có lẽ như vậy.
Ông Dương đưa mắt nhìn vào đốm lửa nơi đầu thuốc:
- Con chúng ta thế nào, chúng ta đã biết. Vũ Thường bao giờ cũng háo thắng, nó có chịu thua ai bao giờ đâu. Vợ chồng trẻ, tình yêu còn nồng, thằng Triệt tránh sao cho khỏi việc chiều lòng vợ.
Bà Dương bứt rứt:
- Điều đó em thấy không đúng, vì sự thật không như mình tưởng đâu.
- Tại sao?
- Đối với công việc thương mãi của thằng Triệt, con Thường không biết một tí gì cả.
- Đâu cần nó phải biết, nó chỉ cần thúc thằng Triệt làm cũng đủ chết người ta rồi!
- Vậy là ông cũng công nhận là con Thường nó xúi thằng Triệt đến đòi tiền mình à?
- Cũng không phải như vậy. Thằng Triệt đã thú thật với tôi là nó dấu con Thường chuyện này. Nó mượn tiền anh, chớ chẳng dám mượn của ai khác, sợ con Thường nó biết nó buồn. Vả lại, mình cũng đâu muốn con cái mắc nợ thiên hạ, phải không mình? Thôi thì đành vậy.
- Vậy là mình vẫn cho là Vũ Thường nó...
Ông Dương dụi tắt đầu thuốc:
- Phải, nó cứng đầu quá, bà phải gắng mà khuyên nhủ nó. Thằng Triệt dầu sao cũng là đứa biết cầu tiến, nhưng cũng đừng đẩy nó vào con đường mang tai, mang tiếng như vậy.
Bà Dương phiền muộn:
- Em chỉ sợ Vũ Thường nó chẳng biết tí gì về chuyện này cả. Từ khi nó lấy chồng, em thấy nó thay đổi nhiều, lúc nào cũng ru rú trong nhà, làm gì có chuyện nay đòi này, mai đòi nọ? Em sợ có cái gì khác nữa đây! Hai đứa nó trái hẳn tính nhau, không hiểu nó sống có hạnh phúc không. Mấy hôm trước em có nghe thằng Triệt thường lui tới phòng trà, tửu điếm.
Ông Dương cười to:
- Ai mà nhanh tai, nhanh miệng như vậy? Thôi bà ơi, đàn bà con gái làm sao biết được chuyện làm ăn buôn bán của người ta. Làm nghề này có mấy ai chẳng lui tới chốn phòng trà. Lúc trước thằng Triệt nó còn than là tối ngày cứ la cà mãi chốn ấy nó cũng chán quá. Hơn nữa nó sợ bỏ con Thường ở nhà một mình trơ trọi tội nghiệp. Chuyện đến phòng trà của giới thương mãi là chuyện bắt buộc, thế mà bà lại coi như chuyện động trời nào không bằng. Tôi đã bảo, bà chiều con thì chiều vừa vừa chớ, bây giờ nó đã làm vợ, bà cũng nên bảo nó phải biết đạo nghĩ làm vợ một tí!
Bà Dương âu sầu:
- Sống cạnh kề cả hai mươi năm mà tôi vẫn không dạy được nó nên người. Lỗi tại chúng mình quá nuông chiều, thời con gái đã làm bao nhiêu chuyện động trời, bây giờ làm vợ lại không nên thân!
Ông Dương cắt ngang:
- Bà nói gì vậy? Nói chuyện dạy con với bà bà chẳng cho biết ý kiến lại còn trách móc. Trách móc cái gì nữa chứ?
- Em không trách móc gì cả, em sợ mình nghi oan con Thường.
- Tánh gàn bướng của nó bà chưa biết sao mà lại còn bênh vực? May mà thằng Triệt nó cũng khá dễ bảo, bằng không thì...
Lời ông Dương chưa dứt thì chuông cửa đã reo vang.
- Ai thế? Bây giờ là mấy giờ mà còn khách?
Bà Dương nhìn đồng hồ:
- Hơn mười giờ rưỡi khuya rồi.
Ông Dương nhìn về phía cửa:
- Mười giờ rưỡi rồi mà vẫn còn khách!
