Bát Tư Ba giấu tôi trong áo, quay sang hỏi một vú em có gương mặt đôn hậu, chất phác. Người đó cung kính thưa:
- Bẩm, Thế tử rất yếu, đêm nào cũng khóc hoài không dứt, cứ bón thuốc là lại nhè ra, nhưng thuốc đắng dã tật, không thể không uống. Mấy ngày qua, chúng tôi thay phiên nhau túc trực bên Thế tử nên Thế tử cũng đã khá hơn.
Lòng tôi thắt lại, tôi sốt ruột thò đầu ra khỏi ngực áo Bát Tư Ba. Tội nghiệp thằng bé, còn đỏ hỏn mà đã phải thuốc thang, đắng ngắt như vậy làm sao bé chịu nổi? Chàng khẽ ấn vào người tôi, ra hiệu cho tôi không được nóng nảy, sau đó quay sang nói với tất cả các vú em và thị nữ:
- Các cô đã vất vả chăm sóc Thế tử, ngày sau Thế tử lớn lên mạnh khỏe, phái Sakya sẽ không để các cô thiệt đâu. Nhưng ta cũng nhắc để các cô nhớ, nếu kẻ nào lười biếng, dối trá hoặc vì tham lam đồ đút lót của kẻ xấu, đang tâm hãm hại Thế tử, ta quyết không tha!
Bọn họ nhất loạt quỳ xuống, dập đầu, không dám ho he. Bát Tư Ba lệnh cho họ lui ra ngoài rồi đưa tôi lại gần chiếc nôi. Đôi mắt tôi như bị thôi miên.
Đứa bé non nớt, đỏ hỏn trong nôi kia là Dharmapala của tôi sao? Trong trí óc tôi chỉ lưu lại ấn tượng rất mơ hồ lúc bé vừa chào đời. Còn lúc này, gương mặt của bé đã dài hơn, cái mũi bé xíu, đôi má xinh xắn, có thể thấy rõ từng đường nét của Kháp Na, rất đẹp! Chỉ có điều, cơ thể của bé không mập mạp bằng những đứa trẻ cùng tháng khác. Những âm thanh phát ra từ cái miệng nhỏ xinh của bé yếu ớt như tiếng mèo con. Sống mũi cay sè, tôi trào nước mắt. Dharma, mẹ xin lỗi vì đã không chăm con thật tốt lúc mang thai.
Chàng cúi xuống sát vành nôi, thò ngón tay vào, khẽ đùa với chiếc cằm đáng yêu của Dharma, giọng nói êm ái, ánh mắt dịu hiền:
- Nó rất giống Kháp Na, đúng không?
Tôi gật đầu đồng tình rồi nhẹ nhàng đặt móng vuốt lên đôi má măng sữa của bé. Dharma chợt mở mắt, đôi đồng tử đen láy đảo qua đảo lại, bàn tay nhỏ xíu của bé túm chặt lấy móng vuốt của tôi, cái miệng phát ra những tiếng “a…a…” rất dễ thương. Đột nhiên, tôi bật khóc.
- Lam Kha, ta phải nói cho em biết về nguồn gốc của căn nhà gỗ này.
Chàng đặt tôi cạnh Dharma rồi ngồi xuống bên nôi.
- Trong một tháng em hôn mê bất tỉnh, đã xảy ra một chuyện.
Thì ra hôm đó, sau khi truyền linh khí cho Dharma, tôi đã ngất đi và trở lại nguyên hình, Bát Tư Ba lập tức ra lệnh cho mọi người rời khỏi căn phòng. Bé Dharma đã chào đời, tin tức Kangtsoban đẻ non sớm muộn cũng truyền đền tai Jichoi ở Shalu. Vì là ông ngoại nên chắc chắn Jichoi sẽ đôn đáo chạy đến thăm con gái và cháu ngoại. Đến lúc ấy, phải ăn nói làm sao với Jichoi và Kangtsoban?
Bát Tư Ba đã suy nghĩ rất nhiều, đột nhiên nhớ ra thi thể đã đóng băng của Kangtsoban trong sơn động trên núi Benbo. Tối hôm đó, cậu dẫn theo Senge và Dampa lên núi đưa Kangtsoban xuống, ngay hôm sau đã tuyên bố Vương phi của Bạch Lan Vương qua đời vì đẻ khó. Thế nên đội ngũ báo tin vừa đến Shalu thì đoàn người báo tin dữ cũng tới. Jichoi khóc sưng mắt trên đường đến Sakya.
