Nhìn thấy Vân Diệp ngồi xổm ở đỉnh đầu nhìn mình, Hiệt Lợi rống lên muốn tóm lấy y, Vân Diệp cầm cái chân dê lui lại sau, xích sắt trên cổ Hiệt Lợi căng lắm rồi. Trương Bảo Tương lách mình tới, ngăn cách hai người:
- Hầu gia, cứ để như thế này không được, Hiệt Lợi phải sống về tới Trường An, hầu gia tạm thời tha cho hắn đi, tới Trường An rồi ngài có muốn ngũ mã phân thây hắn cũng được.
Tôn Tư Mạc không biết đi vào từ khi nào, cầm một chậu nước thuốc đi tới trước mặt Hiệt Lợi, cho hai tay hắn vào đó, chỉ thấy lớp máu tươi và dầu nổi lên, ông ta dùng vải lau đi, Hiệt Lợi cuối cùng cũng chịu yên tĩnh.
- Cho ngươi nếm đau khổ là chủ ý của lão đạo, lần này tha cho ngươi là vì ngươi còn có chỗ dùng. Anh hùng cho dù có sa cơ thì người khác cũng không xỉ nhục được ...
Vân Diệp liếc nhìn khuôn mặt lạnh tanh của lão đạo, mỉm cười chuẩn bị tới đống lửa tiếp tục nướng cái chân dê đã lạnh của mình, chuyện này Tôn Tư Mạc đã gánh lấy, Vân Diệp không cần thừa nhận nữa.
Hành hạ người ta cũng không phải là sở trường của Vân Diệp, một vị đế vương nhếch nhác thảm hại cũng chẳng có gì hay mà nhìn, ở đời sau đã thấy qua rồi.
Vân Diệp xưa nay chưa bao giờ định làm một người tốt, làm người tốt quá thiệt thòi, khắp thế giới toàn bọn kẻ cướp, sống trong nhung lụa, ăn sơn hào hải vị, còn người tốt nấp trong góc tường gặm bánh mì, quần áo rách rưới. Vân Diệp đã nghiệm chứng ở Trường An ròi, không muốn đi theo con đường cũ.
Người đi theo con đường cũ không phải là không có, Na Mộ Nhật chỉ muốn chăn dê, nàng dẫn mười mấy đứa bé suốt ngày sáng đi tối về, bọn họ có hai mươi con bò, gần một trăm con dê, đều là do nàng nhặt về, cả đám trẻ con kia cũng thế. Bọn họ cầm chĩa cậy tuyết lên, dê dễ dàng ăn được gốc cỏ dưới tuyết. Mấy ngày gần đây nàng không quấn lấy Vân Diệp nữa, tựa hồ tình yêu của nàng đã đi xa rồi.
Vân Diệp coi đó là chuyện cười kể cho Hoạn Nương nghe, ai ngờ Hoạn Nương không cười tiếng nào, đợi Vân Diệp cười xong mới nói:
- Hầu gia, nữ tử trên thảo nguyên là như thế, sống sót vĩnh viễn quan trọng hơn ái tình ngọt ngào, mục dân không có bò dê thì không phải là mục dân, mà gọi là tạp khắc, chính là lưu manh lang thang theo lời người Hán, đó là người ti tiện nhất, họ không có dê bò, chỉ có thể đi chăn dê cho người khác kiếm lấy miếng ăn, nếu như gặp phải năm thu hoạch không tốt, thì loại người đó sẽ bị giết chết trước tiên. Bọn họ không có dê bò, đành phải ăn của người khác, thức ăn trên thảo nguyên ăn một miếng là thiếu đi một miếng, phải đem lương thực cho chiến sĩ cường tráng nhất và nữ nhân giỏi sinh nở nhất. Cuộc chiến này sẽ tạo ra rất nhiều tạp khắc trên thảo nguyên, Na Mộ Nhật không muốn làm tạp khắc nên có hành động đó cũng không lạ. Vả lại mùa đông sắp qua rồi, Na Mộ Nhật không tìm tình lang sinh con vào thời điểm này, vì như thế con nàng sẽ sinh ra vào trong mùa đông lạnh giá, không thể sống được.
Hiện thực lại cho Vân Diệp một bài học, mấy ngày trước còn có suy nghĩ mình là miếng bánh thơm phưng phức ai cũng thích, nghĩ lại mà xấu hổ, Hoạn Nương che miệng cười, nếp nhăn khóe mắt càng sâu, Vân Diệp mặt đỏ dừ trông rất ngốc, thiếu niên là thế, có suy nghĩ cổ quái muốn nữ tử thiên hạ chỉ thích một mình mình, khiến Hoạn Nương cảm thấy hết sức ấm áp mà quen thuộc.
Vân Diệp với Na Mộ Nhật chỉ có chút thiện cảm, chưa thể nói tới ái tình, hiện giờ đột nhiên biết Na Một Nhật cũng chẳng coi mình ra gì, giống như một con dê cái tới mùa giao phối tự nhiên thân cận dê đực mà thôi, không may y là con dê đực mà Na Mộ Nhật nhìn trúng. Mùa đông là mùa giao phối của người thảo nguyên, chỉ có hoài thai vào mùa đông, mới có thể sinh con ra vào mùa thu lúc thức ăn phong phú nhất, cơ hội sống sót cao hơn rất nhiều.
Trừ quý tộc lão gia, mục dân bình thường sẽ không lựa chọn hoài thai vào mùa xuân, vì đời sau khỏe mạnh, bọn họ có lựa chọn giống như dã thú.