Cô Tú Chi đã ra mở cửa. Như cơn gió lùa vào, Vũ Thường và Thế Triệt cùng xuất hiện.
Hai vợ chồng già nhìn nhau ngạc nhiên. Có chuyện gì nữa đây? Thế Triệt với khuôn mặt tái xanh đang tức giận, Vũ Thường đôi mắt đỏ hoe. Bà Dương hỏi:
- Làm sao thế? Hai đứa lại cãi nhau nữa à?
- Thưa ba mẹ.
Thế Triệt dành trả lời trước:
- Con mang Vũ Thường đến đây, mong ba mẹ giải quyết hộ con vấn đề này.
Bà Dương lo lắng:
- Nhưng chuyện gì mới được chứ? Vũ Thường, chuyện gì vậy con?
Vũ Thường chỉ đứng yên khóc, Thế Triệt lên tiếng thay:
- Để con nói. Suốt ngày hôm nay Vũ Thường đi chơi đâu chẳng biết. Con gọi điện thoại về hàng chục lần vẫn không nghe ai trả lời. Nó đi đâu con cũng không hỏi, nhưng phải cho con biết mới phải chứ, đằng này con đã phải bỏ tiệc tùng chỉ để về với nó mà cũng không gặp. Mãi đến hơn tám giờ mới thấy nó lò mò về. Vừa bước vào cửa, ba mẹ biết Thường nói với con thế nào không?
Bà Dương đoán mò:
- Có lẽ nó đề nghị xuất ngoại du lịch phải không?
Thế Triệt đã lớn tiếng trả lời:
- Cô ấy đòi ly dị!
Ông Dương hét:
- Vũ Thường, sao con lắm chuyện thế? Con có điên không?
Vũ Thường quay sang nhìn cha:
- Cha, con biết con có lỗi, nhưng con không thể nào sống với Triệt được nữa.
- Tại sao?
- Anh ấy không yêu con, cũng như con không yêu anh ấy.
- Tầm bậy!
Ông Dương giận dữ:
- Không yêu tại sao lại đòi lấy nhau? Cuộc hôn nhân này là do chính con đề nghị cơ mà?
- Nhưng con đã lầm.
- Lầm à?
Ông Dương trừng mắt:
- Vũ Thường, con làm bậy nhiều thứ lắm cha vẫn có thể tha thứ. Nhưng với hôn nhân, hôn nhân đâu phải là trò đùa đâu mà con nói con lầm? Chọn chồng chứ phải chọn quần, chọn áo đâu mà muốn nay thay mai đổi. Đừng có khùng. Vả lại Triệt đối với con có gì không phải đâu? Vì con, nó đã làm việc như trâu bò. Vì con, nó đã phải suy nghĩ nát óc để tìm cách kiếm tiền cho con tiêu. Con còn chưa hài lòng, con định tìm một ông chồng thế nào
nữa mới vừa ý đây?
Vũ Thường nhìn Triệt, cơn giận dâng lên tận cổ:
- Phải, vì con, vì con Triệt mới có cớ để moi tiền của cha mua xe. Nhờ có con, anh ấy mới lấy được tiền của cha mở công ty, lấy tiền cha đi nuôi điếm chứ!
Ông Dương cắt ngang:
- Thôi, tao biết rồi, có phải mày thấy tao cho tiền nó rồi mày tự ái vặt phải không? Đừng khùng, Vũ Thường, những số tiền đó là do cha tự nguyện cho nó chớ chẳng phải nó lên tiếng xin xỏ gì cả. Mới tạo dựng một sự nghiệp bao giờ cũng gặp nhiều rắc rối, bao giờ thành công, nó sẽ trả lại tiền cho cha cũng không muộn. Vũ Thường, con đừng đặt nặng tự ái như vậy, cha mẹ chỉ có một mình con thôi, tiền này không cho con thì cho ai bây giờ? Riêng về việc thằng Triệt đến phòng trà, tửu quán thì đó cũng là vì công việc làm ăn bắt buộc, con đừng có hờn ghen bậy bạ. Ban nãy mẹ con cũng có nói nhưng cha đã bảo chuyện đó không thể tránh được. Nếu con chịu suy nghĩ kỹ thì con sẽ chẳng làm to những chuyện như vậy bao giờ.