Jichoi đề nghị chôn cất Kangtsoban cùng với Kháp Na nhưng Bát Tư Ba không đồng ý. Kháp Na được hỏa táng vì chàng là bậc cao tăng đại đức của nhà Phật. Trong khi đó, theo tập tục ở đất Tạng, phụ nữ không được hưởng nghi lễ hỏa táng trang trọng kia. Thế nên, Bát Tư Ba đã tổ chức tang lễ trọng thể cho Kangtsoban theo nghi thức thiên táng, gửi gắm linh hồn Kangtsoban cho thần Chim ưng.
Giờ đây, sợi dây kết nối duy nhất giữa Shalu và Sakya là nhóc Dharmapala đang nằm trong nôi. Jichoi rất mực cưng nựng cháu ngoại, ông ta đề nghị đưa Dharma về Shalu nuôi dưỡng để tránh bầu không khí chết chóc nặng nề ở Sakya, nhưng Bát Tư Ba kiên quyết phản đối. Và để Jichoi được yên lòng, chàng đã đề nghị hai bên cùng hợp sức, trong vòng một tháng, xây dựng xong căn nhà bằng gỗ kiên cố để bảo vệ sự an toàn của Dharma. Nếu Jichoi không tin tưởng đội thị vệ của Sakya, ông ta hoàn toàn có thể cử vệ sĩ trung thành nhất của Shalu đến canh gác ngày đêm tại nơi ở của Dharma.
Lính canh ngoài kia đều là hộ vệ mà Jichoi cử đến.
Chàng thở dài, nhìn quanh một lượt.
- Tất cả đồ đạc và đồ chơi mà Kháp Na và em chuẩn bị cho bé, ta đều cho chuyển hết tới đây.
Tôi đưa mắt nhìn theo cánh tay chàng, hầu hết những đồ đạc trong phòng như: thùng tròn tập đứng, ngựa gỗ,… đều là đồ chơi của Bát Tư Ba và Kháp Na lúc còn nhỏ, Kháp Na đã sai người đóng lại cho chắc chắn và sơm màu bắt mắt. Những món đồ thấm đượm tình phụ tử ấy khiến tôi nhớ đến gương mặt tràn đầy niềm hy vọng và ngóng đợi ngày con chào đời của Kháp Na, lòng tôi chùng xuống.
Bát Tư Ba tiếp tục câu chuyện:
- Vú em nuôi dưỡng Dharma đều được tuyển chọn kĩ càng từ những gia đình tử tế. Người nào được mời làm vú nuôi của Dharma thì cả gia đình sẽ dọn đến sinh sống ở Sakya. Như thế, một là để vú nuôi yên tâm phục vụ Thế tử, hai là để đề phòng nguy cơ có kẻ bắt bớ, khống chế người thân của vú nuôi và ép cô ta hãm hại Dharma.
Chàng chậm rãi cất bước, nền nhà vang lên những tiếng cọt kẹt.
- Nền nhà được xây cao thế này để nếu kẻ xấu đột nhập thì dù hắn đi lại nhẹ nhàng cỡ nào, cũng sẽ phát ra tiếng kêu. Nếu hắn có ý định lợi dụng đêm tối bắt cóc thằng bé, cũng khó mà đạt được mục đích.
Tôi băn khoăn nhìn chàng. Vật liệu gỗ kỵ nhất là lửa, nếu là kẻ thù, chắc chắn tôi sẽ phóng hỏa. Như đọc được suy nghĩ của tôi, chàng mỉm cười đầy tự tin.
- Em đừng xem thường độ chịu lửa của căn nhà gỗ này, nó còn tốt hơn những căn nhà thông thường khác rất nhiều bởi nó được dựng lên bằng gỗ thông, bốn mặt trát than chì. Gỗ thông gặp nóng thì nở ra, có thể ngăn chặn kẻ xấu đút lửa vào khe hở. Còn than chì có tác dụng chịu lửa rất tốt, cho dù ngoài kia có xảy ra hỏa hoạn, lửa cháy ngùn ngụt thì căn phòng này vẫn có thể chống đỡ trong một khoảng thời gian rất dài.