Vân Diệp còn biết làm sao được nữa, đành nhún vai, bĩu môi cười tự trào rồi đi tìm Đường Kiệm thảo luận xem khi nào về kinh. Nhìn bóng lưng y biến mất, Hoạn Nương vui lắm, bà mừng vì cuối đời mình tìm được một người tốt, biết buông tay, đó mới là cảm tình thực sự của con người, so với loại cầm thú chỉ thấy nữ nhân là nhào tới thì tốt hơn vạn lần.
….
Hiện giờ trong kho của Hà Thiệu chất đống những thứ kỳ quái, có loan đao gãy, có cung không giây. Đường Kiệm không ngừng lục lọi trong kho, theo cùng còn có Hứa Kính Tông. Đường Kiệm kiếm được một bộ đồ uống rượu bằng gốm xanh, cái bình rượu bát lăng, vòi bình thật dài có một con phi ưng bên trên, phối hợp với chén bát lăng, trông hết thức trang nhã.
Đường Kiệm và Hứa Kính Tông đang nghiên cứu hoa văn trên bình rượu, một người nói là đồ dùng hoàng thất Tiền Tùy, một nói có trước Tiền Tùy, vì phi ưng trên vòi rõ ràng không phải phong cách Trung Nguyên, chỉ có thể là đồ của Tiền Yên hoặc Bắc Ngụy, rất có thể là đồ của Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế khi nam thiên.
Hà Thiệu bên cạnh cười tủm tỉm, nghe xong lại cẩn thận bảo phụ binh bọc mấy món đồ uống rượu lại, cho vào rương gỗ, chắp tay nói:
- May nhờ có Đường hồng lư, Hứa tiên sinh nhắc nhở, nếu không Lão Hà thiếu chút nữa bỏ qua món đồ tốt.
Đường Kiệm nhíu mày, nhìn Hứa Kính Tông, thấy hắn không nói, đành lên tiếng:
- Ta không chọn đồ cho ngươi, mà là chọn cho ta, ngươi cất vào rương làm gì. Lão phu giờ chưa về kinh, mấy ngày tới còn cần dùng nó.
Không đợi Hà Thiệu nói, Hứa Kính Tông nói trước:
- Lão Đường, ông quá coi thường độ dày da mặt của Hà chưởng quầy rồi, mỡ treo bên miệng mèo còn hi vọng lấy về à? Ta không có tâm tư này, cũng không vì chuyện nhỏ mà tức giận, nếu không đã tức chết chẳng còn mạng về Trường An nữa rồi.
Hà Thiệu bày ra bộ dạng ghê tởm hiểu ta chỉ có Hứa Kính Tông:
- Nhãn quang của ngài đúng là số một, đây là văn thư giám định bộ dụng cụ uống rượu này, ghi là được Đường hồng lư nhận ra là đồ hoàng cung Bắc Ngụy.
Đường Kiệm ở Đại Đường cũng nổi danh là mồm mép và mặt dày, bị lời của Hà Thiệu làm ngẹn cứng luôn.
Lửa giận còn chưa hiện lên mặt đã biến thành nụ cười, chắp tay nói:
- Ta thực sự thích bộ dụng cụ uống rượu này, ta mua được không?
Hứa Kính Tông lấy tay che mặt không nỡ nhìn.
Hà Thiệu cười như Phật Di Lặc, miệng ngoạc tới tận mang tai, nắm tay Đường Kiệm nói:
- Ngài thích thì tốt quá rồi, đồ tốt nên ở trong tay người biết hàng, bộ đồ uống rượu này đem đãi khách không thể nhã hơn được. Đều là người quen, vậy hai trăm quan là rẻ rồi, cho người mang tới lều của ngài ngay.
- Ngươi nói bao nhiêu, vừa rồi ta không nghe rõ.
Đường Kiệm ngoáy tai hỏi:
- Hai trăm quan, với ngài mà nói là chút tiền lẻ, chuyến này về kinh thế nào chẳng thăng quan phát tài, bỏ ra hai trăm quan mua thứ mình thích là gì đâu.
- Ta còn nhớ vừa rồi những thứ này ngươi mua chỉ tốn có hai trăm đồng, sao bán cho ta lại thành hai trăm quan?
Đưởng Kiệm chỉ thẳng mặt Hà Thiệu quát tháo:
Hà Thiệu sớm có tài nhổ mặt tự khô, cười hì hì không cãi lại, lại Đường Kiệm tức mà không làm gì nổi.
Khi Vân Diệp tới thì nhà ngoại giao vĩ đại nhất của Đại Đường bị Hà Thiệu làm tức xì khói, nhưng đồ không phải của mình, nói rã họng Hà Thiệu cũng coi như gió thoảng bên tai, cười ha hả hạ xuống còn một trăm tám mươi quan, không nhượng bộ nữa.
- Lão Hà, ngươi làm như vậy là không phải rồi, dù gì mọi người cũng là đồng liêu, sao ngươi không để ý thể diện chút nào, vì vài đồng thôi mà cùng Lão Đường tranh cãi đỏ mặt tía tai, không sợ binh sĩ cười cho à?
Hứa Kính Tông bảo với Vân Diệp:
- Ta nhìn trúng một bộ Trúc lâm sử thoại, nói trước trên người ta không có một xu, sách ta lại muốn, hầu gia xem mà làm.
Hà Thiệu dùng con mắt cầu khẩn nhìn Vân Diệp, hắn sợ cái tên bại gia tử trứ danh này mở miệng một cái mấy trăm quan của mình không cánh mà bay.