Nước mắt Vũ Thường lăn dài xuống má, nàng nhìn cha lắc đầu.
- Cha! Cha đã quá tin lời Triệt! Cha bị mồm mép hắn làm mờ mắt hết rồi.
Thế Triệt chen vào.
- Đó, cha nghe Vũ Thường nói không? Cô ta nghĩ con thế nào chứ? Một con rắn độc hay một thằng chuyên sống bằng nghề lường gạt? Con đã bảo trước là cha đừng ép con phải mua xe làm gì
- Thôi đừng nói nữa!
Ông Dương cắt ngang, nhìn Thế Triệt với cái nhìn trìu mến:
- Cha biết Vũ Thường hiểu lầm con, nhưng con đừng giận, vì dù sao con quen Thường cũng ba bốn năm rồi, hẳn con đã biết tính nó. Nó đã quen thói muốn cái nào được cái nấy, ba mẹ nuông chiều quá thành ra nó mới hư như vậy. Thôi con bình tĩnh đi về trước đi, để Vũ Thường ở đây, mẹ con sẽ khuyên lơn nó. Mai là nó về với con vui vẻ, con cứ tin cha đi!
Thế Triệt nhìn Vũ Thường rồi nhìn ông Dương:
- Con có thể nói riêng với cha một chút không?
- Được.
Ông Dương kéo tay Thế Triệt ra ngoài. Đứng giữa vườn hoa, Thế Triệt nhỏ giọng nói:
- Tốt nhất cha nên cho người dò xét xem, hình như có người đốc xúi Vũ Thường. Nó còn ngây thơ lắm, con biết, không hiểu ai đã thọc bậy, thọc bạ với nàng là...
Thế Triệt giả vờ thở dài, rồi tiếp:
- Lấy cô vợ con nhà tỷ phú coi bộ khổ quá, ai cũng ghen cả. Phải chi cha chẳng có tiền thì hay biết bao!
Ông Dương vỗ vai Thế Triệt an ủi:
- Cha hiểu con lắm Triệt. Để cha khuyên dần nó!
Thế Triệt vội can:
- Cha đừng rầy la Thường. Đáng lý ra con không nên đưa nàng về, chỉ tại ban nãy con nóng quá!
Ông Dương cười:
- Đó thấy không, con vừa giận lại vừa thương, phải không? Cha nói con nghe, trời sinh đàn bà ra bao giờ cũng làm khổ đàn ông chúng mình. Họ chính là một thứ động vật vừa dễ thương vừa đáng ghét nhất phải không con?
Thế Triệt giả vờ cười buồn, rồi làm ra vẻ lo lắng:
- Cha, còn một chuyện nữa
- Chuyện gì?
- Không phải con nghi ngờ Vũ Thường, nhưng mà...
Thế Triệt bứt rứt:
- Nhưng con nghe nàng và tên ký giả họ Du có một mối liên hệ nào đó.
Ông Dương giật mình:
- Thật à?
Triệt thở dài:
- Con chỉ sợ nàng ly hôn là vì....Giả sử Vũ Thường thật lòng muốn lừa dối con.
Giọng ông Dương ôn tồn:
- Đừng nói bậy! Nó trẻ, không biết gì hết. Con cứ về nhà đi, để cha lựa lời nói với nó. Mới đòi nằng nặc lấy nhau cho được rồi bây giờ đòi ly hôn. Đâu có được.
Thế Triệt ngập ngừng:
- Cha, đừng rầy la Thường quá. Dù Thường có thế nào đi nữa con cũng vẫn...
Ông Dương vỗ vai Triệt thân mật:
- Cha hiểu, con cứ về đi, cha chẳng nặng lời với nó đâu. Ngày mai, cha sẽ mang lại cho con một cô vợ ngoan ngoãn.
Thế Triệt ấp úng:
- Cảm ơn cha, vậy thì con về trước nhé!
- –, về đi!
Ông Dương đưa mắt nhìn theo, nghe tiếng xe tắt hẳn ông mới quay vào. Vừa bước vào cửa đã trông thấy Vũ Thường hai tay ôm đầu ngồi đó.
Bà Dương hết lời giải thích nhưng Vũ Thường vẫn cứ lắc đầu. Ông Dương có vẻ giận, lên tiếng:
- Vũ Thường, con làm trò khỉ gì thế?