Tôi thở phào nhẹ nhõm, mê mải ngắm nghía đứa bé xinh xắn trong nôi. Bé đang ngủ rất say, đôi mắt khép lại, toàn thân căng tràn mùi sữa non, chốc chốc cái miệng xinh xinh lại tóp tép. Tôi sững sờ, lúc mơ ngủ Kháp Na cũng có thói quen đó. Hai cha con giống nhau quá!
Chàng nhấc tôi ra khỏi chiếc nôi, thở than:
- Ta biết em rất khổ tâm vì mặc dù là mẹ đẻ của Dharma nhưng em không thể nhận con.
Lòng tôi chợt ảm đạm. Với bộ dạng thế này, tôi nhận con làm sao được? Vả lại, Dharma cũng không thể chấp nhận điều này! Tôi không có ý định nói cho nó biết. Nó phải sống với thân phận là cháu ngoại của Vạn hộ hầu Shalu suốt đời.
Giỗ bốn mươi chín ngày của Kháp Na, Bát Tư Ba tổ chức một pháp hội cầu siêu long trọng tại đền Qiong Ke ở Qumi. Chàng và các nhà sư làm lễ dâng hương, chắp tay quỳ lạy ba lần, vẻ mặt đau buồn, u uất. Người ta thắp lửa sáng cả ngôi đền, trên tay mỗi nhà sư là một ngọn đèn dầu, cả đại điện trở nên lung linh bởi những đốm lửa bập bùng cháy sáng. Bát Tư Ba, mắt nhòe lệ, nhấc tấm thẻ gỗ ghi tên Kháp Na trên bàn thờ xuống, bỏ vào đống lửa. Âm thanh tụng niệm lầm rầm vang lên, vọng khắp ngôi đền. Nước mắt đầm đìa ngực áo Bát Tư Ba, tôi không rõ đó là nước mắt của chàng hay của chính mình nữa.
Sau buổi pháp hội, Bát Tư Ba tháo băng quấn vết thương trên tay chàng. Từng lớp vải rơi xuống, bàn tay chàng lộ ra. Tuy vết thương đã lành nhưng lòng bàn tay có một vết sẹo kỳ lạ, như thể bị bỏng vậy. Vết sẹo nổi lên nhức nhối, khiến cho bàn tay với những ngón thuôn dài, đẹp đẽ của chàng trở nên thô ráp, xấu xí.
Tôi nhìn trân trân vào vết sẹo trong lòng bàn tay Bát Tư Ba rồi ngẩng lên, dùng ánh mắt dò hỏi. Chàng chỉ giải thích qua loa: Đêm túc trực bên linh cữu Kháp Na, cây nến đổ vào lòng bàn tay từ lúc nào mà chàng không hay biết nên mới bị bỏng như vậy.
Thấy tôi đau lòng, cứ liếm mãi lòng bàn tay chàng, Bát Tư Ba vội rụt tay lại, giấu sau lưng.
- Không sao đâu, ta khỏi rồi.
Chàng dõi nhìn khoảng không xa tít tắp, ánh mắt u buồn:
- Nay mọi việc đã tạm ổn, chúng ta phải về Trung Nguyên thôi.
Đầu tháng Chín năm đó, khi ngựa xe đã sẵn sàng lên đường, chàng cho gọi những nhân vật chủ chốt của giáo phái vào phòng riêng để căn dặn từng việc.
Chàng nói với Zhuoma và Kunga Zangpo:
- Ta giao Dharma cho hai người. Hãy tận tâm chăm sóc để thằng bé được lớn lên khỏe mạnh. Ngày sau, ta hứa sẽ tổ chức hôn lễ cho Dharma và con gái Jumodaban của hai người.
Vợ chồng Zhuoma bất ngờ, không tin vào tai mình. Kunga Zangpo lập tức quỳ xuống, lắp ba lắp bắp:
- Dạ bẩm…tôi xuất thân hèn mọn, đâu dám nhận vinh hạnh này… Làm vậy thật thiệt thòi cho Thế tử!