Vũ Thường ngẩng đầu lên, đưa mắt buồn buồn nhìn cha:
- Cha, cha đừng tin lời hắn, hắn là một con quỷ.
- Nói bậy.
Ông Dương hét.
- Vũ Thường, con lớn rồi, đã làm vợ người ta mà sao con ăn nói hồ đồ như vậy? Hôn nhân chứ đâu phải trò chơi mà vui thì ở, buồn thì dứt? Lúc đòi lấy người ta thì hối thúc luôn miệng, chậm một ngày cũng không được. Bây giờ lại đòi ly hôn, con có điên không? Thuở xưa ba mẹ chiều con quá thành ra bây giờ con mới muốn trời là đòi cho được trời. Suy nghĩ kỹ đi rồi hãy quyết định con ạ.
Vũ Thường đứng yên, nước mắt chảy dài. Đột nhiên nàng quỳ xuống thảm, ôm mặt van xin:
- Cha, con biết con đã hành động gàn bướng, cố chấp, tạo nên quá nhiều lỗi lầm để cha mẹ phải lo lắng. Con là một đứa con hư, chỉ mang đến phiền nhiễu cho cha mẹ. Nhưng bây giờ con đã suy nghĩ thật kỹ, mong ba mẹ chấp thuận cho con được ly hôn với Triệt, con van cha!
Ông Dương kinh ngạc bước tới giữ lấy vai con:
- Vũ Thường, con nói thế là thế nào? Chuyện gì đã xảy ra thế con?
Bà Dương cũng ngạc nhiên, chưa bao giờ bà thấy Vũ Thường có vẻ khổ sở thế này.
Ngay từ thuở nhỏ, bản tính cao ngạo đã làm cho Thường coi thường, gan lì trước mọi sự, ngay việc bảo nàng cúi đầu để chào một ai nàng cũng không làm. Chắc chắn phải có một cái gì đây! Lòng xót con gái hiếm hoi khiến bà phải bước tới ôm lấy con.
- Có chuyện gì từ từ mà giải quyết con ạ. Làm gì con phải khổ sở thế này? Vũ Thường, Triệt nó đã làm gì con? Con cứ nói đi, mẹ sẽ tìm cách giải quyết. Bây giờ đứng dậy đi.
Vũ Thường nắm lấy tay mẹ, nắm lấy tay cha, nàng vẫn quỳ yên, nước mắt như mưa:
- Con chỉ muốn ly dị, nếu cha mẹ còn thương con thì xin chấp thuận cho con lần cuối cùng này.
Ông Dương bối rối:
- Nhưng ly dị cũng phải có lý do, nó đã làm gì con?
- Anh ấy...Anh ấy....
Vũ Thường không biết trả lời thế nào. Ức hiếp chăng? Vâng, nhưng phải trình bày việc ức hiếp đó như thế nào chứ? Làm thế nào để người cha hiểu rõ được sự thật? Sau cùng Vũ Thường hét to:
- Anh ấy không yêu con!
- Triệt không yêu con hay con không yêu Triệt?
Giọng ông Dương hỏi thật nghiêm khắc. Vũ Thường lắc đầu mà lệ rơi lả tả:
- Cả hai đứa con không ai yêu ai cả. Cha, bây giờ cha vẫn chưa hiểu sao? Triệt mà lấy con là vì tài sản kếch sù của cha. Còn con? Vì giận anh Hòa mà lấy Triệt, thế thôi. Giữa con và Triệt không hề có một liên hệ tình cảm nào cả.
Ông Dương cắt ngang:
- Được rồi, tao hiểu đầu dây mối nhợ là ở đâu rồi. Mộ Hòa! Cũng tại cái thằng Mộ Hòa phải không?
Ông Dương lớn tiếng:
- Con nói thật cho cha nghe. Có phải con muốn ly dị thằng Triệt cũng vì thằng Hòa không? Nói mau!
Vũ Thường nhắm mắt chịu đựng:
- Vâng! Vâng! Vì anh ấy, đúng ra ngay từ buổi đầu con đã chọn anh ấy nhưng con tức giận anh ấy đến độ điên khùng nên mới định trả thù anh ấy bằng cách lấy Triệt, con đã tưởng Triệt yêu con. Nhưng không ngờ nay Triệt rơi mặt nạ quá sớm. Nay con phải làm lại đời con.