Bát Tư Ba gật đầu hài lòng:
- Jumodaban chỉ hơn Dharma một tuổi, dung mạo xinh xắn, dễ thương, ta thấy chúng rất xứng đôi.
Ngập ngừng một lát, giọng nói của chàng trở nên bi thương lạ thường:
- Vả lại, khi còn sống, Kháp Na đã rất tin tưởng cậu. Ta hy vọng hai người sẽ bảo vệ giọt máu duy nhất của đệ ấy bằng mọi giá, kể cả phải hy sinh tính mạng.
Kunga Zangpo dập đầu quả quyết, giọng nói nghẹn ngào:
- Xin pháp vương yên tâm, mạng sống của Kunga Zangpo trước kia thuộc về cậu chủ Kháp Na, bây giờ sẽ thuộc về Thế tử!
Bát Tư Ba đỡ Kunga Zangpo đứng dậy, quay sang phía bản khâm Shakya Zangpo, nắm chặt bàn tay đồi mồi của đại sư, xúc động nói:
- Bản khâm, công việc xây dựng đền Nam Sakya phải trông cậy vào thầy rồi!
Shakya Zangpo xúc động hứa rằng:
- Thưa pháp vương, tuy đã có tuổi nhưng tôi nhất định sẽ dành trọn thời gian còn lại của đời mình cho công trình này, nhất định sẽ xây dựng thành trì khang trang, đẹp đẽ nhất cho phái Sakya.
Bát Tư Ba gật đầu mãn nguyện:
- Sau khi trở về Trung Đô và xử lý xong xuôi mọi việc, ta sẽ lập tức quay lại Sakya.
Shakya Zangpo do dự một lát, thưa rằng:
- Thưa pháp vương, hiện thế hệ sau của phái Sakya có hai người con trai. Cậu chủ Dani, con trai ngài Yeshe, lớn hơn Thế tử Dharma sáu tuổi. Đã đến lúc phải đón cậu ấy về đây để học tập các pháp môn của giáo phái, theo ngài…
Sắc mặt Bát Tư Ba bỗng thay đổi:
- Không cần đi đón. Pháp thống và gia tộc sẽ do một mình Dharma kế thừa.
Tất cả những người có mặt lúc đó đều bàng hoàng, sững sờ, ngay cả tôi đang trong tâm trạng buồn bã, ủ rũ cũng giật mình ngẩng lên. Shakya Zangpo lên tiếng:
- Nhưng theo truyền thống của giáo phái, con trai lớn kế thừa pháp thống, con út kế thừa huyết thống. Nếu Bạch Lan Vương còn con trai khác nữa thì không có gì phải lo lắng, nhưng…
Nhận thấy sắc mặt của Bát Tư Ba càng lúc càng tối sầm, ông ấy bèn lùi lại phía sau, giọng nói lí nhí khi cố gắng trình bày nốt:
- Dani là anh, kế thừa pháp thống, Dharma là em, kế thừa huyết thống, như vậy là hợp lý.
Bát Tư Ba nghiêm mặt nói:
- Không cần bàn luận thêm nữa. Đối với ta, Dharma là đứa cháu trai duy nhất. Để nó kế thừa pháp thống và huyết thống của giáo phái cũng không có gì bất ổn. Ngày sau, nó sinh được hai con trai, sẽ lại phân chia quyền thừa kế theo truyền thống của giáo phái.
Shakya Zangpo không dám nhiều lời, đành gật đầu vâng dạ. Vợ chồng Zhuoma tất nhiên hoàn toàn ủng hộ quyết định của Bát Tư Ba. Senge và Dampa chỉ là đệ tử, không dám can thiệp vào chuyện nhà của phái Sakya. Mọi người đều cung kính rời khỏi phòng của Bát Tư Ba.
- Em trách ta vì quyết định chuyện hôn nhân của Dharma quá sớm phải không?
Thấy tôi mặt ủ mày chau, đi đi lại lại trên đệm trải, chàng ôm tôi lên, ghì chặt vào lòng.
- Chuyến đi này, nhanh cũng phải mất ba năm. Ta phải bảo đảm rằng, lúc ta không có mặt ở đây, Dharma vẫn được an toàn. Ta không còn cách nào khác ngoài việc nhờ cậy những người ta có thể tin tưởng tuyệt đối. Cũng mừng là hai đứa trẻ sẽ được sống với nhau từ nhỏ, lớn lên chúng sẽ là thanh mai trúc mã, như vậy sẽ tốt hơn việc phải kết hôn với những người hoàn toàn không quen biết, đúng không?