Ông Dương giận tái mặt:
- Vũ Thường, con không được nói điên khùng như vậy, chỉ có thằng Triệt tánh tình nhu hòa mới chịu đựng nổi tính gàn bướng của con thôi. Lấy chồng rồi mà con vẫn còn nhớ tới người tình cũ, rồi bây giờ dám cả gan đòi ly dị nữa. Cả đời con gái con gây bao rắc rối chưa đủ sao, bây giờ lại gây thêm phiền muộn cho cha mẹ? Con lớn rồi, hành động phải suy nghĩ cho kỹ, từ nay về sau chẳng bao giờ cha chấp nhận sự gàn bướng của con nữa. Cha không thể nuông chiều con mãi được, nuông chiều chỉ đưa đến cái hại thôi. Ngày mai, con phải ngoan ngoãn trở về nhà, đừng nghĩ đến chuyện ly hôn nữa. Nếu thằng Hòa còn đến đây gây rắc rối, cha sẽ có cách đối phó. Ông chủ nhiệm của nó là bạn của cha, để cha gọi ông ấy hỏi tại sao tòa báo lại cho một thằng ký giả tồi như nó vào làm.
Quay qua bà Dương, ông Dương bảo:
- Bà gắng mà dạy con gái của bà, tôi chịu nó hết nổi rồi.
Nói xong, ông bỏ vào phòng ngủ. Vũ Thường nằm phục trên thảm khóc ngất. Bà Dương ngồi xuống cạnh sờ đầu con. Thấy Vũ Thường khóc thảm thiết quá, bà nghe ruột đứt từng đoạn. Vũ Thường nắm tay mẹ nghẹn lời:
- Mẹ ơi, tại sao mẹ chẳng bảo cho con biết để bây giờ con thấy mình lầm mà vẫn không có quyền trở về đường đúng hở mẹ?
Bà Dương sịt mũi:
- Tội cho con tôi! Mẹ đã bảo con, chuyện hôn nhân là chuyện chung thân đại sự, không thể đùa, thế mà con có nghe mẹ đâu?
Vũ Thường ngồi ngay người lên, nỗi đau khổ ngút ngàn:
- Như thế cuộc hôn nhân này không thể hủy được phải không mẹ?
- Vũ Thường.
Bà Dương nắm tay con:
- Mẹ biết, mẹ hiểu con. Con thật tâm yêu Mộ Hòa, nhưng hãy nghe mẹ. Bây giờ con đã có chồng, nếu ly dị rồi lại lấy người khác, hình bóng người cũ chắc chắn không bao giờ phai mờ trong hạnh phúc của hai đứa, đó là một đe dọa trầm trọng. Người đàn ông nào cũng ích kỷ, dù miệng lưỡi có ngọt ngào đến thế mấy, tim họ vẫn không bao giờ quên được người đàn ông đã đi trước họ trong đời con. Lúc đó hạnh phúc lại lung lay thì con sẽ xử sao? Hơn nữa, thằng Mộ Hòa sau bao nhiêu năm khổ cực trong nghề mới có được chức vụ hiện tại, địa vị đó đâu phải dễ có. Con đòi ly dị với Thế Triệt để lấy Hòa, nhưng con có chắc Thế Triệt chịu để yên như vậy không? Nó ăn không được nhất định nó sẽ phá thối. Con muốn cả sự nghiệp của thằng Hòa phải tiêu tan vì con sao? Làm sao con có thể hạnh phúc được khi Hòa đau khổ. Với đàn bà thì chỉ có tình yêu thuần túy, nhưng với đàn ông, bên cạnh tình yêu còn có danh vọng, còn có sự nghiệp. Con phải ghi nhớ điều này nằm lòng để không phải hối hận.
Vũ Thường ngồi yên.