Tôi lắc đầu. Đó không phải là điều khiến tôi lo lắng, bởi vì thực lòng, tôi rất yêu mến Jumodaban. Tôi chỉ sợ rằng, khi tin tức này lan truyền tới Vân Nam, Yeshe chắc chắn không chịu để yên. Dù Bát Tư Ba đã bố trí canh gác cẩn mật nhưng tôi vẫn bồn chồn, lo lắng. Thằng bé còn non nớt như vậy mà đã phải đối mặt với dông bão, với hằn thù và giết chóc. Tôi không muốn xa Dharma, cho dù tôi chỉ là một hồ ly nhỏ bé, đã mất hết linh khí, tôi cũng muốn ở bên, bảo vệ con trai tôi.
Nên khi Bát Tư Ba đưa tôi đến gặp Dharma lần cuối trước lúc lên đường, tôi thừa dịp chàng không để ý, lẻn trốn đi. Bát Tư Ba huy động rất nhiều người hầu đi tìm tôi khắp nơi. Tôi vốn thông thạo địa hình, địa thế ở Sakya, ban ngày tôi trốn trên cây để không ai có thể tìm thấy. Tôi định sẽ đến thăm con trai sau khi Bát Tư Ba rời khỏi Sakya. Nhưng trời vừa sẩm tối, lòng tôi lại cồn cào không yên. Tôi đành mạo hiểm lẻn vào phòng Dharma. Cơ thể nhỏ bé của tôi không gây ra tiếng động lớn khi bước đi trên sàn gỗ nên tôi vô cùng mừng rỡ trèo vào trong nôi, ngắm nghía gương mặt đáng yêu của Dharma khi con đang say ngủ, cái miệng chốc chốc lại tóp ta tóp tép. Thằng bé đáng yêu đến nỗi khiến trái tim tôi tan chảy. Tôi nhìn bé không chán, nhưng không hiểu sao thị lực của tôi càng ngày càng kém đi. Chợt sàn gỗ vang lên âm thanh cọt kẹt, tôi chưa kịp quay đầu lại đã bị Bát Tư Ba bế xốc lên, giọng chàng nhè nhẹ vang bên tai tôi:
- Ta đoán không sai, chỉ cần chờ ở đây là sẽ tìm được em.
Tôi bực mình đá vào người chàng, giãy giụa vùng thoát. Giờ đây, khi không còn linh khí, cả khứu giác, thính giác nhạy bén của tôi cũng mất hết, bằng không, chàng đừng hòng tóm được tôi dễ dàng như vậy. Thì ra chàng đã chờ sẵn ở đây, chẳng trách, không có vú em nào ở bên cạnh Dharma. Tôi buồn bực vì đã “trúng kế” của Bát Tư Ba, cắn vào tay chàng. Chàng khẽ kêu lên nhưng kiên quyết không chịu thả tay ra.
- Lam Kha, đừng trốn nữa! Đưa em rời xa Dharma, ta biết em sẽ giận ta, nhưng ta buộc lòng phải làm vậy. Ta phải đưa em đi tìm Hoàng hậu Khabi, cô ấy là người duy nhất có thể cứu em.
- Có thể em không bận tâm đến việc có khôi phục được linh khí hay không, không bận tâm đến việc bản thân đã trở nên nhỏ bé, yếu ớt, nhưng nếu không mang hình hài con người, làm sao em nhận con trai được? Lẽ nào em muốn suốt đời phải trốn trong góc khuất, lén lút nhìn ngắm nó? Em không muốn được ôm nó vào lòng sao?
Tôi nhìn chú bé con trong nôi, nước mắt đầm đìa. Từ khi bé ra đời đến nay, tôi chưa lần nào được ôm nó vào lòng. Tôi đã thèm muốn điều đó biết bao! Lòng xót xa vô hạn, tôi há miệng, bàn tay chàng vẫn còn nguyên vết răng của tôi. Tôi ân hận liếm láp vết thương ấy, không biết nước bọt của tôi có còn phát huy tác dụng chữa bệnh như trước không.
Chàng thở dài, vuốt ve tôi, chẳng hề bận tâm đến vết thương kia.
- Lam Kha, đừng cố chấp nữa. Ta hứa, sau khi em lấy lại được hình hài con người, ta sẽ lập tức đưa em về Sakya!
Ngước nhìn gương mặt đôn hậu, hiền từ, tràn ngập tình yêu thương của Bát Tư Ba dưới ánh trăng, nước mắt tôi rơi lả chã, tôi đã gật đầu. Tôi ngoảnh lại nhìn con thêm một lát, thầm an ủi: “Dharma, nhất định con sẽ bình an, nhất định con sẽ trưởng thành mạnh khỏe. Hãy chờ ngày mẹ con ta đoàn tụ!”
Tháng 9 năm 1267, sau khi lo liệu chu tất hậu sự của em trai Kháp Na Đa Cát, Bát Tư Ba lên đường trở lại Trung Đô. Trước ngày khởi hành, Bát Tư Ba phát thống cáo mời các cao tăng đại đức của tất cả các giáo phái lớn tập trung tại Damxung, phía Bắc đất Tạng, để tiễn chàng lên đường.
- Em biết vì sao ta làm vậy không? – Khi chúng tôi yên vị trên xe ngựa, chàng hỏi tôi. – Chắc em biết, ta vốn không thích phô trương thanh thế.
Càng ngày Bát Tư Ba càng thích trò chuyện với tôi, chàng kể cho tôi nghe mọi chuyện, từ những việc vụn vặt thường ngày đến những việc chính sự khiến chàng bận lòng, dù chàng biết rằng tôi không thể trả lời. Người ngoài nhìn vào, sẽ thấy hành động của chàng thật kỳ quặc, vì chàng quá mức cưng nựng, yêu chiều một tiểu hồ ly lông lá xơ xác, đi đến đâu cũng ôm nó trên tay, ngay cả lúc ngủ, cũng không rời, còn thường lẩm bẩm trò chuyện với tiểu hồ ly nữa. Điệu bộ ấy khiến người ta cảm thấy lạ lùng và nực cười. Nhưng Bát Tư Ba hoàn toàn không để tâm đến ánh mắt của người đời.
- Ta làm vậy là vì Dharma. – Chàng cúi xuống, dịu dàng vuốt ve sống lưng tôi. – Lần này về Trung Nguyên, không rõ khi nào mới có thể trở lại Sakya. Ta buộc phải cảnh cáo tất cả các giáo phái, để họ biết rằng ta và phái Sakya là thủ lĩnh của đất Tạng. Thanh thế của phái Sakya càng lớn, Dharma càng được an toàn, yên ổn.
Tôi nằm yên lặng trên đùi chàng. Dharma thật may mắn, vừa chào đời đã được cha chú mở sẵn một khoảng trời rộng mở, hoạch định sẵn một tương lai tươi sáng. Nhưng nếu được lựa chọn, tôi tin rằng, Kháp Na sẽ mong con trai mình được sống bình yên, vui vẻ, hơn là sống cuộc sống giàu sang quyền quý mà bao người mơ ước này.
Giữa tháng Mười một năm đó, dãy núi tuyết trùng điệp, sừng sững xuất hiện trước mắt chúng tôi. Tám tòa tháp (bát tháp) của miền Bắc nổi bật trên hồ nước xanh như ngọc khiến lòng người chợt dấy lên cảm xúc kính ngưỡng vô hạn. Tám tòa tháp này được xây dựng để tưởng niệm viên đại tướng Shagkha, bề tôi trung thành của Đức vua Gelsall vĩ đại. Nơi đây chính là cửa ngõ đầu tiên của đất Tạng – Damxung.
Damxung nằm dưới chân ngọn núi chính thuộc dãy Nyainqentanglha, độ cao tương đương vùng Sakya. Theo kế hoạch trước đó, Bát Tư Ba đã cho lập một trạm nghỉ tại đây. Hồ nước thiêng lớn nhất Tây Tạng – Namtso – nằm dưới chân ngọn núi tuyết vĩnh cửu Nyainqentanglha này. Đang là tháng mùa đông rét đậm, tuyết lớn ào ạt trút xuống, băng tuyết phủ trắng phân nửa diện tích hồ thiêng Namtso. Tất cả các pháp vương (kể cả pháp vương Chung Dorje của phái Drikung) và cao tăng đại đức của các giáo phái đều đã có mặt tại Damxung từ rất sớm, trừ pháp vương Chongni của phái Phaktru, hiện đang ở Trung Đô.