- Thật tình mẹ không tin lời Thế Triệt như cha con. Mẹ cũng không tin nó là đứa có tài, có tương lai như cha con nghĩ. Nó nhiều tham vọng nên quên mất tình cảm, sẵn sàng làm, bất chấp lương tâm như ông cha của nó, miễn là việc ấy đem đến lợi lộc cho nó. Nhưng bây giờ con đã là vợ của nó, dù nó cưới con vì yêu hay vì tiền đi nữa, chắc chắn không bao giờ nó buông tha miếng mồi ngon đâu. Con muốn ly dị? Bằng cách nào? Triệt không hề hành hạ, đánh đập con, cha nó lại là một luật sư gian manh, con không thể nào giải quyết chuyện này bằng cách ly dị được.
Vũ Thường mở to mắt nhìn mẹ. Bà Dương rướm nước mắt:
- Con hãy nghĩ kỹ đi, làm thân đàn bà lầm lỗi thế nào cũng được, nhưng không có quyền lầm lỗi trong việc hôn nhân. Xứ sở chúng ta quan niệm hôn nhân không thay đổi. Ông chồng có quyền lăng nhăng nhưng bà vợ dù chỉ đi với một người đàn ông khác là cũng bị xã hội lên án. Vũ Thường, trước khi lấy chồng, con có quyền giao du bè bạn thế nào cũng được, nhưng khi đã lấy chồng, tự do bị tước đoạt ngay lúc con đặt tay ký tên, đưa tay ra đeo nhẫn.
Vũ Thường úp mặt lên đầu gối. Giọng mẹ vẫn vang đều bên tai:
- Nghe lời mẹ đi con. Mẹ không bao giờ muốn con khổ. Con đã lấy Triệt, thôi thì phải tuân theo định mệnh vậy, gắng mà làm một người vợ tốt. Hãy quên Mộ Hòa đi con, đó không phải vì con, mà là vì Mộ Hòa đấy.
Vũ Thường không hiểu.
- Gắng nhé con. Thế Triệt chẳng phải là người đàn ông lý tưởng nhất, nhưng nó cũng không thua thiệt ai. Tham vọng chẳng phải là một tật xấu đáng kể của người trẻ. Vũ Thường, con hãy gắng yêu Triệt và làm tròn bổn phận của con trước khi con trách cứ Triệt.
Vũ Thường khóc nức nở khi nghe bà Dương khuyên nàng trở lại với Triệt. Giọng nàng bi thiết:
- Không được, không bao giờ có chuyện đó được, con không thể trở về! Mẹ!
- Nhưng con đừng quên cuộc hôn nhân này là do chính con chọn.
- Vâng, và chính vì hành động rồ dại đó mà bây giờ con phải khổ và có lẽ phải ân hận suốt đời!
Bà Dương khóc theo con:
- Không nhất thiết suốt đời đâu con ạ. Rồi một hai năm sau con sẽ quên hết chuyện cũ. Mộ Hòa cũng phải sống và lập gia đình. Tất cả mọi việc trời đất đã an bài sẵn rồi con ạ. Một lần lầm lẫn, đừng để vấp ngã lần thứ hai. Thế lực của cha con với nhà họ Âu đủ để hủy cả một đời của Mộ Hoà. Vũ Thường, con không còn trẻ con nữa, bây giờ trước khi hành động con phải suy nghĩ cẩn thận.
Vũ Thường vẫn gục mặt xuống:
- Con hiểu, con đã hiểu là dù mình có tranh đấu thế nào cũng chỉ là làm chuyện vô ích.
- Vậy thì ngày mai con hãy ngoan ngoãn về nhà.
Vũ Thường ngẩng mặt lên, cười buồn:
- Làm sao con trở về được? Nhà? Căn nhà con đã chọn lựa, ở đấy có chú hải âu, mẹ có nhìn thấy không?
Bà Dương chẳng hiểu gì cả:
- Hải âu nào? Làm gì có con hải âu nào trong nhà đâu?
- Có một con hải âu, một con hải âu cô độc.
Vũ Thường lẩm bẩm:
- Khi nó bay đã mỏi cánh, nó muốn tìm nơi nghỉ chân nhưng không ngờ rơi vào lòng biển lạnh.
Ngước cặp mắt đầy lệ lên nhìn me, Vũ Thường hỏi:
- Mẹ có nhìn thấy chim hải âu mỏi cánh bao giờ chưa mẹ? Con mẹ đấy!