Bát Tư Ba dừng chân tại trạm nghỉ Damxung hơn mười ngày. Trong suốt thời gian này, chàng đã tận dụng cơ hội để giao lưu, đàm đạo với các giáo phái. Hơn hai năm sau khi trở về đất Tạng, sau bao vất vả, cực nhọc, thành tựu mà Bát Tư Ba gặt hái được là phần lớn các giáo phái và quan lại địa phương đã chịu thần phục phái Sakya, tôn Bát Tư Ba làm thủ lĩnh của đất Tạng. Ngay cả pháp vương Chung Dorje của phái Drikung cũng phải tỏ ra rất mực cung kính, ứng xử nhã nhặn với Bát Tư Ba. Đáp lại, Bát Tư Ba cũng rất mực ôn tồn, lịch duyệt, người khác chẳng thể nhận ra, giữa Drikung và Sakya từ lâu đã tồn tại một mối hận thù sâu sắc, không thể hóa giải.
Nhưng tôi không thể kìm lòng, chỉ muốn xé xác tên Chung Dorje đó ra thành trăm nghìn mảnh. Một ngày nọ, trong buổi gặp mặt riêng giữa Bát Tư Ba và Chung Dorje, tôi đã xông ra, ngoạm vào đùi hắn.
Chung Dorje kêu lên đau điếng, cúi xuống, túm lấy đuôi tôi, giật mạnh ra khỏi người hắn. Tôi đau đớn kêu gào nhưng kiên quyết không chịu nhả hắn ra. Hắn tức tối kẹp chặt cổ tôi. Bát Tư Ba vội vàng lao đến, vừa ra sức đẩy tay hắn vừa nạt nộ tôi:
- Lam Kha, buông ra!
Tôi đã ngoạm được một miếng thịt trên đùi hắn! Tôi quắc mắt nhìn, nhai rau ráu miếng thịt đẫm máu, nuốt ừng ực. Chung Dorje ôm vết thương nhầy nhụa máu, rên la thảm thiết:
- Đồ súc sinh đáng chết! Để rồi xem, tao sẽ phanh thây mày!
Bát Tư Ba ôm tôi vào lòng, ném ánh mắt hình mũi tên về phía hắn:
- Pháp vương Chung Dorje, đây là hồ ly của ta. Ta không cho phép bất cứ kẻ nào đụng vào nó!
Người hầu của Chung Dorje vội vàng kéo đến, bọn chúng tròn xoe mắt và hốt hoảng khi thấy hắn quỳ dưới nền tuyết, máu tươi trào ra, ướt đẫm một bên đùi. Bát Tư Ba cúi xuống ngó Chung Dorje, khóe môi treo một nụ cười lạnh lùng, giọng nói như băng giá:
- Đây mới chỉ là sự cảnh cáo. Rồi sẽ có một ngày, cái ác phải đền tội!
Dứt lời, Bát Tư Ba phất tay áo, ôm tôi bỏ đi. Tôi ngoảnh lại nhìn, thấy hắn ngồi phịch trên đất, vẻ mặt bàng hoàng, khiếp sợ.
Khi chúng tôi về phòng, Bát Tư Ba đặt tôi lên giường, nhìn tôi nghiêm nghị:
- Lam Kha, bây giờ em đã không còn linh khí, ta không cho phép em mạo hiểm như vậy nữa đâu!
Tôi xấu hổ quay mặt đi, nhưng chàng kiên quyết xoay tôi lại, đối diện với chàng, tôi đọc thấy trong giọng nói của chàng vẻ bực bội:
- Em cho rằng ra không muốn trả thù cho Kháp Na ư? Ta muốn lắm chứ, nhưng bây giờ chưa phải lúc. Hôm đó, ta không tận mắt chứng kiến bọn chúng phục kích ta trên núi Kiewu, tất cả dấu vết đều đã được xóa sạch, chỉ có duy nhất một người làm chứng là dì năm, nhưng bà ta đã chết. Tuy ta đã ra sức kìm hãm nhưng phái Drikung vẫn rất mạnh. Ta không thể nôn nóng, cần phải kiên nhẫn thu thập mọi bằng chứng.
Tôi lặng lẽ cúi đầu. Chàng thở dài, ôm tôi vào lòng, dùng khăn tay lau vết máu vương bên mép tôi, dịu dàng nói:
- Trước kia em đã bảo vệ ta và Kháp Na, bây giờ, hãy để ta bảo vệ em.
Cuối tháng Mười một, sau hơn mười ngày dừng chân tại Damxung, Bát Tư Ba tiếp tục lên đường. Hôm đó, tất cả pháp vương và cao tăng đại đức của các giáo phái đều tập trung hai bên đường để đưa tiễn Bát Tư Ba. Màu áo tăng ni đỏ sẫm của hàng vạn nhà sư nổi bật trên nền núi tuyết trắng xóa và hồ thiêng xanh như ngọc. Đó là cảnh tượng trang nghiêm, long trọng chưa từng có.
Xe ngựa lộc cộc lăn bánh, Bát Tư Ba vén rèm cửa, ngoảnh lại nhìn. Ngọn núi cao nhất trên dãy Nyainqentanglha khuất dần, đất Tạng ngày một cách xa chúng tôi. Trên bàn tay đang bóp chặt thành cửa xe của chàng nổi lên những đường gân xanh.
- Lam Kha, nhất định sẽ có ngày ta trả thù cho Kháp Na. Ta sẽ tìm ra từng kẻ một và bắt chúng phải đền tội.
~.~.~.~.~.~
Chàng trai trẻ đổi tư thế, chọn cho mình kiểu ngồi dễ chịu nhất trên thảm trải.
- Chừng ấy giáo phái đến đưa tiễn Bát Tư Ba nhưng có lẽ không ai trong số họ cũng có thiện chí, đúng không? Nhất là phái Phaktru và phái Drikung.
- Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Nhưng ngoài mặt thì họ vẫn phải tỏ ra tuân lệnh pháp vương.
Tôi cời than hồng để ngọn lửa bập bùng cháy sáng.
- Lãnh tụ tôn giáo lên đường đến triều đình nhà Nguyên ở Trung Nguyên, các giáo phái khác tập trung tại một nơi để đưa tiễn lãnh tụ của mình. Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong chuỗi lịch sử cát cứ, phân lập của Tây Tạng diễn ra một sự kiện trọng đại như vậy.
Chàng trai trẻ mỉm cười:
- Chắc chắn đó là ngày lễ vô cùng long trọng.
- Đúng vậy. Thủ lĩnh của tất cả các giáo phái đều phải cúi đầu trước Bát Tư Ba. Cậu biết không, các giáo phái Phật giáp Tây Tạng rất coi trọng vai vế, thân phận nên nghi thức chào hỏi của họ cũng đặc biệt phức tạp và nghiêm khắc, thậm chí, ngay cả việc ngồi khoanh tròn trên đệm trải cũng phải phân biệt lớn bé, cao thấp rõ ràng, nếu không sẽ xảy ra tranh cãi kịch liệt.
- Vậy mà thủ lĩnh của các giáo phái đều phải răm rắp nghe theo hiệu lệnh của Bát Tư Ba, lập tức đến Damxung tập trung. – Chàng trai trẻ tỏ ra rất mực già dặn khi kết luận. – Điều này đủ để minh chứng cho vị thế và uy thế vô cùng to lớn và quan trọng của Bát Tư Ba ở Tây Tạng khi đó.
Tôi cười:
- Vào đời nhà Thanh, phái Gelug nắm quyền cai trị Tây Tạng, cũng đã học theo Bát Tư Ba. Vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm của giáo phái này, trước khi lên đường đến Bắc Kinh yết kiến Thuận Trị, cũng lệnh cho thủ lĩnh các tất cả các giáo phái tập trung ở Damxung để đưa tiễn. Hơn một trăm năm sau, Ban Thiền đời thứ sáu đi Bắc Kinh yết kiến Càn Long, cũng yêu cầu các thủ lĩnh tập trung ở Damxung.